Phóng sự : "Triễn lãm về thuyền nhân VN" tại Pháp
Thứ hai 26 Tháng Tư 2010
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20100426-phong-su-trien-lam-ve-thuyen-nhan-vn-tai-phap
RFI mở đầu loạt bài về kỷ niệm 35 năm ngày 30/4/1975 với phóng sự của Thanh Phương tại cuộc Triển lãm về thuyền nhân tại Viện Bảo tàng vùng Bretagne của thành phố Rennes.
.
Trong một không gian hơi mờ ảo, chiếc tàu nằm chiếm gần hết cả gian phòng, trên đó không có gì khác ngoài 86 ngọn đèn vàng lung linh. Khách tham quan chợt tự hỏi : chiếc tàu đơn sơ, mộc mạc này có ý nghĩa gì? Tò mò, họ nguồi xuống hàng ghế để xem đoạn phim chiếu trên một màn ảnh lớn đặt bên trên chiếc tàu. Đó chính là đoạn phim quay cảnh vớt thuyền nhân Việt Nam từ chính chiếc tàu đó.
.
Trong đêm thứ sáu ngày 6/11/1981, Akuna 2, một chiếc tàu của hội Bác sĩ Thế giới, mà trên đó đã có một số thuyền nhân được vớt trước đó vài ngày, phát hiện một chiếc tàu đang trôi dạt trên biển. 86 người, đàn ông, phụ nữ, trẻ em đứng ngồi chồng chất trên chiếc tàu mà theo lẽ chỉ chứa nhiều lắm là 5 hoặc 6 người. Chỉ hai ngày sau khi rời bến, chiếc tàu chở thuyền nhân từ Rạch Giá đã bị hư động cơ và đã trôi dạt suốt 13 ngày trên biển Đông với ba lần bị hải tặc tấn công.
Với lượng nước dự trữ đã cạn kiệt, thêm vài ngày nữa là những người già và trẻ em trên tàu sẽ chết. Ngay cả khi nhìn thấy tàu của hội Bác sĩ Thế giới, họ vẫn không làm sau tiến gần được. Vì quá nóng ruột, hai thanh niên trong số 86 thuyền nhân đã vội nhảy xuống nước tìm cách kéo hai chiếc tàu gần lại. Mãi một lúc sau, các thủy thủ, nhân viên của hội, trong đó có bác sĩ Bernard Kouchner, với sự tiếp sức của các thuyền nhân củ, mới vớt lên hết các thuyền nhân còn lại.
Để không gây cản trở hoặc gây nguy hiểm lưu thông trên biển, khi thuyền nhân đã được vớt lên, người ta phá hũy ngay chiếc tàu chở các thuyền nhân đó, thường là bằng cách đốt cháy. Có khi chính thuyền nhân yêu cầu phá hũy chiếc tàu vì sợ người ta đưa họ trở lại tàu với nhiên liệu và lương thực để đi tiếp. Phá hũy tàu cũng là một hành động biểu tượng của thuyền nhân để chôn vùi vĩnh viễn quá khứ hãi hùng mà họ vừa trải qua.
.
Hội Bác sĩ Thế giới và chiến dịch vận động cứu vớt thuyền nhân
Nhưng đêm ngày 6/11/1981 đó, các nhân viên của hội Bác sĩ Thế giới đã quyết định giữ lại chiếc tàu này, để đem về Pháp trưng bày tại cuộc Triền lãm hàng hải Paris mùa Đông 1981- 1982 để qua đó đánh động dư luận Pháp và quốc tế về thảm nạn này, và huy động sự yểm trợ tài chính cho chiến dịch vớt thuyền nhân Việt Nam trên biển Đông. Sau đó, chiếc tàu được đưa về lưu giữ ở viện bảo tàng tàng phố Douarnenez, vùng Bretagne từ tháng 2 năm 1982 và nay trở thành như một di sản lịch sử của vùng này.
Chính vì lý do đó mà Viện bảo tàng Bretagne ở thành phố Rennes là nơi rất xứng đáng để tổ chức cuộc triển lãm về thuyền nhân, khai mạc từ ngày 3/12 năm ngoái và sẽ kết thúc ngày 2/5 tới.
.
Nhưng có một lý do khác giải thích vì sao cuộc triển lãm được đặt tại đây, như lời của ông Pascal Aumasson, giám đốc Viện bảo tàng Bretagne :
“Vùng Bretagne, một cách tự nhiên, đã rất quan tâm đến số phận của những người tỵ nạn qua đường biển. Có rất nhiều thủy thủ vùng Bretagne đã tham gia vớt thuyền nhân Việt Nam trong thập niên 1980. Đối với họ, việc cứu vớt thuyền nhân Việt Nam không chỉ là những hành động đòi hỏi trình độ nghiệp vụ rất cao về nghề biển, mà còn là một việc đã mang lại cho họ một cảm xúc mạnh mẽ.”
Có ba điều mà Viện bảo tàng Bretagne, muốn nhắn gởi qua cuộc triển lảm này. Thứ nhất là, khi một dân tộc muốn tự giải thoát mình khỏi gông cùm của một ý thức hệ toàn trị, họ sẽ dùng đủ mọi phương cách, sẵn sàng chấp nhận mọi hiểm nguy tột cùng, để trốn chạy chế độ áp bức đó. Điều thứ hai, thuyền nhân nay vẫn còn là một vấn đề mang tính thời sự. Cho dù ngày nay người ta gọi những người vượt biển từ châu Phi sang châu Âu, từ Cuba sang Hoa Kỳ là di dân, tỵ nạn, nhưng họ vẫn là những thuyền nhân đích thực. Có điều ngày nay, người ta không còn quan tâm đến họ như những thuyền nhân trước đây. Ở phương Tây không còn những chiến dịch nhân đạo để yểm trợ cho họ. Thứ ba, chúng tôi cho thấy một nét đáng chú ý của vùng Bretagne đó là có rất nhiều người, trong đó có các thủy thủ, đã tích cực tham gia chiến dịch cứu vớt những người hoàn toàn xa lạ đối với họ.”
.
Sau chiếc tàu di sản lịch sử nói trên, khách tham quan sẽ dần dần được tìm hiểu về lịch sử của thuyền nhân Việt Nam kể từ năm 1978 và nhất là kể từ năm 1979, khi chiếc tàu có thể nói đã đi vào huyền thoại, Ile de Lumière, của hội Bác sĩ thế giới mở cuộc hải hành đến biển Đông, khởi đẩu một chiến dịch nhân đạo đại quy mô mang tên “Một chiếc tàu cho Việt Nam” do bác sĩ Bernard Kouchner chủ xướng. Bác sĩ Kouchner đã lôi kéo rất nhiều người trong giới chính khách, trí thức và cả giới nghệ sĩ, như Yves Montand tham gia vào chiến dịch này. Trên màn ảnh TV, người ta cho chiếu lại cuộc họp báo của Bernard Kouchner và Yves Montand khi hai ông phát động chiến dịch “Một chiếc tàu cho Việt Nam “.
.
Hình ảnh và tư liệu quý giá về "boat people"
Những năm đầu thập niên 1980, có thể nói là giới báo chí Pháp, đặc biệt truyền hình, đã thông tin rất rộng rãi về thảm nạn thuyền nhân Việt Nam và nhờ những hình ảnh mà họ quay được hay chụp được từ các cuộc hành trình vớt thuyền nhân biển Đông mà công luận Pháp và quốc tế nói chung biết được thực tế của hàng triệu người đã liều mình bỏ nước ra đi trên những chiếc tàu mong manh, bất chấp bão tố, hải tặc, đói khát. Cũng chính nhờ thế mà ngày nay chúng ta có những tư liệu quý giá về thời kỳ đó.
Tại cuộc triển lãm ở Viện Bảo tàng Bretagne, khách tham quan có thể xem lại nhiền đoạn phim khác quay các cuộc vớt thuyền nhân Việt Nam trên những con tàu hoặc là những thương thuyền như Monge, Surcouf, hoặc là những tàu do các tổ chức nhân đạo Bác sĩ thế giới (Pháp) hay Ủy ban Cap Anamur (Đức) huy động, như tàu Ile de Lumière, Goelo, Rose Chiaffino hay các chiến hạm của hải quân Pháp như Balny hay Jeanne d’Arc.
.
Bây giờ chúng ta hãy cùng xem một đoạn phim về cuộc vớt thuyền nhân của tàu Goelo. Sau bốn ngày lênh trên biển, như được hồi sinh khi nhìn thấy tàu, các thuyền nhân, gồm đàn ông thanh niên, phụ nữ và khá nhiều trẻ em tranh nhau trèo lên tàu Goelo, qua tấm lưới vắt ngang mạng tàu. Các thủy thủ, tình nguyện viên lần lượt kéo các thuyền nhân lên trong khung cảnh khá là hỗn loạn. Một bé gái độ 6,7 tuổi được bế lên boong tàu, ngơ ngác đứng nhìn, có lẽ chưa hiểu được chuyện gì xảy ra, một phụ nữ mệt là người, bước chân xiêu vẹo, chưa kịp hoàn hồn sau khi được kéo lên. Sóng khá lớn làm chiếc thuyền tròng trành, gây thêm khó khăn, nếu không muốn nói nguy hiểm cho các thuyền nhân, lẫn người vớt thuyền nhân. Phải mấy lần cố gắng, họ mới đưa được lên boong tàu một cụ già yếu đến nỗi không đứng được nữa.
Rất nhiều thuyền nhân , sau khi được tàu Pháp vớt lên, trong khi chờ được đưa đến các nước Đông Nam Á hay đưa sang châu Âu, đã tham gia vào việc cứu vớt những thuyền nhân khác, trong số này có bà Marie Nguyễn, mà chúng tôi có dịp gặp tại cuộc triển lãm. Bà Marie Nguyễn đã được tàu Balny vớt lên trong chuyến vượt biên vào năm 1982 và đã tham gia vớt thuyền nhân trên chiếc tàu Goelo, mà quý vị vừa nghe một đoạn âm thanh ở trên.
.
Được vớt lên các tàu của Pháp, tình hình của các thuyền nhân không phải là lúc nào cũng tốt đẹp. Khách tham quan triển lãm được kể về trường hợp của con tàu Rose Schiaffino. Khi rời khỏi Singapore vào cuối tháng 5 1987, chiếc tàu này chở theo 250 tấm chăn, 7 tấn gạo, 100 lít nước mắm, cùng nhiều quần áo và thuốc men, Đến ngày 11/6, Rose Schiaffino chở hơn 200 thuyền nhân về châu Âu. Nhưng sau hai ngày gặp biển động, tình hình trên tàu trở nên rất ngặt nghèo, như lời kể của thuỷ thủ đoan trong bức điện tín gởi về Pháp. Trên tàu ai cũng bị say sóng, rất nhiều người nằm li bì, không còn biết gì, họ ngày càng biếng ăn, rác rến tích tụ ngày càng nhiều.
.
Ảnh chụp các thuyền nhân còn bị kẹt trong các trại tỵ nạn
Cũng có rất nhiều thuyền nhân không được đưa đi tái định cư ngay ở một nước phương Tây, mà phải nằm chờ suốt nhiều tháng trời trong các trại tỵ nạn ở Philippines, Malaysia hay Thái Lan. Họ không còn là thuyền nhân nữa, nhưng cũng chưa được làm công dân của một xứ tự do. Cuộc sống gần như bị giam lỏng của những người ty nạn này đã được những phóng viên nhiếp ảnh như Jacques Pavlovsky ghi lại qua những bức ảnh được trưng bày tại cuộc triển lãm.
Gian phòng cuối cùng của cuộc triển lãm, khách tham quan có thể tham khảo trên máy tính hoặc qua những cuốn sách để hiểu rõ hơn vấn đề thuyền nhân trưóc đây và hiện nay, một vấn đề vẫn còn mang tính thời sự. Trên cuốn sổ lưu niệm, ta có thể đọc được nhận xét của khách tham quan, mà trong đó có rất nhiều thanh niên, học sinh. Tất cả đều cho biết họ rất xúc động sau khi xem ra những hình ảnh, tư liệu, hiện vật về thuyền nhân Việt Nam và cũng rất tự hào về những gì mà nước Pháp đã cho thuyền nhân biển Đông.
Cũng có khá nhiều người có ý trách Pháp và các nước phương Tây nói chung bây giờ không còn tỏ ra hào phóng với những thuyền nhân thời nay. Một số khách tham qua là các cựu thuyền nhân cũng qua cuốn sổ lưu niệm tỏ lòng biết ơn nước Pháp đã cứu vớt và cưu mang họ, có người làm hẳn một bài thơ. Nhưng ngược lại đối với giám đốc Viện Bảo tàng Bretagne Pascal Aumasson, cần phảì biểu dương lòng can đảm của các thuyền nhân này:
“Điều đáng ghi nhận qua lời kể của nhiều thuyền nhân, đó là cuộc vượt biển quả rất là hiểm nghèo, rất táo bạo, nhưng chính cái quyết tâm thoát khỏi một chế độ độc đoán, đã tạo cho họ lòng can đảm, mà suy cho cùng, đó cũng là một bài học rất đáng giá cho chúng tôi ở phương Tây nói chung và ở Rennes, ở Bretagne, nói riêng“.
.
.
.
No comments:
Post a Comment