PHẠM XUÂN NGUYÊN
Posted on Tháng Tám 3, 2010 by admin@buingoctan.info
« L’histoire est une galerie de tableaux
où il y a peu d’originaux et beaucoup de copies »
(Lịch sử là một phòng tranh,
nơi nguyên bản thì ít mà phiên bản thì nhiều)
Alexis de Tocqueville
(1805 – 1859)
Nhà chính khách và nhà sử học Pháp
Ảnh: Bìa sách Người Chăn Kiến (thiết kế bởi Đặng Xuân Hòa)
Bạn đọc, những người đang cầm trên tay tập truyện ngắn chọn lọc này của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, tôi muốn bạn đọc nó từ một đại từ nhân xưng.
HẮN.
Cái đại từ “hắn” làm danh xưng cho nhân vật khá là phổ biến trong các tác phẩm văn học trước 1945, ở dòng văn học được/bị gọi là “chủ nghĩa hiện thực phê phán”. “Hắn” (có khi còn là “y”, là “gã”) cho nam, và “thị” cho nữ. Những đại từ chỉ những con người ở số đông, chỉ những phận người ở tầng thấp, chỉ những kiếp người ở đáy dưới. Văn Nam Cao đầy “hắn” và “thị”, cả ở thôn quê và thành phố, cả truyện người quê và người phố. Điển hình “hắn” là Chí Phèo, một thằng tứ cố vô thân, một thanh niên nông dân bị tha hóa, lưu manh hóa, một bản tính người bị làm méo mó, hư hỏng. Điển hình “thị” là Thị Nở, xấu xí, dị mọ, sống hoang dại, ngẩn ngơ. Có lẽ, Nam Cao đã chịu ơn những “hắn” những “thị” này cho sức sống văn chương của mình.
Sau 1945, trong văn học hầu như tuyệt hẳn “hắn”. Mà trong ngôn ngữ đời thường, “hắn” như cũng bị loại trừ, ngỡ như không còn loại người, loại nhân vật có thể bị/được gọi là “hắn” nữa. Nghĩa là “hắn” không còn tồn tại, vì không còn đất sống. Người ta tin vậy. Người ta nghĩ vậy. Người ta muốn vậy.
Nhưng tưởng dzậy mà không phải dzậy.
“Hắn” không chết, với tư cách một loại người, một loại nhân vật, và một đại từ nhân xưng. Chỉ là vì hoàn cảnh không được phép xuất hiện, nên “hắn” phải nằm im, phải náu mình, phải giả vờ quên thân phận. Chỉ chờ có dịp, khi cuộc sống vận hành theo đúng quy luật cuộc sống, “hắn” xuất hiện, và lên tiếng cho mọi người biết có “hắn”. “Hắn” tồn tại trong văn chương, như giữa cuộc đời.
Bùi Ngọc Tấn đã là một trong những người trước nhất khai sinh lại cho “hắn”, cấp lại cho “hắn” một lý lịch, và thả “hắn” văn học vào đời. Có lẽ, chính xác hơn phải nói, Bùi Ngọc Tấn là người đầu tiên cho HẮN xuất hiện trở lại trong nền văn học xã hội chủ nghĩa vào thập niên cuối thế kỷ XX. Trong truyện “Người ở cực bên kia” của ông viết năm 1990 đại từ “hắn” đã tự nhiên có mặt như không thể khác. Một đại từ giành lại chỗ đứng dưới mặt trời trong kho từ vựng tiếng Việt hiện đại. Một con người, và một lớp người, ẩn sau đại từ ấy đòi được quyền hiện hình và lên tiếng. Hắn không vô danh. Hắn không hèn mọn. Hắn là người, có quyền làm người và nói lên tiếng nói người. Con người “hắn” bị gánh chịu lịch sử nhưng không cam chịu lịch sử. Nên lịch sử phải biện minh cho hắn, từ tất cả những gì đã xảy đến với hắn. HẮN đây là của Bùi Ngọc Tấn – con người, Bùi Ngọc Tấn – nhà văn. Ông đã khai triển đầy đủ, trọn vẹn, đa nghĩa, đa chiều “hắn” này trong bộ tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000 khởi bút cũng vào đầu thập niên cuối của thế kỷ hai mươi. Sau Bùi Ngọc Tấn chục năm, “hắn” mới lại hiện diện trên trang viết của Tạ Duy Anh, Nguyễn Khải.
(Xin nói thêm, cùng với HẮN, THỊ cũng đã sóng đôi trở lại văn học, nếu tôi nhớ không nhầm, hình như trong một truyện của Nguyễn Minh Dậu, một nhà văn cũng quê Hải Phòng như Bùi Ngọc Tấn. Ngẫu nhiên chăng, sự tái sinh hai đại từ nhân xưng này ở hai nhà văn cùng một miền quê?).
Đọc Bùi Ngọc Tấn, truyện ngắn và tiểu thuyết, vì vậy, hãy đọc theo HẮN. Cũng như theo HẮN để đọc Nguyễn Khải, Tạ Duy Anh.
Hắn trong tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000 (CKN2000) của Bùi Ngọc Tấn là một tù nhân chính trị. Tên hắn là Nguyễn Văn Tuấn, làm nghề viết báo viết văn. Hắn bị tập trung cải tạo vì tội “tuyên truyền phản cách mạng”, vào tù mang số hiệu CR 880. Hắn đến với văn học bằng tình cảm thiêng liêng và trách nhiệm cao, với đôi mắt nhìn đời thơ ngây và trong trẻo. Chính tình cảm và trách nhiệm ấy đã khiến hắn, và những người cầm bút như hắn, thấy trước được và báo động những hiện tượng tiêu cực (như về sau này quen nói) ngay từ khi chúng mới manh nha và có cơ làm hỏng lý tưởng tốt đẹp mà hắn cùng bao người đã chiến đấu dựng xây. Chỉ thế thôi hắn đã bị quy là phản động, là bôi đen hiện thực, nói xấu chế độ. Hắn vào tù năm năm, cứ nghĩ mãi vì sao mình bị tù thế này. “Cũng tại mày thôi. Tại mày có cái đầu cứ biết tổng hợp, suy nghĩ, không chịu để người khác suy nghĩ hộ. Nhưng cái đầu suy nghĩ cũng chẳng việc gì, nếu cái mồm mày không nói ra. Chỉ tại cái mồm… Chút lòng trung thực từ sau xin chừa. Đến bao giờ được ra. Ôi! Quãng đời trước thật là hạnh phúc, thật là tươi đẹp. Chẳng bao giờ còn quay lại nữa” (tập 2, tr. 57-58). Khi ra tù hắn bị một cảm giác kỳ lạ xâm chiếm là luôn gặp những khuôn mặt tù quen quen, ngờ ngợ, như mới được ra trại như hắn, để rồi giật mình chẳng lẽ đất nước nhiều người đi tù đến thế, và cuối cùng thì hoảng: “Mình hỏng mất rồi! Đầu óc mình hỏng mất rồi!” (tập 1, tr. 499).
Hắn trong tiểu thuyết Đi tìm nhân vật (ĐTNV) của Tạ Duy Anh là kẻ đang bị anh nhà báo Chu Quý truy tìm, bắt đầu từ cái gọi là vụ giết đứa bé đánh giày ở phố G. Chu Quý suốt đời đi điều tra những cái chết để tìm hắn. Hắn là ai? “Có lúc tưởng như tôi đã vẽ được chân dung hắn. Có lúc hắn đã ở trong tầm tay của tôi. Có lúc hắn bị tôi phù phép cho thất điên bát đảo để lộ nguyên hình. Nhưng cũng có lúc hắn biến hóa khôn lường, trở lại ngồi ghế phán xét hoặc bảnh bao dưới một chân dung khả ái.” (tr. 19) Hắn không chỉ là nỗi ám ảnh của Chu Quý, mà còn cả của anh thợ gác rừng bắn nhầm người, của ông nhà văn Trần Bân đang đi tìm nhân vật cho cuốn tiểu thuyết định viết nhưng khi gần tìm được thì ông lại không chịu nổi phải tìm đến cái chết, của ông tiến sĩ N. đã giết vợ và tự giết mình vì không thể suốt đời sống đội lốt giả. Nhưng rốt cuộc, hắn vẫn là kẻ giấu mặt. Hắn, do đó, đã trở thành nỗi sợ. Nguyên nhân của những cái chết hình như đều do hắn. Và trong cuộc truy đuổi này, Chu Quý lại bị truy đuổi, trở thành “hắn” trong mắt người khác. “Những người có đời sống đơn giản sẽ không hiểu nổi hành động của hắn ở phố G. Nhưng hắn thì cảm thấy bị thôi thúc đến đó. Hắn không đơn thuần tìm kiếm cái chết của một thằng bé đánh giầy nào đó, không cần thiết biết hung thủ hành động ra sao? Cái chết mà hắn tìm kiếm là cái chết sau sự giải thiêng triệt để các cấp giá trị, cái chết như là hậu quả tất yếu, mang theo dấu ấn của thời đại hắn, thời đại của những thể nghiệm tăm tối và những kiếm tìm ngạo ngược nhưng vô vọng.” (tr. 156).
Hắn trong tiểu thuyết Thượng đế thì cười (TĐTC) của Nguyễn Khải là một nhà văn, nhà văn quân đội, với tính cách “muốn điều hòa mọi trách nhiệm mà hắn đang gánh vác”, nhưng “các trách nhiệm ấy không phải luôn luôn hòa hợp được với nhau, có khi được là một đảng viên tốt, một quân nhân tốt thì lại là một nhà văn tồi”. Khi các trách nhiệm này va chạm nhau thì hắn giải quyết theo cách: “Thông thường là hắn nhân nhượng và né tránh vì một cái lý rất đơn giản: hắn vẫn còn là đảng viên thì phải chấp hành những nghị quyết của Đảng. Thành thử các nhân vật của hắn không đi đến tận cùng tính cách của họ, họ thường dừng lại ở khoảng giữa, rồi làm lành, rồi nhân nhượng, trở nên giống nhau ở những số phận mờ nhạt, thiếu tính quyết liệt, tính bi kịch để trở thành những gương mặt lớn có sức ám ảnh lâu dài trong lòng bạn đọc. Hắn chỉ có thể là nhà văn bình thường, một nhà văn loại 2, loại 3 gì đó, biết vậy nhưng hắn vẫn chấp nhận, không có cách mạng thì đến làm người tầm thường cũng khó nói gì làm một nhà văn.” (tr. 112) Thái độ văn chương này hắn tự nhận là do “tính cách bẩm sinh”, nhưng cũng lại phù hợp với “phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, yêu cầu câu chuyện bao giờ cũng được kết thúc có hậu”. Và như thế, “đã có nhiều trường hợp tự hắn cũng phải nói ngược lại niềm tin của mình, tự kết tội mình, dẫu hắn chả có tội gì cả để cứu lấy cái nghề mà hắn không thể rời bỏ.” Hắn đã từng lấy làm tiếc và buồn cho những nhà văn công chức, trong đó “nhiều bậc đàn anh trong nghề, tài năng lớn hơn hắn nhiều, học vấn cũng sâu rộng hơn hắn nhiều, nhưng làm nghề cứ như nhà văn nghiệp dư” vì cứ thích làm cái anh viên chức nhà nước lên ngựa xuống xe. Nói vậy nhưng hắn cũng mất mấy năm lao vào một cái chức vụ hữu danh vô thực ở Hội Nhà văn để “rút cuộc là hắn thua, vừa mất thì giờ vừa thân bại danh liệt”. Kết luận hắn rút ra qua chuyện này là: “Trong mọi thất bại của con người ta chỉ có cái thất bại về hoạn lộ là không nên biết và cũng không nên viết vì nó nhơ bẩn và buồn cười.” (tr. 146) Vậy hắn thuộc loại người nào? hắn tự hỏi và trả lời: “là một viên chức đang muốn biến hóa thành một nghệ sĩ tự do, nhưng lắc lư mãi cũng chỉ biến được từng bộ phận, cái đuôi viên chức thỉnh thoảng lại lấp ló lòi ra nếu như bạn bè luận bàn về chính trị tự do quá, luận bàn về đàn bà lỗ mãng quá, cười hét to quá, nói năng tục tĩu quá…”
Trong hai tiểu thuyết của Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Khải, hắn là nhân vật chính, mang tính chất tự thuật. Hắn là người viết văn. Tác phẩm là một dạng hồi ức, tự truyện, kiểu như cuốn sách cuối đời của nhà văn Nga Anatoly Rybakov (tác giả “Những đứa trẻ phố Arbat”) nhan đề là Hồi ức-tiểu thuyết. Rất dễ nhận ra điều này vì các tác giả không hề dấu giếm mối liên hệ giữa hắn và mình. Bảng kê những tài liệu công an thu giữ của Nguyễn Văn Tuấn (tập 1, tr. 175) là những bản thảo của Bùi Ngọc Tấn. Còn Nguyễn Khải thì để hắn kể về quá trình viết từng tác phẩm của mình, những Xung đột, Cha và con và…, Điều tra về một cái chết, Gặp gỡ cuối năm, v.v. Và toàn bộ cuộc đời tiểu sử của hai nhà văn được phơi bày tường tận, tỉ mỉ trong cuộc đời hắn.
Nhưng hai tác giả đã chọn cách kể ở ngôi thứ ba để chuyện của một người thành chuyện của nhiều người, để chuyện cụ thể mang ý nghĩa khái quát, nghĩa là khách quan hóa cái chủ quan. Mở đầu tập 2 CKN2000, Bùi Ngọc Tấn viết:
“Đã mấy chục năm trôi qua kể từ ngày hắn được ra tù. Người kể chuyện này lấy làm khó xử trong cách gọi hắn, trong cách đặt nhân xưng ngôi thứ ba cho hắn. Chả lẽ gọi hắn là ông, là ông ấy. Gọi một thằng tù như vậy sợ hơi khó nghe. Hơn nữa chắc bạn đọc đã quen với từ “hắn” trong suốt phần một. Còn một lý do nữa: cũng rất khó xác định tuổi của hắn. Người đoán hắn năm mươi. Người bảo sáu mươi. Người nhìn mái tóc bạc và nét mặt nhăn nheo của hắn, cả quyết: hắn không thể dưới sáu mươi nhăm tuổi. Vậy là hắn không có tuổi…Cứ gọi hắn là hắn, chẳng sao. Hắn không tự ái đâu.” (tr. 5)
Đấy chính là lý do mang lại ý nghĩa văn chương cho danh xưng hắn.
(Có sự gặp nhau giữa Bùi Ngọc Tấn và Nam Cao, cha đẻ của một nhân vật hắn bất hủ: Chí Phèo: “Bây giờ thì hắn đã thành người không tuổi rồi. Ba mươi tám hay ba mươi chín? Bốn mươi hay là ngoài bốn mươi? Cái mặt hắn không trẻ cũng không già.” Hắn như vậy ở đây là có một phổ hệ chung trong văn học. Già Đô trong CKN2000 cũng một dòng tộc nhà Chí: ra tù không có cơm ăn, không nơi nương tựa, lại muốn vào tù.)
Giá trị văn chương của một thời hắn-nhà văn thấy phải phán xét. Hắn của Bùi Ngọc Tấn tự nhận: “Chính bọn hắn phải chịu trách nhiệm về những gì đang xảy ra trái với những mục tiêu của cách mạng. Hắn cùng bao người đã thành thật ca ngợi cách mạng. đẩy lên thành sự tô hồng. Rồi đẩy quá nhanh tốc độ của sự tô hồng mà thành thật tin rằng mình chỉ nói sự thật hoặc báo trước sự thật. Để sau này nhìn ra thì không hãm được nữa. Tốc độ ấy cuốn theo cả những người đã tạo ra nó. Bọn hắn vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân. Và hắn lại thấy đổ vỡ, trống rỗng. Một lỗ sâu hoác, không đáy. Cảm giác trống rỗng của thất vọng, của niềm tin sụp đổ. Thà cứ được là con chiên lóa mắt trước Chúa, trước nước thiên đàng, còn hơn bỗng nhiên chẳng thấy ảo ảnh đâu mà chỉ có thực tế trần trụi” (tập 2, tr. 318 – 19). Đó là sau khi ra tù hắn đọc lại lần một cái bản thảo truyện ngắn cuối cùng may mắn sót lại, cái truyện ca ngợi cuộc sống mới. Đọc lại lần hai hắn đem đốt cái truyện đó đi, khi mọi ngả đường tìm việc làm trở lại như một người bình thường của hắn bị chặn đứng. Hắn của Nguyễn Khải thì đã từng Mất toi một cuốn sách vì kiểu viết kết thúc có hậu, vì muốn nhân nhượng, hòa giải giữa thực tế và văn chương cho yên bề trên ổn bề dưới, nhưng để cho nhân vật “chết trong văn chương thì sẽ được sống mãi trong lòng bạn đọc, còn lại sống một cách gắng gượng, vô lý vì mong muốn của tác giả thì phải chết trong văn chương”.
Hắn trong vai trò này là nhân vật tự thú, một loại nhân vật tiêu biểu của văn học Việt Nam trong vòng mười lăm năm trở lại đây. Trước TĐTC, đã có hai cuốn hồi ký của Tô Hoài (Cát bụi chân ai, Chiều chiều), ba tập Di cảo thơ của Chế Lan Viên, và sau đây chắc sẽ còn có những cuốn khác của nhiều người khác. Hiện tượng này rất đáng suy ngẫm. Có thể chắc rằng những tác phẩm vừa nhắc của Tô Hoài, Chế Lan Viên, Nguyễn Khải là những tác phẩm hay nhất, được nhất và sẽ còn được đọc nhất của cả một đời văn của họ. Trong đó họ tự thú, họ thanh minh, họ tường trình, họ giãi bày, họ bộc lộ, họ vén màn, họ đào bới những mặt khuất, tầng chìm, góc tối của nghề viết, nghiệp văn, thân phận người cầm bút, giới văn chương, và đời sống văn học trên hành trình cuộc đời họ và thời gian lịch sử của xã hội. Nhu cầu tự thú đang rất lớn trong văn học Việt Nam. Tại sao lại có hiện tượng này? Có lẽ Nguyễn Khải đã gọi ra đúng tên nguyên nhân của hiện tượng: đó là “mặc cảm tội lỗi” của người viết trước bản thân, trước đồng nghiệp và trước người đọc. Hay có thể nói như Nguyễn Đình Thi trong những lời thơ ông viết năm 1982:
Người tôi còn nhiều bùn tanh
Mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ
Tay tôi vướng nhiều đồ bỏ
Nhiều dây nhợ tự buộc mình
Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm
Quên cho những dối lừa khoác lác
Tôi biết tôi đã nhiều lần ác
Và ngu dại còn nhiều lần hơn
(Gió bay)
Trong tiểu thuyết của Tạ Duy Anh, nhân vật xưng “tôi” là người kể chuyện, còn nhân vật chính là hắn. Hắn vô hình mà hiện hữu, hắn biến hóa dưới nhiều gương mặt khác nhau, hắn là kẻ chi phối và gây nên những cái chết, những sự đảo lộn khủng khiếp trong số phận một con người, một gia đình, một lịch sử. Hành trình “đi tìm nhân vật” của nhà văn, nhân vật, và bạn đọc, chính là đi tìm hắn. Hắn là ai?
Có sự đồng vọng giữa Tạ Duy Anh và Bùi Ngọc Tấn ở điểm này. Kết thúc bộ tiểu thuyết CKN2000, ông Thưởng trưởng phòng lao động tiểu khu quyết định cấp giấy phép lao động cho hắn (Nguyễn Văn Tuấn) bất chấp có lệnh cản từ trên. Ông ta đến nhà đưa tờ giấy quyết định cho hắn và nói giữa hai người với nhau mà như “còn nói với một người vô hình nào nữa cũng đang có mặt ở đây”. Người vô hình. Quan sát động thái của ông Thưởng, hắn của Bùi Ngọc Tấn hiểu ra tất cả:
“Rõ ràng đây không phải lần đầu tiên ông nói điều này với người vô hình. Ông đã rất nhiều lần lẩm nhẩm một mình, tranh cãi với người vô hình toàn năng đang im lặng buộc tội ông trước khi ông ký giấy cho hắn. Và dù đưa giấy cho hắn rồi, sự việc đã xong rồi, ông lại càng phải nói, phải trình bày rằng mình vô tội vì người vô hình càng lừng lững trước mặt ông, mím môi nghiêm khắc, giận dữ nhìn ông. Hắn hiểu rằng ai cũng có một người vô hình để mà trình bày, để mà sợ sệt và thấm cãi lại sau lưng. Người vô hình luôn bên cạnh mỗi người như hình với bóng, cả trong giấc ngủ. Nhưng thật ít người dám như ông vùng lên chống lại vì cái giá phải trả thường là cuộc đời, là sinh mạng.” (tập 2, tr. 358) (1)
Cả ba cuốn tiểu thuyết đưa ra nhân vật hắn nói trên đều là những tác phẩm quan trọng của văn học Việt Nam. Hắn của Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Khải kể chuyện bằng một giọng điệu có pha chất hài, giễu và tự giễu. Tác phẩm là bản tổng kết cuộc đời, là sự chiêm nghiệm nhân sinh. Chính vì thế hai tác giả mới tách mình ra thành hắn để soi ngắm, nhìn nhận, và luận bàn. Những cay đắng, đọa đày, nổi chìm, vinh nhục giờ đã thành quá khứ, thành ký ức được đem ra lật giở lại dưới luồng sáng của lẽ đời lẽ người, của những giá trị nhân bản. Đau khổ, bực tức, xót xa, tiếc nuối, cái cười có thể khóc, và cái khóc có thể cười. Giọng hài ở đây là vừa cả humour và irony. Hắn, cuối cùng, là ngậm ngùi, nỗi ngậm ngùi thân phận kiếp người trong một không gian và thời gian nhỏ nhoi, hạn hẹp mà khi đã trôi qua đều được gọi là lịch sử, history.
Tập truyện ngắn chọn lọc Người chăn kiến được viết từ/dưới nhãn quan của một con người, một nhân vật có danh xưng là « hắn » như vậy. Bất luận đó là truyện kể về đời tù, thân phận người tù, hay kể về một kỷ niệm Trường Sơn, một trò chơi thi hoa hậu của bọn trẻ phố phường. Ngay Vũ trụ không cùng ngẫm từ đời người thì đó cũng là đời của một kiếp người như « hắn ». Dù cho « hắn » chỉ hiện diện ở một truyện trong tập Người ở cực bên kia . Nhưng dấu ấn « hắn » đã đóng vào nhà văn, như ông giám đốc ra tù vẫn bị ám ảnh bởi trò chăn kiến, đã « điều kiện hóa » cái nhìn của người viết. Không ai muốn cuộc đời mình bất hạnh để thành nhà văn sử dụng nỗi bất hạnh đó làm chất liệu, làm bệ phóng. Nhưng một khi số phận đã đặt định thì con người phải chấp nhận và thách thức. Càng là nhà văn thì càng phải chấp nhận và thách thức. Bùi Ngọc Tấn đã không chọn số phận, nhưng chọn nghiệp văn. Và ông đã biết chấp nhận để biết vượt qua thách thức. Từ Hắn ông đã thành nhà văn. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Ông đã trả lại Hắn cho đời trên những trang văn nhiều chua xót nhưng không cay độc, nhiều buồn bã nhưng không uất hận. Vì thế, đọc ông, ở cả tiểu thuyết và truyện ngắn, ta biết khóc cho những điều đẹp đẽ đã mất. Và khóc cho hắn, với những người cùng cảnh ngộ như hắn. Hắn, một đại từ nhân xưng chỉ một loại người, chỉ một kiếp người. Cuộc đời có HẮN.
Văn học Việt Nam đã lại xuất hiện nhân vật HẮN.
Một hắn hình hài xương thịt cụ thể.
Một hắn vô ảnh vô hình nhưng không vô thực.
Từ HẮN, truyện của Bùi Ngọc Tấn gọi NGƯỜI ! Một tiếng gọi khát khao tự do và hạnh phúc cho mọi người. Nhà văn đã thoát khỏi giam cầm và vượt lên mặc cảm. Văn là Người, trường hợp này thật đúng cho Bùi Ngọc Tấn. Ở tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000. Và ở tập truyện chọn Người chăn kiến. Tôi tin, bạn đọc đi theo từng con chữ của Bùi Ngọc Tấn, thấy HẮN sẽ gặp NGƯỜI.
Từ những năm 2000
.
.
.
No comments:
Post a Comment