Hà Văn Thịnh – Đại học Khoa học Huế
31/12/2010
Dù sao cũng buộc phải làm “nhà sử học” cho dù không ít đồng nghiệp vẫn thích gọi tôi là nhà báo. Đó cũng có thể là do cho rằng tôi chưa / không phải là nhà khoa học. Mới đây (12.12.2010), trong một buổi bảo vệ luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử thế giới ở thành phố H., một PGS nói: “Em [tức là người mới bảo vệ thành công luận văn] là Thạc sĩ, có nghĩa em là nhà khoa học” (?). Câu nói đó chẳng khác gì vả vào mặt tất cả những người tạm biết về khoa học và thật ngây ngô, chẳng lẽ cứ có bất kỳ mảnh bằng nào, là ngay lập tức thành nhà khoa học sao? Đây có lẽ là phát ngôn hay nhất theo cách phân loại của Trương Duy Nhất chứ không phải chuyện cụ Triết cho “Thánh Gióng về trời để vui thú điền viên”. Dài dòng như thế để nói rằng tổng kết, lạm bàn về lịch sử là một trong những chức năng của nghề nghiệp. Nếu có gì sai, xin các vị cứ góp ý thoải mái – miễn là đừng quá hằn học, vì đôi khi nuốt không nổi cái lẽ viết để góp cho đời vài cọng cỏ mà cứ bị thảy lên bờ xuống ruộng rào rào, bị chửi cho te tua theo cách một chiều, do những điều “sai” nhưng không sai và tuy đúng nhưng vẫn sai (từ lãnh đạo, an ninh, đến các loại web)…
1. Cái nổi bật nhất của năm 2010 là nỗi buồn. Dù các nhà kinh tế học, các quan chức có nói gì đi nữa bằng cái mênh mông của uyển ngữ thì thực tế rõ như ánh sáng ban ngày là năm qua, những người nghèo đã phải sống khó khăn hơn, vất vả nhiều hơn và bi quan cũng nhiều hơn.
Giá vàng tăng gấp đôi có nghĩa là chuyện tích lũy (thói quen không thể bỏ được của người Việt – có của có nghĩa là phải có vàng) gần như bằng không. Làm cả năm không sắm nổi một chỉ vàng phòng lúc sa cơ lỡ vận thì tăng trưởng cái nỗi gì? Ít nhất, 60/90 triệu người Việt lâm vào hoàn cảnh đó.
Bàn về sự mất giá của đồng tiền Việt, các chuyên gia nước ngoài ý vị nói điều hành thiếu hiệu quả, nhưng ai cũng biết nhập siêu từ Trung Quốc đến 14 tỷ USD (trong khi Trung Quốc nhập siêu từ ASEAN cũng bằng thế, 14 tỷ USD), Vinashin thất thoát trăm ngàn tỷ, đại lễ tiêu tốn vô số (nhiều đến mức… chưa thống kê nổi!), số lượng công chức, nhân viên an ninh, quốc phòng sau 10 năm tăng đến 327% (từ 349.000 lên 1.491.000 người), nợ công sắp sửa vượt quá mức an toàn…, thì không lạm phát mới là chuyện lạ.
Đừng đưa ra quá nhiều mỹ từ, những “thành quả” đếm cua trong lỗ theo cách Vinashin sẽ có lãi sau vài năm nữa, hay “nó” đã thực sự “mới” rồi (ông Nguyễn Trần Bạt nói ông rất buồn khi mới cải tổ Vinashin có mấy ngày mà có người đã cười tươi về cái sự “mới”?)… Cách chối bỏ sự thật để làm tạm yên những tiếng thở dài của lòng dân như thế chẳng khác gì coi thường hiểu biết của dân, sự am tường của không ít trí thức.
2. Phẫn nộ là điều nổi bật tiếp theo.
Làm sao người dân có thể thỏa mãn được sự khó tính của hoài nghi khi cả trăm ngàn tỷ thất thoát vẫn cứ phải chờ kiểm điểm vô thời hạn?
Làm sao ông Nguyễn Trường Tô và 15 quan chức nữa cứ ung dung tự tại trong khi những nạn nhân của ông – những đứa trẻ chưa kịp lớn vẫn cứ phải ngồi tù? “Môi giới mại dâm” thì môi giới cho ai? Nếu không tìm ra các đối tượng cấu thành tội phạm thì sao không truy tố mấy đứa con nít về tội vu khống? Chuyện đời của xã hội thời nay nhiêu khê hơn cả nồi cơm quá lửa.
Làm sao một quan chức có đủ tiền để mua cái trống đồng 2.000 năm tuổi với giá 1,2 triệu USD lại chỉ có thể bị “kỷ luật” bằng cách… nghỉ hưu?
Những câu chuyện tương tự có nhiều lắm. Nhiều đến nỗi các nhà khoa học gặp nhau chỉ biết nhìn quanh, mắt la mày lét rồi cười vu vơ! Chưa bao giờ có một thế hệ trí thức “bình tĩnh” như bây giờ cũng là chuyện đáng nghĩ, đáng lưu tâm, đáng bất bình, và không ít khi, đáng phải phẫn nộ. Có lẽ nên chuyển toàn bộ trí thức nước nhà về định cư ở hai tỉnh Quảng Bình – Hà Tĩnh rồi đổi tên thành tỉnh Bình Tịnh là hợp lý chăng? Bình tịnh đến mức đau đớn trước mọi điều sai, mọi cái lố của thời cuộc, trong khi công nhân nơi này, nơi khác đói quá, khổ quá cứ liên tục đình công một cách cô đơn, phải chăng là chỉ dấu đúng, “bổn phận” của kẻ sĩ thời nay?
3. Đau đớn về sự khốn khó của ngư dân, sự ngang ngược của Trung Quốc, sự lộng hành coi nước người chỉ bằng 1% con mắt của các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải vẫn đã, đang và, mãi sẽ vẫn là nỗi đau nhức khôn nguôi.
Làm sao có thể có hữu nghị khi người ta ngang nhiên cấm đánh bắt cá trên vùng biển của ta hàng tháng trời mà quan chức Việt Nam chỉ phản ứng lấy lệ, để rằng thì là mà?
Cái sự bất bình từ sự ngang ngược của nước người thì cứ tạm coi là khó giải quyết vì… chưa làm gì được. Nhưng, cả một bộ phim cho đại lễ ngàn năm, lấy văn hóa Tàu nhận nước cho ướt sũng ngôi đền thiêng của lòng tự hào dân tộc bằng 90% cảnh trí, nội dung thì quả thực, bàn về sự thật (chức năng cơ bản của sử học) chỉ là chuyện của xa xỉ phẩm mà thôi.
4. Suy đồi văn hóa có thể là một từ quá nặng nhưng lại đúng: Chưa bao giờ xã hội nhiễu nhương như thời nay. Học sinh nữ đánh bạn hội đồng, trẻ con lớp 5 tự tử vì tình, các clip về nud, về lộ hàng nhan nhản khắp net, cây xăng bơm thiếu, hàng giả hàng nhái tràn lan, công an đánh đập trẻ vị thành niên, bằng dởm – chức thật như là “đặc trưng” văn hóa…, là những tệ nạn nhiều không kể xiết và làm bất lực mọi nhà thống kê học. Điểm chung của vấn đề là nỗi buồn bất tận. Xin ví dụ: Xem 2 cái clip cảnh công an bắt gái mại dâm và tấn công vũ trường Century, cái chung nhất, rõ nhất là ngôn ngữ mày – tao! Có thể đó chỉ là một thiểu số sĩ quan ít học thích hoạnh họe làm càn, nhưng cũng phải chua xót để bụng bảo với dạ rằng mày – tao là quan hệ đích thực của những điều sai, sự cướp bóc bằng tham nhũng, sự lộng hành của rất nhiều quan chức thời nay. Khi người dân chỉ đáng với kiếp làm mày thì lẽ tất nhiên, tao muốn hành xử thế nào chẳng được!
5. Điểm sáng để hy vọng là kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng cho dù tính bền vững là câu hỏi ngày càng lớn hơn. Đại hội Đảng sắp khai mạc là điều người dân đang ước mong về sự thay đổi, tiến bộ mặc dầu chẳng ai dám chắc là ít hay nhiều.
Sự kiện ông cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nói về “vua xã hội chủ nghĩa”, vua tập thể lãnh đạo – có thể coi là tiếng nói báo hiệu cho sự tỉnh ngộ, đòi hỏi về thay đổi. Thật tiếc và cũng thật buồn là giá như sự tỉnh ngộ đó diễn ra sớm hơn thì dân được nhờ, nước có lộc, Còn nay, nói như đại tá Borodirosky trong bộ phim cùng tên của Ba Lan thì “Cỏ mọc xanh nhưng ngựa đã chết rồi”!
Mặc tất cả những nỗi buồn, sự đóng góp cho Văn kiện Đại hội Đảng của hàng chục cựu quan chức cao cấp, các nhà trí thức hàng đầu đã nói lên rằng dù muốn hay không, các nhà hoạch định chính sách nhất định phải thấy cho được, cho rõ nhu cầu thay đổi. Nếu không thay đổi, không tiến bộ thì chắc chắn sẽ không còn lòng dân và niềm tin nữa!
Chào năm 2011 với biết bao trăn trở, dằn vặt là tâm trạng chung của hàng triệu con người đang âu lo cho vận nước. Ai chẳng muốn thấy cái ngày Việt Nam được mở mặt, mở mày và người dân có được dân chủ, ấm no? Trong Di chúc, không phải chính Hồ Chủ tịch đã nhấn mạnh ở câu cuối cùng là sau khi có hòa bình, độc lập, thống nhất thì mục tiêu duy nhất là dân chủ và giàu mạnh. Không hề thấy Hồ Chủ tịch nhắc đến mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội trong cả 1.319 chữ của Bản Di chúc bất hủ ấy!
H. V. T.
Huế, 30.12.2010
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
.
.
.
No comments:
Post a Comment