01:22:am 31/12/10
Tự do ngôn luận là linh hồn của mọi thứ tự do. (Voltaire)
VN hiện không có tự do ngôn luận
Việt Nam muốn tiến lên thì phải có tự do ngôn luận, tự do đóng góp ý kiến và tự do phản biện. Có như thế nhà nước và nhân dân mới có được những ý kiến có gía trị để có được những nhận định chính xác và những hành động khôn ngoan. Chính quyền nói do dân vì dân thì phải biết lắng nghe nguyện vọng của dân, chớ chính quyền mà bịt miệng bịt mồm dân thì còn biết nghe ai, tối ngày chỉ nghe bọn xu nịnh xúi quảy làm những chuyện bất nhơn thất đức thì chính quyền ấy không sớm thì muộn cũng phải đổ thôi. Do vậy, chính quyền và nhân dân cũng cần phải biết thế nào là tự do ngôn luận?
Theo Bán nguyệt san Tự do ngôn luận của linh mục Chân Tín xuất bản “chui” hoặc là xuất bản “lậu” hay còn gọi là xuất bản “bất hợp pháp” để nói lên cái quan điểm về tự do ngôn luận của mình:
“Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị đượcLiên Hiệp Quốc biểu quyết năm 1966, Việt Nam xin tham gia năm 1982, đã xác nhận:“Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi loại tin tức và ý kiến, không phân biệt ranh giới, bằng miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng nào khác theo sự lựa chọn của mình”( điều 19.2). Và Hiến pháp nước CHXHCNVN, cũng phần nào lập lại:“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin” ( điều 69)
(Bán Nguyệt san Tự Do Ngôn Luận số 1 ra mắt ngày 15-4-2006)
Riêng tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc nói lên cái quan niệm của ông về tự do ngôn luận như sau:
“Trong các quyền tự do của con người, điều tôi quan tâm nhất là tự do ngôn luận. Bởi, một phần, có lẽ tôi là nhà văn; phần khác, quan trọng hơn, theo tôi, không có tự do ngôn luận, rất nhiều quyền tự do khác sẽ trở thành vô nghĩa. Chẳng hạn, có thể nói đến tự do tư tưởng mà lại không có tự do ngôn luận được không?Tư tưởng là cái gì cần được bộc lộ và chia sẻ. Nghĩ ngợi sâu xa đến mấy mà không được quyền mở miệng ra nói với ai thì tư tưởng để làm gì? (VOANews online ngày 29-3-2010)
Giáo sư Lữ Phương, cựu đảng viên cộng sản, từng giữ chức vụ thứ trưởng bộ Văn hóa trong chính phủ cách mạng lâm thời CHMNVN trả lời phỏng vấn với nhận định gay gắt về cái đảng độc tài mà ông đã từng phục vụ:
“Quan trọng hơn cả là sinh hoạt dân chủ tự do, là lãnh vực mà chủ nghĩa cộng sản cho là không thể khoan nhượng được. Cho nên vẫn cứ chập chờn, đảng và nhà nước vẫn quyết tâm không mở cửa cho sinh hoạt dân chủ tự do. Do đó đã xảy ra những vụ trấn áp trí thức, đàn áp tự do ngôn luận rất là thô bạo”.
(Việt Tide số 31 ngày 15-2-2002)
Tầm quan trọng của quyền tự do ngôn luận đã được vị thủ tướng Trung quốc Ôn gia Bảo và nhiều cựu lãnh đạo TQ như ông Lý Nhuệ, nguyên thư ký của Mao trạch Đông, ông Giang Bình, giáo sư luật, nguyên Ủy viên ban Pháp luật Quốc hội TQ, ông Hồ vi Cơ, cựu Biên tập viên báo Nhân Dân TQ… nhận định như sau:
“Vốn được xem như là một nhân vật có đầu óc cởi mở hơn Hồ cẩm Đào, ông Ôn gia Bảo đã gây bất ngờ vào đầu tháng 10 vừa qua với những lời tuyên bố chưa từng có trên đài truyền hình Mỹ CNN, những tuyên bố đã bị kiểm duyệt ở Trung quốc.
“Hôm đó, thủ tướng Trung quốc đã nói:“Tôi tin là quyền tự do ngôn luận là cần thiết ở mọi quốc gia. Chúng ta phải tạo điều kiện cho người dân chỉ trích hành động của chính phủ”. Ông Ôn gia Bảo còn thừa nhận là những lời kêu gọi cho dân chủ và tự do sẽ trở nên“không cưỡng lại được”.
“Chỉ mới hôm qua (13-10), 23 cựu cán bộ lãnh đạo Trung quốc đã cho công bố trên internet một bức thư ngỏ gởi Quốc hội kêu gọi tự do ngôn luận. Trong bản kiến nghị, mà sau đó đã bị gỡ xuống, các tác giả cho rằng “Nếu đảng cộng sản không tự cải tổ, không tự chuyển đổi, đảng sẽ chết một cái chết tự nhiên”.
(RFI online ngày 14-10-2010)
Trong khi ông Ôn gia Bảo “tạo điều kiện cho người dân chỉ trích hành động của chính phủ” thì ở Việt Nam qua sự nhận định của ông Jef Julliard, người đứng đầu phòng nghiên cứu thuộc RSF, một tổ chức nhân quyền Quốc tế chuyên cổ võ cho tự ngôn luận, tự do báo chí trả lời phỏng vấn của RFA đưa ra nhận định như sau:
“Tôi muốn nói là nhà nước Việt Nam không chấp nhận bất kỳ một sự chỉ trích nào, không cho phép người dân được tự do phê bình chính quyền. Ở Việt Nam có rất nhiều điều cấm kỵ mà người dân nói chung, và nhà báo nói riêng, không được phép nói đụng tới”. (RFA ngày 17-10-2007)
Bằng cái quyết định 97/2009/QĐ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngăn cấm không cho bất cứ cá nhân hay một tổ chức nào đóng góp ý kiến “phản biện” đi ngược với đường lối của đảng và chính phủ ngay cả tổ chức khoa học- công nghệ gồm những chuyên gia, trí thức giàu lòng yêu nước đã từng góp công xây dựng chế độ. Chính vì cái quyết định 97 này mà Hội Nghiên cứu Phát triển IDS của tiến sĩ Nguyễn quang A phải tự giải thể.
Còn riêng ông Hoàng ngọc Danh, thành viên Ban Soạn thảo Quyết định 97 thì nói:“Các tổ chức tư nhân có quyền phản biện các chủ trương đường lối chính sách của đảng và nhà nước, nhưng phải gửi đến các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản”.
Thế nhưng ngay cả đại tướng Võ nguyên Giáp gửi thư phản biện về vấn đề bauxite ở Tây nguyên đã 3 lần mà không có cơ quan nào trả lời ông cụ cả, cũng như trung tướng Đồng sĩ Nguyên và thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã bao phen thắc mắc về vụ cho mướn trên 300.000 ha rừng đầu nguồn mà có ai trả lời các ông ấy đâu. Họ hoàn toàn im lặng. Như vậy phản biện mà phải trình với cơ quan có thẩm quyền thì cũng như đưa vào hư không.
“Thủ tướng VN Nguyễn tấn Dũng vừa ký quyết định về tổ chức Khoa học- Công nghệ, trong có quy định mới về ý kiến phản biện…
“Một trong những điểm bị chỉ trích nhiều nhất là trong Điều 2, nói về phản biện. Điểm này quy định trách nhiệm thành lập tổ chức KH&CN là “Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của đảng, nhà nước, cần gửi ý kiến phản biện đó cho cơ quan đảng, nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học công nghệ”.
“Có ý kiến thậm chí gọi đây là “bịt miệng” phản biện xã hội”. (BBC online ngày 18-8-2009)
Vấn đề bịt miệng những người có ý kiến “phản biện” thì là đã có từ lâu qua các việc làm nghe lén và cắt điện thoại khi họ trả lời các báo đài nước ngoài và cả những hành động bẩn thỉu mà cả thế giới đều biết.
Tất cả những người có ý kiến trái ngược với đảng và nhà nước dù ôn hòa bằng phương tiện blog cá nhân, facebook hay trên các trang mạng thông tin thì cũng bị quy tội: tuyên truyền chống phá nhà nước (Điều 88) hoặc hoạt động lật đổ chính phủ (Điều 79) của luật hình sự. Cái luật này có nhiệm vụ làm cái còng và là miếng băng keo bịt miệng những người có ý kiến “đóng góp” hay những tiếng nói phản biện làm thiệt hại quyền lợi của “nhóm lợi ích”.
Theo tin đài BBC thì ông Nông đức Mạnh TBT đảng CSVN tuyên bố “dứt khoát với ‘ý kiến mang động cơ xấu’, cho rằng tác gỉa của các ý kiến này đã “lợi dụng việc góp ý để hoạt động chống đối phá hoại”, lãnh đạo đảng cho hay họ sẽ “kiên quyết phê phán và dứt khoát bác bỏ”. Góp ý mà không vừa ý thì tặng lại cái mũ phản động là thường sự của người cộng sản.
Đài RFI, phóng viên Thanh Phương đưa tin “Hoa kỳ lên án những vi phạm quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam ”, có đoạn viết:
“Theo đại sứ Mỹ Michael Michalak, từ việc ngăn chặn truy cập trang mạng xã hội Facebook, các vụ tấn công những trang mạng chỉ trích chính quyền, cho đến những quy định kiểm soát chặt chẽ hơn các quán ca phê Internet và các trang blog, năm nay, quyền tự do trên Internet đã có một bước thụt lùi đáng kể ở việt Nam. Ông Michael Michalak tố cáo đã có hơn 24 người bị bắt giữ và hơn 14 ngưòi khác bị xem là vi phạm pháp luật chỉ vì đã bày tỏ một cách ôn hòa chính kiến của họ”. (RFI online ngày 9-12-2010)
Qua bao sự kiện kể trên và còn nhiều việc đàn áp khác nữa chính quyền CSVN cho chúng ta thấy rằng: ở Việt Nam không có tự do ngôn luận, do đó mà ông Tống văn Công, nguyên Tổng biên tập báo Lao Động đã thiết tha kêu gọi:
“Thực hiện ngay tự do ngôn luận để phát huy dân trí, dân khí, dân quyền, làm cho tiếng dân vang lên một ý chí tự cường dựng nước và giữ nước”.
(Đối Thoại online ngày 25-10-2010)
Đại Nghĩa sưu tầm
© Đàn Chim Việt
.
.
.
No comments:
Post a Comment