Thursday, October 14, 2010

MỸ - VIỆT XÂY DỰNG MỐI QUAN HỆ NHẮM VÀO TRUNG QUỐC

Đăng bởi anhbasam on 14/10/2010

SETH MYDANS
12-10-2010

Hà Nội, Việt Nam – Chuyến thăm Việt Nam tuần này của ông Robert M. Gates, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, chỉ là bước đi mới nhất trong mối quan hệ song phương đang ở thời kỳ ấm áp nhất kể từ khi quan hệ ngoại giao hai bên được thiết lập 15 năm trước đây.
Một chuỗi đều đặn những hành động thận trọng đã bào mòn lòng thù hằn thời Chiến tranh Việt Nam, xây dựng một cơ sở cho lòng tin tưởng và sự quan tâm ngày càng gia tăng của hai quốc gia, trong phần lớn các vấn đề từ quá khứ tới hiện tại.
Đây là chuyến viếng thăm cấp chính phủ thứ hai của người Mỹ tới Việt Nam trong vòng bốn tháng; Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton đến Việt Nam hồi tháng 7. Các trao đổi ở cấp này trở nên gần như phổ biến, nếu không phải là thường ngày.

Ông Gates đến đây cho một cuộc gặp các bộ trưởng quốc phòng từ 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và những nước đối tác.
“Tôi muốn nói rằng, mối quan hệ ấy ở điểm cao nhất trong 15 năm qua”, ông Hung M. Nguyen, giám đốc Học viện Indochina tại trường Đại học George Mason ở Fairfax, Virginia cho biết. “Chúng tôi cơ bản đã loại bỏ các rào cản chủ yếu của sự nghi ngờ trong mối quan hệ quân sự – quân sự, và tôi cho rằng, những điều ấy sẽ tiếp diễn khá nhanh”, ông nói.

Mối quan tâm chính mà hai quốc gia chia sẻ nhấn mạnh tới những thay đổi trong liên minh suốt 35 năm qua kể từ khi chiến tranh chấm dứt: Đó là Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở biển Hoa Nam (Biển Đông).
Đây là một vấn đề bắt nguồn từ một số nghịch lý lịch sử. Trong khi vào thời chiến tranh Mỹ tìm kiếm việc ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc cộng sản vào Việt Nam, thì giờ đây họ lại đứng cùng hàng ngũ với Việt Nam trong mối quan ngại về một sự leo thang trong việc tuyên bố chủ quyền hàng hải của Trung Quốc.
Trung Quốc là một đồng minh của Bắc Việt trong thời kỳ chiến tranh chống lại Nam Việt Nam và Mỹ những năm 1960 và 70’ và giờ đây là một đối tác của nước Việt Nam thống nhất trong một mối quan hệ không dễ dàng giữa các nước cộng sản có kích cỡ rất khác nhau.
“Việt Nam lo lắng về Trung Quốc ở Biển Hoa Nam (Biển Đông), và Mỹ lo lắng về sự can thiệp vào tự do hàng hải”, Tiến sĩ Hung nói. “Bởi điều này, mà Việt Nam và Mỹ  cùng có chung những lợi ích chiến lược”.

Hôm thứ Ba, Việt Nam tuyên bố Trung Quốc đã thả một tàu cá Việt Nam cùng các thuỷ thủ mà họ bắt giữ ở gần quần Paracel (Hoàng Sa) đang tranh chấp một tháng trước đây, chấm dứt cơn giận dữ mới nhất giữa hai quốc gia. Trước đó, Trung Quốc tuyên bố các thuỷ thủ phải nộp phạt, và Việt Nam khẳng định thuỷ thủ đoàn bị ngược đãi.
Nhưng theo thống kê của Việt Nam, 63 tàu cá với 725 thuỷ thủ đã bị bắt giữ kể từ năm 2005 tại các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Trong tháng 3, Trung Quốc đã gia tăng mức độ tuyên bố lãnh thổ của họ, coi Biển Hoa Nam (Biển Đông) là “lợi ích cốt lõi”, lối diễn đạt nhằm xếp vùng biển này có tầm quan trọng ngang với Đài Loan, Tây Tạng, vốn là những quyền lợi lãnh thổ gây bất đồng chính trị lớn nhất.
Tại chuyến thăm Hà Nội hồi tháng 7, trong một phản ứng của mình, bà Clinton đã khẳng định quan điểm cứng rắn của Washington bằng tuyên bố Mỹ có một “lợi ích quốc gia” trong tự do hàng hải ở khu vực này.
Trong sự cân bằng quan hệ giữa hai nước lớn, Việt Nam đã nỗ lực thuyết phục Trung Quốc, người khổng lồ ngay ở ngưỡng cửa của họ rằng, họ không có đồng minh, căn cứ quân sự hay liên minh quân sự nào nhằm đe doạ Trung Quốc.
Trong khi năm nay Việt Nam kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, họ cũng kỷ niệm một mối quan hệ ngoại giao lâu hơn, tới 60 năm, với Trung Quốc.
Sự hâm nóng quan hệ của Hà Nội với Washington cũng bị chậm lại do những hoài nghi về động cơ và cam kết của Mỹ đối với một chính sách về Việt Nam, giới phân tích nhận định.
Họ cho là quan hệ của Washington với Việt Nam luôn là một phần trong các lợi ích quốc tế lớn hơn và có thể bị thay đổi khi những lợi ích ấy thay đổi.

Lại một lần nữa, cũng như trong thời chiến, quan điểm của Mỹ đối với Việt Nam là một phần trong một chính sách về Trung Quốc rộng lớn hơn.
Với sự thận trọng, Việt Nam khẳng định rằng, các chính sách của họ đối với hai quốc gia là hoàn toàn độc lập với mỗi bên.
“Bạn không nên nhìn mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ thông qua lăng kính của Trung Quốc”, theo ông Nguyễn Nam Dương, nhà nghiên cứu của Học viện Ngoại giao Việt Nam, một nhánh của Bộ ngoại giao.
“Việt Nam sẽ có quan hệ độc lập với cả Mỹ và Trung Quốc, và chúng tôi muốn tách riêng các mối quan hệ với nhau “, ông nói trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Ba.

Giữ khoảng cách tương đối từ quan hệ của họ với Trung Quốc, hai cựu thù thời chiến ngày càng xích lại gần nhau hơn. Các quan hệ thương mai được bình thường hoá năm 2006. Những chuyến ghé thăm cảng của các tàu hải quân Mỹ trở nên thường xuyên hơn kể từ lần đầu tiên năm 2003.
“Một tốc độ rất thận trọng được duy trì ở đây”, ông Carlyle Thayer, một chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Australia thuộc Đại học New South Wales ở Sydney nói. “Không bên nào muốn bị bên khác lợi dụng, nhưng cả hai đều muốn thúc đẩy mối quan hệ”, ông nhấn mạnh.

Tháng trước, bà Clinton đã đưa ra một cách diễn đạt hoa mỹ khi nói rằng. “Tiến triển giữa Việt Nam và Mỹ rất ngoạn mục”.
Quan chức Việt Nam ít thể hiện hơn, nhưng dường như họ cũng đồng ý với điều đó.
“Việt Nam và Mỹ đang có được một giai đoạn vượt trội trong quan hệ song phương”, theo Thông tấn xã Việt Nam tháng trước dẫn lời Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Lê Công Phụng.

Tuy nhiên, mối quan hệ ấm dần bị chậm lại vì những quan ngại của Mỹ xung quanh những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam và vì sự hoài nghi của Hà Nội trong việc Washington sử dụng vấn đề này để ngầm phá hoại chính quyền cộng sản.
Người Việt Nam thường sử dụng cụm từ “diễn biến hoà bình” và “cách mạng màu” để thể hiện quan điểm của họ rằng, sự sụp đổ của Liên Xô và những chính quyền cộng sản châu Âu khác ít nhất một phần là do sự ủng hộ dân chủ và nhân quyền từ bên ngoài mang lại.
Cuộc ganh đua về những mối quan ngại liên quan tới nhân quyền tự nó giống như một vòng tròn luẩn quẩn. Nỗi sợ hãi của Việt Nam về động cơ của Mỹ dẫn tới việc bắt giữ những người bất đồng ý kiến bị coi là cấu kết với phương Tây. Và những vụ bắt bớ ấy lại càng khiến Mỹ lo ngại về chuyện vi phạm nhân quyền.
Mối liên kết của hai nước về vấn đề Biển Hoa Nam (Biển Đông) minh hoạ cho sự nổi lên của một mối quan hệ hướng tới tương lai nhiều hơn, Kim Ninh, đại diện quốc gia tại Việt Nam cho Quỹ châu Á có trụ sở ở San Francisco cho biết.

Đối với Mỹ, vấn đề chính từ quá khứ vẫn tiếp tục bằng việc thống kê đầy đủ những quân nhân mất tích trong chiến tranh, cho dù mối quan tâm ấy không còn mang sức nặng như từng có trước đây.
Với Việt Nam, vấn đề chính còn lại thời hậu chiến là yêu cầu Mỹ hỗ trợ lớn hơn để giải quyết hậu quả chất độc Da cam, loại hoá chất làm rụng lá cây được rải ở nhiều nơi trên đất nước này, khiến tình trạng dị tật bẩm sinh lan rộng.
Ông Dương thuộc Bộ Ngoại giao cho biết, những vấn đề hậu chiến ấy vẫn “rất có liên quan”. “Trong lĩnh vực quan hệ quốc phòng, chúng ta cần giải quyết những vấn đề quá khứ để xây dựng lòng tin hướng tới tương lai”, ông nói.
Nhưng ông cho rằng, quan hệ song phương “chưa bao giờ tốt hơn thế” và rằng “quan hệ ấy chỉ có thể đi lên, không thể đi xuống”.

Người dịch: Nguyễn Hùng
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2010
.
.
.

No comments: