Thursday, October 14, 2010

HAI TIẾNG "CÁCH MẠNG" THIÊNG LIÊNG ẤY (Phần một) - LƯU HIỂU BA

Lưu Hiểu Ba
Trần Quốc Việt dịch
02/05/2010 | 6:00 sáng

Ở Trung Quốc cộng sản, không có từ nào thiêng liêng hơn hay phong phú hơn về sự phẫn nộ chính đáng và sức mạnh đạo đức cho bằng từ “cách mạng”. Nhân danh cách mạng, chế độ chuyên chế độc đảng và nền độc tài cá nhân được xác lập. Thường xuyên, nhân danh cách mạng, các phong trào chính trị vô nhân đạo được phát động. Nhân danh cách mạng, cá nhân bị tước đi tất cả các quyền họ đáng lẽ được hưởng. Nhân danh cách mạng, nền kinh tế bị huỷ diệt và nền văn hoá lịch sử bị lụi tàn. Tên của cách mạng thậm chí còn được dùng trong dịch vụ vệ sinh – trong việc diệt trừ ” bốn sinh vật có hại”, qua đó cúng ruồi và chim sẻ trên bàn thờ cách mạng. Người Trung Quốc đương thời quá say mê cách mạng, quá tôn sùng cách mạng. Mỗi người và mọi người đều vừa là nạn nhân vừa là người truyền bá của từ này – cách mạng: “Cách mạng công xã Paris”; “Cách mạng Tháng Mười”; “Cách mạng năm 1911″; “Cách mạng dân chủ cũ”; “Cách mạng dân chủ mới”; “Cách mạng xã hội chủ nghĩa”; “Cách mạng cộng sản”; “Trường kỳ cách mạng dưới chuyên chính vô sản”; “Đại cách mạng văn hoá”; “Cải cách là một cuộc cách mạng sâu sắc.” Người Trung Quốc đương thời gọi mỗi sự thay đổi trong xã hội hoặc là “cách mạng” hay là “phản cách mạng”. (Ví dụ, phong trào phản kháng năm 1989 được sinh viên nói đến như là “Đại cách mạng ủng hộ dân chủ và chống độc tài”; còn chính quyền lại xem đấy là “cuộc bạo loạn phản cách mạng”). Dù bày tỏ lòng biết ơn hay bất mãn, mọi người đều mượn tên của cách mạng để tăng thêm sức mạnh chính nghĩa cho lời nói của mình. Sự vay mượn này thậm chí đạt đến mức độ là người ta sẵn sàng nói: “cách mạng gia đình”, “cách mạng hôn nhân”, “cách mạng bùng nổ trong hồn người”, cũng như “chủ nghĩa anh hùng cách mạng”, “chủ nghĩa lãng mạn cách mạng”, “chủ nghĩa hiện thực cách mạng”, “văn học cách mạng”, “vợ chồng cách mạng”, “con cháu cách mạng”, “người thừa kế cách mạng”. Chính nghĩa cách mạng tự thân nó không cần đến điều kiện tiên quyết nào; trái lại, cách mạng là điều kiện tiên quyết cho chính nghĩa của bất kỳ sự gì khác. Bất kỳ ai hay bất kỳ chuyện gì, ta chỉ cần gán cho nó cái tên “cách mạng” là nó tự nhiên thành tiến bộ và thành chan chứa tình cảm chính đáng. Không ai nghi ngờ hay thậm chí hỏi: Thực ra cách mạng là gì? Hỏi cũng chả có lợi mà cũng chẳng cần phải hỏi. Tất cả những gì chúng ta làm và tất cả những gì chúng ta suy nghĩ đều là vì “tiến hành cách mạng đến cùng”!

Bất luận dù ta xét đến gốc từ nguyên và ý nghĩa hiện nay của từ hay mối liên quan về xã hội học, văn hoá, và tâm lý tập thể của sự áp dụng cụ thể, thực tế của từ này, từ cách mạng không thể nào dịch, như một từ hoàn toàn tương đương, ra tiếng Anh “revolution.” Trong tiếng Anh, từ “revolution” có ba nghĩa rạch ròi: (1) quay tròn; (2) Sự thay đổi lớn, cơ bản trong xã hội; và (3) việc sử dụng bạo lực để tạo ra sự chuyển giao quyền lực chính trị.[1] Đáng chú ý là, trong tiếng Anh, từ “cách mạng” không hàm chứa nhiều liên tưởng về chính nghĩa thiêng liêng như từ cùng nghĩa trong tiếng Trung Quốc. Tuy nhiên, trong tiếng Trung Quốc, nghĩa xưa nguyên thuỷ của từ “cách mạng” là mệnh trời mà các hoàng đế vay mượn hay chấp nhận để mở đầu một triều đại mới; từ này mang một ý nghĩa thiêng liêng và là sự biện minh liên quan đến việc thực hiện ý trời. Trong thời hiện đại, dù trong “cuộc cách mạng chưa hoàn tất” của Tôn Trung Sơn hay trong “tiến hành cách mạng đến cùng” của Mao Trạch Đông, từ cách mạng gợi lên một ý nghĩa hết sức thiêng liêng và một chính nghĩa thái quá. Đặc biệt kể từ khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền, “cách mạng” đã trở nên một từ thiêng liêng, thuần tuý. Ví dụ, “cách mạng vô sản là một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa công bằng nhất, sâu sắc nhất, vĩ đại nhất trong lịch sử loài người”. “Cách mạng” có sự công bằng cố hữu, bất khả xâm phạm như “các quyền tự nhiên” trong lịch sử gần đây của phương Tây. Khi chúng ta xem xét cấu tạo của từ này, chúng ta thấy rằng cách mạng là sự kết hợp động từ và túc từ. “Cách” là động từ, nghĩa là “thay đổi, loại trừ, hủy bỏ, tước đi.” Còn từ “mạng,” nghĩa là “mệnh trời, mệnh lệnh, sinh mạng.” Hợp chung lại với nhau, “cách mạng” có nghĩa là “thay đổi xã hội” hay “cách cái mạng của ai đó.” Chẳng hạn, “cách chức” ám chỉ đến “huỷ bỏ một chức vụ” hay “tước đi các quyền hành”. Như thế, ngay cả khi ta chỉ xem xét các từ hợp thành không thôi, từ “cách mạng” trong tiếng Trung Quốc luôn có một giá trị về chính nghĩa không-thể -nào-bị -hoài – nghi và một giá trị về sự thiêng liêng không-thể -nào-bị -báng -bổ. Đây là một trong những từ được dùng thường xuyên nhất trong kho từ vựng của Đảng Cộng sản.

Ở Trung Quốc sau năm 1949, khi được xét đến từ các góc độ về xã hội học, văn hoá, và tâm lý tập thể, từ “cách mạng” đã ám chỉ đến sự công bằng, đúng đắn, đức hạnh, vận may, và thiêng liêng. Nó cũng ám chỉ đến quyền lực cao nhất; sở hữu được cuộc cách mạng là đã giành được điều mà Tony Saich (trong Chương 12) gọi là “vốn biểu tượng.” Thật không thể nào bày tỏ sự nghi ngờ hay chống đối lại “cách mạng” được. “Cách mạng” ám chỉ đến sự tận tụy, hy sinh, can đảm, không ngại hiểm nguy, lý tưởng, và cảm tình lãng mạn. Nó ám chỉ đến sự trường tồn và sức sống tràn trề. Tất cả những gì ta phải làm là chỉ cần nói “vì cách mạng…” Nó luôn luôn chứng tỏ một ý chí sắt đá, một sự sẵn sàng “chết chín lần không tiếc”. “Cách mạng” ám chỉ đến công bằng và lẽ phải của “đau khổ quá tất sinh ra căm thù sâu sắc”, của đổ máu bạo lực, và của cuộc đấu tranh tàn nhẫn. “Cách mạng” thôi thúc căm thù và bần hàn. Nếu có cách mạng, tất phải có căm thù. Hễ ai nghèo nhất thì cũng cách mạng nhất. Vì thế Mao Trạch Đông gọi cuộc cách mạng do ông lãnh đạo là “một phong trào của những kẻ khốn cùng”. “Cách mạng” ám chỉ đến tính chất không nhân nhượng, không thoả hiệp, không khoan dung, không hợp tác – công lý cực đoan không biểu lộ lòng vị tha; càng cực đoan, càng quá khích, càng chuyên chế thì lại càng cách mạng. Lòng trung thành của ta không thể nào dao động trong bất kỳ hoàn cảnh nào. “Cách mạng” ám chỉ rằng nổi dậy là chính đáng; rằng hành động cá nhân rất mờ nhạt trước vầng thái dương là hành động được thực hiện nhân danh cách mạng. Cho dù cách hành xử có tàn bạo đến đâu, hành động có mù quáng và thiếu cân nhắc đến đâu, phong trào có vô lý đến đâu -nếu nó có thể được gán cho tên “cách mạng”, thì nó trở nên hợp lý và có thể được thực hiện một cách lạnh lùng.

Trong hệ thống giáo dục của Đảng Cộng sản, nỗi ám ảnh về “cách mạng” đã khiến ta đánh mất lòng nhân đạo và lý trí của mình, đánh mất đi lương tâm xã hội và lòng độ lượng của mình, đánh mất đi những tiêu chuẩn cơ bản nhất về phải và trái, và ngay cả đánh mất đi sự phân biệt giữa thiện và ác. “Cách mạng” đã khiến chúng ta phát điên. “Cách mạng” đã khiến chúng ta ngột ngạt. “Cách mạng” đã khiến chúng ta  hư hỏng đến nỗi chúng ta mất đi khả năng cảm thấy tôn kính, sợ hãi, hay khiêm nhường. Phong trào phản đối năm 1989 lại một lần nữa đã chứng tỏ rằng “cách mạng” vẫn thắng thế. Nọc độc của “cách mạng” ngấm quá sâu trong lòng chúng ta, do đó chúng ta thường xuyên trở thành  những vật hy sinh vô thức cho sự nghiệp công bằng cách mạng. Chúng ta vẫn còn say đắm với “cách mạng”.

Cách mạng là ngày hội của những người bị áp bức và những người bị bóc lột

Mặc dù chúng ta đã trải qua sự tàn ác chưa từng có của “Phong trào chống hữu khuynh” và “Đại cách mạng văn hoá”, chúng ta vẫn còn không thật sự ý thức về sự rùng rợn và tàn độc của “cách mạng”. Dù mười năm cải cách đã làm dịu đi tính chất thiêng liêng của “cách mạng” và làm suy yếu nền văn hoá chính trị đã được xây dựng trên nền tảng của cuộc đấu tranh giai cấp, chúng ta vẫn còn tôn thờ “cách mạng” trong tận xương tuỷ. Chúng ta vẫn là “những người thừa kế cách mạng”. Ngay khi chúng ta nhập vào một phong trào chính trị lớn, lòng say mê “cách mạng” của chúng ta chợt dâng cao; ngay khi lửa cách mạng được thắp lên, nó cháy bùng lên thành ngọn lửa cao ngất trời thiêu tan mọi thứ. Bất luận là phong trào thuộc về cực hữu hay cực tả, chuyên chế hay dân chủ, tiến bộ hay phản động, “cách mạng” đều thay thế tất cả. Từ trong bất kỳ khuynh hướng nào cũng đều có thể khích động lòng tôn thờ “cách mạng” cuồng nhiệt của chúng ta. Phong trào năm 1989 một lần nữa là cuộc “cách mạng vĩ đại” của quần chúng tiến bước tới dân chủ. Cho dù kết cục của nó có bi kịch, đẫm máu, nhiệt tình cách mạng vốn nằm im lìm trong gần mười năm lại một lần nữa trỗi dậy làm chủ chúng ta; cuối cùng, nó lại bộc lộ sinh lực và năng động của nó. Đây là một cơ hội làm lay động đất trời. Tất cả mọi người đều muốn lợi dụng cơ hội này để tạo nên kỳ tích, một thành tựu thật lớn để gây ấn tượng cho bao thế hệ đến sau.

Các sự kiện trong tháng Năm năm 1989 khiến ta nhớ đến lời tuyên bố nổi tiếng của Lenin: “Cách mạng là ngày hội của những người bị áp bức và những người bị bóc lột”.[2] Các đám đông kéo đến Quảng trường Thiên An Môn để biểu tình và diễu hành thoạt đầu đi bộ đến; rồi sau đến từng nhóm đi xe đạp, xe ba bánh, và sau cùng đến bằng xe máy và ô tô. Tiếng máy xe nổ ầm ĩ, cờ phướn phất phới, biểu ngữ giăng đầy, hết khẩu hiệu này đến khẩu hiệu khác được đua nhau hô vang trời, đâu đâu cũng thấy dấu hiệu chữ “V” (tượng trưng cho “chiến thắng”), và những nụ cười nở rộng trên khuôn mặt mọi người – tất cả những yếu tố này đã tạo nên bầu không khí hân hoan như thể đây là một cuộc trình diễn nghệ thuật ngoài trời. Một biểu ngữ khổng lồ, dài hàng chục mét, căng ngang Viện Bảo tàng Lịch sử Cách mạng, hiển hiện chỉ một từ “Thức tỉnh”. Những sinh viên tuyệt thực tiếp tục đổ vật xuống; các bác sĩ trong áo choàng trắng chạy lui chạy tới như con thoi, và tiếng còi hụ của các xe cứu thương rú lên liên hồi. Cảm giác bi kịch về cái chết cho chính nghĩa đang đến gần càng tăng thêm bầu không khí phấn khích như trong cuộc trình diễn của Quảng trường. Các sự kiện liên hoan trên Quảng trường, trong đó sinh viên đại học là các diễn viên chính, đã thu hút các nông dân, công nhân, binh lính, cán bộ, thương gia, nhà doanh nghiệp, trí thức, và có cả một vị giáo sư tóc bạc chống gậy đi lần bước qua những hàng người đang bày tỏ sự ủng hộ của họ dành cho sinh viên. Một phụ nữ về hưu luống tuổi, mặt in hằn những vết nhăn, ngồi trên chiếc xe ba bánh do con trai kéo. Bà cũng làm dấu hiệu chữ “V” tượng trưng cho chiến thắng. Những em học sinh trung học và tiểu học mang biểu ngữ và giơ cao nắm đấm ủng hộ các anh chị của mình. Những cháu bé học mẫu giáo, theo sự hướng dẫn của các cô giáo họ gọi là “các cô”, vẫy những lá cờ ba cạnh rực rỡ, cũng hòa mình vào niềm vui chung. Rồi đến những vị tu hành đầu cạo trọc, mình mặc áo sòng, vừa tụng kinh vừa gõ “cá gỗ”. Tất cả các nhân tố đa dạng này đan quyện vào nhau khiến cho người ta có cảm tưởng sai lầm rằng đây là một cuộc cách mạng sắp sửa thành công. Tất cả điều này làm đậm đà thêm bầu không khí hân hoan. Quảng trường tưng bừng như trong những ngày lễ Quốc khánh hay trong ngày lễ Quốc tế Lao động hằng năm, lại càng giống như một quảng trường nơi các đám đông mừng vui đổ xô về ngay giữa khi một “cuộc cách mạng” đang diễn ra. Quả thật phong trào phản kháng năm 1989 đã làm cho mỗi người tham gia đều hân hoan nhảy múa trong niềm hoan hỷ phấn chấn. Khởi đầu vào ngày 1 tháng Mười năm 1949, khi Mao Trạch Đông dẫn đầu buổi lễ thành lập nhà nước, từ đấy hằng năm những lễ hội tương tự đều diễn ra ở Quảng trường Thiên An Môn. Cách đây bốn mươi năm, Mao Trạch Đông, lòng đầy tự tin, tuyên bố cách mạng thành công; bốn mươi năm sau, những nhà lãnh đạo trẻ của sinh viên đại học và các trí thức nổi tiếng, lòng cũng ngập tràn tự tin, đang nôn nao chờ đợi thời khắc thành công của cuộc cách mạng “mới nhất”. Chúng ta tưởng rằng chế độ độc tài của Đặng Tiểu Bình thật sự có thể đến hồi cáo chung ở ngay giữa lòng cuộc cách mạng long trời lở đất này; chính quyền của chế độ chuyên chế độc đảng thật sự có thể sụp đổ giữa “rừng” cánh tay đưa lên. Có bao nhiêu bậc anh hùng trong thời điểm đó mơ tưởng đến những vai trò họ muốn đóng sau khi họ đạt danh tiếng? Bầu không khí cách mạng hân hoan ấy khiến ta không thể nào nhìn thẳng vào hiện thực chính trị của Trung Quốc và vào sự ổn định của chế độ cai trị của Đảng Cộng sản. Không chỉ đơn thuần là Đảng Cộng sản nắm chặt trong tay toàn bộ guồng máy chính quyền cũng như nắm quân đội mấy triệu người; mà cũng đúng là, qua mười năm cải cách và tự do hoá về kinh tế, Đặng Tiểu Bình đã giành được sự ủng hộ của nhân dân. Chúng ta lại lầm tưởng sự bất mãn trong nhân dân về một số vấn đề liên quan đến cải cách là sự mất hy vọng hoàn toàn vào chế độ Đặng Tiểu Bình. Chúng ta nghiêng về ý kiến cho rằng, với sự ủng hộ của quần chúng, Triệu Tử Dương sẽ thay thế Đặng Tiểu Bình. Tuy nhiên, chúng ta không thể nào đánh giá hợp lý những thành công và những thất bại của mười năm cải cách và tự do hoá về kinh tế. Chúng ta những nhà trí thức nổi tiếng, xuất phát từ quyền lợi riêng của mình (từ sự xuống giá của tri thức trước cơn thuỷ triều đang lên của hàng hoá đến mức sống tương đối sút kém của giới trí thức, vân vân), đã hưởng ứng sự hoài nghi trong nhân dân về các chiến dịch “bài trừ tham nhũng” và “chống tự do hoá về kinh tế” rồi phóng đại ý nghĩa của nó lên thành sự hoài nghi chung cho tất cả các chính sách quản lý của Đặng Tiểu Bình. Thực tế cho thấy, mặc dù nhân dân có bất mãn về một số vấn đề liên quan đến cải cách và mặc dù các chiến dịch “bài trừ tham nhũng” và “chống tự do hoá về kinh tế” đã hơi làm sút giảm uy tín của Đặng Tiểu Bình, nhưng nhân dân vẫn thừa nhận rằng trong thời của Đặng Tiểu Bình (ngược lại với thời đấu tranh giai cấp của Mao Trạch Đông) toàn bộ mọi nỗ lực đều được tập trung vào việc phát triển kinh tế và nâng cao mức sống. Điều này đã tạo ra sự ủng hộ sâu rộng trong nhân dân và tạo ra một tính chính danh vững chắc và thực tế. Sự suy giảm lòng dân và tính chính danh thực tế do các chiến dịch “bài trừ tham nhũng” và “chống tự do hoá về kinh tế” chủ yếu giới hạn trong giới trí thức. Còn quần chúng chỉ đòi hỏi là họ làm ra tiền và mức sống của họ được tăng dần lên. Khi những yêu cầu này được đáp ứng, quần chúng không muốn từ bỏ hoàn toàn chính quyền hiện nay, hay bác bỏ hoàn toàn các chính sách cai trị của Đặng Tiểu Bình. Khách quan mà nói, so với thời Mao Trạch Đông, những thay đổi ở Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình – sự tiến bộ của chính đảng cai trị và sự thức tỉnh trong ý thức của quần chúng – đã làm kinh ngạc thế giới. Những thay đổi và tiến bộ to tát mà mười năm cầm quyền của Đặng Tiểu Bình đã mang đến cho Trung Quốc lớn lao hơn những thay đổi và tiến bộ mà mười năm của Mao Trạch Đông có thể tạo ra. Chúng ta không thể, chỉ vì sự độc tài của Đặng Tiểu Bình, mà phủ nhận sạch trơn những thành quả của cải cách. Chế độ cai trị chuyên chế của Đảng, việc bắn chết dân, sự chuyên chính – tất cả những cái này đều là những cái ác cần phải sửa đổi, nhưng khi chúng ta đối diện với những thực tế của Trung Quốc, chúng ta thừa nhận rằng sự sửa đổi này phải từ từ, ôn hoà, và lâu dài. Chúng ta không chỉ phải dựa vào áp lực chính trị từ nhân dân mà thậm chí cũng phải dựa nhiều vào sự tự cải cách của Đảng Cộng sản. Nếu áp lực chính trị trong nhân dân vượt quá khả năng thật sự của những kẻ đang nắm quyền để chịu đựng được áp lực này, phản ứng nó gây ra sẽ không đẩy nhanh sự tự cải cách của Đảng Cộng sản và quá trình dân chủ hóa. Ngược lại, nó sẽ làm gián đoạn hay làm trì hoãn quá trình này. Bài học từ cuộc đổ máu của ngày 4 tháng Sáu rõ ràng đã nói lên điều này. Hơn nữa, sau ngày 4 tháng Sáu, Đặng Tiểu Bình đã nhanh chóng khôi phục lại trật tự xã hội. Đảng Cộng sản một lần nữa giành lại sự kiểm soát chặt chẽ về tình thế. Điều này chứng tỏ quyền lực của Đặng Tiểu Bình không chỉ dựa vào trấn áp bạo lực và khủng bố đẫm máu. Quyền lực này cũng phụ thuộc vào sự ủng hộ của nhân dân tích luỹ được trong mười năm cải cách. Máu của ngày 4 tháng Sáu hoàn toàn không đảo ngược sự ủng hộ này trong nhân dân. Đặng Tiểu Bình chỉ cần tiếp tục kiên trì cải cách và phát triển kinh tế. Nếu Đảng Cộng sản kiên trì hoàn thiện chính mình, chế độ cai trị của Đặng Tiểu Bình chắc chắn không đổ nhào bất ngờ được. Hiện thực trước ngày 4 tháng Sáu, sự kiện về cuộc Thảm sát ngày Bốn tháng Sáu, và thực tế về sự thực hiện cương quyết các cải cách sau ngày 4 tháng Sáu tất cả đều bộc lộ một sự thật, mà chúng ta, những người tham gia trong phong trào ngày Bốn tháng Sáu, về mặt cảm tính không muốn chấp nhận, nhưng về mặt trí thức chúng ta phải chấp nhận, đó là ở Trung Quốc ngày nay con đường ít tổn thất nhất để tiến tới dân chủ hóa và hiện đại hóa là con đường tự cải cách của Đảng Cộng sản. Áp lực chính trị từ xã hội dân sự chỉ có thể đẩy mạnh một cách chừng mực sự tự cải cách loại này. Một chút bất cẩn thậm chí cũng có thể dẫn tới một bi kịch còn lớn hơn bi kịch của ngày Bốn tháng Sáu. Vì chúng ta đã nhìn thấy được hiện thực chính trị Trung Quốc đúng như thực trạng của nó hiện nay, chúng ta hãy quay trở lại phong trào phản kháng năm 1989. Chúng ta bắt đầu nhận thấy rằng, do bị chính nghĩa cách mạng quyến rũ, chúng ta đã từ bỏ lý trí của chúng ta. Chúng ta không có cách nào biết được một cách khách quan là trong gần một triệu người tập trung ở Quảng trường Thiên An Môn thời ấy có bao nhiêu người hoàn toàn bất mãn với các cải cách. Có bao nhiêu người biết rằng bốn mươi năm bi kịch ở Trung Quốc đã xảy ra là do những thái quá điên cuồng của chế độ chuyên chế? Có bao nhiêu người tham gia được hướng dẫn bởi một khái niệm dân chủ rõ ràng và chắc chắn? Ảo vọng được tạo ra từ sức sống của phong trào trong thời điểm đó đã khiến chúng ta không để tâm đến những hậu quả kinh khủng phát sinh từ sự leo thang liên tục của phong trào và cũng đã khiến lòng tin của chúng ta vào chính nghĩa dân chủ ngày càng trở nên xa cách với hiện thực chính trị và lòng tin ấy trở thành sự suy đoán vô lý rằng dân chủ sắp sửa ngự trị ở Trung Quốc.

Do được sinh ra từ mười năm cải cách, Phong trào ngày Bốn tháng Sáu thấy mình trong một môi trường tự do nhất kể từ năm 1949, và môi trường này vừa được khích lệ bởi khuynh hướng dân chủ hoá toàn cầu, vừa lại xem mình được bảo vệ bởi những yêu cầu về nhân quyền của các nước dân chủ phương Tây; phong trào chống lại chế độ chuyên chế và kêu gọi dân chủ một cách chính nghĩa quá đáng. Bi kịch là ở chỗ chúng ta chỉ ý thức theo đuổi dân chủ, ý thức sự thật là dân chủ hoá là một khuynh hướng toàn cầu và là chiều hướng tương lai của Trung Quốc, ý thức đến công luận như được diễn tả qua các đám đông ồn ào ở Quảng trường, ý thức rằng cả thế giới đồng lòng ủng hộ chúng ta như được chứng tỏ qua cảnh vô số các phóng viên nước ngoài xúm xít quanh chúng ta; chúng ta một lần nữa lại bị choáng ngợp bởi chính nghĩa của chủ nghĩa lý tưởng lãng mạn. Chúng ta quá chính nghĩa, quá táo bạo, và quá tự tin. Chúng ta quá say sưa. Vì thế, chúng ta quên hẳn một điều là hiện thực Trung Quốc thiếu những điều kiện cho sự hình thành bất ngờ một xã hội dân chủ. Chúng ta không ý thức rằng, mặc dù dân chủ hoá chính trị là điều cần phải có trước tiên cho công cuộc hiện đại hoá của Trung Quốc, nhưng nó hoàn toàn không phải là điều kiện trước tiên duy nhất. Nếu không có dân chủ hoá về chính trị, các cải cách hiện nay ở Trung Quốc không thể nào lâu dài và sâu sắc được. Nhưng nếu trọng tâm cải cách chỉ nghiêng quá nhiều sang tự do hoá về chính trị, thì không thể nào tạo ra sự thay đổi theo chiều hướng dẫn đến cải cách và hiện đại hoá. Ở Trung Quốc ngày này, dân chủ hoá không phải là liều thuốc tiên, vì Trung Quốc thiếu những điều kiện thích hợp. Không những chỉ đúng là do nắm chắc quyền lực chính trị, Đảng Cộng sản không thể chấp nhận một hệ thống chính trị thực thi quyền hành đa đảng (hay đa nguyên về chính trị); mà còn đúng là quần chúng vẫn chưa hiểu đủ thấu đáo các quyền dân chủ nên không thể sử dụng các biện pháp pháp lý để bảo vệ mình trong cuộc đấu tranh cho quyền cá nhân. Qua sự thất bại của phong trào, chúng ta càng thấy rõ một điều là chúng ta những sinh viên đại học và trí thức, những người được gọi là “những người lính dân chủ”, và “các ngôi sao dân chủ”, chỉ hiểu dân chủ trên giấy tờ và trên lý thuyết mà không có kiến thức “khả thi” về dân chủ hành động, thật sự. Chúng ta không hiểu cách thiết lập và thực thi dân chủ như một hệ thống chính trị hay như một tập hợp tổng quát các thủ tục pháp lý. Giáo sư Phương Lệ Chi, người được xem là Sakharov của Trung Quốc, đã từ bỏ một cơ hội rất lớn để sử dụng các biện pháp pháp lý nhằm bảo vệ nhân quyền cơ bản của ông ngay cả trước phong trào phản kháng năm 1989. Vụ ông bị công an ngăn cản không cho đến tham dự bữa tiệc do tổng thống Mỹ Bush mời đã trôi qua gần như hoàn toàn không ai hay biết. Lưu Tân Nhạn, người được mệnh danh là lương tâm của Trung Quốc, có những quan điểm chính trị khác với quan điểm chính trị của phong trào. Trong thời gian trước phong trào phản đối năm 1989, ông vẫn nhất mực bảo vệ chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa xã hội và ủng hộ khái niệm “Loại Trung thành thứ Hai”.[3] Vì lẽ ấy, khả năng xuất hiện một lực lượng đối lập nổi tiếng, từ tập thể các trí thức vẫn chưa học xong bài học vỡ lòng về dân chủ này, là cực kỳ thấp. Phong trào phản kháng năm 1989 được sinh ra từ những nhân tố tổng hợp này chỉ có thể là sự thể hiện tượng trưng cho một ý thức đã định hình. Dân chủ chúng ta theo đuổi trong suốt phong trào lại quá trống rỗng, quá cảm tính, và không vượt qua được giai đoạn phấn khích, lãng mạn của những khẩu hiệu sáo rỗng và chủ nghĩa lý tưởng của ý thức mới thành hình của chúng ta. Phần lớn những phương tiện và cách thức chúng ta sử dụng để động viên quần chúng đều là những thứ đã được chính Đảng Cộng sản dùng đến nhiều lần trước đây. Chúng ta theo đuổi sự thay đổi trên phạm vi lớn, song lại sáo rỗng, giật gân, và chúng ta  không muốn đưa ra những yêu cầu từng điểm một, cụ thể, cũng như không sẵn sàng thật sự thực hiện tầm nhìn của mình. Điều này khẳng định là chúng ta vẫn còn không hiểu rằng dân chủ hoá không chỉ là một lý tưởng, không chỉ là một cảnh tượng hoành tráng; nó còn là một quá trình thật sự, cụ thể, rất chi tiết, thậm chí đến cả tẻ nhạt để xây dựng và áp dụng những thủ tục dân chủ. Về nhiệm vụ cụ thể để thực sự tạo ra một xã hội được điều hành một cách dân chủ và hoạt động tốt, chúng ta cũng giống như Đảng Cộng sản: cả hai ta đều phải bắt đầu từ đầu.

Những ngày vui cách mạng ấy, tuy làm lay động cả thế giới song do được nâng đỡ bởi chính nghĩa dân chủ lớn lao nhưng lại trống rỗng của chúng ta, đã dẫn chúng ta đi sai đường. Đối với chúng ta, những trí thức nổi tiếng, lúc nào hai tiếng dân chủ cũng ở trên đầu môi, dân chủ hoá ra là một nỗ lực phức tạp hơn chúng ta tưởng.
(còn tiếp)

Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt
Bản tiếng Việt © 2010 talawas


[1] Những cắt nghĩa rất tường tận nhưng rất khác về mặt cấu trúc đối với sự hiểu biết của Tây phương về từ “cách mạng”, và những cách hiểu này đã thay đổi theo thời gian. Xem Raymond Williams, Keywords: A Vocabulary of Culture and Society (Oxford: Oxford University Press, 1983), revised edition, pp. 270-274; Mona Ozouf, “Revolution,” trong François Furet and Mona Ozouf, eds., A Critical Dictionary of the French Revolution (Cambridge: Harvard University Press, 1989), pp. 806-817; và John Dunn, “Revolution,” trong Terrence Ball et al., eds., Political Innovation and Conceptual Change (Cambridge: Cambridge University Press, 1989), pp. 333-351. Ed.
[2] Stephan T. Possony, ed., The Lenin Reader (Chicago: Henry Regnery, 1966), p. 349. Ed.
[3] Xem Jonathan D. Spence, The Search for Modern China (New York: Norton, 1990), p. 726, mô tả ngắn gọn ý niệm về sự trung thành của Lưu Tân Nhạn. Đặc điểm chính của loại trung thành này là niềm tin rằng những người ủng hộ Đảng có thể nên chỉ trích những hành động sai trái cụ thể của các quan chức mà họ không bị xem là không trung thành; những sự chỉ trích như vậy, nhà báo này cho rằng, thực sự củng cố Đảng Cộng sản Trung Quốc thay vì làm Đảng suy yếu.
.
.
.

No comments: