Friday, October 15, 2010

AO LÀNG và NOBEL VĂN HỌC

Nguyễn Vĩnh Nguyên
Ngày 13.10.2010, 16:22 (GMT+7)

SGTT.VN - Ông (bà) ấy là ai? Ông (bà) ấy đã đến Việt Nam hay chưa? Có cuốn nào của ông (bà) ấy đã được dịch sang tiếng Việt? Người trong giới viết lách và độc giả quan tâm thời sự văn chương ở Việt Nam vẫn thường hỏi nhau như vậy mỗi lần viện hàn lâm Thuỵ Điển công bố một tên tuổi đoạt giải Nobel Văn học.

Nếu tác giả Nobel Văn học năm đó từng được dịch ra tiếng Việt, chúng ta sẽ hoan hỉ nói với nhau rằng, tác phẩm, tiểu sử của ông ta từng “được phát hiện” ở Việt Nam. Và dĩ nhiên, chúng ta sẽ dành cho dịch giả, con người vốn âm thầm đứng sau mỗi tác phẩm kia một sự kính trọng đặc biệt – kính trọng vì ông ta, hẳn không phải là rủi may, đã phát hiện ra những tác phẩm giá trị và đưa đến với xứ sở “hẻo lánh” này ngay từ khi nó còn chưa được thiên hạ đóng chuẩn vàng ròng (cứ mặc định rằng, Nobel là một giải thưởng có giá trị đóng chuẩn sự nghiệp văn chương cho những tên tuổi lớn).

Và phía sau sự kính trọng dành cho dịch giả, chúng ta sẽ tiếp tục đặt ra câu hỏi, như vậy thì khi dịch sang tiếng Việt, nó được đón nhận như thế nào? Có gì đặc biệt so với các cuốn sách làng nhàng khác?
Đã có những tác giả Nobel văn học xuất hiện tại Việt Nam từ rất sớm. Le Clézio (Nobel 2008) là một ví dụ. Từ 11 năm trước khi Clézio nhận Nobel Văn học, dịch giả Huỳnh Phan Anh đã dịch sang tiếng Việt tiểu thuyết Désert (Sa mạc, NXB Hội Nhà Văn, 1997). Sa mạc là cuốn sách quan trọng bậc nhất trong sự nghiệp của nhà văn này, nhưng khi ra mắt tại Việt Nam, tầm vóc của nó chỉ được ghi nhận bằng… truyền miệng qua những nhóm đọc sách tinh ý. J.M Coetzee, nhà văn Nam Phi đoạt Nobel Văn học 2003 nhưng trước đó một năm, cuốn tiểu thuyết Disgrace, bản dịch tiếng Việt là Ruồng bỏ (Thanh Vân dịch, NXB Phụ Nữ, 2002) đã được giới thiệu tại Việt Nam và không tạo ra nhiều dư luận như sau khi tác giả của nó được xướng danh tại giải Nobel. Năm nay, nhà văn Peru Mario Vargas Llosa được gọi tên ở Nobel Văn học 2010 cũng vậy. Những người đọc sách Việt Nam có thể hân hoan vì từ năm 1986, tác phẩm quan trọng của ông này là La tía Julia y el escribidor (Dì Hulia và nhà văn quèn – Vũ Việt dịch, NXB Tác Phẩm Mới) đã được xuất bản tại Việt Nam. Nhưng, cũng phải nói với nhau rằng, tại Việt Nam, số phận của tác phẩm Mario Vargas Llosa có vẻ hẩm hiu hơn so với các tiểu thuyết của Gabriel Garcia Márquez. Cùng là tầm vóc đại thụ của văn chương Mỹ Latinh, nhưng Márquez may mắn hơn, được Nobel gọi tên từ 1982 và, trời sinh cho Márquez một ông Nguyễn Trung Đức – dịch giả tiếng Việt giỏi, dấn thân!

Như vậy, hiểu biết về các tác giả lớn với người đọc văn chương thế giới bằng tiếng Việt chủ yếu trông chờ vào khả năng thẩm định giới thiệu của những dịch giả thính nhạy và giới phê bình, truyền thông tinh ý. Song, điều này cũng “hên xui”. Vì có khi quan điểm dịch thuật của tác giả lại không ăn khớp với quan điểm kiểm duyệt của hệ thống xuất bản, để hoang phí nhiều bản dịch tốt của những tác phẩm, tác giả tầm vóc trên thế giới mà lẽ ra độc giả đã được biết đến.

Ngoài ra, với những tác phẩm giá trị được giới thiệu sớm tại Việt Nam, thì tình trạng thụ động, bệnh thiếu thông tin và chứng “ăn theo” thông tin có sẵn bên ngoài của giới truyền thông, phê bình cũng góp phần làm cho nhiều tác phẩm giá trị khi đến Việt Nam chịu số phận hẩm hiu. Và dù rất ngưỡng mộ các dịch giả, vẫn phải nói rằng, việc chọn lọc và dịch thuật trước đây vẫn diễn ra theo kiểu ngắn hạn, thiếu sự dấn thân khám phá có tính hệ thống để giúp người đọc dễ dàng nhận diện chân dung của từng tác giả, sự nghiệp văn chương một cách rõ ràng. Điều này cũng dễ hiểu, vì nhiều dịch giả hiện nay thiếu vắng khả năng phê bình tác phẩm và có độ xác tín cao vào chính tác phẩm mà mình chọn lựa dịch thuật.

Gần đây, một số dịch giả trẻ đã nhận ra điều này, việc lập dự án, chọn lựa và dịch thuật trọn bộ tác phẩm của từng tác giả lớn đang được tiến hành. Việc mua tác quyền trọn bộ và sớm cung cấp cho độc giả những tác phẩm quan trọng đang là “sự kiện” văn chương thế giới đã được một số nhà xuất bản, công ty sách tư nhân trong nước tiến hành. Và nhờ thế, Orhan Pamuk, Le Clézio, Salman Rushdie, Haruki Murakami, Paul Auster… và sắp tới là Umberto Eco, Phillip Roth hay Mario Vargas Llosa… sẽ đến với độc giả tiếng Việt một cách hệ thống cùng với những thông tin hiểu biết “bền vững” hơn.

Và chúng ta lại sẽ đặt câu hỏi: Tác phẩm của ông (bà) ấy đã đến Việt Nam chưa? Chưa. Cho đến nay, mỗi kỳ thế giới rộn ràng với giải Nobel Văn học, câu hỏi quen thuộc này vẫn lởn vởn trong giới quan tâm tại Việt Nam ở một nền văn học còn “hẻo lánh”, mức độ hội nhập chưa cao, rào cản văn hoá, ngôn ngữ và cơ chế xuất bản còn quá lớn.

Rất nhiều tác giả quan trọng đối với thế giới hãy còn xa lạ với Việt Nam. Rất nhiều tác phẩm hàng đầu thế giới đang “đầu hàng” trên con đường nhọc nhằn đến với vài ngàn độc giả tiếng Việt. Đó là nguyên nhân chính sinh ra một chứng bệnh nguy hiểm: “Giải thưởng thế giới, Nobel văn chương đâu phải là cái đinh gì ghê gớm lắm. Nền văn học của ta mới rực rỡ hoành tráng biết bao!”
.
.
.

No comments: