Dương Đình Tường
20/10/2010 07:00
Chất lượng của loại rau đại trà vẫn bán ở chợ, vẫn có mặt trong hầu hết bữa ăn gia đình chúng ta hàng ngày ở mức nào? Qua nhiều ngày lần mò khắp các chân rưộng rau, NNVN đã chứng kiến cảnh bà con đánh thuốc kinh hoàng. Khó có thể nói khác hơn, là nhiều nông dân trồng rau đang "hạ độc" người tiêu dùng.
Càng to, càng trắng càng đậm thuốc sâu
Vùng bãi sông Hồng của huyện Văn Giang (Hưng Yên) vốn nổi tiếng là vựa cây cảnh, cây ăn quả và rau chuyên cung cấp cho Hà Nội. Chọn một xã nổi tiếng nhất là Thắng Lợi nơi có 54 ha rau bốn mùa, tôi tìm ra đồng. Khắp nơi ngổn ngang vỏ thuốc sâu, thậm chí chính anh cán bộ xã dẫn tôi đi còn dễ dàng tìm được một loại thuốc sâu TQ nhập lậu có tên Tập Kỳ chỉ rặt chữ Tàu, không hề có nhãn phụ.
Đã gần chính Ngọ nhưng chị Triệu Thị Nhất xóm Sâm Hồng vẫn miệt mài cắt gốc những cây cải bẹ Đông Dư, xếp thành từng bó. Rau năm nay mưa nắng thất thường, phải tưới đẫm thuốc sâu mà năng suất chỉ bằng phân nửa vụ trước nhưng được cái rất có giá. Chị Nhất kể về kinh nghiệm BVTV của mình: “Cải củ đánh thuốc gấp đôi cải bẹ. Trồng được một tuần phải đánh chặn đầu bọ nhảy để phòng nó từ lá bò xuống củ gây ghẻ, không lớn được, củ chỉ cóc cách như ngón tay, ngón chân. Nếu gần ruộng nhà nào mới nhổ cải, thì ruộng nhà mình bị bọ bám đen đặc phải cách một ngày đánh một lần. Nếu không có bọ (rất ít khi thấy-PV) cứ 10 ngày đánh một lần, còn bình quân ba ngày đánh một lần Bác xa (Bassa 50EC). Ngoài đánh Bác xa cũng phải đánh Sẹc giôn (Selesron 500EC) để phòng sâu ăn lá".
Vỏ bao thuốc sâu vứt đầy đồng
Chị Nhất thật thà: "Vụ này chồng tôi bị đau lưng nên ruộng cải củ đánh thuốc cũng ít, chỉ khoảng 6-7 lần, chứ nhà nào chăm họ đánh thuốc hàng chục lần thì củ cải mới trắng tinh, mới nuột chứ củ bị đen, bị ghẻ không ma nào mua, hỏng ăn ngay”. Cũng theo lời chị Nhất trong khi trồng củ cải, thuốc Basudin (thuốc trừ sâu dạng bột, rất độc-PV) vẫn được dùng để chống nhậy, kiến dế cắn rễ. Thuốc được rắc thẳng xuống đất trước khi gieo. Nhà chị Nhất vụ này không dùng Basudin chứ mọi nhà vẫn áp dụng.
Cải bẹ Đông Dư một tuần đánh thuốc một lần, nửa tháng cuối không đánh. Thuốc Avil đánh cho dầy lá, Vibasa đánh từ bọ nhảy, Selecron đánh bọ nhảy, Tập Kỳ (TQ) cũng đánh bọ nhảy. Rau khi lên được 5-7 ngày phải tỉa ăn trước rồi mới đánh thuốc. Cũng theo kinh nghiệm của nông dân thôn Sâm Hồng đúc rút từ những xương máu thị trường, thuốc Sẹc giôn đánh mùi rất nặng, dăm bữa nửa tháng vẫn còn vương, còn ngửi thấy nên thường chỉ đánh cho củ cải vì khi luộc, xào dưới nhiệt độ cao chúng sẽ hết mùi còn cải bẹ ít đánh thuốc này vì có nhiều nhà muối dưa, mở ra sực nức mùi thuốc sâu, phải đổ đi cả vại. Loại dưa muối đã có thuốc của dưa muối.
Những loại thuốc thường được dùng
Phải đánh chuyên trị bằng Bác xa vì thuốc này chỉ 3-4 ngày hết mùi, dân còn “nghe đồn” chỉ phun 3 ngày là ăn được tốt. Chị Nhất thực lòng với tôi rằng: “Không mấy ai xem hướng dẫn sử dụng khi phun thuốc. Bình hỏng chúng tôi mới phải mặc áo mưa khi phun vì sợ nó thủng chảy ướt hết lưng chứ bình lành cũng không cần. Mỗi lần phun tôi thường tiện thể kết hợp cả thuốc mỡ cùng Sẹc giôn với Bác xa để trị đủ thứ sâu bệnh, bọ nhảy cũng như đục thân”.
Ông Triệu Văn Cẩn cũng ở xóm Sâm Hồng có 3,8 sào rau chủ yếu là cải củ dường như rất tự tin với kinh nghiệm đánh thuốc thuộc diện “chắc nịch tay” của mình. Ông cho hay: “Tôi thường sử dụng Sẹc giôn. Cứ một lọ pha ra bốn bình 20 lít. Cải gieo được 5 ngày là bắt đầu đánh. Giai đoạn từ 20-35 ngày phải tập trung nhất, cứ hai ngày đánh một lần vì lúc này cây đang tầm nứt củ (lớn củ), sơ sẩy cái là bị ghẻ ngay. Ngoài đánh Sẹc giôn cải củ cũng phải đánh Man và Zizumin (Ridomil Gold 68WP) cho bốc cây, Sun phát đồng để chống nấm cho thân thêm cứng cáp. Nói chung là cứ đánh đến thời điểm 1 tháng 15 ngày trước khi thu hoạch 5 ngày mới thôi” (điều này rất hại khi thuốc Man có thời gian cách ly 10 ngày, Selecron 7 ngày-PV).
Khoát tay chỉ cho tôi luống cải xanh mướt, ông Cẩn nhổ tung rễ, rũ rũ đất đen ra khỏi thân củ trắng phau phau, mướt rượt, cười hỉ hả: “Vụ này củ cải được giá, bán tại nơi cũng phải 5.000đ/kg gấp đôi năm ngoái đấy. Ruộng rau này đã trồng được 1 tháng 13 ngày, chỉ tuần nữa là thu hoạch thôi. Tổng thu cỡ 9 triệu/sào, trừ tất chi phí 2 triệu, còn lãi 7 triệu cho một tháng rưỡi, thế là tốt quá rồi?”.
Vậy bác đánh bao lần thuốc rồi cho ruộng này rồi? Tôi hỏi. Ông Cẩn lần đốt ngón tay, nhẩm một hồi lâu: “10 lần Sẹc giôn, 2 lần Sun phát đồng, 1 lần Zizumi, 1 lần Man, vị chi là 14 lần cho hơn một tháng. Trời mà mưa nhiều trôi mất thuốc lại đánh tiếp hôm sau không có sâu cắn phá hết. Hôm nào pha dôi, thuốc còn thừa, phun xong ruộng rồi tôi quay lại phun tiếp cho kỳ hết. Để tiết kiệm công phun, tôi cũng thường trộn Sẹc giôn với Man cùng phun một lúc trừ bọ nhẩy, chống nấm đen”.
Giun đất chết đầy rẫy ngoài đồng vì thuốc sâu
Chắc tay trong phòng ngừa sâu bệnh là thế nhưng khi tôi hỏi ông Cẩn thời gian cách ly của thuốc cũng như các màu chỉ thị độ độc in trên nhãn mác như đỏ, xanh, vàng…đối với ông cũng như đa số người dân Thắng Lợi chỉ để… đẹp, để…trang trí chứ không có tác dụng cảnh báo như nhà sản xuất mong muốn.
Chị Vũ Thị Nhuần trồng 4 sào cải Đông Dư, cải củ bảo tôi rằng: “Cả làng dùng thế, quen thế rồi, trồng cải cứ phải nhà anh Bác xa với Sẹc giôn mà phun. Chính tôi cũng chẳng thế nhớ hết được số lần phun nhưng cứ định kỳ, chẳng có sâu bệnh gì cũng phun cho yên tâm, lắm khi ngoáy cả nắp thuốc Sẹc giôn vào thùng, bàn tay dính thuốc dù có rửa xà phòng cũng phải mấy ngày mới hả mùi. Đám cải Đông Dư cũng phải đánh sâu ăn lá thường xuyên mới có ăn.
-------------------
+ Nhân thể có tôi về, chị Nhuần cũng gửi gắm một hiện tượng rất lạ:“Nhà chú ở trên cho chị hỏi hồi này sao có nhiều nhà trong thôn mua phải giống củ cải dại thế? Lá cứ to như lá bàng còn củ chỉ nhỏ bằng ngón tay, ngón chân đóng bao bì viền trắng của Cty TNHH Minh Tiến ấy. Xóm tôi rất nhiều người bị rồi, trồng lên 20 ngày mới biết là rau dại, thiệt hại nhiều lắm!”.
+ Quan sát trên đồng ruộng các vùng rau tôi qua, không khỏi rùng mình khi mặt đất trắng lốp vỏ chai, lọ, gói thuốc trừ sâu. Cố khéo léo tránh nhưng mỗi bước chân tôi đặt trên mặt ruộng hay rãnh nước lại dẵm phải vô số xác giun dế, côn trùng, tuyến trùng từ dưới đất trồi lên, chết thối đầy rẫy vì ngộ độc thuốc BVTV.
.
.
.
No comments:
Post a Comment