Đăng bởi anhbasam on 08/10/2010
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hàng hải là tâm điểm cuộc gặp an ninh tại Hà Nội
Daniel Ten Kate
Ngày 7-10-2010
Vai trò của Trung Quốc trong những cuộc tranh chấp lãnh thổ ở vùng biển rộng hơn 1.000 dặm dường như sẽ chiếm ưu thế trong cuộc gặp của các bộ trưởng quốc phòng châu Á – Thái Bình Dương vào tuần tới khi họ tìm kiếm việc bảo vệ các tuyến đường biển sống còn với thương mại thế giới.
Việt Nam, nước chủ trì cuộc gặp ngày 12/10, trong tuần này đã thúc giục Trung Quốc thả một tàu cá và các thuỷ thủ bị bắt giữ ở gần quần đảo mà một số quốc gia láng giềng cùng tuyên bố chủ quyền. Hai tàu tuần tra Trung Quốc hôm qua đã rút khỏi vùng biển tranh chấp do Nhật Bản quản lý một tháng sau khi xảy ra va chạm hàng hải làm bùng nổ căng thẳng ngoại giao giữa hai nền kinh tế lớn nhất của châu Á.
Trung Quốc đã chống lại cam kết theo bộ quy tắc ứng xử tại vùng biển tranh chấp trong khu vực và đang mở rộng lực lượng hải quân theo kế hoạch sức mạnh vượt qua biên giới, theo một báo cáo quốc phòng hồi tháng 8 của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates sẽ có mặt trong cuộc gặp tuần tới ở Hà Nội cùng với người đồng cấp Trung Quốc Lương Quang Liệt, ba tháng sau khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố, vấn đề chủ quyền tại Biển Hoa Nam (Biển Đông) là một “ưu tiên ngoại giao”.
“Đó thực sự là vấn đề an ninh hàng hải mà Mỹ và các đồng minh quan tâm, khi đó là nơi xảy ra những sự khiêu khích”, Carlyle A. Thayer, giáo sư chính trị tại Học viện Quốc phòng Australia ở Canberra nói. “Mỗi cuộc đụng độ giờ đây là một dấu hỏi”.
Thất bại trong việc thiết lập những quy tắc cho tàu thuyền qua lại các vùng biển tranh chấp gây nên nguy cơ đụng độ hải quân có thể phá vỡ dòng chảy hàng hoá giữa các nền kinh tế lớn nhất trong khu vực. Riêng ở biển Hoa Nam (Biển Đông), Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei đều có các tranh chấp chủ quyền với các đảo.
Một chọi một
Ông Gates có lẽ sẽ có cuộc gặp mặt đối mặt với ông Lượng tại hội nghị quốc phòng, đây là cuộc gặp đầu tiên của ông với một lãnh đạo quân đội Trung Quốc trong gần một năm nay, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Geoff Morrell ngày 5/10 cho biết. Trung Quốc không có kế hoạch đề cập tới tranh chấp Biển Hoa Nam (Biển Đông) trong cuộc hội đàm, hãng Tân hoa xã hôm qua dẫn lời Quản Hữu Phi, phó giám đốc văn phòng Đối ngoại thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc như vậy.
Mỹ đã lo ngại về việc “đầu tư quá mức” của Trung Quốc trong lực lượng hàng hải và cách hành xử “rất gây hấn” của họ ở Bờ Đông, Đô đốc Mike Mullen, chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân, cố vấn quân sự hàng đầu của Tổng thống Barack Obama, nói với báo chí ngày 19/9.
Trong tháng 3, Trung Quốc tuyên bố sẽ chi tiêu 532,1 tỉ nhân dân tệ (79,6 tỉ USD) cho quốc phòng năm nay; Lầu Năm Góc ước tính thực tế là quân đội Trung Quốc chi tiêu gấp đôi số này. Lầu Năm Góc đã yêu cầu tổng cộng 708 tỉ USD cho các hoạt động của quân đội Mỹ, bao gồm tiền đổ vào các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, cho năm tài chính bắt đầu từ 1/10.
Ngăn chặn Mỹ
Sự đầu tư của Trung Quốc vào tàu ngầm hạt nhân, tên lửa đạn đạo chống hạm và các khả năng mục tiêu phần lớn là nhằm ngăn chặn Mỹ trong khả năng xảy ra một cuộc xung đột với Đài Loan, Lầu Năm Góc nhấn mạnh trong báo cáo đưa ra hồi tháng 8. Khương Du, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi báo cáo này là “vô lý”.
“Việc phát triển của Trung Quốc là hoà bình và hợp tác”, bà Khương nói với báo chí ngày 28/9 khi trả lời câu hỏi về việc liệu vụ tranh cãi gần đây với Nhật có thể khiến các nước Đông Nam Á bất an. “Chúng tôi luôn luôn giữ quan điểm giải pháp hoà bình cho tranh chấp thông qua tham vấn song phương”.
Hôm qua, yêu cầu của Việt Nam là Trung Quốc “lập tức” và “vô điều kiện” thả tàu cá diễn ra sau một thông tin của báo Nikkei rằng, các nhà lãnh đạo trong khu vực sẽ thúc ép Trung Quốc về cách hành xử của họ tại hội nghị an ninh. Các bộ trưởng quốc phòng có thể nhất trí hợp tác về kế hoạch an ninh hàng hải, nhật báo Nhật Bản dẫn một văn bản dự thảo như vậy.
Thả ngư dân
Trung Quốc nói với Việt Nam sẽ không thả ngư dân cho tới khi họ nộp phạt vì đánh cá bằng thuốc nổ, chính phủ Việt Nam nói trong một tuyên bố đăng trên trang web của họ hôm qua. Tháng trước,, chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu Nhật Bản lập tức thả thuyền trưởng tàu cá bị bắt giữ tại vùng biển tranh chấp sau khi tàu của ông này va chạm với hai tàu tuần tra của lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản. Nhật Bản thả thuyền trưởng tàu cá ngày 24/9.
“Trước đây, Trung Quốc gia tăng một cách hoà bình, nhưng các hoạt động hàng hải của họ ngày một tăng cường trong hai năm qua đã khiến những quốc gia láng giềng lo ngại”, Hitoshi Tanaka, một cựu quan chức ngoại giao và hiện là nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Trao đổi Quốc tế Nhật Bản ở Tokyo cho biết. “Chúng tôi cần sử dụng áp lực để yêu cầu Trung Quốc hành xử mang tính xây dựng trong cộng đồng quốc tế”.
Biển Hoa Nam (Biển Đông) trải rộng 3,5 triệu km vuông (1,4 triệu dăm vuông) từ Singapore tới Eo biển Đài Loan. Trung Quốc và Việt Nam nắm giữ những khu vực tuyên bố chủ quyền lớn nhất tại vùng biển giàu nguồn cá và dự khí dầu khí này.
Tăng cường quân đội
Những thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á cũng đã tăng cường chi tiêu quân sự, đạt 25,7 tỉ USD tổng cộng trong năm ngoái, theo Học viên Nghiên cứu Hoà bình quốc tế Stockholm. Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á trong nâng cấp quân đội với việc mua sắm các máy bay chiến đấu, tên lửa đất đối không, tàu chiến, tàu ngầm chạy bằng diesel trong năm năm qua.
Indonesia có kế hoạch mua 180 máy bay chiến đấu Sukhoi của Nga và một số máy bay chiến đấu F – 16 từ tập đoàn Lockheed Martin Corp., hãng tin Antara công bố ngày 28/9, khi dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Purnomo Yusigiantoro. Boeing Co. đang đấu thầu một hợp đồng gồm 126 máy bay chiến đấu từ Ấn Độ.
Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei đều có những tuyên bố chủ quyền với các đảo tại Biển Hoa Nam (Biển Đông). Tại một hội nghị thượng đỉnh 24/9, ông Obama và các nhà lãnh đạo Asean đã “xác nhận lần nữa tầm quan trọng của hoà bình và ổn định khu vực, an ninh hàng hải, không cản trở thương mại, và tự do hàng hải”, theo tuyên bố chung sau hội nghị.
“Là một siêu cường kinh tế, vai trò chắc chắn của Trung Quốc trong những lĩnh vực khác – an ninh, quân sự… – sẽ phải gia tăng”, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva cùng ngày đã nói trước Hội đồng Đối ngoại tại New York như vậy. “Chúng tôi có hai người bạn hùng mạnh, và chúng tôi hy vọng họ hoà thuận”.
Người dịch: Nguyễn Hùng
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2010
Nguồn: Bloomberg
------------------
Hội nghị quốc phòng ASEAN không né tránh các vấn đề nhạy cảm (07/10) (vnexpress.net)
.
.
.
No comments:
Post a Comment