Wednesday, October 20, 2010

NOBEL CHO BLOGGER VIỆT NAM

TRẦN KHẢI 
Việt Báo Thứ Tư, 10/20/2010, 12:00:00 AM

Cách nào để hiệu quả nhất hoạt động cho nhân quyền? Có phải cần tăng áp lực từ Liên Hiệp Quốc, từ các chính phủ Mỹ, Liên Âu? Và giảỉ Nobel Hòa Bình thực ra giúp gì được cho nhân quyền thế giới?
Đó là những câu hỏi sẽ dẫn tới những câu trả lời “xấu đẹp tùy người đối diện”...

Nhiều nhà hoạt động nhân quyền tại Hoa Kỳ vẫn thường thắc mắc, rằng tại sao Mỹ lại dịu giọng nhân quyền, rằng tại sao không tăng áp lực nhân quyền. Và có khi so sánh giữa các Tổng Thống Cộng Hòa với Dân Chủ, nhưng thực tế ai cũng thấy còn là tùy riêng từng cá nhân Tổng Thống, và còn tùy tình hình thương mại và an ninh vùng.

Có một thực tế, căng thẳng quá tất không có lợi – thí dụ, nếu Mỹ làm căng thẳng, đòi TQ trả tự do cho Lưu Hiểu Ba, người vừa được Giải Nobel Hòa Bình, như kiểu Mỹ làm căng với Miến Điện -- sẽ không chỉ có hại cho kinh tế Mỹ và cả Trung Quốc, nhưng có thể làm lùi bước các hoạt động đã cởi mở trong nội địa TQ về mặt xã hội, nữ quyền...

Bản tin Reuters ngày 17-10-2010 ghi lời Thứ Trưởng Ngoại Giao TQ Fu Ying chỉ trích rằng Lưu Hiểu Ba là một “người kỳ lạ” (strange person) và nói rằng tại sao Ủy Ban Nobel không vinh danh các “anh hùng” đã giúp giải quyết các nan đề TQ, thí dụ như nạn đói của hơn 1.3 tỉ dân TQ thoát được nhờ loại lúa lai chủng do khoa học gia Yuan Longping tạo ra.Fu nói rằng Giaỉ Nobel Hòa Bình luôn luôn kể tên những người “kỳ lạ” từ TQ. Fu nói thế trước hội nghị World Policy Conference tại Marrakech, với kiểu nói ám chỉ cả tới Đức Đạt Lai Lạt Ma, người thắng Giải Nobel Hòa Bình năm 1989. Chúng ta không biết chính xác chữ “người kỳ lạ” có từ gốc là gì trong tiếng Hoa, có thể là bà Fu xài chữ  “dị nhân”? Hay chữ “quái nhân”? Hay chữ “kỳ nhân”? Mỗi chữ chắc chắn mang một nghĩa khác, tuy là dịch sang Anh ngữ chỉ là “strange person” thôi.

Thực tế cho chúng ta thấy, Giải Nobel Hòa Bình tuy là một nỗ lực giúp cho hòa bình thế giới, nhưng vẫn có những hạn chế nhất định. Giải này không cứu nổi Tây Tạng, cho dù Đức Đạt Lai Lạt Ma được giảỉ năm 1989. Giảỉ này không ép được chính phủ quân phiệt Miến Điện trả tự do cho bà Ang San Suu Kyi, tuy rằng bà được Nobel Hòa Bình năm 1991. Giải này không buộc nổi chính phủ Bắc Kinh trả tự do cho Lưu Hiểu Ba, người được giải mấy tuần qua, bất kể áp lực quốc tế từ nhiều hướng, kể cả lời kêu gọi trực tiếp từ TT Barack Obama.

Tuy nhiên, Giải Nobel Hòa Bình đã chiếu sáng được một phần trong các vùng tối của những xã hội phi nhân quyền. Điều chúng ta suy nghĩ rằng, Giải này có thể giúp gì cho Việt Nam, và ai nên được giải?
Tất nhiên, không ai đề cử ông Nông Đức Mạnh vào Giảỉ Nobel Hòa Bình dù lấy cớ rằng ông đã cứu đói và làm giàù cho cả dòng họ ông. Vấn đề là, đất nước VN cần một khuôn mặt điạ diện cho phong trào nhân quyền trước dư luận quốc tế.  Đã có một số nhà hoạt động nhân quyền VN được đề cử vào danh sách ứng viên Nobel Hòa Bình, nhưng nhiều năm nay không được Ủy Ban Nobel chú ý, vì nhà nước CSVN đã tô son phấn được cho các sinh hoạt “lễ hội tôn giáo hoành tráng,” và có cả tham dự từ nhiều tổ chức tôn giáo quốc tế tới VN.

Tôi không biết thủ tục đề nghị ứng viên Nobel như thế nào. Nhưng nơi đây, nhân ngày 19-10 được giới bloggers Việt Nam công nhận là Ngày Của Bloggers Việt Nam, xin đề nghị rằng ứng viên Nobel Hòa Bình hàng năm nên là “Tập thể bloggers Việt Nam.”

Chính họ đã đi những con đường rất gian nan, khúc khuỷ để đem thông tin tới cho đồng bào, và đưa ra thế giới bên ngoàì bức màn tre. Không có bloggers Việt Nam, chúng ta và cả thế giới đều không biết chính xác những gì đang xảy ra cho những người yêu nước và yêu tự do. Thậm chí, ngay tới việc biểu tình để gây ý thức về Hoàng Sa và Trường Sa, họ cũng bị đán áp, bị truy bức và bị gài độ để bỏ tù.

Tôi nghĩ rằng, nếu có cơ may nào “Tập thể blogger Việt Nam” thắng Giảỉ Nobel Hòa Bình, thì tiền 1.5 triệu đô la của giaỉ nên đưa vào một tàì khoản của một ngân hàng quốc tế và sẽ trích ra giúp  các gia đình những bloggers đang bị tù, hay đang bị  bao vây kinh tế.

Hôm nay là ngày 19-10, xin mời độc giả vào trang web: http://images.google.com/ và gõ vào nhóm chữ, không cần dấu, “blogger Dieu Cay” và bạn sẽ nhìn thấy lại hình ảnh công an dùng bạo lực bắt giam nhà blogger Điếu Cày mấy năm trước, khi anh xuống đường để phản đối TQ lấn đất, lấn biển.

Tại sao công an truy bức người yêu nước? Nếu không có những bloggers như anh Điếu Cày và các bạn anh, những người đã đưa các hình ảnh và thông tin lên mạng, làm sao người dân biết được rằng hàng trăm ngàn đất rừng đã cho TQ thuê, nhiều mỏ khoáng trong đó có bôxit đã giao cho TQ khai thác, và rất nhiều đảo Biển Đông đã mất về tay TQ rồi.

Tập thể Blogger Việt Nam là danh hiệu chung, để hiểu đó là anh Điếu Cày, là anh Ba Sài Gòn, là Uyên Vũ, là Người Buôn Gió, là Phan Thế Hải, là Nguyễn Huệ Chi, là nhạc sĩ Tô Hải, là Tạ Phong Tần, là Mẹ Nấm, và rất nhiều người khác.

Hãy đề cử “Tập thể Blogger Việt Nam” cho giải Nobel Hòa Bình. Bởi vì, đất nước sẽ có ngày dân chủ hóa là nhờ các bloggers, những người góp sức mang ánh sáng nhân đạo vào các vùng tối phi nhân quyền tại VN. Lịch sử chắc chắn đã có những trang rất đặc biệt cho họ, những bloggers Việt Nam.
.
.
.

No comments: