Sunday, October 24, 2010

SỬ LIỆU QUỐC NỘI và NỀN SỬ HỌC DÂN TỘC CHỦ NGHĨA VIỆT (Phần 2) - Tạ Chí Đại Trường

19.10.2010

Vấn đề Xét lại trong sử học Việt Nam thời nay: Đổi mới và tai nạn

Đổi mới sử học là cách nói đi theo trào lưu chính trị của chuyên gia Việt Nam thời nay nhưng dù đối với người không biết, không cần biết đến tính Xét lại lịch sử, cũng nên nói rõ rằng đây là chuyện của muôn đời, của mọi nơi chốn, không phải chỉ riêng của Việt Nam anh hùng đến mức phải khúm núm năn nỉ mà còn gặp đe dọa rùng cả mình. Lịch sử thường được viết bởi người chiến thắng, bởi kẻ đương quyền cho nên với thời gian, một thế hệ kế tiếp sẽ có những suy nghĩ khác theo với tình thế mới. Hãy xem việc Lê Thánh Tông xá tội giết vua cho Nguyễn Trãi (vợ làm chết vua thì bị tội, không oan tí nào) chỉ vì thời gian đã khoả lấp một phần, phần khác thiết yếu hơn, là vì ông vua cần đến hệ thống quan văn ở trung châu, nơi đã thành “nhà” của ông, khác với rừng núi Lam Kinh xa xôi chỉ còn là chốn về để nhớ chứ không phải là nơi để sống mà cầm quyền. Trừ những kẻ khăng khăng một mực không thể tự nhúc nhích bản thân, u tối vì quyền bính, những quan điểm cũ bên trong một con người vẫn có thể thay đổi, không chờ thời gian trôi xa, một khi có các yếu tố mới xuất hiện. Vừa mới giết con cháu, tướng lãnh Tây Sơn (cuối 1802) chỉ vài tháng sau, Gia Long đã không bắt tội “vợ lẽ” của Nguyễn Nhạc lấy cớ “chỉ là một người đàn bà thôi”, không bắt tội hai người thân thuộc cũng của Nguỵ Nhạc vì lẽ họ là “dân thường”. Lí do đưa ra rõ ràng thật bất ngờ xét theo tình thế chiến thắng lúc bấy giờ và thật khó chấp nhận nếu ta cứ suy xét theo các lời buộc tội Gia Long phá tan sự nghiệp “cách mạng, cứu nước” của Tây Sơn. Tuy nhiên nếu bình tĩnh nhìn xem sự kiện ông Trung Ương Hoàng Đế kia chỉ có hơn 4 mẫu 5 sào tư điền (gồm 6 khoảnh, có một khoảnh 1 sào) thì cũng hiểu được lòng quên thù hận của “tên bán nước” trước một Thứ phi của kẻ địch chắc là bị bắt lúc đang lam lũ còng lưng đi cấy, hay đeo áo tơi lá làm cỏ ruộng giữa mưa lạnh như những người đàn bà khác trong vùng. Ông Minh Mạng chắc không ngại ai chê là tàn bạo, vậy mà ngồi nghĩ lại cũng thấy tiếc là đã đốt hết tài liệu về Tây Sơn, để bây giờ muốn đọc cũng không tìm đâu ra. Yếu tố mới xuất hiện theo biến động làm rõ sự thật như khi các chiến sĩ văn nghệ Miền Bắc vào Nam, thấy sao mà bọn nguỵ tay sai của nền thực dân văn hoá kiểu mới lại cư xử ngang tàng với quyền bính, khác hẳn lối nghênh ngang xu phụ của phe mình – phát hiện tâm tình đó không đi vào hành động lịch sử chỉ vì đến nay vẫn được giấu kín theo thói quen “nói vậy mà không phải vậy”, được chiến thắng che khuất.
Quyền lực của thế hệ đầu yếu đi / mất đi thì những lớp người dưới quyền có dịp nói lên suy nghĩ của mình về quá khứ đã bị vùi dập, những suy nghĩ có khi lại gặp được chính sự tán đồng của người nắm quyền cùng thời đại. Đó là chuyện phục hồi danh vị / danh dự của những nhân vật bị giết qua những biến loạn, hay nhìn về phía khác, là những lời mắng chửi của phe đảo chính thành công khi nói về những “loạn thần tặc tử” cũ. Với thế giới ngày nay, lại xuất hiện thêm một lớp người “xét lại” không thấy ở ngày xưa: lớp học giả xuất thân ở các trường Đại học (Tây phương), mầy mò qua sách vở cũ nát, chứng cứ tang thương để viết những luận thuyết, những cách giải thích mới, hòng níu giữ tấm bằng / cái ghế câu cơm, hay để ngóng chờ có các cuộc hội thảo quốc tế nào thì đưa bài tham gia, nêu danh!
Thế mà những điều khá bình thường đó lại xảy ra thiên nan vạn nan ở Việt Nam ngày nay, theo một quan điểm phán đoán trồi sụt về những vấn đề được gọi là “nhạy cảm”. Theo ông PHL thì sau khi “khôi phục lại tổ chức và hoạt động trên khắp cả nước năm 1989”, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam mở cuộc Hội thảo với chủ đề “Sử học Việt Nam trước yêu cầu đổi mới của đất nước” năm 1990 ở Hà Nội và năm sau ở Tp. Hồ Chí Minh. Thời điểm thật là muộn so với phía Văn học người ta đã cởi ra và trói vào trong thập niên trước, nhưng thôi, có còn hơn không. Nhưng cũng vì thế mà những bài diễn văn, tham luận về phía “đổi mới” đăng trong Nghiên cứu Lịch sử (1992) không cho thấy có gì mở đường dẫn lối cả. Cho nên không lấy làm lạ rằng tuy có lời phản tỉnh ghép vào trong tập sách tổng kết công trình: Tìm về cội nguồn (1999), vướng vít của nhận định về quá khứ vẫn xuất hiện thường xuyên trong các bài viết của ông ở thế kỉ XXI. Ảnh hưởng của kêu gào đổi mới lại từ những vụ việc cụ thể, đòi (hay ngầm đòi) xét lại những nhận định được cho là bất công, thiên lệch đối với các nhân vật như Phạm Quỳnh, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký.., và cả một triều đại (Nguyễn). Do đó mà trong “Diễn đàn sử học 2003” ông Hội trưởng mới có thể nhắc lại việc cần phải “khắc phục tình trạng công thức, giáo điều trong vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào nghiên cứu lịch sử, chấm dứt tình trạng lấy sử học minh hoạ một cách thô thiển cho chính trị theo lối ‘chính trị hoá sử học…’”
Kết quả bên ngoài là như thế nhưng tiến trình bên trong, khi được nói ra thật phải ngỡ ngàng đến không thể tưởng tượng nổi. Theo Hoàng Lại Giang, khi được phân công viết bài tổng kết hội thảo về Phan Thanh Giản năm 1994, ông PHL đã gởi bài cho Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đọc trước, và chờ đến hai năm sau mới được trả lời để tạp chí Xưa & Nay đăng lên! Thế rồi “con người thận trọng ấy mãi đến cuối năm 2008 mới dám làm một cuộc Hội thảo về chúa Nguyễn và triều Nguyễn” sau 3 năm chuẩn bị, trong đó có việc “xin chỉ thị của Ban Tư tưởng, Ban Bí thư… và được Tỉnh ủy Thanh Hoá xin đăng cai tổ chức”. Ông HLG còn chú thêm rằng việc đăng cai có cả Tỉnh uỷ Thừa Thiên nữa. Người sống quen với thế giới mới bên ngoài, ngạc nhiên không thấy sự hiện diện của các cơ quan nhà nước đang trình diễn với thế giới đâu cả – do đó, về phía khác, lại hiểu câu nói của một ông Thủ tướng: “Trên bảo dưới không nghe!” Và tuy cũng biết sự lệ thuộc là đương nhiên nhưng thật không ngờ tình trạng lệ thuộc lại thảm hại đến mức độ như thế. Những cơ quan văn hoá nước ngoài, quốc tế mỗi lần có hội nghị bàn về Việt Nam, Đông Nam Á, Á Châu… mời ông PHL phát biểu, họ sẽ nghĩ sao? Các ông thạc sĩ, tiến sĩ Việt Nam học của xứ Đại Hàn phát triển, mang cấp bằng của Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ nghĩ sao khi gọi ông Phan là “thầy”? Riêng chúng tôi, từ nay muốn có lời chỉ trích ông Phan chắc phải chùn tay, giữ miệng tuy rằng không thấy mình sai trái chỗ nào cả. Xin lỗi sử gia Phan Huy Lê. Và những người khác.
Trở lại vấn đề đổi mới sử học Việt Nam. Đáng lưu ý là trong tình hình cụ thể, việc xét lại sự kết án của các “nhân vật có vấn đề” (chữ của ông Vũ Ngọc Khánh, lưu ý: không phải sử gia) đã đưa đến những thay đổi để ông PHL dám đưa ra kết luận năm 2003: “Thành tựu đáng kể của ngành lịch sử Việt Nam là nhận thức lại một số giai đoạn lịch sử, một số sự kiện và nhân vật lịch sử như nhà Hồ, nhà Mạc, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, nhà Nguyễn, các nhân vật như Trần Thủ Độ, Hồ Quý Li… Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Kí…” Các ý kiến phản hồi không tán đồng thì cũng là chuyện thường tình. Chỉ duy sự phản ứng xuất hiện vào đầu năm 2009 (ráng gượng gạo kéo dài đến cuối năm vì Lê Văn Tám) đã có một sắc thái hung hăng, mang tính đánh đấm hội đồng, dữ tợn đến mức độ tạo sợ hãi, gây ngạc nhiên. Không những chỉ có chuyện gán ghép tố cáo chạy tội, kêu gọi cảnh giác đề phòng phe nguỵ ngóc đầu dậy mà còn có cả lời mắng phản bội, đòi “trảm” công thần, tất cả như một chiến dịch có hậu thuẫn lớn, có tính toán từng bước tăng cường độ, phổ biến mở rộng để tăng áp lực.
Phản ứng không đồng tình thì từ lâu đã thấy trên tờ Hồn Việt, nơi ghi là cơ quan của Hội Nhà văn Việt Nam. Trên các số báo trong năm 2008 thấy có những bài phản bác các luận điệu phục hồi cho Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Thanh Giản… tuy mang những luận chứng “trước sau như một” của các năm 1960 nhưng cuối năm lại có giọng gay gắt hơn với sự trở lại chủ đề chống Công giáo qua nhân vật Alexandre de Rhodes dẫn đến Trương Vĩnh Ký. (Vì giáo dân biểu tình đòi đất làm mất lợi lộc của người nhà nước?) Thời thế đổi thay thì các nhân vật liên minh đổi vị trí cũng là thường tình, như trường hợp người chủ trương ở đây sử dụng một chiến sĩ Thập tự chinh Phật Giáo (?) hải ngoại cho có màu sắc phối hợp rộng rãi tuy rằng người chiến binh này nếu ở vào tình thế khác cũng có thể là tay chống Cộng cừ khôi. Giống như vị trí của ông Vũ Hạnh nay được ghé tên trên tờ Hồn Việt nhưng lại từng chống đối việc ông Mai Quốc Liên in Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, và tiếp tục chống đối việc in sách của Lê Xuyên, Dương Nghiễm Mậu với chút đổi khác là tán tụng chính sách cởi mở của nhà nước khi cho in Sông Côn mùa lũ! Khăng khăng một mực chống đối người cũ từng cùng ở chung một vùng đất, chỉ là sợ có sự cạnh tranh, tuy cũng đã giàu có, hưởng thụ tận lực, cũng từng được cho ghé một ghế ngồi phụ trong Từ điển văn học rồi. Không biết công lao chống đối Mĩ Nguỵ của ông phải được đền bù đến đâu để đủ làm ông thấy thoả mãn? Quên rằng ngày xưa người ta đã nhân danh tự do cứu anh nằm vùng từng sử dụng chút tự do thời chiến để hãnh diện chống đối chính quyền mà không mất mát gì lắm, ông Vũ Hạnh không thấy việc in sách của các tác giả cũ cũng chỉ là chuyện thị trường, chuyện của thời thế mà với ngay cả người chủ ông cũng đã phải đổi khác. Công ti Phương Nam sang Cali chắc chắn là lo kiếm đôla, làm ăn hợp pháp chứ không phải để bắt mối liên lạc với Chính phủ Tự do Nguyễn Hữu Chánh.
Tuy nhiên ông Vũ Hạnh cũng được ông HLG kể vào loại được bàn tới như với ông Trần Thanh Đạm, “một nhà giáo và nhà phê bình văn học trong chừng mực nào đó” tuy “không phải là một nhà văn hoá có tầm ảnh hưởng rộng”. Không phải là nhà sử học cho nên những lời bàn về thơ văn Phan Thanh Giản, về thơ văn của ai đó nói về Phan Thanh Giản rốt lại cũng chỉ là chuyện giảng văn với mức độ sai lệch tùy người thưởng thức thơ văn mà ai cũng có thể biết được. Cứ đọc lại các bài của ông Trần Mạnh Hảo phản bác các nhà giáo Đại học thì đủ rõ. Trừ phi các ông Mai Quốc Liên, Trần Thanh Đạm buộc học trò chép y lời Thầy, không thì đánh rớt! Vì với họ, không thể bài bác các bài vè (về vua Hùng, chống nhà Nguyễn) của Nguyễn Ái Quốc / Hồ Chí Minh được, chỉ có thể khen tụng và làm theo mà thôi.
Tờ Hồn Việt cho ra số đặc biệt với tiêu đề: “Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh nói về nhà Nguyễn”, “xác minh quan điểm chính thống về sử học của Bác Hồ và của Đảng Cộng sản Việt Nam…” để các nhà sử học “nghe và viết theo sự chỉ dẫn của tư tưởng Hồ Chí Minh, theo quan điểm Sử học của Đảng ta…” (1) Có điều Hồ Chí Minh thì đã mất, Đảng ta thì không ra mặt chỉ đạo rành rẽ như ông Tuyên giáo Mai Quốc Liên, mà chắc chắn là tuy có phương tiện truyền thông, cơ sở phổ biến “nghiên cứu”, và có uy thế nhờ lập trường kiên định vững chắc, ông này cũng vẫn không đủ khả năng “vẽ” sử cho các chuyên gia. Cứ ngang tàng như một tác giả trên tờ Văn Nghệ của Hội Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, đã kêu gào các nhà cách mạng Nam Bộ năm 1945 đứng lên công nhận sự kiện Lê Văn Tám là có thật, như xác nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh không thể nào sai sót, cứ như thế mới rành rẽ và cương quyết hơn. Tuy nhiên có mượn hình ảnh gán ghép “Có giang sơn thì Sĩ mới có tên” để lấn lướt núp bóng, để cố vẽ ra sử thì cũng không ai công nhận, chỉ vì sợ mà phải nhận thôi. Ông tác giả của Hồn Việt lấy bài trong lớp trung học, cả của Mĩ Nguỵ (để có sự đồng thuận cao hơn) mà đem ra làm bằng cớ bắt bẻ, chỉ dẫn cho chuyên gia thì có núp bóng ai cũng vậy thôi. Nhà nghiên cứu đi chép lại bài học ở nhà trường cấp dưới thì sao gọi là nghiên cứu, bỏ công “nghiên cứu” để làm gì? Và do đó thật khó cho các sử gia bây giờ thêm một chút can đảm để ghi lại trung thực các diễn biến trước mắt.
Không thể nào giải thích cho người ta hiểu sự phân biệt một chuyên gia chính trị với âm mưu toan tính chiếm đoạt quyền bính phải phát biểu huênh hoang như thế nào, khác với một chuyên gia sử học nhỏ nhoi chỉ bằng vào sự kiện để lẳng lặng đi tìm chân lí khoa học. Không hiểu nên người ta nhất quyết đòi làm sử gia, đòi phê bình sử gia, đòi có “vài lời đàm (!?) với ông Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam”. Như ông Vũ Hạnh lên án cuộc Hội thảo về nhà Nguyễn, bài bác sử gia PHL. Đành chịu thôi. Bởi vì cũng trên tờ Văn Nghệ, có bài của những người mà ông Hoàng Lại Giang cho là “không (đáng) quan tâm” lại có những lập luận vượt thời gian, vượt nhân loại để kết án các nhân vật kia, cuộc Hội thảo kia. Không biết họ là ai nhưng nếu trung thành với lề lối làm việc khoa học, chỉ chú trọng vào sự kiện, nhìn vào chính những phát biểu của họ, ta có thể nhận ra họ là những người không hay biết gì đến những biến chuyển ngay chung quanh nơi họ sống, trong xã hội mà họ tưởng là được kiến thiết theo mẫu hình của chính họ đang mơ tưởng. Như trong hai năm trước, cũng trên báo này, họ viện dẫn đến cô/bà giáo chê Lê Xuyên viết sách khiêu dâm – lời chê ngay trong thời kì có chuyện “Anh đưa em lên mạng nhé?” Từ căn bản bảo thủ bất trị, bất mãn với mọi thay đổi, ngày xưa họ nghênh ngang trong Mặt trận Bảo vệ Văn hoá Dân tộc, chĩa mũi dùi vào một chính quyền dù sao họ vẫn còn đường công kích, bây giờ trước những đổi thay còn đảo lộn hơn, họ lại biết sợ mà không dám thú nhận, nên chỉ có thể trút hận vào các thân xác rữa nát hay còn chút ngắc ngoải của chế độ xưa mà thôi.
Họ ghép các ông Dương Trung Quốc, Tương Lai, Phan Huy Lê vào một “trung tâm văn bút” có dáng là của nguỵ di tản nhưng chắc các ông này không cách nào có thể cổi lốt làm dân Hát-Ô được đâu. Các chứng nhận của UNESCO mà “nhà nước ta” cầy cục xin, rước xách linh đình để treo lên trưng bày với thế giới, các tấm “bằng” này đối với họ không có giá trị gì hết, chỉ là chứng tỏ sự đồng tình của những tên thực dân đế quốc vào hùa với nhà Nguyễn dùng xương máu của nhân dân xây nên các công trình kia mà thôi. Các đền đài, thành luỹ đó đáng phải đập phá, làm nhà kho hợp tác xã, làm chuồng nuôi trâu bò như sau năm 1975 mới là đi đúng đường lối cách mạng, mới là trung thành với sự nghiệp bảo vệ tổ quốc. Chưa nói đến chuyện sử học mà có người viết bài thú nhận rằng không biết nhiều nhưng cũng từng đi hỏi kẻ khác để đối phó với các chuyên gia, hãy xét chuyện tranh luận bình thường: Họ viết bài năm 2009 mà không quan tâm gì đến những lập luận khác đã in ra trong sách, báo trước đó, để cứ giữ những luận điểm (của người khác gà cho) từ những năm 1960, để chứng tỏ tấm lòng trung kiên của mình mà thôi! Như thế làm sao đòi hỏi họ phải đọc quyển sách của Y. Tsuboi đã được dân chuyên môn bỏ công dịch đến 2 lần (1990, 1992)? Dù sao thì đây cũng là bằng chứng rõ ràng cho tình trạng thông thường của việc tầng lớp chính trị tỏ thái độ ngang ngạnh trước các quan điểm học thuật.
Không biết công tích của họ như thế nào đối với đất nước, với chế độ họ đang phục vụ và tự cho là phải sống chết bảo vệ nó mà khi có người (như ông Võ Văn Kiệt) chỉ vì bênh vực một người họ cho là trái, đã bị họ trích dẫn tội khác, sổ toẹt thành tích, cho rằng kẻ “mị dân” kia chỉ “có thành tích nhất định nhờ dựa vào sự hi sinh vô bờ bến của toàn dân” mà thôi. Cho rằng “sự hi sinh của người chiến thắng không thể nào tả xiết,” họ tiếp tục viện dẫn “hàng vạn các bà mẹ Việt Nam anh hùng” để chặn trước sự “hoà hợp” có thể dẫn đến “hoà tan”, cũng như năm 2007 họ dùng Chiến sĩ sư đoàn 9 hù doạ người đã chết Lê Xuyên. Thấy đám di tản chửi thề, chổng mông, tuột quần cũng thật là chướng nhưng họ phải làm gì trước những kẻ không buông tha họ, cứ đòi truy bức đến tận cùng? Cho nên có một điều cũng phải thắc mắc thêm: Vấn đề phe phía, tiêu diệt đối thủ thì cũng là chuyện thường tình nhưng sao chỉ ở người cộng sản là có chữ “tận diệt”, săn đuổi bất tận? Truyền thống được tiếp sức bởi quyền lực không tranh cãi chăng?
Tuy nhiên sự chống đối bột phát dữ dội, có hệ thống như thế lại khiến thấy nổi lên những vấn đề gợi ra những suy nghĩ mang tính cách bao quát hơn cho người nghiên cứu bây giờ và sử gia mai sau.


(Tiến sĩ, Thượng thư Phan Thanh Giản (1797-1867)

Xét lại sử học và Việt Nam học

Như đã nói về việc đổi thay thế hệ, đổi thay vị trí lịch sử, các việc đòi xét lại những phán xét lịch sử từ những năm 1960 đã bắt nguồn từ những sai sót – gọi là khác biệt cũng được, từ việc phán xét những nhân vật lịch sử mà tình thế đã làm cho kết luận trở thành chân lí chính trị, làm dây dưa cho các nhận định trái lại. Thói quen nhìn theo quan điểm chính trị là thống soái, tránh những vấn đề”nhạy cảm”, đã khiến cho ngày nay muốn bào chữa, người ta thường dùng đến các tập họp từ đi theo biến động chính trị chung chung đã được công nhận: nào là vạn dụng chủ nghĩa Mác một cách duy ý chí, nào là giáo điều, công thức… Người ta đã né tránh sự kiện cụ thể là người ta đang phán xét người-của-vùng-khác. Kiêu hãnh đứng ở Hà Nội, người ta phán xét các thành phần phía Nam với tất cả những dồn nén của quá khứ. Chuyện đã xảy ra, không xa, tuy tầm mức hạn hẹp mà vẫn có ý nghĩa tiêu biểu, là chuyện loại trừ cải lương. Tất nhiên là phải dựa vào lí tưởng cao cả như lòng yêu nước cũ và tính giai cấp của tình yêu nhân loại mới. Để không ai dám cãi. Tiếng nói lạc lõng bênh vực Phan Thanh Giản của ông Ca Văn Thỉnh (1963) mãi đến sang thế kỉ XXI mới được nhắc tới rõ ràng, mà cũng phải ở Nam Bộ! Tiếng nói chuyên môn bị gầm gừ như ý kiến của Chương Thâu và Đặng Huy Vận. Họ mạo danh “nhân dân Nam Bộ” nên không thèm kể đến dấu vết nhà Nguyễn đã sâu đậm đến thế nào trong vùng, nhắm mắt không thấy sự kính ngưỡng của dân Gia Định đối với Lê Văn Duyệt, đến sự mến mộ đối với Phan Thanh Giản, và không lưu ý rằng tượng P. Ký và tên trường chỉ bị gỡ bỏ sau 1975 chứ không phải 1945.
Sự căm ghét nhà Nguyễn được biện minh bằng lòng yêu nước, yêu cách mạng Tây Sơn không che được nỗi hận “mất Thăng Long”, ảnh hưởng bởi tâm tình nuối tiếc vì sự hạ giá đất Ngàn năm văn vật: “Ngõ cũ lâu đài bóng tịch dương” / “Thiên niên cự thất thành quan đạo, Nhất phiến tân thành một cố cung”. Nỗi gầm gừ vì mất tên Đại Việt khiến họ không chỉ than thở như Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Du mà nhân nằm đúng vị thế chủ đạo lịch sử, họ viết thành sách giáo khoa để dạy học sinh chớ quên chính nghĩa “nhân dân” là ở nơi đâu. (1) Cho nên trong lúc “các nhân vật có vấn đề” như Trần Thủ Độ, Hồ Quý Li (có một “tội” lớn: làm mất nước!), Mạc Đăng Dung được giải quyết một cách không cần giải quyết thì đương thời không có một hội nghị nào về Hoàng Cao Khải, rồi qua thế kỉ XXI, trong lúc Phan Thanh Giản còn truân chuyên với lời kết tội “mại quốc” thì Hoàng Cao Khải được hưởng một bài trang trọng trên tờ Nghiên cứu Lịch sử (2008) của Viện Sử học. Phan Thanh Giản chỉ mới kí tên trên nửa tờ giấy “bán đất” còn Hoàng Cao Khải thì giúp Tây bình định Bắc Kì; con Phan Thanh Giản chống Tây, còn họ Hoàng “một nhà hai Tổng đốc”. Thế mà chẳng thấy Hà Nội Mới lên tiếng hùng hổ chống đối, còn thì Hồn Việt khoan thai (3-2010) chắc vì chưa kịp nghe lời phản ứng.
Hồn Việt khi chỉ trích Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh cũng còn đăng bài thanh minh cho Nguyễn Văn Vĩnh. Các triều đại Đinh Lê Lí Trần Lê đều nổi bật với những nhân vật cứu nước / yêu nước thương dân, không ai kể tội các ông này giết người như ngoé, coi quan triều như tôi tớ, chơi bời đến mức độ mắc bệnh lậu / tim la như sách sử có chép gần gần như thế… Ấy thế mà trong các công trình lịch sử văn hoá được UNESCO công nhận thấy toàn là ở phía Nam, với Mĩ Sơn mất nước, Huế bán nước có hai “bằng”, móc ngược về trước với Hội An, tới Mọi mà cũng có bằng Văn hoá Cồng chiêng. Trong lúc Quan họ còn phải nhờ một ông Tây chứng nhận… Người ta thu xếp Hoa Lư để cạnh tranh với Huế không được, cố bỏ tiền tỉ xây dựng Phú Thọ, hết tháp Hùng Vương tới tượng Quốc tổ, cứ tưởng to rộng, “hoành tráng” là được để mắt tới. Người ta cố gắng moi Hoàng thành Thăng Long thì chỉ được mấy cái giếng có chức quyền lớn múc về nấu pha trà uống nước-ngàn-năm, thứ nước mà dân nhậu Hà Nội nhạo báng là của họ! Cho nên, với thời gian, các luận điểm lịch sử từ những năm 1960 càng không thể nào xoá bỏ được khi sự chênh lệch danh tiếng Vùng càng tăng lên như một sự thách đố với quyền lực xuất phát từ chiến thắng vừa qua.


(Học giả Trương Vĩnh Ký (1837-1898)


Tính chất thiên lệch Vùng còn thấy rõ hơn khi có những yếu tố khác dồn ép. Trương Vĩnh  Ký bị tố khổ với tâm tình chống Gia tô – cả từ của những người có vẻ không cần đến loại “vũ khí” đó, nhưng cũng chẳng thấy có một hội nghị sử học nào ở Hà Nội kết tội, chỉ có loại công-khai-lén-lút như khi “nghiên cứu” Tây Dương Gia-tô bí lục thôi. Không ai nói ra lí do nhưng cứ nhìn khối Công giáo sừng sỏ có cánh tay quốc tế thì đủ hiểu. Có một phản ứng chung về việc Phong Thánh thì cũng có những phản biện chứ không phải mắng mỏ ồ ạt. Bây giờ đã có một trường Trương Vĩnh Ký khuất lấp ở Tp. Hồ Chí Minh. Khi có phản ứng “Từ thế kỉ XXI nhìn (các nhân vật có-vấn-đề)…” thì Trương Vĩnh Ký cũng được nhóm Văn Nghệ chiếu tướng ít hơn Phan Thanh Giản “Nam Kì chân đất”, người được ghép tội bán nước với một kẻ khác (Lâm Duy Hiệp/Thiếp/Nghĩa) mà không thấy ông toà yêu nước xưa nay nào nhắc tới. Bản dịch Đại Nam thực lục ra đời trong thế kỉ trước có phần Sách dẫn cũng “quên” mục Phan Thanh Giản trong một số năm. Có lẽ do đó mà cả một hệ thống sử gia, học giả có thẩm quyền ngày nay ồn ào lấn lướt chứng minh bản sách “Nội các quan bản” của họ là thuộc vào thời Lê Trịnh, là bản gốc. Họ “quên” sự kiện ông Tổng tài Quốc sử quán (1856) “xin in ra nguyên bản bộ Đại Việt sử kí… để tra xét” – với năm tháng đó đã có tổ chức Nội các thời Minh Mạng (1829), và danh xưng tổ chức sử dụng được ghi nhận rành rẽ trong “bản Chính Hoà” kia chỉ rõ sự đối ứng với một bản in khác dành cho một tổ chức cùng thời: “Quốc tử giám tàng bản”! Sức nặng bản án thời 1963 đó rõ ràng đã làm hại lây đến người công thần tận tình bênh vực ông, bây giờ bị một kẻ chắc chắn là không ra gì – nhìn lập luận, bài vở mà xét – xúi giục các “bà mẹ Việt Nam anh hùng” kết tội “vô ơn”, lớn tiếng đòi xét lại công tích – như ngày xưa là phải san bằng mả, xích lại! Trong khi đó nhà xuất bản Quân đội Nhân dân cho in sách (2007) về một nhân vật cuối đời chống đối nổi danh, với cái nhan đề đầy lòng trân trọng: Chuyện tướng Độ, và không chừa, trích luôn cả “Thư tâm huyết”, ý kiến tuy mới chỉ ở giai đoạn bảo vệ, xây dựng Đảng nhưng cũng cho thấy lí do của các hành động quyết liệt về sau.
Cho nên phản ứng đối với việc Xét lại lịch sử này cũng hé cho thấy một tình trạng thực dân nội biên tồn tại khuất lấp dù sự phát triển kinh tế có khiến cho những nhân vật phía Nam được đi vào cơ cấu lãnh đạo cao nhất (mà “nhập gia tuỳ tục” vẫn chỉ có cách nói theo, vào hùa, nhắc lại lời thầy tuồng ngớ ngẩn). Sài Gòn mất địa vị thủ đô, còn là một địa phương lớn phía nam nên các phản ứng tập trung nơi đây còn làm cho địa phương nhỏ hơn, nhỏ mà đầy công tích: Bến Tre, giật mình. Tuy vậy bản chất phản ứng – dữ dội một cách phô trương, lại là minh chứng cho thấy tính chất thuộc hạ vẫn còn phải canh chừng ngày nay của trung tâm Gia Định xưa này. Ý thức phản kháng, tự định vị còn rơi rớt sau thời VNCH nay đã tàn tạ qua một thế hệ thuần phục, dù chỉ chừa lại sự xu phụ ngông nghênh cũng vẫn phải được bận tâm đề phòng. Không phải chỉ là sự xuất hiện dồn dập của các người viết mà ông Hoàng Lại Giang cho là “không (đáng) bàn tới” với kiến thức của các bài học tập ở chi bộ phường khóm do các đảng viên về hưu kềm giữ. Về mức độ này thì có thư góp ý của một hưu viên tuy cũng tán đồng các chuyện kể về tính cách cao quý của Lãnh tụ nhưng lại bắt bẻ về một chi tiết ông “chưa bao giờ nghe”, theo ông là hạ giá hơn là đề cao Người, chi tiết thuộc loại xương gà vịt bình thường này chắc không ai lưu ý đến chút nào.
Tính chất thuộc hạ là biểu hiện nằm trong vị thế bị chiếm đóng của Miền Nam mà tờ Văn Nghệ còn cho thấy ở các vấn đề khác. Họ bài bác tiểu thuyết Sóng chìm của Đình Kính đã được giải thưởng Hội nhà Văn vì đã lượm lặt được trong sách này những câu mang tính cách xuê xoa lịch sử vừa qua, kiểu “người làng Cát giết người làng Cát…” Tính chất hàng thần lơ láo dai dẳng, lời tố cáo lập công “bạn đọc đang nóng lòng chờ các cơ quan chức năng trả lời” cho thấy họ ý thức được thân phận thấp thỏi của họ, là thành phần của một cơ quan địa phương, phải cố sức vươn lên bằng cách bày tỏ sự nhiệt thành trung kiên vượt cấp mới cho là đủ gợi được sự lưu tâm từ trên cao. Người khác tuy không đọc tiểu thuyết Sóng chìm bị kết tội “nói dối trong văn chương” nhưng cũng có thể biết rằng Hội nhà Văn hẳn không trao giải thưởng cho một kẻ “có cái tâm không trong sáng… có những trang viết độc ác” phản bội dân tộc đâu. Không cần phải lo xa chuyện mất lập trường kiên định cách mạng. Lại cũng nên dẫn thêm chuyện một người làm văn nghệ được vài giải thưởng gì đó của Trung ương Hà Nội bị Tỉnh uỷ thắc mắc “Từ 75 (về hàng) tới giờ không thấy anh làm một bài thơ nào ca tụng Bác và Đảng mà sao anh lại lãnh giải thưởng?” Và không phải chỉ có chuyện chê trách riêng tư: Bản luận văn về Trịnh Công Sơn đã được in ra, nghĩa là có sự chấp thuận của cấp trên, thế mà vẫn bị chức quyền Bình Định ra quyết định cấm đoán, tịch thu! Nghị quyết 23 với tham vọng dạy dỗ văn nghệ sĩ sáng tác, qua các hội nghị Lí luận Văn nghệ mở ra ở các cấp, một khi được dẫn “đi vào cuộc sống” có định hướng như thế thì ước mơ Nobel còn khó hơn là chuyện mò trăng đáy nước!
Không phải nói chuyện lạc đề, vì những người chống Xét lại đã lôi Phan Thanh Giản, nhà Nguyễn về lại cuộc chiến mới hôm qua để gộp chung chém một lần cho tiện, vặn vẹo mượn người đã chết, làm sĩ phu thời mới, hăng hái “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.
Xét tình hình thực tế “tự do ngôn luận” như đã thấy, người ta có thể nghĩ không sai lắm, là tự thân những người kia chưa đủ can đảm để bênh vực “chính nghĩa” như thế dù là họ cũng lựa gió phất thêm cờ, bẻ thêm vài mụt măng cho bếp nhà… Đổi mới cũng phải có định hướng. Ông Hữu Thọ khi giam bài viết của ông PHL trong hai năm trời đã chứng tỏ rằng mối lo sợ của ông sử gia là có cơ sở. Bất đắc dĩ mới phải chịu kết luận của hội thảo 2003 dù rằng nơi này chỉ mới bỏ tội “bán nước” của Phan Thanh Giản mà thôi. Nhưng giá như những điều thu hoạch được chỉ nằm trên bàn trà nước của các ông Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà Nghiên cứu thì chẳng sao. Đằng này dân chúng Nam Bộ lại không những khỏi phải cất giấu chứng tích về Phan Thanh Giản (may chưa kịp thủ tiêu!) mà còn nghe lời các ông cựu Thủ tướng, Tỉnh uỷ thấy được phóng xá liền cất đền thờ to lớn cho xứng với thời mở cửa, để cạnh tranh danh nhân với các nơi khác, rồi lại trương tên lần nữa trên đường phố cho mọi người qua lại in trí nhớ lối đi về… Sự sai sót của lãnh đạo thần thánh như thế thành ra có dáng trầm trọng, không thể nào để phô bày công khai thêm được.
Rồi vượt trên khu vực đàn em tí xíu, cuộc Hội thảo triều Nguyễn vốn ít nhiều gì cũng xảy ra do tình trạng bao chiếm danh nhân (ở đây là của Thanh Hoá) nở rộ khắp nơi (xuống đến huyện: [Chương Mĩ...], làng xã Nguyễn Thị Lộ, quê “ba bà Hoàng hậu (?)” vốn chính thức chỉ có một là Lê Ngọc Hân…) khiến cho tầm mức ảnh hưởng của nó trở nên lớn rộng, không phải chỉ thu lại nơi vùng cơ sở của những tên vua từng bán nước, đối đầu mãi đến năm 1975 gần gũi mà vì là nơi phát tích của triều Lê cứu nước, văn minh nên còn lấn chiếm một phần danh vị Thăng Long nữa. Ảnh hưởng này được một người của Văn Nghệ nêu lên sự tai hại, không phải chỉ là “tung hoả mù vào lịch sử”: Các ý kiến của Hội thảo chưa phải là “của Nhà nước để được coi là chính thống”, thế mà các ý kiến đó “đã được giới truyền thông phổ biến trên các phương tiện đọc, nghe, nhìn… thậm chí lại được Hội Sử học phát tán về các tỉnh thành trong toàn quốc…” Như đã nói, ông tác giả kia đã không biết gì về xã hội quanh ông khi buộc tội giới truyền thông, cứ nói giống như khi ông phát biểu ở Đảng bộ cơ quan, xã phường! Không biết ông sẽ hành xử như thế nào khi được giao quyền “trị” giới truyền thông về tội phổ biến các hoả mù nọ nhưng sự lo sợ các ý kiến vượt thoát tầm tay kiểm soát của người cầm quyền đi vào dân chúng đông đảo, nỗi lo sợ ấy đã được chứng tỏ là có thật. Đã đến lúc phải ngăn chặn. Và điều ấy được giao cho phần hành bảo thủ “kiên định” phía Nam, nơi của phát triển khó kiểm soát, nơi có bất an thường trực không phải chỉ vì là đất nguỵ mà còn vì những tiếp cận từ bên ngoài vào.
Chiến thắng 1975 tuy đưa Đảng lên thành ông chủ đất khổng lồ nhưng không đi đôi với uy thế phân vùng kinh tế khiến cho tham vọng cai trị của Hà Nội trở nên chông chênh. Dù được vuốt ve bởi bao thứ hoa văn xảo ngữ mới, tính chất xâm lăng của truyền thống phương Đông khiến người ta vẫn tìm cách xoá sạch vết tích cũ trên vùng chiếm đóng với không biết bao nhiêu luận cứ tân thời. Tiếp tục lời dạy của Bác từ thời trong hang Pac Bó, công trình xây cất của nhà Nguyễn thành trụ sở chính quyền, kho hợp tác xã… tên vua chúa Nguyễn, công thần của họ bị xoá sạch, mả Bá Đa Lộc vốn là công trình của người thợ Gia Định thế kỉ XIX, bị san bằng… Triều Nguyễn với một thế kỉ rưỡi có thư sử để lại hàng chục ngàn trang, dày gấp bội chuyện thiên niên kỉ của các triều đại trước mà không ai để tâm / dám khai thác, rõ ràng chỉ vì sự ngăn chận chính trị kia đã khiến người ta ngần ngại khi muốn “nhìn” đến nó. Châu bản, như một chiến lợi phẩm, gom về Hà Nội với danh nghĩa tài sản quốc gia (2) cũng là cách cắt đứt dấu vết của triều này, rồi có khi lại mất dần như Lưu hương kí, có đòi cũng được thách đố: không trả.
Với chiến thắng “trời long đất lở” do Đảng lãnh đạo, Miền Nam (nhất là khu vực Nam Bộ) trở thành một vùng đất không quá khứ, không giá trị tồn tại để chúng ta kịp hiểu tại sao ngay từ địa phương lại có những đòi hỏi liên tục phải Xét lại lịch sử như kia. Ta cũng hiểu tại sao người nhiệt thành bênh vực nhất cho Phan Thanh Giản lại là một công thần của địa phương, nấp sau các danh vị xưng tụng khác nhưng là người thúc đẩy đổi mới thực sự, người đó, trong chiến tranh chưa hề ra khỏi đất Nam Bộ. Người ta lấp khoảng trống để lại bằng cách trương ra tên của các công thần mới, công thần của họ, xa lạ với người dân trong vùng, tên những ông bà giao liên, tỉnh, xứ uỷ của phe nhóm, không gợi được chút gì tôn kính dù có tô vẽ thêm bằng những tấm phướn kể lể công tích trên đường phố. Mả mồ bị đào xới (quên lời chửi bới Gia Long đào mả Nguyễn Huệ) để lập những công viên, trong đó có tên cậu bé Lê Văn Tám như là bằng chứng của sự sai sót, chuyển qua dối trá lịch sử đã trở thành lịch sử không được phép bôi xoá, không thể nào bôi xoá được. Sử gia PHL cũng thấy rõ “đang dấy lên gần như phong trào biên soạn lịch sử làng xã, gia phả các dòng họ… đưa đến hiện tượng gần như ‘toàn dân viết sử’” và được in ấn đàng hoàng, làm chứng cớ cho một tình trạng, theo sử gia, sẽ “để lại một di sản sau này con cháu chúng ta rất khó xác minh”. Sau những đồn đãi tranh giành làm chủ nhân vật Lê Văn Tám, ông mới mạnh dạn thực hiện lời dặn dò của Trần Huy Liệu mà nêu sự thật bịa đặt về nhân vật này để sau này khỏi có kẻ mạo nhận dòng dõi…
[ Phản ứng đòi giữ gìn danh vị Thánh của Lê Văn Tám nói ở phần trước cũng thật dễ hiểu, dù là ngang ngược. Dù sử gia PHL có tìm cách xoa dịu tự ái địa phương bằng những lập luận để khỏi làm biến mất các chứng tích thần tượng đã thành hình khiến tên công viên LVT không bị suy suyển nhưng vẫn có một ngôi trường Đuốc Sống bị đổi tên rồi! Vì thế người ta có quyền hỏi tiếp: Đến chừng nào thì tên các “anh hùng” loại “lấp lỗ châu mai” được nhắc tới cho lịch sử trong sáng hơn? Ai đã từng nắm khẩu súng, thấy nét sắc bén của đầu viên đạn, nghe tiếng nổ liên thanh... thì đều không thể hiểu được câu chuyện một người đã bị thương mà còn lết được tới đầu mũi súng của anh lính đang siết tay cò để cứu tính mạng mình, và người bị thương kia lại có thể tránh thoát các viên đạn tiếp theo để nhấc mình lên bịt kín hàng rảnh lỗ châu mai, làm im tiếng súng cho đồng bọn tiến lên chiếm lĩnh trận địa. Nghe như có một chuyện thần thoại khác, tàm tạm giống chuyện con người xăng tẩm đầy mình mà chạy lung tung đốt kho đạn vậy. Người “anh hùng” trung ương kia có tên tuổi, đang nằm trên một con đường của Tp. Hồ Chí Minh đấy. Huyền thoại anh hùng địa phương thì bị sứt mẻ trong lúc huyền thoại anh hùng trung ương không ai dám đá động tới, bảo người ta không tức giận sao cho được? Chừng nào thì sử gia PHL lục tìm trong văn khố Quân đội Nhân dân, Chính phủ VNDCCH tìm ra sự thật về anh hùng Phan Đình Giót để thiên hạ chiêm ngưỡng thêm? Hay lại phải làm đơn xin coi hồ sơ của Bộ (?) Tuyên truyền Trung Quốc về chuyện người lính Hồng quân bịt lỗ châu mai của quân phản động Tưởng Giới Thạch, câu chuyện hào hùng đó được tướng Trần Canh viện trợ không đòi lại?]
Ông sử gia quên chuyện Hội của ông tham gia vào việc cổ động đúc tượng danh nhân loạn xà ngầu, trong đó mới vừa có tượng Quốc tổ Lạc Long Quân, chẳng biết lấy mẫu từ ông thổ địa nào! Còn tượng hai người hầu cận thì chắc chắn là lấy từ phim-bộ Hồng Kông. Người văn minh có tiền thì đầu tư cho tương lai cụ thể, đằng này có tiền thì đầu tư vào quá khứ ảo để gửi mong ước cho ngày nay ngày sau, thấp thoáng như ngày xưa làm việc tô tượng, đúc chuông, xây chùa… Ông Phan lại cũng né tránh việc biên soạn lịch sử Đảng ở các cấp, tốn hao tiền của đến mức phải la lên, bớt lại! Và những người quen với lối kiểm soát chi tiêu chặt chẽ ở các xứ sở bình thường, phải thắc mắc rằng sao ở Việt Nam chuyện ban phát tiền bạc của công khố lại dễ dàng phe phía đến như thế? Trách nào những người sắc mắc lại cho rằng đó chỉ là chuyện mượn cớ lễ hội để chia nhau ân sủng quốc gia, có “làm” mới có “ăn”?
Không phải chỉ một lớp “quần chúng kém giác ngộ” làm bậy đâu. Xoá sạch mồ mả cũ, kể cả của tư gia, thì phải có mồ mả mới dựng lên. Thế là hàng hàng lớp lớp, trùng trùng điệp điệp nghĩa trang liệt sĩ to nhỏ, hoành tráng chiếm các diện tích sinh hoạt vốn đã chật chội khiến học sinh phải vào học trong các nghĩa trang đó. Nói như một ông Văn Nghệ, “sự hi sinh của các chiến sĩ chiến thắng không thể nào kể xiết” nên xác chết nào trong chiến tranh cũng là do tội ác của Mĩ Nguỵ. Như mồ chôn tập thể ở Dung Quất, số lượng nhiều hơn Mĩ Lai nhưng không phô trương vì chưa được nhà báo thế giới quảng bá, chưa được luật pháp Mĩ công nhận. Như mồ chôn ở An Lộc bị xoá tấm bia ghi hai hàng chữ của cô giáo mất tên: “An Lộc địa sử ghi chiến tích / Biệt cách Dù vị quốc vong thân” để thay bằng tấm bia kể tội ác Mĩ Nguỵ đem B52 tàn phá 100% trên vùng An Lộc đã được giải phóng (?) năm 1972. (Ban Chỉ đạo Kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Tìm trong di sản văn hoá Việt Nam Thăng Long – Hà Nội, Nxb. Văn hoá Thông tin 2002, phần tỉnh Bình Phước, “mộ tập thể 3000 người”, tr. 432-433). Như nấm mồ tập thể của hàng trăm chiến-sĩ-ta ở Bình Định hồi tết Mậu thân kéo quân lóng ngóng ngay giữa đồng trống bị Đại Hàn giã đại bác liên hồi, gọi người đến chứng kiến rồi chôn giùm, nay trở thành chứng tích tội ác của quân Nam Hàn / Nam Triều Tiên. Số người mất tích trong chiến tranh không còn có thể để khuất lấp trong những công trình chôn cấp tập thể, nay phải đặt ra trước đòi hỏi của những người thân cụ thể, do đó nhà nước phải mượn cả một phong trào mê tín được nâng lên mức độ bán khoa học để xoa dịu chống đỡ. (3)
Cuộc tàn sát hồi Mậu thân ở Huế, ở Quảng Trị mùa hè 1972 cũng là do Mĩ Nguỵ gây nên, sự thật lịch sử đó được một Phó Giáo sư Tiến sĩ đem ra giảng dạy ở Đại học Quốc gia Hà Nội, và đăng đàng hoàng trên tờ Nghiên cứu Lịch sử (2008) của Viện Sử học đấy. Cứ tưởng câu chuyện “Sĩ quan nguỵ nấu cháo đầu người trong lễ Ra trường” của Chế Lan Viên đã đi theo cái Bánh vẽ của ông ta rồi. Cho nên không lấy làm lạ là người ta lo ngăn chặn Xét lại, chống Xét lại.
Vấn đề Xét lại và Chống xét lại Sử học Việt Nam xuất hiện như thế cũng là một dịp cho sử gia tương lai nhìn lại một vấn đề của Việt Nam học bây giờ: Sự tồn tại của chính quyền đương nhiệm và những mối liên hệ với quá khứ.
Không ai lại tự dưng buông bỏ quyền lực – hình như là danh ngôn của Lenin đấy. Nhất là thứ quyền lực đã chứng tỏ thành công từ muôn vàn mánh khoé trong chiến tranh, tỏ lộ lần hồi qua những ghi chép, hồi tưởng của các nạn nhân – kể cả cựu công thần, nay được bồi đắp bằng sự thu tóm kĩ thuật mới, bằng sự tiếp nhận tiền của dư thừa của đám tư bản thấy có nơi chốn vơ vét khỏi màng đến oán thù xưa cũ. Trong đó có tiền sinh lời từ việc buôn xác chết trên Biển Đông, như nhận định khá cynical của một lãnh tụ về viễn vọng khác của chủ trương xua người vượt biên ắt sẽ đem lại kết quả tích cực cho quyền lực của Đảng đến tận nước Mĩ, và phản hồi vào trong nước. Tuy nhiên rõ ràng là trong tình trạng nước ta, tầng lớp cầm quyền đã mất đường hướng cơ sở mà không chịu công khai thú nhận. Cái thế bám víu vào Trung Quốc theo định mệnh lịch sử rõ ràng bộc lộ những nguy cơ to lớn hơn lúc nào hết. Nguy cơ chèn ép từ Người Bạn lớn mà không có đối trọng, đã gây nên phản ứng khắp nơi, đánh động đến tính chính nghĩa lâu nay của người cầm quyền đang thi hành một chính sách ngoại giao vướng víu tính hội kín luồn lọt thậm thụt, xa lạ với thế giới bây giờ. Cho nên rốt lại, tất cả chỉ còn là những ứng biến cấp thời, giai đoạn, buông bỏ cho khu vực… Cái kiến thức làng nhàng không vượt ra khỏi cục đất, vuông tôm của tập họp lãnh đạo khiến cho loại chủ trương xây dựng quyền bính kiểu “vừa chạy vừa sắp hàng” sau ngày chiếm Miền Nam, đến hơn 30 năm cũng vẫn không thấy thay đổi.
Người ta “giả như” xây dựng một chủ nghĩa cộng sản có “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Có điều, vì cái “giả như” ấy mà tiền của lại đổ dồn vào các tay làm thị trường thật sự: các Đại Gia, như danh vị được tuyên xưng râm ran bây giờ, còn những người canh gác cho chế độ thì – trừ các tay nhanh nhạy chủ chốt – lại chỉ có thể bám víu quơ quào những người kia để sống mà nói chuyện lí thuyết để dương danh với quần chúng và hi vọng còn tên trong lịch sử về sau. Khuất lấp ở địa phương, trừ trường hợp rủi ro lộ diện, là các ông chức quyền địa phương bao che cho các công tử vườn, cạu ấm, kẻ ăn người làm… Trường hợp ông Tổng Giám đốc Hàng không Việt Nam cấp tiền cho một ông cựu Bộ trưởng đi du học tiếng Anh là một trong những ví dụ tội nghiệp nhất ở cấp bực trên cao.
Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đã tan rã thì phải quay về truyền thống quyền lực cụ thể cho nên chủ nghĩa huyết thống được đề cao, đầu tiên là sự tôn thờ người Khai sáng triều đại. Lãnh tụ đi vào Miền Nam có biến dạng một chút thành một thứ như là Giáo chủ của một loại Đại đạo Tứ kì Phổ độ nằm trong các bức tường thành giống như trong một phim ảnh của Trần Khải Ca, trên đất Bình Dương cũng chẳng sao, có vô chùa, ngự trong đền thờ là được. Lối kinh doanh thờ cúng này là tiêu biểu cho ý thức hệ của lớp đại gia địa ốc, cố gắng làm mới qua sự phô trương “hoành tráng” của kĩ thuật du nhập và tỏ lộ trong sự vẫy vùng dưới sự trì níu của quá khứ, không phải chỉ của quốc gia mà là của cả khu vực.
Viện (?) nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh được đặt ra ban phát văn bằng cho cán bộ khung nắm quyền. Việc học tập tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh đưa đến tận trường học vừa mới thấy kết thúc một đợt đầu năm Kỉ sửu, có tính cả thành quả dạy cho đám con em dân tộc thiểu số nói tiếng Viẹt chưa xuôi. Tính cách thần thánh hoá lãnh tụ đã có căn bản vững chắc trên miền Bắc, có sự hãnh diện của vùng đất chiến thắng bồi đắp bằng sự thu hút tài nguyên toàn quốc, nhất là ở Miền Nam với dầu mỏ, lúa gạo, cà phê, và sắp tới là bauxit – chưa kể phó sản Bán vé vượt biên đã cung cấp hàng năm nhiều tỉ đôla như đã nói. Vị trí thủ đô nằm trong vùng mang tư thế thần thoại được mớm lời cho Thủ tướng: “rồng cuộn hổ nằm / ngoạ hổ tàng long”, được khuếch trương, tôn tạo, in ấn sách vở đề cao tính thống nhất “chầu về”. Chủ tịch nước thay vua làm lễ Tịch điền, biểu dương chính nghĩa trong thời mới cho một thứ chủ nghĩa huyết thống tập thể mang tính diện địa: Phú Thọ với vua Hùng Bốn ngàn năm, Thăng Long Ngàn năm, Huế 700 năm, Quảng Nam 600 năm, Quy Nhơn 500 năm, Sài Gòn 300 năm… Ai cũng có phần hết, chỉ là đứng ở vị trí nào mà thôi. Sự khai triển sử sách các vương triều, bó gọn trong Toàn thư như thế dẫn đến một loại giáo dục về “truyền thống” đặt cơ sở đạo đức cho lí thuyết chính trị nô lệ mới về “dân chủ tập trung”, đã trở thành hiển nhiên nhưng mang tính cách khuất nhục người khác mà người ta không thấy, không cần biết đến. Một chức việc lớn gốc Bình Định hãnh diện là có gốc Mai Hắc Đế xa đời chứ không phải là Mai Xuân Thưởng của thế kỉ XIX. Không có chỗ cho luận cứ: Không ai tự lựa chọn được nơi chốn và thời điểm ra đời của mình nên không cần gì phải có mặc cảm để bào chữa, sửa sang cho tình trạng đó cả. Tuy nhiên chuyện của thế giới văn minh này cũng thật khó thuyết phục người trong nước bây giờ.
Sự thần thánh hoá lãnh tụ không xa tính chất thần thánh của quyền bính. Các tấm phướn ca tụng “Mừng Đảng, Mừng Xuân” đã đặt Quyền bính ngang hàng với Đất Trời. Và do thế, người ta thấy có thể đe doạ bất cứ ai khác khi/nếu viện dẫn đến Đảng, Lãnh tụ. Một thứ Đảng Cao Vời và Lãnh Tụ Thần Thánh. Lập luận của nhóm Hồn Việt, Văn Nghệ trên chỉ là một lần của vô số xuất hiện trên cùng tần số lí luận, có hiệu quả, lạ lùng, không phải chỉ là sự hãnh diện tức thời của người phát biểu nhìn xuống đám người lăng quăng trốn chạy búa rìu của mình mà còn cho thấy tầm mức vươn xa quá vị trí thuộc hạ của họ: Đe doạ được người trên trước, có khi đến cả lãnh tụ. Không phải chỉ ông Võ Văn Kiệt (chết rồi) bị mắng mà Tỉnh ủy Bến Tre Đồng Khởi cũng rung rinh, phải nhờ người phân trần giùm! Như hồi nào ông Lê Đức Thọ né tránh các phản ứng về bài thơ của Phạm Thị Xuân Khải do chính ông khuyến khích đưa ra.
Chuyện có vẻ ngược đời này là bởi tính chất hội kín ở căn bản ban đầu của quyền bính đương đại. Không có sự tự tín đôi lúc ngây thơ của ông vua về thiên mệnh của mình, lãnh tụ hội kín biết rõ sự mong manh của quyền lực thường xuyên phải tranh đoạt bằng âm mưu trong tổ chức. Tình trạng chông chênh đó xuất hiện trong những tranh chấp mà có khi địa phương lấn lướt được, cho đến khi trung ương thấy mình bị đe doạ đến mức phải phản ứng, hoặc để khỏi mất quyền lợi hoặc có khi chỉ để vớt vát chút thể diện bên ngoài. Thế là rốt lại trong tổ chức nay tuy đã lên đến tầm mức quốc gia, vẫn còn có những âm mưu tranh đoạt mà có kẻ khôn lanh đã nhận ra đường lối: Đó là, sự thủ đắc quyền uy thật dễ dàng có được nếu cứ nhân danh lí tưởng mà phát biểu tấn công. Quyền bính là cùng đích hấp dẫn của chủ nghĩa cộng sản. Và thật không khó khăn gì khi nhân danh một lí tưởng chung đã được đề cao (lí tưởng phục vụ Cách mạng, Giai cấp…) hay một lí tưởng giai đoạn đang được tuyên xưng (“vì tổ quốc chống xâm lăng”, “vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, “vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”…). Ai đã từng sống trong làng xóm hay có tham dự các buổi họp ở phường khóm, cơ quan thì rõ được sự hấp dẫn của loại biểu diễn quyền uy này trong mức độ sơ đẳng nhất của nó, từ cấp bực thấp nhất của hàng ngũ.
Với tâm thức đó thì truyền thống lại trở về với điều ngày xưa người ta chê là mê tín, tràn đầy đi vào các cấp bực quyền bính, len lỏi đến vị trí cao nhất. Đã nói, vùng đất ao hồ, đầm lầy lổn ngổn cá sấu được tuyên xưng là nơi rồng cuộn hổ nằm, sắp được vinh danh qua những thước phim tốn hàng trăm tỉ đồng có ý cạnh tranh Oscar với Crouching Tiger, Hiding Dragon, nay được đạo diễn Trung Quốc thực hiện trong các phim trường hoành tráng ở nước bạn. Cơ sở chưa góp đủ tiền, chưa có đất mà đã làm lễ Động thổ, cầu còn trơ máng giữa trời đã làm lễ Hợp long, tất cả chỉ vì đã chọn được ngày tốt. Trung tâm quốc gia Mĩ Đình được người Đức vẽ kiểu xây cất và được kiến trúc sư nội địa nhiệt thành xem như một một điển hình hoàn hảo của ý niệm phong thuỷ! Rồi một ông linh mục ở vùng cuối phía nam đất nước hiển thánh, chỉ đường vượt biên, (bày vẽ Pol Pot) cho số đề, nay càng lúc càng tràn ngập trên các trang quảng cáo báo chí người Việt ở Quận Cam, lại được một ông linh mục sống làm phép chúc lành hẳn hoi. Bà Liễu Hạnh quên mất thời chìm nổi phong trần, được gia đình đưa vào ghé đền thần, chiếm đền trở thành thần thực thụ, rồi cũng theo người di tản lan qua Mĩ với cả hệ thống thờ Mẫu, có các nhà khoa bảng vài Đại học danh tiếng của Mĩ say mê. Sự việc khiến có nghiên cứu gia nước ngoài đưa đề tài, coi điều đó vẽ ra một hướng hoà hợp hòa giải thực sự giữa người Việt. Các bậc tài danh đó không biết chuyện một nhà ngoại cảm loại lạng quạng, nhân đi tìm xác bộ đội sinh Bắc tử Nam, khoe rằng đã gặp một tên nguỵ thấy mình liền phát “run rẩy, lóng ngóng, sợ sêt”, còn một tên Trung tá nguỵ thì phải lập công chuộc tội mới được chôn cất tử tế. Các tượng thú hình thù quái dị ở Khu vui chơi Suối Tiên, đứng nhìn ra đường cái đông đúc chính là để trấn yểm các hồn ma trong khu mồ mả nguỵ (Nghĩa trang Biên Hoà cũ) nằm phía sau lưng (Vương Liêm 2004). Chớ có ảo tưởng!
Dù sao thì đạo Mẫu thịnh hành cũng là giúp cho các anh cung văn xây nhà lầu, các ông ở các Viện Tôn Giáo, Văn hoá Dân gian có công trình nghiên cứu. Tất nhiên là nó cũng giúp cho các luận thuyết về Hùng Vương, về tính dân tộc với các ưu điểm: yêu nước, bao dung, đoàn kết chống xâm lăng… được nảy nở để các sử gia cũng bị lôi cuốn theo, và… mắc đoạ vì không yêu thứ người ta yêu, không ghét kẻ người ta ghét. Sự kết tập không phải chỉ có vì quyền lợi (tất nhiên vẫn không quên yếu tố này) nhưng mà nhìn sự tuân phục của các đảng viên cấp dưới, thật có điều ngạc nhiên buộc phải suy nghĩ. Họ sống trong một bầu không khí ngột ngạt, quyền lợi không nhiều gì lắm ngoài gương các người đi trước gợi ước mơ không chắc đã đạt được. Vậy mà họ phải lặp đi lặp lại những lí thuyết trống rỗng, lắng nghe để học tập những câu chuyện đạo đức ngớ ngẩn, sau đó họ quên ngay nhưng vẫn nhìn Tổ chức với dáng vẻ sợ sệt mà lại như một thứ phản xạ, nhanh nhạy tận tình bênh vực khi thần tượng bị động chạm. Cùng một khu vực, tại sao dân chúng Miền Nam lại hãnh diện, hung hăng chống chính quyền lúc trước rồi bây giờ lại tìm vui trong men rượu để khi có chuyện phụ nữ lấy chồng ngoại quốc bị hành hạ thì lời kêu gọi các bậc tu mi An Nam là Hãy ngước đầu ra khỏi hũ hèm để cứu vớt con cháu bà Nguyễn Thị Định?
Có cái gì liên hệ họ với những người nhiều trăm năm trước?
March-June 2009
March 2010
--------------------------
Ghi chú:
(1) Hồn Việt có lẽ thấy ý kiến của mình chưa đủ nặng kí nên chuyển đăng trong số tháng 4-2009, một bài của Vũ Kim Biên trên tờ Tạp chí Cọng sản, – không nói ra nhưng cũng đủ hiểu lời ngọt ngào “trao đổi” đòi “tiếp tục nghiên cứu…” ở cơ quan quyền lực này là mang tính quyết định cho các sử gia, học giả có ý kiến khác đi. Tiếc rằng đây cũng vẫn là chuyện bình công luận tội có chủ đích chính trị chứ không phải là nghiên cứu. Họ không đủ sức (hay không muốn?) hiểu người khác nói những gì… Ngay cả việc dùng sử liệu để làm căn cứ cho lập luận, họ cũng dựa vào “công trình” của các sử gia đầy hậm hực: Dựa vào sự giúp đỡ của nước ngoài, Nguyễn Ánh đã đem quân đánh ra Bình Thuận, Quy Nhơn… Do mặc cảm với vị trí của mình, năm 1803, Gia Long cử sứ bộ… sang nhà Thanh xin quốc hiệu và đầu năm 1804 chính thức công bố tên nước là Việt Nam. Do phản ứng của nhân dân, năm 1813, Gia Long cho trở lại tên Đại Việt. Năm 1838, Minh Mạng bất bình đã khẳng định lại quốc hiệu là Đại Namcấm nhân dân không được nói hai chữ “Đại Việt”… Vẫn là chuyện “phát hiện” Đô đốc Đặng Tiến Đông của Xứ Ta cầm quân tiên phong trong trận Đống Đa. Còn Trần Quang Diệu thì bị chém làm trăm mảnh… (Đại cương lịch sử Việt Nam, tập I, H. 2000, tr. 437, 442 do Nxb. Giáo dục dành cho “các thầy cô giáo dạy lịch sử ở các trường đại học hay phổ thông…”, cho “các nhà nghiên cứu, sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam và nước ngoài” dùng làm sách tham khảo, tìm hiểu lịch sử Việt Nam theo cách nhìn mới, thay thế cho bộ Lịch sử Việt Nam tập I và II hơn 20 năm trước…” Sách đến nay vẫn còn bày bán, nghĩa là vẫn còn được dùng cho học sinh ít ra là của năm 2010).
Chẳng hiểu ở đâu nảy nòi ra câu chuyện Trần Quang Diệu bị chém làm trăm mảnh. Còn chuyện phục hồi tên Đại Việt thì hẳn là các tác giả dựa vào tin tức trong Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực chứ chẳng phải của “nhân dân” nào hết. Nhưng cái tên Việt Nam gắn liền với một triều đại chiến thắng sao lại dễ dàng buông bỏ trước một đám cựu thần, “nhân dân” của triều đại bị đè bẹp hơn hai lần trong chiến tranh? Có thể nào dựa vào đây mà phục hồi tên Sài Gòn cho Tp. Hồ Chí Minh được không?
(2) Năm 1981, ông Y. Tsuboi hỏi ý kiến ông Phan Huy Lê về việc xin khai thác Châu bản thì được trả lời là “đang sắp xếp”. Ông Phan chắc cũng biết rõ ràng là cho đến 30 năm sau, người nghiên cứu trong nước muốn đọc các sách báo cũ còn gặp muôn vàn khó khăn huống chi là một ông Tây được đào luyện theo lối tò mò sắc mắc!
(3) Đây là trường hợp có thể gợi ra một đề tài nghiên cứu thú vị về sự phối hợp mang tính thực dụng của một tin tưởng cũ và một nhu cầu mới. Quyển sách xuất hiện tháng 7-2009: Người đi tìm hài cốt liệt sĩ – Bí ẩn hiện tượng ngoại cảm nói về một hiện tượng mà giá chỉ liên hệ với một số ít người thì cũng chỉ có dáng không hơn chuyện bói toán ở xóm chợ làng quê. Đàng này lại là tìm mộ liệt sĩ, con số trưng dẫn trong sách là nửa triệu người, đâu đó trên báo chí là 7, 800 ngàn, một nhu cầu thôi thúc có áp lực quần chúng mà một chính quyền dù biết mình không đương nổi cũng không thể bỏ lơ. Khó khăn vượt bực, thế là thần thánh chen vào, nhập vào những con người được lựa chọn tình cờ chỉ dẫn cho thân thuộc đi tìm mả người đã chết từ hồi nào xa tít, giữa rừng rậm nơi khe suối không ngờ. Dẫn chứng về các trường hợp thành công lấy từ internet, một phương tiện kĩ thuật tân kì dễ thuyết phục người dễ tin. Cũng lẫn lộn vào đó là những thành công hiển nhiên của những người bỏ công sức làm việc. Tiếng đồn thêu dệt lấp bằng khoảng cách giữa cái hư và cái thực, củng cố cái phần thiêng liêng, bí hiểm vốn có khi không cần thiết cho lắm ở nội vụ. Thế là người trung gian với cõi vô hình là những nhà ngoại cảm được chính thức đi vào các đoàn công tác, được chính quyền sốt sắng nâng đỡ, kể cả việc lập các lớp huấn luyện làm dịp cho các tay ranh ma kiếm tiền khi đã biết chắc nơi chốn mà vẫn cứ núp bóng thiêng liêng.
Tình hình công khai như thế củng cố những tập họp giả khoa học lập thành hội đoàn mang danh vị tiếng tây tiếng u, cầm đầu bởi các tướng tá, cấp quyền vốn cũng chỉ vừa mới thoát cảnh chân lấm tay bùn bước lên đài danh vọng… Quyển sách trên được ghi là của Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Dân tộc và Nhân học Việt Nam. Cho nên bàn chuyện phát triển thủ đô Hà Nội, thấy người ta nói toàn chuyện phong thuỷ! Nào ai dám nghi ngờ, bài bác khi cuối năm 2009 người ta di chuyển hài cốt của cố Tổng bí thư Hà Huy Tập về quê hương, gia đình cũng cho rằng phải nhờ nhà ngoại cảm góp phần tìm kiếm, không cần đếm xỉa đến sự tin tưởng tuyệt đối về các thí nghiệm DNA của các cặp vợ chồng đang nghi ngờ lẫn nhau. Và “nhà nghiên cứu” Nguyễn Phúc Giác Hải, người phát hiện tên Việt Nam không phải của Gia Long kia, khi đi tìm vách đá khắc thơ Nguyễn Trung Ngạn (chẳng có gì bí hiểm lắm) cũng khoe rằng đã hỏi nhà ngoại cảm và kết quả mười điều đúng cả mười! Bám víu vào thiêng liêng, ông ta làm việc có vẻ an toàn hơn một nhà nghiên cứu khác làm luận án về một loại gốm đặc biệt, và bị nhà chức trách Thừa Thiên cho điều tra để truy tố về tội “tiết lộ bí mật quốc gia”!
Các học giả đang khổ công cùng sức, có khi nào tự hỏi xem mình đứng ở vị trí nào trong xứ sở của mình hay không?



.
bài đã đăng của Tạ Chí Đại Trường

.
.
.

No comments: