Saturday, April 24, 2010

VẾT CHÉM CỦA CHIẾN TRANH

Vết chém của chiến tranh

Nguyễn Huỳnh Thái

25/04/2010 1:00 sáng 1 phản hồi

http://www.talawas.org/?p=19462

Nhỏ không tìm được chút khái niệm gì về chiến tranh dù có nghe hàng nghìn câu chuyện, đọc hàng trăm quyển sách, xem hàng chục cuốn phim về cuộc chiến có thời gian xa hơn cái tuổi mười tám của nó. Có chăng với nó, chiến tranh là ký ức tuổi thơ với con người đã nằm ngủ yên dưới nấm mồ kia. Nấm mồ đất còn chưa ráo, những lá vàng bạc nằm tung toé xung quanh, những đám khói hương nghi ngút như muốn níu kéo linh hồn người chết dừng lại nghe lời tiễn đưa cuối cùng của nhỏ; hãy giũ bỏ những vám bụi khổ đau, tiếc nuối đã bám lấy linh hồn trước khi bước qua cầu Nại Hà nổi sóng.

Nhỏ chưa bao giờ coi ông ta là ba. Người đàn ông khi chưa đầy mười lăm tuổi cùng với những người bạn đã theo những chuyến tàu từ Đất Mũi đi ngược ra Bắc theo Hiệp định Genève; rồi từ Bắc ông lại đi dọc theo dãy Trường Sơn bạt ngàn cây núi, lần trở về với nhiệm vụ giải phóng miền Nam. Ngày không còn tiếng súng, cuộc chiến ném trả cho nhỏ một người cha thân thể còn nguyên vẹn, nhưng những vết thương tinh thần đã bắt ông ít khi còn tỉnh táo.

Trong cơn say hoảng loạn, ông hay vác ba lô đi, ông nói, đi hành quân, không ai cản được; ông lang thang hết cánh đồng này đến cánh đồng khác, hết làng này đến làng khác. Buồn ngủ. Lúc ông ngã đầu trên bờ ao, lúc ở lùm cây, lúc trước nhà người lạ. Đói khát. Gặp người biết tánh gọi vào nói, ăn uống chung với đồng chí anh nè, thì ông ăn; còn không ông từ chối, tôi bận hành quân rồi. Có lúc giữa đêm khuya ông trở về, người đen thui, dơ bẩn, phờ phạc, không còn hình dáng gì là người nữa. Bởi vậy, nhỏ rất sợ.

Những đêm ngồi uống rượu trên bộ ván, ngó bóng mình trên vách ông khóc tồ tồ; Tuấn ơi, mầy khoẻ không? Hảo à, tao nhớ mầy quá? Lâm ơi, giờ mầy còn nằm trên đất Lào ư? Hình như mỗi người bạn ngã xuống, đau đớn đã cắt vào linh hồn ông, cắt đến nát tả tơi, như muốn băm dầm cho tan chảy.

Người vợ của ông, má của nhỏ, sau khi đem sổ thương binh của ông cầm được hai triệu đồng đã bỏ đi không lời từ giã. Nhỏ phải về ở bên nội. Căn nhà rách tang hoang, ít người, giờ lạnh lẽo như nhà ma, trong đêm khuya khoắt người ta nghe thấy những linh hồn than khóc với niềm khắc khoải về chiến tranh. Lúc tỉnh táo, ông hỏi, vợ ông đâu? Má ông nói, vợ ông đi chợ. Ông mừng rơn chạy về nhà vo nồi cơm bắc lên bếp, trong ánh lửa lập loè, ông chống cằm ngồi đợi. Hình như sau những cơn say, ông thấy mình hình như mới đi xa về, thấy nôn nao, thấy đau đáu; muốn cầm tay người vợ của mình, muốn vuốt lên má, muốn ôm vào lòng thật chặt; khẽ khàng hỏi, dạo này má mầy khoẻ hôn? Và hay tin vợ ông bỏ đi, ông cãi, má nó về bên ngoại chơi, không có đi đâu, để tôi đi tìm. Ông xách ba lô đi về quê vợ, lội băng qua những con sông sâu, vượt qua những bãi bồi đầy bùn lầy, đi qua những cánh đồng khô nắng đầy lỗ chân trâu. Rồi ông trở về, ông bước qua nhà má ông, ông khoe, vợ tui mai mốt về rồi.

Con nhỏ đi học, ông hay tới trường con nhỏ đứng ngoài cửa sổ ngó vào, có khi ông đem những củ khoai mới luộc đến cho nó, khi lại đem những con chim xếp bằng lá dừa lúc còn nhỏ xíu nó thích. Mỗi lần như vậy con nhỏ khóc, nó khóc rổn rổn, nó nói, ông khùng không phải ba tao. Nó bỏ về, nó chạy băng băng, đôi bàn chân nhỏ xíu lướt trên mặt lộ. Nó muốn ông đừng thương nó, ông đừng chú ý đến nó, ông hãy ở yên trong cái thế giới đầy bom đạn của ông đi. Ông đứng ngó chơi vơi theo bước chân con nhỏ chạy, như muốn nói câu gì nhưng rồi thôi; ông lặng lẽ bước đi, ông muốn trở về ngôi nhà vắng của mình, trở về cái thế giới nội tâm riêng tư của ông. Ở đó, ông có những ký ức, những linh hồn cố nhân phảng phất, những phút tâm tư lặng thinh như nước mặt hồ trong vắt.

Những ngày cuối đời ông hay ngồi lặng lẽ đốt thuốc, những tia nắng nhảy múa trên vai xuyên qua những vòm cây lá vàng rũ, ông hoài niệm về chiến tranh. Ông hoài nghi, có phải rằng cuộc chiến có ý nghĩa như ông đã từng nghĩ và ông lao theo vì cái ý nghĩ đó? Nhưng tại sao đến bây giờ ông thấy vô nghĩa, ông thấy hư vô, ông thấy trống rỗng. Tiếng súng ống, máy bay, tàu chiến rền vang; xác người ngã xuống; máu đổ từ đồng quê, rừng núi, ra tới thị thành; và có những tiếng khóc còn lẩn khuất đâu đây. Chiến tranh đã cướp của ông tất cả: Từ tuổi xuân, sự khôn ngoan, những người bạn, người vợ ông yêu mến đến đứa con ông thương thảo. Với ông mọi thứ đều là ảo ảnh, chỉ nhìn thấy chứ không hề đụng chạm được dầu có khẽ khàng. Ông nghĩ, người ta đã trả giá quá đắt để thay chế độ này bằng chế độ kia, để rồi nó cũng như mọi chế độ khác.

Ngày trút hơi thở cuối cùng, ông nắm tay con nhỏ chỉ nói đủ bốn từ, ba hối hận lắm; rồi ông nằm lặng thinh, nước mắt trực trào ra nhưng ông không khóc; ông biết, một đất nước hạnh phúc bắt đầu từ những ngôi nhà hạnh phúc, một ngôi nhà hạnh phúc có hình từ những con người biết yêu thương nhau. Vậy mà, cớ gì người ta phải bắn giết nhau chỉ để xây dựng xã hội tiến bộ cho loài người? Chiến thắng rồi, nhưng sao còn phải lao tiếp vào nhau để tranh đoạt tự do? Rốt cuộc, ông chỉ là nạn nhân của bóng ma quyền lợi, khi ông thấy người ta lấp đầy sự giả dối này bằng sự giả dối khác. Đâu có ai là vua, cũng đâu có ai là giặc. Chỉ có những người ngã xuống, chỉ có những người thương tật; một bên là đi tìm lý tưởng, một bên là bảo vệ lý tưởng; chiến thắng chỉ là sự trả giá gấp đôi.

Ông cảm thấy đôi chân mình đã lạnh, cái lạnh đã tràn dần tới con tim – nơi trú ngụ của linh hồn; rồi ông thấy mình hoá thành một đốm sáng, ông bay lơ lửng trong không trung; ông vượt trở lại dãy Trường Sơn, trong cánh rừng già xanh thăm thẳm, bên dòng suối róc rách chảy, nơi chưa từng có dấu chân người, ông thấy những loài thú nhỡn nhơ đùa giỡn, nhởn nhơ dạo chơi trên miếng đất của mình; tự do là đây, hạnh phúc là đây; nơi người ta không dựng lên những bờ rào biến mọi thứ thành sở thú.

Nhỏ rời nghĩa trang với tâm trạng bị hòn đá tảng đè nặng, phải kéo lê lết. Trong buổi chiều xám xịt đó, nhỏ nghe xa xa bài “Tiến quân ca” hừng hực, cùng tiếng đạn bom, tiếng gào giết chóc. Nó chợt hiểu, ngoài những mất mát đã đi qua, chiến tranh vẫn còn khi người ta chưa chịu tha thứ cho nhau. Cuộc chiến kia như vết dao chém thẳng vào linh hồn của những con người phải lao mình vào nó, vết thương đó còn lâu mới lành khi người ta còn đem ra xát muối.

20-04-10

© 2010 Nguyễn Huỳnh Thái

© 2010 talawas

.

Phản hồi

nguyen mai linh nói:

25/04/2010 lúc 1:13 sáng

Đây chỉ là một hình ảnh nhỏ của sự tẩy não con người. Đó cũng chính là thân phận của nhiều người dân Việt, bị chính phủ miền Bắc sung vào quân đội, cho cuộc chiến tranh mị dân tồi tệ nhất của lịch sử – Cuộc chiến tranh thần thánh, giải phóng miền Nam – Cuộc chiến tranh mà đại đa số dân Nam gọi là cuộc chiến xâm lăng miền Nam của miền Bắc cộng sản, dù người cả hai miền đều là người Việt.

.

.

.

No comments: