Monday, October 18, 2010

THƯỚC ĐO và TRỌNG TÀI trong TRANH LUẬN CHÍNH TRỊ (Trần Đức Tài)

Trần Đức Tài
Tháng 10/2010

Trong không khí chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Đảng đã cho đăng tải những văn kiện chính trị trình đại hội nhằm kêu gọi những ý kiến đóng góp. Thời gian vừa qua, đã có rất nhiều những bài viết phân tích sâu sắc, đầy tâm huyết tạo ra một diễn đàn tranh luận chính trị rộng khắp trong cả nước trước những vấn đề liên quan tới vận mệnh của Đảng. Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất trong các tranh luận này là chúng ta không xem xét tới đâu là thước đo để phân định đúng sai, ai là trọng tài nên thành ra tranh luận thì cứ kéo dài tốn bao giấy mực, công sức, tâm huyết và trí tuệ mà thay đổi cũng chẳng có là bao. Bài viết này xin được phép mạn bàn về thước đo và trọng tài trong tranh luận chính trị.

Tinh thần tranh luận
Việc Đảng cho đăng tải rộng khắp các văn kiện chính trị trình đại hội Đảng XI để xin ý kiến đóng góp của toàn thể Đảng viên và quần chúng nhân dân bước đầu thể hiện tinh thần cầu thị, dân chủ. Tuy nhiên, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 112-HD/BTGTW về việc công bố và lấy ý kiến góp ý của các tổ chức, cán bộ, đảng viên và nhân dân vào các dự thảo văn kiện Ban Chấp hành Trung ương (khoá X) trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng trong đó có nhiều điểm hạn chế chủ trương dân chủ và cởi mở trong tranh luận chính trị. Việc quy định “Không đăng và phát trên các phương tiện thông tin đại chúng những ý kiến phản bác chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về học thuyết Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, về vai trò lãnh đạo của Đảng; những vấn đề cần giữ bí mật về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; những ý kiến đả kích cá nhân hoặc tổ chức đảng, cơ quan nhà nước.” đã vi phạm nghiêm trọng tinh thần tranh luận thẳng thắn, cởi mở. Thực chất mục đích của việc tranh luận là để làm rõ đúng sai, phải trái. Vì thế, không đăng tải những ý kiến phản bác chủ trương đường lối, quan điểm của Đảng thì khác gì tuyên bố tranh luận cho có vẻ dân chủ. Trước khi tranh luận mà đã khăng khăng khẳng định một chân lý, thì tranh luận có ý nghĩa gì. Đây là một trong những căn bệnh trầm trọng của Đảng dẫn đến nhiều sai lầm nghiêm trọng trong lịch sử. Đó là bệnh “chủ quan, duy ý chí”. Điều quan trọng nhất bây giờ là Đảng phải tôn trọng tinh thần của tranh luận. Tôn trọng những ý kiến trái chiều, lắng nghe trên tinh thần cầu thị, cùng nhau tranh luận để tìm ra chân lý, chứ không một mực khẳng định chân lý ngay trước khi tranh luận.

Thước đo của tranh luận
Sau khi tinh thần của tranh luận được tôn trọng, thì việc tranh luận cần phải có một thước đo để khẳng định luận điểm nào là hợp lý, luận điểm nào không. Chứ nếu không có thước đo, tranh luận cứ thế kéo dài mà không đi đến đâu. Vừa tốn kém xương máu, tiền bạc, tài nguyên, trí tuệ mà không đưa đất nước phát triển thậm chí còn tụt lùi so với các quốc gia khác. Thước đo của tranh luận trong trường hợp này là thực tiễn cuộc sống. Thực tiễn cuộc sống sẽ là thước đo khách quan nhất cho mỗi tranh luận. Những vấn đề tranh luận trong đại hội XI lặp lại rất nhiều tranh luận trong đại hội VI cho thấy sự đổi mới còn nhiều chỗ bị hạn chế, bó hẹp. Xin tóm tắt các vấn đề tranh luận và thước đo ở dưới đây:

Thứ nhất là về Chủ nghĩa Mác – Lê Nin: Hiện nay, đã có rất nhiều tiếng nói góp ý, tranh luận liên quan tới việc Đảng kiên định đi theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin. Đảng thì một mực khẳng định đây là chân lý. Những ý kiến tranh luận thì cho rằng cần phải thay đổi. Vậy đâu là thước đo để đánh giá trong tranh luận này? Chính là thực tiễn áp dụng chủ nghĩa Mác – Lê Nin ở nước ta và trên thế giới. Xin hãy trả lời các câu hỏi dưới đây để làm thước đo đánh giá tính đúng đắn của tranh luận này. Khi kiên định đi theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin, Đảng ta đặt mục tiêu dẫn dắt dân tộc tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, xin hỏi là chúng ta một nước xã hội chủ nghĩa đã đạt được những mục tiêu này chưa? So với các nước dân chủ khác thì chúng ta tụt hậu bao xa? Trên thế giới, còn bao nhiêu quốc gia đi theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin? Thành tựu của các quốc gia này thế nào? Liên minh tư tưởng với những quốc gia này thì đất nước ta được và mất gì? Chủ nghĩa Mác – Lê Nin vẽ ra một xã hội hoàn hảo mà không một người nào chối bỏ, nhưng sau bao nhiêu năm chiến đấu, hy sinh, vật lộn đã có nước nào xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội chưa? Đảng khẳng định đang trong quá trình quá độ, nhưng chính bản thân Đảng cũng không biết được là khi nào thì sẽ xong, vậy thử hỏi làm sao người dân tin Đảng? Đảng hãy thử tìm hiểu xem trong đội ngũ Đảng viên có bao nhiêu phần trăm thực sự tin vào chủ nghĩa Mác – Lê Nin? Hãy đến các giảng đường đại học để lắng nghe xem sinh viên – thế hệ trí thức trẻ nói gì về chủ nghĩa này, niềm tin của họ đối với nó ra sao? Có bao nhiêu phần trăm Đảng viên tin tưởng vào chủ nghĩa Mác – Lê Nin? Mục tiêu cuối cùng mà Đảng đặt ra là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” được toàn dân ủng hộ, nhưng liệu con đường đi tới đích có còn phù hợp? Để đi được đến đích, có rất nhiều con đường khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh lịch sử và tiềm lực quốc gia, vì lẽ đó cứ khăng khăng đi theo một con đường mà chặng đường trước đó đã vất phải bao nhiêu trở ngại, sai lầm, mất mát là một lựa chọn đúng đắn của lịch sử? Hay là hậu quả của sự giáo điều? Liệu có cần phải “kiên định” một cách ngoan cố lâu dài như thế, trong khi kết quả thực tế chả có là bao? Liệu rằng có cần thiết khi phải chỉ mặt, đặt tên con đường, mà quên mất cách đi tới đích? Hãy nhìn sang Trung Quốc, họ có khẳng định như đinh đóng cột về con đường phát triển của họ hay chỉ mập mờ theo kiểu “mang bản sắc Trung Quốc”? Chủ nghĩa Mác – Lê Nin nhằm xây dựng một xã hội tuyệt vời không một quốc gia nào không mong muốn, nhưng nhìn vào thực tế lịch sử những quốc gia tự nhận là xã hội chủ nghĩa và các quốc gia tư bản dân chủ thì nước nào phát triển nhanh hơn, tiến nhanh tới chủ nghĩa cộng sản hơn? Như vậy, thực tế lịch sử sẽ chứng minh tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác – Lê Nin. Không thể ngụy biện và đánh tráo khái niệm trong tranh luận khi một mặt phủ nhận chủ nghĩa tư bản, đồng thời khẳng định chủ nghĩa cộng sản đang trong giai đoạn chuẩn bị lực lượng.

Thứ hai là về mô hình kinh tế thị trường. Trước đây do kiên định chủ nghĩa Mác – Lê Nin mà chúng ta đã dập khuôn mô hình kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp dẫn tới tình trạng đất nước tụt hậu. Đại hội Đảng VI đã thẳng thắn và dũng cảm thừa nhận sai lầm, khuyết điểm và sửa sai bằng việc thực hiện mở cửa và áp dụng mô hình kinh tế thị trường. Như vậy, dùng thước đo thực chứng ta có thể khẳng định mô hình kinh tế tập trung là hoàn toàn thất bại, và chính Đảng cũng đã thẳng thắn thừa nhận sai lầm này. Tuy nhiên, khi chúng ta áp dụng mô hình kinh tế thị trường chúng ta lại áp dụng mang tính nửa vời, cầm chừng thành ra mới có thêm cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Về thực tiễn, đây là một sự lập lờ về khái niệm nhằm che lấp sự mâu thuẫn khi áp dụng mô hình kinh tế thị trường vào mô hình chính trị hiện tại. Chưa có một nhà kinh tế nào có thể giải thích được cái mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là gì? Tính ưu việt của nó ra sao? Nếu chứng minh thành công, chắc cũng xứng đáng được trao giải Nobel kinh tế. Lại dùng thước đo thực tế để đánh giá tranh luận giữa kinh tế thị trường và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự khác biệt trong mô hình có định hướng xã hội chủ nghĩa là ở hai vấn đề chính:

Công hữu về tư liệu sản xuất, mà vấn đề gây tranh cãi và bất ổn nhất là công hữu đất đai. Trong lịch sử, việc chủ trương công hữu đất đai đã gây ra không biết bao nhiêu sai lầm trong cải cách ruộng đất. Đảng đã phải thừa nhận. Công hữu đất đai trên danh nghĩa là sở hữu toàn dân, nhưng nhà nước đại diện bởi một nhóm nhỏ quan chức chính quyền là người định đoạt quyền sở hữu, như thế làm sao tránh khỏi xung đột lợi ích, gây ra những vụ biểu tình, khiếu kiện kéo dài mà phần lớn liên quan tới đất đai. Đảng vẫn cứ khăng khăng công hữu đất đai trên cở sở lý luận nào? Không phải là chính Đảng cũng nhận thức được công hữu đất đai là nguyên nhân gây ra tham nhũng, lạm quyền và hàng loạt các vấn đề nghiêm trọng khác trong Đảng và trong xã hội. Đất công được coi như của riêng một số ít quan chức cầm quyền, tạo thành các nhóm lợi ích tham lam, sẵn sàng tước đoạt đất đai hợp pháp của công dân trên danh nghĩa nhà nước. Như thế không những tạo nên hận thù trong nhân dân mà còn dung túng cho tội ác nhân danh nhà nước của một bộ phận nhỏ cán bộ Đảng viên, hủy hoại uy tín của Đảng. Đất đai là của công, thành ra cha chung không ai khóc. Đất đai hoang hóa, đất công bị đem cho thuê nhằm chia chác lợi nhuận. Phải chăng công hữu đất đai là một lựa chọn đúng đắn? Hãy dùng thước đo từ những dẫn chứng thực tế trên đây để làm cơ sở tranh luận.

Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Trong mô hình kinh tế thị trường thì thị trường tự do trao đổi dựa trên sự gặp gỡ của cung cầu, với sự điều phối bằng pháp luật của nhà nước. Thực tế, kinh tế thị trường hoàn toàn tự do là không phù hợp bởi lẽ chủ nghĩa tự do trong kinh tế sẽ là nền tảng phá hoại đạo đức và luân lý trong xã hội. Nếu tất cả những nhu cầu phi đạo đức, phi luân lý đều được thị trường tự do đáp ứng thì xã hội sẽ nhanh chóng suy đồi. Vấn đề tranh luận là sự can thiệp của nhà nước vào kinh tế thị trường là ở mức độ nào là vừa đủ? Có cần thiết phải đưa kinh tế nhà nước nắm giữ vai trò chủ đạo không? Nhìn nhận thực tế phát triển kinh tế nhà nước, chúng ta có thể khẳng định kinh tế nhà nước là kém hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí rất lớn tiền thuế của người dân, làm tụt hậu, méo mó nền kinh tế. Từ bao nhiêu năm phát triển kinh tế nhà nước, hầu hết các doanh nghiệp đều làm ăn thua lỗ rồi trông chờ vào sự trợ giúp không giới hạn của nhà nước bằng tiền thuế đóng góp của dân. Trong khi không đóng góp gì cho xã hội, doanh nghiệp nhà nước lại tiêu tốn rất nhiều tài nguyên của xã hội, phải chăng đó là một lựa chọn đúng đắn khi phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước? Chúng ta chủ trương tạo môi trường phát triển kinh tế cạnh tranh lành mạnh, xin hỏi liệu có thể có cạnh tranh bình đẳng khi kinh tế nhà nước được phong cho vai trò chủ đạo, được nhà nước đừng đằng sau hỗ trợ mọi mặt? Thực tế từ khi ban hành luật doanh nghiệp, số lượng và chất lượng doanh nghiệp tư nhân còn rất hạn chế, còn gặp nhiều khó khăn bắt nguồn từ sự độc quyền và yếu kém của các doanh nghiệp nhà nước. Khi chưa khắc phục được sai lầm và yếu kém của các doanh nghiệp nhà nước thì lại chủ trương sát nhập thành các tập đoàn kinh tế, thực chất là sự kết nối một cách lỏng lẻo, chắp vá của hàng loạt doanh nghiệp nhà nước với trình độ quản lý yếu kém, thành ra sức mạnh kinh tế của việc sát nhập thì không có mà sự cộng hưởng của sai lầm, tham nhũng, thua lỗ thì tăng lên theo quy mô. Bằng chứng rõ nhất là mô hình tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt nam (Vinashin) đã thua lỗ hàng chục nghìn tỉ đồng tiền ngân sách và tiền đi vay nước ngoài. Thực tế của kinh tế nhà nước như vậy, không hiểu phe bảo vệ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước lấy căn cứ nào để tranh luận. Kinh tế nhà nước chẳng qua là cái “nồi cơm” của Đảng viên, do đó nếu dẹp bỏ hay không còn vai trò chủ đạo thì Đảng viên không còn “nồi cơm” của mình nữa, do đó phải cố giữ bằng được “miếng cơm manh áo” này, cho dù nó không hiệu quả. Bởi thực tế, nếu sai lầm hay thua lỗ, thì lại lấy tiền dân ra để cứu giúp. Phải chăng, người dân lập ra nhà nước để thay mình vung tiền qua cửa sổ nhằm cứu giúp, bao che cho hậu quả của sự sai lầm cố hữu. Kinh tế nhà nước hiện nay đang bị lạm dụng trở thành một công cụ để làm lũng đoạn nền kinh tế, là nơi kiếm chác của Đảng viên tham nhũng, biến chất trong cơ chế quản lý còn lỏng lẻo kiểu mày mò vừa học, vừa làm. Hãy nhìn thẳng vào sự thật về hiệu quả và tác động của kinh tế nhà nước để quyết định vai trò chủ đạo. Lấy thực tế của phát triển kinh tế nhà nước làm thước đo trong tranh luận chính trị về chủ đề này.

Thứ ba là về vai trò lãnh đạo của Đảng. Từ khi thành lập cho đến nay, Đảng giữ vị trí độc tôn lãnh đạo đất nước. Cho dù là độc quyền lãnh đạo, nhưng nếu Đảng làm tốt, làm đúng thì chả có gì mà tranh luận. Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo của mình, Đảng đã mắc phải những sai lầm nghiêm trọng do giáo điều, chủ quan, duy ý chí. Như vậy, những nguyên nhân dẫn đến sai lầm của Đảng bắt nguồn từ sự độc quyền của Đảng. Chính vì lẽ đó, tranh luận chính trị quan trọng là phải cải cách chính trị nhằm khắc phục những sai lầm của Đảng, bởi lẽ Đảng tự khẳng định vai trò lãnh đạo của mình (không thông qua trưng cầu dân ý), thì có lẽ tranh luận về vai trò lãnh đạo của Đảng sẽ chỉ xoay quanh việc xây dựng một thể chế dân chủ mà Đảng là một nhân tố của thể chế đó. Vấn đề tranh luận liên quan tới thế chế dân chủ chia thành 2 quan điểm:

Chủ trương đơn nguyên, đơn đảng. Những người ủng hộ chủ trương này (đa số là đảng viên) thì cho rằng, mô hình hiện tại là hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh của nước ta. Không biết, là căn cứ vào đâu để khẳng định như vậy? Phải thừa nhận một thực tế là ở đâu có độc quyền, thì ở đó sẽ có vấn đề, trong kinh tế cũng như chính trị. Khi Đảng một mình giữ vai trò lãnh đạo thì làm sao tránh khỏi sai lầm khi tự Đảng đưa ra chủ trương, tự Đảng cho đó là chân lý đúng đắn. Ngay trong đội ngũ Đảng viên, có những Đảng viên dũng cảm chỉ ra sai lầm đường lối, chủ trương thì Đảng lại ghét bỏ, kỷ luật, chụp mũ, quy kết nhằm loại trừ. Như vậy, có tránh được sai lầm tiếp theo hay không? Như vậy có thể độc quyền lãnh đạo mà không bị phản đối hay không? Trong mô hình độc đảng hiện nay, điều quan trọng là Đảng phải tạo ra được tổ chức đối trọng với mình, độc lập với mình và có đủ tiếng nói chính trị để góp ý với Đảng. Như vậy Đảng và tổ chức đối trọng của Đảng tạo thành cán cân chính trị cân bằng nhằm kiểm tra và giám sát lẫn nhau, cùng giúp nhau phát triển.

Chủ trương đa nguyên, đa đảng. Những người ủng hộ chủ trương này (đa số là ngoài Đảng) thường bị quy kết là phản động, lật đổ chính quyền, thì cho rằng, sẽ không có thể chế dân chủ cho Việt Nam nếu chỉ có đơn nguyên, đơn đảng. Những người cộng sản thì phản bác cho rằng Việt Nam không cần đa nguyên, đa đảng. Tại sao lại cứ nói kết luận chung chung mà chả có dẫn chứng lịch sử, khoa học gì cả? Tranh luận mà không có thước đo chân lý thế thì tranh luận đến khi nào? Những người phản đối chủ trương đa nguyên, đa đảng thường đưa ra những mô hình dân chủ hiện đang gặp rối loạn chính trị để hù dọa, cảnh báo lãnh đạo Đảng về chủ trương này. Nói chung là việc khẳng định chủ trương nào là phù hợp đòi hỏi thực chứng. Những người cổ súy đa nguyên, đa đảng cần phải chỉ ra lý lẽ và thực chứng cho mô hình này, thay vì chỉ đòi hỏi phải có đa nguyên, đa đảng mà chưa biết thiết lập cái mô hình đó với sự tồn tại của Đảng cộng sản như thế nào? Đâu là mô hình bền vững cho đa đảng với 1 đảng là Đảng cộng sản lấy chuyên chính vô sản là phương châm hành động?

Trọng tài trong tranh luận
Như vậy, thước đo cho những tranh luận là thực tiễn cuộc sống. Sau khi sử dụng những thước đo nêu trên, hai bên tranh luận cùng phải thống nhất những điểm được coi là chân lý trên tinh thần “thỏa hiệp” nhằm hướng tới mục đích chung của dân tộc. Đối với những điểm bất đồng, thì cần đưa ra bàn thảo rộng rãi trong toàn dân thông qua trưng cầu dân ý. Như thế vừa phát huy sức mạnh toàn dân, vừa phát huy dân chủ ở cơ sở. Các tranh luận giữa Đảng viên với Đảng viên, Đảng viên với người ngoài Đảng cần phải có một người nắm giữ vai trò trọng tài quyết định nếu không sẽ không bao giờ kết thúc được tranh luận. Và vị trí trọng tài đó không còn ai khác ngoài nhân dân, bởi nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Mọi quyền lực nhà nước là nằm trong tay nhân dân./.

Trần Đức Tài
Tháng 10/2010
.
.
.

No comments: