Friday, October 15, 2010

ĐÔI ĐIỀU NHẬN XÉT VỀ ĐẠI LỄ 1000 NĂM THĂNG LONG (Minh Mẫn)

Minh Mẫn
PSN - 12.10.2010
Bài cùng chủ đề: Một ngàn năm Thăng Long

Sau một năm quảng bá, chuẩn bị, 1.000 năm Thăng Long Hà Nội cũng đã đi qua với nhiều âu lo, nhiều phấn chấn lẫn`tiếc nuối, từ đó, điểm qua những ưu khuyết làm kinh nghiệm cho những bước về sau!

Trên quảng trường, có lẽ khu vực Lăng Hồ Chí Minh là nơi rộng nhất tại trung tâm Thủ đô, nên đã chọn nơi đây làm lễ mít ting, diễu hành. Qua trang trí và màu sắc, không có gì là cầu kỳ phải quá tốn kém. Các quan chức nhà nước và Đảng ngồi hàng ngang trên Lăng. Có người thắc mắc, tại sao chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết không ngồi ngay chính giữa tấm phông có in biểu tượng cổng Văn miếu mà ngồi lệch một bên? Cũng có một giải thích: một bên kia là đại diện cho Đảng do ông Nông Đức Mạnh, Tổng bí thư đứng song song với ông Triết, nên biểu tượng Thăng Long phải nằm chính giữa hai ông! Nếu thế thì cái bục phủ màu đỏ nơi ông Triết ngồi nó làm lệch hẳn phần trống trải của ông Mạnh, thiếu cân xứng; đó là xét về mặt hình thức sắp xếp vị trí.

Phía sau lưng của các quan chức trung ương, nhìn toàn diện, vẫn là tổng thể của cái Lăng, nó không biểu tượng cho ý nghĩa của trọng tâm chào mừng 1.000 năm Thăng Long. Thay vì có một tấm phông lớn phủ che phần Lăng, mang biểu tượng của Đại lễ hoặc hình ảnh của Thánh vương Lý Thái Tổ, người khởi lập Thăng Long mà đại lễ đang chủ xướng, sẽ có ý nghĩa hơn! Lấy cái Lăng (nhà mồ) làm lễ đài thì hơi bất tiện.

Tuy không nói ra nhưng ai cũng thấy rõ: Biểu tượng của Đại lễ 1000 năm Thăng Long là cái nhà mồ này.

Cuộc diễu hành đầu tiên là các lực lượng vũ trang, bán vũ trang và các ngành chuyên môn. Các sư các cha, các soeur đi sau lưng đoàn thể phụ nữ!

Các đại biểu Kiều bào vận sắc phục đặc trưng của mỗi nước sở tại thì quốc gia chính thức tổ chức cuộc lễ không có một đoàn thể biểu trưng sắc phục quốc túy của Việt Nam xa xưa như áo dài the khăn đóng!

Điều nổi bậc của các đơn vị diễu hành, tất cả đều dương cao hình Hồ chủ tịch, tạo cho khán giả có cảm tưởng đây là lễ chào mừng sinh nhật của bác hay ngày thu hồi độc lập, đáng ra phải mang biểu tượng của một thời quá khứ hào hùng của dân tộc mà các tiền nhân có công dựng nước, giữ nước qua các triều đại! hoặc ít nữa mỗi đơn vị nên mang một biểu tượng riêng của mình, chứ đoàn nào cũng ảnh Bác, xem ra nghèo nàn quá.

Một khẩu hiệu lớn đối diện lễ đài: Chủ Tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta, nó không nói lên cốt lõi của đại lễ, thậm chí, khẩu hiệu đó xuất hiện hàng ngày khắp nơi, quá quen thuộc, đã không còn tạo được sự chú ý của mọi người!

Điều mà ai cũng đều biết, Lý triều khởi sự chấn hưng đất nước đã bắt nguồn từ công ơn to lớn của Thiền sư Vạn Hạnh, một kiến trúc sư vĩ đại của dân tộc; Ca ngợi Lý Thái Tổ mà không nhắc đến Vạn Hạnh là một thiếu sót đáng ngờ! Nếu không được Phật giáo ươm mầm thì không có những minh Vương của Lý Trần như lịch sử đã minh chứng. Những triều đại thiếu đạo đức Phật giáo, ít nhiều, người dân cũng chịu lắm tai ương! Thế mà, ngay Thủ Đô Thăng Long, không hề có tên của Vạn Hạnh hay những Quốc sư từng góp phần chấn hưng đất nước, ngược lại, nhiều tên đường mà người dân còn ngỡ ngàng, chưa hề biết đến một lý lịch trích ngang của những nhân vật đó! Dĩ nhiên, thiếu vắng tên Vạn Hạnh, Khuôn Việt… trên các con đường tại Thủ đô không phải là một sơ suất! và càng không thể vô tình khi cuộc lễ nói đến Thăng Long mà không có một biểu tượng nào của Triều Lý trong cuộc lễ. Duy nhất trong các xe hoa, chỉ có xe của Du Lịch Thể Thao mà biểu tượng chùa Một cột đã được cách điệu! ngược lại, đa phần xe hoa đều dương cao hình ảnh Hồ chí Minh!

Lý Thái Tổ là một khai quốc sư đời Lý, lại đứng sau các lực lượng vũ trang, thì làm sao nêu được cái vĩ đại của tiền nhân và nói lên cốt lõi của buổi lễ! Vì thế, khán giả có cảm tưởng là biểu dương lực lượng vũ trang hơn là làm nổi bậc công trạng chư tiền hiền liệt tổ hoặc nói lên tính minh triết suốt 214 năm của triều đại Lý.

Qua lời thuyết minh cho các đoàn diễu hành, luôn nói đến nét hào hùng chiến đấu chống ngoại xâm mà không nêu được nét văn hóa truyền thống trong sinh hoạt xã hội qua các triều đại từ thời ấy đến nay, để làm nền tảng cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời hội nhập và hòa bình! Nếu phải biểu dương thời đại HCM giải phóng dân tộc, chống ngoại xâm thì cũng phải nói đến các triều đại từng chống Nguyên Mông, đem lại độc lập tự cường, xây dựng xã hội đạo đức hạnh phúc cho toàn dân suốt bốn thế kỷ trong quá khứ, thoát ách đô hộ ngàn năm giặc Tàu! Suốt 1.000 năm từ Lý Thái Tổ đến nay, chỉ có thời đại HCM thôi sao? Ngoài lịch sử hào hùng chống ngoại xâm, nét văn hóa truyền thống Đại Việt là gì, sao không được đề cập? chẳng lẽ Việt tộc chỉ biết chiến đấu, chiến đấu và chiến đấu???

Trong đoàn diễu hành, các đơn vị cầm cờ đỏ sao vàng thì đoàn Phật giáo, nếu các sư cầm cờ năm màu của Đạo Phật, có lẽ hay hơn, nói lên tính đa dạng của xã hội và truyền thống tâm linh của Phật giáo. Rất tiếc, điều nầy không xẩy ra!

Hình như thiếu vắng danh sách tham dự đại lễ một số những nhà làm văn hóa đương đại có tầm vóc trong xã hội Việt Nam hiện nay!

Tuy ngày 10/10 là ngày cuối của hơn tuần lễ chào mừng 1.000 năm Thăng Long, nhưng là ngày chính thức. Trước đó đã có những sinh hoạt văn hóa cộng đồng như triển lãm các tác phẩm văn học nghệ thuật, triển lãm tranh ảnh, chương trình hòa nhạc Hội nhập quốc tế, trưng bày hiện vật lịch sử 1.000 năm Thăng Long Hà nội, biểu diễn các điệu múa cổ Thăng Long Hà nội, khai mạc triển lãm nghề gốm Bát Tràng, biểu diễn võ thuật cổ truyền, biểu diễn âm nhạc và vô số tiết mục khác ở các quận huyện thị xã. Các hoạt động mang tính bề mặt lịch sử như thế đồng nghĩa với lễ hội cộng đồng mà chưa nói lên được bề dày và chiều dài lịch sử kể từ 1010 đến nay. Có nghĩa đã có một giai đoạn tiếp nối từ thời đại nhà Lý đến triều đại Hồ chí Minh bị trống vắng! vì thế chưa thể hiện được tính liên tục và kế thừa suốt ngàn năm qua. Buổi diễu hành tuy có rầm rộ, nhưng mang tính của một lễ Quốc Khánh hơn là thể hiện chiều sâu của ngàn năm Thăng Long, vì thế ý nghĩa của hào quang Thăng Long xa xưa bị chìm khuất trước các lực lượng vũ trang thời đại. Do vậy không còn ý nghĩa 1.000 năm Thăng Long Hà nội như từng quảng bá!

Điều nầy do Ban Tổ chức thiếu kết hợp với các nhà sử học, văn hóa (biết đâu đấy là chủ trương của BTC. BTV) hoặc giả các nhà văn hóa, lịch sử chưa nắm hết các yếu tố đặc thù của các triều đại Lý Trần chảy dài suốt ngàn năm qua để làm nên sử thi Đại Việt hôm nay! Trong những yếu tố từng làm rạng danh Việt sử, không thể thiếu bóng dáng Phật giáo và các Quốc sư, danh Tăng đương thời; Loại bỏ yếu tố liên kết và dung môi ấy là cắt rời lịch sử, người dân sẽ mất căn bản tính liên lũy của lịch sử dân tộc, tinh thần yêu nước và tự hào đã thiếu vững chắc.

Đoàn Kiều bào từ xa về thăm quê, được đưa đi tham quang nét đẹp của Vịnh Hạ Long, viếng nét hùng tráng của Bái Đính, thăm di tích Đền Đô, được hướng dẫn viên giải thích về lịch sử nhưng bỏ trống phần cơ bản tâm linh tạo nên một Thánh vương Lý Thái Tổ và nền tảng Phật giáo mà chùa Tiêu đã un đúc cho Lý Công Uẩn. Nghĩa là du khách chỉ nắm bắt phần vật chất mà không hiếu chiều sâu tâm linh. Chính tâm linh mới làm nên lịch sử! Cũng thế, du khách được tham quan thành cổ Thăng Long, một vài mẫu vật là chứng tích văn hóa quá khứ, du khách không hiều tại sao văn hóa Lý khác với Trần và hiện nay qua các vật dụng, phải chăng yếu tố tinh thân quyết định vật chất? Chưa nói đến một thiếu sót cơ bản là chùa Một cột biểu tượng văn hóa thời Lý, một biểu tượng đặc thù mà thế giới ngày nay khi nhìn chùa Một cột là biết Việt Nam! 1.000 năm Thăng Long mà du khach không được đến thăm biểu tượng đó!

Tóm lại, những gia trị tinh thần và các danh tăng có công hưng thịnh dân tộc đều không được đề cập trong đại lễ cũng như trên các ngã đường Thủ Đô Thăng Long Hà nội!

Trình bày chiều dài lịch sử đã như thế thì bề dày chắc hẳn quá ư mỏng manh, làm sao quốc tế hình dung được truyền thống kiên cường, yêu nước, đạo đức và văn hóa một thời của cha ông chúng ta xưa và nay? Chả lẽ thế giới chỉ biết Việt Nam từ thời điểm Điện Biên phủ đến 1975? Do căn bản đạo đức của cha ông bị phai mờ trong xã hội mà tình trạng bạo hành và bạo lực đang trên đà phát triển trong một dân tộc vốn hiếu hòa, hiện nay!

Không tổ chức nào hoàn mỹ tuyệt đối, không sơ suất nào giống sơ suất nào; Tất cả đều có sự cảm thông. Nhưng qua cuộc lễ để nhà nước Việt Nam rút thêm kinh nghiệm, cần gắn bó với đại bộ phận cư dân lao động sở tại để họ góp phần quan tâm và hiểu biết ý nghĩa của lễ hội; cần khôi phục văn hóa cha ông để bảo vệ dân tộc trước trào lưu tha hóa và bạo lực; nâng cao văn hóa quan hệ, giao tiếp, ẩm thực trên tầm mức tao nhã, đây là trách nhiệm của bộ phận văn hóa, giáo dục, lịch sử; để dân tộc ta duy trì nét đặc thù có độ tuổi Văn Hiến hàng ngàn năm qua!

Và, một góp ý nhỏ của bộ phận lớn quần chúng Phật giáo, xin xây dựng tượng đài Quốc sư Vạn Hạnh, đặt tên đường Vạn Hạnh và những Quốc sư có công với đất nước trong Thủ Đô, ngang tầm với những nhà cách mạng đương thời; vì Phật giáo không thể cắt rời với lịch sử phát triển của dân tộc. Những thể chế Miền Nam trước 1975 cũng từng có những con đường mang tên các Quốc sư.

Cơ sở Già Lam tự viện của Phật giáo phát triển không mang ý nghĩa giáo dục quần chúng và phát triển tâm linh nếu đạo đức học Phật giáo không góp phần truyền nhập vào cuộc sống xã hội. Một tượng đài Bồ Tát thích Quảng Đức được tái dựng tại TP HCM, một vị Bồ Tát dùng thân mình làm đuốc cảnh tỉnh một chế độ còn được sùng phụng như thế, hà cớ những Quốc sư làm rạng danh dân tộc, khôi phục và bảo vệ chủ quyền đất nước suốt hàng trăm năm lại bị chôn vùi trong sử sách?

Một Ước vọng khả thi không thể ngoài tầm tay của một chế độ!!!

MINH MẪN
11/10/2010
Phù Sa biên tập
.
.
.

No comments: