Thursday, October 14, 2010

GIẢI NOBEL HÒA BÌNH CÓ GIÁ TRỊ GÌ KHÔNG ?

Leopold Unger
Lê Diễn Đức dịch
15/10/2010 | 1:23 sáng

Lời người dịch: Trên Blog Beo của mình, bà Hồ Thu Hồng (Tổng Biên tập tờ Thể thao Tp. HCM) viết:
Đôi khi Beo tự hỏi, giải Nobel hòa bình đặt mục đích gì vì càng ngày, những nhân vật nó trao tặng càng ít liên quan đến… hoà bình thế giới mà, chủ yếu chỉ để cho mấy ông lùng nhùng trong mớ tóc giả áo đuôi tôm bày tỏ thái độ của mình. Một thái độ vừa kẻ cả vừa già nua cũ kỹ.
(…) Thời của áp lực (tinh thần) của cộng đồng quốc tế lên một quốc gia, đang qua. Nobel năm nay tự giải tỏa bực tức với chính sách ngoại giao bá quyền của Trung quốc bằng cách… vinh danh ông Lưu, dạng một  kiểu chơi đểu của người yếu thế hơn.
Cũng ông Lưu, nhưng là người Singapore, liệu Nobel có đoái hoài? Mở ngoặc là theo Beo, Sing nghiệt ngã với tự do báo chí vào hàng nhất thế giới. Ông Lưu không phải vừa vào tù, thế thì sao Nobel không trao cho ông từ năm ngoái, mà lại đeo nó lên ngực ông Obama để dẫn tới tình trạng, ngài tổng thống Mỹ ngượng nghịu mà rằng, không hiểu vì đâu khi không lại tặng tớ cả triệu đô thế này.
Beo không chống đối gì ông Lưu Hiểu Ba, càng không chống đối luồng tư tưởng ông theo đuổi nhưng, Beo ghét mùi cơ hội chính trị trong giải thưởng khoác cái áo hòa bình cho nhân loại này

Hy vọng bài viết dưới đây của nhà báo, bình luận gia Ba Lan Leopold Unger[1] phần nào phản biện lại hoài nghi của bà Hồ Thu Hồng.
_________

Giải Nobel Hòa bình có giá trị như thế nào ngoài một triệu đô la? Không có giá trị nào hết – những người hoài nghi nói như vậy. Và họ có thể chứng minh điều đó không mấy khó khăn.

Quyết định của Ủy ban Nobel ở Oslo mang đến cho ông Lưu Hiểu Ba điều gì? Ông vẫn tiếp tục ngồi tù, và nhạy cảm với uy tín của Giải thưởng, chính quyền Trung Quốc trong ứng xử với áp lực từ nước ngoài còn quyết liệt hơn trước khi giải thưởng được trao. Liệu Trung Quốc sẽ bắt đầu phải tôn trọng dân quyền, tự do báo chí, trả tự do cho các tù nhân chính trị và trục xuất họ? Chắc chắn sẽ ngược lại. Bắc Kinh đang xiết chặt thêm đinh ốc.

Câu hỏi trên càng hiện thực bởi không một cường quốc nào dám phản đối, khi trong suốt tiến trình Thế vận hội của Trung Quốc họ đã chẳng làm bất kỳ thiện chí nào đối với những người sau song sắt. Với Na Uy, các chính trị gia nói rằng, chuyện này thật đơn giản: Na Uy có dự trữ lượng tiền bạc rất lớn và dầu mỏ, người Na Uy không hề sợ Trung Quốc trả đũa. Còn lợi ích của chúng ta, các vị tổng thống của các nền dân chủ lớn nói, không cho phép chúng ta tìm kiếm sự nới lỏng ở Trung Quốc, bởi vì đây là một cường quốc đang giữ chúng ta trong gọng kìm kẹp của vụ tống tiền tài chính.

Ông Barroso, người đứng đầu Hội đồng châu Âu hùng mạnh, sau khi thông báo Giải thưởng được trao cho ông Lưu, thậm chí quên tuyên bố yêu cầu trả tự do cho người Trung Quốc đầu tiên đoạt Giải thưởng Nobel đang sống tại Trung Quốc.

Thế nhưng, lý luận hoài nghi của những người bi quan là sai lầm.

Với logic của Giải thưởng Nobel và có thể dễ dàng chứng minh, các nhà phê bình đưa ra nhiều ví dụ. Họ có thể đặt câu hỏi rằng, Giải thưởng cho Đạt Lai Lạt Ma vào năm 1989 có làm cải thiện tình hình ở Tây Tạng, chưa nói đến người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương? Giải thưởng Nobel cho Obama, Arafat hay Rabin đã mang lại điều gì cho tự do và hòa bình thế giới?
Họ hãy gượm đã.

Chưa ai biết hết tác dụng của các giải thưởng này. Nobel Hòa bình không phải là sản phẩm trên thị trường chứng khoán để có thể tính lợi nhuận tức thì. Giải thưởng này, mặc dù nhiều lần tiên lượng sai lầm, là một sự đầu tư với thời gian trung bình hoặc thậm chí lâu dài. Có ai đã nhìn nhận được trước hiệu quả thực sự của Giải thưởng Nobel cho Sakharov ở Liên Xô (1975)? Và Wałęsa ở Ba Lan (1983)?
Chính xác là vậy.

Ông Lưu bị bắt vào tháng Năm 2008 và sau đó bị kết án 11 năm tù; đêm trước đó, ông đã chuyển lên Internet Hiến chương 08 đòi hỏi tự do, tôn trọng nhân quyền, bình đẳng trước pháp luật, bầu cử tự do và huỷ bỏ sự độc quyền của Đảng Cộng sản. 10 ngàn người đã kịp ký tên vào Hiến chương 08 trước khi nó bị sự kiểm duyệt Internet của Trung Quốc loại bỏ.

Loại bỏ khỏi Internet – có thể. Nhưng người ta không thể gỡ bỏ nó ra khỏi lịch sử. Ra khỏi lương tri của dân chúng trong thế giới tự do, cũng không. Và mặc dù khó khăn, và có thể là thiếu thực tế, khi so sánh tình hình ở Trung Quốc với châu Âu, nhưng không thể không nhớ lại rằng, Hiến chương 08 , hồ sơ đối lập quan trọng nhất chống lại chế độ độc đoán, là phôi thai trực tiếp của Hiến chương 77 ở Praha của Václav Havel cùng với một nhóm bất đồng chính kiến Tiệp Khắc.

Cũng như 21 đòi hỏi [2] của Công đoàn Đoàn kết từ Gdansk ở Ba Lan, Hiến chương 77, một danh mục các nhu cầu dân chủ, đã cuốn chuyển và đóng vai trò chủ chốt trong tiến trình chuyển hoá chế độ êm như nhung vào năm 1989, kết thúc thể chế độc tài ở Prague.

Tôi không biết số phận của ông Lưu rồi sẽ ra sao. Nhưng dấu tích Hiến chương 77 của Praha ở Trung Quốc cho thấy rằng, Internet, cái chai điện tử được ném xuống biển, giờ đây đã đi khắp mọi nơi và nhanh chóng.

Hiến chương 77 chứng minh một đầu tư dài hạn, cuối cùng đã đổ bộ lên bến bờ của Trung Quốc: Hiến chương 08. Và trên bàn của Ủy ban Nobel tại Oslo.

Bây giờ nó sẽ di chuyển sang các chế độ bạo chúa khác. Vấn đề chỉ là thời gian. Và ngày của Hiến chương.

Nguồn: “Jaką wartość ma Nobel?”, Gazeta Wyborcza ngày 11/10/2010.
Bản tiếng Việt © 2010 Lê Diễn Đức
Bản tiếng Việt © 2010 talawas
----------------------------------------
[1] Leopold Unger (còn có bút danh Pol Mathil hay Brukselczyk) là nhà báo Ba Lan gốc Do Thái, chuyên bình luận về các vấn đề quốc tế. Trong Chiến tranh thế giới II ông sống ở Romania. Sau chiến tranh ông làm việc cho báo Zycie Warszawy (Warsaw Life) của Ba Lan, sau đó Le Soir của Bỉ. Từ năm 1969, ông lưu vong ở Bỉ, là tác giả thường xuyên của tạp chí Kultura ở Paris, Radio Free Europe, BBC Polish Herald Tribune. Hiện ông làm việc cho nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza. (ND)
[2] Vào thập niên 80, công nhân trên toàn Ba Lan dưới sự lãnh đạo của Công đoàn Đoàn kết đã đồng loạt biểu tình, bãi công và ngày 17/08/1980 đã đưa ra 21 điểm buộc chính quyền cộng sản Ba Lan phải đáp ứng. 21 điểm viết trên tấm gỗ thô sơ này được lưu giữ như một chiến tích lịch sử của nhân dân Ba Lan trong cuộc đấu tranh xoá bỏ chế độ cộng sản và đã được UNESCO ghi vào di sản văn hoá của thế giới: http://en.wikipedia.org/wiki/21_demands_of_MKS (ND)
.
.
.

No comments: