Tuesday, October 19, 2010

HOA KỲ DỒN DẬP TRỞ LẠI ĐÔNG Á (BBC)

BBC
Cập nhật: 12:47 GMT - thứ hai, 18 tháng 10, 2010

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon dự kiến sẽ thăm Việt Nam cùng dịp hội nghị thượng đỉnh Đông Á với sự hiện diện của Ngoại trưởng Clinton và các lãnh đạo quốc tế khác.

Trong một mùa hoạt động ngoại giao nhộn nhịp chưa từng thấy, Việt Nam sẽ lại tổ chức một loạt cuộc họp quốc tế cao cấp, chỉ không lâu sau Hội nghị ADMM+ chấm dứt.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam tuần qua, hội nghị thượng đỉnh Asean và đối tác Nhật, Hàn, Ấn Độ, Trung Quốc, Nga và Úc sẽ họp cuối tháng này, cùng hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ 5.
Đó là chưa kể thượng đỉnh về sông Mekong với Nhật Bản cũng sẽ được tổ chức vào ngày 29/10.
Sự có mặt của ông Ban Ki-moon đến Việt Nam nói lên vị thế của nước chủ nhà trong cấu trúc quyền lực mới ở vùng châu Á - Thái Bình Dương.
Nhưng được quan tâm hơn cả là chuyến thăm đến Việt Nam lần thứ nhì của Ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton.
Các báo trong vùng và truyền thông Mỹ đều đã quan tâm bình luận về chuyến đi của bà.
Trước hết, cần nhìn các hoạt động ngoại giao, quân sự của Hoa Kỳ trong chiến lược trở lại châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Obama mà Đông Nam Á là một phần ngày càng trở nên quan trọng.
Các chuyến thăm, cuộc gặp liên tiếp đã được Hoa Kỳ chủ động tổ chức và được Asean đón nhận nhiệt tình.
Tháng 7 vừa qua, bà Clinton đã tới Việt Nam dự hội nghị vùng Đông Nam Á, tiếp theo là chuyến đến Việt Nam tuần rồi của Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, và Tổng thống Barack Obama sẽ thăm Ấn Độ vào tháng 11 này.
Báo Jakarta Post nói ông Obama sẽ thăm Indonesia nhân dịp này trong tháng tới, trước chuyến thăm đã lên lịch dự hội nghị thượng đỉnh Asean tại Jakarta năm tới.
Tổng thống Hoa Kỳ đã hội đàm với các lãnh đạo Asean hồi tháng 9 vừa qua ở New York.
Hoa Kỳ muốn trở lại Asean với hai lý do chính là an ninh và kinh tế.
Không phải ngẫu nhiên mà hồi tháng 9 năm nay, bà Clinton tuyên bố sẽ trở lại Hà Nội để đưa Mỹ gia nhập Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á khi đứng cạnh ngoại trưởng Úc.
Bà xác nhận bà chịu ảnh hưởng của quan điểm về một cộng đồng châu Á- Thái Bình Dương mà ông Kevin Rudd nêu ra khi còn giữ chức thủ tướng Úc.
Việc chốt lại mắt xích Asean sẽ hoàn tất chiến lược liên kết vùng Đông Bắc Á, nơi Hoa Kỳ đã có các đồng minh truyền thống là Nhật và Nam Hàn, với Úc, New Zealand ở Đông Thái Bình Dương và Nam Á, nơi Ấn Độ đi đầu trong việc nối lại quan hệ với Mỹ.
Châu Á với Hoa Kỳ trước hết là kinh tế và chủ đề an ninh cũng bắt đầu từ an ninh năng lượng, lưu thông hàng hải.

Xóa bỏ ranh giới?
Tuy thế, khu vực Đông Nam Á vốn có tiếng là mềm mỏng, hoặc dễ tính trong ngoại giao, cũng vẫn là nơi Hoa Kỳ cần đi những bước chậm mà chắc.
Bình luận của Josh Rogin trên báo Indonesia gần đây nói Hoa Kỳ vẫn theo dõi chặt cuộc bỏ phiếu tháng 11 tới tại Miến Điện để xác định xem nên coi chính quyền này như thế nào.
Ngoài ra, sự thiếu thống nhất mang tính truyền thống trong Asean vẫn khiến Mỹ khó có một chính sách sâu sắc bên dưới các ngôn từ chung chung.
Và tất nhiên, câu hỏi lớn nhất, thường trực vẫn là phản ứng của Trung Quốc.
Martin Ott từ trung tâm Woodrow Wilson trong một bài viết gần đây đã tư vấn cho chính giới Mỹ rằng có cần có thái độ "tôn trọng một cách lành mạnh những hạn chế của các chính phủ Asean".
Các nỗ lực gần đây của Mỹ, theo ông Ott, đã khiến Asean tự tin hơn và dũng cảm hơn trước sự bành trướng và sách lược tạo những điều không minh bạch ở Biển Đông mà Trung Quốc đang thực thi.
Nhưng ông nói Hoa Kỳ không nên để một nước nào trong Asean phải đứng lên theo Mỹ để chống lại Trung Quốc.
Lý do là Trung Quốc có vị thế lớn và ngày càng tăng, xuất phát từ cội rễ trong lịch sử qua hệ thống triều cống, thần phục- tribute system - và cả nhờ mạng lưới người gốc Hoa trong vùng và ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ngày nay.
Bởi vậy, theo tác giả, Hoa Kỳ và Trung Quốc cần tạo ra đồng thuận trong quan hệ làm sao để đảm bảo các lợi ích của các nước Asean trong cách chơi "không quá nóng, không quá lạnh".
Mặt khác, chiến lược xóa bỏ cách biệt trong các tiểu vùng đòi hỏi Hoa Kỳ phải có tầm nhìn rộng và xa hơn trước nhưng cũng giúp cho việc 'bảo hiểm' các rủi ro tốt hơn.
Hướng đi này đã được Ấn Độ hoan nghênh.
Báo chí Ấn Độ nhấn mạnh phát biểu của Cố vấn An ninh Quốc gia, Shivshankar Menon nói tại Washington hồi tháng 9 rằng cần "xóa bỏ ranh giới giả tạo giữa Nam Á và Đông Á".
Bình về chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Obama sang Ấn Độ, cây bút  C. Raja Mohan viết trên báo Ấn hôm 15/10 rằng đề nghị của Hoa Kỳ muốn Ấn Độ đóng một vai trò lớn hơn để đảm bảo ổn định ở châu Á đang được đón nhận nồng nhiệt.
Ấn Độ hiển nhiên cũng muốn tăng cường quan hệ với Trung Quốc nhưng sẵn sàng cùng Mỹ đóng vai trò lớn hơn trong vùng.
Tại Hà Nội cuối tháng này, với sự hiện diện của lãnh đạo Mỹ và cả Nga, Hội nghị EAS trở nên có tính cộng hưởng và nạp vào (inclusive) hơn là loại ra.
Trong một cộng đồng đông đảo như vậy, hẳn Trung Quốc cũng sẽ phải xem xét lại chính sách đơn phương hay song phương trong các đối sách vùng.
.
.
.

No comments: