Thursday, October 14, 2010

BBC - THÔNG TIN Ở ĐÂU THẾ ?

Phan Dương
Tháng Mười 14, 2010

Trên trang BBC hôm nay có bài viết Ngư dân được Trung Quốc thả về đến Việt Nam, trong đó có dẫn lời các quan chức UBND huyện Lý Sơn xác nhận với BBC các ngư dân đã trở về nhà. Không biết là chuyện xác nhận đó có thật không, nhưng sau đấy lại dẫn tiếp theo nguồn báo Sài Gòn Tiếp Thị có lời phát biểu của ông Võ Xuân Huyện, chủ tịch huyện đảo Lý sơn rằng các ngư dân trên tàu ông Mai Phụng Lưu đã về tới nhà tối hôm thứ ba ngày 12/10 bằng đường biển.
Vậy là sao, ngay hôm nay 14/10, trên các tờ PLTP, Tuổi Trẻ, SGTT đều hỏi 9 ngư dân này đang ở đâu, Trung Quốc thả sao chưa thấy về.
Cũng ngay hôm nay trên Tuổi Trẻ mới có lời phát biểu của ông Võ Xuân Huyện  như thế này: “Lâu nay nếu ngư dân được thả về bằng đường bộ hoặc đường hàng không thì mình có người ra đón. Còn nếu ngư dân được thả về bằng đường biển thì khi tàu về đến cảng, ngư dân làm việc với biên phòng rồi tự về nhà”. Trước đó, ngày 12/10 báo SGTT chỉ có bài Trung Quốc đã thả vô điều kiện 9 ngư dân Việt Nam nhưng không thấy có lời nào phát biểu của ông Võ Xuân Huyện.
Vậy là BBC đã dẫn nguồn, khẳng định tin qua dự đoán chứ hoàn toàn không có cơ sở.

BBC, đề nghị anh hãy đính chính lại nhưng thông tin đây nhá. Một tờ báo uy tín, lâu năm mà làm thế thì biết nói gì nữa đây.

Bản tin trên BBC :

Dưới đây là toàn văn bài trên SGTT hôm 12/10 được cho là BBC đã dẫn lời:

Trung Quốc đã thả vô điều kiện 9 ngư dân Việt Nam
Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị hẹp bộ trưởng quốc phòng ASEAN sáng qua (11.10) tại Hà Nội, Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh cho biết hôm qua (10.10), phía Trung Quốc đã thả 9 ngư dân Việt Nam bị bắt từ 11.9.
“Việt Nam rất hoan nghênh việc làm này của Trung Quốc”, ông Thanh nói.
Trả lời câu hỏi về định hướng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, ông Thanh cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có chung biên giới trên bộ và trên biển. Quan hệ làm ăn của ngư dân hai bên không tránh khỏi những trường hợp xâm phạm vào vùng biển của nhau. “Do đó, chúng tôi đã có cơ chế tuần tra chung giữa hải quân Việt Nam và Trung Quốc”.
Theo bộ trưởng Phùng Quang Thanh, vừa qua việc này đã góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên biển và tạo điều kiện cho ngư dân làm ăn thuận lợi hơn. “Chúng tôi cũng bàn với nhau là hai bên bây giờ cần phải có hợp tác cao hơn, là hợp tác trên lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn trên biển”, bộ trưởng nói.
Trước đó, ngày 6.10, Đại tá Bùi Phụ Phú, phó chỉ huy trưởng bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi cho biết, Trung Quốc đã chính thức đòi ngư dân ta phải nộp tiền phạt (70.000 nhân dân tệ, tương đương 210 triệu đồng) mới cho tàu cá QNg 66 478TS về nước. Tàu cá này do thuyền trưởng Mai Phụng Lưu ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), làm thuyền trưởng. Trên tàu có 9 lao động, khi hành nghề ở quần đảo Hoàng Sa thì bị Trung Quốc bắt giữ ngày 11.9.2010. Đây là lần thứ 3, tàu cá của ông Mai Phụng Lưu
bị tàu nước ngoài bắt và giam giữ khi đang đánh bắt trên quần đảo Hoàng Sa.


“Trong ba năm qua, Việt Nam đã cứu được 45 ngư dân của Trung Quốc gặp nạn trên biển, lực lượng cứu hộ của Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn, nếu sơ sảy thì có thể phải hy sinh cả tính mạng. Họ đã bất chấp nguy hiểm bơi ra biển, nhường cơm, sẻ áo và chữa trị cho ngư dân Trung Quốc”
Bộ trưởng bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh


Diễn biến vụ việc cụ thể như sau: ngày 11.9.2010, phía Trung Quốc đã bắt giữ tàu cá số hiệu QNg 66478TS cùng 9 ngư dân Việt Nam tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. Sau khi nhận được thông tin nêu trên, các cơ quan chức năng Việt Nam đã xác minh và được biết tàu cá và 9 ngư dân nêu trên là của tỉnh Quảng Ngãi, đang hoạt động nghề cá bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Khi đi đánh bắt, tàu cá nêu trên chỉ mang theo các ngư cụ đánh bắt thông thường như lưới, đèn soi cá…
Từ đó đến nay, đại diện bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc về vấn đề này ở nhiều cấp khác nhau tại Hà Nội và Bắc Kinh.
Ngày 21.9.2010, cục Lãnh sự bộ Ngoại giao đã chính thức gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, nhấn mạnh việc lực lượng ngư chính Trung Quốc bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam trong khi họ đang hoạt động nghề cá bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam; yêu cầu phía Trung Quốc nhanh chóng thả vô điều kiện tàu cá và toàn bộ ngư dân nói trên.
Ngày 5.10, đại diện Đại sứ quán Trung Quốc gặp đại diện bộ Ngoại giao Việt Nam và nói rằng do tàu cá QNg 66478TS đã sử dụng thuốc nổ để đánh bắt cá nên các cơ quan chức năng của phía Trung Quốc quyết định xử phạt chủ tàu và đã thông báo cho gia đình những người bị bắt về quyết định nêu trên; sau khi nộp phạt, phía Trung Quốc sẽ thả tàu và ngư dân.
Tại cuộc gặp trên, Đại diện bộ Ngoại giao Việt Nam đã phản đối quyết định xử lý của phía Trung Quốc đối với chủ tàu QNg 66478TS, nhấn mạnh lý do bắt giữ và xử phạt của phía Trung Quốc đối với chủ tàu nêu trên là phi lý; khẳng định rõ tàu cá QNg 66478TS hoạt động bình thường tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trên tàu cá QNg 66478TS không có chất nổ. Ngay trong thông báo ngày 15.9.2010 của Trung tâm chỉ huy ngư chính Trung Quốc gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cũng không đề cập đến việc tàu cá nêu trên có mang theo chất nổ.
Đại diện bộ Ngoại giao Việt Nam một lần nữa yêu cầu phía Trung Quốc xuất phát từ quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước và nhận thức chung của lãnh đạo hai nước về việc xử lý vấn đề ngư dân, thả ngay và vô điều kiện các ngư dân và tàu cá QNg 66478TS.

Những ngư dân trên tàu cá QNg 66 478 TS do ông Mai Phụng Lưu làm thuyền trưởng bị TQ bắt ngày 11.9.2010 gồm: 
1. Mai Phụng Lưu (1970), ở thôn Tây, xã An Hải, đảo Lý Sơn
2. Mai Chí Tâm (1992), ở thôn Tây, xã An Hải – Lý Sơn
3. Mai Văn Hảo (1993), thôn Tây, xã An Hải – Lý Sơn
4. Nguyễn Đảng (1947), thôn Đông, xã An Hải – Lý Sơn
5. Bùi Văn Minh (1983), thôn Tây – An Hải – Lý Sơn
6. Dương Văn Dũng (1984), thôn Đông, xã An Vĩnh – Lý Sơn
7. Trần Văn Đạo(1992), thôn Đông, xã An Vĩnh – Lý Sơn
8. Trần Văn Đủ (1993), thôn Tây, xã An Hải – Lý Sơn
9. Bùi Văn Hải (1992), thôn Tây, xã An Vĩnh – Lý Sơn

Còn đây là bài trên BBC hôm nay :

BBC
Cập nhật: 06:56 GMT - thứ tư, 13 tháng 10, 2010
Giới chức cho hay chín ngư dân Quảng Ngãi vừa được Trung Quốc trả tự do đã về đến đảo Lý Sơn.
Quan chức UBND huyện Lý Sơn xác nhận với BBC họ đã trở về.
Báo Sài Gòn Tiếp thị thì dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, ông Võ Xuân Huyện, rằng các ngư dân trên tàu của ông Mai Phụng Lưu, xã An Hải, đã về tới nhà tối hôm thứ Ba 12/10 bằng đường biển.
Tàu cá số hiệu QNg 66478TS bị Trung Quốc bắt từ hôm 11/09 tại vùng biển Hoàng Sa.
Ngay trước thềm hội nghị ADMM+ tại Hà Nội, Trung Quốc đã quyết định trả tự do cho họ mà không nói rõ liệu các đòi hỏi ban đầu như về tiền phạt... đã được đáp ứng hay chưa.
Thông tin thả chín ngư dân đã đ̣ược quan chức quốc phòng Việt Nam cung cấp cho báo giới, nhưng bản tin về việc này trên nhiều tờ báo sau bị gỡ xuống một thời gian trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt có mặt tại Hà Nôi để tham dự hội nghị quốc phòng.
Tuy nhiên sau khi ADMM+ kết thúc, các báo đồng loạt đăng tải thông tin các thuyền viên được trả tự do.
Trong khi đó có tin giới chức Quảng Ngãi vừa duyệt chi 4,5 tỷ đồng để hỗ trợ ngư dân trong năm 2010 tại các huyện ven biển và đảo Lý Sơn đánh bắt xa bờ.
Thông thường ngư dân Quảng Ngãi hay tới đánh bắt ở vùng biển gần Hoàng Sa, mà họ cho là "ngư trường truyền thống" của mình.
Thuyền trưởng Mai Phụng Lưu trên tàu cá QNg 66478TS đã bị Trung Quốc bắt tới ba lần.

Thả vô điều kiện
Báo Thanh Niên nói các ngư dân Việt Nam được thả vô điều kiện.
Một nguồn tin cũng nói với BBC phía Trung Quốc đã không thu tiền phạt, được nói là lên tới 70.000 Nhân dân tệ mỗi người, và trao trả nguyên thiết bị máy móc trên tàu.
Trước đó phía Trung Quốc giải thích rằng "tàu cá QNg 66478TS đã sử dụng thuốc nổ để đánh bắt cá nên các cơ quan chức năng của phía Trung Quốc quyết định xử phạt và sau khi nộp phạt, phía Trung Quốc sẽ thả tàu và ngư dân".
Phía Việt Nam cực lực bác bỏ cáo buộc, nói những người này lặn bắt hải sâm nên không hề có thuốc nổ.
Sau khi chín ngư dân được trả tự do, vẫn còn 21 tàu cá với khoảng 90 ngư dân Quảng Ngãi đang bị 'nước ngoài' giam giữ.
Đa số họ bị Trung Quốc bắt khi hành nghề gần Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm hoàn toàn từ 1974.
.
.
.

No comments: