Wednesday, October 20, 2010

TRÈO TƯỜNG LỬA Ở SÀI GÒN

Phóng sự của Văn Lang/Người
Tuesday, October 19, 2010

Ðã qua rồi cái thời mà các quán cà phê Sài Gòn trương tấm bảng thật to với dòng chữ ghi thật đậm nét, 'Café sành điệu - ở đây có wifi!'
'Wifi' hay 'Wireless', 'Internet không dây', hiện đã được bình dân hóa ở Sài Gòn. Giới trẻ khá giả ngày nay vẫn thích lướt Web bằng điện thoại 3G - iphone hơn là “lụ khụ” vác máy laptop đi vào mấy tiệm cà-phê wireless.
Nhưng không vì vậy mà mấy tiệm Internet với những dãy máy bàn (desktop) cổ lỗ sĩ hết đất sống. Ða phần dân vô đây không phải để lướt web mà chủ yếu vô để chơi game-online. Trước thực trạng nhiều thanh thiếu niên mê game-online đến độ phát ghiền, Hà Nội đã phải ban hành lệnh giới hạn giờ chơi, trong khoảng từ đêm về sáng và không cho mở các tiệm Internet quá gần các trường học.
Sài Gòn không ban hành các lệnh cấm như Hà Nội, nhưng có lẽ vấn đề wifi yếu hay rớt mạng cũng như tường lửa (firewall) thì ở đâu trên xứ Việt Nam cũng có vấn đề như nhau.

Một người bạn của chúng tôi nhà ở một quận ven Sài Gòn, khi trước anh thường khoe là khu anh ở có cà phê sân vườn mát mẻ, giá rẻ chỉ 12 ngàn đồng một ly, wifi miễn phí, lướt thoải mái từ sáng tới chiều.
Nhưng sau này hỏi thăm thì anh tỏ ý chán nản, cho biết: “Trước kia laptop là hàng khá xa xỉ, ít người xài ra cà phê wifi ít người vô mạng nên dễ truy cập, lúc sau này hàng 'second-hand' giá rẻ bán đầy, từ 3 tới 5 triệu là mua được một chiếc laptop cũ vô wifi được rồi, đông người xài thì mạng rớt tới rớt lui hoài, người bán cà-phê thì đâu chú ý gì tới wifi, vậy là nhiều khi muốn xài phải ra mấy quán 'xịn' vừa tốn tiền vừa mất thời gian nên cũng làm biếng dần.”

Về vấn đề tường lửa thì cả cà-phê wifi lẫn tiệm Internet đều sử dụng phần mềm do phía nhà nước cung cấp đi kèm với giấy phép kinh doanh. Hầu hết các trang web “nhạy cảm” về chính trị đều bị phần mềm quản lý ngăn chặn việc truy cập và việc cập nhật các địa chỉ mà phía nhà nước Việt Nam gọi là “địa chỉ đen” cũng thay đổi theo tình hình và thời gian.
Như trước kia, việc kiểm soát mạng Internet tại Việt Nam thực tế thì khá “dễ thở” so với “anh cả đỏ” là Trung Quốc. Vì trước nay phía Trung Quốc đều chặn không cho dân chúng truy cập vào trang BBC bản tiếng Hoa, trong khi phía Việt Nam việc truy cập trang điện tử BBC bản tiếng Việt rất dễ dàng và thoải mái. Cách đưa tin của BBC khá ôn hòa, nhiều khi tỏ ra “thiên tả” nên có vẻ được lòng Hà Nội.
Nhưng cho đến khi thế vận hội diễn ra tại Bắc Kinh, báo chí Việt Nam đưa tin rùm beng là xưa nay Trung Quốc chặn không cho dân truy cập vào trang BBC, nay nhân dịp thế vận hội mới “xả cảng” ít ngày cho dân chúng truy cập một ít tin tức... thể thao.
Thế rồi sau đó tình hình tại Việt Nam thay đổi, không rõ là do Việt Nam học theo “anh cả đỏ” Trung Cộng hay do loạt bài về tình hình dân chủ ở Việt Nam mà trang BBC tiếng Việt bị khóa, nhiều người gặp khó khăn trong việc truy cập vào trang này, đa phần phải dùng kỹ thuật “vượt tường lửa” mới vô được. Thậm chí trên google những bài viết có đường link từ BBC cũng bị chặn. Nhưng hiện nay theo tìm hiểu của chúng tôi thì trang web của BBC đã vô lại được bình thường mà không cần “kỹ năng” vượt tường lửa.

Cứ hải ngoại là chặn
Hầu hết trang điện tử của báo chí hải ngoại đều bị phía Việt Nam dùng tường lửa ngăn chặn. Nhưng lúc trước thì kỹ thuật dùng Internet của độc giả ở Việt Nam cũng như cơ quan quản lý còn thấp nên việc ngăn chặn cũng rất còn thô sơ.
Như trước kia muốn truy cập vào trang điện tử của báo Người Việt thì không thể gõ địa chỉ trực tiếp mà phải dùng chiêu “mãnh long quá giang” đó là “gõ đè” địa chỉ báo Người Việt qua một trang web mạnh khác mà không bị tường lửa như BBC chẳng hạn. Nhưng chiêu này xài được một thời gian thì bị vô hiệu hóa, trước cả khi trang BBC bị tường lửa. Và cho tới sau này (cũng như trước kia) Người Việt hoàn toàn bị bức tường lửa ở Việt Nam ngăn chặn không cho truy cập.

Về chiêu thức vượt tường lửa thì có một thời hầu hết giới “giang hồ” trên mạng đều dùng qua một vài trang trung gian như trang: chaohanh.com; chaoga.net... cho đến khi mấy trang này bị đánh sập.
“Giang hồ mạng” lại tản mát ra và dùng nhiều chiêu thức khác nhau để vô hiệu hóa bức tường lửa, chuyện cũng giống như Sơn Tinh và Thủy Tinh. Nhưng nhìn chung thì việc quản lý mạng bằng phần mềm cũng như các biện pháp hành chánh khác cũng có tác dụng là làm nản lòng những người “ảo tưởng” về tự do. Vì quả thực lúc đầu mạng Internet ở Việt Nam còn chưa bị kiểm soát chặt như sau này, người ta có thể dễ dàng lên mạng đọc đủ thứ, đến nỗi có một người bạn văn nghệ lớn tuổi lúc đó đã vui mừng nói với chúng tôi: “Tự do rồi! Tự do rồi! Cuối cùng thì cũng đã thấy tự do!”
Nhưng chỉ ít lâu sau người bạn của chúng tôi “méo mặt” vì biết mình đã “bé cái lầm” từ đó anh cũng giận luôn Internet và không thèm lên mạng đọc, xem gì nữa.
Ngoài phần mềm quản lý mạng cài đặt tại các máy chủ của tiệm Internet cũng như các quán cà-phê thì việc công an lâu lâu kiểm tra mấy tiệm kinh doanh này cũng làm cho những người chủ “tăng cường cảnh giác” dĩ nhiên là cảnh giác với người truy cập.

Tại một tiệm Net nằm trên đường Phạm Ngũ Lão quận Gò Vấp, cách đấy mấy năm khi chúng tôi truy cập vào trang web BBC (lúc đó chưa bị tường lửa) nhưng không ngờ dàn loa của tiệm bỗng kêu ầm lên: “Máy số 19 đang truy cập trang web xấu!” tiếng loa khó chịu cứ lập đi lập lại làm cả phòng cười ồ lên đổ dồn cặp mắt về phía chúng tôi vì nghĩ chúng tôi đang coi phim sex, bình tĩnh chúng tôi gõ lại địa chỉ thanhnien.com.vn là một trang báo của nhà nước, tiếng loa vẫn lập đi lập lại: “Máy số 19 đang truy cập trang web xấu!”
Bực mình, chúng tôi kêu chủ tiệm lại và chỉ vào địa chỉ trên màn hình, “Báo của nhà nước cho lưu hành sao máy tiệm dám gọi là trang web xấu?” Người chủ tiệm làm thinh không trả lời. Thật buồn, vì có những chủ tiệm máy còn “bảo hoàng hơn vua.” Tiệm trên sau này đã đóng cửa vì lý do kinh doanh ế ẩm.
Trước kia, khi bức tường Berlin chưa sụp đổ, xã hội cộng sản ở Ðông Âu được gọi là xã hội sau bức màn sắt (Iron Curtain), ngày nay sau bức màn sắt có lẽ chỉ còn Bắc Hàn và Cuba. Còn Việt Nam và Trung Cộng thì có thể được xem như là xã hội sau bức tường lửa (Firewall) vì lý do còn kiểm duyệt thông tin trên mạng Internet.

Nếu như Việt Nam “cởi mở” hơn Trung Cộng về việc siết chặt thông tin trên mạng Internet thì phía Trung Cộng lại thoáng hơn trong việc phát hành sách báo, nhất là công khai những chuyện “thâm cung bí sử” trong nội bộ triều ca Trung Nam Hải.

Việt Nam đã dịch và phát hành nhiều cuốn sách về triều đại đỏ của Trung Cộng, những cuốn sách nói về “Hồng đô nữ hoàng” - Giang Thanh; Khang Sinh - tên trùm mật vụ của Trung Cộng; việc Lưu Thiếu Kỳ - chủ tịch nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa bị Hồng Vệ Binh vặt râu, tra khảo tới chết; vụ Lâm Bưu bị Mao Trạch Ðông giết hại rồi đổ lỗi cho “rớt” máy bay; Ðặng Tiểu Bình ba lần vào ra Trung Nam Hải...
Ðọc những cuốn sách người ta thấy hãi hùng cho một “triều đại đỏ,” nhưng mặt khác cũng cảm thấy kính trọng phần nào truyền thống viết sử của người Trung Hoa, nơi có những nhà viết sử đã bị giết, đã bị cung hình để lại cho đời những pho sách đồ sộ phơi bày sự thật lịch sử như bộ sử ký Tư Mã Thiên...
Tự do và sự thật, văn minh và hạnh phúc đó là con đường mà loài người không thể nào chối bỏ!
.
.
.

No comments: