Sunday, October 24, 2010

BIỂN ĐÔNG VẪN CÓ THỂ DẬY SÓNG (TS Đinh Hoàng Thắng)

TS Đinh Hoàng Thắng
Ngày 22.10.2010, 09:07 (GMT+7)

SGTT.VN - Không phải siêu bão Megi, mà là mối quan tâm hàng đầu đối với Biển Đông liên quan đến mùa “cấp cao ASEAN” ở Việt Nam cho thấy vùng biển nhạy cảm này vẫn có thể bớt nổi sóng khi ASEAN 17 sẽ thông qua Tuyên bố về hợp tác tìm kiếm, cứu hộ người và tàu thuyền gặp nạn trên biển.

Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 17, với quy mô lớn sẽ diễn ra từ 28 – 30.10 tại Hà Nội. Thượng đỉnh lần này dự kiến sẽ đưa ra nhiều nội dung và thông qua các văn kiện quan trọng như Kế hoạch tổng thể nối kết ASEAN, Tuyên bố chung ASEAN – Hàn Quốc về đối tác chiến lược vì hoà bình và thịnh vượng và Tuyên bố về hợp tác và cứu hộ trên biển. Lãnh đạo các nước ASEAN và các quốc gia đối tác quan trọng của hiệp hội cùng tổng thư ký Liên hiệp quốc sẽ tham gia hội nghị.

Vấn đề Biển Đông đối với Việt Nam
Dư luận vẫn chưa quên lời của tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan tuyên bố một cách đậm chất ASEAN vào đầu mùa cấp cao: “Năm nay, Biển Đông được đề cập và năm khác, vấn đề đó sẽ không được nêu lên. Điều này tuỳ thuộc vào sự năng động của môi trường(?)”. Vâng, trong chương trình nghị sự của ARF 17 (tháng 7) và ADMM+ (tháng 10) vấn đề Biển Đông đều đã không được nêu lên một cách chính thức. Nhưng không vì vậy mà các diễn đàn khu vực trên con đường tìm kiếm các cấu trúc an ninh mới ấy lại kém năng động.
Và điều quan trọng hơn là thái độ của đoàn Trung Quốc đã có sự tiết chế nhất định. Mặc dù vẫn nêu cao ý chí ngoại giao bảo vệ chủ quyền một cách công khai nhưng bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã áp dụng phương thức “ngoại giao linh hoạt”, “ngoại giao láng giềng” tại ADMM+. Phía Trung Quốc đã tham gia thảo luận văn kiện hội nghị với chủ đề “Tiềm năng, viễn cảnh và phương hướng hợp tác trong khuôn khổ ADMM+”. Khác xa với ngoại trưởng Dương Khiết Trì hồi mùa hè đã bỏ ra ngoài phòng họp khi người đồng nhiệm phía Mỹ trình bày lập trường của Washington về Biển Đông.
Đầu mùa cấp cao ASEAN năm nay chúng ta đã nghe tiếng vọng của hồn nước: “Việt Nam nhất quán với chủ trương sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trong mọi tình huống”, “Không để bất cứ ai xâm lấn biển đảo”. Vừa kỷ niệm ngàn năm Thăng Long, lời hịch năm xưa lại vọng về khi Chủ tịch Nguyễn Minh Triết tôn vinh Tổ quốc lên trên hết, nêu cao ý chí độc lập dân tộc với “núi sông bờ cõi đã chia, phong tục Bắc – Nam cũng khác”, và khẳng định: “Nhân dân Việt Nam yêu chuộng hoà bình, công lý, trọng nhân nghĩa, thuỷ chung, nhưng không bao giờ khuất phục trước cường quyền, bạo lực”.
Việt Nam mong đợi sự hợp tác tìm kiếm, cứu hộ người và tàu thuyền gặp nạn trên biển. Nếu một tuyên bố về hợp tác cấp vùng, theo sáng kiến của Việt Nam được thông qua thì người dân lao động an lòng biết bao! Là người Việt Nam ai chẳng xót xa khi đích thân bộ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát chiều 18.10 phải yêu cầu phía Trung Quốc phối hợp với Việt Nam để đảm bảo an toàn cho chín ngư dân Lý Sơn, đề nghị Trung Quốc cung cấp đủ nhu yếu phẩm cho những người này trong quá trình tránh bão. Trường hợp không đảm bảo an toàn để tàu về, đề nghị Trung Quốc thông báo cho Việt Nam qua đường liên lạc ngoại giao bốn ngày trước khi tàu rời đảo để tàu của ngư dân hoặc tàu hải quân Việt Nam ra đón về!

Kinh nghiệm từ Nhật Bản
Một số phân tích gần đây của các chuyên gia quân sự nước ngoài về các phương thức gồm bốn giai đoạn mà Trung Quốc thường áp dụng trong tranh chấp biển đảo để thực hiện tham vọng muôn thuở của họ. Ý kiến của cựu tướng không quân thuộc Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản Kunio Orida cho rằng, Bắc Kinh sẽ thông qua các kênh đối ngoại cũng như các diễn đàn quốc tế để câu giờ. Bước đầu tiên là khẳng định chủ quyền của họ tại vùng biển tranh chấp đó mà không cần có chứng cứ luật pháp gì để thuyết phục cộng đồng quốc tế.
Bước thứ hai, các tàu khảo sát thuộc cục Hải dương Trung Quốc sẽ được cử đến vùng biển tranh chấp hoạt động. Bước thứ ba là sự xuất hiện nhằm phô trương sức mạnh lực lượng của các loại tàu chiến hải quân Trung Quốc. Và bước cuối cùng sẽ được thực hiện bằng cách cho các “ngư dân” giả danh xâm nhập lên quần đảo này một cách trái phép, dựng các bia đá xác định chủ quyền và tiến tới hiện thực hoá chủ quyền tại đây theo kiểu “sự việc đã rồi”.
Theo tướng Orida cho biết Bắc Kinh cũng áp dụng phương pháp bốn giai đoạn này trong tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đối với Nhật Bản và vụ va chạm vừa qua cho thấy Trung Quốc đã thực sự bước vào giai đoạn thứ tư với lính tiền tiêu không phải là quân nhân mà các quân nhân giả danh ngư dân. Cùng chung quan điểm này, chuyên viên nghiên cứu Yoshira Saito thuộc viện Nghiên cứu phòng vệ Nhật Bản cho rằng mục đích của Trung Quốc là áp dụng một chiến thuật phi đối xứng mà không có sự tham gia của quân chính quy về mặt công khai.
Ông Saito cũng cảnh báo Nhật Bản cần cảnh giác với tình huống xấu nhất là hải quân Trung Quốc có thể sẽ lợi dụng đêm tối để đưa tàu ngầm tiến gần sát tới đảo Uotsuri, hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Senkaku, sau đó sẽ cho lính thuỷ đánh bộ nguỵ trang thành ngư dân để dần dần đổ bộ lên hòn đảo này. Sau khi cờ Trung Quốc được kéo lên, hàng loạt tàu cá dưới sự điều khiển của lính thuỷ sẽ đồng loạt ập vào hòn đảo này. Cựu bộ trưởng Nội vụ Kazuhiro Haraguchi vừa có chuyến thị sát Senkaku từ trên máy bay, đã chỉ trích thái độ không dứt khoát của Tokyo đối với Bắc Kinh trong vụ va chạm vừa qua.
Bộ trưởng Haraguchi này kêu gọi chính quyền Tokyo cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn và cứng rắn hơn nữa trong việc truyền tải tới Bắc Kinh thông điệp khẳng định quần đảo này là lãnh thổ của Nhật Bản. Ông cũng đề nghị bộ Quốc phòng sớm có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả bằng việc trang bị thêm các loại tàu và thiết bị có khả năng phát hiện tàu ngầm, cử lực lượng tới đồn trú tại Senkaku để khẳng định sự hiện diện và quyền quản lý của Nhật Bản trước khi mọi việc quá muộn. Nhìn người ngẫm đến ta. Liệu Việt Nam đã có những biện pháp ứng phó gì để ngăn Biển Đông dậy sóng?
TS Đinh Hoàng Thắng
.
.
.

No comments: