Tuesday, October 12, 2010

SIÊU CƯỜNG THẤP BÉ

Thanh Gương
Cập nhật : 11/10/2010 23:17

Thời buổi hôm nay người ta hay cứ hay "tán ra tán vào" rằng ... thế kỷ này là "thế kỷ Trung Quốc". Hàm ý muốn nói đến cái sức vóc phát triển tăng tốc "đáng nể"  và vai trò ngày càng  "thiên triều" của Trung Quốc trên sân khấu quốc tế đương đại.

Nhưng khi Trung Quốc vừa tức giận đối với thế giới vừa "cả vú lấp miệng em" bưng bít đối với người dân trong nước về quyết định của Viện hàn lâm Na Uy trao giải thưởng Nobel về hòa bình cho Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) thì... coi bộ đường đi đến "thế kỷ Trung Quốc" còn dài lắm.

Thực tình mà nói, không biết bao nhiêu người trên thế giới biết Lưu Hiểu Ba là ai. Giá như nếu không có quyết định trao giải Nobel vì hòa bình cho Lưu Hiểu Ba... thì chắc... Lưu Hiểu Ba có ngồi tù rục xương trong khám cũng chẳng mấy ai biết.

Thái độ vừa hốt hoảng đối với tình hình nội bộ trong nước (công an cảnh sát TQ đã bao vây nơi ở của vợ Lưu Hiểu Ba để tránh những cuộc mít tinh ủng hộ nhà đấu tranh chính trị, hoặc báo chí các cớ quan truyền thông TQ đều không phổ biến về tin giải Nobel), vừa hằn học đối với thế giới (Bắc Kinh cho rằng quyết định trao giải Nobel vì hòa bình vừa rồi là một hành động "đồi trụy"), của nhà cầm quyền Trung Quốc trước một giải thưởng Nobel trao cho một người đấu tranh dân chủ trong nước... mà tính ra cũng chẳng nổi danh hơn một vài ca sĩ quốc tế hay minh tinh của màn hình nhỏ trong các phim truyện tivi dài hàng trăm kỳ... cho thấy là Trung Quốc chưa trưởng thành để có thể xứng đáng trở thành một siêu cường như người ta hay tán dương ca tụng.

Có thể là với vận tốc phát triển kinh tế tăng tốc, có thể là với chiến lược rãi tiền đi "thu mua" hàng loạt cơ sở kinh tế tài chính trên thế giới, Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia có trong tay "mãnh lực đồng tiền", có thể uy hiếp nước này nước nọ, thậm chí có thể áp lực với cả Mỹ ... Nhưng từ đó để trở thành một siêu cường với một mô hình có thể được thế giới chấp nhận như một... siêu cường... thì đấy là chuyện khác.
Mỹ không phải là một mô hình hoàn hảo chi. Nhưng từ thời mà Mao gọi Mỹ là con hổ giấy... và từ thời mà các đảng Cộng sản vẫn cứ ra rả rằng... tư bản đang... giãy chết... cho đến nay... tư bản vẫn còn tiếp tục giãy chết... chứ chưa chịu chết... trong khi cái mô hình Xã hội chủ nghĩa hiện thực đã ăn giỗ mình cả chục năm nay rồi.

Có lẽ nhà cầm quyền Bắc Kinh vẫn chưa nhận ra được "bửu bối" của tư bản Mỹ. Đó là chấp nhận đối trọng, chấp nhận lắng nghe tiếng nói bất đồng thuận (nhưng còn có đồng ý hay không lại là chuyện khác). Khi mà hàng trăm ngàn người Mỹ xuống đường biểu tình chống đối chiến tranh ở Việt Nam... thì Mỹ cũng vẫn không bao giờ cho rằng đó là những thái độ nhằm "phá rối trị an" đất nước Mỹ. Chính những lực lượng đối trọng trong nước Mỹ đã liên tục tạo cho tư bản Mỹ một sức đề kháng cực kỳ mạnh, cho phép tư bản Mỹ "chuyển mình" theo thời cuộc để tiếp tục sống còn.

Ngược lại, đối với nhà cầm quyền Trung Quốc thì bất cứ một tiếng nói nào không phải của Đảng, của Nhà nước... thì đều là "âm mưu quốc tế" diễn biến hòa bình nhằm phá rối trị an đất nước... và cứ thế mà ra sức đàn áp... 

Có thể ở một góc nhìn nào đó thì các chính phủ phương Tây chắc cũng ít nhiều "mơ" có một khả năng kiểm soát và chi phối công luận trong nước... như chính phủ Bắc Kinh đối với người dân Trung Quốc... Nhưng có lẽ chính vì thế mà chính phủ Trung Quốc không thật sự mạnh như người ta tưởng.

Một chính phủ thực sự mạnh, có sức đề kháng, thì đã chẳng phải hốt hoảng và hằn học chỉ vì một anh "vô danh tiểu tốt" nhận được cái giải thưởng Nobel vì hòa bình... Một giải thưởng mà trong quá khứ cũng đã mất một phần giá trị bởi vì trao cho người không mấy xứng đáng như... Henry Kissinger.
Trung Quốc có thể sẽ trở thành một siêu cường... nhưng vẫn chỉ là một siêu cường thấp bé.
.
.
.

No comments: