Trần Hà Tiệp
25/04/2010 6:10 sáng Chưa có phản hồi.
http://www.talawas.org/?p=19459
.
Một trong những ký ức tôi còn giữ được với Việt Nam Cộng hòa là cuốn phim Doctor Zhivago. Cuối tháng Ba, rạp xinê ở thành phố nhỏ của tôi trình chiếu cuốn phim này. Để cho ăn khách, ông chủ tiệm còn thêm câu “Cấm trẻ em dưới 18”. Khi trường học được lệnh đóng cửa, ba chị em tôi, đứa lớn nhất đang học lớp đệ nhị (lớp 11 bây giờ), đứa nhỏ nhất lớp 4 (lớp 2 bây giờ) lục tục kéo nhau đi xem, nghĩa là không đứa nào trên 18 tuổi. Mua vé hạng ba, cả nhà kéo nhau lên ngồi ở hạng nhất. Ấn tượng còn lại trong tâm trí của tôi là tấm áp phích lớn che hết phần trên của rạp hát, vẽ một cỗ xe song mã trên tuyết. Trên đường về, chị Hai tôi nói “phim hay quá, phải chi mình được thấy tuyết tụi mày há!”. Ngày hôm sau gia đình tôi rời thành phố vào Sài Gòn chạy “giặc”. Xe đi qua trung tâm thành phố, rạp xinê còn chiếu mặc dù chắc chẳng còn ai xem, tiếng súng đã ì ầm ở ngoại ô.
.
Như một định mệnh, ba chị em tôi, một trong những thuyền nhân đầu tiên, đến vùng Đông Bắc Hoa Kì trước khi mùa đông 1979 ập xuống. Lời ước được thấy tuyết của chị Hai thế mà linh, lính xính trong những áo quần cũ mùa đông của hội nhà thờ cho, mấy chị em bắt đầu cuộc đời mới, không cha, không mẹ.
Sau năm 1975, trở lại trường học, những quyển vở của tôi trước kia được bao bằng báo Thế giới Tự do, nay đổi qua tạp chí Liên Xô. Phải nói rằng những hình ảnh rất đẹp của nước Nga đi vào tâm hồn tôi từ những tờ báo ấy: những cánh đồng lúa mì, những rừng Taiga, thảo nguyên mênh mông… Trong không khí ngột ngạt của miền
.
Nước Nga trong tôi chỉ có mờ mịt qua trí nhớ của một đứa bé. Cho đến một ngày, chị Hai đem về cuốn VCR của phim Doctor Zhivago, lúc đó tôi đã lớn để hiểu nỗi đau của những gia đình ly tán, những người yêu phải chia lìa trong vòng quay của cuộc cách mạng, tháng Mười hay tháng Tư. Như những bông tuyết rơi tả tơi trong gió, chị em chúng tôi lớn lên, tự đùm bọc nhau mà sống.
.
Nhiều năm sau này, khi về lại căn nhà cũ, dọn dẹp những đồ đạc lỉnh kỉnh, tôi tìm được cuốn Doctor Zhivago, bản tiếng Pháp, gói trong một tờ báo Nhân dân, cùng với quyển Tâm hồn cao thượng của Hà Mai Anh. Có lẽ mẹ tôi không nỡ nạp những cuốn sách mà chị Hai tôi thích. Trong những ngày sau 75, hàng ngàn cuốn sách trong gia đình phải giao nạp, những bộ tạp chí Tuổi hoa, Tuổi ngọc từ bỏ chúng tôi ra đi như một phần đời, cho dù giữa chiến tranh, chúng tôi cũng có những ngày vui, những mơ mộng với một Tâm hồn cao thượng, học yêu nước, thương nhà. Khi những quyển sách ra đi cũng là lúc mẹ tôi thay chiếc áo dài bằng bộ bà ba, xách một cái mẹt ra chợ trời đứng bán thuốc. Những buổi công an rượt, mẹ chạy chí chết. Có hôm chạy không kịp, anh công an đá một cái, mẹt thuốc văng tung toé, hai mẹ con ngồi xuống lượm. Cuộc sống không có người đàn ông trong nhà, bữa đói bữa no, cơ cực. Một hôm tôi nhớ rất kỹ, mẹ nấu cho chúng tôi một bữa ăn rất ngon, mẹ tới tận trường đón em tôi về. Em buồn ngủ, mẹ bồng trên tay mấy cây số, chân em cứ lắc lư qua lại, tôi biết mẹ mỏi tay mà vẫn cứ bồng cho em ngủ. Tối hôm đó, chúng tôi lên tàu vượt biên, và vài tháng sau chúng tôi gởi về cho mẹ gói thuốc đầu tiên. Trời Phật cho chúng tôi may mắn, nếu không chẳng biết mẹ tôi sẽ sống như thế nào. Trên con tàu chúng tôi đi, bọn con nít phải uống thuốc ngủ lúc nằm chờ. Khi ra biển lớn, một em không tỉnh lại nữa, khi người mẹ vật vã khóc lóc là lúc bác tài công lấy nắp thùng đạn đựng dầu quấn em với một chiếc chiếu để vất xuống biển cho chìm, nổi lềnh bềnh thì thêm tội thân em giữa biển mênh mông.
.
Tháng Mười, tháng Tư, những cuộc cách mạng nghiệt ngã cho những cuộc đời, như bác sĩ Zhivago trong truyện, như mẹ tôi ngoài đời, như bản thân chị em tôi, như em bé chết ngạt trên đường chạy trốn khi chưa biết cuộc đời…
.
20/4, Gần ngày Mother’s Day
© 2010 Trần Hà Tiệp
© 2010 talawas
.
.
.
No comments:
Post a Comment