Mario Vargas Llosa
Hiếu Tân dịch
11/10/2010 | 1:14 sáng |
talawas – Nhà văn Peru Mario Vargas Llosa vừa được trao Giải Nobel Văn chương 2010. Bài phỏng vấn sau đây trên tờ Guardian năm 2002 cho thấy những nét tiêu biểu trong tác phẩm và quan điểm dấn thân chính trị của ông. Xin giới thiệu cùng độc giả.
___________
Robert McCrum: Nguồn cảm hứng của tiểu thuyết Bữa tiệc của con dê[1] của ông là gì?
Mario Vargas Llosa: Năm 1975, tôi sang Cộng hòa Dominic tám tháng để quay bộ phim dựa trên cuốn tiểu thuyết Đại úy Pantoja và dịch vụ đặc biệt[2]. Chính trong thời gian này tôi nghe và đọc nhiều về Trujillo[3]. Tôi có ý tưởng về một cuốn tiểu thuyết dựa trên bối cảnh lịch sử này. Đó là một dự án dài. Tôi sang nhiều lần để đọc báo, và cũng phỏng vấn nhiều người: những nạn nhân, những người trung lập và những cộng sự của Trujillo.
Robert McCrum: Cuốn sách này thật về Alberto Fujimori[4] đến mức nào?
Mario Vargas Llosa: Ờ, tôi nghĩ nó là một cuốn sách về Trujillo, nhưng nếu anh viết về một nhà độc tài, là anh đang viết về tất cả các nhà độc tài, và về chế độ toàn trị. Tôi không chỉ viết về Trujillo mà về bộ mặt tiêu biểu và điều đã được trải nghiệm trong nhiều xã hội khác.
Robert McCrum: Đặc biệt là ở châu Mỹ Latin?
Mario Vargas Llosa: Khi tôi đang học đại học vào những năm năm mươi, Mỹ Latin đầy những nhà độc tài. Trujillo là người tiêu biểu, tất nhiên, bởi sự tàn ác, tham bạo, sự quá đáng và những tính cách tuồng của ông ta. Ông ta đẩy mọi xu thế đến cực đoan, và đó là điểm chung của hầu hết các nhà độc tài thời ấy.
Robert McCrum: Sự thối nát của quyền lực.
Mario Vargas Llosa: Độc tài không phải là một thảm họa tự nhiên. Đó là điều mà tôi muốn miêu tả: các nhà độc tài đã được dựng lên với sự hợp tác của nhân dân như thế nào; đôi khi, với sự hợp tác của các nạn nhân.
Robert McCrum: Phải chăng ông có cái nhìn thấu đáo vào tình trạng độc tài là nhờ những kinh nghiệm chính trị của ông?
Mario Vargas Llosa: Ba năm trong chính trị của tôi đã dạy cho tôi rất nhiều rằng sự thèm muốn quyền lực chính trị có thể phá hủy tâm trí con người như thế nào, phá hủy các nguyên tắc, các giá trị, và biến những con người thành những quái vật đê tiện như thế nào.
Robert McCrum: Cuốn tiểu thuyết này được viết một phần từ cái nhìn của một phụ nữ. Cái đó có gây vấn đề gì không?
Mario Vargas Llosa: Một thách thức. Không phải một vấn đề. Tôi muốn một phụ nữ là một vai chính, vì tôi nghĩ phụ nữ là những nạn nhân khốn khổ nhất của Trujillo. Nói về sự chuyên chế của Trujillo, bạn phải thêm vào cái thói ngạo ngược quá đáng của đàn ông. Trujillo sử dụng sex không phải chỉ vì khoái lạc, mà còn như một công cụ của quyền lực. Và trong chuyện này ông ta đi xa hơn, xa hơn nhiều các nhà độc tài khác. Chẳng hạn, ông ta lên giường với vợ của những cộng sự của ông ta.
Robert McCrum: Giống như một vở kịch của Shakespeare.
Mario Vargas Llosa: Vâng, theo một cách nào đó. Coriolanus là một vở kịch tưởng tượng về chủ đề này.
Robert McCrum: Lần đầu tiên ông biết mình muốn thành nhà văn là khi nào?
Mario Vargas Llosa: Điều đó bắt đầu không phải khi tôi viết mà khi tôi đọc. Tôi học đọc năm lên năm tuổi và đó là sự kiện quan trọng nhất xảy ra với tôi.
Robert McCrum: Ông đọc những gì?
Mario Vargas Llosa: Tôi đọc những tiểu thuyết phiêu lưu. Hồi đó trẻ con không đọc truyện tranh, mà đọc truyện. Tôi nhớ những tờ tạp chí. Tôi bắt đầu viết những phần tiếp nối cho những câu chuyện ấy. Bởi vì tôi thất vọng vì chúng đã kết thúc. Đôi khi tôi muốn thay đổi cái kết đi. Nó bắt đầu giống như loại kịch này.
Robert McCrum: Giống như cốt truyện của cuốn Dì Julia và nhà văn quèn[5]?
Mario Vargas Llosa: Đúng đấy. Khi vào đại học tôi biết rằng điều tôi muốn làm là trở thành một nhà văn. Nhưng vào thời ấy, trong một xã hội như xã hội mà tôi sống, rất khó quyết định chỉ trở thành một nhà văn. Ờ, những gì tôi cố gắng làm, tôi cố làm để kiếm sống bằng những việc khác, và văn học sẽ trở thành hứng thú chủ yếu của tôi, nhưng tôi được nuôi sống bằng…
Robert McCrum: Nghề báo?
Mario Vargas Llosa: Vâng. Nhưng khi đến châu Âu năm 1958 thì tôi quyết định thử làm nhà văn và hiến dâng toàn bộ thời gian và nghị lực cho việc viết. Tôi sở dĩ sống nổi là nhờ làm những việc bên lề. Đó là một thời kỳ rất quan trọng trong đời tôi.
Robert McCrum: Nhiều tác phẩm của ông đã khiến ông gặp rắc rối.
Mario Vargas Llosa: Công việc của các nhà văn là viết với sự khắc nghiệt, với sự cam kết, để bảo vệ những gì họ tin với tất cả tài năng họ có. Tôi nghĩ đó có phần là nghĩa vụ đạo đức của nhà văn, nó không thể chỉ là nghệ thuật thuần túy. Tôi nghĩ nhà văn có một kiểu trách nhiệm, ít nhất là tham gia vào những cuộc tranh luận xã hội. Tôi nghĩ văn học bị bần cùng hóa khi nó bị cắt đứt khỏi những vấn đề lớn của nhân dân, của xã hội, của đời sống.
Robert McCrum: Điều đó có phản ánh vai trò đại chúng hơn của nhà văn Mỹ Latin không?
Mario Vargas Llosa: Tôi nghĩ sự đóng góp của các nhà văn vào các cuộc tranh luận công khai là cái có thể làm nên sự thay đổi. Nếu văn hóa bị cắt đứt khỏi dòng chảy những sự kiện đang diễn tiến, nó sẽ trở thành vô cùng giả tạo.
Robert McCrum: Cái tính thích tranh luận này có phải là bản chất của ông không, hay nó là thực chất bên trong các chủ đề của ông?
Mario Vargas Llosa: Sách của tôi không dễ dàng thích nghi với các khuôn mẫu. Tôi nghĩ đó là một cách giải thích. Tôi luôn cố gắng để là một nhà văn độc lập. Điều đó không có nghĩa là tôi không có sai lầm. Có lẽ tôi đã nhiều lần mắc sai lầm.
Robert McCrum: Cái gì đã khiến ông lao vào chính trị?
Mario Vargas Llosa: À, tôi luôn dính líu đến chính trị, nhưng với tư cách trí thức. Cuối những năm tám mươi tôi nghĩ cần phải có một sự dấn thân thực tế vào chính trị… đó là một quyết định sai lầm.
Robert McCrum: Ông có bị sốc vì những tư tưởng của ông không được người ta hiểu?
Mario Vargas Llosa: Ờ, có đấy, nhưng nó còn tệ hơn thế nữa. Trong một cuộc bầu cử dân chủ, dù anh thắng hay thua, nhưng những gì diễn ra sau đó đều hết sức lộn xộn. Fujimori đã thắng cuộc tranh cử ấy. Sau đó những việc ông ta làm là khởi đầu một số cải cách do tôi đưa ra. Và trong nhiều năm Fujimori được lòng dân. Cũng giống như Trujillo và nhiều nhà độc tài khác. Cái ấy mới thật là sốc.
Robert McCrum: Ông có nghĩ rằng ông đã bỏ giai đoạn ấy lại đằng sau ông không? Ông đã viết cuốn Cá trong nước.
Mario Vargas Llosa: Ồ, tất nhiên. Văn học có cái quyền lực phi thường ấy. Anh viết về một cái gì đó và ngay cả khi nó là một trải nghiệm tồi tệ nhất, anh nghĩ anh có được sự phấn chấn, và thế là anh hoàn toàn khỏi bệnh.
Robert McCrum: Ông ở London bao lâu?
Mario Vargas Llosa: Tôi cố gắng để mỗi năm có ba tháng ở London.
Robert McCrum: Ông được biết đến ở Anh vì ông tán thành bà Thatcher.
Mario Vargas Llosa: Những gì xảy ra với bà Thatcher thật rất đáng buồn. khi cầm quyền bà ấy đã tạo nên tác động phi thường vào cuộc sống, xã hội, chính trị nước Anh. Nhưng sau đấy tôi sợ bà ấy sẽ được người ta nhớ đến nhiều hơn như một người Bảo thủ gay gắt chống lại châu Âu, và nói những điều phi lý về châu Âu. Những gì xảy ra ở nước Anh rất thú vị, vì tôi tin rằng người học trò giỏi nhất của bà Thatcher là ông Tony Blair, ông này đã và đang theo đuổi những cải cách mà bà Thatcher khởi xướng.
Bản tiếng Việt © 2010 Hiếu Tân
Bản tiếng Việt © 2010 talawas
------------------------------------
[1] Nguyên bản : La fiesta del chivo (2000) – Các chú thích trong bài đều của talawas
[2] Nguyên bản: Pantaleón y las visitadoras (1973)
[3] Rafael Leónidas Trujillo (1891-1961), nhà độc tài, Tổng thống Cộng hòa Dominic (1930-1961), bị ám sát năm 1961.
[4] Alberto Fujimori sinh năm 1938, Tổng thống Peru (1990-2000), là đối thủ chính trị của Mario Vargas Llosa trong đợt bầu Tổng thống Peru năm 1990, bị Quốc hội Peru bãi nhiệm ngày 17/11/2000 vì tham nhũng và vi phạm nhân quyền; bị bắt ngày 7/11/2005 tại Chile; ngày 11/12/2007 bị tòa án Peru tuyên án 6 năm tù và 92.000 US Dollar tiền phạt vì tội ra một chỉ thị khám nhà mà không được Viện Công tố chuẩn y; ngày 07/4/2009 bị tòa án Peru tuyên án 25 năm tù vì tội dùng các lực lượng côn đồ và khủng bố để triệt tiêu đối thủ chính trị; ngày 20/7/2009 bị tòa án Peru tuyên án 7 năm 6 tháng tù vì tội tham nhũng.
[5] Nguyên bản: La tía Julia y el escribidor (1977), bản dịch tiếng Việt: Dì Julia và nhà văn quèn
.
.
.
No comments:
Post a Comment