Monday, October 4, 2010

BÊN NÓI NHÂN QUYỀN, BÊN ĐÒI THƯƠNG MẠI

 Đoàn Xuân Lộc
Nghiên cứu sinh về quan hệ quốc tế
Cập nhật: 12:14 GMT - thứ hai, 4 tháng 10, 2010

Câu hỏi đặt ra một lần nữa cho các lãnh đạo Á - Âu dự hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) lần thứ tám tại Brussels là vì sao ASEM có lâu rồi không tạo được ảnh hưởng.
Trong số lãnh đạo tham dự có thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Trung Quốc, ông Ôn Gia Bảo, tổng thống Hàn Quốc, ông Lee Myung-bak và thủ tướng Nhật Bản, ông Naoto Kan.
Từ châu Âu có tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, thủ tướng Đức Angela Merkel.

Đông mà chưa mạnh
Và với sự tham gia từ nay của Úc mà đại diện là nữ thủ tướng Julia Gillard, cùng hai nước New Zealand và Nga, ASEM nay có 46 nước thành viên, chiếm đến gần tới 60% dân số, hơn 50% GDP và khoảng 60% thương mại của cả thế giới.
Tuy vậy, giống như những hội nghị lần trước, cuộc gặp lần này vẫn không được sự chú ý lớn của dư luận.
Và có thể, cũng như bao lần trước, lãnh đạo Á-Âu đến họp rồi đi và không đưa ra một quyết định quan trọng nào.
ASEM được chính thức thành lập năm 1996 khi lãnh đạo 10 nước châu Á (bảy nước ASEAN, và Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc) và 15 nước thành viên của Liên hiệp châu Âu (EU) tụ tập tại Bangkok để dự hội nghị cấp cao Á-Âu đầu tiên.
Vào những năm đầu của thập niên 1990, kinh tế khu vực Đông Á tăng trưởng mạnh và cùng với châu Âu (EU) và Bắc Mỹ, khu vực này đang trở thành một trong ba trụ cột của nền kinh tế thế giới.
Trong khi châu Âu và Bắc Mỹ đã có quan hệ vững chắc qua nhóm G7, và mối quan hệ giữa Bắc Mỹ và Đông Á cũng được thiết lập sau sự ra đời của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), mối quan hệ giữa Đông Á và châu Âu hầu như không tồn tại.
Do đó một trong những lý do chính dẫn đến việc thành lập ASEM là nhằm thiết lập cầu nối đang thiếu hay yếu ớt ấy. Và qua ASEM các nước Á-Âu cũng muốn giới hạn sự ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Đông Á.
Nhưng sau 14 năm hợp tác, các nước Á-Âu vẫn chưa thiết lập được một mối quan hệ vững mạnh.
Cầu nối Á-Âu như thế vẫn yếu.
Ngoài một số sáng kiến như thành lập Tổ chức Á-Âu (ASEF) để trao đổi văn hóa, tri thức hay Diễn đàn Doanh nghiệp Á-Âu (AEBF) nhằm trao đổi kinh doanh, tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa hai châu lục, các nước Á-Âu chưa đưa ra được một quyết định quan trọng nào trong hợp tác kinh tế, chính trị cũng như an ninh giữa hai bên.
Đó cũng là lý do tại sao các hội nghị thượng đỉnh Á-Âu không thu hút được sự quan tâm như các cuộc gặp thượng đỉnh của khối APEC hay các cuộc gặp quốc tế khác.
Nhưng tại sao một hội nghị được gọi là ‘cấp cao’, lại có đông các nước tham gia, và hơn nữa các nước thành viên đóng một vai trò tương đối quan trọng trong nền kinh tế thế giới lại không được chú ý hay không tạo được một sự ảnh hưởng nào?
Một trong những yếu tố làm giới hạn quan hệ Á-Âu là châu EU không phải là một đối tác chiến lược quan trọng như Mỹ vì EU không có một chính sách ngoại giao, quốc phòng thống nhất và mạnh như Mỹ.
Hơn nữa, so với Mỹ, châu Âu vừa thiếu sức mạnh cứng mà lại không có những bận tâm lớn về an ninh, chiến lược tại châu Á.

Khác biệt, bất đồng
Một yếu tố quan trọng khác làm lu mờ ASEM và sự hợp tác giữa hai châu lục là sự khác biệt về các mối quan tâm giữa hai bên.
Trong khi các nước châu Á chỉ quan tâm đến các vấn đề kinh tế như mậu dịch, châu Âu lại coi trọng các vấn đề chính trị như nhân quyền trong hợp tác Á-Âu.
Claire Rosemberg trong bài trên AFP hôm nay 4/10 viết rằng có những mong đợi rằng châu Âu sẽ lên tiếng về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc.
Nhưng ngay từ năm 1998, sau khi ASEM mới thành lập, nhà nghiên cứu Joseph A. McMahon đã nhận định trên tạp chí European Foreign Affairs Review rằng vì hai bên đến hội nghị với hai mục đích khác nhau - bên này nhấn mạnh thương mại, bên kia coi trọng vấn đề nhân quyền - kết quả mà hội nghị cấp cao Á-Âu đạt được khi đó chỉ là một thỏa thuận về trao đổi sinh viên.
Nếu nhìn lại ASEM trong 14 năm qua, ai cũng có thể đồng ý với nhận định đó của McMahoon.

Ngoại trừ hội nghị đầu tiên tại Bangkok, khi lãnh đạo hai bên đến với nhau trong sự phấn khích, lạc quan, các cuộc gặp cấp cao Á-Âu hầu nhu bị lu mờ bởi những tranh tranh cãi về những vấn đề được coi là nhạy cảm như nhân quyền, dân chủ.
Một vấn đề gây bất đồng lớn giữa các nước Á-Âu là hồ sơ Miến Điện.
Một số nước ASEAN đã đe dọa tẩy chay ASEM lần hai tại London năm 1998 vì nước chủ nhà từ chối cấp visa cho các quan chức Miến Điện – một thành viên mới của ASEAN lúc đó.
Vấn đề Miến Điện cũng gây tranh luận tại ASEM lần ba tại Seoul năm 2000.
Cũng vì bất đồng về vấn đề Miến Điện, các nước châu Âu đã hủy bỏ hai cuộc gặp bộ trưởng tài chính và kinh tế vào tháng Bảy và tháng Chín năm 2004, gây quan ngại cho việc tổ chức ASEM lần năm tại Hà nội.
Cuối cùng hai bên phải thỏa hiệp cho Miến Điện tham gia ASEM nhưng với một phái đoàn cấp thấp.
Và vì những bất đồng, tranh cãi ấy, như một quan chức Á châu làm việc tại Tổ chức Á-Âu (ASEF) nhận định trong một cuộc phỏng vấn dành riêng người viết bài vào năm 2009 tại Singapore, lãnh đạo Á-Âu không còn có nhiều thời gian để tập trung vào các vấn đề chính yếu như mậu dịch, đầu tư giữa hai bên.
Hơn nữa, về phương thức làm việc, ASEM chỉ là một diễn đàn không chính thức, là nơi để lãnh đạo hai bên trao đổi thông tin, chứ không phải là nơi đưa ra những quyết định quan trọng, có tính cách ràng buộc.
Vì những lý do đó sau 14 năm tồn tại, có không ít người đặt vấn đề về tính khả thi, về vai trò, ảnh hưởng của ASEM.
Đó cũng là lý do tại sao một trong những chủ đề được thảo luận trong hội nghị lần này là tương lai của ASEM
------------------------------
Ông Đoàn Xuân Lộc hiện đang làm nghiên cứu về EU-ASEAN ở Global Policy Insitute, London Metropolitan University, Anh Quốc.
-----------------------------

.
.
.

No comments: