Nguồn: H.C. The Economist
Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
08.10.2010
Một tấm biểu ngữ treo phía sau một chiếc xe điện chạy vòng quanh khu phố cổ Hà Nội đề "Thang Long Hanoi International Tourism Festival" (Liên hoan Du lịch Quốc tế Thăng Long Hà Nội). Tấm biểu ngữ nói về những lễ hội đang được tổ chức tại Hà Nội từ 1 đến 10 tháng Mười, khi thủ đô chính thức được 1.000 năm tuổi. Nhưng chẳng có nhiều du khách quốc tế so với bình thường. Vì lý do nào đấy, chẳng ai màng đến việc mời họ.
Việc này xảy ra bất chấp nhiều quan chức tán dương tầm quan trọng của việc mời gọi du khách nước ngoài tham dự lễ hội nghìn năm của thủ đô.
Năm 2007 một chiến dịch với khẩu hiệu đáng ngờ "Vẻ đẹp tiềm ẩn" được quảng cáo trên khắp thế giới, được phát sóng trên một số hệ thống truyền hình cáp quốc tế. Tuy nhiên lại chẳng có gì đặc biệt dành cho Hà Nội nghìn năm. Hãng hàng không quốc gia, Vietnam Airlines, đã giới thiệu một chương trình khuyến mãi để chào mừng sự kiện này. Vấn đề là, những chuyến bay của chương trình này đều là những chuyến bay ra nước ngoài chứ không phải là vào trong nước.
Các công ty du lịch quốc tế, vốn đã quen với tính khí thất thường của Tổng cục Du lịch Việt Nam, có thể đã tự thiết kế những gói du lịch cho những du khách tò mò. Nhưng thậm chí họ cũng không được cung cấp một lịch trình tối thiểu. Vì không có tí thông tin nào về nội dung của lễ hội là gì, xảy ra ở đâu - thậm chí cả xảy ra khi nào - các cơ quan du lịch quốc tế chẳng có gì để sử dụng. Một giám đốc du lịch nói rằng Tổng cục Du lịch "thật sự có lỗi trong việc này." Một giám đốc tiếp thị có văn phòng tại Hà Nội đã viết blog bộc lộ sự thất vọng của mình, trong đó cô chỉ được đặc biệt lưu ý bởi độc nhất một màn hình vô dụng dùng để đếm ngược ngày: từ một nghìn trở về hiện tại.
Cơ quan chủ quản của ngành du lịch thường xuyên cố gắng thúc đẩy giá trị của Việt Nam như là một đích đến về văn hoá. Vì thế mới có cụm từ "Vẻ đẹp Tiềm ẩn" (vô cùng Tiềm ẩn, những nhà quan sát nhận xét một cách chán chường). Tuy thế một dấu mốc văn hoá trong vòng 1.000 năm lại bị hoàn toàn quên lãng. Hầu hết các tiết mục lễ hội trong một bảng chương trình vừa công bố chỉ chú trọng vào những thứ mà chính quyền tưởng rằng sẽ mê hoặc du khách. Ví dụ như, đừng bỏ qua sự kiện "Lễ giới thiệu tủ sách mang tên: Thăng Long-Ngàn năm văn hiến".
Cơ quan với lỗ tai điếc này đã tuyên bố mục tiêu của họ là nhằm tăng cường số lượng du khách nước ngoài ngày càng nhiều và tự nhận rằng đã tiên đoán được ngành du lịch đang trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Nhưng họ vẫn cứ tiếp tục tự vả vào mặt mình. Những màn hình đăng thông tin cho khách du lịch giới thiệu những quán rượu đã đóng cửa từ bốn năm trước. Trang mạng của Tổng cục Du lịch quảng cáo các lễ hội tận nửa dưới của trang. "Các liên hoan du lịch" thường được tổ chức ở những địa điểm không liên quan, ví dụ như Bãi biển Sầm Sơn Thanh Hoá - một bờ biển tương tự như Blackpool của Anh nhưng với nạn mãi dâm lộ liễu hơn. (Có bao nhiêu cuộc triển lãm và tiết mục của lễ hội được tổ chức để hợp với thị hiếu của du khách nước ngoài lại là một chuyện khác. Có ai thích thử qua món Hổ mang và Tê tê ngâm rượu không?)
Căn cứ theo dự đoán của chính phủ, Việt Nam đón 3,3 triệu du khách đến thăm mỗi năm. Con số này có thể đã được thổi phồng bằng những phương pháp xử lý dữ liệu kiểu cũ trong đó khách khứ hồi vì thủ tục nhập cảnh cũng được tính như là khách mới đến. Có nhiều du khách đúng nghĩa đến qua những gói du lịch từ Trung Quốc hoặc Nam Hàn. Nhưng việc hấp dẫn du khách phương Tây vẫn được xem là điều cốt yếu.
Việt Nam có tỉ lệ du khách quay lại chỉ ở mức 5% so với tỉ lệ nổi bật của Thái Lan là 50%. So sánh trực tiếp kỹ nghệ du lịch của hai quốc gia này thì không công bằng mấy, khi kỹ nghệ du lịch Việt Nam còn quá trẻ so với Thái. Nó chỉ mở cửa lại với thế giới vào năm 1986 - rất lâu sau khi Thái Lan đã trở thành một điểm đến nổi tiếng. Nhưng việc tiếp thị dịch vụ nghèo nàn và những trở ngại chung về cơ sở hạ tầng, những gói du lịch "xêm xêm" và những thủ đoạn lừa lọc khác nhau nhắm vào du khách đã biến Việt Nam thành một điểm đến một-lần-rồi-thôi, trong khi nó còn có tiềm năng lớn hơn thế.
Trong khi hầu hết những sự chuẩn bị dường như đều bị chậm trễ thì lễ bắn pháo hoa kết thúc lại xảy ra sớm hơn dự tính bốn ngày. Một thùng chứa pháo đã nổ tung bên cạnh sân vận động ngoại ô, khiến bốn kỹ thuật viên pháo hoa thiệt mạng (trong đó có hai người Đức) và ba người khác bị thương. Trật tự ngay lập tức được thiết lập và chính quyền đã không bỏ phí thời gian kéo bỏ các bài tường thuật về tai nạn này khỏi các trang mạng của báo chí trong nước. Tuy nhiên, tin tức từ Twitter, YouTube và hình ảnh từ Facebook đã giúp mọi người cập nhật. Từ đó, "Vô ý" được dùng để đổ lỗi cho thảm hoạ này.
.
.
.
No comments:
Post a Comment