Sunday, October 17, 2010

PHỎNG VẤN ÔNG SCOTT FLIPSE SAU CUỘC GẶP MẶT GIÁO DÂN CỒN DẦU TỊ NẠN Ở THÁI LAN

Quỳnh Như, phóng viên RFA
2010-10-17

Thưa quý thính giả, mới đây trong chuyến công tác tại Thái Lan, ông Scott Flipse, Phó Giám đốc Phụ trách Chính sách và Nghiên cứu của Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, có gặp gỡ một số người trong nhóm giáo dân Cồn Dầu đang ở đây.
Sau lần gặp gỡ đó trở về Hoa Kỳ, ông Scott Flipse đã dành cho phóng viên Đài Á Châu Tự Do cuộc phỏng vấn đặc biệt sau, mời quý thính giả theo dõi…

Quỳnh Như: Chào ông Scott Flipse. Thưa ông, tôi được biết ông vừa trở về sau chuyến đi công tác ở Thái Lan. Xin ông cho biết đôi điều về chuyến đi làm việc ở Bangkok lần này?
Mr. Scott Flipse: Vâng, tôi vừa mới trở về Hoa kỳ đầu tuần này, sau chuyến đi công tác ở Thái Lan để làm việc về vấn đề người xin tị nạn tại Hoa kỳ, và tại đó cũng đã gặp và phỏng vấn một số người dân của giáo xứ Cồn Dầu đang xin tị nạn với lý do chính trị.
Quỳnh Như: Làm sao ông có thể khẳng định những người này là dân ở giáo xứ Cồn Dầu?
Mr. Scott Flipse: Tôi đã gặp gỡ và nói chuyện khoảng 20 tiếng đồng hồ, với những người dân thuộc giáo xứ Cồn Dầu, đang có mặt tại Bangkok để xin tị nạn chính trị. Tất cả những câu chuyện mà họ kể cho tôi nghe đều rất thuyết phục, với những chi tiết rất khớp với những điều đã được tường thuật về tình cảnh của người dân Cồn Dầu.
Họ phải đối mặt trước những áp lực của chính quyền địa phương buộc người dân phải bán đất, di dời sang nơi khác sinh sống để nhà nước sử dụng đất vào mục đích khác. Và đặc biệt nảy sinh việc công an sử dụng bạo lực để trấn áp người dân giáo xứ Cồn Dầu hôm mùng 4 tháng 5. Do vậy tôi biết chắc những người mà tôi đã tiếp xúc này đúng là người dân ở giáo xứ Cồn Dầu.
Quỳnh Như:Thưa, như vậy ông đã phỏng vấn được bao nhiêu người trong số những người dân Cồn Dầu đang có mặt ở Thái Lan để xin tị nạn chính trị?
Mr. Scott Flipse: Tôi đã gặp khoảng hơn phân nữa trong tổng số khoảng 47 người dân Cồn Dầu đang có mặt ở đây. Và tôi đã hỏi chuyện với từng người một. Tổng cộng khoảng thời gian hơn 20 giờ đồng hồ với 14, 15 người.
Quỳnh Như: Những người dân Cồn Dầu này đã kể gì cho ông nghe?
Mr. Scott Flipse: Trong phần trả lời phỏng vấn của tôi, họ kể lại chuyện họ bị công an địa phương đàn áp vì không chấp nhận bồi thường để di dời sang nơi khác sinh sống, lìa bỏ mảnh đất của giáo xứ họ. Trong khi chính quyền địa phương muốn xây dựng Cồn Dầu thành khu Du lịch. Họ kể lại chuyện xảy ra hôm tổ chức đám tang của cụ bà Hồ Nhu, hôm mùng 4 tháng 5.
Khi tôi hỏi về trường hợp ông Nguyễn Thành Năm thì người ta kể với tôi rằng ông này là một trong số những người đầu tiên bị công an đánh trong lễ tang giáo dân Hồ Nhu. Chuyện xảy ra vào khoảng 7 giờ sáng hôm mùng 4 tháng 5.
Người ta cũng nói rằng một ngày trước khi chết, ông này đã phụ giúp người hàng xóm gặt lúa. Điều đó có nghĩa là ông Năm lúc ấy đang ở trong tình trạng sức khỏe tốt, và ngày hôm sau người ta thấy thân thể ông bị đánh tím bầm và chết.
Người ta cũng kể thêm rằng giáo xứ Cồn Dầu có thể sẽ không còn tồn tại trong vài tháng nữa, từ nay đến khoảng trước Tết Nguyên Đán. Chính quyền địa phương sẽ xây dựng một khu du lịch tại đây.
Quỳnh Như: Trong những câu chuyện mà họ kể lại với ông thì điều gì làm ông cảm thấy có ấn tượng sâu sắc nhất?
Mr. Scott Flipse: Vâng, tất cả những lời kể đều nhất quán với nhau, và mang tính thuyết phục rất cao. Những câu chuyện về tình cảnh của người dân thuộc giáo xứ Cồn Dầu; từ năm ngoái họ đã phải chịu những áp lực từ chính quyền địa phương buộc họ di dời sang nơi khác sinh sống. Câu chuyện về việc công an đàn áp không cho gia đình một giáo dân được chôn cất người thân ở nghĩa trang giáo xứ Cồn Dầu, theo nguyện vọng của người quá cố.
Nhưng điều thuyết phục nhất trong toàn bộ sự việc là câu chuyện họ kể cho tôi nghe về những diễn biến xảy ra đối với người dân ở giáo xứ Cồn Dầu hôm mùng 4 tháng 5, khi công an dùng vũ lực ngăn cản đám tang của một giáo dân, và những diễn tiến tiếp theo sau đó. Một số người đã bị công an bắt giam, họ bị đánh đập, tra khảo để phải nhận tội. Những người tham gia đám tang của cụ bà Hồ Nhu ở Cồn Dầu cũng bị công an quấy nhiễu, hạch sách.
.
Đủ tiêu chuẩn tị nạn
Quỳnh Như: Thưa ông Scott, trong chuyến đi công tác lần này ở Thái Lan ông có chương trình làm việc với đại diện của Cao Ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc tại Bangkok hay không?
Mr. Scott Flipse: Không, tôi không gặp Cao Ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc tại Bangkok, nhưng tôi làm việc với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Thái Lan. Sứ quán Mỹ ở Bangkok rất quan tâm và theo dõi vấn đề này rất chặt chẽ. Theo chỗ tôi biết thì hiện nay người dân Cồn Dầu xin tị nạn chính trị đang được Cao Ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc tại Bangkok phỏng vấn.
Quỳnh Như: Qua lời kể của các giáo dân ở Cồn Dầu mà ông gặp, theo đánh giá của ông thì liệu họ có đạt đủ tiêu chuẩn để xin được tị nạn tại một nước thứ ba nào đó hay không?
Mr. Scott Flipse: Vâng, tôi nghĩ chắc chắn như vậy. Sau khi tiếp xúc nói chuyện với phần lớn những người này, tôi nghĩ rằng trường hợp của họ với lý do xin tị nạn như vậy họ có thể thuyết phục người phỏng vấn đồng ý giải quyết cho đi tị nạn chính trị. Vì họ bị đánh đập, bị đe dọa, bị sách nhiễu.
Và một điều hiển nhiên nữa đối với tôi là, họ khó lòng trở về Việt Nam mà không bị một sự trừng phạt của công an trong nước. Trong câu chuyện mà họ kể lại, các chi tiết cũng nhất quán với những gì đã được loan tin.
Điều mà mọi người quan tâm nhất hiện nay là những người dân ở giáo xứ Cồn Dầu đang sống tại Việt Nam, một số họ vẫn còn đang bị giam giữ, họ bị đánh đập, tra tấn.
Cho nên chúng tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề này, chúng tôi mong muốn chính quyền sớm trả tự do cho những người dân Cồn Dầu hiện còn đang bị giam giữ này.
Quỳnh Như: Xin ông có thể kể sơ lược về tình cảnh của những người dân Cồn Dầu đang ở Thái Lan hiện nay. Tình trạng của họ ra sao?
Mr. Scott Flipse: À vâng. Họ đang chờ xin được Cao Ủy Tị nạn của Liên Hiệp Quốc cứu xét cho hưởng quy chế tị nạn chính trị. Họ đang sống chung, đùm bọc lẫn nhau, với một  trạng thái tinh thần rất tốt, mặc dù họ rất mong muốn được sống với người thân tại ngôi làng nhỏ bé của họ ở Việt Nam để làm ăn sinh sống một cách bình yên, và phụng thờ cầu nguyện Chúa.
Tất cả mọi người đều nói với tôi rằng họ mong muốn được cho đến sinh sống tại một nước nào mà họ có thể tiếp tục phụng thờ Chúa, được tự do theo đuổi tín ngưỡng của mình.
Tuy nhiên ai cũng biết là cần phải có thời gian cho thủ tục xin tị nạn chính trị. Chính phủ Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế, như Ủy hội Hoa Kỳ Về Tự do Tôn giáo Quốc tế chẳng hạn, sẽ tiếp tục quan tâm theo dõi vấn đề này.
Quỳnh Như: Thưa ông Scott, vấn đề cuối cùng Quỳnh Như xin hỏi, điều gì đã thôi thúc ông thực hiện chuyến đi công tác ở Thái Lan lần này?
Mr. Scott Flipse: Một số các vị dân cử Hoa Kỳ như ông Joseph Cao, Frank Wolf, Chris Smith, Loretta Sanchez, Joe Lofgren, và những người thuộc các tổ chức khác rất quan tâm đến các vấn đề về nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Các vị này đã yêu cầu Ủy hội Hoa Kỳ Về Tự do Tôn giáo Quốc tế làm một cuộc điều tra, nghiên cứu về vấn đề các giáo dân ở Cồn Dầu bị đàn áp, và những việc đã xảy ra ở giáo xứ này. Vì thế tôi quyết định thực hiện chuyến công tác ở Bangkok mới rồi.
Quỳnh Như: Xin cảm ơn ông đã dành cho thính giả của Đài Á Châu Tự Do cuộc trò chuyện để có thêm những thông tin mới nhất này.
.
Theo dòng thời sự:
Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.
--------------------------------------


.
.
.

No comments: