Wednesday, October 6, 2010

SUY NGHĨ LAN MAN NHÂN ĐẠI LỄ 1000 NĂM TUỔI CỦA HÀ NỘI

Song Chi
Wed, 10/06/2010 - 00:53

Vào những ngày này Hà Nội tưng bừng, rầm rộ kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Thế là cái đại lễ chuẩn bị suốt gần 10 năm, tốn rất nhiều tiền của đã diễn ra. Tôi ở xa, chỉ theo dõi qua báo chí. Hà Nội tràn ngập cờ hoa, biểu ngữ, banderole, hình ảnh những con rồng bên cạnh hình ảnh Marx, Lenin, Hồ Chí Minh…, những bữa tiệc pháo hoa, những chương trình biểu diễn nghệ thuật với rất nhiều màu sắc và người người chen chúc…Báo chí nhà nước những ngày này tràn ngập những mỹ từ ca tụng đại lễ hoành tráng, ca tụng thủ đô nghìn năm văn hiến, bản sắc văn hóa Hà Nội, bề dày lịch sử…rồi những thành tựu rực rỡ của đất nước v.v. và v.v…Gương mặt của các quan chức lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam hân hoan rạng rỡ-thì rõ ràng, đại lễ vừa là một cơ hội hiếm có để củng cố tính chính danh của chế độ vừa là một dịp để phóng tay chi tiền. Gương mặt của đám đông quần chúng cũng tràn ngập hân hoan.
Những ngày này mọi thứ đều ưu tiên cho đại lễ, cho Hà Nội.

Vẫn biết một nghìn năm mới có một lần, vẫn biết không có nhiều thủ đô một nghìn tuổi trên thế giới, nhưng tốn kém quá nhiều cho một lễ hội-nghe đâu 94 nghìn tỷ đồng Việt Nam tức khoảng 4,5 tỷ đô la (là con số mà dư luận được biết, liệu con số thật có lớn hơn hay không chẳng ai biết), xấp xỉ một phần mười GDP của cả nước trong khi đất nước còn nghèo, còn quá nhiều việc cần kíp hơn phải làm, liệu có đáng không? Chưa kể, nếu số tiền đó được chi cho những công trình hữu ích, thiết thực như nâng cấp và phát triển hệ thống giao thông ở Hà Nội, cải tạo hệ thống cống thoát nước để Hà Nội khỏi bị ngập khi trời mưa, xây dựng hàng loạt nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ khắp thành phố cho du khách và người đi đường có chỗ khi cần, xây thêm một số trường học, bệnh viện chất lượng cao…hơn là đổ tiền cho quá nhiều cờ hoa, quá nhiều các chương trình nghệ thuật và hoạt động tốn kém, lễ duyệt binh rầm rộ, 26 tỷ đồng chi cho báo chí đưa tin, tổ chức bắn pháo hoa tại 29 điểm... những trò xa hoa chỉ nhân dịp đại lễ xong rồi thôi, nếu làm được như thế thì có lẽ người dân cả nước cũng bóp bụng đóng thuế cho mỗi Hà Nội được đẹp. Người dân ta thán bởi vì số tiền lớn đã đành mà cách chi tiền cũng hoang phí, vung tay quá trán cho hàng trăm dự án, công trình hay ít dở nhiều suốt trong thời gian chuẩn bị cho tới trong những ngày lễ hội mà báo chí “lề phải” lẫn “lề trái” đã đề cập rất nhiều.

Đại lễ nghìn năm lẽ ra nên là một dịp để nhìn lại lịch sử cho thật thấu đáo, và thay vì bơm thuốc phiện cho dân chúng ngây ngất với những thành tích, thành tựu, hãy nhìn thẳng vào sự thật hiện nay đất nước chúng ta đang đứng ở vị trí nào trên thế giới, đang phải đối mặt với những hiểm họa gì, con đường nào cho dân tộc trong tương lai…

Và thay vì tổ chức những hội thảo, những cuộc thi…để đua nhau ca tụng về bản sắc Hà Nội, về văn hóa đỉnh cao của Hà Nội…có lẽ nên nghiêm túc suy nghĩ làm sao để du khách tới Hà Nội không còn ngỡ ngàng trước cảnh người Hà Nội chửi tục như hát hay, taxi thì chặt chém, phở "quát" cháo "chửi", trong các cửa hàng, quán xá nhiều nơi vẫn giữ cung cách phục vụ theo kiểu người bán cứ như thượng đế còn khách hàng cứ như kẻ đi xin…Cứ mỗi lần nghe ai đó than phiền về cung cách ứng xử, ăn nói của một số người Hà Nội ngày nay thì người Hà Nội lại bảo đó là do dân nhập cư chứ người Hà Nội gốc không như thế, hoặc người Hà Nội trước đây không như thế v.v… Xin nói thật, nếu nói về chuyện nhập cư thì Sài Gòn cũng toàn là dân nhập cư cả thôi. Ngay số lượng người miền Bắc vào Sài Gòn sinh sống sau năm 1975 chắc chắn là đông gấp hàng ngàn lần số lượng người miền Nam ra Hà Nội. Và người Sài Gòn bây giờ cũng tệ hơn nhiều so với người Sài Gòn trước năm 1975. Nhưng xin người Hà Nội đừng mất lòng, ở Sài Gòn rõ ràng cung cách phục vụ từ trong các công ty, khách sạn, nhà hàng cho đến quán xá lề đường… khá hơn nhiều. Cũng không thể có những chuyện như vặt bẻ hoa, bưng chậu hoa chưng bày ở phố hoa ngày tết về nhà mình như ở Hà Nội. Và sâu xa bên trong, là cả một lối sống vừa thực dụng vừa phô trương, hình thức, sĩ diện, đánh giá con người qua bề ngoài và bằng cấp, học hàm, tước vị…- những cái bệnh rất nặng của người Hà Nội. Chẳng hạn, người Hà Nội thường hay hỏi thăm nhau anh/chị con ai cháu ai, công tác ở viện nào cục nào bộ nào…Trong carte de visite của một ông trí thức thì bao giờ cũng ghi vào đó nào là phó tiến sĩ, tiến sĩ, hội viên của hội này, hội kia, có bao nhiêu chức vụ kể ra cho bằng hết; và do vậy, người Hà Nội không thể hiểu nổi (?) khi nhìn thấy ở Sài Gòn có những thành phần không làm việc cho một cơ quan chính thức nào cả, chỉ sống bằng cái tên của mình, trong carte de visite chỉ ghi vỏn vẹn cái tên (hoặc nghệ danh, nếu hoạt động trong lĩnh vực văn nghệ) và nghề nghiệp!

Vẫn biết thủ đô thì phải được ưu tiên, chỉ tính các công trình do nhà nước đổ tiền ra xây dựng từ sau năm 1975 đến nay thì Hà Nội là nhiều nhất, to nhất, hoàng tráng nhất. Nhất là nhân dịp 1000 năm này, lại càng nhiều công trình, nào đường gốm sứ dài nhất, nào Tòa nhà Capital Tower-một tòa tháp văn phòng cao cấp, Trung tâm thương mại chợ Hàng Da, Thư viện Hà Nội, Cung Trí thức…nào chuẩn bị xây nhà hát hiện đại nhất Việt Nam…Như một gia đình nghèo, đang còn phải đi vay tứ phương, con cái thì đông, bao nhiêu tiền ưu tiên dành cả cho thằng con đầu được ăn sang mặc đẹp nên những đứa em khác phải chịu cảnh thiệt thòi, thất học, lam lũ.

Chỉ cần đi ra khỏi Hà Nội chừng vài chục cây số thôi, đời sống người dân đã khác lắm, và nếu chịu khó bỏ công lên tận vùng cao hoặc đi vào những bản làng của Tây Nguyên, những huyện xã nghèo của miền Trung hay vùng cực Nam của đất nước, càng thấy rõ khoảng cách chênh lệch giữa thủ đô, các đô thị lớn với địa phương, vùng sâu vùng xa…

Trong lúc đất nước còn nghèo, vụ vỡ nợ Vinashin hơn 80 nghìn tỷ đồng Việt Nam vừa mới làm cho người dân choáng váng, nay lại đến đại lễ hơn 90 nghìn tỷ đồng này, vậy thì những cây cầu nhỏ bé cho những xã nghèo, một vài công trình văn hóa cho vùng Tây Nguyên nơi đời sống tinh thần của đồng bào thiểu số vô cùng thiếu thốn hoặc cho vùng đồng bằng sông Cửu Long tuy là vựa lúa, nguồn xuất khẩu gạo nuôi cả nước nhưng lại có tỷ lệ thất học, bỏ học rất cao kia…hãy còn phải xếp hàng chờ đợi lâu!

Hà Nội bây giờ không chỉ là thành phố lớn nhất Việt Nam mà còn nằm trong số 17 thủ đô lớn nhất thế giới, gánh trên vai trách nhiệm vừa là “trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, công nghệ… không chỉ của Việt Nam, mà còn của cả khu vực và thế giới”. Có phải là tham lam quá, thậm chí hơi hoang tưởng không?

Mấy hôm nay đọc báo thấy tin Miền Trung từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế…đang bị mưa lũ, mới có mấy ngày mà đã vài chục người chết và mất tích-người bị sét đánh, người bị nước cuốn trôi…Hàng chục ngôi nhà bị tốc mái, hàng trăm ngôi làng với hàng ngàn hộ dân bị nước lũ chia cắt, cô lập hoàn toàn, hàng trăm héc ta lúa và hoa màu sắp đến kỳ thu hoạch bị nước nhấn chìm, giao thông đường bộ, đường sắt nhiều nơi bị tê liệt…bên cạnh đó là những nguy cơ khác như lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập sâu ở vùng trũng, hạ lưu các sông hay đập thủy điện có nguy cơ bị vỡ…Theo báo VNExpress ngày 4.10: “Mực nước tại đập thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) đã vượt đỉnh tới một mét và có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào. Cuộc sống của hàng chục nghìn hộ dân dọc sông Ngàn Sâu bị đe dọa nghiêm trọng. Hiện nay, huyện Hương Khê đã phát lệnh sơ tán hơn 2.000 hộ dân với hơn 10.000 nhân khẩu đến nơi an toàn…”
Có lẽ những người dân ở Miền Trung này chẳng có lòng dạ nào mà đọc báo xem đài, hồ hởi mừng vui với đại lễ một nghìn năm đang diễn ra tưng bừng tại Hà Nội. Chạnh lòng thở dài. Mọi việc trên đất nước này từ lâu rồi chỉ do một số ít người tự quyết định hết mọi thứ, đất nước dường như chỉ là của riêng một số ít người chứ có phải là của hơn 80 triệu nhân dân đâu!
----------------------------------

Đi l không suôn s   (donga01.blogspot.com)
.
.
.

No comments: