Luật Sư Ðào Tăng Dực
Thế kỷ 21 được gọi là thế kỷ Thái Bình Dương
Trên bình diện cấu trúc quyền lực (power structure) thế kỷ này sẽ đánh dấu một sự tái phối trí trật tự thế giới và tương quan quyền lực giữa các khối quyền lực quốc tế (international power blocs) và quốc gia vô cùng sâu rộng, hoán chuyển từ tình trạng lưỡng cực đến đa cực, trong đó khối quyền lực quốc tế Ðông Á thuộc Thái Bình Dương nổi bật, như sẽ trình bày trong bài tham luận này.
Trên bình diện bản chất nội tại (intrinsic nature), nếu thế kỷ 20 là thế kỷ của đấu tranh ý thức hệ thì thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của đấu tranh tư tưởng và ảnh hưởng của ý thức hệ giáo điều sẽ suy giảm gia-tốc (trừ tại các quốc gia Hồi Giáo cực đoan). Ðúng như tư tưởng gia người Pháp là Bertrand De Jouvenel đã nhận định từ lâu: “Ý thức hệ giáo điều cần phải triệt tiêu hầu cho tư tưởng được tái sinh.”
Trật tự thế giới mới trong thế kỷ 21:
Thế kỷ 21 sẽ là một thế kỷ thật sự với một cấu trúc quyền lực quốc tế đa cực. Các khối quyền lực quốc tế sẽ bao gồm:
Khối Mỹ Châu bao gồm cả Bắc lẫn Nam Mỹ Châu, đưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ là cường quốc có võ khí nguyên tử. Chất keo sơn gắn bó của khối này là vị trí địa dư, quyền lợi kinh tế và tình trạng an-ninh của khối dưới chiếc dù quân sự của Hoa Kỳ.
Khối Âu Châu bao gồm Liên Hiệp Âu Châu và sẽ bao gồm luôn cả Liên Bang Nga và dưới sự lãnh đạo tập thể của các cường quốc tây âu như Anh, Pháp, Ðức và Nga Sô. Trừ nước Ðức, 3 quốc gia kia đều có võ khí nguyên tử. Chất keo sơn gắn bó là vị trí địa dư, quyền lợi kinh tế và tình trạng an-ninh của khối, qua lực lượng vũ trang hỗn hợp của các cường quốc lãnh đạo.
Khối Hồi Giáo bao gồm các quốc gia theo tín ngưỡng này, dưới sự lãnh đạo của Iran, Pakistan, Saudi Arabia và Nam Dương. Chất keo sơn gắn bó là ý thức hệ Hồi Giáo, và ngoài Pakistan là quốc gia đang có võ khí nguyên tử, thì Iran và Saudi Arabia cũng sẽ có võ khí nguyên tử trong thế kỷ 21.
Khối Ấn Ðô bao gồm Ấn Ðộ, các quốc gia phụ thuộc ảnh hưởng nền văn hóa Ấn như Thái Lan, Miến Ðiện và những quốc gia Phi Châu có nhiều kiều dân Ấn cư ngụ như Nam Phi. Chất keo sơn gắn bó là quyền lợi kinh tế, vị trí địa dư (ven bờ Ấn Ðộ Dương) và Ấn Ðộ là một cường quốc có võ khí nguyên tử.
Sau cùng nhưng trội nhất là Khối Ðông Á bao gồm các quốc gia vùng viễn đông như Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðài Loan và Việt Nam. Chất keo sơn gắn bó là nền văn hóa tam giáo Ðông Á, vị trí địa dư, quyền lợi kinh tế. Trung Quốc là cường quốc có võ khí nguyên tử. Trung Quốc cũng như Việt Nam và Bắc Hàn sẽ trở thành những quốc gia dân chủ thực sự trong thế kỷ 21.
Khi duyệt lại lịch sử cận-kim nhân loại, chúng ta nhận xét các thế kỷ 18, 19 và 20 có những nét đặc thù sau đây:
1. Tây phương (Âu Châu và Bắc Mỹ Châu) ngự trị thế giới trên các phương diện khoa học kỹ thuật và kỹ nghệ chiến tranh
2. Tây phương cũng dẫn đầu trên các phương diện tư tưởng chính trị dân chủ.
3. Nền văn hóa Tây Phương lấy Thiên Chúa Giáo (kể cả Do Thái Giáo) làm nền tảng siêu hình nhưng vẫn dung túng hài hoà các tôn giáo thiểu số khác như Hồi Giáo, Phật Giáo, Ấn Ðộ Giáo v..v..
4. Thế kỷ 20 phần lớn phản ảnh một thế giới lưỡng cực, trong thế tương tranh giữa xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Liên Bang Xô Việt, và tư bản chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ. Trong thập niên cuối cùng của thế kỷ này, với sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viêt thì Hoa Kỳ trở thành siêu cường độc nhất vô nhị của thế giới.
Trong khi đó, thế kỷ 21 sẽ có những nét đặc thù như sau:
1. Các quốc gia Ðông Á (Trung Quốc, Nhật Bổn, Ðại Hàn, Việt Nam) và Nam Á (Ấn Ðộ) sẽ bắt kịp và trong nhiều trường hợp qua mặt các quốc gia Tây Phương trên các phương diện khoa học kỹ thuật và kỹ nghệ chiến tranh.
2. Các quốc gia này cũng sẽ bắt kịp và đôi khi qua mặt các nước Tây Phương trên phương diện tư tưởng chính trị dân chủ. (Vì nền dân chủ tây phương liên tục bị các nhóm quyền lực và quyền lợi –vested interest groups-bảo thủ làm trì trệ và thụt hậu so với các quốc gia Ðông Á và khối Ấn Ðộ)
3. Các quốc gia Ðông Á lấy nền văn hóa Tam Giáo Ðồng Nguyên làm nền tảng siêu hình nhưng vẫn dung túng hài hòa cho các tôn giáo thiểu số khác như Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo, Ấn Ðộ Giáo v..v..
4. Ấn Ðộ lấy nền văn hóa Bà La Môn (Ấn Ðộ Giáo) làm nền tảng siêu hình nhưng vẫn dung túng hài hòa các tôn giáo thiểu số khác như Hồi Giáo, Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo v..v..Nên nhớ Ấn Ðộ là nơi phát xuất của những hệ thống siêu hình và tư tưởng uyên thâm, từ Chí Tôn Ca (Bhagavad Gita), đến Áo Nghĩa Thư (Upanishad), và Phật Học.
Nhân loại tiếp tục đối phó với những thử thách lớn vào thế kỷ 21:
1. Vấn đề môi sinh: mâu thuẫn tiếp tục giữa các quốc gia kỹ nghệ và các quốc gia đang phát triển về trách nhiệm và mức độ hy sinh đóng góp để đối phó với vấn nạn này.
2. Tôn giáo cực đoan:
a. Mâu thuẫn giữa Hồi Giáo cực đoan và Tây Phương Thiên Chúa Giáo
b. Mâu thuẫn giữa Hồi Giáo cực đoan và Bà La Môn Giáo tại Ấn Ðộ( năm 1992 những người Bà La Môn Giáo cực đoan đã hủy diệt một đền thờ Hồi Giáo tại thành phố Ayodhya. Một cuộc bạo loạn sau đó xảy ra và có 2000 người chết. Ngôi đền thờ đó bây giờ đang bị 2 tôn giáo tranh chấp trước tòa án và chính quyền Ấn Ðộ phải điều động 200,000 quân để ngăn ngừa bạo động. Ấn Ðô và Hồi Quốc là hai quốc gia có võ khí nguyên tử.)
3. Chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc
Tính Hủ Nho và lệ thuộc bắc phương của dân tộc Việt Nam :
Mặc dầu ý thức hệ giáo điều Mác Lê đã đóng góp rất nhiều vào thoái trào của dân tộc, nhưng trách nhiệm suy thoái dân tộc không phải chỉ của người CSVN.
Sự bất hạnh lớn lao của dân tộc Việt Nam đã bắt đầu hơn 2 thế kỷ trước, từ lúc Nguyễn Ánh thống nhất sơn hà (1787). Nguyễn triều hủy bỏ chính sách tự chủ của Quang Trung Ðại Ðế, tôn thờ và khuông rập theo nhà Mãn Thanh, du nhập toàn diện những nghi thức triều chánh và truyền thống Tống Nho cứng nhắc (còn gọi là Hủ Nho) vào Việt Nam . Chính vì chính sách hủ nho và tôn thờ Trung Quốc này mà một trăm năm sau, vào cuối thế kỷ 19, khi phải đối diện với dã tâm của thực dân Pháp, triều đình và sĩ phu đã mất đi tính khai phóng sáng tạo, để dứt khoát với một Trung Quốc đã chẳng ra gì, và đối phó một cách thông minh, như các triều đình Nhật Bổn và Thái Lan trong hoàn cảnh tương tự.
Hơn thế nữa, vì hủ nho đã ảnh hưởng toàn diện mọi từng lớp bình dân và sĩ phu, nên các phong trào và đảng phái chống Pháp dành độc lập, trên cả hai chiến tuyến đối nghịch là quốc gia và cộng sản, cũng đều mang nặng yếu tính hủ nho và tôn thờ phương bắc.
Ngoài tính hủ nho, thì yếu tính phục tùng Trung Quốc của đảng CSVN đã quá rõ ràng, không những qua các chính sách của Ông Hồ Chí Minh, như đấu tố theo quan điểm giai cấp của Mao Trạch Ðông, học hỏi và áp dụng chiến lược chiến thuật du kích chiến của họ Mao.
Ông Hồ cũng thường xuyên công nhận mình là người học trò ngoan của các bác Lê Nin, Stalin và Mao Chủ Tịch vĩ đại. Trong giai đoạn đương đại thì mặc dù đã bị những đòn ê chề từ người đàn anh vĩ đại là CSTQ, nhưng những lãnh tụ chóp bu CSVN vẫn không tưởng tượng được rằng họ có thể hiện hữu như một chính đảng trong lòng dân tộc, nếu không còn sự hiện hữu của CSTQ như là chỗ dựa lưng từ ý thức hệ đến chiến lược.
Tuy nhiên, CSVN không phải là lực lượng chính trị duy nhất lệ thuộc vào Trung Quốc. Các đảng phái quốc gia cũng phát xuất từ những nhóm sĩ phu dân tộc cùng thời đại và cũng bao gồm trong tâm thức những yếu tính tương tự. Việt Nam Quốc Dân Ðảng (dưới sự lãnh đạo của anh hùng dân tộc Nguyễn Thái Học) lấy Tam Dân Chủ Nghĩa của Tôn Dật Tiên làm kim chỉ nam cho công cuộc đấu tranh giành độc lập. Dĩ nhiên có nhiều nho gia và đảng phái khai sáng những tư tưởng mới, như nhà cách mạng Trương Tử Anh của Ðại Việt Quốc Dân Ðảng với chủ nghĩa dân tộc sinh tồn.
Tuy nhiên, những con người cá thể, dù tư tưởng xuất chúng như nhà cách mạng Trương Tử Anh, Ðức Thầy Hùynh Phú Sổ, nhà cách mạng Phan Chu Trinh, cũng khó có khả năng vượt lên trên vòng kềm tỏa của hơn 200 năm truyền thống.
Những cơ hội người CSVN đánh mất:
Khi người CSVN cướp chính quyền miền Bắc năm 1954, và toàn quốc năm 1975, thì yếu tính hủ nho bảo thủ, cũng như lòng phục tùng Trung Quốc đó đã làm dân tộc chúng ta mất đi nhiều cơ hội lịch sử.
Năm 1975, họ đánh mất cơ hội xóa bỏ hận thù, đại đoàn kết dân tộc, thua xa dân tộc Hoa Kỳ khi miền Bắc dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Abraham Lincoln, chiến thắng Miền Nam (1865)trong cuộc nội chiến trước họ gần 100 năm. Chúng ta chỉ cần so sánh là đủ thấy nhân cách của Tổng Bí thư Lê Duẫn của CSVN đã thua xa nhân cách của vị Tổng Thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln.
Thập niên 1990, khi Liên Bang Sô Viết và khối CS Ðông Âu sụp đổ, họ đã đánh mất cơ hội vứt ý thức hệ giáo điều Mác Lê vào sọt rác như những quốc gia Ðông Âu và Nga Sô đã làm. Thay vì đó họ chạy theo Trung Quốc, bán nước cho TQ để giữ vững quyền độc tôn cai trị dân đen. Họ đã vì bè phái mà buôn bán cả dân tộc.
Những thử thách và cơ hội của dân tộc trong thế kỷ 21:
Có thể nói rằng, trong lịch sử hơn 4000 của dân tộc, các chiến thắng của Quang Trung Ðại Ðế vào năm kỷ Dậu (1789), đập tan quân Mãn Thanh, là những chiến thắng hào hùng và chân thật cuối cùng, trước khi vận mệnh của dân tộc đi vào ngõ hẹp tăm tối của Nguyễn Triều và Ðộc Tài Ðảng Trị CSVN suốt hơn 200 năm.
May mắn thay, tuy 200 năm rất dài đối với con người cá thể, nhưng đối với một dân tộc vẫn không phải là một đoạn dài tuyệt vọng.
Dân tộc chúng ta nhất định sẽ vươn lên trong thế kỷ 21.
Chúng ta có thể ghi nhận các thử thách và cơ hội của Việt Nam trong thế kỷ 21 như sau:
1. Trung Quốc là thử thách thứ nhất
Trung Quốc đã là một thử thách lớn lao đối với dân tộc Việt trong nhiều ngàn năm lịch sử. Tuy nhiên, thế kỷ 21 hàm chứa nhiều hiểm nguy hơn vì bản chất quốc tế của các xung đột, với những tiến bộ về khoa học và kỹ thuật chiến tranh, đã vượt ra ngoài chiến tranh quy ước.
Ngược lại, trước cuộc cách mạng tin học, những chính quyền độc tài đảng trị như Trung Quốc và Việt Nam cũng phải bất lực trước ước vọng và khao khát tự do của người dân. Sự kiện Ủy Ban Nobel Na Uy quyết định trao giải Nobel Hòa Bình năm 2010 cho nhà tranh đấu dân chủ Trung Hoa Tiến Sĩ Lưu Hiểu Ba làm chế độ độc tài Bắc Kinh rung chuyển.
Giới lãnh đạo CSVN quá bảo thủ và tham quyền cố vị đến nỗi mờ mắt trước vận mệnh của dân tộc. Các sự kiện khách quan cho thấy rằng, đối với một quốc gia như Việt Nam , chỉ có hai phương thức thực tế để đối đầu với Trung Hoa trong thế kỷ 21. Ðó là:
Thượng sách:
a. Việt Nam phải nhanh chóng dẹp bỏ độc tài đảng trị, thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa tại nước nhà,
b. Phục hưng nền văn hóa truyền thống bất bạo động ngàn đời của dân tộc
c. Tích cực ủng hộ các phong trào tranh đấu dân chủ Trung Hoa hầu biến quốc gia khổng lồ này thành một quốc gia dân chủ chân chính.
Chỉ có một nước Trung Hoa dân chủ có một hiến pháp và các đặc tính sau đây:
a. Theo thể chế Cộng Hòa với tam quyền phân lập,
b. Ða nguyên với nhiều đảng phái và nhóm quyền lực tương sinh tương tùy,
c. Theo thể chế Liên Bang với các tỉnh hoặc tiểu bang có nhiều quyền tự trị,
d. Ý thức sâu sắc về con người cá thể và tôn trọng nhân quyền của chính người dân Trung Quốc
e. Phục hưng nền văn hóa truyền thống bất bạo động và hài hòa của Tam Giáo Ðồng Nguyên
f. Chấp nhận các nguyên tắc công pháp quốc tế trên căn bản công bằng và lẽ phải
mới có thể tránh được chiến tranh và đảm bảo hòa bình trong khu vực Ðông Á và trên toàn thế giới trong thế kỷ 21.
Dân tộc Trung Hoa, tự họ, không phải là mầm mống của những tai-họa cho các dân tộc lân bang. Mầm mống của những tai-họa này phát xuất từ chũ nghĩa dân tộc quá khích và chuyên chính độc tài.
Tự trong bản chất, dân tộc Trung Hoa là một dân tộc đa chủng gồm 5 tộc là Mông, Mãn, Hán, Hồi và Tạng. Ngay trong đại tộc Hán cũng đã bao gồm nhiều tiểu tộc khác nhau. Kỳ thị chủng tộc theo mô hình Ðức Quốc Xã căn cứ trên yếu tố thuần chủng (racial purity) hoàn toàn không hiện hữu trong tâm thức của người Trung Hoa nói riêng và nền văn hóa Ðông Á nói chung.
Vì những lý do trên, kể cả yếu tố dân số vô cùng lớn, một nước Trung Hoa dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên, sẽ là một môi trường thuận lợi cho một chế độ liên bang (federal system) với một cấu trúc địa phương phân quyền sâu rộng. Một nước Trung Hoa phồn thịnh về kinh tế, dân chủ về chính trị và vắng bóng dân tộc quá khích chủ nghĩa, sẽ cộng sinh hài hòa với cộng đồng nhân loại và đặc biệt là các nước láng giềng như Ðại Hàn, Nhật Bổn và Việt Nam.
Hạ sách:
Nếu CSVN quá bảo thủ hoặc trì hoãn thêm tiến trình dân chủ hóa đất nuớc và Trung Quốc cũng theo đưổi một chính sách tương tự thì chỉ còn hạ sách là:
Việt Nam phải có hệ thống võ khí nguyên tử hoàn bị. Võ khí nguyên tử là giải pháp ít tốn kém nhất khi một nước nhỏ phải đối đầu với một nước lớn, như Pakistan đối đầu với Ấn Ðộ, Do Thái đối đầu với khối Á Rập, Tây Âu đối đầu với Liên Bang Xô Viết trong giai đoạn chiến tranh lạnh.
Khả năng quân bình lực lượng của võ khí nguyên tử giữa nước nhỏ và nước lớn (nuclear weapons equalize power relations between smaller and larger states) đã được các chiến lược gia công nhận (Rapporteurs Report Conference on the Future of Nucleaar Weapons by Christopher Spearin) (www. globalcentres.org).
Ðối với một nước có phương tiện kinh tế khiêm nhường so với Trung Quốc như Việt Nam, thì chạy đua với Trung Quốc đơn thuần về phương diện võ khí cổ điển như chiến đấu cơ, chiến hạm, hàng không mẫu hạm... sẽ quá tốn kém, không đạt đến mục tiêu và không bao giờ đủ lực để đối đầu, ngăn chận những hành vi xâm lược và khiêu khích.
Việt Nam phải vượt trội Trung Quốc về phương diện kinh tế và khoa học kỹ thuật, qua mặt Trung Quốc về phẩm chất các vũ khí cổ điển và có một lược lượng nguyên tử đủ để trở nên một “lực lượng cảnh cáo” (deterrence force).
Ðây là vấn đề sống còn của dân tộc. Nếu hoàn cảnh đòi hỏi, chúng ta cần phải áp dụng cả thượng sách lẫn hạ sách một cách uyển chuyển và sáng tạo. Chính sách bảo thủ, vị kỷ và hèn nhát hiện giờ của CSVN sẽ không bao giờ đạt được thành quả này.
2. Hệ thống chính trị Dân chủ là thử thách thứ hai:
Các nước Nam Á và Ðông Á chỉ sụt lùi so với các nước Tây Phương trong khoảng 300 năm gần đây, trên cả hai phương diện hệ thống chính trị dân chủ và khoa học kỹ thuật. 300 năm rất dài so với đời người, nhưng không thấm vào đâu so với lịch sử của một dân tộc.
Sự kiện đất nước chúng ta, qua sự vận hành của những thế lực quốc tế, trở thành thí điểm cho quan điểm xã hội chủ nghĩa, kéo dài sự tụt hậu đất nước so với các dân tộc khác, là một niềm bất hạnh của toàn dân. Tuy nhiên, xã hội chủ nghĩa đang đi vào thoái trào. Quan điểm dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên là trào lưu đương đại, xuyên phá thành trì của độc tài chuyên chính không phân biệt biên giới quốc gia.
Mặt khác, qua tiến trình định chế hóa phương tiện (institutionalisation of the means), có nhiều dấu hiệu cho thấy những quốc gia tiên phong trên phương diện dân chủ như Hoa Kỳ và Vương Quốc Anh, đã trở nên quá bảo thủ, trì trệ trong tiến trình cải tổ, vô hình chung tạo điều kiện cho những nhóm quyền lợi (vested interests groups) thao túng chính trường, cấu trúc của những chính đảng trở nên cứng nhắc và bị sự khống chế của giai cấp thư lại. Thêm vào đó, luật bầu cử lại thiên vị cho giới hữu sản thượng lưu và gây bất công cho giới lao động. Vì phần lớn những khuyết điểm nêu trên đã được hiến định hóa trong một bản hiến pháp cứng nhắc, hoặc được các nhóm quyền lợi hùng mạnh ủng hộ, nên tiến trình canh tân và cải tổ rất khó khăn tại các quốc gia dân chủ đầu tiên.
Chính vì thế, nếu có đủ quyết tâm và lòng yêu nước, mặc dù gia nhập vào tiến trình dân chủ hóa muộn màng, nhưng chúng ta có thể học hỏi từ những khuyết điểm này và xây dựng một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên mẫu mực, cập nhật nhất của nhân loại.
Thêm vào đó, chúng ta có thể hiến định hoá những cơ chế và thủ tục minh thị trong hiến pháp, hầu chống lại mọi khuynh hướng định chế hóa phương tiện, tiên đoán và giới hạn phạm vi hoạt động của các phe nhóm quyền lợi và quyền lực có tiềm năng phản dân chủ trong tương lai.
3. Phục Hưng Văn Hóa là thử thách thứ ba:
Nếu Trung Quốc và Ấn Ðộ trở thành những cường quốc hàng đầu vào thế kỷ 21, thì hiện tượng này thật sự chỉ là dấu hiệu bình thường hóa một tình trạng đã có trong suốt nhiều nghìn năm lịch sử của nhân loại, trừ vài thế kỷ mới đây mà thôi. Trong quá khứ thì Bắc Phi có đế quốc Ai Cập (1450BC), Âu Châu có các đế quốc Hy Lạp (336BC) và La Mã (625BC-AD476). Tuy nhiên không có đế quốc nào đông dân, có nền văn hóa liên tục và bền vững, cũng như kinh tế hùng mạnh bằng Trung Quốc và Ấn Ðộ.
Riêng đối với Việt Nam , sự vùng dậy của Trung Quốc sau giấc miên trường 300 năm là một thực tại không thể tránh khỏi. Như là một dân tộc, Trung Hoa sẽ tìm được vị trí lớn tương xứng với tầm vóc của họ trong thế kỷ 21. Sự hồi sinh của dân tộc Trung Hoa là một thử thách nhưng cũng là một cơ hội cho dân tộc Việt nam.
Vấn nạn Trung Quốc dĩ nhiên cần một giải pháp đa diện bao gồm các lãnh vực dân chủ hóa chính quyền, đa diện hóa xã hội, địa phương phân quyền, xiểng dương dân quyền và nhân quyền. Ngoài ra, để củng cố cho các yếu tố trên, một phong trào phục hưng văn hóa Ðông Á vĩ đại ngay tại Trung Quốc sẽ đóng góp rất nhiều trong công tác thuần hóa con rồng Trung Hoa và đóng góp vào nền hoà bình lâu dài của nhân loại.
Thật vậy, ngày hôm nay, ngoài hiểm họa về môi sinh có thể tiêu diệt nhân loại, thì hiểm họa lớn nhất nhân loại phải đối phó là hiểm họa chiến tranh nguyên tử phát xuất từ các nhóm tôn giáo cực đoan.
Nền văn hóa Ðông Á, với truyền thống cộng sinh hài hòa giữa 3 tôn giáo nguyên thủy (Phật, Lão, Khổng) và trong thế kỷ 21, nới rộng để bao trùm các tôn giáo khác như Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo, Ấn Ðộ Giáo...là một bài học và một kinh nghiệm quý báu cho nhân loại, trong tác động thiết lập hòa bình trường cửu cho nhân loại. Các quan điểm Trung Ðạo của Phật Giáo, Trung Dung của Khổng Giáo và Vô Vi của Lão Giáo là những liều thuốc hữu hiệu điều trị căn bệnh tôn giáo quá khích của nhân loại.
Bằng tác động dân chủ hóa đất nước Việt Nam, dân chủ hóa Trung Hoa, phục hưng nền văn hóa truyền thống Ðông Á và phát huy các bảng giá trị Trung Dung, Trung Ðạo và Vô Vi của Tam Giáo chúng ta sẽ đóng góp hữu hiệu vào tương lai của nhân loại trong thế kỷ 21.
Chính vì thế, cần phải có một sự liên kết quốc tế giữa những người làm văn hóa Ðông Á bao gồm Việt Nam , Hàn Quốc, Nhật Bổn, Ðài Loan và Trung Quốc, để dấy động một phong trào phục hưng văn hóa Ðông Á vĩ đại. Một phong trào như thế sẽ đóng góp vào việc kiến tạo một khối Ðông Á của tương lai, trong đó Trung Quốc sẽ giữa vị trí như Hoa Kỳ, sinh hoạt hài hòa với các nước lân bang trong khối Bắc Mỹ Châu như Gia Nã Ðại, Mễ Tây Cơ. Hoặc một ví dụ khác là khối Âu Châu trong đó Nga Sô và Liên Hiệp Âu Châu (European Union) sinh hoạt hài hòa giữa những quốc gia trong liên hiệp hoặc các quốc gia đứng bên ngoài như Thụy Sĩ, Na Uy, Serbia, Bosnia-Herzegovina, Thổ Nhĩ Kỳ v..v..
4. Xây dựng đường hướng Kinh tế mới là thử thách thứ tư:
Tinh thần thiếu tự chủ truyền thống và sự lệ thuộc quá mức vào Trung Quốc vĩ đại đã gây nhiều thiệt hại kinh tế cho Việt Nam .
Trong giai đoạn 2006-2010, kinh tế Việt Nam phát triển trung bình 7% một năm. Trung Quốc khoảng hơn 10% một năm trong vòng 30 năm qua.
Theo CIA World Fact Book thì năm 2009 như sau:
Việt Nam 5.3%, Trung Quốc 8.7%, Ấn Ðộ 7.4%. Ðây là một năm nhiều khó khăn vì cơn khủng hoảng tài chánh thế giới.
Giới lãnh đạo CS Việt Nam thường tự hào rằng mức độ phát triển của VN chỉ đứng sau Trung Quốc tại Ðông Nam Á. Tuy nhiên, sự thật VN phải phát triển ít nhất bằng Trung Quốc hoặc hơn Trung Quốc mới mong bù đắp lại những thụt lùi quá lớn vì chế độ Cộng Sản chuyên chính trong quá khứ gây ra.
Ðài Loan và Nam Hàn đã làm được trong quá khứ và VN có thể làm được trong hiện tại nếu CSVN hoàn toàn cởi trói cho toàn dân.
Theo tài liệu European Economic and Commercial Counsellors 2010 Report On Vietnam, thì cán cân mậu dịch Việt Nam thâm thủng năm 2008 là 18 tỷ Mỹ Kim, đến năm 2009 giảm xuống còn 12.2 tỷ. Ðiều đáng ghi nhận là trong số 12.2 tỷ này thì Việt Nam đã thâm thủng với Trung Quốc là 11.3 tỷ Mỹ Kim.
Một cách tổng quát tình hình mậu dịch của Việt Nam như sau:
Theo Wikipedia, năm 2004 Việt Nam nhập cảng hàng hóa trị giá 31.5 Tỷ Mỹ kim. Chính là máy móc (17.5%), xăng đã lọc (11.5%), thép (8.3%), vải vóc (7.2%) và áo quần (6%). Nhập cảng từ các quốc gia sau đây: Trung Quốc (13.9%), Ðài Loan (11.6%), Singapore (11.3%), Nhật Bổn (11.1%), Nam Hàn (10.4%), Thái Lan (5.8%) và Mã Lai (3.8%)
Cũng năm 2004, Việt Nam xuất cảng hàng hóa trị giá 26.5 tỷ Mỹ Kim. Các hàng xuất cảng chính bao gồm dầu thô (22.1%), áo quần (17.1%), dày dép (10.5%), đồ biển (9.4%) và điện tử (4.1%). Xuất cảng đến các quốc gia sau đây: Hoa Kỳ (18.8%), Nhật Bổn (13.2%), Trung Quốc (10.3%), Úc (6.9%), Singapore (5.2%), Ðức (4%) và Vương Quốc Anh (3.8%).
Cần phải lưu ý như sau:
Tuy hai đối tác chính của Việt Nam là Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhưng khi buôn bán với Hoa Kỳ thì Việt Nam hầu như lúc nào cũng có lời, và khi buôn bán với Trung Quốc thì Việt Nam lúc nào cũng lỗ và lỗ rất nặng.
Theo Cơ Quan Thống Kê Hoa Kỳ (US Census Bureau) thì kết quả cán cân mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Việt Nam như sau:
Năm nào Việt Nam cũng thặng dư (tức lời):
2002: US$ 1,814.8 million
2003: US$3,231.1 million
2004: US$4,169.8 million
2005: US$5,438.0 million
2006: US$7,466.4 million
2007: US$8,729.8 million
2008: US$10,111.6 million
2009: US$9,190.6 million
2010: US$5,948.2 million (chỉ tính 7 tháng từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2010)
Chúng ta không có những con số công khai và chính thức về cán cân mậu dịch giữa Trung Quốc và Việt Nam vì Việt Nam là một chế độ toàn trị.
Tuy nhiên với những chỉ dẫn thu nhận được, thì theo tờ Vietnam Business News ngày 14 tháng 7 vừa qua, trong 5 tháng đầu tiên năm nay Việt Nam đã nhập cảng 8 tỷ Mỹ Kim hàng hóa từ Trung Quốc nhưng chỉ xuất cảng được 2.30 Tỷ Mỹ Kim đến Trung Quốc.
Năm 2009 Việt Nam mua hàng hóa của Trung Quốc trị giá 16.4 tỷ Mỹ Kim trong khi xuất cảng được 4.9 tỷ Mỹ Kim sang Trung Quốc.
Có nghĩa là tính theo năm 2009 Việt Nam buôn bán với Hoa Kỳ lời được hơn 9 tỷ Mỹ Kim và khi buôn bán với Trung Quốc bị lỗ vốn 11.5 tỷ Mỹ Kim. Nếu mỗi năm bị lỗ vốn tương tự với một số kim ngạch khổng lồ như thế và suốt nhiều thập niên thì hầu như tất cả sức lao động của dân tộc Việt Nam, tất cả ngoại tệ các Việt Kiều hải ngoại gới về hàng năm, đều thật sự dâng hiến cho tài phiệt Trung Quốc.
Ðây là một tình trạng nghiêm trọng vô cùng. Nhưng các lãnh đạo CSVN phớt lờ và không bao giờ coi là một yếu tố quan trọng trong tương quan ba chiều giữa Việt Nam , Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Trung Quốc là vua trong vấn đề sử dụng xảo thuật để lũng đoạn ngoại tệ cũng như thị trường hầu chiếm phần lợi, ngay cả đối với những cường quốc như Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu. Một đàn em nhỏ nhoi như Việt Nam thật không đáng cho họ để tâm. Huống hồ là một đàn em trung thành, tận tụy và chỉ dám dùng lời lẽ nhỏ nhẹ chứ không bao giờ cả gan lớn tiếng với mình.
Trong một thế giới cạnh tranh kinh tế quyết liệt, ngoài lòng hoài vọng của giới lãnh đạo CSVN mong mỏi CSTQ nâng đỡ để hầu bám víu chính quyền, thật ra dân tộc Việt Nam không có lý do gì tiếp tục duy trì một cán cân mậu dịch bất bình đẳng, và tung hô một tình hữu nghị không còn thực chất nữa. Ngoài các nước Tây Phương phát triển, chúng ta còn có thể tích cực tăng cường mậu dịch bình đẳng hơn với các quốc gia khác trong khu vực như Nhật Bổn, Nam Hàn, Ðài Loan, Nam Dương, Ấn Ðộ, Phi Luật Tân, Mã Lai v.v..
Dĩ nhiên cần có những biện pháp quan trọng khác để nâng cấp nền kinh tế Việt Nam để vươn lên và cạnh tranh ngang hang vối Trung Quốc, đi thẳng vào giai đoạn kinh tế dịch vụ (service industries) và tin học (information technologies) thay vì học theo TQ và trở thành bãi chứa rác (rubbish dump) cho nền kinh tế TQ.
Ðiều này chỉ có thể xảy ra nếu dất nước hoàn toàn vượt thoát cái đuôi chuột “định hướng xã hội chủ nghĩa”.
5. Can đảm thay thế khẩu hiệu bằng sự thật là thử thách thứ năm:
Một thi sĩ người Anh Quốc vào thế kỷ 18 Samuel Johnson viết: “patriotism is the last refuge of a scoundrel” tạm dịch: “Lòng ái quốc là nới ẩn trốn cuối cùng của một kẻ hèn nhát”.
Dĩ nhiên ông không nói đến lòng ái quốc chân chính. Ý Ông nói đến những giới lãnh đạo của các chế độ độc tài, biện minh cho bạo lực của mình bằng các khẩu hiệu “yêu nước”.
Khi chúng ta duyệt lại lịch sử loài người thì những quốc gia trên thế giới bước vào những giai đoạn khốn nạn nhất lịch sử khi chính quyền cai trị người dân bằng khẩu hiệu.
Nước Ðức dưới thời Ðức Quốc Xã với nhiều khẩu hiệu khác nhau, đặc biệt nhất là khẩu hiệu:
“Một dân tộc, một chính đảng và một lãnh tụ” (One nation, one party and one leader)
Liên Xô dưới thời Stalin dĩ nhiên nhiều khẩu hiệu không kém, đặc biệt nhất là:
“Yêu nước là yêu đồng chí Stalin” (For motherland, for Stalin)
Trung Hoa cộng sản cũng không thua kém số lượng khẩu hiệu, đặc biệt là:
“Tư tưởng Mao Trạch Ðông bách chiến bách thắng vạn tuế” (Long live the invincible thoughts of Mao Tse-Tung).
Việt Nam đang sống dưới một chế độ độc tài đảng trị và dĩ nhiên không thiếu khẩu hiệu.
Không có gì đáng xấu hổ bằng khi đọc các báo chí (do nhà nước sở hữu, quản lý và kiểm soát chặc chẽ) những khẩu hiệu như sau:
a. Yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa
Có nghĩa là những người không yêu xã hội chủ nghĩa đều không yêu nước, dù có xả thân cho đất nước bao nhiêu, như các vị anh hùng dân tộc từ các vua Hùng Vương, đến Trần Hưng Ðạo, Lê Lợi hoặc Quan Trung Nguyễn Huệ.
b. Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam , Ðộc Lập Tự Do Hạnh Phúc
Chẳng lẽ các quốc gia khác như Úc Ðại Lợi, Hoa Kỳ, Nhật Bổn, Anh Quốc đều không có độc lập, tự do và dân chúng họ không hạnh phúc bằng dân Việt Nam dưới xã hội chủ nghĩa? Sự thật oái ăm là không có gì xấu hổ bằng cầm trong tay một bản dịch ra Anh Ngữ một bằng cấp của Việt Nam mà trên đầu có các chữ được dịch rất lớn: Socialist Republic of Vietnam, Independence , Freedom, Happiness. Phần lớn các cơ quan giáo dục ngoại quốc, khi đọc khẩu hiệu trên trong một văn bằng giáo dục, không khỏa đánh giá văn bằng của con em Việt du học thấp hơn là thực chất các văn bằng này.
c. Học Tập và Làm Theo Tấm Gương Ðạo Ðức Hồ Chí Minh
Chúng ta chưa thấy một quốc gia nào lại khinh thường sự thông minh và nhân phẩm của dân chúng họ tới mức độ này.
Tại Hoa Kỳ chưa thấy có chính sách nào khuyến khích dân chúng học theo gương Bác Washington hoặc Thomas Jefferson hoặc Abraham Lincoln.
Tại Pháp cũng chưa thấy làm tương tự cho các Bác Charlemagne, Louis 14 hoặc De Gaulle.
Chẳng lẽ dân Việt chúng ta ngu đần đến mức độ trước bác Hồ, không có ai bằng, và vĩnh viễn sau Bác Hồ cũng sẽ không có ai, trong khi các dân tộc khác không ngừng tiến lên để vượt lên trên các thế hệ cha ông của họ.
Sự thật là chế độ CSVN đã không còn biện minh gì có giá trị để duy trì quyền lực độc tôn trên đất nước và như những kẻ hèn nhát của Samuel Johnson, họ đang ẩn trốn đàng sau các khẩu hiệu yêu nước, yêu xã hội chủ nghĩa , yêu Bác Hồ vô nghĩa.
Chính vì thế, đảng CSVN, cần một cố gắng để sống còn vượt bực, phải vùng lên, đạp đổ các khẩu hiệu lố bịch, cùng toàn dân đối diện sự thật, giải quyết các thử thách của dân tộc vào thế kỷ 21, và cùng toàn thể các lực lượng khác của dân tộc, khởi công xây dựng một kỷ nguyên dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên.
Nếu họ cố chấp thì thế kỷ 21 sẽ là thời điểm dân tộc Việt Nam vứt họ vào sọt rác, cùng với những khẩu hiệu lố bịch mà họ đã áp đặt trên người dânViệt Nam nhiều thập niên qua.
Luật sư Ðào Tăng Dực
.
.
.
No comments:
Post a Comment