Thursday, July 1, 2010

KHI NGƯỜI TA KHÔNG CÒN BIẾT MẮC CỠ

Khi người ta không còn biết mắc cỡ

Liêu Thái

01/07/2010 7:00 sáng

http://www.talawas.org/?p=21951

Lúc nhỏ, tôi nhớ năm đó tôi chừng 9, 10 tuổi gì đó, ở quê có trận lụt lớn chưa từng thấy, nước ngập đến gần chấm trính, chừng lên một chút nữa là chạm nóc, là ngập luôn cả cái gác nhỏ ba bà cháu tôi đang ngồi trên đó, rắn rết, muỗi mòng heo vịt bơi lõm ngõm nhìn vừa sợ vừa thương. Nhưng cái tuổi thơ tôi qua vèo và chẳng để lại dấu ấn nếu như không bắt gặp vài cánh đồng chết khô trên đường đi sáng nay.

Tôi còn nhớ năm ấy, sau trận lụt đó, lúa bị ngập nước đen thui cả cánh đồng; lúa thúi, đói sắp tới nơi nhưng bà con lại thấy mừng, mừng vì biết chắc rằng hợp tác xã sẽ bỏ những đồng lúa này và bà con có thể gặt những hạt lúa thúi đó về mà phơi, mà cải thiện. Hồi đó bà con đi làm chỉ biết trông chờ vào công điểm, nhiều nhà làm quần quật quanh năm suốt tháng cũng chỉ đủ khoai độn, sắn độn. Lâu lâu có anh Vinh trong xóm mang gùi lên núi Trà Linh mua sắn về bán nợ cho bà con, nhìn củ sắn tròn mũm mĩm, nhiều đứa ngang tuổi tôi thèm thuồng muốn chảy nước miếng trông tội nghiệp không chi bằng! Mẹ tôi thì hay đọc câu: Mất mùa là tại thiên tai/ Được mùa bởi tại thiên tài Đảng ta. Tôi không hiểu, nhưng nghe và nhìn điệu bộ của mẹ tôi chỉ thấy buồn cười. Thi thoảng mẹ có đọc thêm câu: Thi đua ăn đũa hai đầu/ Có chồng bộ đội là dâu Bác Hồ….

Gần ba mươi năm sau trận lũ, trải qua không biết bao nhiêu chuyện, xóm tôi giờ có điện, đường bê tông, nhà cũng có xe máy, tệ là xe Trung Quốc, khá là xe Mercedes, Toyota Camry, có nhà còn nối mạng internet, truyền hình cáp… Nói chung là cũng không đến nỗi nào, trừ một chuyện khiến tôi không bao giờ có thể chơi thân với đám thanh niên trong xóm được là tụi nó uống rượu dữ quá, không những sa đà vào rượu mà còn trộm cắp, đánh nhau, có nhiều đứa ba mươi mấy tuổi đời rồi vẫn còn la cà, lang thang, nhiều lúc say bí tỉ, ngồi cà kê dê ngỗng, vỗ ngực tự hào mình từng phục vụ hai, ba năm trong quân đội, từng là đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xuất sắc… Nói chung là nhận thức còn ở thời xa lơ xa lắc, chưa qua khỏi lũy tre làng và đặc biệt là không thoát được những chủ trương, giáo điều phát từ cái loa sắt trên ngọn mít cứ nói ra rả mỗi sớm mai, mỗi chiều chạng vạng…

[…]

Sáng nay lên mạng, mở talawas, đọc đoạn trích phát biểu của ông Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng: “Tôi có thể nói là năm nay rất mừng vì một mặt: dù thiếu điện như vậy nhưng mà nhân dân cả nước rất là quan tâm và có sự thông cảm với ngành điện… Tôi xin nhắc lại cái khó khăn của ngành điện năm nay đó là hoàn toàn phần lớn do khách quan… Một lần nữa tôi nói lại là, với tình hình khó khăn hiện nay là do khách quan”. Tôi thấy buồn cười. Buồn cười vì tôi đang sống ở Việt Nam, buồn cười vì ông ta nói bằng tiếng Việt, chữ Việt viết lại những điều ông ta nói. Và buồn cười hơn vì ông ta phát biểu cũng bằng tiếng Việt với cả một tập hợp hơn tám mươi triệu dân [trong đó có cả Vũ Huy Hoàng] bằng những lời lẽ vừa khôi hài, ngô nghê lại vừa thiếu. Thiếu cái gì? Có lẽ phải phân tích ra mới biết nó thiếu cái gì!

.

Ở vế thứ nhất trong đoạn trích, ông Hoàng nói: “Tôi có thể nói là năm nay rất mừng vì một mặt: dù thiếu điện như vậy nhưng mà nhân dân cả nước rất là quan tâm và có sự thông cảm với ngành điện”.

Thử đặt lại vấn đề ông Hoàng “mừng” như vậy đã đúng chưa? Chí ít là đúng với chính thực tại và những gì ông Hoàng nhìn, nghe thấy thông qua phương tiện truyền thông?

- Báo Quảng Nam đưa tin hạn hán kéo dài, do cung cấp điện không phù hợp nên việc tưới tiêu bị ngưng trệ, hàng loạt cánh đồng chết khô, bà con mất lúa [đọc bài “Mất lúa” của Nguyễn Thành Giang và phóng sự “Ruộng đồng khát nước của Văn Sự - Lê Phong – Quảng Nam online].

- Những lúc nước lên, lượng nhiễm mặn thấp thì lại không có điện, lúc có điện thì lượng nước nhiễm mặn dâng cao, kết quả là tưới bao nhiêu, lúa vàng bấy nhiêu, hàng loạt cánh đồng các tỉnh duyên hải miền Trung đang rơi vào sâu bệnh, chết non.

- Những doanh nghiệp bị cúp điện liên tục dẫn đến các cơ sở sản xuất của họ bị đình trệ, ảnh hưởng đến đời sống công nhân, người lao động.

- Môi trường đã ô nhiễm càng thêm ô nhiễm khi nhà nhà thi nhau dùng máy phát điện có động cơ chạy bằng xăng hoặc dầu diesel.

- Nhiều động vật, súc vật bị chết bởi nhiệt độ tăng quá cao nhưng không có điện nên hệ thống bơm nước gia đình không hoạt động được, việc làm nguội chuồng trại bế tắc.

- Công nhân ở một số khu công nghiệp phải thay ca, xảy ra những lộn xộn không đáng có, thậm chí một vài trường hợp nữ công nhân bị trấn lột trên đường đi làm về.

- Hàng loạt người Hà Nội biểu tình bày tỏ thái độ bất bình, phản đối việc chính phủ bán điện cho nước ngoài mà lại để người dân trong nước chịu cảnh bữa sáng bữa tối. Trong khi đó tiền để xây dựng các nhà máy điện là do thuế và tiền vay ODA, khoản này rồi cũng được thanh toán từ chính mồ hôi, nước mắt của nhân dân và con cháu họ.

- Và còn nhiều rắc rối khác có nguyên nhân từ chuyện cúp điện…

Ông Bộ trưởng Hoàng nói nhân dân quan tâm? Đúng, nhân dân rất quan tâm vì đây là quyền lợi tối thiểu trong vấn đề an sinh xã hội, họ phải quan tâm.

Nhưng họ quan tâm như thế nào thì phải xét lại, phải dựa trên thực tế đời sống của người dân, phải căn cứ trên cái được và cái mất của chính sự vụ – cúp điện thường xuyên, tất cả những thông tin hằng ngày, có thể là do phương tiện truyền thông chuyển tải, cũng có thể là thông tin ngoài luồng, thông tin hành lang, ở quán cà phê vỉa hè, ở quán bar, quán nhậu, bà bán trứng vịt lộn, ông nông dân kéo xe bò phân, bà thợ may, bà bán chè… Vì dù sao đi nữa thì những thông tin này mới đích thực là thông tin bởi nó phát biểu lên sở nguyện, mong muốn và nỗi niềm của người trực tiếp đón nhận hệ quả/ hệ lụy của chuyện cúp điện triền miên do nhà nước gây ra. Nó chính xác hơn nhiều lần những thông tin của các tờ báo ở Việt Nam – một loại báo chí mà hơn 60 tờ báo, gần 200 tạp chí, hơn 50 đại phát thanh – truyền hình [không kể ở cấp huyện] và nhiều cơ quan tương đương cơ quan ngôn luận đều có chung một Tổng Biên tập – Đảng Cộng sản Việt Nam – thì e rằng những thông tin họ đưa ra phải xem lại một khi vấn đề được nêu có ảnh hưởng đến Đảng tính và uy tín của tập hợp này.

.

Bà cụ này sống nhờ vào những đám ruộng. Giờ ruộng cháy khô, bà ngồi nhìn ra vuờn, khu vuờn cũng khô khốc.

http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2010/07/LT-bà-c_-này-s_ng-nh_-vào-nh_ng-_ám-ru_ng-gi_-ru_ng-cháy-khô-bà-ng_i-nhìn-ra-v__n-khu-v__n-c_ng-khô-kh_c...-400x300.jpg

.

Chính vì lẽ đó mà tôi đã thử làm một cuộc trắc nghiệm trong suốt quá trình đi thu thập thông tin cho các phóng sự của mình, câu hỏi duy nhất của tôi khi gặp bất kể người nào lần đầu tiên là: Cúp điện liên tục vậy thấy sao? Nghe đâu vài bữa nữa hết cúp phải không ông/ bà/ anh/ chị/ chú/ bác/ cô/ cậu/ em…? Nhưng tất cả những câu trả lời tôi nhận được đều là: … nóng không chịu được, chán bỏ mẹ, làm ăn kiểu gì mà càng lúc càng tệ, nghỉ việc hoài vậy chỉ có bốc cứt mà ăn… Lạy trời là vậy, đừng cúp nữa, kinh quá!…, không có sự bằng lòng trước chuyện cúp điện vô tội vạ như đã nói. Và mối quan tâm là có thật [tôi nhấn mạnh thêm lần nữa!] nhưng quan tâm gì thì thiết nghĩ các bác cán bộ nhà nước cũng nên đi dạo một vòng xuống các nhà dân, các công xưởng sản xuất, các nơi bị cúp điện liên tục… để thăm dò, điều tra rồi hãy phát biểu cũng chưa muộn!

Vậy mà ông Bộ trưởng Hoàng vẫn cứ nói được là “mừng” không hiểu ông mừng cái nỗi gì nhỉ?! Mà sao lại có chữ “thông cảm” ở đây, cả một ngành kinh tế mũi nhọn dưới sự quản lý, điều hành của nhà nước mà làm việc èo ọp để cuối cùng trông chờ vào sự thông cảm thì nghe ra không lọt tai chút nào!

.

Ở vế thứ hai, ông nói: Tôi xin nhắc lại cái khó khăn của ngành điện năm nay đó là hoàn toàn phần lớn do khách quan.

Lần trước, sau trận lũ kinh hoàng năm 2009 đã quét gần như sạch một làng dân tộc thiểu số miền núi ở huyện Đại Lộc – Quảng Nam, bùn non dâng lên gần đến gối trong nhà, gỗ rừng trôi về nghẹt cầu Quảng Huế, nhưng các phương tiện truyền thông trong nước đã không đưa tin này. Vì theo một số dư luận ở Đại Lộc thì nguyên nhân là do anh điều độ thủy cục của thủy điện A Vương nhậu say ngủ quên, không xả nước giảm thủy, đến khi tỉnh dậy thì thấy nước dâng quá cao có nguy cơ vỡ đập, xả liều, nước dâng thành lũ trong vòng chưa đầy 6 giờ đồng hồ đã ngập khắp các thôn làng ở Quảng Nam, bà con không kịp trở tay… Đương nhiên là tôi không hoàn toàn tin vào dư luận trên nhưng chuyện trôi làng, trôi gỗ, bùn ngập là có thật! Sau trận lũ, các các bộ trung ương cũng đi thăm viếng ở một số địa phương, cũng quay phim, phát hình phát sóng chuyến đi…. Xong, các cán bộ cũng nói: do khách quan.

Rồi trận lụt ở ba tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi ngập đến tận nóc nhà mà nguyên nhân cũng do xả đập thủy điện, các phương tiện thông tin cũng đưa tin các cán bộ trung ương lên phát biểu, chia sẻ, và câu cuối vẫn luận điệu ấy: do khách quan.

Vậy cái nào là chủ quan? Có lẽ, trong trường hợp này, ông Hoàng và các cán bộ nhà nước sẽ nói là những cái gì do chính tay Thủ tướng Chính phủ hoặc do chính tay các Bộ trưởng, Chủ tịch nước, Tổng Bí thư động vào thì mới là chủ quan?

Cái chữ “khách quan” do miệng ông Bộ trưởng Hoàng nói ra làm tôi nhớ đến câu: Mất mùa là tại thiên tai/ Được mùa bởi tại thiên tài Đảng ta mà mẹ tôi thường hay đọc một cách bỡn cợt, chua cay thời hợp tác xã bao cấp, kinh tế quốc doanh.

.

Ở vế thứ ba, ông nhấn mạnh trở lại: Một lần nữa tôi nói lại là, với tình hình khó khăn hiện nay là do khách quan… Thì tôi chỉ biết phì cười và chẳng dám tin vào tai vào mắt của mình. Vì tôi nghĩ rằng tai cũng có tự trọng của tai, mắt cũng có danh dự của mắt. Ông Bộ trưởng nói vậy, thấy thiếu thiếu điều gì nhỉ?

Có lẽ thứ thiếu căn bản ở đây là sự thành thật, lòng tự trọng khi phát ngôn. Đúng vậy, thiếu căn bản hai yếu tố này!

.

Không có điện, người làm thay máy...

http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2010/07/LT-không-có-_i_n-ng__i-làm-thay-máy...-400x300.jpg

.

Nông dân tự tát nước lên ruộng để sạ lúa. Con trâu đi trước, cái bừa đi sau.

http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2010/07/LT-nh_ng-nông-dân-_ang-c_-g_ng-g_-g_t-b_ng-cách-t_-tát-n__c-lên-ru_ng-__-s_-lúa...-Con-trâu-_i-tr__c-cái-b_a-theo-sau...-400x300.jpg

.

Khi mà người dân các tỉnh có thủy điện, đặc biệt là tỉnh Quảng Nam, có trên 40 thủy điện đầu nguồn thì chuyện sống ở đồng bằng cũng như đang sống dưới một cái túi nước, nó thích trút xuống đầu giờ nào thì trút. Có người còn nói chơi [nhưng nghe ra cũng có thể là thật!] rằng số thủy điện này phần lớn do Trung Quốc xây dựng, nó điên điên nó cài chíp trong hệ thống, đợi đúng ngày đúng tháng thì tự động xả đập đồng loạt, lúc đó các tỉnh đồng bằng miền Trung đi du lịch biển với cá mập… Khi đó, có lẽ các ông cũng nói là do… khách quan Trung Quốc. Không phải chủ quan đâu!

Và tôi thử đặt lại vấn đề do đâu mà ông Bộ trưởng Hoàng lại phát biểu một cách hồn nhiên đến độ ngây ngô như vậy? Do không biết? Do biết không tới nơi tới chốn?

Do không biết thì không hẳn rồi. Vì thông tin trong luồng và ngoài luồng bây giờ đã rộng, bước ra đường là đã nghe, đã thấy, không thể nói là không biết được. Hơn nữa một Bộ trưởng mà nói không biết thì nghe không ổn!

Do biết không tới nơi tới chốn thì càng không phải, vì nếu một người hời hợt, nông cạn như vậy thì không thể ngồi ở ghế Bộ trưởng được, cho dù ngồi nửa giờ.

Chỉ còn lại điều này: Ông Bộ trưởng Hoàng biết, biết nhiều, biết tường tận, nhưng ông thiếu một sự thành thật. Vì đâu? Vì ông đang sống và làm việc trong một tập hợp mà trong đó sự thành thật được mặc định với việc nói những gì cấp trên cho phép, phát biểu những gì có lợi cho tổ chức Đảng và nói những gì đừng bị cấp trên khiển trách, giấu lỗi/tội trước nhân dân càng kín càng tốt. Chính vì vậy mà khi suy nghĩ kĩ lại, tôi thấy rằng ông Hoàng đáng được thông cảm [hoặc thương hại] hơn là đáng trách. Người ta chỉ trách người sáng suốt, đó là đạo lý của người Việt. Tôi lại lẩm nhẩm câu mẹ tôi hay đọc ngày xưa: Thi đua ăn đũa hai đầu/ Có chồng bộ đội là dâu Bác Hồ… Nghe cũng hay đó chứ nhỉ!

Và câu phát biểu trên của một vị Bộ-trưởng–đáng–kính là hệ quả của một sự không thành thật đã ăn nếp trong não bộ, người ta chỉ phát biểu được những câu như vậy khi người ta không còn biết mắc cỡ.

(Ảnh trong bài của tác giả)

© 2010 Liêu Thái

© 2010 talawas

.

.

.

No comments: