Thanh Quang, phóng viên RFA
2010-10-16
Sáng thứ Sáu, 15/10/2010, Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã mở cuộc họp kín hàng năm để thảo luận kế hoạch ngũ niên về kinh tế quốc gia trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi Bắc Kinh cải cách chính trị.
Giới quan sát cho rằng chủ đề cải cách chính trị có thể được giới cầm quyền chú trọng tới trong phiên họp, nhất là Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhiều lần kêu gọi cải cách dân chủ.
Câu hỏi được nêu lên là triển vọng tự do, dân chủ ở Hoa Lục ra sao. Qua cuộc trao đổi với Thanh Quang, Giáo sư Trần Văn Đoàn dạy môn chính trị học tại Đại học Quốc Lập Đài Loan nhận xét:
.
Chỉ cải cách để Đảng tồn tại
GS Trần Văn Đoàn: Tôi nghĩ là vấn đề họ đặt ra cũng là vấn đề mà ông Đặng Tiểu Bình đã đặt ra cách đây hơn hai mươi mấy năm. Và cách đây 10 năm, ông Giang Trạch Dân cũng đặt ra y hệt như vậy. Vấn đề đối với Bắc Kinh là cải cách hay là không cải cách. Và phải cải cách thế nào để họ không chết, để có thể sống lâu. Đấy là vấn đề họ đặt ra chứ không phải vấn đề dân chủ hay không dân chủ hay tự do.
Nếu chúng ta quan sát thủ tướng Ôn Gia Bảo, thì thấy ông ta là người đầu tiên đến với tất cả những gì quan trọng xảy ra, như các vụ động đất mấy năm trước. Do đó, ông nắm vững được nhiều vấn đề.
Thứ nhất là tại tất cả các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải hay Quảng Châu, ý thức của người dân bây giờ về tự do rất nhiều và rất rộng hơn. Họ để ý tới vấn đề dân chủ nhiều hơn. Nhưng dân chủ như thế nào lại là chuyện khác.
Trong khi đó, tôi thấy các vùng quê số người nghèo càng ngày càng nhiều và sự bất công giữa giàu-nghèo ngày càng lớn. Và nhất là các cán bộ cũ và những người thất nghiệp càng ngày càng nhiều. Do đó ông Ôn Gia Bảo nhận thấy rất có thể có cuộc cách mạng mới, có thể có cuộc bạo động mới. Và để tránh bạo động thì phải làm gì?
Cách đây 10 năm, ông Giang Trạch Dân đưa ra kế hoạch những người có tư bản có quyền gia nhập đảng CS. Đó là chuyện ông Giang đưa ra. Và bây giờ tôi nghĩ tình hình cũng tương tự như vậy. Tại vì 10 năm trước, đối với chủ tịch Giang Trạch Dân, nếu không cho tư bản vào, thì đảng CS không còn là đảng CS nữa. Đến 60% những người trong đảng trở thành buôn bán và đã biến thành người tư bản rồi. Bây giờ tình hình y hệt như vậy, đó là nếu không cho tự do, dân chủ trong đảng thì cũng không được. Ngay trong số đảng viên bây giờ, tới 60-70%, họ đòi có tiếng nói dân chủ và tiếng nói tự do trong đảng. Tôi nghĩ Thủ tướng Ôn Gia Bảo nghĩ như vậy.
Thanh Quang: Nhưng thưa GS, tiếng nói dân chủ, tiếng nói tự do trong đảng như GS vừa nói có thể bị trở ngại ra sao trong bối cảnh được biết xảy ra tranh chấp trong nội bộ đảng CSTQ?
GS Trần Văn Đoàn: Vâng, có thể có cuộc tranh chấp quyền lực trong nội bộ đảng. Thí dụ điển hình là giữa Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vẫn còn mối xích mích. Và trong những năm gần đây, nhất là năm ngoái và năm nay, có rất nhiều bài diễn thuyết của ông Ôn Gia Bảo bị cắt xén. Có bài không được đăng trên báo chí chính thức của đảng.
Thành ra có thể nói có cuộc tranh chấp quyền lực giữa 2 bên. Và ông Ôn Gia Bảo bắt buộc phải dựa vào cái thế của người dân ở dưới, hay của đa số đảng viên trong đảng.
.
Còn xa vời
Thanh Quang: Như vậy, theo GS, triển vọng dân chủ thực sự ở TQ ra sao?
GS Trần Văn Đoàn: Vấn đề dân chủ ở Hoa Lục có thực hay không, theo tôi là không có thực. Tại vì quan niệm dân chủ đối với người TQ rất mơ hồ. Có thể nói nó không có truyền thống trong người TQ. Đa số người TQ chú trọng tới vấn đề thực chất. Tức là ai có thể cho họ cơm no, áo ấm thì họ sẽ ủng hộ. Đó là lý do tại sao ở TQ, tất cả triều đại trong hằng mấy trăm năm vẫn không thay đổi. Và chỉ có thay đổi khi người dân không chiu đựng được nữa. Nếu hiểu như vậy thì chúng ta đừng nghĩ rằng dân chủ tự do sẽ đến với TQ trong tương lai gần.
Thanh Quang: Thưa GS, việc nhà dân chủ Lưu Hiểu Ba đang bị cầm tù vừa được giải Nobel Hoà Bình có thể giúp ích gì không cho triển vọng dân chủ ở TQ?
GS Trần Văn Đoàn: Tôi nghĩ khi ông Lưu Hiểu Ba được giải Nobel Hoà Bình thì chúng ta để ý tới 2 chuyện: Thứ nhất là giới trí thức, nhiều người rất thích nhưng họ không biểu lộ ra bên ngoài. Có một số rất ít đứng ra kêu gọi vấn đề dân chủ cho đất nước mà thôi. Còn đại đa số không biết ông Lưu Hiểu Ba là ai, và cũng chẳng ai nghe đến giải Nobel Hoà Bình.
Do đó có người nói, lần này, nhân khi phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao TQ rất nóng giận và phê bình Na Uy đã can thiệp vào chuyện nội bộ của TQ thì đây là một cách cảnh cáo ông Lưu Hiểu Ba. Nhưng có ý kiến khác nói rằng làm như vậy, ông Hồ Cẩm Đào và Bộ Ngoại giao TQ đã phong Thánh cho ông Lưu Hiểu Ba, làm ông Lưu Hiểu Ba nổi trong cả TQ lẫn trên toàn thế giới.
Trở lại câu hỏi là việc ông Lưu Hiểu Ba được giải Nobel có ảnh hưởng gì tới TQ không, thì tôi nghĩ nó chỉ có ảnh hưởng rất nhỏ trong giới trí thức mà thôi. Thực ra ngay tầm ảnh hưởng tới sinh viên cũng không nhiều lắm. Nhưng đặc biệt ở Đài Loan thì tầm ảnh hưởng này rất lớn. Vì tôi nghĩ ở Đài Loan họ rất ủng hộ ông Lưu Hiểu Ba.
Thanh Quang: Thưa GS, nhiều nhà phân tích cho rằng Phó Chủ tịch TQ Tập Cận Bình rất có triển vọng thay thế Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào năm 2012 nếu ông trở thành Phó Chủ tịch Quân Ủy Trung ương vào cuối tuần này. GS nhận xét như thế nào về nhân vật Tập Cận Bình, nhất là ông này có thể tạo thuận lợi hay gây phương hại ra sao cho triển vọng dân chủ ở Hoa Lục?
GS Trần Văn Đoàn: Tôi nghĩ vấn đề có lợi hay có hại thì khó trả lời được.
Nguyên tắc và đường lối của đảng CSTQ gần đây gần giống như đảng CSVN, tức hoàn toàn theo chủ thuyết thực dụng. Ông Tập Cận Bình là con ông cháu cha. Bố của ông Bình là Tập Trọng Vân đã từng làm phó Thủ tướng rồi Phó Chủ tịch Nhà nước cũng như Thống đốc Quảng Đông.
Do đó cũng là con ông cháu cha cả. Và hệ thống đào tạo của họ cũng nằm trong Đại học Thanh Hoa và cũng là kỹ sư hoá học. Họ là những người rất thực tiễn và biết nắm vấn đề, giải quyết vấn đề có lợi ngay tức khắc chứ không nghĩ quá sâu xa tới 1 chục hay 2 chục năm. Họ không phải là người quá lý tưởng. Thành thử Tập Cận Bình được đặt vào chức gần giống như Chủ tịch Ủy ban Lý luận Trung ương của đảng, hay là người cầm đầu Ban Tuyên Huấn của đảng.
Thực ra ông Tập Cận Bình không phải là nhà ý thức hệ, mà vấn đề là ông ta phải làm sao giải quyết các vấn đề ngay lập tức. Thí dụ điển hình là ông ta là người đi rất gần với Đài Loan, mời rất nhiều nhà kỹ nghệ, tập đoàn ở Đài Loan đến đầu tư tại TQ. Ông ta cũng là người chủ trương chính sách mở rộng với Đài Loan, nhưng phải có lợi cho TQ mà thôi. Cha ông ta là ông Tập Trọng Vân cũng thế, là người đề ra vùng kinh tế đặc biệt Thẩm Quyến. Nhìn vào cuộc đời ông Tập Cận Bình, chúng ta thấy rất rõ là Bắc Kinh đào tạo cán bộ cao cấp của đảng trong tương lai từ giòng con ông cháu cha qua Đại học Thanh Hoa hay Đại học Bắc Kinh. Lý thuyết của họ luôn nghĩ tới thực tiễn, thực dụng.
Thanh Quang: Dạ, cám ơn GS Trần Văn Đoàn rất nhiều.
Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia . All rights reserved.
.
.
.
No comments:
Post a Comment