Tuesday, October 5, 2010

MỸ - CHÂU Á ĐOÀN KẾT TRƯỚC SỰ KHIÊU KHÍCH CỦA TRUNG QUỐC

Rick Wallace Sainsbury Michael
05/10/2010

The Australian, AFP
02/10/2010

Thống đốc Okinawa Hirokazu Nakaima công bố tuần này ông đã lên kế hoạch đến thăm quần đảo Senkaku (phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) - nơi gần đây đã trở thành chủ đề cho những lời buộc tội quyết liệt giữa Tokyo và Bắc Kinh.
Chuyến đi đầy khiêu khích lần này được xem là hành động chính trị mang tính dân túy nhất của ông - người đang đối mặt với cuộc bầu cử lại ở địa phương. Vấn đề là, chuyến thăm có thể châm thêm lửa cho cuộc xung đột gay gắt giữa Trung Quốc và Nhật Bản vốn đã làm tình trạng căng thẳng phủ khắp Đông Á trong suốt hai tuần qua.
Tranh chấp từ lâu về chủ quyền các hòn đảo nằm cách Okinawa 400km về phía Tây đã có dịp bùng lên vào ngày 08/9/2010 khi Nhật Bản bắt giữ một thuyền trưởng người Trung Quốc đánh cá trái phép trong vùng biển gần đó.

Trung Quốc - quốc gia cũng tuyên bố chủ quyền các đảo - đã phản đối vụ bắt giữ, siết chặt áp lực với Nhật Bản bằng những đe dọa sẽ dùng "biện pháp mạnh” từ Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Cuối cùng, do e sợ (?), viên thuyền trưởng đã được chính phủ Nhật Bản trả tự do.
Nhưng trong khi Trung Quốc còn ăn mừng thành công của màn trình diễn thị uy sức mạnh, thì một “cái tát” đã giáng vào Bắc Kinh từ Hoa Kỳ và các đồng minh - một hình ảnh tuyên chiến rõ ràng.
Kosuke Takahashi, phóng viên Tuần báo Jane's Defence đồng thời là chuyên gia về các vấn đề an ninh Trung-Nhật, nói phản ứng của Trung Quốc là quá mức cần thiết và sự đầu hàng của Nhật Bản có vẻ yếu đuối. Nhưng ông cho rằng kết quả thu được về phía Nhật thì lớn hơn. Trong khi Trung Quốc chỉ thắng trận chiến ở tầm địa phương, thì Nhật Bản đã chiếm được nhiều ưu thế trong các tranh chấp ở tầm quốc tế bởi Nhật đã tranh thủ được một sự đồng thuận mới chống lại Trung Quốc ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
"Nếu xem các bài chính luận trên các tờ báo lớn ở Đông Nam Á và Hoa Kỳ, bạn có thể thấy Trung Quốc đã bị người ta phản ứng mạnh mẽ như thế nào", ông nói. "Hàn Quốc cũng có vấn đề với Trung Quốc trong tranh chấp quần đảo đá ngầm Socotra Rock. Philippines và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Các nước này quan sát phản ứng của Trung Quốc và họ đã tỏ ra lo lắng".
Ông Takahashi cho biết các động thái của Trung Quốc cũng đã kéo Hoa Kỳ và Nhật Bản xích lại gần nhau hơn. Theo ông, Nhật Bản không đủ khả năng để tăng chi tiêu quốc phòng và sự gây hấn của Trung Quốc trên quần đảo Senkaku đã củng cố sự hiện diện của quân đội Mỹ trên đảo Okinawa bất chấp phản đối trước đây của người dân địa phương.
Trung Quốc ước tính vùng hạ lưu quần đảo Senkaku tại Hoa Đông chứa gần 17,5 nghìn tỷ feet khối (ft3) khí đốt và 20 triệu thùng dầu. Các cuộc đàm phán về hợp tác phát triển nguồn tài nguyên này đã bị phá vỡ.
Malcolm Cook - người đứng đầu chương trình Đông Á của Viện Lowy - cho biết phản ứng thiếu cân nhắc của Trung Quốc cho thấy một phần của hành vi muốn bành trướng. "Đó chắc chắn là một ví dụ điển hình rằng Trung Quốc hành động bất chấp chuyện gia tăng hòa bình hay một thế giới đại đồng", ông nói.
Tiến sĩ Cook nói sự thay đổi trong tư thế của Trung Quốc cũng có thể được nhìn thấy ở Hoàng Hải - nơi mà Bắc Kinh đã chỉ trích các cuộc tập trận chung của Mỹ-Hàn và Biển Đông - nơi mà đại lục vẫn tiếp tục duy trì đường lối cứng rắn trong tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam. Ông đồng ý rằng các hành động này đã thắt chặt quan hệ hơn giữa các đồng minh của Hoa Kỳ ở Châu Á - Thái Bình Dương.
Giáo sư Carl Thayer, thuộc Đại học New South Wales (Úc), đã viết trong một bài báo mang tựa đề Đông Nam Á: Mô hình quốc phòng phát hành tuần qua, cho rằng Trung Quốc nổi lên như một siêu cường và tiềm ẩn khả năng trở thành đối thủ cạnh tranh chiến lược của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á và Châu Á - Thái Bình Dương. "Các tác động trong quan hệ Trung-Mỹ sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường an ninh ở Đông Nam Á", ông viết.
Chuyến đi thăm Senkaku được ông Nakaima đề xuất sẽ một lần nữa sẽ kiểm chứng dũng khí của cả hai bên.
Quốc Ngọc dịch

.
.
.

No comments: