Chu Việt
06/10/2010 | 3:05 sáng
Lướt Internet gần đây, tôi được đọc nhiều chuyện lý thú về ông qua một vài bài viết của ông trên mạng Bauxite Việt Nam và các cuộc phỏng vấn với BBC, RFA và VOA. Từ những chuyện lớn như kiện Thủ tưóng Nguyễn Tấn Dũng hành xử trái Hiến pháp, kiến nghị bỏ điều 4 Hiến pháp, kêu gọi đại xá cho tất cả tù nhân Việt Nam Cộng hòa và ý kiến Việt Nam phải hợp tác quân sự với Mỹ mà ông cho rằng đó là “mệnh lệnh của thời đại”, cho đến chuyện nhỏ như tự ứng cử vào chức vụ Bộ trưởng Văn hóa, đề nghị xây đài liệt sĩ tưởng niệm 58 chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh tại đảo Hoàng Sa năm 1974 và vụ “Chat với Mozart” lãng nhách. Ông sử dụng pháp luật và truyền thông như vũ khí, có thể ví ông như Triệu Tử Long (hay Don Quixote?) đơn thương độc mã, tả xung hữu đột trong cõi ta bà. Ông còn là một họa sĩ có tài. Tôi cũng được coi hình ông chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng bức tranh chân dung tướng Giáp do ông vẽ.
Được biết ông sinh năm 1957, tốt nghiệp Tiến sĩ Luật ở Đại học Sorbonne và hiện đang hành nghề luật sư cùng vợ ông tại Hà Nội. Như vậy, thời niên thiếu ông đã trải qua là thời đất nước còn chia đôi và sau đó ông đã sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa – bao cấp và đổi mới – cho đến ngày nay. Sự hiểu biết và tri giác của cá nhân ông về chính thể Việt Nam Cộng hòa và người Việt sống ở miền Nam và tỵ nạn tại hải ngoại sau biến cố 4/1975 chắc cũng không sâu rộng lắm mặc dù ông đã sống bên Pháp khá lâu. Nhưng hẳn ông ý thức được thực chất của cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước” chỉ là một cuộc nội chiến tương tàn, miền Bắc xã hội chủ nghĩa dốc toàn lực tấn chiếm miền Nam dân chủ tự do, và sau chiến thắng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã cưỡng đặt một chế độ tàn khốc trên cả nước dựa trên chuyên chính vô sản và bạo lực. Những đợt đánh tư sản mại bản, đổi tiền, chính sách hợp tác xâ, cải tạo lao động đã khiến cho người dân kiệt quệ cả về tinh thần lẫn vật chất.
Mới đây, lại thấy ông kiến nghị Quốc hội đòi hủy bỏ bộ phim tập Lý Công Uẩn – đường đến thành Thăng Long mà trên thực tế, chính quyền đã không cho phát sóng nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, vì sự chống đối quá mạnh mẽ từ trong ra ngoài.
Trong nước, những tin tức nói trên cũng được một số báo mạng loan tải, nhưng báo chí lề phải có dám in ấn không? Người dân trong nước, tuy bất đắc dĩ phải tự kiềm chế trước những vấn đề đất nước, chắc phải tri ngộ một người tên Cù Huy Hà Vũ to gan, bạo miệng, dám công khai phát biểu những ý kiến lề trái như vậy?
Ông đã chứng tỏ có tư duy độc lập và đảm lược của người trí thức đích thực. Ở hải ngoại, nhiều người đồng tình với ông đã ái ngại cho sự an toàn của bản thân ông trong một môi sinh ngột ngạt dưới chế độ công an trị như vậy. Ông không thấy gương của một Trần Độ, một Hoàng Minh Chính hay sao? Ông không thấy nhà nước cộng sản đã đối xử ra sao với những đồng nghiệp của ông như luật sư Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài?
Người ta cho rằng sở dĩ ông dám “mó dái ngựa” vì ông cũng là “con cháu các Cụ” (CCCC) cả, nhưng Việt Nam nhung nhúc các CCCC mà đâu có ai giống ông? Họ đều chạy theo quyền lực và ra sức kiếm tiền qua những quỷ kế tham nhũng. Chính quyền không muốn đụng đến ông vì chưa đến lúc hay sợ mang tiếng với bên ngoài? Không ai biết. Nhưng không thể loại trừ những đòn ngầm, đòn xấu như đã từng xảy ra mà không ai lường trước được. Có lẽ ông cũng biết vậy.
Những gì thiên hạ biết về ông chỉ là mặt nổi. Ông là con, cháu của hai đỉnh cao thi ca Việt Nam đương đại, đồng thời cũng là công thần của chế độ từ những ngày Việt Minh khởi nghĩa: Nhà thơ Huy Cận và nhà thơ Xuân Diệu. Cụ thân sinh ông – nhà thơ Huy Cận – từng là Ủy viên Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945-31/12/1945), Bộ trưởng Bộ Canh nông trong Chính phủ Liên hiệp Lâm thời VNDCCH (1/1/1946-2/3/1946), và sau này lần lượt giữ các chức vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Canh nông, Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Tổng Thư ký Hội đồng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Bộ trưởng Đặc trách công tác Văn hóa Thông tin tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng kiêm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, nhưng chưa bao giờ Cụ được cất cánh bay thật cao trong đẳng cấp đảng viên cộng sản. Ông có biết tại sao không?
Hình : Huy Cận (trái) và Phạm Duy (phải) tại Hà Nội đầu những năm 2000
Ở miền Nam, tên tuổi Huy Cận gắn liền với Phạm Duy từ giữa thập niên 1960 qua “Ngậm ngùi”, bản nhạc phổ thơ tuyệt vời mà già trẻ đều ngâm nga ca tụng, nhưng giới trẻ thoạt đầu không biết đó là một bài thơ hay của Huy Cận đã đăng cùng với một bài nổi danh khác là “Tràng giang” (tặng Khái Hưng) trong tập Lửa thiêng đầu tay do nhà xuất bản Đời Nay của Tự lực Văn đoàn ấn hành năm 1940. Còn liên hệ giữa nhà thơ Huy Cận với các thành viên Tự lực Văn đoàn như Nhất Linh, Khái Hưng ra sao, chắc ông Cù Huy Hà Vũ không biết, đơn giản vì khi ấy ông chưa ra đời. Nhưng sau này chắc ông phải biết nhà thơ Xuân Diệu, bác ông, và nhà thơ Tú Mỡ đều là thành viên của Tự lực Văn đoàn do Nhất Linh điều hành và cộng tác với nhau trong việc làm báo Phong Hóa và Ngày Nay. Đã có một thời gian dài, Tự lực Văn đoàn bị coi như không hề có mặt trong lịch sử văn học Việt Nam . Tôi muốn kể ông nghe một chuyện về tình cảm cá nhân Huy Cận đối với Nhất Linh như thế nào. Chuyện kể mùa hè năm 2001.
Trích truyện ký “Cây bàng lá đỏ” [1] của nhà văn Nguyễn Tường Thiết, con trai út Nhất Linh:
Trở về khách sạn tôi quay điện thoại xin gặp nhà thơ Huy Cận.
Sau khi tự giới thiệu là con của nhà văn Nhất Linh từ nước ngoài về muốn đến thăm ông, ở đầu dây có tiếng thốt lên mừng rỡ bằng một giọng rất nặng Huế: “Có phải anh là anh Triệu không?”– “Không, cháu là em của anh Triệu”. (Tôi nhớ ngay đến bài thơ “Tựu trường” của Huy Cận năm 1938 với lời đề “Tặng em Triệu”). Nhà thơ nói với tôi là đúng hai giờ trưa mai ông có thể tiếp tôi một tiếng đồng hồ tại tư gia. Ông còn nói là mặc dù có tuổi ông vẫn còn làm việc ở Nhà Văn hóa và thời gian đó là thuận tiện nhất cho ông.
…
Đó là một toà nhà quét vôi vàng nhạt với kiến trúc cổ, trước nhà một cánh cổng sắt sơn màu xanh lá cây. Đúng hai giờ một ông già dáng đi nặng nề từ trong nhà bước ra tay cầm chùm chìa khóa tra vào ổ cánh cửa sắt. Cửa mở. Trước mặt tôi là Huy Cận. Trước mặt tôi là tác giả câu thơ “Bèo giạt về đâu hàng nối hàng…” bố tôi đã trang trọng viết trên trang đầu bản thảo cuốn Xóm Cầu Mới (Bèo giạt) mà tôi đã nâng niu cất giữ trong suốt 40 năm qua.
Huy Cận hướng dẫn tôi vào nhà qua một lối đi lát gạch có đặt nhiều chậu cây kiểng. Trong phòng khách ông tiếp tôi có treo trên tường bức tranh vẽ chân dung nhà thơ Xuân Diệu. Trên một cái tủ đen có trưng hai bằng tưởng thưởng lồng trong khung kính; qua hàng chữ đỏ lớn tôi đọc thấy “Huân chương Độc lập” và “Giải thưởng Hồ Chí Minh”. Ngồi xuống ghế, tôi nói ngay với ông cái mục đích rất giản dị của tôi là xin được gặp ông để nghe ông nói về những kỷ niệm ông đã có với bố tôi. Tôi xin ông không nói chuyện chính trị bởi vì giữa ông và bố tôi đã đi trên hai con đường khác nhau mà cả hai bên tôi nghĩ đều rất hãnh diện về sự lựa chọn của mình. Xem ra ông cũng đồng ý với tôi trên căn bản đó.
Tuổi già không làm khuôn mặt ông hom hem như nhiều khuôn mặt những người tuổi ông tôi đã thấy ở Hà Nội. Mặt ông vẫn giữ được vẻ đầy đặn có thể gọi là tròn trịa. Với cặp mắt húp húp Huy Cận nhìn tôi và bắt đầu câu chuyện bằng một câu hỏi: “Cháu Thiết năm nay được bao nhiêu tuổi?” Sau khi tôi nói tuổi của tôi, trầm ngâm hồi lâu rồi ông nói, giọng “ngậm ngùi”: “Cháu có biết không? Thế là cháu đã già hơn bố cháu bốn tuổi khi bố cháu mất đấy!” Rồi ông hỏi tôi về đời sống của tôi, của các anh chị tôi, có ai còn ở trong nước không và nhất là hỏi thăm anh Triệu mà ông đã san sẻ kỷ niệm dưới tòa nhà 80 Quán Thánh (anh Triệu tôi là con nuôi của nhà văn Khái Hưng). Ông cũng hỏi anh em chúng tôi còn lại bao người. Tôi trả lời chúng tôi còn lại năm. Huy Cận nói: “Bố mẹ cháu có trên mười người con. Cháu có biết vì sao cháu có đông anh em thế không? Mỗi lần bà Nhất Linh mang bầu thì ông Nhất Linh lại nói với tôi là sau mỗi lần sinh đẻ bà khỏe hẳn ra chứ không như những người đàn bà khác ngại đẻ, cho nên có nhiều con cũng là một cách tốt để bả sống lâu”…
Bố tôi đối xử với bạn bè và những người cộng tác với ông hết sức chân tình. Huy Cận ghi nhận. Ông kể với tôi là ông không bao giờ quên được một đêm đông ông đến thăm bố tôi, thấy ông trên người chỉ có cái áo phong phanh, bố tôi đã cởi ngay chiếc áo lạnh pa-đờ-suy mà bố tôi đang mặc khoác lên người ông và tặng luôn ông chiếc áo lạnh đó.
Rồi bỗng như lóe ra một kỷ niệm vui, trong cặp mắt húp húp của ông già ấy tôi thấy ánh một nét trẻ thơ: “À, mà chuyện này bà Nhất Linh không biết đâu! Chỉ có tôi với ông Nhất Linh biết thôi! Chúng tôi có san sẻ riêng với nhau câu chuyện về một thiếu nữ. Tôi không biết ông Nhất Linh có mê thật cô ấy không, nhưng ông đặt một bí danh cho thiếu nữ ấy là “cô áo trắng”. Bài thơ “Áo trắng” của tôi ông muốn tôi đề tặng ông. Cháu biết không, cô áo trắng là cô Thu trong Bướm trắng của ông Nhất Linh đấy”.
Tôi hỏi Huy Cận là ông có biết bài thơ “Ngậm ngùi” của ông đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và bản nhạc này rất thịnh hành ở miền Nam đến độ với bài “Ngậm ngùi” người nhạc sĩ Phạm Duy đã làm mờ nhà thơ Huy Cận. Ông không trả lời vào câu hỏi nhưng ông nói: “Bài thơ ‘Ngậm ngùi’ có tư tưởng mới lắm nghe! Sáu bảy mươi năm trước mà tôi đã viết câu ‘anh hầu (chứ không phải em hầu) quạt đây!’ Mới lắm nghe!”
Tôi nhìn đồng hồ thấy đã nói chuyện với ông gần một tiếng. Trước khi đứng dậy cáo từ, tôi nhìn thẳng vào mắt Huy Cận, tâm tình: “Này chú, cháu có thắc mắc này, và cháu nghĩ biết đâu cũng có những người khác có cùng thắc mắc như cháu, đó là một người, một nghệ sĩ đã từng sáng tác được những câu thơ như chú trong cái thời 1930 ấy, những vần thơ lãng mạn trác tuyệt như thế đến như bố cháu cũng phải cảm mà lấy tên ‘Bèo giạt’ đặt cho một tác phẩm để đời của mình, một người có cái tâm hồn ấy không thể nào là bản chất của một người cộng sản được.
Huy Cận ngẫm nghĩ hồi lâu rồi trả lời:
“Hỏi thật cháu chứ câu này có phải của ông Nhất Linh nói không?”
Khi tôi nói là không phải và tôi cũng không biết bố tôi có cái thắc mắc như tôi hay không, thì ông không trả lời, chỉ nói nhẹ nhàng: “Cháu nghĩ là người cộng sản không có tâm hồn sao?” rồi ông nói lảng sang một câu chuyện khác.
Huy Cận tiễn tôi ra cửa. Bàn tay ông run rẩy tra khóa vào ổ khoá chiếc cửa sắt. Chúng tôi ra ngoài hè đường. Chiếc xe taxi đã đậu chờ sẵn dưới bóng một cây sấu. Ông ngoắc tôi đi theo ông đến một hiệu photocopy ở cách đó mươi nhà. Ông làm mấy phóng ảnh đưa tôi. Đó là bốn bức ảnh chụp Khái Hưng, Nhất Linh, Xuân Diệu, Thế Lữ với lời đề tặng Huy Cận của từng người một từ hơn sáu mươi năm trước. Rồi ông và tôi bước trở lại chỗ chiếc taxi đậu.
Giây phút trước khi tôi lên xe, Huy Cận quàng tay qua người tôi. Tôi cảm thấy bàn tay ông nặng xuống bả vai. Qua giọng nói của ông và qua bàn tay ông truyền vào người tôi, tôi cảm nhận được cái xúc động của ông già 82 tuổi đó, cái xúc động nó rõ ràng là mạnh mẽ hơn một sự ngậm ngùi: “Việc gì anh ấy phải chết. Việc gì bố cháu phải chết…”
Huy Cận, ông cụ thân sinh ông, là người thế đấy. Ông theo cộng sản, chẳng biết tin tưởng ở chủ nghĩa Mác-Lê đến mức độ nào, nhưng là một con người nghệ sĩ có tâm hồn, giàu cảm tính. Cái gien của ông cụ truyền cho ông chắc là một thứ gien lành mạnh. Nhưng con phải hơn cha thì nhà mới có phúc, ông có tin thế không?
Thì qua những phát biểu và hành vi, ông đã chứng tỏ không giống cha mình, ít nhất ở điểm dám ăn dám nói những điều phi chính thống. Nếu là đảng viên cộng sản, chắc ông sẽ bị thi hành kỷ luật, và nếu Đảng xét thấy tội nặng hơn, sẽ bị khai trừ và truy bức. Không biết ông có ở trong trường hợp này không?
Là luật sư, ông đã dựa trên luật pháp mà đâm đơn kiện ông Thủ tướng một cách danh chính ngôn thuận, nhưng ông cũng thừa biết mình là “con kiến đi kiện củ khoai” vì Đảng Cộng sản đứng ngoài và trên luật pháp. Còn việc bảo vệ quyền thừa kế cha và bác ông để giữ lại căn nhà đang ở là chuyện riêng tư không nên bàn ở đây, tuy có phần lấn cấn.
Việc ông xin “ân xá” và “đại xá” cho những quân nhân và viên chức của Việt Nam Cộng hòa bị hãm hại tù đày hàng chục năm có hàm ý gì và nhân danh ai hay cái gì? Xin – cho là phương cách duy nhất của người dân trong mọi thể chế độc tài, ông không thể làm khác hơn. Nhưng chẳng lẽ trong thâm tâm ông cũng nghĩ họ đều là tội phạm? Họ đã phạm tội gì? Bảo vệ quyền tự do và nếp sống của mình không phải là phạm tội. Yêu nước mà không yêu xã hội chủ nghĩa càng không phải là phạm tội. Như vậy, chúng ta có thể nhân danh Đức Thánh Hồ, nhân danh chủ nghĩa Mác-Lê vô địch để khép những người “ngoại đạo” vào tội “kẻ thù nhân dân” như dưới thời Stalin, thời Mao? Vả lại “đại xá” là một sự sỉ nhục cho biết bao vong linh (kể cả 58 chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng hòa mà ông muốn vinh danh) những người đã nằm xuống vì dân tộc. Thay vào đó phải tối thiểu là một lời tạ lỗi chính thức mới mong “hòa giải, hòa hợp” được. Tiếc, cho đến nay chính quyền cộng sản Việt Nam chỉ muốn chiêu dụ chứ không hòa giải.
Với trí tuệ và đảm lược sẵn có, ông Cù Huy Hà Vũ thừa khả năng làm một bộ trưởng nào đó trong một thể chế dân chủ đa nguyên và sau này có thể hơn thế. Nhận định và thái độ của ông trước những vấn đề như Biển Đông, bá quyền Trung Hoa, hợp tác quân sự với Mỹ chứng tỏ ông có viễn kiến và thiết tha với tiền đồ dân tộc. Với chế độ hiện nay thì ông không nên và không thể trông mong gì, trừ phi ông là đảng viên cộng sản. Phải không ông?
© 2010 Chu Việt
© 2010 talawas
[1] Đăng lần đầu trong tạp chí Thế Kỷ 21, số… (không nhớ). Trích đoạn này hơi dài nhưng độc đáo vì đó là tâm sự thầm kín của nhà thơ Huy Cận mà có lẽ chính ông Cù Huy Hà Vũ cũng không biết. Cuộc hạnh ngộ này do chính tôi, Chu Việt, gợi ý và đề nghị với nhà văn Nguyễn Tường Thiết trước khi ông đi Việt Nam.
----------------------------------
NHỮNG PHÁT BIỂU của TS CÙ HUY HÀ VŨ
TS luật Cù Huy Hà Vũ nói về 2 sai phạm của cấp lãnh đạo – Vụ Nguyễn Trường Tô và Phạm Thanh VÌnh (RFA)
Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ tố cáo và đề nghị khởi tố, truy tố Trung tướng Công an Vũ Hải Triều (bauxite Vietnam)
.
.
.
No comments:
Post a Comment