Wednesday, October 20, 2010

PHỎNG VẤN Biệt Hải NGUYỄN TRÂM về CUỐN "BÓNG ĐÊM và SỨ MẠNG"

Thanh Phong/Viễn Đông

WESTMINSTER - Trong cuộc chiến Việt Nam vừa qua, ngoài những binh chủng nổi danh thiện chiến như Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, v.v., có một Lực lượng âm thầm chiến đấu, và chiến đấu ngay trong lòng địch; những chiến sĩ can trường đó phải tập ăn những thức ăn địch thường ăn, mặc những bộ đồ bộ đội thường mặc, mũ cối, dép râu, nói tiếngđịa phương như những vùng họ xâm nhập. Công tác một đi khó trở lại đó được giữ kín đến phút chót, dù có thắng lợi đến đâu hay thiệt hại cỡ nào, cũng không được tiết lộ, không được ca ngợi. Những chiến sĩ can trường đó là Lực lượng Biệt Hải, và chiến tranh họ tham dự được gọi là chiến tranh không qui ước, hay chiến tranh ngoại lệ.
Sau 35 năm, giờ đây không còn gì phải giữ kín, họ xứng đáng được Tổ Quốc Ghi Ơn, được đồng bào biết đến những hy sinh gian khổ của họ, mà bao đồng đội đã ngã gục, bao nhiêu người đã bỏ mình trên đất địch, mà giờ này gia đình, thân nhân vẫn không tìm được xác. Một nhóm Biệt Hải may mắn đang sống tại hải ngoại, đứng đầu là Biệt Hải Nguyễn Trâm, đã cùng nhau viết cuốn “Bóng Đêm Và Sứ Mạng”. Cuốn sách dày 580 trang, ghi một số trận đánh trong lòng địch, những cuộc xâm nhập đầy nguy hiểm và gan dạ. 580 trang sách không thể ghi hết chiến công của họ. Vừa qua, chúng tôi có dịp phỏng vấn anh Nguyễn Trâm, Trưởng Nhóm viết sách Bóng Đêm & Sứ Mạng, sẽ ra mắt vào ngày 17-10-2010 tại hội trường nhật báo Việt Herald.

Viễn Đông: Thưa anh, động cơ nào thúc đẩy anh gia nhập Biệt Hải?
BH. Nguyễn Trâm: Gia đình tôi cũng như gần một triệu người dân miền Bắc di cư, vì chán ghét chế độ Việt Minh tàn ác đã trốn chạy vào miền Nam năm 1954, để tìm không khí tự do và gia đình tôi định cư tại Đà Nẵng bên kia sông Hàn, trong họ đạo toàn người di cư thuộc các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Năm 1962 Lực Lượng Biệt Hải bắt đầu tuyển mộ người để đi ra miền Bắc hoạt động. Lúc đó xứ đạo Nhượng Nghĩa, chỗ gia đình tôi sinh sống, có một số đông thanh niên ghi danh tình nguyện. Sau mỗi lần về phép, tôi thấy họ trong bộ đồ beo biệt kích đầu đội nón đỏ rất hùng dũng, nghe nói các toán Biệt Hải đã được tàu chở ra miền Bắc, để ban đêm từngoài biển lội vào bờ đánh phá các mục tiêu bộ đội Cộng sản Bắc Việt dọc vùng duyên hải; nhận thấy công tác anh em hết sức nguy hiểm, khiến tôi lấy làm nể phục và xem họ là những Kinh Kha thời đại; rất thích hợp với bản tính mạo hiểm của tôi, thích cảm giác mạnh, nên tôi đã quyết định gia nhập Lực Lượng Biệt Hải.

Viễn Đông: Lúc vào Biệt Hải anh đã lập gia đình chưa? Nếu đã có, anh có bàn bạc với chị Trâm không? Có được chị đồng ý hay ngăn cản? Nếu chưa lập gia đình, bố mẹ anh có biết ý định của anh? Các cụ có chấp nhận hay ngăn cản?
BH. Nguyễn Trâm: Thưa anh, lúc gia nhập Biệt Hải tôi được 19 tuổi chưa lập gia đình, và đa số anh em gia nhập Biệt Hải lúc đó cũng đều độc thân tại chỗ như tôi. Trước khi có ý định gia nhập Biệt Hải, tôi đã cho Bọ (Bọ, Mẹ danh từ người Hà Tĩnh) tôi biết, nhưng ông hết sức ngăn cản và khuyên tôi xin vào Dân Sự Chiến Đấu để canh gác doanh trại Sở Phòng Vệ Duyên Hải cho an toàn. Lý do lúc đó bọ (Ba) tôi đang phục vụ Trung Đội Dân Sự Chiến Đấu nhiệm vụ canh gác giữ gìn an ninh Trại 9 Biệt Hải. Hằng ngày ông thấy các toán Biệt Hải tập luyện hết sức khổ cực, cũng như chứng kiến một số nhân viên Biệt Hải lúc ra hoạt động miền Bắc, đã bị bắt hay bị chết mất xác, nên hết sức lo lắng cho tôi; nhưng với quyết tâm của tôi, cuối cùng ông phải miễn cưỡng đồng ý. Một lý do nữa, tôi cần sự giúp đỡ của ông, vì đơn ghi danh xin học khóa Biệt Hải, phải những người phục vụ trong Sở mới xin đơn được; đồng thời phải có hai nhân viên của Sở chứng nhận, sau khi đã biết rõ lý lịch của gia đình tôi thuộc thành phần chống Cộng thì họ mới ký, những người ngoài Sở không được. Sau khi mãn khóa ra trường, khóa sinh Biệt Hải nào đầy đủ khả năng được chọn, thì phải ký hợp đồng và chấp nhận hoạt động bất cứ nơi nào ra ngoài lảnh thổ miền Nam, theo yêu cầu của cấp trên, được gọi công tác “hoạt động chiến tranh ngoại lệ”. Lý do đề phòng trường hợp lúc thi hành công tác bị bắt, và nhà cầm quyền Cộng sản không có lý do để tuyên truyền, những nhân viên Biệt Hải này đã bị chính quyền miền Nam ép buộc thi hành các công tác nguy hiểm.

Viễn Đông: Thưa anh, Biệt Kích và Biệt Hải khác nhau điểm gì?
BH. Nguyễn Trâm: Các toán Biệt Kích được phương tiện máy bay từ miền Nam chở ra ban đêm, nhảy dù xuống các tỉnh miền Bắc và ở lại hoạt động nằm vùng, để thi hành công tác dài hạn, được gọi là Biệt Kích Sở Bắc. Còn Biệt Hải thuộc đơn vị đặc trách các cuộc hành quân hải vận của Sở Phòng Vệ Duyên Hải/Nha Kỹ Thuật (Coastal Security Service). Sở Phòng Vệ Duyên Hải có hai Lực Lượng tác chiến chính là Lực Lượng Hải Tuần (Sea Patrol Force) và Lực Lượng Biệt Hải (Sea Commando Force). Lực Lượng Hải Tuần cung cấp các phương tiện tiếp vận để chở Lực Lượng Biệt Hải xâm nhập, hoặc đổ bộ vào đánh phá các cơ sở quân sự tấn công các đồn bót, phá hoại các cầu đường, phá hoại các tàu chiến của hải quân Bắc Việt đậu tại các cửa biển; hoặc bắt tù binh, thực hiện các công tác Tâm Lý Chiến của đài Gươm Thiêng Ái Quốc, Đài Tiếng Nói Tự Do... dọc duyên hải Bắc Việt từ vĩ tuyến 17 trở ra. Vì công tác xâm nhập vào bờ trong đêm và đột kích chớp nhoáng vào các mục tiêu của địch, sau đó trở ra tàu được gọi là công tác ngắn hạn, do các toán Biệt Hải thi hành.

Viễn Đông: Qua những bài viết của các anh, nhất là những bài viết về đổ bộ bằng tàu, bằng thuyền cao su vào các tỉnh ven biển bắc vĩ tuyến 17, không thấy anh nào đề cập tới việc truy kích của tàu, thuyền Cộng sản? Không lẽ Biệt Hải có hằng trăm lần xâm nhập bằng đường biển, mà bọn Cộng sản lại không cho tàu bè của chúng phục kích?
BH. Nguyễn Trâm: Thưa anh, các bài viết hoạt động công tác Biệt Hải trong cuốn sách Bóng Đêm & Sứ Mạng chúng tôi đã đề cập đến hải quân của Bắc Việt. Hải quân Bắc Việt lúc đó rất yếu kém so với tàu PTF Hải Tuần/SPVDH miền Nam về vũ khí lẫn tốc độ, đã có những lần hải quân Bắc Việt dùng các Tiểu đỉnh Swatow do Nga viện trợ chạy ra chặn đầu hải chiến với tàu PTF Hải Tuần, nhưng tất cả đều bị thất bại và bị PTF của Hải Tuần bắn cháy hoặc thua bỏ chạy. Một phần Sở Phòng Vệ Duyên Hải trước khi đi ra công tác miền Bắc, đã được các Cố vấn Hoa Kỳ thông báo cho Hạm Đội 7 biết trước để giúp yểm trợ khi cần. Phải nói trong thời gian Hoa Kỳ oanh tạc Bắc Việt khắp trên toàn lảnh thổ và vùng duyên hải miền Bắc, không chỗ nào là nơi an toàn. Ngày đêm đều có các phi vụ ngoài Hạm Đội bay vào thả bom, nhiều chuyến công tác mật của Biệt Hải khi vào đến bờ phải hủy bỏ lội trở ra, vì không thể di chuyển dưới ánh sáng, mùi hương và tiếng động, gây ra bởi bom đạn cùng hỏa châu từ trên máy bay bắn ra tỏa sáng một vùng, với mục đích để vô hiệu hóa một số hỏa tiễn phòng không tầm nhiệt của bộ đội Bắc Việt dưới đất bắn lên. Tại hải ngoại, tình cờ năm 2009, chúng tôi đã gặp được một người tổ trưởng dân quân tuần duyên của xã Quảng Xuân, Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình trong thập niên 60, sang du lịch Hoa Kỳ thăm thân nhân, và ông ta cho biết những điều chúng tôi viết trong sách Bóng Đêm & Sứ Mạng hoàn toàn đúng; nguyên văn “nhắc đến bộ đội hải quân Bắc Việt tàu bè ngoài nớ (đó) súng đạn trang bị kém cỏi lắm, không đủ sức đương đầu với tàu của các ông trong Nam ra mô (đâu), một phần sợ máy bay nhìn thấy thả bom, ban ngày ban đêm họ đều tìm chỗ để nép (trốn). Tóm lại suốt trên 4 năm hoạt động miền Bắc, hai Lực Lượng Hải Tuần và Biệt Hải đã hoàn toàn kiểm soát vùng duyên hải Bắc Việt bất cứ lúc nào”.

Viễn Đông: Trong bài “Chuyến đột kích tấn công đồn công an Quảng Bình”, tác giả là anh No Sơn viết: “Đặc biệt lần này, ngoài vũ khí cá nhân ra, mỗi nhân viên còn trang bị thêm ba khẩu M-72…”. Thiết nghĩ M-72 là loại súng không nhỏ, một nhân viên đã ôm súng cá nhân và đạn dược rồi, bây giờ thêm 3 khẩu M-72; đeo vào chỗ nào? Làm sao di chuyển khi gặp địch? Tác giả có quá lời không anh?
BH. Nguyễn Trâm: Thưa anh, toán Biệt Hải trước khi nhận lãnh để thi hành một mục tiêu nào ngoài miền Bắc, tất cả nhân viên trong toán được học tập hết sức kỹ lưỡng, có khi phải huấn luyện ngày lẫn đêm suốt hai, ba tuần lễ liên tiếp. Trong lúc huấn luyện, Ban cố vấn và Trưởng toán luôn luôn theo dõi khả năng và tinh thần của từng nhân viên, đồng thời nghiên cứu những loại vũ khí nào thích hợp cho toán mang theo, để triệt phá mục tiêu nghiên cứu lộ trình di chuyển, cách ăn mặc và dụng cụ trang bị, v.v.. Đặc biệt phòng hành quân thường phối hợp với huấn luyện viên đi tìm một địa điểm trong miền Nam, giống như mục tiêu của miền Bắc và đưa toán ban đêm đến đó huấn luyện tập làm quen địa thế. Trước giờ ra đi, lần cuối tại phòng thuyết trình, anh em được Trưởng toán chỉ dẫn những chướng ngại vật thiết trí trên sa bàn như: nhà cửa, đường sá, sông rạch, đồng thời cho xem các không ảnh U-2 chụp được trong mục tiêu. Cuối cùng cho biết địa điểm đêm nay toán sẽ đổ bộ vào tỉnh nào, ngoài duyên hải miền Bắc. Sau đó mọi người cùng hành lý lên xe bịt bùng do tài xế cố vấn Hoa Kỳ chở xuống cầu tàu. Nhiều chuyến công tác toán được lệnh đưa súng 57 ly không giật, súng cối 60 ly và mang đạn lội vào bờ, đặt bắn phá nhà máy nước hoặc pháo kích vào các đồn bót Công an Cộng sản biên phòng Bắc Việt. Tất cả mục tiêu miền Bắc đã được phòng hành quân và các cố vấn nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng, trước khi cho toán khởi hành.
Viễn Đông: Theo tài liệu trong sách, LL/Biệt Hải được Hoa Kỳ huấn luyện và hầu hết các cuộc đổ bộ ngoài Bắc, nhất là giải cứu tù binh Hoa Kỳ, đều có chiến hữu Hoa Kỳ đi theo. Vậy sau khi chiến tranh kết thúc, lực lượng Biệt Hải có yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ cho hưởng qui chế cựu chiến binh Mỹ không? LL/Biệt Hải có yêu cầu Hoa Kỳ trả cho một số tiền như LL/Biệt Kích đã làm trước đây không?
BH. Nguyễn Trâm: Tuy các toán Biệt Hải đã được các cố vấn Navy Seal Team và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ yểm trợ, cũng như phụ trách huấn luyện chiến thuật, để xâm nhập các công tác miền Bắc; vì tính chất đặc biệt của nó, Sở Phòng Vệ Duyên Hải là một đơn vị tác chiến độc lập, không có sự tham dự của binh sĩ Hoa Kỳ. Hoa Kỳ chỉ cung cấp phương tiện vận chuyển, vũ khí và các trang bị đặc biệt theo nhu cầu của mỗi công tác, phụ trách lái xe để chở toán xuống cầu tàu đi công tác và sau công tác thì chở về lại trại 9 của Biệt Hải. Còn công tác miền Nam, các cố vấn đi theo để giúp phương tiện tải thương cũng như giúp toán yểm trợ khi cần. Như đã trình bày, tất cả nhân viên Biệt Hải phải ký khế ước theo điều lệ ấn định trong đơn trước khi gia nhập. Thời gian đầu ký khế ước một năm sau đó 6 tháng một lần. Một số anh em sau vài năm công tác vượt tuyến, thấy nhiều bạn bè hy sinh hay bị mất tích, cảm thấy công tác của Biệt Hải thập phần nguy hiểm, nên xin rút lui lúc mãn khế ước. Sau ngày 30-4-1975, Cộng sản cưỡng chiếm được miền Nam và Quốc Hội Hoa Kỳ đã thông qua điều luật, những nhân viên làm việc cho chính phủ Mỹ phải thời hạn 5 năm hoặc ở tù Cộng sản phải 3 năm trở lên, thì mới được cứu xét. Vì lý do đó, đa số anh em Biệt Hải đã không đủ tiêu chuẩn của chính phủ Hoa Kỳ ấn định.

Viễn Đông: Thưa Anh, hiện nay có còn chiến sĩ Biệt Hải nào bị Cộng sản đang giam cầm?
BH. Nguyễn Trâm: Một số toán Biệt Hải ra hoạt động miền Bắc bị bắt vào những năm 60, sau thời gian dài giam giữ bị cán bộ cai tù Cộng sản hành hạ, có người chịu không nổi đã chết trong tù, hoặc khi thả về đến nhà thì chết, và một số ít anh em Biệt Hải trốn thoát được sang Mỹ tỵ nạn, hiện sinh sống các tiểu bang Hoa Kỳ.

Viễn Đông: Từ trước đến nay, LL/Biệt Hải đã tổ chức họp mặt chung lần nào chưa? Nếu có, tại đâu ngày giờ nào qui tụ được bao nhiêu chiến hữu?
BH. Nguyễn Trâm: Thưa anh, ngày 4-7-1998 (July Fourth, Quốc Khánh Hoa Kỳ), chúng tôi qui tụ được một số anh em Biệt Hải định cư các tiểu bang Hoa Kỳ họp mặt và tổ chức được một Lễ Giỗ đầu tiên, để tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh cho Tổ quốc, có sự hiện diện của Cố Đại Tá Ngô Thế Linh CHT/Sở, một số Cố vấn Hoa Kỳ (Soa) và Dân Biểu Liên Bang Hoa Kỳ Robert K. Dornan tham dự. Lễ Giỗ lần II năm 2000, có sự tham dự của Dân Biểu Liên Bang Hoa Kỳ, bà Loretta L. Sanchez và một số đồng hương; hai lần này được tổ chức tại nhà tôi (Nguyễn Trâm). Lễ Giỗ năm 2002, 2004, 2007 tổ chức ngoài Cộng đồng, được cơ quan truyền thanh truyền hình và báo chí yểm trợ; đặc biệt có Thị Trưởng - bà Margie Rice và các nghị viên của thành phố Westminster, Thị Trưởng thành phố Garden Grove, ông Bruce Broadwater, và nhiều đồng hương tham dự.

Viễn Đông: Biệt Hải là một lực lượng luôn luôn đối đầu với hiểm nguy, nhiều anh đã hy sinh, những người may mắn sống sót như anh cũng từng chịu quá nhiều gian khổ, nhưng cuối cùng đất nước vẫn rơi vào tay giặc thù! Có khi nào anh nghĩ sự hy sinh của anh cũng như anh em uổng phí không?
BH. Nguyễn Trâm: Thưa anh, trên hơn bốn năm, hai Lực Lượng Biệt Hải và Hải Tuần ra hoạt động ngoài vùng duyên hải miền Bắc và thi hành trên hằng trăm chuyến công tác đủ loại, đã bắt gần 500 người vừa cán bộ Cộng sản vừa những người tình nghi đưa về Nam khai thác tin tức. Có lẽ không ai hiểu được, cuộc sống người dân sống dọc vùng duyên hải và của các ngư phủ miền Bắc dưới chế độ Cộng sản bằng anh em chúng tôi, vì hằng ngày trên vùng biển duyên hải, chúng tôi thường chạy cặp tàu PTF vào các ghe thuyền để lục soát, và đã thấy nhiều ngư phủ không đủ quần áo che thân, người nào có quần áo vá chằng vá đụp đã là loại sang khi bắt lên tàu chúng tôi hỏi họ, thì họ cho biết: Theo chế độ hộ khẩu nhà nước Cộng sản, mỗi năm một người mua được bốn thước vải lúc có lúc không, có người suốt cuộc đời không biết kem và bàn chải đánh răng là gì! Vì đời sống dân chúng miền Bắc đã bị chế độ Cộng sản Bắc Việt kềm kẹp hết sức khổ sở. Rất tiếc nhân viên phải tuyệt đối bảo mật các công tác vượt tuyến không tiết lộ ra ngoài. Sau năm 1975, khi Cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm được miền Nam và đã để lộ nguyên hình sự tàn ác của chế độ, đến nỗi nhiều người than thở nếu cột đèn biết đi cũng đi vượt biên. Tất cả nhân viên Biệt Hải được tôi luyện để đối đầu với mọi hiểm nguy, dù gặp hoàn cảnh khó khăn nào, thì lập trường chống Cộng của anh em vẫn không lay chuyển và không hối hận những việc mình làm trước đây.

Viễn Đông: Hiện nay anh trông đợi điều gì, mong ước điều gì cho quê hương?
BH. Nguyễn Trâm: Thưa anh, qua 35 năm chính quyền Cộng sản đã đem áp dụng chính sách cai trị hết sức tàn ác đối với tất cả người dân Việt Nam, và tệ trạng tham nhũng ngày càng bộc phát trong giới cán bộ có chức có quyền, dùng công an hà hiếp dân nghèo để cướp đất đai của dân chúng, và của các tôn giáo, để bán cho ngoại quốc lấy tiền bỏ túi, khiến nhiều gia đình bơ vơ, nhiều tôn giáo không nơi thờ phượng. Còn đối ngoại, thì cắt đất cắt biển của Tổ quốc Việt Nam dâng cho Tàu Cộng, để đổi lấy độc quyền đảng trị. Chúng ta những người đang sống tại hải ngoại cùng với 85 triệu người dân trong nước, mong ước chế độ Công sản sớm thức tỉnh để trả lại tự do ấm no, nhân quyền và tôn giáo cho toàn dân, và quyết tâm giữ gìn bờ cõi của tiền nhân đã để lại cho con cháu chúng ta.

Viễn Đông: Xin anh cho độc giả Viễn Đông biết ngày giờ và địa điểm ra mắt sách tác phẩm Bóng Đêm & Sứ Mạng.
BH. Nguyễn Trâm: Thưa anh, Các tài liệu, hình ảnh và những bài viết trong cuốn sách Bóng Đêm & Sứ Mạng, tất cả do anh em Việt Nam và hải ngoại đóng góp, đều là người thật việc thật, nói lên sự âm thầm đóng góp xương máu của lực lượng Biệt Hải trong cuộc chiến một cách rất thầm lặng. Hy vọng cuốn sách Bóng Đêm & Sứ Mạng hoạt động chiến tranh ngoại lệ Biệt Hải, sẽ được mọi người, nhất là thế hệ mai sau, ưu ái đón nhận như một món quà lưu niệm của những người đã trực tiếp góp phần vào công cuộc giữ vững miền Nam Việt Nam, trong suốt 21 năm chinh chiến (1954 - 1975).

Buổi ra mắt sách, giới thiệu tác phẩm “Bóng Đêm & Sứ Mạng”, tổ chức tại Phòng Sinh Hoạt Nhật Báo Việt Herald số 14861 Moran St., Westminster, CA 92683 - Thời gian: từ 1 giờ trưa đến 4 giờ chiều, ngày Chủ Nhật 17-10-2010.
.
.
.

No comments: