Dân Luận
Thứ Hai, 11/10/2010
Dân Luận hân hạnh giới thiệu tới độc giả buổi hội luận cùng Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (tên gọi tắt là Việt Tân), xoay quanh sự kiện bốn đảng viên đảng này vừa bị bắt giữ tại Việt Nam. Đại diện Việt Tân tham gia hội luận gồm có ông Nguyễn Quốc Quân và ông Đặng Vũ Chấn, cả hai ông hiện là Ủy Viên Trung Ương Đảng của Việt Tân.
Đây là lần đầu tiên Dân Luận tổ chức một cuộc hội luận như thế này, với mục đích tạo dựng một diễn đàn độc lập để các tổ chức chính trị tiếp xúc với công chúng, cũng như để công chúng có thể đặt câu hỏi chất vấn các tổ chức chính trị về những vấn đề mình quan tâm. Chúng tôi mong rằng nếp sinh hoạt chính trị lành mạnh này sẽ được duy trì đều đặn với nhiều cuộc hội luận khác trong tương lai.
Cuộc hội luận, như chúng tôi đã thỏa thuận trước với Đảng Việt Tân, sẽ gồm hai vòng. Vòng Một bắt đầu bằng một bài giới thiệu về mình của Đảng Việt Tân (xem dưới đây), và sau đó độc giả Dân Luận có cơ hội đặt câu hỏi dưới dạng phản hồi trong thời gian hạn định là một tuần. Ban Biên Tập Dân Luận sẽ chọn ra 10 câu hỏi đáng quan tâm nhất trong số các câu hỏi độc giả gửi lên để chuyển tới đại diện Việt Tân, để đại diện Việt Tân trả lời chúng bằng một bài viết đăng trên Dân Luận.
Độc giả Dân Luận sẽ tiếp tục đặt câu hỏi vòng Hai dựa trên phần trả lời vòng Một, cũng trong thời gian một tuần. Ban Biên Tập sẽ lại chọn 10 câu hỏi mà chúng tôi cho là đáng quan tâm nhất để gửi tới Việt Tân. Đại diện Việt Tân sẽ trả lời câu hỏi vòng Hai và kết thúc cuộc hội luận bằng một bài viết trên Dân Luận. Thời gian để đại diện Việt Tân trả lời mỗi lần là 3-4 ngày, như thế ước tính cuộc hội luận lần này sẽ kéo dài khoảng 20 ngày (hay 10 ngày cho một vòng). Trong thời gian này, Đảng Việt Tân có thể cử đại diện của mình trao đổi và trả lời thắc mắc của độc giả bên ngoài lề cuộc hội luận.
Ban Biên Tập Dân Luận giữ quyền lựa chọn câu hỏi từ độc giả, và trong trường hợp không có câu hỏi từ độc giả, chúng tôi sẽ đặt câu hỏi của mình tới đại diện Việt Tân. Chúng tôi cũng giữ quyền từ chối cho đăng tải các câu hỏi từ phía độc giả, nếu xét thấy chúng sử dụng ngôn từ thiếu tôn trọng người đối thoại, mang tính khiêu khích hoặc mạ lỵ.
Dưới đây là bài tự giới thiệu mà chúng tôi nhận được từ đại diện Việt Tân. Mời độc giả Dân Luận đặt câu hỏi của mình ở dưới phần phản hồi, và mười câu hỏi đáng quan tâm nhất sẽ được chọn và gửi tới đại diện Đảng Việt Tân vào cuối ngày 18/10/2010.
_______________________________
MỞ ĐẦU HỘI LUẬN: ĐÔI LỜI GIỚI THIỆU VỀ ĐẢNG VIỆT TÂN TỚI ĐỘC GIẢ DÂN LUẬN
Bối cảnh thành lập:
Đầu thập niên 80, trong lúc người dân trong nước nói chung khi không chấp nhận chế độ CS, thì chỉ nghĩ tới một con đường là tìm cách trốn chạy vượt biên vượt biển tìm tự do, thì một số nhỏ vẫn ở lại bám trụ, rút vào rừng lập những ổ kháng cự tìm đường phục quốc. Ở hải ngoại, trong lúc người Việt tỵ nạn nói chung vẫn còn chìm ngập trong nỗi u sầu cay đắng cảnh mất nước nhà tan, đồng minh phản bội, thì một số nhỏ đã lại đi ngược giòng tỵ nạn, tìm đường trở ngược lại quê hương, tìm cách bắt tay với các lực lượng phục quốc để cùng mưu tìm cứu nước khỏi họa CS. Một số những người trở về và những người kháng cự phục quốc ở trên đã tập hợp với nhau tại Đông Dương và dựng nên Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (gọi tắt là Việt Tân) vào năm 1982, với cựu phó đề đốc Hoàng Cơ Minh làm chủ tịch đầu tiên.
Dưới thời kỳ toàn trị tuyệt đối của CSVN, Việt Tân đã hoạt động bí mật đằng sau Mặt Trận Quốc Gia thống Nhất Giải Phóng VN (MTQGTNGPVN). Trong thời kỳ này, Việt Tân qua MTQGTNGPVN chú trọng đến việc phục hồi lại niềm tin của người Việt vào chính sức mạnh của dân tộc, gầy dựng lại tâm thức tự chủ, không lệ thuộc vào bất cứ thế lực siêu cường nào như Nga, Mỹ, Tàu, để khỏi mang nước ta làm thân phận con chốt thí trên bàn cờ tranh chấp thế giới. Trong tinh thần đó, các đảng viên tiên phong của VT đã miệng nói chân đi làm cách mạng, xây dựng cơ đồ đấu tranh bằng chính sức mình và người Việt mình, nuôi dưỡng duy trì và phát huy tinh thần đấu tranh cho tự do dân chủ, đánh đổi lấy bằng sự hy sinh của chính sinh mạng mình, và cũng qua đó tạo nên một truyền thống VT.
Cũng nhờ đó, mặc dù đã trải qua bao thăng trầm, mất mát, có những lúc bị đánh phá áp lực nặng nề từ nhiều phía, Việt Tân vẫn kiên trì đi tới, và càng ngày càng phát triển từ trong ra ngoài nước và đã bước vào giai đoạn công khai hóa, trước tiên ở hải ngoại vào năm 2004 và đang dần dần công khai hóa ở trong nước để chính thức trực diện thách thức chế độ độc tài CSVN, cùng toàn dân xây dựng xã hội dân sự, tháo gỡ mọi cơ chế độc tài, đặt nền móng dân chủ, canh tân đất nước.
Đảng Việt Tân (VT) nhìn thấy sự tệ hại của Đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) như thế nào:
Lý thuyết của Đảng CS chủ trương đấu tranh để phục vụ cho quyền lợi giai cấp công nhân và nông dân. VT phục vụ cho quyền lợi của mọi thành phần dân tộc. Chính vì thế mà VT đã thu hút được các thành viên thuộc mọi từng lớp, mọi thành phần trong xã hội.
Lý thuyết của Đảng CS đặt nền tảng trên mâu thuẫn giai cấp, thúc đẩy sự hận thù hủy diệt nhau để làm động cơ đấu tranh. VT lấy tình thương làm động lực tranh đấu. Người đảng viên khi vào đảng có thể vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có thù hận, giận ghét, nhưng dần dần được thấm nhuần rằng mình đi đấu tranh vì tình thương, cho sự sống tốt đẹp tử tế hơn của tất cả mọi người trong xã hội bao gồm chính mình và gia đình mình.
Đảng CSVN chủ trương thiết lập chuyên chính vô sản của giai cấp công nông mà Đảng CS là đại diện lãnh đạo, phải nắm chính quyền bằng mọi giá. VT chủ trương canh tân đất nước và con người Việt Nam không phân biệt giai cấp, và không chủ trương nắm chính quyền bằng mọi giá và nhắc nhở đảng viên mình phải luôn phục vụ dân tộc trong mọi cương vị, dù VT có nắm chính quyền hay không. Như thế, Đảng CSVN xem việc Đảng nắm quyền lực là cứu cánh để biện minh cho mọi phương tiện kể cả dùng chiêu bài độc lập dân tộc, còn bên này, Đảng Việt Tân nhắc nhở đảng viên mình rằng Đảng chỉ là phương tiện để phục vụ cứu cánh là dân tộc, sao cho "Dân Giàu Nước Mạnh" là chính yếu, phải đặt trên cả quyền lợi của Đảng mình.
Đảng CSVN du nhập chủ thuyết Cộng Sản quốc tế vào Việt Nam và đã tìm cách cải tạo uốn nắn xã hội và con người Việt Nam qua sự chuyên chế để áp đặt chủ nghĩa này lên dân tộc. Việt Tân không đưa ra một chủ thuyết giáo điều nào, mà chỉ đưa ra những ý niệm căn bản, như là nguyên tắc hành xử "Hòa và Đồng", và ý hướng "Canh Tân" để sao cho "Dân Giàu, Nước Mạnh". Dân Giàu, Nước Mạnh là ước mơ của mọi người Việt Nam, Canh Tân là khát vọng được rõ nét từ thế kỷ 19 trong lịch sử dân tộc khởi đi từ Nguyễn Trường Tộ, đến Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, cho đến ngày hôm nay vẫn còn nguyên vẹn. Như thế một bên, Đảng Cộng Sản Việt Nam cố áp đặt một chủ thuyết không tưởng với thực chất là đáp ứng cho quyền lợi của một thiểu số thống trị, trong khi Việt Tân đặt quan tâm hàng đầu là đáp ứng nguyện vọng lâu đời của cả dân tộc.
Đảng Cộng Sản Việt Nam hay đồng hóa dân tộc Việt Nam và Đảng CS là một, nên Đảng CS tự coi là đại diện duy nhất của dân tộc Việt Nam và "Yêu Nước là Yêu XHCN". Trong khi đó, Việt Tân coi mình chỉ là một thành phần nhỏ trong đại khối dân tộc, và quan niệm rằng không một tổ chức, đảng phái, hay thành phần nào có thể tự một mình giải quyết những vấn nạn chung của dân tộc và xây dựng đất nước. Như thế, một bên, Đảng Cộng Sản Việt Nam cao ngạo độc đoán, còn bên này, Việt Tân, ý thức rất rõ khả năng giới hạn của mình, cần hợp tác với mọi đảng phái tổ chức khác trong tinh thần đa nguyên cởi mở để canh tân đất nước.
Danh xưng của Đảng Cộng Sản Việt Nam thể hiện một Điểm Đến là tình trạng thế giới cộng sản, tức mục đích của chủ nghĩa CS. Như thế một khi mà mục đích đã đạt, thì Đảng Cộng Sản Việt Nam khó còn lý do tồn tại. Và khi mà Điểm Đến trên đã chứng tỏ chỉ là một bánh vẽ không tưởng, đã bị lịch sử nhân loại đào thải, thì Đảng Cộng Sản Việt Nam càng không còn lý do để tồn tại. Trong khi đó danh xưng Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng thể hiện một tiến trình Canh Tân linh động thích ứng với mọi thời đại; do đó, Đảng Việt Tân luôn luôn cần thiết với thời gian vô hạn.
Chủ Trương Đường Lối hiện nay của Việt Tân:
Phải tháo gỡ độc tài nhưng không cần dùng bạo lực và chiến tranh. Vì quá nhiều đổ nát và chia cắt qua bao cuộc chiến trong suốt thế kỷ 19, 20, người Việt không thể làm thiệt hại thêm tiềm năng vươn lên của đất nước. Chiến tranh cũng là đấu trường mà chế độ độc tài có nhiều ưu thế qua việc nắm trong tay bộ máy bạo lực.
Do đó VT chủ trương:
Ðối đầu bất bạo động để tháo gỡ độc tài:
Nhiều dân tộc đã đi qua con đường này để giải thoát chính mình với tối thiểu đổ vỡ và tổn thất. Ðây là đấu trường mà dân ta có nhiều vũ khí và tiềm năng hơn bạo quyền. Người dân có thể cùng nhau:
1- Kéo dần các thẩm quyền quyết định trong xã hội về tay người dân.
2- Bất hợp tác để giảm thiểu và sau cùng cắt đứt các nguồn lực đang nuôi sống chế độ độc tài
3- Soi mòn các trụ cột quyền lực - cảm hóa từng con người còn lương tâm và cô lập từng cá nhân ác ôn trong guồng máy bạo quyền..
Khi số người tham gia đủ đông, 3 mũi công song song kể trên sẽ đẩy chế độ độc tài đến lằn mức tê liệt và tan rã.
Xây dựng xã hội dân sự đặt nền dân chủ:
Phương cách Ðấu Tranh Bất Bạo Ðộng góp phần phát triển Xã Hội Dân Sự ngay trong giai đoạn đối đầu với chế độ độc tài. Nhờ dó, tại thời điểm chế độ độc tài tan rã, đất nước có ngay các điều kiện thuận lợi để thiết lập cơ chế dân chủ; toàn dân sẽ ra sức bảo vệ nền dân chủ còn non trẻ vì đó là kết quả của sự hy sinh và đóng góp của chính mình; người dân đã biết cách đấu tranh để ngăn chặn những phe nhóm nào muốn thiết lập một nền độc tài mới.
Vận động toàn dân để canh tân đất nước:
Để tiến từ tình trạng tụt hậu băng hoại hiện nay lên đến mức ngang hàng với các nước tiên tiến, phải có sức tổng hợp của cả dân tộc. Chính phủ chỉ là bộ phận phối hợp sức lực toàn dân và tạo môi trường thuận lợi để tiềm năng đó được phát huy hiệu quả tối đa. Dân tộc sẽ chọn lựa những đường lối được đề nghị và các nhân sự lãnh đạo, để phát triển đất nước nhanh nhất và tốt nhất theo từng giai đoạn. Đảng Việt Tân nguyện đóng góp cho đất nước dù ở bất kỳ vị trí nào.
Để tìm hiểu thêm về Việt Tân xin vào:
Trang web: Viettan.org
Trang Blog: vnctcmd.wordpress.com
Email: lienlac@viettan.org
.
.
.
No comments:
Post a Comment