Friday, October 15, 2010

NHÀ CHỨC TRÁCH À! CỞI HẾT RA!

tuanddk
Đăng ngày: 07:50 15-10-2010

Phương Vũ Mạnh “bôi gái”. Diệu Hà cởi truồng ném lót mông. Đào Anh Khánh hú hét, treo đốt. Lê Anh Hoài cởi quần đọc sách kinh điển. Và…Nghệ thuật trình diễn của chúng ra ngày càng kỳ quặc hơn. Công chúng ngày càng phải há to miệng hơn mỗi khi thưởng thức. Và các nhà báo thì càng khoan khoái hơn cho những bài viết kiểu "Nghệ thuật trình diễn kiểu cởi và mở". Thậm chí còn nặng lời rằng: “Nếu phòng triển lãm là WC và tha hồ phóng uế rồi bắt người xem phải ngửi thì phải cảm nhận gì đây”? Lê Anh Hoài đã từng cáu khi hồi năm 2008, cây "cột điện" của anh từng bị bác Nguyễn Hòa vác búa táng cho tơi tả trên báo Công an. Ai bảo "toàn tập". Cái gì mà văn cũng có, báo cũng hay, lại cũng vẽ, cũng làm thơ. Cũng còn may là anh chưa sáng tác... kịch. Giờ thì anh chắc vẫn cáu nhưng ném đá chỉ còn là chuyện nhỏ thôi, anh nhất định sẽ chỉ chửi thầm: Thế thì đã làm sao nào? Kệ bố chứ. Hà hà.

Với tư cách cá nhân, Tại hạ rất khoái những tác phẩm trình diễn của Lê Anh Hoài. Năm 2008, họ Lê biến mình thành "cột điện" trong một buổi biểu diễn trên hè phố Lê Văn Lương. Cái "cột điện Lê Anh Hoài" đó được sơn, vẽ, viết, dán đủ thứ, từ "rơi giấy tờ", "khoan cắt bê tông" (Chỉ thiếu "trĩ nội trĩ ngoại, xuất tinh sớm”- chắc vì sợ Hội đồng- Hội đồng gì thì tí nói sau). Và điểm nhấn của cây cột điện là thời điểm người ta (ở đây  là một đứa trẻ) vạch chim tè luôn vào "cột điện". Chí ít màn trình diễn của Lê Anh Hoài đã khiến khối người giật mình mỗi độ định... móc chim ra tè. Thì đấy, hãy thử nhìn Thành phố "1000 năm văn hiến và anh hùng" của chúng ra xem, nó nhem nhuốc, tục tĩu và ít văn hóa biết chừng nào. Và đấy, trước Đại lễ vừa rồi người ta đã có hẳn 2 chiến dịch tẩy sạch những cái cột. Một cuốn sách chính trị lý luận cao siêu chắc gì đã tạo ra hiệu ứng ý thức, ít nhất trong tâm thức những người dân thủ đô- như cái cột điện Lê Anh Hoài. Tại hạ còn nhớ 15-27 năm trước khi lần đầu tiên đến nhà anh, cô bạn của Tại hạ đã há mồm khi nhìn thấy lần đầu trong đời một cái ấm trà lên mốc xanh mốc đỏ trong một căn phòng choe choét thơ tường, lỏng chỏng chai lọ, tứ tung các mảng màu và quần sịp rải từ trong nhà ra ngoài ngõ. Đấy, cái sự bẩn của Lê Anh Hoài dường như cũng đã mang màu sắc nghệ thuật thì việc gì anh còn cầu sự nổi tiếng bằng cách..cởi quần!

Bây giờ thì Lê Anh Hoài cởi quần, sau khi viết "Không lạc loài"- một cuốn sách về đời sống đồng tính nam. Xem nào, toàn những cái rất dễ gây bệnh lở mồm. Chả trách báo chí dư luận hoặc mỉa mai hoặc vác búa đập anh không thương tiếc. Nhưng có gì đâu. Với riêng Tại hạ thì thông điệp rất giản dị: Hãy cứ đọc đi, ở đâu cũng được, miễn là đừng ở trên giường nhà thằng hàng xóm. Và cái cách thể hiện thông điệp thậm chí còn quá là độc đáo đi chứ. Có lẽ là bàn dân thiên hạ sẽ nhớ về Lê Anh Hoài nhiều hơn, nhất là khi cầm một cuốn sách đi vào toilet.

Tại hạ quan tâm nhiều hơn đến câu chuyện Hội đồng. Xem nào, tác phẩm WC.doc của anh, thôi, cứ gọi là cởi quần đọc sách kinh điển đi, trước khi được trình diễn đã phải thông qua hội đồng nghệ thuật. Khi trả lời phỏng vấn trên Bee, anh nói đoạn này thật thà, kiểu thành thật của những Hà Anh, Bebe Phạm trần tình việc lộ chíp, hở ti: "Lúc 4h chiều mùng 5-10 thì 4 vị trong hội đồng nghệ thuật xuống triển lãm RESTART. .. Các ông bà ấy rất chăm chú lắng nghe và hỏi “thứ nhất, em có lộ cái gì ra không?” Tôi cam đoan là không lộ cái gì cả. Nhưng tôi có tụt quần ra đến quá đầu gối và ngồi thì có nghĩa là cái phần đùi chắc chắn người ta sẽ nhìn thấy. Các vị ấy cười và bảo, “Ok, không sao, đừng có “lộ hàng”, khiêu dâm là được. Cái thứ hai Hội đồng nghệ thuật yêu cầu là không ngồi đọc những quyển sách liên quan đến chính trị. Tôi hoàn toàn nhất trí. Hôm đó lúc đầu tôi có lấy quyển Kinh Dịch ra đọc, sau tôi lấy một tờ báo ra đọc...

Hà hà. Thế hóa ra, Hội đồng chỉ quan tâm đến những cuốn sách chính trị, đến chuyện "lộ hàng". Thông điệp gì không quan trọng. Không chính trị, không lộ hàng là được. Chỉ có một điều Tại hạ chưa hiểu thế nào là sách chính trị. Và "hàng", thì là hàng gì? Và lộ, đến thế nào là được, thế nào là không? Không lẽ cả chính trị và lộ hàng cứ chỉ áp dụng theo một tiêu chí, đại loại: "Cạp váy phải dài hơn điểm giữa hai chân"? Và "Cổ áo không được kéo đến cạp quần"?

Hà hà. Thế là dù vẫn khẳng định mình đang làm nghệ thuật, người nghệ sĩ họ Lê cuối cùng cũng chấp nhận chuyện "thông qua Hội đồng" như một sự hiển nhiên, y như giới chân dài mặc cả độ dài ngắn. Cái này gọi là giới hạn của nghệ thuật, và hoàn toàn không thuần túy là vấn đề thẩm mỹ hay lộ hàng. Chuyện này xưa nay vốn không hiếm. Nào là vụ Quán Dương Cầm ở Lâm Đồng, vụ Trăng Nghẹn ở Cần Thơ... Rồi "Bỗng chiếc váy trên mình tu nữ , bay thốc", của "Nữ tu" Vi Thùy Linh phải đổi thành  “Bỗng tiếng hát ru tròn thiếu nữ đâu đó" trong ca từ của Ngọc Đại (Riêng chuyện này, Tại hạ cảm thấy may mắn vì Colleen McCulough không ở Việt Nam, bởi với mấy cái Hội đồng duyệt váy này, có lẽ thế giới đã không còn được đọc Tiếng chim hót trong bụi mận gai vì chuyện báng bổ chúa và bôi nhọ cha xứ)...Hồi năm 2009, đã có một vụ nổi tiếng liên quan đến cái giới hạn này. Đó là vụ bức tranh khỏa thân "Dậy thì" vẽ một thiếu nữ khỏa thân... trăm phần trăm, đứng thẳng nhìn đối diện vào khán giả với đôi mắt rất nhiều nỗi niềm (Có người đã liệt kê hàng loạt các biểu cảm: Bàng hoàng, nghi hoặc, sợ hãi, liều lĩnh, phân vân, lì lợm...). Bức tranh chả có gì vi phạm thuần phong mỹ tục, cũng chả kích dục, đồi trụy. Nhưng bỗng nhiên, trong quá trình duyệt tranh, một vị trong Hội đồng bỗng dưng thắc mắc: "Không hiểu sao cái đồng chí tác giả này lại vẽ cô gái “cởi truồng đứng trước ngã tư” nhỉ? Nhà nước vừa ban hành một nghị định mới về giao thông. Hay là bức tranh này có ngầm ý chỉ trích phản đối gì chăng?". Cả Hội đồng bắt đầu tái mặt. Bức tranh ngay sau đó bị hạ xuống. Ôi chao, so tranh khỏa thân với khiêu dâm, đồi trụy đã là một sự cưỡng từ đoạt lý . Lại còn chuyện quy cái đèn giao thông ra ý thức chính trị thì đây rõ là hành vi hiếp dâm nghệ thuật không sai.

Nhưng chẳng lẽ Nghệ thuật bây giờ cũng đang đựợc đối xử y hệt như chuyện duyệt váy chân dài ư?!
Có một hình ảnh. Đó là câu chuyện "Dùi cui và bút lông" hôm 25 tết Kỷ Sửu, khi Tiến sĩ Cung Khắc Lược, người được coi là một trong “tứ trụ Thư pháp Việt Nam” chắp tay xin nhà chức trách tha cho những bức thư họa bị tịch thu. Một cụ đồ nhất quyết không chấp nhận ngồi lều bạt có cô mặc váy đứng bên cạnh thu tiền để được dựa lưng vào Văn Miếu, bò ra phố và lăn trên vỉa hè. Nhưng ngẫm đi ngẫm lại thì thấy cái đẳng cấp của giới hạn mà "Hội đồng" đặt ra nó còn cao thâm khó... vượt hơn là cây dùi cui trong tay con sâu mặc sắc phục. Bởi khi mà người ta tự nguyện đi giữa đôi lề, thì nói như GS đoạt giải "Nobel toán học" Ngô Bảo Châu, người ta sẽ thành những con cừu bị lùa đi bằng những cây gậy vô hình.

Có lần Đào Anh Khánh đã cao hứng đòi đốt máy bay trong đêm "Thăng" của anh. Nhưng Tại hạ nghĩ Khánh có thể treo mình lên cây, sơn toàn thân trắng toát, hú lên như vượn và đốt 50-60 ngàn USD cho nghệ thuật, nhưng anh không điên tí nào. Cái máy bay mà Khánh đã đốt sau đó là một thứ quái thai "Đuôi Mig 21 Liên Xô, đầu F4 Mỹ". Điên gì mà đốt một chiếc mô hình y xì Mig 21 để rồi gặp rắc rối!

Có người đã hỏi Lê Anh Hoài: Anh không sợ công an gây rắc rối à? Sao lại rắc rối khi cây cột điện của anh, đứng trên vỉa hè, chứ không phải giữa ngã tư Cầu Giấy. Sao lại bị thổi còi khi cái nhà WC của anh nằm ở triển lãm chứ không nằm giữa ngã tư Tràng Tiền. Tại hạ không nhớ chính xác Lê Anh Hoài đã trả lời câu hỏi đó nguyên văn thế nào. Đại ý chỉ với một vẻ rất thành thật là không, tôi có làm gì đâu. Lê Anh Hoài vờ vĩnh đấy, anh đâu có sợ công an. Đêm đêm, khi rời nhiệm sở Hồ Xuân Hương, anh vẫn về nhà và chả phải là đã ra lệnh cho "nhà chức trách": Cởi hết ra.

HÌNH :
.
.
.

No comments: