Monday, October 18, 2010

VIỆT NAM, THỬ THÁCH TỪ TRONG RA NGOAIG (Song Chi)

Song Chi/Người Việt
Saturday, October 16, 2010

Chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua, hàng loạt sự thử thách trên mọi phương diện đã ập đến, đặt những người lãnh đạo Việt Nam vào thế chống đỡ bằng mọi cách và qua đó càng bộc lộ “quan trí” lẫn sự thật họ có đặt Tổ quốc và nhân dân lên trên tất cả như vẫn thường tự xưng là một “chính quyền của nhân dân” hay không.

Ðại lễ và đại lũ đến cùng một lúc

Ngay từ lúc khởi động công cuộc tổ chức cho cái đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, những người lãnh đạo nhà nước Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã phải đối mặt với những lời góp ý, than phiền từ đông đảo người dân trước sự tốn kém, lãng phí quá độ cho một lễ hội cho dù là lễ hội mừng thủ đô nghìn năm tuổi. Bên cạnh đó là rất nhiều dự án chỉ bộc lộ một sự phản thẩm mỹ, văn hóa lùn, và hoàn toàn không cần thiết.
Do quá mê tín trong việc chọn ngày “số đẹp” (1 và 10 tháng 10) để khai mạc và kết thúc đại lễ, họ đã tổ chức sự kiện này ngay đúng vào mùa bão lũ.
Bão không xảy ra ở Hà Nội nhưng xảy ra ở miền Trung, mảnh đất nghèo khó và chịu nhiều thiệt thòi của đất nước. Bị kềm giữ dưới ngọn cờ chỉ đạo, định hướng, báo chí “lề phải” đã chọn con đường khôn ngoan là chỉ đưa song song các thông tin về đại lễ tại Hà Nội và mưa lũ ở miền Trung, không bình luận, để cho người đọc tự rút ra nhận định của mình.
Những hình ảnh trái ngược giữa lễ hội tưng bừng náo nhiệt tràn ngập cờ hoa, ánh sáng... tại Hà Nội với cảnh tang thương của đồng bào miền Trung trong những ngày mưa lũ khiến bất cứ ai cũng phải xót xa, bức xúc.
Theo báo chí, có hơn 80 người chết và mất tích trong đợt mưa lũ năm nay. Thiệt hại ban đầu lên đến hơn 2,500 tỷ đồng. Khi cơn lũ rút đi, tai ương đã tạm lùi nhưng cũng là lúc người dân vừa đói lả sau mấy ngày nhịn đói chịu rét, vừa đối mặt với những nỗi đau khổ tận cùng: Cái chết của người thân, nhà cửa tài sản hoa màu trôi sạch, lại phải bắt đầu lại từ đầu với hai bàn tay trắng để đến mùa lũ sang năm lại chết người, lại mất sạch tất cả!
Dư luận càng bất bình vì nếu xảy ra một trận thiên tai như vậy ở một quốc gia khác, chắc chắn người ta sẽ cho ngừng ngay mọi sự ăn chơi hội hè chỉ còn giữ lại phần lễ, để dành tiền hỗ trợ đồng bào mình đồng thời cho cử hành một ngày quốc tang, 85 mạng người đâu phải là ít?
Nhưng ở nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thì dường như các quan trên chỉ thích nói về thành tựu mà không muốn đề cập đến thất bại, chỉ thích phô ra những niềm vui, ngày hội mà không muốn nói đến nỗi buồn, cái chết!
Từ cơn bão số 5 (bão Linda) năm 1997 làm gần 3,000 người chết và mất tích, hàng chục ngàn tàu thuyền bị đắm tại Cà Mau-Kiên Giang cho đến vụ sập cầu Cần Thơ năm 2009 làm 60 người thiệt mạng, hơn 200 người bị thương, chẳng hề thấy nhà nước ban bố một ngày quốc tang, bây giờ với vụ mưa lũ này cũng vậy!
Ðã có những nhà báo và những blogger lên tiếng trong những ngày đại lễ, xin các vị lãnh đạo dành một phút mặc niệm cho những người bị chết và mất tích để chứng tỏ một sự chia sẻ làm ấm lòng đồng bào miền Trung.
Nhưng ngay điều đó cũng không có!
Cách ứng xử vừa thiếu hiểu biết vừa vô cảm đó cũng diễn ra trong vụ nổ container pháo hoa tại sân Mỹ Ðình vào lúc 11 giờ 30 ngày 6 tháng 10 vừa qua. Tất cả có 4 người chết, 3 người bị thương, trong 4 người bị chết thì có 3 là người nước ngoài. Nhưng từ những người tổ chức đại lễ cho đến báo chí chính thống, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao hay những người đứng đầu nhà nước Việt Nam chả ai nhớ ra là phải lên tiếng bày tỏ lòng chia buồn sâu sắc với các nước có công dân bị tử nạn vì tham gia tổ chức ngày hội cho nước chủ nhà! Không những thế, nhiều blogger đã chỉ ra sự vô tình vô cảm đến mức chỉ ít giờ đồng hồ sau, một cuộc múa ca tưng bừng được tổ chức ngay trên mảnh đất vừa thấm máu người chết!
Tác giả Trung Bảo trên trang mạng đài BBC có bài “Thông tin và pháo hoa” nói đến cái ý trong sự nổ container pháo hoa này, những người tổ chức cho thấy họ đã đối phó rất dở trong việc xử lý thông tin, phối hợp với giới truyền thông khi lúc đầu tìm cách bịt mọi thông tin, ra lệnh cho báo chí rút hết bài xuống chờ đến khi họp báo xong mới được đưa tin lại theo đúng “giáo án soạn sẵn”.
Hà Nội lúc đầu tuyên bố sẽ mua pháo bù vào, sau đó lại bảo sẽ lấy pháo từ Bộ Quốc Phòng, cuối cùng lại bảo không bắn pháo hoa 29 điểm, để tiết kiệm giúp đồng bào miền Trung!
Nhiều người vội vã hồ hởi khen Hà Nội. Nhưng cũng có những ý kiến tỏ ra hoài nghi, rằng pháo hoa để bắn trong dịp này thì phải mua từ trước, mà đã mua rồi có trả lại được đâu mà bảo là tiết kiệm hoặc giả nếu bảo tiết kiệm giúp đồng bào miền Trung thì sao không nói rõ số tiền đó là bao nhiêu, sẽ dùng vào việc gì cụ thể, hay chỉ là nói để làm dịu dư luận?

Từ thảm họa bùn đỏ xứ người, nghĩ đến xứ mình

Một trong những hồ chứa chất thải khổng lồ của nhà máy tinh luyện quặng bauxite tại thị trấn Ajka, cách thủ đô Budapest khoảng 160km về phía Tây Nam bị vỡ vào ngày 4 tháng 10 vừa qua khiến dòng bùn đỏ độc hại tràn ra ngoài.
Từ thảm họa này, người dân Việt Nam ngay lập tức liên hệ đến vụ khai thác bauxite ở Tây Nguyên đang diễn ra bất chấp lời bao nhiêu lời phản đối, can gián từ Ðại Tướng Võ Nguyên Giáp, giới trí thức, những nhà chuyên môn cho đến đông đảo người dân trước đây.
Nỗi lo ngại của mọi người đã được chứng minh qua thảm họa từ một đất nước mà nếu so sánh với Việt Nam và cả Trung Quốc là nước đang đầu tư vào lĩnh vực này ở Việt Nam, thì hơn hẳn về truyền thống và kinh nghiệm trong công nghệ chế biến quặng nhôm (bauxite) và nhôm.
Hàng loạt bài báo lập tức lên tiếng. Và những người chịu trách nhiệm trang bauxite Vietnam đã soạn “Kiến nghị về dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, với tấm gương về thảm họa vỡ hồ bùn đỏ ở nhà máy Ajka Timfoldgyar, Hungary” để một lần nữa, khẩn thiết yêu cầu những người lãnh đạo nhà nước Việt Nam hãy vì vận mệnh của 85 triệu con dân Việt mà hủy hoàn toàn việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Liệu lần này những người lãnh đạo có nghe?

Ứng xử với nước lớn

Một thử thách từ hàng nghìn đời nay qua các triều đại khác nhau của Việt Nam là quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc khổng lồ, mưu sâu và luôn luôn có tham vọng bành trướng, bá quyền. Phải nói là cha ông ta trong quá khứ dù cũng có vài gương xấu để đời như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống... nhưng nói chung đã thành công trước thử thách này, đó là giữ vững bờ cõi giang sơn, bản sắc dân tộc, vẫn một lòng khiêm nhường nhưng khi cần thì cũng cho nước lớn kia những bài học đích đáng.
Chỉ đến triều đại nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt Nam là chúng ta mới bị mất đất mất biển, bị ức hiếp, chơi xấu, lũng đoạn các kiểu, ngư dân đi biển thì thường xuyên bị đánh đắm tàu, bị cướp, đòi tiền chuộc...
Ngày 11 tháng 9 vừa qua Trung Quốc lại bắt giữ một tàu đánh cá của một thuyền trưởng ở Quảng Ngãi trên có 9 ngư dân Việt Nam hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa và đòi phải nộp tiền chuộc 70 ngàn Nhân dân tệ, tương đương 200 triệu đồng Việt Nam mới thả ra.
Cũng ngay trong trong những ngày này lại xảy ra vụ Nhật Bản bắt giữ một thuyền trưởng người Trung Quốc trong vụ đụng độ tại vùng đảo Sensaku và phía Trung Quốc đã làm lớn chuyện khiến cả thế giới phải theo dõi và quan ngại. Có lẽ nhân sự kiện này, đồng thời cũng nhân tiện hội nghị cấp bộ trưởng quốc phòng các nước Asean mở rộng sắp diễn ra tại Hà nội, phía Việt Nam đã lên tiếng đòi Trung Quốc phải thả ngay lập tức và vô điều kiện các ngư dân Việt Nam.
Báo chí đánh giá “Lần lên tiếng này của Bộ Ngoại Giao Việt Nam được cho là mạnh mẽ nhất trong những lần ngư dân Việt bị phía Trung Quốc bắt giữ”. Và có lẽ cũng vì hai sự kiện trên-một mặt Trung Quốc không muốn cả thế giới nhìn thấy cách ứng xử hai mặt của họ trong hai vụ biển Ðông và Hoa Ðông, một mặt họ cũng không muốn bị các nước chỉ trích trong cuộc họp mặt này nên đã đồng ý thả các ngư dân Việt Nam.
Ðiều này cho thấy nếu Việt Nam biết dựa vào bạn bè quốc tế, công khai hóa những mối căng thẳng trên biển Ðông cho nhân dân và thế giới cùng lên tiếng, biết cứng rắn không dễ mua chuộc thì Trung Quốc sẽ lại “mềm nắn rắn buông” ngay, bởi vì nước này cũng thừa hiểu rằng họ vẫn chưa đạt tới thời điểm mà cả thế giới phải nghe theo họ và nếu làm quá thì họ chỉ đẩy các nước Asean về phía đối đầu với Trung Quốc mà thôi.

Cuối cùng trong vô số thử thách gần đây, Việt Nam đã vượt qua được lần này, không biết những người lãnh đạo có rút ra được bài học gì không?
.
.
.

No comments: