ĐÀ LẠT ĐANG BIẾN DẠNG
Tường Nguyên
Thứ hai, 26/07/2010 00:32GMT+7)
http://nld.com.vn/20100725104024908P0C1077/buc-tu-ho-tuyen-lam.htm
Từng được ngợi ca là “thành phố mộng mơ”, “thành phố trong rừng”, “thành phố ngàn hoa”... một trong những “thiên đường du lịch” của Việt Nam với những rừng thông bạt ngàn xanh ngắt nhưng nay Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đã không còn là chính mình và “thiên đường” này đang biến dạng thảm hại vì sự phát triển đô thị du lịch quá “nóng”
.
Cách trung tâm TP Đà Lạt 5 km về phía
Thế nhưng, nhiều du khách hiện nay không khỏi bất ngờ trước hàng loạt biệt thự to đùng đang mọc lên như nấm, xé nát cảnh quan khu vực quanh hồ.
.
Những biệt thự đang mọc lên vây chặt hồ Tuyền Lâm
http://nld.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/07/25/4-chot.jpg
.
Đại công trường trong khu di tích
Theo tài liệu lưu trữ, năm 1930, ông Farraut – một người Pháp sinh sống lâu năm ở Đà Lạt – đã thuê gần 3.000 ha (khu vực hồ Tuyền Lâm bây giờ) làm nông trại.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, khu vực suối Tía và núi Voi là căn cứ quan trọng nhất của phong trào cách mạng TP Đà Lạt, thường gọi là chiến khu Suối Tía hay chiến khu Quang Trung.
Khu căn cứ này là nơi Thị ủy Đà Lạt chỉ đạo các phong trào đấu tranh chính trị, vũ trang của quân - dân thị xã Đà Lạt, nơi dừng chân tập kết, huấn luyện các lực lượng vũ trang, các đội công tác, là bàn đạp để các lực lượng tấn công vào Đà Lạt và cơ động đánh địch ở các mặt trận trong tỉnh Tuyên Đức.
Ngày 30-8-1998, Bộ Văn hóa - Thông tin ra Quyết định số 1811/QĐ/BT công nhận hồ Tuyền Lâm là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Những tưởng với một bề dày lịch sử và cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn như vậy, khu vực này sẽ được bảo tồn và phát triển theo một định hướng bền vững.
Nhưng không, hàng loạt dự án mang “mác” du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái đã và đang được triển khai ồ ạt ở khu vực hồ Tuyền Lâm, biến khu vực này trở thành một đại công trường.
Những tuyến đường mới mở từ việc xẻ đồi, bạt núi đang được trải nhựa, hai bãi gỗ lớn với toàn những cây thông cỡ một người ôm vừa được chặt, với những dòng nhựa còn đặc quánh nằm ngổn ngang ở bìa rừng...
Dư luận không khỏi hoài nghi. Phải chăng người ta bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, di sản thiên nhiên bằng cách xâm phạm những cánh rừng thông nguyên sinh rộng 3.000 ha?.
.
Những căn biệt thự mọc lên, bủa vây hồ Tuyền Lâm.
Ảnh nhỏ: Và những cây thông ngã xuống... Ảnh: TƯỜNG NGUYÊN
http://nld.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/07/26/1-IMG_1609de.jpg
.
Triệt hạ rừng để... xây biệt thự!
Đầu tháng 7-2010, chúng tôi đi thuyền trên lòng hồ và cuốc bộ xuyên những quả đồi để được mục kích gần như toàn bộ những hoạt động xây dựng tại nhiều dự án trong khu vực hồ Tuyền Lâm.
Xót xa nhất là khu vực
Dự án này được khởi công vào tháng 11-2007, hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện và dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2011.
Người dân nơi đây cho biết cả một quả đồi trước đây toàn là thông với tuổi đời từ vài chục năm đến cả trăm năm bị đốn hạ để phục vụ cho dự án.
Cách đó không xa, ngay bờ hồ là dự án khu Bình An Village Đà Lạt do Công ty Cổ phần Làng Bình An (trụ sở đặt tại Đà Lạt) làm chủ đầu tư với diện tích hơn 7 ha.
Hiện dự án này đã xây dựng hàng loạt nhà nghỉ, khách sạn “chiếm lĩnh” cả một khoảng không gian rộng lớn của lòng hồ. Không những vậy, hàng chục dự án khác đang triển khai rầm rộ trên những quả đồi nơi đây.
Điều chúng tôi không khỏi đau xót khi nhìn thấy hàng trăm cây gỗ thông vừa mới bị chặt hạ, trong đó có những cây đường kính từ 40 cm đến 60 cm, thậm chí có cây lên đến 80 cm, dài hàng chục mét đang nằm tại hai bãi gỗ được tập kết ở bìa rừng.
Sâu vào rừng, hàng chục quả đồi lớn với diện tích lên đến hàng chục hecta toàn rừng thông đã bị san phẳng để xây dựng sân golf 18 lỗ do Công ty Cổ phần Sacom làm chủ đầu tư.
Dự án mọc lên, những cánh rừng thông ngã xuống, cả những khu rừng nguyên sinh và rừng nằm trong các khu phòng hộ xung yếu. Hàng loạt quả đồi bị băm xẻ, lở lói trơ màu đất bazan. Hồ Tuyền Lâm, một thắng cảnh du lịch, đang dần bị bức tử.
-----------------------------------
.
Siêu dự án 264 ha
Công ty Cổ phần Sacom được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp hai giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện hai dự án thành phần tại khu vực hồ Tuyền Lâm, bao gồm: Dự án sân golf Tuyền Lâm với diện tích 74 ha, gồm sân golf 18 lỗ, một khách sạn 4 sao với 150 phòng và 230 biệt thự cho thuê dài hạn.
Kế đến là khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp 194 ha với một khách sạn 5 sao 400 phòng, khu trung tâm mua sắm và câu lạc bộ du thuyền, khu vui chơi giải trí và hoạt động thể thao, khu resort 170 căn.
.
.
.
ĐÀ LẠT ĐANG BIẾN DẠNG
Tường Nguyên
Thứ ba, 27/07/2010 00:00GMT+7
http://nld.com.vn/20100726111547187P0C1077/du-lich-giet-rung-thong.htm
Hàng chục ngàn cây thông đã và sẽ bị đốn hạ để lấy mặt bằng xây biệt thự và các công trình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng
.
Hiện chưa có một số liệu thống kê cụ thể là bao nhiêu diện tích rừng thông đã bị đốn hạ nhưng với những số liệu và những hình ảnh mà chúng tôi ghi nhận được, chắc chắn phải có hàng trăm hecta rừng thông đã phải “nhường” mảnh đất sống của mình cho các tuyến đường giao thông, những công trình biệt thự, nhà nghỉ, khách sạn... đang “mọc” lên ngày càng nhiều hơn xung quanh khu vực hồ Tuyền Lâm.
.
Hàng loạt cây thông ở Đà Lạt đã bị đốn hạ để nhường chỗ cho các công trình du lịch
http://nld.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/07/26/11068260014-thong.jpg
.
Tận thu... rừng tự nhiên!
Vừa bước vào trụ sở UBND phường 4 - TP Đà Lạt (một trong hai phường quản lý hành chính khu vực hồ Tuyền Lâm), đập vào mắt chúng tôi là tấm bảng lớn dán những thông tin mới nhất liên quan đến thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, hai thông tin được chúng tôi chú ý nhất, đầu tiên là thông báo số 226 về việc “tận dụng lâm sản trên khu vực chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái của Công ty Cổ phần Đầu tư Gia Tuệ, tại tiểu khu 162B” do ông Phạm Văn Dân, Phó Giám đốc Ban Quản lý khu du lịch hồ Tuyền Lâm, ký ngày 24-5-2010.
Theo đó, tổng diện tích tận dụng gỗ là 2,69 ha, trong đó rừng tự nhiên là 2,59 ha và rừng trồng là 0,1 ha. Tổng trữ lượng gỗ tận dụng là 358,6 m3, trong đó sản lượng thương phẩm là 249 m2 (gỗ lớn 149,8 m3). Tổng số cây khai thác là 629.
Còn thông báo số 225 cũng do ông Phạm Văn Dân ký về việc “khai thác tận dụng lâm sản trên tuyến đường giao thông thuộc dự án làng văn hóa APU của Công ty TNHH Phát triển Giáo dục APU”.
Theo đó, sẽ tổ chức khai thác tận thu, tận dụng lâm sản tại các nhánh N1, N2 và N3 thuộc một phần tiểu khu 157, tổng diện tích tận dụng gỗ là hơn 1 ha, đa phần là rừng tự nhiên. Tổng trữ lượng gỗ tận dụng là 387,9 m3, tổng số cây khai thác là 596.
Ngoài ra, để thực hiện dự án kỳ quan thế giới và du lịch nghỉ dưỡng cao cấp do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình Haco thực hiện có diện tích 45 ha, chủ đầu tư cho rằng cần phải “giải phóng” gần 4.568 cây thông (thực chất là đốn hạ - PV).
.
Mâu thuẫn quan điểm?
Theo Ban Quản lý khu du lịch hồ Tuyền Lâm, đến nay đã có 33 dự án đầu tư vào khu du lịch này, trong đó 2 dự án mới có chủ trương đầu tư.
Trong đó, hiện có 2 dự án cơ bản hoàn thành là khu Nam Sơn Resort của Công ty TNHH Maico và vườn hoa lan kết hợp tham quan du lịch Thanh Quang của Công ty TNHH Hoa lan Thanh Quang đã đưa vào hoạt động. Hai dự án thi công và hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2011.
Như vậy, còn gần 30 dự án sẽ được triển khai ở khu du lịch này trong thời gian tới, đồng nghĩa với hàng loạt cây thông sẽ bị đốn hạ.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Ban Quản lý khu du lịch hồ Tuyền Lâm, ước tính sơ bộ từ năm 2005 đến nay, tổng số gỗ tận thu ở khu vực này hơn 2.666 m³.
Với cách giao dự án ồ ạt như trên, không chỉ có nguy cơ xâm phạm di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia của hồ Tuyền Lâm mà còn đi ngược quan điểm phát triển do chính UBND tỉnh Lâm Đồng đưa ra trong Quyết định 2117/QĐ-UBND ngày 17-7-2006 về phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu du lịch hồ Tuyền Lâm, trong đó khẳng định: “Bảo tồn và tôn tạo các yếu tố tự nhiên, đặc biệt là nguồn tài nguyên nước và rừng. Bảo vệ nghiêm ngặt đa dạng sinh học của khu vực...”!?
.
.
.
ĐÀ LẠT ĐANG BIẾN DẠNG
Tường Nguyên
Thứ tư, 28/07/2010 00:31GMT+7)
http://nld.com.vn/20100727105426944P0C1077/tu-danh-mat-minh.htm
Việc phát triển du lịch quá “nóng” ở khu hồ Tuyền Lâm và cả Đà Lạt nói chung khiến những di tích, thắng cảnh có nguy cơ trở thành phế tích khi không còn bản sắc riêng
.
Những năm gần đây, du khách đến Đà Lạt và ngay cả người dân địa phương đều có cùng nhận xét rằng “TP ngàn thơ” ngày càng nóng dần.
Ngoài nguyên nhân được lý giải là do tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu, một “hung thủ” khác được đề cập là việc có quá nhiều rừng thông bị đốn hạ.
.
Hàng loạt dự án đầu tư resort, biệt thự du lịch ở Đà Lạt do việc kêu gọi đầu tư tràn lan
khiến nhiều di tích, thắng cảnh có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề
http://nld.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/07/27/19646954004-chotthay.jpg
.
Khí hậu “tráo trở”
Chính những rừng thông đã giúp cho Đà Lạt thêm phần mát mẻ và tạo ra một bản sắc riêng cho TP du lịch nổi tiếng này.
Do ảnh hưởng độ cao và được rừng thông bao bọc, Đà Lạt mang nhiều đặc tính của miền ôn đới với nhiệt độ trung bình 18ºC - 21ºC, cao nhất chưa bao giờ quá 30ºC và thấp nhất không dưới 5ºC; có hai mùa rõ rệt...
Thế nhưng, khí hậu độc đáo của Đà Lạt đang mất dần. Đà Lạt giờ không còn nhiều sương mù lãng đãng hay cảnh người đi đường co ro trong áo ấm...
Những người sống lâu năm ở Đà Lạt than phiền: “Không còn nhận ra Đà Lạt nữa, bởi thời tiết quá khác thường, khi thì nóng cháy da, lúc lại lạnh khủng khiếp”.
Một cán bộ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Lâm Đồng cho rằng sự thu hẹp nhanh hơn rừng nội ô ở TP Đà Lạt, việc “bê tông hóa thiên nhiên” (xây dựng công trình ồ ạt), cộng với hiện tượng biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến chuyện khí hậu ngày càng tồi tệ ở Đà Lạt.
Chưa hết, việc phá rừng, phân lô bán đất, lấp nhanh nhà cửa vào núi đồi, mở đường cao tốc... cũng khiến thời tiết “tráo trở” hơn.
Nếu như năm 1923, khi đồ án thiết kế đầu tiên hoàn thành, Đà Lạt mới có 1.500 dân thì đến năm 2009, dân số TP này đã lên tới trên 256.000 người.
Cũng trong năm 2009, UBND TP Đà Lạt đã triển khai đề án điều chỉnh quy hoạch đô thị với nội dung chính là điều chỉnh hệ thống vành đai, tăng diện tích khu nội ô lên gấp hai lần hiện nay - từ 2.730 ha lên 5.104 ha.
Nội đô TP Đà Lạt sẽ được mở rộng đến hệ thống đường vành đai ngoài và được quy hoạch thêm 4 khu trung tâm nữa trên diện tích được mở rộng 2.374 ha này.
Trong đó, hai hướng phát triển khiến nhiều người lo ngại nhất chính là khu vực phía Nam TP - lấy hồ Tuyền Lâm làm tâm điểm nối với Quốc lộ 20 về TPHCM và khu vực phía Tây Đà Lạt - mở rộng TP lên hướng núi Lang Bian với nhiều dự án lớn như khu du lịch tổng hợp DanKia – Đà Lạt, sân bay Cam Ly, khu du lịch Cam Ly – Măng Lin... và kết nối với đường Đông Trường Sơn.
Người ta lo ngại vì sự phát triển này sẽ phạm vào những khu rừng còn nguyên vẹn lớn nhất của Đà Lạt. Việc phát triển du lịch quá “nóng” ở khu hồ Tuyền Lâm và cả Đà Lạt nói chung khiến những di tích, thắng cảnh có nguy cơ trở thành phế tích khi không còn bản sắc riêng.
.
“Bội thực” dự án
Trong cuộc hội thảo tìm kiếm giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng tổ chức hồi tháng 3-2010, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Lâm Đồng Nguyễn Trọng Hoàng (hiện đã nghỉ hưu) cảnh báo nguy cơ “bội thực” dự án đầu tư resort, biệt thự du lịch ở TP do việc kêu gọi đầu tư tràn lan.
Theo ông Hoàng, với 235 dự án “đầu tư du lịch” đã được cấp phép hoặc đã cho chủ trương đầu tư, dự tính số biệt thự xây cất tại Đà Lạt sẽ lên đến 45.000 căn.
Ông Hoàng cho rằng số dự án du lịch - địa ốc - biệt thự đồ sộ đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên của Đà Lạt.
Tại buổi hội thảo này, nhiều đại biểu cũng chỉ ra hiện trạng các dự án du lịch nghỉ dưỡng quá nghiêng về mục tiêu bất động sản, chưa hướng trọng tâm vào chức năng du lịch, vui chơi giải trí... nhằm phục vụ đông đảo người dân.
Nhiều ý kiến đề nghị Lâm Đồng không nên thu hút đầu tư vào du lịch một cách tràn lan, “mơ hồ”; nên mạnh dạn loại những dự án nhỏ, nghèo nàn về sản phẩm, không tạo ra giá trị cho tương lai du lịch Đà Lạt mà còn góp phần băm nát cảnh quan cũng như môi trường.
Theo bà Đỗ Thị Hồng Xoan, Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, ngành du lịch Đà Lạt cần hướng đến việc phát triển bền vững, cụ thể là chỉ cần tập trung thu hút một số dự án đầu tư du lịch thật lớn, có chất lượng cao, thực sự vì du lịch.
-----------------------------------------
Phải tuyệt đối bảo vệ di tích
Nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cần rà soát lại việc xây dựng tại hồ Tuyền Lâm. Theo điều 32 Luật Di sản văn hóa, các khu vực bảo vệ di tích gồm: khu vực 1 - di tích và vùng được xác định là yếu tố gốc cấu thành di tích, phải bảo vệ nguyên trạng; vùng bao quanh khu vực 1 - có thể xây dựng công trình phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích nhưng không làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của nó.
Ngoài ra, trong Công văn 1811 ban hành ngày 24-5-2005 về thỏa thuận dự án xây dựng khu du lịch tại di tích thắng cảnh hồ Tuyền Lâm, Bộ Văn hóa - Thông tin cũng đã lưu ý việc khai thác tiềm năng du lịch cần phải tuyệt đối bảo vệ di tích theo Luật Di sản văn hóa; các công trình xây dựng trong dự án phải thể hiện phong cách kiến trúc truyền thống địa phương và hài hòa với môi trường tự nhiên; mật độ xây dựng không quá dày đặc, nên sử dụng các công trình có quy mô vừa phải xen lẫn các thảm cây xanh...
T.Hợp
.
.
.
ĐÀ LẠT ĐANG BIẾN DẠNG
Thứ năm, 29/07/2010 01:29GMT+7
http://nld.com.vn/20100729012950565P0C1077/khong-con-nhan-ra-da-lat-.htm
Đó là nhận xét, cũng là nỗi lo lắng của PGS-TS Nguyễn Mộng Sinh, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng, qua loạt bài “Đà Lạt đang biến dạng” trên Báo NLĐ
.
Phóng viên: Là người làm công tác khoa học, ông đánh giá thế nào về TP Đà Lạt hiện nay?
PGS-TS Nguyễn Mộng Sinh: Những năm gần đây, khi hàng loạt dự án xây dựng được phê duyệt ồ ạt để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng thì Đà Lạt dường như không còn bản sắc riêng của mình. Một điều chúng ta nên nhớ khi người Pháp quy hoạch, họ đã nghĩ đến một TP trong rừng, bởi đó là nơi các ngôi nhà, biệt thự, đường... đều nằm dưới tán rừng, khí hậu ôn hòa và dễ chịu với những buổi trưa có sương mù...
Tất cả điều đó có được là nhờ vào những cánh rừng thông nguyên sinh bạt ngàn. Do đó, không chỉ tôi hay người dân Đà Lạt, mà những người yêu vẻ đẹp của TP này đều có chung ước nguyện, dù có phát triển đến đâu thì điều quan trọng nhất là phải làm sao để giữ gìn những cánh rừng quý giá mà phải mất hàng trăm năm mới có được.
. Vậy theo ông, liệu với tốc độ phát triển các khu du lịch ở khu vực hồ Tuyền Lâm như hiện nay có ổn?
- Tôi có tham gia các hội đồng phản biện một số dự án khu vực hồ Tuyền Lâm. tôi xin nói thẳng là rất lo ngại trước tốc độ phát triển và cách thực hiện các dự án ở đây. Khu hồ Tuyền Lâm ngoài việc là một cảnh quan thiên nhiên du lịch đẹp, nó còn là nơi dự trữ nguồn cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt của người dân.
Để bảo vệ nguồn nước, một yếu tố không kém phần quan trọng là bảo vệ những cánh rừng xung quanh khu vực lòng hồ. Một số dự án ở đây đã triển khai trước khi có những đánh giá tác động môi trường, thậm chí một số dự án đưa ra những số liệu về tác động đến môi trường không đủ độ tin cậy, thuyết phục... Rõ ràng chúng ta đang “nhắm mắt” làm, bất chấp việc phát triển sau này sẽ phá vỡ cảnh quan, thậm chí gây ô nhiễm môi trường cho khu vực.
. Ông có thể cho biết những nguy hại mà các dự án du lịch gây ra?
- Khi ta chặt cây thông, bê tông hóa đồi núi quá nhiều sẽ làm thay đổi độ ẩm của đất, tốc độ bốc hơi của nước, tốc độ dòng chảy khi có mưa, hệ thống nước ngầm... dẫn đến khí hậu của khu vực có những thay đổi. Bài học này có thể nhận thấy ở TPHCM, do bê tông hóa, lấn chiếm hồ chứa, thiếu thảm cây xanh... dẫn đến hệ quả là cứ mưa là ngập. TP Đà Lạt, nếu phát triển mà không tính đến những điều này, chắc chắn trong thời gian không xa cũng sẽ phải trả giá do sự tác động quá mạnh vào môi trường theo hướng không bền vững.
.
Những cây thông lâu năm bị chặt hạ không thương tiếc để làm du lịch. Ảnh: HOÀNG TƯỜNG
http://nld.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/07/29/4-chot.jpg
.
. Nhận định của ông về khu vực hồ Tuyền Lâm?
- Có người ví von hồ Tuyền Lâm như là một cô gái đẹp, hiện đã bị... tạt axít nên không thể nhận ra. Tôi cảm thấy dị ứng trước những biệt thự xây dựng sát khu vực lòng hồ. Nhiều dự án hiện làm rất ì ạch và chưa khai thác hết tiềm năng. Có dự án chỉ mới được duyệt chủ trương đầu tư là hàng loạt rừng thông đã bị “trảm” để lấy mặt bằng... phơi nắng vì không được tiếp tục triển khai.
. Mới đây, Thủ tướng có chỉ đạo tỉnh phải giữ mật độ che phủ của rừng tại tỉnh Lâm Đồng phải đạt 62%. ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Theo tôi, đây là một chỉ đạo đúng đắn, bởi việc giữ rừng ở TP Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung, không chỉ là giữ cho người dân TP này mà cái chính là giữ cho hàng chục triệu hộ dân, trong đó có người dân sống ở dọc lưu vực sông Đồng Nai. Một khi vốn rừng mất đi, ô nhiễm môi trường tại đầu nguồn tăng... chắc chắn nguồn nước cũng suy giảm và gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Điều tôi băn khoăn là chất lượng mật độ che phủ của rừng chứ không phải số liệu báo cáo trên giấy của các xã, phường. Bởi nhiều doanh nghiệp được giao quản lý, khai thác và bảo vệ rừng, sẵn sàng chặt những cây thông hàng chục, hàng trăm năm tuổi và thay thế vào là những cây thông mới trồng. Tôi đã từng đề nghị tỉnh phải cho chụp ảnh vệ tinh, đồng thời kiểm tra, rà soát để qua đó xác định lại thực sự chất lượng rừng còn bao nhiêu, chứ không thể bảo vệ rừng theo kiểu... trên bàn giấy.
--------------------------------
Làm rõ, báo cáo sự việc
Ông Nông Quốc Thành, Trưởng Phòng Quản lý di tích – Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa – Thông tin và Du lịch), cho biết sau khi nắm bắt được thông tin về hồ Tuyền Lâm (TP Đà Lạt) bị xâm hại được phản ánh trên Báo Người Lao Động, Cục Di sản Văn hóa đã có công văn đề nghị Sở Văn hóa – Thông tin và Du lịch tỉnh Lâm Đồng phải khẩn trương làm rõ và báo cáo sự việc.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hứa Đức Nhị cũng cho biết giao Cục Kiểm lâm kiểm tra làm rõ những gì báo chí nêu.
T.Dũng
.
.
.
Thứ sáu, 30/07/2010 00:47GMT+7
http://nld.com.vn/2010072910473326P0C1042/cuu-lay-rung-thong-da-lat.htm
Báo Người Lao Động vừa đăng loạt bài phản ánh việc chính quyền tỉnh Lâm Đồng cho phép nhà đầu tư chặt phá rừng thông để xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp khiến Đà Lạt bị tàn phá, bạn đọc bày tỏ bức xúc
.
Xâm phạm di tích lịch sử
Đọc loạt bài “Đà Lạt đang biến dạng” trên Báo Người Lao Động từ ngày 26 đến 29-7, tôi rất bức xúc về việc hàng ngàn héc-ta rừng thông xung quanh hồ Tuyền Lâm, với tuổi đời lên đến hàng trăm năm, đã bị đốn hạ. Rừng thông bao quanh hồ Tuyền Lâm, di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia, đã bị chặt bỏ thay vào đó là những dự án resort, villa, sân golf... đã phá vỡ cảnh quan thiên nhiên nơi đây.
Khi nhắc đến Đà Lạt, mọi người đều nghĩ về một TP mộng mơ được tạo nên bởi những rừng thông bạt ngàn, những đường dốc quanh co và khí hậu vô cùng mát mẻ... Nhưng với việc đốn hạ hàng loạt cây thông để phục vụ cho các dự án thì sau này Đà Lạt có còn mộng mơ, nên thơ, mát mẻ nữa hay không? Chắc chắn là không.
Là công dân ở TP núi, tôi mong các vị lãnh đạo TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng có những giải pháp tích cực để trả lại “Đà Lạt ngàn thông” cho người dân.
Nguyễn Duy Sơn (TP Đà Lạt)
.
Vì lợi ích trước mắt
Đến Đà Lạt, tôi đã từng tiếc ngẩn ngơ khi người ta đập bỏ hai ngôi nhà cổ để xây dựng đài truyền hình, từng xót xa khi đường Nguyễn Chí Thanh tuyệt đẹp bị che khuất tầm nhìn bởi tòa nhà Bưu điện TP Đà Lạt và bây giờ là rừng thông xung quanh hồ Tuyền Lâm bị đốn hạ. Thật không hiểu nổi, chỉ vì lợi ích trước mắt mà chính quyền tỉnh Lâm Đồng sẵn sàng chặt bỏ những cây thông hàng trăm năm tuổi. Rừng có nhiệm vụ giữ nước, chống xói mòn, sạt lở và là lá phổi xanh cho người dân. Nay rừng đã bị chặt phá thì người dân có nguy cơ sẽ đối mặt với hạn hán, bão lũ rất nghiêm trọng. Tại sao chính quyền TP Đà Lạt không nhận ra vấn đề này hay biết nhưng vì lợi ích trước mắt mà bất chấp tất cả.
Ai cũng biết Đà Lạt từ xưa là một TP của không khí mát lạnh, của ngàn thông, của những thác nước... Với những điều kiện tự nhiên như vậy, Đà Lạt đã thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Đà Lạt đang chết dần, chết mòn do chính sách chặt bỏ rừng để xây dựng các khu nghỉ dưỡng, sân golf... khiến Đà Lạt ngày càng... nóng. Đà Lạt nên thơ của ngày xưa giờ đây mất rồi!
Phạm Tin (TP Đà Nẵng)
.
Hủy diệt thiên nhiên
Cho phá rừng thì có khác nào chấp nhận lũ lụt sẽ nhấn chìm đồng bằng trong tương lai. Nếu tỉnh Lâm Đồng muốn tăng thu ngân sách, sao không phát triển công nghiệp ở các huyện khác còn nghèo. Ví dụ như Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lộc... Ở những khu vực này, đất đai mênh mông, đồi chẳng còn một ngọn thông... Muốn xây dựng bao nhiêu cũng không ảnh hưởng gì tới TP Đà Lạt. Còn các doanh nghiệp thì không biết bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan tuyệt đẹp của đất nước ngoài túi tiền của mình.
Trịnh Bá (TPHCM)
.
Lo lắng
Những ngày TPHCM nắng nóng, mọi người thường tìm một địa điểm du lịch để “hạ nhiệt”. Và TP Đà Lạt là nơi tránh nóng tốt nhất, là địa điểm du lịch và nghỉ dưỡng lý tưởng bởi nhiệt độ ở đây luôn trong khoảng 18-210C, cao nhất chưa bao giờ quá 300C và thấp nhất không dưới 50C. Góp một phần để Đà Lạt có nhiệt độ lý tưởng như vậy là rừng thông bạt ngàn. Thế nhưng, thời gian gần đây, người ta đã đốn hạ nhiều héc-ta rừng thông có tuổi thọ lâu năm để xây dựng resort, khu nghỉ dưỡng... Rồi đây, Đà Lạt có còn mát mẻ nữa không khi mà con người ra sức triệt hạ rừng.
Nhìn cảnh rừng thông bị tàn phá ở TP Đà Lạt, không chỉ người dân Đà Lạt đau lòng mà những người dân đang sống ở hạ lưu cũng cảm thấy lo lắng. Không lo lắng sao được khi rừng đầu nguồn bị chặt phá và hậu quả của nó sẽ vô cùng nguy hiểm, cuộc sống và tính mạng của người dân bị đe dọa nghiêm trọng. Môi trường bị triệt phá đồng nghĩa với việc người dân phải đối mặt với thiên tai khắc nghiệt.
Nguyễn Ngọc Thiên An (TPHCM)
.
Người dân hãy lên tiếng
Tôi cho rằng lãnh đạo TP Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng cần quan tâm đến cảnh quan môi trường xung quanh khu vực hồ Tuyền Lâm. Nếu như cứ tiếp tục phá rừng và thay vào đó là các khu nghỉ dưỡng, sân golf... ngày càng mọc lên nhiều thì chắc chắn Đà Lạt sẽ không còn là Đà Lạt nữa. Dù có phát triển đến đâu thì cũng cần phải giữ lại những cánh rừng thông, giữ lại lá phổi xanh của TP ngàn hoa.
Tại sao lại chấp nhận TP Đà Lạt “chết dần” như vậy? Lẽ nào người Đà Lạt thụ động và dễ dàng chấp nhận tất cả vậy sao? Hãy hành động ngay, nếu không, trong khoảng thời gian ngắn nữa thôi, Đà Lạt sẽ bị mất bởi những siêu dự án dành cho người giàu và khách quốc tế.
Phạm Thị Hạnh (Lâm Đồng)
.
.
.
Lưu Nhi Dũ
Thứ sáu, 30/07/2010 00:42GMT+7
http://nld.com.vn/2010072911429472P1002C1003/noi-buon-da-lat.htm
Năm 1978, lần đầu tiên tôi đến Đà Lạt, đi từ hướng Ninh Thuận lên thị trấn Đơn Dương, qua đèo Dran, đến đỉnh ở Cầu Đất để đổ đèo về TP Đà Lạt, cao nguyên Langbian mê hoặc tôi hoàn toàn. Càng lên cao, đèo Dran càng đẹp, cái đẹp thần sầu của những cánh rừng thông bạt ngàn, những đồi chè thơm ngát, những nông trường cà phê Arabisca có tuổi trăm năm. Và gió, càng lên cao càng phóng túng, lãng mạn, tinh khiết, lẫn trong mây, trong sương
.
Cầu Đất là địa danh nổi tiếng mà bác sĩ Alexandre Yersin trong chuyến thám hiểm lần thứ ba đến Đà Lạt đã gọi là “Langbian nhỏ”. Sức hấp dẫn của cao nguyên này làm ông Yersin chợt nhớ đến câu ngạn ngữ Latin: “Dat aliis laetitian aliis temperriem” (cho người này niềm vui, cho người khác sự mát dịu). Như một sự tình cờ, 5 mẫu tự đầu tiên của câu ngạn ngữ này ghép lại thành Dalat! Đà Lạt bắt đầu hình thành nên một TP nghỉ dưỡng từ đó.
Đà Lạt hấp dẫn bất cứ ai bởi cảnh quan thiên nhiên, khí hậu ôn đới - lạnh nhất cũng chỉ ở 5°C, nóng nhất không quá 30ºC, nhiệt độ trung bình 18ºC - 21ºC nhưng bây giờ đã khác. Mùa hè này, bạn tôi đưa gia đình đi nghỉ mát ở Đà Lạt phải ngủ máy lạnh. Đà Lạt đang biến dạng để dần đi đến chỗ biến mất những thế mạnh du lịch thuộc về di sản của thiên nhiên và đã trở thành TP đô thị loại 1.
Đà Lạt đang bị biến dạng vì sự phát triển du lịch quá nóng. Du lịch đang “ăn” vào di sản thiên nhiên chứ không phải lợi dụng ưu thế thiên nhiên để làm du lịch. Đà Lạt mộng mơ, Đà Lạt sương mù, Đà Lạt thơ... sẽ “biến mất” nếu như những cánh rừng thông mất đi, nhường chỗ cho những biệt thự bê tông cốt thép, những công trình phục vụ khách du lịch đồ sộ, ồn ào, náo nhiệt làm phá vỡ cảnh quan vốn cô tịch của TP sương mù. Những cánh rừng thông mất đi, kéo theo nhiệt độ của Đà Lạt tăng lên. Những đám mây lãng du không còn leo cửa sổ vào phòng du khách.
Đầu thế kỷ trước, thi sĩ Hàn Mặc Tử đã viết Đà Lạt trăng mờ. Bây giờ, nếu bạn đến Đà Lạt, những cảnh như Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt gần như biến mất. Đà Lạt thiếu sương và trăng sẽ sáng vằng vặc! Năm 1987, nhà thơ Thanh Thảo trong dịp về Đà Lạt, chứng kiến những cảnh phá rừng tàn bạo đã viết bài thơ Những cây thông kêu: Những cây thông ùa vào tỉnh ủy/ Xin đừng đốn chúng tôi… Hai mươi mấy năm qua, lời kêu cứu ấy vẫn văng vẳng bên tai những người yêu Đà Lạt. Bao nhiêu số phận những cây thông trăm tuổi đã bị hóa kiếp và sẽ còn tiếp tục bị hóa kiếp. Hồ Tuyền Lâm tuyệt đẹp như vậy mà giờ có người ví nó như một cô gái bị tạt acid thì sự tàn phá rừng đã đến mức độ khủng khiếp đến dường nào!
Đà Lạt đang bị biến dạng vì thiếu tầm nhìn quy hoạch, dù đã có nhiều hội thảo về vấn đề này. Đồi Cù từ lâu đã không còn là nơi chốn của tình yêu, nó đã biến thành sân golf nhưng Đan Kia, Suối Vàng, Lạc Dương, Đơn Dương... vẫn còn là những nơi chốn của thiên nhiên kỳ diệu. Nếu không đủ tầm quy hoạch, những cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời ấy sẽ biến mất. Chúng ta không chỉ “mất” Đà Lạt mà còn mất cả “niềm vui” và “sự mát dịu” của thiên nhiên ban tặng. Đó chính là nỗi buồn mang tên Đà Lạt!
Lưu Nhi Dũ
.
.
.
No comments:
Post a Comment