Saturday, October 9, 2010

HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ TAI HỌC BÙN ĐỎ DO KHAI THÁC BAUXITE Ở HUNGARY

Nguyễn Quang A
Cập nhật : 08/10/2010 15:27

Ngày 4-10-2010 đập hồ chứa bùn đỏ tại mỏ khai thác và chế biến bauxite ở Ajka Hungary đã bị vỡ. Gần một triệu mét khối bùn đỏ đã tràn xuống phủ một diện tính 40 kilomet vuông và làm tan hoang nhiều khu dân cư. Có nơi lũ bùn đỏ với độ dày tới 2 mét đã nhấn chìm mọi thứ. Báo chí Hungary cho biết, đến ngày 7-10, đã có 4 người chết, 123 người bị thương và còn 5 người được coi là mất tích. Ba tỉnh của Hungary đã bị đặt trong tình trạng báo động môi trường, ba con sông bị đe dọa, bùn đỏ đã lan xuống sông Rába và đe dọa sông Duna. Đây thảm họa môi trường lớn nhất ở Hungary.

Nhà máy bauxite Ajka thuộc công ty cổ phần Nhôm Hungary (MAL). Báo chí Hungary cũng đưa tin cựu Thủ tướng Gyurcsány Ferenc có lợi ích trong MAL trước khi lên làm thủ tướng và công ty này ngày nay vẫn do các bạn đầu tư của ông vận hành.

MAL đã rất tự hào về tính an toàn của hệ thống chứa bùn đỏ của mình. Họ nói “các hồ chứa bùn đỏ được cách ly, được xây dựng rất hiện đại với hệ thống giám sát tiên tiến đảm bảo chắc chắn việc chứa bùn đỏ”. MAL cũng rất lưu ý đến việc “hoàn thổ”, khôi phục lại mặt bằng, liên tục bằng san lấp và trồng cây tạo ra thảm thực vật phong phú. Nhưng khi xảy ra tai họa, họ nói đấy là tai họa thiên nhiên và từ chối trách nhiệm. Họ còn nói mới gần 2 tuần trước cơ quan Thủy lợi đã kiểm tra đập và không thấy có vấn đề gì. Khi tai họa xảy ra họ nói bùn đỏ không độc hại, trong khi nhiều người bị bỏng đến 70% do bị ngập trong bùn đỏ có tính kiềm nặng!

Lập luận của MAL nghe rất quen với người Việt Nam. Trong các tranh luận về khai thác bauxite ở Tây Nguyên, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng đưa ra các lời hứa tương tự về hệ thống chứa bùn đỏ của mình sẽ và đang được xây dựng. Thực ra, ở đâu cũng vậy những người vận hành hồ chứa bùn (bùn đỏ của nhà máy bauxite hay bùn đen của các mỏ than hay các loại mỏ khác, thậm chí cả với các hồ nước sạch cho thủy điện) luôn tìm cách thoái thác trách nhiệm khi có sự cố xảy ra.

Các tổ chức bảo vệ môi trường, người dân và chính phủ Hungary (mới thắng cử đầu năm nay và kình địch với chính phủ của cựu thủ tướng), thì cho rằng không phải do các nguyên nhân tự nhiên, tức là ám chỉ đến các sự sao lãng con người đã gây ra tai họa. Theo Thủ tướng Orbán Viktor, “ Chúng ta không biết dấu hiệu cho thấy các nguyên nhân tự nhiên gây tai họa. Chúng ta có thể nghi rằng có sự sao nhãng của con người ở đây. Cả nước đang muốn biết, ai chịu trách nhiệm về tai họa này ”.

Các nhà khoa học thì thận trọng hơn và chỉ có thể đưa ra kết luận về nguyên nhân của tai họa sau khi khảo sát và nghiên cứu kỹ lưỡng. Có thể đập đã được xây thấp hơn mức bùn được đưa vào hồ; có thể đập đã già và bị nước kiềm mạnh làm yếu đi.

Ba ngày sau tai họa, chưa ai có thể đưa ra kết luận thỏa đáng về nguyên nhân của tai họa. Nguyên nhân là gì ? Những ai phải chịu trách nhiệm ? Chắc còn cần thời gian để làm rõ. Nhưng có thể học được nhiều điều từ tai họa này (và các tai họa tương tự khác, như vụ vỡ đập, Buffalo creek, làm tràn bùn xám ở mỏ than tại Mỹ ngày 26-2-1972 làm 124 người thiệt mạng phá hủy hàng ngàn xe cộ và gần cả ngàn ngôi nhà, hay các vụ vỡ đập khác,...). Đấy là các tai nạn xảy ra ở các nước phát triển hơn ta rất nhiều và có kinh nghiệm khai thác và quản lý nhiều hơn chúng ta rất nhiều. Với kinh nghiệm ít ỏi, tính kỷ luật lỏng lẻo và quản lý yếu kém thì nguy cơ tai họa ở ta có vẻ còn nặng hơn.

Tai họa vỡ đập gây ra lũ bùn đỏ ở Hungary phải là một lời cảnh báo rất nghiêm túc với việc tiếp tục chủ trương khai thác bauxite của Việt Nam. Đã có rất nhiều ý kiến về các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Người ta cũng nói đến sự chắc chắn, vững chãi của các hồ chứa bùn đỏ. Từ trên nóc nhà của Đông Dương nếu có sự cố vỡ đập như ở Hungary, thì tai họa sẽ rất thảm khốc.

Trên Tây Nguyên vấn đề chuyên chở không những là vấn đề khó khăn về kinh tế mà cũng hàm chứa những rủi ro môi trường khó lường. TKV lập dự án nhưng bỏ chuyện làm đường chuyên chở ra ngoài (và yêu cầu nhà nước phát triển đường sắt cho TKV), tính kiểu ấy là ăn bớt chi phí đầu tư để cho dự án có vẻ khả thi hơn về kinh tế. Nếu tính hết (kể cả đầu tư cho chuyên chở) và nhất là phải có chi phí thỏa đáng cho khắc phục môi trường (trong hoạt động bình thường của các nhà máy cũng như trong trường hợp có tai họa) thì dự án khai thác bauxite không khả thi về mặt kinh tế. Tác hại về môi trường khó có thể lường. Đó là chưa nói đến các khía cạnh an ninh khác. Chính vì thế nên xem xét lại kỹ lưỡng việc khai thác bauxite, nên để tài nguyên này cho các thế hệ sau, chứ không nên khai thác như hiện đang làm. Vấn đề này, khai thác bauxite, cũng được khẳng định lại trong các dự thảo văn kiện của Đại hội XI của Đảng cộng sản Việt Nam. Rất nên suy ngẫm lại chủ trương này và nên loại bỏ khỏi các dự thảo văn kiện và dừng toàn bộ chủ trương khai thác bauxite ở Tây nguyên.

Chúng ta có thể học được từ người khác không chỉ về các tấm gương tốt, mà cả về những sai lầm của họ nữa. Trong số các sai lầm có lẽ đáng lưu ý là những vấn đề gắn với các nhóm lợi ích. Tuy hình thức có vẻ khá khác nhau nhưng có thể thấy cách ứng xử của các nhóm lợi ích là khá giống nhau. Và đó, cùng các nguyên nhân khác, có thể có vai trò không nhỏ trong thảm họa bùn đỏ kinh hoàng này.

Không chỉ nguy có cơ về lũ bùn đỏ. Người dân miền trung đã than phiền về lũ (nước sạch chứ không phải bùn độc) do thủy điện gây ra. Lãnh đạo các nhà máy thủy điện thoái thác trách nhiệm. Cách ứng xử cũng giống nhau. Hãy ngó dãy núi đất thải (xít) do TKV tạo ra khi khai thác than ở Quảng Ninh đã cao hơn cả núi Bài Thơ! Hãy cảnh giác với các nhóm lợi ích, với các lời hứa bùi tai của chúng và đừng để con cháu chúng ta phải lãnh đủ.

Nguyễn Quang A
--------------------------
Thư ngỏ  -  Nguyễn Trung

Olivier DONARD (Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp)
Cập nhật : 09/10/2010 16:23

Nhật báo Pháp LE MONDE (số đề ngày 9.10.2010) phỏng vấn nhà khoa học Olivier Donard, giám đốc Học viện khoa học phân tích và vật lí - hóa học về môi trường và vật liệu (Institut des sciences analytiques et de physico-chimie pour l'environnement et les matériaux, thuộc Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học CNRS và Trường đại học Pau) về nguy hại, ngắn hạn và dài hạn, của bùn đỏ đang lan tràn ở vùng Ajka, Hungary.

Bùn đỏ là gì ?
Đó là những phế chất thải ra khi người ta khai thác alumina (để sản xuất ra nhôm) từ quặng bauxit. Bùn đỏ như vậy là những phế chất khoáng sản, ở thể rắn, màu đỏ là do thành phần ôxit có trong bauxit. Bình quân, mỗi tấn nhôm được lấy ra từ 4 tới 5 tấn bauxit, thải ra 3 tấn bùn đỏ.

Bùn đỏ độc hại vì sao ?
Nguy cơ nằm ở hai cấp độ. Cấp độ thứ nhất là sự độc hại tức thời : trong bùn có xút -- từ 3 đến 12 kg xút cứ mỗi tấn nhôm được sản xuất, theo một nghiên cứu của Trường bách khoa Montréal -- và những chất ăn da (caustique) khác như ô xit calci, hay vôi sống, tùy phương pháp khai thác quặng. Đó là những hợp chất có tính ăn mòn rất lớn. Khi hòa tan trong nước mưa hay trong những dòng nước, chúng tạo ra môi trường có độ kiềm rất cao (alcalin). Cụ thể là khi tiếp xúc với dung dịch này, người ta bị phỏng hay thương tổn ở làn da.
Về dài hạn, vấn đề xuất phát từ những nhân tố kim loại có trong các chất thải này.

Đó là những kim loại nào ? nguy cơ ra sao ?
Muốn thế phải biết chính xác thành phần hóa học của bùn đỏ ở Hungary. Nó tùy thuộc vào loại quặng bauxit tại đây. Nói chung, có rất nhiều ôxit sắt, ô xit nhôm hay alumina, xilit, titan, chì, c'rôm, và có thể cả thủy ngân nữa.
Bản thân kim loại trong đó không có vấn đề. Vấn đề là dạng thức hóa học của kim loại và hoạt tính của nó. Ví dụ như ôxit nhôm : ở thể rắn thì không độc, nhưng ở trong một dung dịch, nó có hoạt tính cao và có thể xuyên thấu các màng sinh học. Tương tự, c'rôm dưới dạng c'rôm VI rất dễ sinh ra bệnh ung thư. Chì và thủy ngân cũng tùy theo nồng độ và dạng thức hóa học.
Có điều chắc chắn là các kim loại này ở liều lượng cao đều có tiềm năng độc hại. Đối với đàn động vật và thảm thực vật, đó là những thứ thuốc độc.

Tình trạng nhiễm độc môi trường sẽ kéo dài bao lâu ?
Tai họa vừa xảy ra ở Hungary là một quả bom hóa học nổ chậm. Vùng bị bùn đỏ tràn ngập sẽ bị tác động mạnh mẽ, phải mấy chục năm nữa mới có thể khôi phục. Tiền lệ ở Minamata (thành phố ở tây-nam Nhật Bản, dân chúng bị nhiễm độc thủy ngân) cho thấy rằng đối với loại ô nhiễm môi trường này, đơn vị đo lường thời gian là thập niên. Bùn đỏ sẽ quánh khô và lúc đó sẽ thêm nguy cơ do bụi đỏ bay theo gió. Nếu sang bên ấy, chắc chắn tôi sẽ đeo mặt nạ. Rồi tới mùa mưa những năm tới đây, hợp chất kim loại sẽ di động trên mặt đất và theo các dòng nước. Đất đai sẽ không canh tác được, mà có trồng trọt được thì cây trái rau cỏ chứa kim loại cũng không thể ăn được. Hiện nay chúng ta chưa có đầy đủ thông tin, nhưng tôi e rằng toàn bộ vùng bị bùn đỏ sẽ trở thành vùng đất lâm nạn.

Bây giờ phải làm gì ?
Hungary có những êkip khoa học xuất sắc, có khả năng ứng phó. Nhưng cấp thiết phải cùng nhau học tập một cách tập thể cách xử lí một vấn đề như vậy. Rất nên huy động giới khoa học ở cấp độ Âu Châu.

người ghi : Pierre Le Hir
bản dịch của Diễn Đàn
.
.
.



VIDEO : Fears Hungary spill could turn into toxic cloud
Hungary: Lũ bùn - báo động "thảm họa sinh thái"  -  Bela Szandelszky  -  AP 05/10/2010
Bùn đỏ độc hại, hiểm họa từ bauxite     -Trọng Nghĩa  -  Thứ năm 07 Tháng Mười 2010
.
.
.

No comments: