Friday, October 8, 2010

VỀ QUY TẮC ỨNG XỬ MỚI TẠI BIỂN ĐÔNG

Đào Như
Đăng ngày 07/10/2010 lúc 19:55:59 EDT

Ngày 29-09-2010, truyền thông Phi-Luật-Tân nhấn mạnh: yêu cầu mọi bên thương lượng tôn trong Tuyên bố Ứng xử tại Biển Đông (DoC - Declaration of Conducts) 2002.

-Ngày 01-10, Trung Quốc (TQ) tuyên bố: ASEAN và TQ đang bàn về qui tắc ứng xử (CoC – Code of Conducts) tại Biển Đông
-Ngày 04-10, Mỹ tuyên bố sẵn sàng giúp ASEAN xây dựng bộ luật ứng xử CoC tại Biển Đông
-Ngày 05-10, Mỹ tuyên bố ủng hộ bộ qui tắc ứng xử Biển Đông

Đó là tiến trình đấu khẩu qua lại giữa TQ và Mỹ, trong suốt gần một tuần lễ vừa qua về cuộc đàm phán đa phương giữa TQ và các quốc gia Asean về vấn đề hoạch định qui tắc ứng xử Biển Đông. Trong khi đó, ngoại trừ Philippines, các nước Asean, những đối tác chính trong cuộc đàm phán này, lại kín tiếng lặng thinh môt cách khó hiểu, nhất là Việt Nam.

Ngày 29-9, ông Paquito Ochoa Jr, cố vấn phủ Tổng thống Phi-Luật-Tân, xác định TQ và các nước ASEAN đã bắt đầu thảo luận về việc xây dựng bộ qui tắc ứng xử tại Biển Đông. Ông còn nhấn mạnh bản Tuyên bố về Qui Tắc Ứng Xử DoC 2002 tại Biển Đông là trọng tâm của tiến trình hợp tác Asean và TQ trong quá khứ, nhầm bảo đảm hòa bình trong vùng Biển Đông bất chấp các tranh chấp, các tranh cãi chủ quyền trong khu vực.

Lập tức, hai ngày sau đó, bất ngờ, ông Lưu Kiến Siêu, đại sứ TQ tại Phi-Luật-Tân, tuyên bố trong một cuộc họp báo là cuộc thảo luận về qui tắc ứng xử-CoC-tại Biển Đông đang được tiến hành ở cấp chuyên viên:

TQ và các nước Đông Nam Á đã bắt đầu thảo luận nhầm đưa ra qui tắc về mục tiêu ngăn chận không để các tranh chấp lãnh thổ bùng nổ thành xung đột vũ trang”.

Theo họ Lưu, thì các bên đã bàn bạc một số chi tiết của văn bản và quá trình đàm phán vẫn còn đang tiếp diễn. Hiện nay vẫn chưa có một thời biểu cụ thể cho cuộc đàm phán. Tuy nhiên trong tương lai, TQ sẵn sàng hợp tác với các bên có liên quan đến văn bản này.

Nhưng những điều phát biểu của Đại sứ Lưu Kiến Siệu không nói lên được :

1- Tại sao lại phải bàn về một qui tắc ứng xử mới, giá trị của bản Tuyên bố về ứng xử DoC năm 2002 hiện ra sao?
2- Đàm phán hiện tại đang diễn ra ở đâu? Có thật là đàm phán đa phương? Và chừng nào “văn bản mới” của CoC có hiệu lực?
3- Đại sứ Lưu cũng không hề nói về biện pháp chế tài những kẻ vi phạm luật CoC mới. Việt Nam đã khẩn thiết kêu gọi trong mấy năm qua: CoC phải nêu rõ vấn đề này một cách dứt khoác, nhất là biện pháp trừng phạt những kẻ vi phạm luật phải thật sư hữu hiệu.

Có một điều đáng chú ý là TQ luôn luôn phản đối sư tham dự của các quốc gia từ bên ngoài vào các vấn đề của khu vực. Điều đó có nghĩa là TQ quyết định loại trừ sư can thiệp của Mỹ vào tiến trình đàm phán về Biển Đông, mặc dầu, ai cũng biết, sư xung đột chính yếu hiện nay tại Biển Dông là sư xung đột giữa “lợi ich quốc gia” của Mỹ và “quyền lợi cốt lõi” của TQ. Có Mỹ lên tiếng tại thượng đỉnh ARF-17, hôm 23-7, tại Hà nội, mới có sự “xưống nước, đổi giọng” của Bắc kinh về Biển Đông. Điều này cũng dễ hiểu, vì Mỹ luôn luôn là một đối trọng nặng ký đối với TQ. Tiếng nói của Mỹ có một sức ép thật sự đối với TQ. Hôm 04-10, tại thủ đô Bỉ, Brussels, ông Ôn Gia Bảo, Thủ tướng TQ, đã hòa đàm bên lề ASEM-8 với Naoto Kan, Thủ tướng Nhật, để làm giảm bớt căng thẳng giữa Nhật và TQ về việc tranh chấp vùng biển quanh đảo Sensaku - Điếu ngư. Ấy thế mà Ôn gia Bảo, hôm 23-9 nhất mực không chấp nhận nói chuyện với Thủ tướng Nhật, tại Nữu Ước, dưới sự chủ trì của Tổng thống Mỹ, Obama. Thế mới biết TQ rất áy náy khi đối diện với Mỹ biết là chừng nào.
Cũng vì để xoa dịu TQ, không ai ngạc nhiên khi nghe thấy đại sứ Mỹ tại Phi-Luật-Tân, ông Harry Thomas Jr, hôm 4-10 tuyên bố: Hoa kỳ sẵn sàng giúp xây dựng một bộ luật ứng xử CoC mang tính ràng buộc nhắm giải quyết những tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, giữa các nước ASEAN và TQ. Hoa kỳ không muốn thấy sự xung đột, không muốn thấy chiến tranh vì Biển Đông; Hoa kỳ cũng không đứng về phía bên nào trong vụ tranh chấp này. Washington đang chờ đợi ASEAN và TQ chấp thuận đàm phán và mỗi khi ASEAN đề ra những mục tiêu, nếu được họ yêu cầu trợ giúp trên các vấn đề cụ thể, thì Hoa kỳ sẽ vui lòng hỗ trợ. Bộ luật ứng xử tại Biển Đông phải mang tính ràng buộc. Và việc thông qua một bộ luật như vậy sẽ bảo đảm sự ổn định tự do lưu thông và thương mại quốc tế trong khu vực. Đại sứ Thomas phát biểu: Hoa kỳ không muốn lao mình vào cuộc xung đột với TQ.

Trong thực tế, cho đến nay ASEAN và nhất là Việt Nam, luôn luôn thúc đẩy TQ chấp nhận bộ luật ứng xử trong khu vực có tính ràng buộc sẽ tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các vấn đề Biển Đông trong hòa bình. Dĩ nhiên nếu bộ luật này được thành lập, thì trong tương lai nó có thể thay thế bản tuyên bố về ứng xử DoC đã được ký kết giữa ASEAN và TQ vào năm 2002.

Đứng trước bối cảnh lịch sử của Biển Đông đến hôm nay, các nước trong Hiệp Hội Đông Nam Á không ai còn đủ khả năng thật sự dám tin vào những gì TQ nói, nhất là về Biển Đông. TQ đã quá hung hãn, tham lam, ngang ngược. Có nhiều câu hỏi được nêu lên, kế hoạch về Biển Đông do TQ giương ra trong hiện tại, phải chăng đó chỉ là một chiến thuật đoản kỳ, vì TQ hiện tại đang đối đầu với nhiều thách thức lớn hơn từ Châu Âu, từ Mỹ về những vấn đề kinh tế tài chánh, xuất khẩu và tỷ giá đồng nhân dân tệ. Đó là những vấn đề sống còn trước mắt của 1,300 tỷ dân TQ. Nhưng dù sao trong văn bản của bộ luật ứng xử Biển Đông CoC nếu được hoàn tất trong tương lai, sẽ không bao giờ có khoảng nói lên sự rút lui tham vọng lấn chiếm Biển Đông của TQ. Bắc kinh không bao giờ từ bỏ ý tưởng tham vọng của họ, mô hình“lưỡi bò” của họ chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông. Do đó an ninh khu vực Biển Đông vẫn tiếp tục bị hăm dọa. Đó là thực tế hiển nhiên, các nước Đông Nam Á, Mỹ và nhất là Việt Nam phải nhìn thấy trước.

Đào Như
05-10-2010
© Thông Luận 2010
.
.
.

No comments: