Sunday, October 24, 2010

SỬ LIỆU QUỐC NỘI và NỀN SỬ HỌC DÂN TỘC CHỦ NGHĨA VIỆT (Phần 1) - Tạ Chí Đại Trường

18.10.2010

Cột trụ sử liệu cổ, trung đại quốc nội và sự cạn kiệt nguồn sử liệu Việt Nam

Một trong những lời phàn nàn có ngay từ trong quá khứ là dân có học biết sử Tàu nhiều hơn sử Ta. Chỉ đích danh “Dân có học”, bởi vì dân thường quê mùa cày cuốc chỉ biết nai lưng kiếm ăn và đóng thuế, chịu đựng hạch xách trên cao mà thôi. Nguyên nhân lệch lạc về kiến thức như trên cũng là dễ hiểu bởi vì người xưa đi học, phải sử dụng chữ Hán với cả một sự tuỳ thuộc vào nền văn minh phương Bắc để đi đến thành đạt. Đi vào quan trường với bao nhiêu trở ngại của câu cú, văn từ, khả năng của hệ thống giáo dục, cuối cùng đến trước giai đoạn tuyển chọn kinh hoàng như đã thấy thì còn đâu sức lực, thì giờ, tâm trí để tìm biết thêm một điều không cần thiết cho lắm? Vì không có nhu cầu nên không có sản phẩm, và rồi tác phẩm lịch sử Việt Nam không nhiều cũng là duyên cớ để người ta không quan tâm, khó biết đến. Đằng khác, sử phẩm không nhiều chỉ vì người có khả năng tạo sản phẩm, nghĩa là những “người có học” kia không chịu bỏ công làm việc… thêm!

(Chân dung vua Gia Long, người khai sáng triều  Nguyễn)


Lại cũng chớ vội chê trách họ. Ảo tưởng truyền tụng về cảnh “ngựa anh đi trước võng nàng theo sau” không cho người ta thấy cuộc sống điêu đứng ở chốn quan trường từ lúc mỏi mòn dài cổ chờ bổ dụng đến các bẫy rập trên đường chèn lấn leo cao trồi sụt khiến họ khó có thì giờ và tâm trí làm chuyện “viển vông”.
Chưa vội bàn đến Quốc sử quán triều Nguyễn của thế kỉ XIX, hàng mươi thế kỉ trước chỉ tồn tại có một tập sách tổng hợp của triều đình, in lần đầu ở thế kỉ XVII mà dấu vết độc nhất trong hiện tại cứ được cho là của thời xa xưa ấy để thoả mãn tự ái quốc gia, dân tộc tuy rằng cũng có dấu vết của thế kỉ XIX – hơi giông giống tình trạng bản in 1697 được thú nhận là có mang dạng hình của Ngô Sĩ Liên, Phan Phu Tiên, Lê Văn Hưu cùng những người ta không thể nào biết được. May mắn cho quyển Đại Việt sử kí toàn thư (Toàn thư) khỏi cô độc, thế kỉ XX phát hiện thêm được một bộ sử Việt đời Trần, lạc loài trong tập họp đời Thanh, bộ (Đại) Việt sử lược. Chấm hết.
Lẽ tất nhiên sử học có quyền sử dụng các sách không phải của triều đình, của nhà nước viết, không cần phải xuất hiện trong dạng của chuyên ngành sử. Nhưng ở đây thì lại cũng chỉ có thể kể một vài “chiếc lá mùa thu” không còn hình dạng gốc: Việt điện u linh tập, Lĩnh Nam chích quái, Dư địa chí. Không nhiều cho nên các “học giả” nhanh nhẹn ngày nay cứ dịch đi dịch lại – người sau có khi còn kém hơn người trước, không sao, miễn là có đầu sách cho mình đứng tên là được. Không thể nào biết được mức độ giả, thật lịch sử trong quyển Truyền kì mạn lục vì tính cách phỏng theo sách Trung Hoa của nó, cho nên phía văn học đem bà Ngô Chi Lan làm một tác gia Việt Nam thật cũng phải ngại ngần, bỏ thì thương vương thì tội. Thật ra, nói về sử liệu thì văn chương cũng là sử liệu – ‘Mọi thứ đều là sử liệu”, mượn ý của H.I. Marrou. Tuy nhiên giá như thi sĩ Việt xưa lấy đề tài thi hứng quanh mình thì sử gia còn có thể biết vào thời ông tác giả kia người ta ăn ngủ, cày cuốc, suy nghĩ ra sao, đằng này chỉ thấy trăng hoa tuyết nguyệt, kể cả Tào Tháo, Lưu Bị… diễn giải gián tiếp nhân vật ngoại quốc thêm một lần qua truyện tích diễn nghĩa! Lê Quý Đôn từng chê tính cách phù phiếm của văn chương trường ốc từ thời Lê Thánh Tông mà hẳn không biết rằng tính chất tô chuốc, xưng tụng để cầu danh đó đã thấy ngay từ lúc sớm hơn, với chứng cớ còn lại của loạt bài Phú Con ngựa lá (bọ ngựa) tán dương họ Hồ mở thời mới, cái họ Hồ rủi ro yểu mệnh bị sử quan về sau ghép vào loại “phụ / nhuận triều!” và đến thế kỉ XXI khoa học còn được sắp xếp vào loại “nhân vật có vấn đề (?)” Lẽ tất nhiên nếu chỉ dừng lại ở khía cạnh tiêu cực như đã nói thì vấn đề “trăng hoa tuyết nguyệt” hay sự tán dương quyền bính kia, hay cả những tác phẩm bịa đặt cũng là một minh chứng cho tính chất của thời đại đang được bàn thảo.
Bộ Toàn thư trở thành cái xương sống cho các sử gia tư nhân bám vào vẽ vời thêm xương thịt cho các gia phả nhà mình, các địa phương chí của quê hương mình. Cứ mỗi lần thay đổi triều đại, có người vươn lên được trong thời mới hay không thì gia phả lại được tân trang để ghép dòng họ vào một nhân vật lớn, triều đại xưa, sự tân trang nhiều lúc thật lộ liễu, ngớ ngẩn, đại loại họ Đặng gốc Trần, hay Nguyễn Bặc là tổ họ Nguyễn Gia Miêu, thế mà có người vẫn tin là thật. Chương trình nghiên cứu gia phả mang tầm mức quốc gia đã công bố những cuốn gia phả của các dòng họ danh tiếng, và gặp các lời nhạo báng: “Chỉ có phần sau là khác, còn khởi đầu thì ai cũng giống ai, ai nấy cũng đều là con cháu vua Hùng, bà con Đinh Lê Lí Trần Lê cả.” Ở các vùng đất, quốc gia khác, người ta dùng những tài liệu không chính thống, riêng lẻ để bù đắp, điều chỉnh quan sử vì tin rằng các bản văn kia chỉ kể những phần riêng biệt của mình, chỉ ghi lại những chi tiết nằm ngoài vòng quan tâm của trung ương, nói lên những khía cạnh khuất lấp của một phần tập đoàn nào đó. Thế mà, với trường hợp sử Việt thật đáng thất vọng như khi đọc, ví dụ Hoan Châu kí, thật quá phải dè chừng với sự xuất hiện của những cuốn gia phả cố đeo bám một thời hoàng kim tưởng tượng của dòng họ nhà mình.
Và ngược lại, rồi đây sử gia Việt lại còn phải chịu đựng hàng đống núi sách gia phả mới theo với một lớp người sang cả của đà chiến thắng 1975, theo với tiền bạc quốc tế đổ vào. Gia phả không biết viện dẫn từ đâu, không cần biện bác theo đường lối thuyết phục thông thường nhất của văn bản học, chỉ cần nêu cái tên sách chữ Hán như một cách hù dọa kiến thức, có khi còn táo tợn hơn, viết không cần một lập luận hợp lí nào cả… Rồi không phải chỉ có chữ viết, giấy bút mỏng manh, người ta còn tôn tạo phế tích thật hoành tráng, lấn lướt lập đền đài mới để hòng chia phần tài trợ “di tích lịch sử quốc gia”, hay ít ra cũng được thoả mãn với chút hư danh của thời đại…
Không có những “tiếp viện” của tư nhân, và cũng bởi khả năng làm việc, các cuốn sử nhà nước tiếp theo trở nên khô khan, đầy các văn từ hành chính (lệnh chỉ, tuyên xưng mang tính huấn dụ), với những chuyện kể quan cách trồi sụt… như khi Lê Quý Đôn nhận xét về phần sử thời gần ông. Nhưng ông cũng chưa kịp thấy Ngô Thì Sĩ, khi muốn cho phần sách mình sống động, dồi dào hơn thì lại đem chuyện trâu ma rắn thần, đến lúc này, qua thời gian đã trở thành sự kiện lịch sử, vào trong bộ sử của ông ta để rồi nhân đổi đời, ông con Ngô Thì Nhậm, đồng thời với tờ sắc phong Đại Vương cho người cha, đẩy vào kho sách triều đình mới, làm bằng chứng khoả lấp tiếng đời “Sát tứ phụ nhi Thị lang” trong vụ án Canh tí (1782) xưa!
Không tìm được sử liệu bên trong thì tìm viện trợ bên ngoài. Dân nước Việt không phải giữa lưng chừng trời nên ngay từ ngày xưa, các sử quan khi viết về thời ngoại thuộc, trước thời ngoại thuộc, đã sử dụng hầu hết là các bằng chứng từ Trung Hoa. Cũng như ngược lại, tác giả An Nam chí đếm chỉ có ba, bốn ông sứ quân mà vẫn phải theo “Nguỵ kí” ghi đủ 12 ông! không chút mặc cảm kênh kiệu nào về phương diện thu thập kiến thức. Họ cũng sử dụng sách của một hàng thần đời trước họ, bình thường như sử quan Nguyễn trích dẫn người ấy: Lê Tắc với An Nam chí lược.
Như thế có nghĩa là có đến bốn phần năm lịch sử Việt Nam theo truyền thống triều đại chỉ còn độc một quyển sử để các sử gia ngày nay bám víu mà thôi. Kém thua cả các sử quan thời “phong kiến”, Lê Tắc một thời gian dài gần đây chỉ được nhắc khi cần chửi bới tội bán nước tuy ông ta chỉ là người theo chủ, và tội được nhắc nhở chỉ vì ông ta có một quyển sách nổi tiếng, bởi vì cùng ở địa vị gia thần như ông, có Lê Yến ôm con Trần Ích Tắc chạy nạn mà có ai để ý đến đâu! Không phân biệt được người với sự kiện, tâm tình phe phía với lí trí khoa học, năm 1956, khi ông Trương Bửu Lâm nói đâu đó về việc phải khai thác nguồn sử liệu Việt Nam từ các trang sách Trung Hoa liền bị ông chủ nhiệm tờ nhật báo Tự Do (cũng một ông Cử nhân văn khoa đấy!) dành cho cả trang ba (nên nhớ tờ báo có 4 trang) để mắng mỏ ồ ạt nhiều tháng trời ông Giám đốc Viện Khảo cổ Sài Gòn về tội sử dụng chứng cứ của kẻ thù truyền thống dân tộc! Đây cũng là điều rủi ro cho ông sử gia mới mang bằng cấp Tây về nước, gặp lúc phong trào quần chúng “làm lịch sử” / “bàn lịch sử” dâng cao, chứ ông Hoàng Xuân Hãn viết sách Lí Thường Kiệt có đến hơn 2/3 tổng số trang là của Tống sử và Tống nho, có sao đâu!
Những sự kiện tương tự chứng minh được một điều là dù được tiếp thu, chứng kiến những kĩ thuật tân tiến người ta vẫn không dễ dàng gì dứt bỏ những lề lối suy nghĩ cũ, chưa kể khi chúng xuất hiện có vẻ mới qua những cải đổi có màu sắc khoa học hay được quyền lực vuốt ve bên ngoài, khuất lấp thúc đẩy. Và điều đó đã khiến cho nền sử học Việt Nam trong hơn năm mươi năm qua chưa có thể gọi là mang màu sắc khoa học. Lối thẩm định lịch sử dễ dãi theo thiên kiến quần chúng như trên, nuôi dưỡng một cung cách phát sinh các sử gia từ những công chức về hưu lặp lại thần tích, cổ tích, nói chuyện “huyền sử”, bừa bãi lập thuyết kiểu Việt nho của Lương Kim Định, với những người gọi là “có thiên hướng về sử” như ông già nào đó đã chịu khó viết cả ngàn câu văn vần đem dự Giải thưởng Tổng thống VNCH (đang hiện hình trên kệ sách trong nước năm 2010?), hay đứng đắn hơn, là bộ Việt sử tân biên dày cộm của ông Phạm Văn Sơn, bắt nguồn cảm hứng từ biến động của cuộc di cư 1954.
Hai mươi năm VNCH còn giữ được chút yên lành ở các thành phố nên các trường Đại học Sư phạm còn có ban Sử Địa đào tạo các thầy giáo chuyên ngành, cũng gây được hứng khởi về sử Việt dù rằng nội dung giảng dạy vẫn chỉ là khai triển hơn quyển Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim khiến cho kiến thức mới vẫn bị tinh thần dân tộc chủ nghĩa và khuynh hướng thiên tả của thế giới lôi kéo xa hơn khuôn khổ nhà trường của tinh thần công chức phi chính trị ẩn tàng trong quan niệm giáo dục thừa hưởng từ Pháp. Tính chất khoa học được chú trọng hơn ở trường Đại học Văn khoa nhưng sự kết tập của các chứng chỉ Cử nhân chuyên ngành, muộn màng trước biến cố 1975 khiến cho các người tốt nghiệp sau đó hoặc tản mát trên thế giới, lạc lõng giữa những sinh hoạt khác lạ, không có cơ hội chứng tỏ / bồi đắp kiến thức, hoặc phải bị chìm lấp trong nước vì hệ thống quyền bính mới với quan niệm chính trị là thống soái, có tiếng nói của cấp thẩm quyền cao nhất (Tổng bí thư Trường Chinh 1963), đã không thừa nhận sự tồn tại của họ. Họ phải đi cải tạo, trồng khoai mì không củ, lăn lộn trong nghề lơ xe đò, bưng cà phê trong quán – mà bị Công an xua đuổi vì “bêu xấu chế độ ưu việt”, hay có được giữ lại thì cũng chỉ làm Ban Đời sống chia cá, chia thịt mà thôi. Cho nên lổ hổng kiến thức lịch sử ở Miền Nam đã phải được bù đắp, dạy dỗ thay thế (với danh nghĩa tốt là “viện trợ”) bằng những tông đồ sử học mới, được đào tạo trong môi trường giáo dục tranh đấu giai cấp, pha trộn với nhiệt tình dân tộc chủ nghĩa để vẫn mang dáng dấp tiếp tục của truyền thống sử quan xưa cọng thêm với uy thế chiến thắng không che giấu bây giờ.
Thế là với cổ sử Việt Nam lại chỉ có quyển Toàn thư. Và khuyết điểm lại được nhân rộng với những “chuyên gia” mới. Nhìn lại, các người viết sử lớp đầu của VN DCCH phần lớn cũng chỉ là những người “ưa thích sử”, hay là những người vì hoạt động chính trị, những người tự phụ đi “làm lịch sử” phải trở thành “người viết sử” chỉ vì bị đẩy ra ngoài quyền bính, không tìm được vị trí nào ở nơi chốn hoạt động mới: Trần Huy Liệu cựu Quốc Dân Đảng, kẻ “sáng tác” ra thần tượng Lê Văn Tám, Trần Văn Giàu cựu chúa vùng Nam Bộ, người chỉ có thể lấy lại uy thế khi trở về đất cũ mà lại không đủ sức bào chữa cho thời nhiệt thành quá đà xưa. Nhưng đó cũng là hình ảnh đi trước, đồng dạng với các sinh viên VNCH nhảy núi, bị văng ra khỏi quyền bính mới: (Tiến sĩ?) Hồ Hữu Nhật, (Kiến trúc sư?) Nguyễn Hữu Thái, (Không chức danh Nhà nước) Nguyễn Đắc Xuân… Tất nhiên không nên quên những người của thời Pháp thuộc để lại nhưng họ là số ít, hoặc may mắn lọt vào “mắt xanh” của người cầm quyền mới nên phải xa rời lãnh vực nghiên cứu (Nguyễn Văn Huyên) hoặc bị loại bỏ / bỏ rơi ngay từ đầu (Hoàng Xuân Hãn), hay ráng chút ít về sau, để mắc đoạ bởi ảnh hưởng của khuôn khổ thuộc địa cũ, dù là chống đối nó (Đào Duy Anh). Cũng theo những duyên cớ đó mà họ hành động cẩn trọng hơn, co rút hơn (Trần Văn Giáp), không kịp với nhu cầu đòi hỏi của tình thế mới trong một nước độc lập muốn phát triển to lớn những ngành nghiên cứu (trường hợp này là sử học) mang danh nghĩa quốc gia, đồng thời với niềm tự phụ là một bộ phận của quốc tế vô sản. Tình trạng thiếu sót trong cơ sở đào tạo kéo dài đến thế kỉ XXI được ông Phan Huy Lê (PHL) nhắc nhở năm 2003: “… đội ngũ sử học tăng nhanh về số lượng và ngành nghề, nhưng nói chung trình độ còn nhiều hạn chế, nhất là về lí luận và phương pháp luận.” (Tác giả nhấn mạnh).
Ở lớp người mới này, tinh thần khoa học kiểu Descartes đã được chuyển hoá qua thuyết lí chính trị giai cấp nên sự giải thích các biến chuyển được ghép vào khuôn khổ của một tiến trình do các bậc thầy quyền chức vẽ sẵn. Tất nhiên là cũng có những xê dịch tuỳ khả năng thuộc bài hay cố sức thêm chút riêng rẽ của các môn sinh nhưng rõ ràng là nếu chệch đường là có cảnh cáo, đến mức kiến thức bị điều kiện hoá sẽ được tự kiểm duyệt trước, không gây thắc mắc. Thế là ông Marx, ông Lenin, ông Stalin thay thế ông Khổng, ông Mạnh, ông Chu Tử/Hi… được len lách thuận tiện cho những giải thích mang tính “dân tộc”, đỡ đần cho các triều đại, các ông vua đầy tai tiếng vì là “phong kiến” nay được trở về trên các sách sử mới. Nghĩa là cũng loay hoay với các trang sách Toàn thư cùng với quá khứ xưa cũ ẩn tàng trong đó. Và chính trong sự nhốn nháo buổi đầu đó, có sự nhiệt tình góp phần cứu nước, loáng thoáng những lập luận mới mang tính Mao hơn là Marx, do đó mang tính đồng văn nâng cao tinh thần chống đối đế quốc, giấu kín những biểu hiện thù hận địa phương, tập đoàn mà phát sinh những bản án kết tội nhân vật lịch sử, khó gỡ không phải vì luận cứ vững chắc mà vì dính dáng đến uy tín, “danh dự” của người cầm quyền vốn chỉ thay đổi thế hệ chứ không khác bản chất.
Tất nhiên người ta cũng thoáng thấy đã vét cạn nguồn tin tức nên phải cổ động nhiều về phương pháp gọi là “liên ngành”. Thế là sử Việt đón nhận thần tích ông Đống ăn ba nong cà mang dạng “anh hùng bộ lạc”, “anh hùng dân tộc”, cùng với thần tích rùa rắn, ma da nữ tướng Hai Bà, nhân vật điện phủ Dương Vân Nga, hay công nhận lời thần phán “tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất”… Họ không biết rằng phương pháp “liên ngành” này đã nằm trong bài học cơ bản về sử học của các nước tư bản, đế quốc. Ở đây người ta muốn nói đến các phần phù trợ cho sử học và tất nhiên chúng vẫn phải được khảo nghiệm nghiêm khắc về mặt chứng liệu trước khi đem ra dùng. Vì thế gọi “liên ngành” là cào bằng chính phụ, là sai trái về mặt phương pháp luận, dẫn đến những kết quả không đáng tin cậy.
Đối với các tập đoàn không chữ viết thì các chứng cớ thu thập từ dân tộc học, lời truyền miệng… có thể sử dụng một cách bất đắc dĩ như là sử kiện với tính cách bao quát dè dặt, chứ không thể được ngang nhiên đem vào lịch sử trong trường hợp đã có bằng chứng chữ viết hiện diện – loại này tuy vẫn còn khuyết điểm nhưng lại là bằng cớ khả tín cao nhất trong nhóm. Ví dụ không thể giảng thuyết lung tung, dù viện dẫn chữ nghĩa thông thái, về người anh hùng cứu nước làng Dóng trong khi Việt điện u linh tập năm 1329 nói rõ ở nơi này thờ một ông thổ địa, hiểu rộng ra là một thần linh có khả năng vốn là cây, đá của dân chúng trong vùng, rồi các bản văn có thời điểm nối tiếp sẽ cho thấy ông thần được “sinh sôi nảy nở” như thế nào, không chối cãi được! Không thể vì mê man với cây nỏ thần và câu chuyện tình duyên cay đắng của Mị Châu, không thể vì mối hận bị lường gạt mất nước mà cứ nói Cao Lỗ là tướng tài của An Dương Vương, dù rằng “tên” ông đã được ghi rõ là ĐÁ và vẫn được chuyển hoá trong ý nghĩa đó qua các phong tặng của đời Trần! Ông Hùng Vương không có mặt trong Cáo bình Ngô 1428 thì không thể nào là tổ dân Việt được dù là có hàng chục, hàng trăm con cháu dâu rể nằm trong các đền đài đổ nát hay các building cao nghệu của thời đại đôla. Dù như ngày nay, trong 100 con nòng nọc của Bà Âu Cơ có một con tên Hùng Vương từ lâu, nay cũng đã thêm tên cho 99 con còn lại với đủ mức độ văn hoa đẹp đẽ, được Bộ Giáo dục cho in sách phổ biến để con cháu muôn đời sau ghi nhớ. Cứ ngang ngược đẻ bừa thêm chuyện, kiểu “ngón chân cái của vua Hùng”, không chịu để người ta tìm ngay trong sách báo mới hôm qua, nói về việc đền Hùng rêu phong bây giờ là quà trả lễ của người Pháp đền đáp máu lính Việt tùng chinh Âu chiến (1914-1918), và trả lại bạc cho Rồng Nam vừa đang phun…
Lối “liên ngành” tưởng đem lại cho các sử gia thời mới một lối thoát, thế mà chỉ vì không được sử dụng thích đáng lại biến thành một thứ quơ quào chứng liệu, chứng tỏ thêm sự cạn kiệt nguồn tin, ngoài sự khô cạn đầu óc của người làm việc. Cả một tập sách dày cộm Nhà Trần – Con người thời Trần của Viện Sử học và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (Trung tâm UNESCO Thông tin Tư liệu Lịch sử & Văn hoá Việt Nam xb., H. 2004) mà bài vở từ một cuộc hội thảo quốc gia, rốt lại chỉ là sao chép gom góp, xếp đặt lại các thông tin từ Toàn thư là then chốt rồi chép thêm chuyện để mả như là điều kiện tiền định linh nghiệm về một triều đại đã ba lần đánh thắng quân Mông Cổ vang danh!
Cứ xào nấu tư liệu khiến sách xuất bản thật nhiều với những đầu sách khác nhau, mang dáng vẻ công trình nghiêm túc khiến có học giả nước ngoài than phiền với sử gia PHL, là ông mua ở Hà Nội khoảng năm mươi quyển “in đẹp, tên rất hấp dẫn” đó rồi về nhà mới té ngửa: phải loại bỏ nhiều, không có gì ghê gớm lắm! Không biết ông này có phải mua những quyển sách “thượng đồng hạ cám” của một giáo sư Đại học mang ý định vượt trội Trương Vĩnh Ký, Nguyễn HIến Lê, từng khoe có cả hơn 300 đầu sách không. Thật ra thì ông ta nhìn trên các kệ sách để chọn, kiểu như ở xứ sở ông thời chưa có internet, nên lầm là phải. Ở đó chỉ trưng bày những loại sách kể chuyện cổ tích yêu nước được gọi là sử, loại sách dạy học trò đi thi hay để tranh đua trong các đợt mở cuộc thi “học sử nước nhà”, và loại sách “phong trào” như loạt về Ngàn năm Thăng Long tràn ngập bây giờ… Các bản sách tuy có thể chưa đủ tầm vóc nhưng vẫn được xếp vào loại nghiên cứu thì cũng thật khó kiếm với số lượng 500, 800 cho hơn 80 triệu dân, hoặc phải đặt mua có nơi, hoặc chỉ phổ biến nội bộ, in ra theo lối “khoanh vùng trí thức”, chỉ đủ để làm vênh vang cho thân trí thức chim lồng, cá kiểng… Thêm các loại sách được gọi là văn hoá, có khi là dạng khác của loại thông sử, viết ra theo nhu cầu mở trường đại học tràn lan, làm trung gian cho các loại lễ tục, sinh hoạt cúng bái, mồ mả.
Từ Để mả đến Phong thuỷ không xa nên ông Trần Quốc Vượng khai sáng ra thuyết tam tứ giác sông nước, núi đồi… cho các địa điểm lịch sử để các đồ đệ phía Nam, như với Toàn thư, sau khi sao chép Lê Quý Đôn, Trịnh Hoài Đức lại bàn tới các ý niệm địa văn hoá, địa gì gì… của ông thầy. Không tự mình nghĩ ra thì mượn của người khác, như trường hợp vẽ vời thêm thuyết Việt nho của Kim Định, coi như một chiến lợi phẩm thu hoạch sau 1975, không lưu ý rằng một trong những sai lầm của ông huyền sử gia nọ là không biết chữ Hán, người từng giải thích chữ “thủy” trong tên Tần Thuỷ Hoàng là “nước” nên vạch hướng cho đồ tử đồ tôn thấy chữ “lạc” / “l-a-c-dấu-nặng” có ở đất nhà Chu liền cho dân Lạc Việt mang DNA lên chiếm làm ông tổ của Tàu!
Tất nhiên là với thời đại mới thì cũng đã xuất hiện những thành quả cụ thể, như trường hợp các công trình khảo cổ học, ở đây không phải chỉ đóng vai trò phù trợ sử học như trong các giáo trình Tây Phương mà còn muốn là điều kiện làm đảo lộn kiến thức về lịch sử Việt Nam cho tới nay, cho xứng với sự thán phục mê muội của cả thế giới đang theo dõi chiến tranh. Không thể coi thường sự cố gắng của một lớp người tin tưởng nhiệt thành với công việc, dưới sự thúc đẩy của một chính quyền bắt đầu ý thức được sức mạnh của mình với những người mang nặng quá khứ tuân phục dưới tay. Thế là có những bằng chứng đào xới từ trong lòng đất, vẽ ra một lịch sử hàng chục vạn năm của những con người-khỉ-vượn có thể kéo dài đến ngày nay qua các tên khoa học mà gợi nên sự tự hào dân tộc, làm nổi bật sự nối kết với Toàn thư về một ông Hùng Vương, có không văn minh lắm thì cũng đủ xa đời như ở các trung tâm cổ đại khác trên thế giới. Loại kết luận “đất nước ta thành lập cả hàng chục vạn năm”, rời ra thì có vẻ khôi hài nhưng chính nó đã làm nền tảng tin tưởng cho những người hùng hổ mắng mỏ những ai có chút hoài nghi về sự lâu dài của đất nước, sự hùng hổ có khi không phải do vấn đề sử học gợi nên mà vì đã lan qua đến tâm cảm đã định hình, được bồi đắp trong vòng tay quyền bính hiện tại. Thế nhưng ngoài sự vẽ vời và ước mơ, ông Hùng Vương dù được các học giả cho mang mũ mảng đai hia, cũng không có dạng hình cụ thể, và các lớp đất đào bới hình như cũng cạn kiệt chứng liệu, không lấp đầy các tập Những phát hiện mới về khảo cổ học… hàng năm nếu không có thêm đất “giải phóng” cho các chuyên gia đi đào bới phía Nam. Không phải chỉ không có sự kết hợp giữa thành quả khảo cổ học và thời cổ sử mà ngay với các khai quật có dấu vết thuộc các triều đại cũng không được liên hệ để làm cho quá khứ sáng sủa hơn. Điều này thì ngoài khả năng người làm việc còn có sự xuất hiện của một yếu tố tốt đẹp, quá tốt đẹp nhưng không phải thuộc sử học, đã làm cản trở bước tiến của nó.

Tình yêu nước cao vời và tính khoa học thấp thỏi

Thật ra có một lúc người ta cũng biết sử dụng nguồn thông tin từ sách vở chữ Hán của chính quốc để tiếp sức cho sử liệu Việt Nam, điều đó thấy rõ rệt trong các quyển sử của tập nhóm các sử gia thuộc thế hệ đầu thời độc lập và vẫn còn đang đứng hàng đầu trong ngành hiện nay. Điểm đỉnh là quyển Lịch sử Việt Nam tập I gây được sự chú ý bên ngoài, hiện diện trong một bài phê bình của tờ Foreign Affairs, một phần vì tính cách đại biểu của nó: Xuất hiện dưới danh vị của Uỷ ban Khoa học Xã hội nhà nước. Tuy nhiên, một chừng mực nào đó, cũng giống như tác động sự việc đối với các độc giả tờ Tự Do đã kể, vì mối liên hệ Việt Nam Trung Quốc trong quá khứ không đằm thắm cho lắm cho nên các trích dẫn thư sử phương Bắc vẫn có dáng bất đắc dĩ chỉ vì không thể tìm đâu ra khác (chuyện Hùng, Lạc, Việt) phần nữa, với các trích dẫn xa xưa không gây tranh luận nhiều ở tính cách xác thực của nó: chuyện cây cỏ thuốc men, lúa má, cung nỏ… nhưng vẫn đưa ra vì đề cao được quá khứ khu vực, của nơi được coi là cỗi gốc dân tộc, đất nước ngày nay. Cũng vậy, các dẫn giải trong thời các triều đại đã né tránh những xung đột, đổ thừa cho “phong kiến” để có thể nêu các chứng cớ được coi là hào hùng của dân tộc mà không làm mất lòng người Bạn lớn đang yểm trợ hết mình. Cứ huênh hoang với nhau theo một tâm thức tự kỉ không chút vang vọng nào của các ý kiến khác. Nêu chuyện sứ Nguyên nghe tiếng trống đồng thấy rợn tóc gáy hay bạc hết tóc gì đó mà không nghĩ rằng qua các câu thơ kia có tâm tình sợ-mà-khinh của một người tự coi là văn minh đi đến xứ của man di! Không thấy Lê Tắc nói đến nhạc lễ triều Trần có gõ trống đồng, vậy chuyện nghe trống kia e rằng chỉ là cảm thức văn nghệ vang vọng từ thời Mã Viện của viên sứ thần kia mà thôi. Không tránh được, cái tâm tình yêu nước đã được các sử gia dân tộc khai thác hết mực, vặn vẹo đủ mọi khía cạnh, gay gắt quy chụp trong một thời gian dài để rồi khi tình hình lắng đọng, phải ngượng ngùng bào chữa thì gặp phản ứng dữ dội của những người giữ gìn “trước sau như một” vì tự ái, vì thói quen tuân phục được đề cao như là sự trung thành đáng hãnh diện.
Tính yêu nước vốn là một xuất hiện tình cảm nên nó mang cả sự dao động, ở một người là sự trồi sụt của tính khí theo với thời gian, hoàn cảnh, ở những người khác nhau thì đó là cách nhìn khác biệt mang tính phe phía được biện minh với tần suất không chừng mực. Vì thế với sử học, nó là hiện tượng, dữ kiện để bàn xét chứ không phải là điểm khởi đầu hay là quy tụ kết thúc cho lập luận.
Thế mà đối với hiện trạng sử học Việt Nam, tình cảm yêu nước được bốc cao, gây ra một thứ áp lực quần chúng thông qua chính quyền, tác động đến người nghiên cứu đến độ người ta không thấy cái vô lí, cái ngớ ngẩn của lập luận chứng tỏ mọt giai đoạn ấu trĩ của tập đoàn, gần gần giống như tình trạng của đứa bé lấy mình làm trung tâm để xét đoán vũ trụ, thế giới nhân sinh. Lấy vài ví dụ từ một sử gia danh tiếng để thấy lối nói bừa, chỉ hơn được những người kém cỏi về cách thu xếp văn hoa mà thôi. Thời xa xưa, Hùng Thục đang đánh nhau, gặp lúc Tần đem quân xâm lăng, Hùng liền nhường ngôi cho Thục để cứu nước! Hồ Quý Li thua là vì “không đoàn kết được toàn dân đánh giặc giữ nước” còn Tây Sơn thắng là nhờ có “tinh thần quật cường bất khuất của nhân dân, kết hợp với lòng yêu nước và truyền thống của dân tộc.” Do đó trong tình hình chung thì “nhân dân nhiệt liệt ủng hộ Quang Trung, hăng hái gia nhập quân đội, tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc” còn riêng biệt trong trận Ngọc Hồi thì có bằng cớ là “nhân dân đóng góp ván gỗ giúp nghĩa quân” bện rơm ướt che chắn tên đạn lúc xung phong!

 (GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN, đề nghị trong một buổi hội thảo tháng 9 năm 2008 rằng các sử gia  Việt phải khẳng định công lao của các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn, đồng thời xét lại những "tội" của triều đại này.)

Tình cảm yêu nước trong khuôn khổ văn hoá Á Đông được thấm nhuần từ ý thức về một thời hoàng kim Tam Hoàng Ngũ Đế trong lịch sử khiến người ta cố đi tìm một thời đại Hùng Vương với trống đồng “nói mãi không hết” cái hay ho của nó. Tình cảm yêu nước lồng trong sách sử của khu vực văn minh, nơi chốn triều đình khiến người ta ca tụng vai trò cứu nước của ông vua Lê khởi đầu mà không chịu công nhận gốc sắc tộc Mường Thái “kém cỏi” / đáng tủi hổ của ông. Ghép mình với tộc người đa số mà không ý thức rõ, người ta cứ đặt ông Nguyễn Trãi đứng ngay sau ông vua mở nước mà không thấy rằng đương thời, khi tổng kết công lao, ông văn hào này chỉ được xếp vào hạng 8/9 của toán người được bình công.
Tình cảm yêu nước lẩn khuất trong sự tự phụ địa phương trên trước, dẫn đến những “hội nghị khoa học” kết tội nhân vật lịch sử mà nay ông PHL vì muốn giải toả đã bị đẩy về phía nguỵ-bán-nước. Dạng yêu nước đó cũng đã được ông Đỉnh cao Sử học chia xẻ lẫn lộn đến ngày nay trong chừng mực khôi phục Nguyễn mà còn nhớ Quang Trung khi nghe theo lời một ông (chắc là khoa bảng) sinh vật học, nêu chứng cớ về tên Việt Nam đã có trước thời Gia Long, và nhân đó lại sửa bằng chứng xưa, đổi chữ Giáp tí (1804) thành Nhâm tí (1792), gợi ý chuyển sáng kiến đặt tên nước về cho Tây Sơn Nguyễn Huệ! Cái ông Nguyễn Phúc Giác Hải kia ít nhiều gì cũng là đọc chữ theo lối quốc ngữ ngày nay, không chỉ không biết có các chữ Hán gì phía sau chữ “v-i-ê-t-nặng” nọ mà cũng không biết các hệ thống văn pháp Hán, Việt khác nhau ra sao để suy ngẫm về nghĩa các chữ, lại cũng không có dịp được thấy người ta dùng lẫn lộn một cách tự nhiên các chữ viết / hệ thống ấy, cho nên mới thấy các tấm bia có chữ “việt nam” kia liền lật đật kết luận (và để ông PHL phụ hoạ) rằng tên (nước) Việt Nam là “theo cách gọi của nhân dân”, “đã có từ lâu đời”! Tuy nhiên “công đầu” trong vụ này không phải là của ông Giác Hải đâu, hãy lục tìm đâu đó ở các bài viết thời VNCH (nếu không bị đốt mất) sẽ thấy được “phát hiện” nọ.
Bởi vì yếu tố yêu nước được đặt làm tiêu chuẩn đánh giá công trình sử học nên mới có chuyện thiên vị ông Quang Trung ở trên, còn sót lại sau một thời cho ông có công thống nhất đất nước, hết thời ngang ngạnh lại cho ông “mở đầu sự nghiệp thống nhất”, đẩy ông Gia Long vào địa vị thứ yếu, theo đuôi lượm lặt thành quả của người khác. Họ không chịu suy nghĩ khi đọc sách, để biết rằng nếu không có Nguyễn Hữu Chỉnh thì ông anh hùng kia chỉ đứng trên luỹ Thầy mới đắp lại mà nhìn ra hướng Bắc thôi. Gạt sự kiện sang một bên để cho sự yêu ghét riêng biệt cuốn hút, người ta mới quả quyết rằng việc “Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc chứng tỏ tầm nhìn xa thấy rộng và tấm lòng yêu nước thương dân, ý chí thống nhất đất nước” của ông. Cho nên khó có thể thuyết phục những người mê Nguyễn Huệ kia, là sự nghiệp Tây Sơn tan tành đã có bàn tay Nguyễn Hữu Chỉnh nhúng vào sau những ngày chiếm Phú Xuân đó.
Lại cũng chỉ vì yêu nước phe phía như vậy nên không chịu lối sắp đặt thứ tự Nhạc-Lữ-Huệ của một tên nguỵ, có bằng chứng đàng hoàng, không phải lấy ở CIA mà là của người đương thời, kể cả từ ông Bùi Dương Lịch của bầy choa nữa. Một người đi tiên phong theo lời dạy của ông Trường Chinh, “tác chiến chống bọn sử gia phản động của Miền Nam”, ông Nguyễn Phan Quang làm thầy giáo “viện trợ” sử cho các trường phía Nam, đứng tên đầu đàn cho các tỉnh ủy làm công trình nghiên cứu địa phương, được thể múa gậy vườn hoang, qua thế kỉ XXI dẫn “sử liệu” cho dày sách, kể cả ý kiến từ báo Công An, từ sách học giả Tây cho có uy tín bên ngoài, ông ta lại vẫn cứ chép thứ tự Nhạc-Huệ-Lữ! Lạ nước lạ cái mà muốn chứng tỏ cầu thị, ông mang cả gia phả trời ơi đất hỡi của địa phương, gán ghép văn thơ, viện dẫn chuyên ngành lơ mơ (vẫn là yêu nước với chuyện đồng tiền Quang Trung “An Nam”) để làm dồi dào tư liệu, rộng đường dư luận… Có điều qua những chứng dẫn, quá nhiều, thật quá nhiều, lấy từ các bản tham luận, người bên ngoài không được tham dự các cuộc hội thảo lại thấy nổi gai ốc về sự gan dạ của các học giả kia (loại bà bảo mẫu Nguyễn Thị Lộ của Lê Thái Tông, loại Gia Long không tìm được mả Nguyễn Huệ…) Cũng muốn hoà nhập với địa phương mà không có dịp hơn, ông Nguyễn Phan Quang (2006) chỉ nhét được tên “thầy Tư Lữ”, thua ông PHL đem được cả thứ tự “Anh Hai Trầu, chú Ba Thơm, thầy Tư Lữ” cho nghiên cứu mới nhất (2006) của ông để ngày nay xứ Nghệ An vinh danh thêm một tên Hồ Thơm, cái tên hình như được cổ động từ ông Hồ Hữu Tường, một người cũng muốn mượn làm con cháu Quang Trung để cổ động cho thời mới do ông xướng suất, thời đó may mắn thay, đến thế kỉ này còn lưu lại được cây cờ “Quang Trung” trong một nhà bảo tàng thật hoành tráng trên đất Tây Sơn.
Chuyên gia mở đường chữ nghĩa cho nhà lãnh đạo cho nên ông (cựu) Tuyên giáo Trần Trọng Tân mới viết về thứ tự anh em Tây Sơn y hệt như vậy để rồi loại kiến thức cũ đó trở thành xích xiềng quyền lực trói buộc khiến sử gia khi cần điều chỉnh phải lên tiếng xin phép. Một khi sử gia cố cãi cho cái án “oan sai” Nguyễn Thị Lộ với các lập luận nhà quê, tuồng tích ngớ ngẩn (“Thảm án Lệ Chi Viên”) để bảo vệ danh nhân văn hoá UNESCO thì giới chức tuyên giáo hẳn có cơ sở “chuyên môn” ngoài lí do đạo đức (?) để ra tay đe nẹt, cấm cản nhà văn tò mò ghé mắt nhìn vào căn nhà ở khu Vườn Vải hôm đó, có ông vua cùng “thức suốt đêm” (Toàn thư) với bà Lễ nghi học sĩ “người rất đẹp”, đến nỗi phải mắc bệnh “Sốt rét” (Cương mục) rồi “băng hà”.
Có thể vì sử liệu ít oi mà quá khứ phải nhờ cậy đến lòng yêu nước bù đắp cho dày sách nhưng cũng vì thế mà sử Việt trở thành loạn khiến cho chuyên viên không được kính nể, để các tay ngang nhảy vào mắng chửi lung tung, nhất là khi có yểm trợ của phe phía, chắc chắn là sừng sỏ. Việc lấy tình yêu nước làm tiêu chuẩn phán đoán đã là duyên cớ bế tắc chính cho cho cách giải quyết những vấn đề sử học cận đại: vấn đề nhà Nguyễn, Phan Thanh Giản… Người ta chỉ loay hoay trong vấn đề bình công luạn tội chứ không làm việc sắp xếp sự kiện, đặt nhân vật vào trong những khung cảnh lịch sử vốn là đã qua, không có cách nào lôi trở về hiện tại, để khỏi làm quân sư mách nước, buộc người xưa phải hành động ra sao… Trình độ kiến thức thấp thỏi chung khiến Không ai nghĩ ra rằng một cuộc hội thảo sử học không phải là một toà án dư luận. Cách giải quyết đúng là căn cứ thoáng thấy trong những phát biểu Xét lại nhưng tiếc thay vấn đề Công Tội cũng vẫn lẩn khuất trong bài của các sử gia hàng đầu hiện nay, dù là làm cớ biện minh cho công cuộc Xét lại. Thành thử Xét lại, Đổi mới sử học giống như một phong trào muộn màng, đi theo lời hô hào Đổi mới chung, cho nên lại có tình trạng “tâm lí bầy đàn” (loại cừu Panurge) ở các hội nghị sử học gần đây như lời nhận xét của ông Lại Nguyên Ân. Tuyên giáo nắm đường dây đổi mới sử học nên mới có tiết lộ né tránh của Cao Tự Thanh về một “nhà sử học nổi tiếng (Phan Huy Lê?) đã kê khai chi tiết công tội của Phan Thanh Giản theo hệ thống dựng nước và giữ nước như một báo cáo ưu khuyết điểm để trình lên Ban Bí thư!” Những người như ông Phan, tuy “dày dạn phong trần” nhưng thật cũng khó biết cái đà lệch lạc như thế nào là có thể chấp nhận được nên ngày nay lãnh búa rìu của đám vô danh tiểu tốt tông đồ mới, của những kẻ đòi công chưa thoả mãn, của những người đầu óc chết từ những năm 1960, ông sử gia thật cũng nên ráng coi là tai nạn của nghề nghiệp mà thôi.

(còn tiếp)
.
.
.

No comments: