Thursday, July 29, 2010

HỘI THẢO VÈ TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG NAM Á

Hội thảo về tranh chấp Biển Đông Nam Á

BBC

Cập nhật: 08:21 GMT - thứ năm, 29 tháng 7, 2010

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/07/100729_biendong_conference.shtml

Một hội thảo của giới học giả bàn về tranh chấp biển và an ninh ở khu vực Đông Nam Á khai mạc ngày 29/07 tại Philadelphia, Hoa Kỳ.

Hội thảo này kéo dài tới ngày 31/07, tập trung một số nhà nghiên cứu hàng đầu người Việt trong lĩnh vực an ninh ở khu vực, nhất là trong tranh chấp Biển Đông.

Lời giới thiệu của Ban Tổ chức hội thảo viết: " Nền kinh tế Trung Quốc ngày càng mạnh lên, cho phép họ mua chuộc, áp lực các nước khác; kể cả dùng sức mạnh quân sự để thực hiện những yêu sách của họ; đặc biệt ở Biển Đông Nam Á, tình hình ngày càng nghiêm trọng, vì Trung Quốc không chỉ yêu sách đảo mà còn cả biển".

Với nhận định chính sách của Trung Quốc ảnh hưởng không chỉ tới Việt Nam, mà cả các quốc gia khác trong khu vực và trên toàn thế giới, hội thảo 'Tranh chấp Biển Đông Nam Á và vấn đề an ninh con người' đặt mục tiêu "đón nhận các phân tích, đánh giá về vai trò Trung Quốc, về chiến lược mà Việt Nam nên theo đuổi".

.

Đài BBC đã hỏi chuyện Tiến sỹ Vũ Quang Việt, một trong các thành viên Ban Tổ chức hội thảo:

TS Vũ Quang Việt: Thời gian vừa qua, chúng tôi đã tổ chức hai hội thảo về chủ đề này tại Đại học Yale và Đại học Temple, nhưng đó chủ yếu là cho học giả nước ngoài.

Lần này, đây là hội thảo đầu tiên chỉ cho học giả người Việt. Tuy nhiên số học giả từ trong nước tham gia thì rất ít, mà đa số là người Việt ở nước ngoài.

Một phần là do con số người nghiên cứu về Biển Đông ở trong nước không có nhiều, phần nữa, tự trang trải chi phí để sang Hoa Kỳ tham gia hội thảo cũng là vấn đề lớn.

Tôi biết có trường hợp học giả Hoàng Việt ở TP Hồ Chí Minh định qua đây dự hội thảo, nhưng lại không được phép của hiệu trưởng. Lý do vì sao thì tôi không rõ, vì chính phủ Việt Nam không có cản trở gì chuyện này.

BBC: Ở trong nước vẫn có nhiều người cho rằng vấn đề Biển Đông và tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc là vấn đề "tế nhị". Liệu suy nghĩ như vậy có cản trở gì cho việc nghiên cứu vấn đề này hay không thưa ông?

TS Vũ Quang Việt: Quá trình nghiên cứu của chúng tôi hoàn toàn độc lập, không có liên quan gì tới Việt Nam cả. Thêm nữa, tìm kiếm cổ sử của Trung Quốc, tư liệu của Pháp... thì cũng không nhất thiết phải có mặt ở Việt Nam.

Dĩ nhiên nếu có sự tham gia cùng nghiên cứu của các học giả Việt Nam, nhất là những người giỏi tiếng Hán, thì chắc là sẽ tốt hơn.

Tuy nhiên cho tới nay thì chưa có sự hợp tác nghiên cứu nào giữa bên ngoài và trong nước trong lĩnh vực này.

Tôi nghĩ, trong việc cộng tác nhiều khi hai bên phải có sự hăng hái giống nhau thì kết quả mới tốt. Chứ còn nếu cứ phải thông qua hệ thống, cơ quan... thì chúng tôi không quen làm như vậy.

BBC: Xin ông cho biết đôi nét về nghị trình của hội thảo ạ.

TS Vũ Quang Việt: Hội thảo lần này không chỉ nói về Biển Đông, nhưng có nhiều bài viết và tham luận về vấn đề Biển Đông. Chúng tôi cũng đặt vấn đề về vai trò của Trung Quốc, Mỹ và các nước trong khu vực này.

Tôi cho là con số bài viết về Biển Đông còn nhiều hơn một số cuộc hội thảo khác, và chất lượng tương đối cao.

Ở đây, khi đọc các tham luận chúng ta sẽ thấy có cả sự khác biệt ý kiến trong giới học giả. Thông qua trình bày, thảo luận... hy vọng sẽ đưa ra được cái nhìn nhiều chiều vì đây là một hội thảo khoa học nên không nhằm tìm ra một ý kiến nhất quán nào.

Thí dụ nói về vai trò của Trung Quốc thì cá nhân tôi đặt vấn đề là Trung Quốc đang có những hành động không có lợi cho hòa bình trong khu vực, và có những tuyên bố không đúng sự thật. Thế nhưng hầu hết chưa có nghiên cứu độc lập của người Việt Nam về sử liệu này.

Vậy nên chúng tôi tập hợp và mang các tổng hợp đó ra tranh luận.

BBC: Xin nói rộng ra ngoài cuộc hội thảo: tình hình Biển Đông hiện nay đang gia tăng căng thẳng. Theo đánh giá của Tiến sỹ, liệu có giải pháp nào để tháo gỡ các căng thẳng đó không ạ?

TS Vũ Quang Việt: Tôi nghĩ đầu tiên phải làm sao để dư luận thế giới hiểu rõ vấn đề vì chỉ khi đó họ mới có thể ủng hộ các giải pháp tốt đẹp được. Và bản thân chính người Việt Nam cũng phải hiểu rõ tình hình như thế nào trước.

Chẳng hạn, theo nghiên cứu của tôi, không thể nói chắc chắn rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Cho tới bây giờ chưa tìm thấy chứng cứ tài liệu nào trong lịch sử Việt Nam rõ ràng để nói rằng Trường Sa là của Việt Nam.

Tuy nhiên, Trung Quốc và các nước khác cũng không có bằng chứng gì rõ ràng để nói Trường Sa là của họ.

Vì thế nếu các bên bây giờ đẩy mạnh tinh thần dân tộc, vận động người dân trong nước chiến đấu bào vệ, sống chết với nó thì sẽ tạo ra một cuộc chiến tranh hết sức vô ích.

Nhưng nếu ta thừa nhận đây là một vùng hải đảo không thuộc về ai, thì sẽ vận dụng công pháp quốc tế để giải quyết vấn đề. Điều này sẽ có lợi cho khu vực.

Nhiều nước Đông Nam Á cùng chia sẻ Biển Đông, các nước này có thể góp tiếng để cùng đoàn kết giải quyết vấn đề cho thỏa đáng.

BBC: Thưa ông, Trung Quốc đã nhiều lần lặp lại rằng họ muốn giải quyết vấn đề Biển Đông một cách song phương. Liệu công pháp quốc tế có thể được áp dụng trong trường hợp này hay không ạ?

TS Vũ Quang Việt: Không thể chấp nhận song phương được. Biển Đông là khu vực biển nằm cạnh nhiều nước, nước nào cũng có quyền lợi trong đó nên không thể giải quyết một cách song phương được.

Trung Quốc dùng phương cách đó để "chia để trị", mua chuộc nước này, nước kia, nhằm khống chế kiểm soát Biển Đông. Thế nhưng chiến lược này của họ sẽ không thể thành công được.

BBC: Vừa rồi, Hoa Kỳ cũng tuyên bố muốn tham gia quá trình đàm phán Biển Đông. Thưa ông đánh giá vai trò của Hoa Kỳ trong vấn đề này như thế nào ạ?

TS Vũ Quang Việt: Nếu không có Hoa Kỳ, Trung Quốc sẽ dễ bề đòi hỏi song phương hơn. Bắc Kinh có thể mua chuộc lãnh đạo các nước riêng rẽ, khiến các nước chống lại nhau, tất cả phục vụ lợi ích c̉ủa Trung Quốc.

Mục đích cuối cùng của Trung Quốc là kiểm soát hoàn toàn khu vực. Tự do đi lại, nhưng phải hỏi ý kiến và xin phép Trung Quốc.

Thế nhưng đây là vùng biển mà Trung Quốc chưa bao giờ kiểm soát được trong quá khứ, bởi vậy bây giờ cũng chẳng có lý do gì để Trung Quốc bắt đầu nói là của mình.

Thái độ của Mỹ gần đây theo tôi là rất tích cực. Mỹ không chấp nhận vùng biển này là của Trung Quốc và duy trì quan điểm ủng hộ tự do đi lại ở đây.

.

.

.

Hiệu trưởng Trường Đại Học Luật TP.HCM ngăn cản học giả tham gia Hội Thảo vấn đề Biển Đông

Nguyễn Xuân Diện

Đăng bởi bvnpost on 25/07/2010

http://boxitvn.wordpress.com/2010/07/25/hi%e1%bb%87u-tr%c6%b0%e1%bb%9fng-tr%c6%b0%e1%bb%9dng-d%e1%ba%a1i-h%e1%bb%8dc-lu%e1%ba%adt-tp-h%e1%bb%93-ch-minh-ngan-c%e1%ba%a3n-h%e1%bb%8dc-gi%e1%ba%a3-tham-gia-h%e1%bb%99i-th%e1%ba%a3o-v/

Thưa quý vị,

Các học giả Việt Nam ở nước ngoài đã có sự chuẩn bị từ nhiều tháng nay để tổ chức Hội thảo khoa học về chủ đề "Tranh chấp biển Đông Nam Á và vấn đề an ninh con người" tại Mỹ. Hội thảo sẽ khai mạc vào lúc 9h30 sáng Thứ Năm 29/7/2010, tại:

Center for Vietnamese Philosophy, Culture, & Society

Anderson Hall 716

1114 W. Berks Street

Temple University

Philadelphia, Pennsylvania, USA

Học giả từ Việt Nam có các vị: Nguyễn Đình Đầu, Đinh Kim Phúc và Hoàng Việt. Ông Đinh Kim Phúc cho biết dịp này chỉ có ông tới Mỹ. Cụ Nguyễn Đình Đầu già yếu không thể đi. Vào lúc 10h 30 sáng nay, Ông Đinh Kim Phúc đã lên máy bay đi Mỹ tham dự hội thảo nói trên.

Sáng nay, chúng tôi cũng đã liên lạc được với Ông Hoàng Việt (Thạc sĩ Luật, Đại học Luật TP Hồ Chí Minh) để tìm hiểu thêm lý do vì sao không đến hội thảo. Ông Hoàng Việt cho biết, ông đã báo cáo và xin phép lãnh đạo nhà trường được sang Mỹ tham dự hội thảo nói trên. Hiệu trưởng của ông là Bà Mai Hồng Quỳ không cho phép ông đi Mỹ dự cuộc hội thảo này.

Tôi cực lực phản đối thái độ và quyết định của Bà Mai Hồng Quỳ. Tôi cho rằng đây là một việc làm ngăn trở các nỗ lực của học giả Việt Nam và quốc tế trong việc đấu tranh đòi chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đi ngược lại với ý chí của tổ tiên và nguyện vọng của toàn dân tộc ta!
Tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm đưa ra yêu cầu đối với Hiệu trưởng Đại học Luật để giải trình rõ lý do vì sao ngăn cản học giả Hoàng Việt tới Mỹ tham gia hội thảo nói trên.

NXD

.

.

.

No comments: