Wednesday, October 13, 2010

GS PHẠM MINH HOÀNG SẼ NÓI GÌ TRƯỚC PHIÊN TÒA "LẬT ĐỔ CHÍNH QUYỀN" ?

Sphinx 2.0
Oct 12, '10 1:18 PM

- Lê Công Định đã nhận tội vì anh ấy là 1 luật sư. Còn tôi, tôi cũng đã nhận tội vì tôi không phải là 1 luật sư như anh ấy! 

Thưa quý tòa, ủy ban công tố, các vị luật sư và toàn thể quý vị tham dự phiên xét xử hôm nay. Lúc này, tôi đứng đây trong vai trò 1 bị can và cũng mang tư cách luật sư bào chữa cho chính bản thân mình. Song, dĩ nhiên, tôi sẽ không bào chữa bất cứ điều gì, cũng không xin giảm án, không mong mỏi lượng khoan hồng vì một lẽ: tôi vô tội; hay ít nhất là đối với lương tâm mình/ đối với trách nhiệm phục vụ đất nước mình/ đối với lẽ phải và sự thật: tôi vô tội. Chính vì vậy, tại phiên tòa hôm nay, tôi chỉ gửi đến toàn thể quý vị những lời tâm sự - là những nỗ lực cống hiến và đóng góp cuối cùng của tôi trước khi bị nhà nước CHXHCN Việt Nam cản trở hoàn toàn bằng nhà tù và xiềng xích.

Trước tiên, để lý giải nguyên nhân tôi có mặt tại chỗ này trong cục diện này và ở vai trò này thì phải nhắc đến việc tôi đã bị bắt giữ 1 cách trái pháp luật bởi cơ quan an ninh nhà nước. Việc này ai cũng đã rõ, nên tôi xin không cần lặp lại làm gì, chỉ xin khuyến cáo rằng, là người đại diện cho công lý và pháp luật, cơ quan an ninh nên lấy việc vi phạm pháp luật đối với bản thân tôi làm lần vi phạm cuối cùng. Dù là lỗi không hoàn toàn ở họ mà còn do 1 nguyên nhân phụ là rất nhiều người Việt Nam không biết gì về luật, hoặc biết mà không hiểu bao gồm cả các nhân viên an ninh bộ công an trong đó. Nếu mỗi người đối diện với cơ quan an ninh Việt Nam đều thông thạo luật, thì cái hệ thống trấn áp ấy sẽ chẳng thể nào làm càn được. Mọi vụ bắt bớ đều ngăn cản sự tiếp xúc giữa người bị bắt với luật sư, ấy chính bởi vì công an sợ luật, họ hành luật nhưng sợ luật vì họ ngồi trên luật. Nhưng họ vẫn dám làm vì người bị bắt không rành luật. Còn với những người như Lê Công Định, anh ta không những rành mà còn giỏi luật, hay Nguyễn Vă Đài, Lê Thị Công Nhân... nhưng cũng chấp nhận cúi đầu quy phục ấy bởi vì cũng chỉ có cá biệt vài người họ rành luật. Nếu mọi người đều là 1 luật sư, thì họ đã có dư chính nghĩa và quy tắc để buộc những kẻ cố tình ngồi trên luật pháp phải e dè vì không còn có thể che dấu, bóp méo hay lừa gạt mọi người được nữa.

Thưa công tố viên, thưa bồi thẩm đoàn, tôi là Phạm Minh Hoàng, đã nhận tội sau khi bị bắt giữ là để cho quý vị thấy rằng nền pháp luật của quý vị chứa đựng quá nhiều những khiếm khuyết to lớn đi ngược lại với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam cũng như cái cách mà quý vị thừa hành và thực thi pháp luật nó thiếu tính nhân bản, nhân văn trầm trọng. Bản thân tôi đã nỗ lực phục vụ tổ quốc bằng những đóng góp và cống hiến hết mình cho ngành giáo dục nước nhà; và việc nhận tội của tôi cho thấy rằng tôi không cần trở thành 1 anh hùng, không muốn phải là 1 anh hùng, không làm những việc đã làm để được khen ngợi là 1 anh hùng. Tất cả những điều ấy chỉ là những nhu cầu thực tiễn, cần thiết và chính đáng của 1 công dân. Tôi cũng biết sợ, nhưng vẫn đã nỗ lực đóng góp sức lực với tất cả lòng nhiệt thành và tâm huyết trong lĩnh vực tối quan trọng là xây dựng và phát huy nền dân trí. Từ đó có thể càng thấy được rằng việc bắt bớ và ép tôi nhận tội là 1 điều hoàn toàn không thỏa đáng với lòng người, không xứng đáng với cái tâm của tôi dành cho đất nước và cả cho quý vị. Có thể việc nhận tội ấy phù hợp với những điều luật pháp của quý vị đặt ra, nhưng luật pháp là do con người tạo nên, con người tạo nên nó được thì cũng có thể thay đổi nó, sửa sai và bổ sung khiếm khuyết cho nó để phù hợp với lòng người - vốn là thứ bất di bất dịch, là giá trị chân thật nhất và cũng là ý nghĩa của sự sống. Nền luật pháp phục vụ cho quý vị không phù hợp với những nhu cầu căn bản của nhân dân, vậy nên nếu muốn làm bạn với nhân dân, thiết nghĩ quý vị nên chấn chỉnh lại luật pháp của mình cho phù hợp chứ không phải là tống cổ những người nêu ra các điểm bất hợp lý ấy như tôi và những người đã từng như thế vào tù.

Chúng tôi, những con người bị bắt vì lý do chính trị tại Việt Nam cho đến nay đã hội tụ đủ mọi giai tầng trong quần chúng: từ nông dân như ông Nguyễn Thành Tâm, tiểu thương như bà Trần Thị Thúy/ Nguyễn Văn Hải tức Điếu Cày, chức sắc tôn giáo như mục sư Dương Kim Khải/ cha Nguyễn Văn Lý/ đại lão hòa thượng Thích Quảng Độ, nhà giáo như tôi là Phạm Minh Hoàng hay thầy giáo Vũ Hùng, luật sư như Nguyễn Văn Đài/ Lê Thị Công Nhân/ Lê Công Định, doanh nhân như Lê Thăng Long/ Trần Huỳnh Duy Thức, trí thức thanh niên như Ngô Quỳnh/ Nguyễn Tiến Trung,... cho đến cả những cựu đảng viên, quân nhân cộng sản như ông Trần Anh Kim, đấy là còn chưa kể những lực lượng khác cũng không đồng tình với sự lãnh đạo và đường hướng điều hành đất nước hiện nay của chính phủ cộng sản nước CHXHCN Việt Nam mà vì nhiều nguyên nhân nên còn chưa rơi vào vòng lao lý như chúng tôi, đó là: các luật sư Cù Huy Hà Vũ/ Lê Trần Luật, luật gia Phan Thanh Hải/ Tạ Phong Tần, các bậc trí thức như giáo sư Nguyễn Huệ Chi/ giáo sư Vũ Cao Đàm/ nhà giáo Phạm Toàn/ tiến sỹ Nguyễn Quang A/ tiến sỹ Trần Thanh Vân/ nhà văn Phạm Đình Trọng, đảng viên Đỗ Xuân Thọ, các lão thành cách mạng thượng tướng Nguyễn Nam Khánh/ đại tướng Võ Nguyên Giáp/ trung tướng Nguyễn Quốc Thước/ thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh/ trung tướng Lê Hữu Đức/ trung tướng Nguyễn Xuân Mậu/ thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương/ trung tướng Đồng Sỹ Nguyên... họ đều không chấp nhận hoặc là đường lối, hoặc là cách thức mà chính quyền Việt Nam đang áp chế trên lưng dân tộc. Vậy tôi nêu lên những hình ảnh các nhân vật chủ chốt này mà họ vốn dĩ đại diện cho nhiều nhiều những nhóm người, tầng lớp người thấp cổ bé họng khác không dám nói hay không có cơ hội cất lên tiếng nói, để mong muốn quý vị hãy nhìn nhận lại hiện thực tình hình xã hội và chính bản thân mình. Đã đến lúc, niềm tin trong xã hội Việt Nam không còn nữa. Là người lãnh đạo, chính phủ cộng sản Việt Nam hiện giờ có lẽ nào sẽ đùn đẩy trách nhiệm ấy cho ai?! Và xin hãy tự hỏi lấy chính mình rằng, 1 nền chính trị mà hầu hết mọi tầng lớp nhân dân đều không tin tưởng và ủng hộ, thì có thực sự là ổn định và bền vững hay không?!

Và xin hãy bình tĩnh, bình tĩnh để mà nhìn nhận cho rõ ràng rằng: là chúng tôi thực sự muốn lật đổ chính quyền của các vị hay chỉ là các vị tự đe dọa mình như thế và áp đặt sự hoang tưởng ấy lên những nỗ lực đóng góp để thay đổi hết sức chân thành của chúng tôi? Trên thực tế, chúng tôi lên tiếng, chúng tôi vận động ôn hòa để quý vị thay đổi là chúng tôi đang giúp tìm giải pháp sống còn cho quý vị đấy, bởi lẽ mọi thứ đi ngược lại với quy luật phát triển tự nhiên đều sẽ phải diệt vong. Và quý vị, quý vị sẽ thay đổi. Hay là chết!

Xã hội mà quý vị đang lãnh đạo, nay nó đã suy tàn, thoái hóa về mọi mặt, từ đạo đức, tri thức đến tinh thần trách nhiệm, sự hòa đồng,... và cả lòng yêu nước. Nền giáo dục sau bao nhiêu năm không cải tổ về bản chất, cốt lõi đã dẫn đến quá cồng kềnh, ì ạch so với sự phát triển tri thức khoa học của thế giới loài người. Nhà trường bế tắc trong phương pháp truyền đạt, xây dựng đạo đức, tư tưởng sống cho học trò, trường đời thì nham hiểm cộng với sự du nhập những thứ rác rưởi văn hóa từ bên ngoài biến các thế hệ trẻ thành 1 tầng lớp người không định hướng, mù lý tưởng và tồn tại quá tầm thường trong mớ rác thải đạo đức ấy. Cuộc sống bon chen, tư chất người lãnh đạo bị bào mòn dẫn đến 1 xã hội mất niềm tin, sống giành giật như loài thú và sặc mùi côn đồ trị. Lòng yêu nước bị lệch lạc vì lịch sử không trung thực và những yếu nhân lịch sử thì gian dối dẫn đến niềm tự hào dân tộc sụt giảm và lung lay. Mất sự đoàn kết và không khí cảnh giác, đề phòng rình rập mọi người. Không tồn tại lòng tin trong xã hội, mọi hành động bày tỏ lòng yêu nước từ quần chúng nhân dân đều trở thành kỳ lạ và nguy hiểm, là mất trật tự trị an, là xâm phạm nền an ninh quốc gia đang bị xâm phạm nặng nề bởi bá quyền phương Bắc. Chính phủ, hệ thống lãnh đạo nhà nước không đồng cảm, hòa nhập và không có được sự đối thoại, trao đổi với nhân dân dẫn đến lạc lõng và xa lạ. Khoảng cách giữa người lãnh đạo và quần chúng đã quá xa để có thể vẫn là 1 khối thống nhất dân tộc, Bắc Kinh thấy rõ điều đó nên khắp châu Á này, không đâu bị chính quyền Trung cộng coi thường như nước Việt.

Nếu không thay đổi, thì quý vị sẽ tồn tại được bao lâu? Và đất nước này cũng vậy!

Việt Nam không thiếu người tài, nhưng chính phủ sợ người tài nên bế tắc. Bởi vậy, kẻ làm sai vì thiếu đạo đức, vì ngu dốt mà chẳng bị từ chức, cách chức vì sợ thiếu kẻ ngu để ngồi thay vào đó... Bi đát làm sao.

Tôi cũng không muốn nói quá nhiều, chỉ để lại vài dòng như vậy mong quý vị suy xét kỹ càng. Và nếu cần sự góp sức của chúng tôi, hãy trả lại tự do cho chúng tôi tiếp tục phục vụ tổ quốc này. Còn bây giờ, tôi sẵn sàng đón nhận lời phán xử hôm nay, cho dù đó có là 1 quyết định đến từ chính thâm tâm và lý trí của quý tòa, hay là 1 bản án đã định sẵn từ trước đó. Tôi sẵn sàng đón nhận vì tôi vô tội.

Có 1 điều này, tôi xin nhờ quý tòa hay quý vị nào tham dự phiên xét xử hôm nay nhắn gửi đến các người bạn hiện đang phê phán và lên án tôi ở thế giới bên ngoài rằng: Vâng, tôi đích thực không phải là 1 anh hùng. Có điều, những việc tôi đã làm, tất cả những gì tôi đã làm kể cả việc nhận tội và đứng trước phiên tòa xét xử ngày hôm nay không phải để chờ đón 1 danh hiệu anh hùng, cũng không phải để thỏa mãn cho những sự bốc đồng, nóng nảy, những thói háo danh, những yêu cầu ích kỷ và phi lý của những người đang nói về tôi 1 cách đầy ác cảm ngoài kia, mà là để phục vụ cho những nhu cầu căn bản, thiết yếu và chính đáng của họ đó là quyền được sống đúng ý nghĩa là 1 con người. Xã hội này không cần 1 thiểu số những anh hùng đứng ra làm điều lớn lao, to tát còn đại đa số những người khác chỉ biết chờ đợi, bám víu và mong mỏi; mà nó cần mọi con người bình thường cùng vận động 1 cách hết sức bình thường trong khả năng mỗi người của họ. Những anh hùng đơn độc sẽ chẳng làm thay đổi được điều gì nếu như phần còn lại của xã hội không vận động...

---------------------------

P/s: nông dân Sphinx thời còn đi học suýt chút trở thành học trò của giáo sư Phạm Minh Hoàng, nhưng rồi bỏ học dở dang về quê làm ruộng nên không kịp diện kiến. Nay nghe tin giáo sư bị bắt lại khăn gói quả mướp lên Sài Gòn, tính đứng ra làm luật sư bào chữa cho vị giáo sư chưa kịp trở thành thầy dạy của mình, nhưng không được vào thăm giáo sư để nêu ra đề nghị đó, đành chỉ biết dùng thần giao cách cảm mà lắng nghe những tâm sự của ông như vậy. Nay chép lại đây cho tất cả người quen, bạn hữu và những người muốn biết cùng xem...

Sài Gòn, 00:18 ngày 13/10/2010               
Nông dân Sphinx  
.
.
.

No comments: