Tuesday, October 5, 2010

AUSTRALIA SỐT RUỘT TRƯỚC CUỘC CẠNH TRANH ĐỊA CHÍNH TRỊ Ở ĐÔNG NAM Á

Tác giả: Carl Thayer
Bài đã được xuất bản.: 05/10/2010 06:00 GMT+7

Củng cố các quan hệ đối tác an ninh với Indonesia và Việt Nam không có nghĩa là Australia sẽ bỏ quên các quan hệ khác ở ĐNA. Australia nên tiếp tục hợp tác quốc phòng với các nước ĐNA khác như Philippines. Nhưng Australia sẽ cần phải thực tế - và sáng suốt - trong việc xác định thành phần có thể có trong một quan hệ đối tác tương lai với ĐNA - khu vực đang có sức nặng chiến lược lớn hơn.

LTS: Mới đây, chuyên gia quân sự cao cấp, giám đốc Diễn đàn nghiên cứu quốc phòng, ĐH New South Wales, Úc, GS Carl Thayer vừa công bố báo cáo hơn 70 trang về an ninh Đông Nam Á.
Để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam tiếp tục trích dịch, mời độc giả cùng suy ngẫm và tranh luận thêm.


Australia sẽ phải đối mặt với một môi trường chiến lược ngày càng phức tạp hơn tại Đông Nam Á (ĐNA) trong những năm tới. Môi trường này sẽ được đặc trưng bởi một loạt các mô hình an ninh hỗ trợ và cạnh tranh lẫn nhau trong đó ĐNA và các cường quốc bên ngoài sẽ đóng vai trò lớn hơn.
Ảnh hưởng chiến lược của các nước chủ chốt ở ĐNA - chủ yếu là Indonesia và Việt Nam - đang lớn dần. Nhưng điều này diễn ra không nhanh bằng ảnh hưởng chiến lược ngày càng lớn của các cường quốc châu Á (Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ) đến khu vực ĐNA. Australia sẽ cần đánh giá vai trò của mình trong tương lai trong môi trường đang biến động này và vạch ra một loạt chiến lược cho phép có được các lợi ích ở đây.

Các lợi ích chiến lược của Australia ở ĐNA
Sách trắng Quốc phòng năm 2009 đã xác định các lợi ích chiến lược của Australia là "các lợi ích an ninh quốc gia liên quan đến cấu trúc và các đặc điểm của trật tự quốc tế giúp đảm bảo an ninh của chúng ta tránh khỏi các cuộc tấn công vũ lực - và như vậy Australia phải theo dõi việc sử dụng vũ lực này". Sách trắng cũng xác định bốn lợi ích chiến lược chính của Australia: một Australia an toàn, một quan hệ láng giềng gần đảm bảo, ổn định chiến lược tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một trật tự an ninh toàn cầu ổn định và có nguyên tắc luật lệ.
ĐNA nằm ở nơi giao nhau giữa các lợi ích thứ hai và thứ ba kể trên. ĐNA tiếp giáp với các nước láng giềng gần của chúng ta - Australia (bao gồm cả phía bờ Tây của Ấn Độ Dương và Papua New Guinea), đồng thời giống như cửa ngõ địa lý giữa Australia, Đông Bắc Á và toàn bộ châu Á - Thái Bình Dương. ĐNA trên thực tế đang thay đổi một cách lớn lao vì khu vực này đang ngày càng phản ánh những thay đổi quyền lực đang diễn ra tại châu Á và chuyển những thay đổi quyền lực này sang khu vực địa lý gần sát với Australia.
Về lịch sử, Austalia đã xem ĐNA là khu vực mà một cường quốc thù địch có thể hoạt động "từ đó hoặc qua đó" để đe dọa trực tiếp tới Australia. Trong những năm 1980, Bộ trưởng Ngoại giao khi đó, TNS Gareth Evans đã định chuyển trọng tâm chiến lược của Australia từ "đảm bảo an ninh trước khu vực" sang "đảm bảo an ninh với khu vực".
Tuy nhiên, chính sách chiến lược của Australia vẫn tập trung vào các mối đe dọa tiềm ẩn, xuất hiện từ sự chế ngự của bên ngoài tại khu vực này và bất ổn khu vực. Sách trắng Quốc phòng Australia viết: Một khu vực ĐNA ổn định và an toàn mang lại lợi ích chiến lược cho Australia, để đây không phải là một nguồn cơn đe dọa an ninh trên diện rộng cũng không phải là một cánh cổng dẫn tới việc nước khác sử dụng sức mạnh quân sự chống lại chúng ta". Sách trắng cũng ghi nhận rằng tiến bộ kinh tế và phát triển xã hội tại ĐNA sẽ "giúp ngăn chặn các vấn đề an ninh, như chủ nghĩa khủng bố, nổi dậy và bạo lực sắc tộc".
Để đối phó và giảm thiểu các mối đe dọa tiềm ẩn này, Sách trắng tập trung vào 5 mục tiêu chính. Một là tránh để bất kỳ sức mạnh quân sự lớn nào bên ngoài chế ngự ĐNA hoặc sử dụng sức mạnh quân sự trong khu vực theo hướng thách thức khả năng của Australia kiểm soát mọi ngả đường trên không và trên biển dẫn tới đại lục địa của mình. Hai là duy trì cam kết của các đồng minh chính, như Mỹ, trong an ninh khu vực. Ba là tránh hoặc giảm thiểu việc mua sắm vũ khí ở bất kỳ quốc gia nào trong khu vực để tiến hành các hoạt động quân sự liên tục tại các ngả đường tới Australia trên không và trên biển. Bốn là góp phần ổn định, phát triển và gắn kết các nước gắn bó nhất với Australia, đặc biệt là Indonesia, Timor Leste và Papua New Guinea, để đảm bảo rằng các nước này không trở thành nguồn đe dọa Australia. Năm là thúc đẩy và củng cố kiến trúc an ninh khu vực để tối ưu hóa việc đạt các mục tiêu chiến lược của Australia thông qua quan hệ hợp tác an ninh, đặc biệt là giữa các nước lớn và cả các đối tác trong khu vực.
Để đạt được một trong những mục tiêu trên đều rất khó khăn. Australia có một quan niệm rõ ràng về tương lai của ĐNA - một khu vực được cấu thành bởi những nền dân chủ đang phát triển, thịnh vượng, ổn định, hòa bình, mà ngày càng có nhiều những mô hình hợp tác an ninh giữa họ, cũng như với Australia và các đối tác an ninh khác. Nhưng triển vọng này sẽ khó thực hiện trong một châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn ngày càng bị khuấy đục bởi sự thay đổi tương quan lực lượng và những căng thẳng giữa các nước lớn.

Thay đổi môi trường an ninh
Môi trường an ninh ĐNA đang thay đổi phức tạp. Đó là kết quả của các xu hướng đã nêu (khủng hoảng tài chính toàn cầu, sự hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, cam kết tăng cường của Mỹ, gia tăng mua sắm vũ khí trong khu vực, tầm quan trọng ngày càng lớn của yếu tố biển, gia tăng các vấn đề an ninh xuyên quốc gia, sự dai dẳng của các "thách thức an ninh thường nhật trong nước" và sự phát triển của kiến trúc an ninh khu vực).
Tám xu hướng này đã dẫn tới các sức ép đối với các mô hình hợp tác an ninh khu vực hiện có. Ví dụ, các mối đe dọa an ninh thông thường chủ yếu được đối phó bằng hợp tác an ninh với Mỹ và hợp tác đa phương như FPDA, trong khi hợp tác đa phương do Trung Quốc đứng đầu và hợp tác đa phương do ASEAN đứng đầu tập trung vào các thách thức phi truyền thống. Chủ nghĩa đa phương do Trung Quốc đứng đầu tìm cách hủy hoại và loại trừ Mỹ, trong khi hợp tác đa phương do ASEAN dẫn đầu tìm cách liên kết với cả hai cường quốc chính này. Không mô hình nào tỏ ra vượt trội trong việc đối phó với các tác động có nguy cơ hủy diệt của việc tăng cường mua sắm vũ khí trong khu vực. Nói tóm lại, ĐNA thiếu một cơ chế an ninh toàn diện hiệu quả ở cấp chính phủ để đối phó một cách mạnh mẽ với các thách thức an ninh lớn.
Sự hiện đại hóa và chuyển hóa quân sự của Trung Quốc, cùng với sự phát triển của một căn cứ hải quân lớn trên đảo Hải Nam, sẽ tạo cho Trung Quốc một cơ sở để sử dụng vũ lực vào ĐNA. Trong trường hợp tệ nhất, điều đó sẽ đồng nghĩa với việc một cường quốc bên ngoài có thể thách thức khả năng của Australia kiểm soát các ngả đường trên không và trên biển dẫn tới đại lục địa của mình. Đây sẽ là một thay đổi cơ bản về môi trường chiến lược, Australia từng hoạt động trong môi trường này từ chiến tranh thế giới II.
Nhưng rất lâu trước khi trường hợp tệ nhất này xảy ra, Australia sẽ phải chứng kiến một loạt sự kiện khác. Chưa kể tới việc các cường quốc châu Á sẽ chọn cách sử dụng các khả năng quân sự đang gia tăng của mình như thế nào và rất lâu trước khi họ trở thành một mối đe dọa trực tiếp tới Australia, có hai diễn biến sẽ tác động đến suy nghĩ chiến lược của Australia. ĐNA sẽ trở thành bãi chiến trường cho các nước lớn đối địch đang nổi lên. Và các chương trình hiện đại hóa vũ khí sẽ càng được thúc đẩy cùng với vai trò ngày càng lớn hơn của các nước bên ngoài.
Australia có truyền thống gắn bó với Mỹ nhằm ngăn chặn từ xa và giúp giải quyết những ganh đua nước lớn. Nhưng nếu cuộc cạnh tranh địa chính trị bắt đầu xướng tên ĐNA, thì khoảng cách địa lý có thể trở nên mỏng manh hơn. Chính quyền Obama đã cam kết trở lại với ĐNA về ngoại giao, chính trị, kinh tế và quân sự. Mỹ sẽ duy trì vai trò bá chủ trong vài năm tới. Nhưng sự nổi lên của Trung Quốc đã thay đổi tương quan lực lượng và các nhận thức về khu vực. Một câu hỏi chưa có lời đáp là Mỹ và Trung Quốc sẽ xử lý sự thay đổi quyền lực hiện nay như thế nào.
Trung Quốc và Mỹ cơ bản bất đồng về cơ sở của việc Trung Quốc đòi chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông. Trung Quốc cho rằng họ có "chủ quyền không thể tranh cãi" trên Biển Đông và thềm lục địa tại vùng biển này dựa theo phát hiện lịch sử và thực tế chiếm đóng. Quan điểm của Mỹ là "Mỹ không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông... Theo luật pháp quốc tế, các đòi hỏi hợp pháp đối với không gian Biển Đông chỉ có thể xuất phát từ đòi hỏi hợp pháp đối với thềm lục địa".
Nếu lãnh đạo Trung Quốc nhất quyết đưa Biển Đông thành một "lợi ích cốt lõi", điều đó đồng nghĩa với việc Bắc Kinh sẽ muốn sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để bảo vệ chủ quyền của mình. Nếu Ngoại trưởng Mỹ Clinton đã nói rằng Mỹ phản đối các nước đòi chủ quyền sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và khẳng định Mỹ có "một lợi ích quốc gia trong việc tự do đi lại và tự do tiếp cận với các vùng biển chung của châu Á", đề xuất của bà về các "hành động thuận lợi" cho việc thực hiện DOC đã bị Trung Quốc bác bỏ vì coi đây là một âm mưu quốc tế hóa vấn đề này.
Các xu hướng mua sắm vũ khí hiện nay và trong tương lai cho thấy một số nước trong khu vực đã trang bị các sức mạnh quân sự cho phép họ tiến hành các chiến dịch quân sự trên các ngả đường không và đường biển dẫn tới Australia. Xu hướng này có thể sẽ gia tăng trong những thập kỷ tới. Lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, Indonesia dường như đã xây dựng các nền tảng vững chắc cho sự ổn định liên tục trong nước. Điều này thay đổi căn bản môi trường chiến lược của Australia và đặt Australia trước một cơ hội lớn trong việc phát triển một đối tác an ninh hiệu quả với Indonesia. Nhưng trong khi đó khả năng duy trì ổn định ở Timor-Leste và Papua New Guinea ngày càng không chắc chắn.
Ngay từ đầu, Australia đã là một đối tác quan trọng trong các nỗ lực của ĐNA nhằm củng cố kiến trúc khu vực. Australia là đối tác đối thoại đầu tiên của ASEAN và tự động trở thành thành viên của Hội nghị Bộ trưởng ASEAN ngay từ cuộc họp đầu tiên. Australia cũng là tác nhân chính trong việc xây dựng APEC và một người đóng góp chính cho ARF ngay khi diễn đàn này ra đời. Nhưng bối cảnh tạo thuận lợi cho Australia định hình kiến trúc khu vực này giờ đang thay đổi nhanh chóng. Trung Quốc đã chiếm vị trí đầu trong thúc đẩy hợp tác đa phương với ASEAN với một mục tiêu Đông Á.

Theo đuổi các lợi ích quốc gia ở ĐNA
Sách trắng Quốc phòng 2009 của Australia đã nghiên cứu các quan hệ quốc phòng và an ninh với khu vực này trong các lĩnh vực chống khủng bố, ổn định trong nước, các mối đe dọa phi truyền thống và các cuộc chạy đua vũ trang khu vực. Trong khi các vấn đề này đặt ra những thách thức an ninh lớn, chúng cũng đem đến những cơ hội cho Australia theo đuổi các lợi ích chiến lược chính của mình tại ĐNA.
Chiến lược của Australia đối phó với một loạt thay đổi cán cân quyền lực ở châu Á giờ phải kết hợp giữa việc ủng hộ các hướng đi mới của chủ nghĩa khu vực mà trung tâm là ASEAN, với uy tín đã được chứng minh trong cam kết của Mỹ tại khu vực. Đồng thời, Australia nên tiếp tục và thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) dựa trên sự minh bạch và đôi bên cùng có lợi. Australia phải chống lại các nỗ lực của PLA nhằm giành lợi thế từ hợp tác quốc phòng, và chống lại mọi âm mưu của Trung Quốc nhằm chống lại Australia và Mỹ. Ngoại giao quốc phòng của Australia phải truyền tải tới Bắc Kinh rằng Trung Quốc đóng một vai trò hợp pháp trong các vấn đề khu vực.
Dù tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc nhìn chung được đánh giá tích cực trong khu vực, nhưng sự hiện đại hóa quân đội của họ lại gây lo ngại trong các nước láng giềng. Và Trung Quốc không phải là cường quốc châu Á duy nhất muốn có một vai trò lớn hơn trong khu vực. Nhật Bản và Ấn Độ cũng mong muốn có điều này trong tương lai. Ngoài ra còn có các nhân tố khác - Hàn Quốc, Indonesia, Việt Nam và Nga chẳng hạn - cũng có thể tìm kiếm một dạng vai trò an ninh khu vực "mở rộng".
Mối lo ngại của khu vực về sự nổi lên của Trung Quốc chỉ là biểu hiện đầu tiên của mối lo ngại về vai trò của các cường quốc bên ngoài. Điều này tạo ra một cơ hội lớn cho Australia ở hai khía cạnh. Đầu tiên, Australia nên tận dụng sự ủng hộ của chính quyền Obama đối với chủ nghĩa đa phương và tạo ra một cách tiếp cận chung nhằm ngăn chặn Trung Quốc trong cấu trúc đa phương khu vực. Cần cân nhắc kỹ về vai trò của Mỹ trong Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+8, hay như một thành viên tương lai của tiến trình Thượng đỉnh Đông Á. Một khi Mỹ tham gia các thỏa thuận đa phương mới, Australia trước tiên nên thúc đẩy hợp tác rộng hơn giữa các nước có cùng chí hướng nhằm hình thành lịch trình an ninh khu vực. Điều này có nghĩa là nên vượt qua cơ chế ba bên trong quá khứ (giữa Mỹ, Nhật và Australia) để tiến tới một nhóm không chính thức rộng mở hơn, có cả Indonesia, Hàn Quốc và New Zealand.
Thứ hai, Australia nên ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa khu vực mà ASEAN là trung tâm, đề xuất các biện pháp đặc biệt nhằm củng cố Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN, một trong ba trụ cột của khái niệm Cộng đồng ASEAN. Đặc biệt, Australia nên đóng một vai trò tích cực thúc đẩy hành động, một phần của tiến trình ADMM +8, như một cách để giảm bớt các âm mưu tạo ra một nhóm khu vực Đông Á chọn lọc. Tóm lại, Australia nên ngăn chặn việc Trung Quốc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, để Australia tham gia nhiều hơn vào các vấn đề an ninh khu vực.
Thứ ba, Australia nên tiếp tục ủng hộ Thỏa thuận Phòng thủ Năm cường quốc (FPDA) như thỏa thuận quân sự tác chiến duy nhất trong khu vực. Cả SingaporeMalaysia đều đang hiện đại hóa và chuyển hóa quân đội của mình. Thắt chặt quan hệ sẽ giúp bảo vệ các lợi ích quốc gia của Australia. Cấu trúc điều hành, tổ chức và chương trình hoạt động của FPDA có thể được sử dụng như một mô hình cho các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN khi họ hoạch định cách thức phối hợp với các đối tác đối thoại của mình. ADMM+8 được thiết kế để tăng thêm khả năng mà ASEAN đang thiếu thông qua cam kết với các đối tác đối thoại. Mô hình FPDA cho thấy các thành viên ASEAN đã thành công trong việc phối hợp với các cường quốc bên ngoài để đối phó với các thách thức an ninh cả truyền thống và phi truyền thống mà không làm yếu đi chủ quyền quốc gia mình.
Thứ tư, Australia nên tiếp tục thúc đẩy các quan hệ đối tác an ninh hiệu quả với cả Indonesia và Việt Nam trong khi thừa nhận sức nặng của hai nước này trong các vấn đề khu vực. Sự phát triển của Indonesia hướng tới một nền dân chủ ổn định tạo ra một cơ hội lớn cho Australia xây dựng và củng cố cam kết và hợp tác an ninh, từ đó đảm bảo an ninh cho các ngả đường biển và đường không dẫn tới Australia. Chính sách an ninh Australia tại ĐNA nên tập trung vào một Indonesia gắn kết, ổn định và bằng hữu. Indonesia có dân số đông và GDP hiện cao hơn Ausrtalia. Các mối liên hệ của Indonesia với thế giới Hồi giáo sẽ kết hợp tốt với các mối liên hệ của Australia với Bắc Mỹ và châu Âu. Các nhân tố này, cộng với vị trí địa lý, khiến Indonesia trở thành nhà lãnh đạo tự nhiên ở ĐNA và tạo cho nước này một giọng nói có ảnh hưởng trong toàn châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.
Tương tự, hợp tác quốc phòng lâu năm và bền bỉ giữa Australia với Việt Nam giờ cũng cần tiến lên một bước mới vì vai trò ngày càng lớn của Việt Nam trong khu vực và sức mạnh quân sự biển của nước này. Australia có thể giúp đỡ Việt Nam phát triển một học thuyết biển. Việt Nam là một đối tác hơi khó hơn đối với Australia không chỉ vì khác biệt về thể chế chính trị, mà còn vì quan hệ không cân xứng của họ với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc.
Củng cố các quan hệ đối tác an ninh với Indonesia và Việt Nam không có nghĩa là Australia sẽ bỏ quên các quan hệ khác ở ĐNA. Australia nên tiếp tục hợp tác quốc phòng với các nước ĐNA khác như Philippines. Nhưng Australia sẽ cần phải thực tế - và sáng suốt - trong việc xác định thành phần có thể có trong một quan hệ đối tác tương lai với ĐNA - khu vực đang có sức nặng chiến lược lớn hơn.
Những thay đổi trong môi trường an ninh ĐNA đang đẩy chính sách chiến lược của Australia theo các hướng khác nhau, có thể là đối lập. Quan hệ đồng minh với Mỹ chủ yếu tập trung vào các mối đe dọa thông thường trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong khi trọng tâm của FPDA nhằm vào các mối đe dọa phi truyền thống trên biển. Hợp tác an ninh khu vực do ASEAN đứng đầu lại có một phạm vi khác. Ý tưởng ban đầu của ASEAN là nhằm vào các vấn đề an ninh mềm như các mối đe dọa phi truyền thống hoặc xuyên quốc gia. Nhưng sự ra đời của ADMM +8 đã mở ra những lĩnh vực hợp tác an ninh mới cho ASEAN và các đối tác an ninh của Khối này, theo hướng thực dụng hơn.
Các nhà hoạch định chiến lược của Australia sẽ phải theo đuổi nhiều hướng khác nhau để đảm bảo các lợi ích quốc gia cho Australia ở ĐNA. Một trong những con đường này sẽ là kế thừa và tái định hướng mạng lưới quan hệ an ninh hiện nay tới một nền tảng hợp tác đa phương hùng mạnh hơn. Điều này không chỉ gồm củng cố tiến trình ADMM+ mà còn phải kết nối ADMM+8 với Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Một hướng đi khác có thể là khuyến khích Mỹ cam kết nhiều hơn ở ĐNA thay vì coi khu vực này như một trạm trung chuyển tới vùng Vịnh Arập. Và một hướng đi thứ ba là Australia làm sống lại các quan hệ an ninh của mình với các nước ĐNA nhằm tăng cường sức nặng chiến lược của khu vực trong việc đối phó với các cường quốc bên ngoài. Đồng thời, Australia nên phối hợp chặt chẽ với các đối tác chủ chốt ở ĐNA để phát triển một cái nhìn chung về tương lai khu vực./.
Quốc Thái biên dịch từ Australian Strategic Policy Institute

.
.
.

No comments: