Tuesday, April 6, 2010

NHỮNG NHÀ HOẠT ĐỘNG DÂN CHỦ TRÁ HÌNH

Những nhà hoạt động dân chủ trá hình

Joyce Anne Nguyen

06/04/2010 6:19 sáng 2 phản hồi

http://www.talawas.org/?p=18531

Sau khi thảo luận với một người bạn cách đây vài ngày, tôi bỗng dưng có ý tưởng viết bài này. Và có một câu hỏi được đặt ra để tôi tự tìm câu trả lời: Vì sao tôi viết? Tôi đang tìm câu trả lời chính xác cho điều này. Bởi tôi viết gần như một bản năng, như một nhu cầu. Nhưng thôi, đấy là chuyện khác, tôi đang tìm câu trả lời cho chính mình.

Tôi chỉ đưa ra một câu hỏi cho bạn. Bạn không nhất thiết phải trả lời tôi, bạn chỉ cần suy nghĩ và tìm ra câu trả lời cho riêng mình. Vì sao bạn viết?

Vì lương tri và lý tưởng, vì bạn bức xúc với những vấn nạn trong xã hội, khi con người bị chà đạp và các quyền cơ bản của con người bị tước bỏ, và tin rằng việc viết của bạn theo những góc độ nào đó có thể góp phần tạo nên sự thay đổi?

Hay vì quyền lợi của bạn, viết là công việc của bạn, nói cách khác, bạn làm việc cho một biệt phái nào đó, và nhiệm vụ của bạn có thể gọi một cách bình dân là “lính đánh thuê”?

*

Có lẽ còn những động cơ khác tôi bỏ sót, và tôi không cần thiết phải bàn về ý thứ nhất vừa đề cập. Trong bài viết này, tôi muốn tập trung vào những Hồng Vệ binh, tức CAM, gồm hai nhóm, nhóm lao vào chửi bới, và nhóm nguy hiểm hơn: dân chủ trá hình.

Khi lập blog năm 2007, tôi đã viết rất nhiều. Một thời gian sau khi sang Na Uy, chính xác là sau khi Yahoo 360 ngừng hoạt động, trong một thời gian dài tôi không viết được. Trong vài tháng đó, tôi thường tranh luận về chính trị trên facebook của một số bạn bè. Tôi đã viết bài “Tranh luận” dựa trên những kinh nghiệm của chính mình. Sau này khá bận rộn và nhận ra việc tranh luận chẳng ích lợi gì, chỉ tốn thời gian, như tôi đã viết trong bài “Sự vô nghĩa của tranh luận”, tôi dành thì giờ cho nhiều việc khác. Qua kinh nghiệm trực tiếp tham gia tranh cãi, và sau này lặng lẽ quan sát những cuộc tranh luận trên nhiều blog và diễn đàn, tôi biết được đôi chút dấu hiệu của những người đáng ngờ, có vẻ là “lính đánh thuê” và muốn được chia sẻ cùng mọi người để có thể nhận biết và cảnh giác.

1. Tranh cãi lặt vặt, xuất hiện nhiều nơi và cố tình đẩy tới những vụ cãi cọ không cần thiết

Những người tham gia phong trào dân chủ và muốn đấu tranh cho tự do của đất nước, đấu tranh chống bất công, rút cuộc cũng chỉ là những con người bình thường. Họ có cuộc sống của họ, họ cũng phải học hành hoặc đi làm, trước khi tranh đấu cho bất kỳ ai, lẽ dĩ nhiên họ phải quan tâm đến cuộc sống của họ. Nên việc ai đó suốt ngày lao vào những trận cãi cọ tầm phào, có mặt khắp nơi, gây và tham gia nhiều cuộc cãi vã linh tinh, theo tôi, là một điểm đáng ngờ.

2. Những cá nhân chỉ nói về chính trị

Các trang mạng xã hội, đặc biệt là mạng facebook là nơi để giao lưu kết bạn và chia sẻ thông tin, thường dùng để update hoạt động, suy nghĩ, cảm xúc… Nếu một số cá nhân chỉ sử dụng facebook để nói về chính trị, tất yếu có mục đích sâu xa hơn. Ở Trung Quốc có một cụm từ là “mind revolution”, chỉ về việc chia sẻ thông tin, bài viết trên internet, trên các trang blogspot, facebook, twitter, multiply… Vấn đề chính yếu hiện tại ở các nước không có tự do dân chủ là sự bưng bít thông tin, nhân dân chỉ được biết thông tin một luồng trên báo đài chính thống của nhà nước, và có rất nhiều việc người dân không được biết đến; chẳng hạn như tại Việt Nam, trên báo chí và truyền hình chính thức do nhà nước kiểm soát, không ai đề cập đến những tác hại cụ thể của dự án bauxite, cũng không có thông tin chi tiết về dự án điện hạt nhân, dự án cho Trung Quốc thuê rừng, hay thông tin chính xác về những phiên tòa xử các nhà bất đồng chính kiến… Việc các nhà hoạt động dân chủ đang cần làm và đang làm là giúp người dân trong nước có điều kiện tiếp xúc với nhiều nguồn tin khác, để biết điều gì đang diễn ra mà nhà nước không nói rõ, từ đó chính người đọc sẽ so sánh, đối chiếu và rút ra những kết luận cho riêng mình. Ở mục này, khi nói về những người chỉ nói về chính trị, ý tôi không nói về những người chỉ viết bài hoặc đăng tin về chính trị-xã hội, mà nói về những người chỉ chửi bới thô tục, hoặc lặp đi lặp lại những câu từ sáo rỗng về tự do dân chủ và kêu gọi đấu tranh một cách rất sách vở và bài bản, không đưa ra thông tin để người đọc tự phán xét, cũng chẳng đưa ra những kinh nghiệm và quan điểm mang tính cá nhân. Những trường hợp này, theo tôi, khá đáng ngờ. Những người chỉ thuyết giảng khan về dân chủ, rất có khả năng chỉ đang tỏ vẻ mình là người thích dân chủ để được tin tưởng và trà trộn vào nhóm đấu tranh dân chủ. Còn những người không bao giờ chia sẻ thông tin, chỉ post các hình ảnh biếm họa mang tính hạ nhục, và sử dụng nhiều câu từ thô tục để chửi bới, trong nhiều trường hợp chỉ là những kẻ trá hình nhằm mục đích gây ấn tượng xấu cho người dân trong nước, khiến họ cảm thấy coi thường ghê tởm những nhà dân chủ nói chung. Trong bài viết “Một vấn đề trong tranh luận”, tôi đã nói, một trong những nguyên tắc rất quan trọng trong mọi hình thức tranh luận là sử dụng lý lẽ và không chửi tục, bởi những từ ngữ đó không bao giờ thuyết phục được đối phương, và nếu ta cũng cư xử vô văn hóa, ta không có tư cách nói người khác vô văn hóa. Người ngoài nhìn vào có thể không rõ ai đúng ai sai, nhưng ít nhất có thể căn cứ vào cách thức tranh luận, giọng điệu và ngôn từ được sử dụng để biết ai được giáo dục đầy đủ hơn.

Trong những trường hợp này, có một số cá nhân sử dụng tên nick rất chung chung, dạng như tự xưng là Việt Nam, Việt Nam Cộng Hòa, Việt Nam Dân Chủ… hay bất kỳ cái gì đại loại như vậy, nhưng lại đi nhiều nơi phát biểu nhiều câu nhăng nhít, khiến người khác dễ dàng xếp vào loại hạ cấp, và có cái nhìn coi thường với những người hoạt động dân chủ nói chung.

Đặc biệt, trường hợp những người trẻ chỉ giảng lý thuyết và dân chủ và toàn bộ trang facebook chỉ nói về chính trị, không post thông tin, thì càng đáng ngờ hơn, dù có thể có một cái tên cụ thể và những tấm hình của một con người cụ thể. Việc tự xây dựng nên một nhân vật, một hình tượng ảo trên internet với tên và hình không phải việc khó. Tất nhiên đây chỉ là quan điểm của cá nhân tôi, nhưng tôi cho rằng, cứ tưởng tượng các chính trị gia như Barack Obama, Winston Churchill, Bill Clinton, Abraham Lincoln… lúc nhỏ, nếu có cái gì tương tự như một facebook, họ cũng sẽ không chỉ viết về chính trị với những lý thuyết khô khan không thông tin và không dẫn chứng. Có thể với những người có kinh nghiệm, tôi cũng đã dễ dàng bị xếp vào nhóm này, nếu trên facebook tôi không nói về nhiều vấn đề khác như văn học, điện ảnh, âm nhạc, nhiếp ảnh, hội họa… và những chuyện thường ngày, và nếu không có nhiều người đảm bảo cho sự tồn tại ngoài đời thực của một Joyce Anne Nguyen 16 tuổi như nhiều người ở Việt Nam, Na Uy, Pháp, Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan…

3. Trong tranh luận, dẫn dắt đối phương đi lạc xa chủ đề

Những điều tôi sắp nói ở đây dựa trên kinh nghiệm, cảm giác và sự phân tích của tôi đối với một số cá nhân cụ thể tôi từng tranh luận, và tôi không khẳng định họ chắc chắn là gián điệp vì không có bằng chứng chính xác, nhưng tôi chỉ nêu ra một số trường hợp có lẽ nhiều người cũng đã biết, để có thể nắm được phần nào một số dấu hiệu hay dùng của những kẻ trá hình, hoặc chỉ để cảnh giác một số người khá đáng ngờ. Trên nguyên tắc, trước tiên muốn nói kỹ vào mục này, tôi phải đặt câu hỏi: Vì sao bạn tranh luận?

Trên lý thuyết, tranh luận, theo cách hiểu của tôi, là cùng bàn luận về một vấn đề, một hiện tượng, một quan điểm…, mỗi cá nhân có những cách hiểu, cách nhìn khác nhau, nên cần phải tranh luận để bảo vệ luận điểm của mình, chứng minh mình đúng. Có thể lối giải thích của tôi hơi tối nghĩa và lủng củng, nhưng đại khái điều tôi muốn nói, nếu bạn thực sự muốn tranh luận, lẽ dĩ nhiên bạn phải tập trung vào chủ đề, vào ý chính của cuộc tranh luận. Còn những trường hợp ngược lại? Tranh luận để làm gì nếu một người chỉ dẫn dụ đối phương càng lúc càng đi xa chủ đề nếu không phải vì mục đích khác?

Dựa trên những gì tôi quan sát thấy, có khá nhiều cách để lôi kéo người khác đi quá chủ đề:

- Nói lan man, dài dòng, lủng củng, dùng nhiều câu tối nghĩa và nhiều ý nhập nhằng, khiến người đọc cảm thấy mơ hồ, không rõ người này đang nói gì, và từ từ bị dẫn sang vấn đề khác lúc nào không biết.

- Đánh cá nhân, tập trung vào đời tư tác giả bài viết, moi móc đặt ra nhiều câu hỏi hồ nghi để đánh lạc hướng thay vì bàn luận về nội dung chính yếu trong bài viết. Chẳng hạn, trong trường hợp của tôi, trên nhiều diễn đàn, thay vì nói đến những ý tôi đã nêu ra trong bài viết, nhiều người bắt đầu hồ nghi tôi khai man tuổi, hoặc chỉ chép lại ý mẹ tôi nói, hoặc nói tôi 16 tuổi thì chỉ nên học, chưa biết gì không nên chen vào chuyện chính trị. Cách đây không lâu tôi tình cờ thấy có người phản ứng, sao tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là nhà phê bình văn học, lại không viết về văn học, cứ viết về văn hóa, con người Việt Nam và tình hình chính trị-xã hội Việt Nam. Gần đây nhất có người khác hỏi sao đạo diễn Song Chi không viết về điện ảnh mà viết về chính trị. Những câu hỏi và ý kiến thế này tung ra nhẹ nhàng, khéo léo, đẩy người khác tới việc cùng tranh cãi xung quanh những chi tiết đó và quên đi chủ đề chính cần bàn luận. Trong nhiều trường hợp, thâm hiểm hơn, nhiều người mang mác là đấu tranh cho dân chủ, nhưng lại vu khống người này do nhà nước gài, người kia thực ra chỉ quen ăn tiền nước ngoài… để gây nghi kỵ và mất đoàn kết.

- Tập trung vào tiểu tiết, che mờ đại thể. Một số người đặc biệt giỏi về khoản này. Đọc bài viết theo dạng “vạch lá tìm sâu”, tập trung đả kích vào một số bất cẩn vụn vặt, hoặc đôi khi chỉ một số ý nào đó nhất định, và lôi kéo mọi người tập trung vào những chi tiết cỏn con đó và không nhớ nội dung, và cuối cùng tác giả bài viết định nói gì.

- Dùng nhiều từ ngữ lớn lao, to tát, làm mờ mắt đối phương. Tôi đã từng gặp một số người như vậy. Những người theo nhóm này thường giỏi lập luận, rất khó bắt bẻ, vì những ý họ nói ra xét trên mặt lý thuyết là không sai, chẳng hạn, có một người tôi biết từng nói, tội ác ở đâu cũng là tội ác, hủy diệt môi trường là ác, giết người là ác, gây chiến tranh là ác, và ở đâu cũng như nhau, không nên chĩa mũi dùi vào Trung Quốc vì thế là phiến diện, rồi sau đó thuyết giảng về một thứ tự do thực sự nghe rất cao siêu, rất khái quát và mơ hồ, rút cuộc chỉ nhằm nói, đấu tranh cho dân chủ không có nghĩa là chống cộng, đơn giản hơn ta có thể trở thành những nhà truyền giáo, đi giảng dạy về vẻ đẹp của tự do thực sự và nói về những tội ác của Trung Quốc trên đất Trung Quốc cũng như trên chính Việt Nam là không cần thiết, vì tội ác nước nào cũng như nhau, có khác chăng là nhiều hay ít?!

Tôi cho rằng vẫn còn nhiều trường hợp khác tôi đã bỏ sót vì những gì tôi vừa viết chỉ hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm và sự phân tích của cá nhân tôi. Khi viết bài này, tôi chỉ hy vọng mọi người có thể cẩn trọng hơn và cảnh giác những kẻ trá hình.

Tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm với những lời nói của mình, và một lần nữa xin nói tôi không khẳng định 100% những người tôi có đề cập tới là hồng vệ binh.

Hoàn thành ngày 5/4/2010 tại Amsterdam, Hà Lan

© 2010 Joyce Anne Nguyen

© 2010 talawas

.

.

.

No comments: