Saturday, April 24, 2010

KHI HỎI "MÌNH LÀ AI?"

Khi hỏi “Mình là ai?”

Liêu Thái

24/04/2010 6:00 sáng 1 phản hồi

http://www.talawas.org/?p=19496

.

“Mình là ai?”

Nói là gần đây nhưng có lẽ cũng lâu lắm rồi, cứ mỗi khi trò chuyện với bạn bè, người thân, nhắc một chút đến chuyện thời sự, chuyện chính trị và đặc biệt là chuyện có tính dân tộc, quốc gia thì người khơi ra câu chuyện thường nhận câu trả lời: “Thôi đừng nhắc chuyện ấy làm gì, mình là ai mà nói chuyện đó?” Và kết quả là không thể nói được gì hoặc nói thêm sẽ gây ra phiền hà, khó chịu. Và có thể mất cả tình bạn. Người nghe chuyện không đồng tình và người khơi chuyện rơi vào trạng thái cô đơn.

Xa hơn một chút, những người có ý hướng đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ, đấu tranh cho dân tộc, lãnh thổ, lãnh hải trước thế lực ngoại bang và trước thái độ ngoại giao ít nhiều nhún nhường của nhà nước Việt Nam thì rơi vào tình trạng bị xem là nổi loạn, không bình thường, chống đối chính quyền, phản động… Và kết quả là họ phải ngồi tù hoặc bị giám sát, an ninh bản thân trở nên khủng hoảng… (Trường hợp Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Tiến Trung, Phạm Thanh Nghiên… là những ví dụ điển hình.)

Trong lúc đó, dù cố nhìn hay ngẫu nhiên người ta cũng có thể thấy khá nhiều thái độ khác nhau khi nhắc đến vấn đề nhân quyền, dân chủ, dân tộc, quốc gia, lãnh thổ, lãnh hải… Việt Nam.

Nhưng, có lẽ hai thái độ dễ nhận ra và thường nhìn thấy nhất: Bất bình, không thỏa hiệp, phản đối, đấu tranh; Và chấp nhận, đặt mình vào tư thế thấp cổ bé họng hoặc toàn tri và thừa nhận đại tự sự hiện hữu.

.

Bất bình, không thỏa hiệp, phản đối, đấu tranh

Phần lớn những hành động bất bình, không thỏa hiệp đấu tranh đều xuất phát từ ý thức dân chủ, ý thức độc lập, chủ quyền về lãnh thổ, lãnh hải quốc gia và từ khát khao một nền dân chủ, tiến bộ, bắt nhịp cùng những tiến bộ, văn minh thế giới… (Điều này thể hiện trên những luận điểm trong các bài viết, hành động xuống đường biểu tình, kêu gọi bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa của những nghệ sĩ, trí thức…).

Đương nhiên là không ngoại trừ một số (rất) ít có dấu hiệu quá khích, có khuynh hướng bùng nổ theo kiểu dân tộc cực đoan, nhầm lẫn giữa phe nhóm và dân tộc!

Có thể nói khuynh hướng trên bùng vỡ đa chiều kích, đa phương diện, đa lĩnh vực, từ văn hóa, kinh tế, xã hội, giáo dục cho đến văn học nghệ thuật, triết học, lịch sử và chính trị. Biểu hiện rõ nhất trên các lĩnh vực này là thái độ phản tư, soi xét, phân tích lại một cách kĩ càng, thấu đáo những gì được xem, được mặc định là đại tự sự, là giá trị ổn định, là chân lý.

Hệ quả của hành động phản tư, xét lại là sự đánh thức một số đông nhìn lại thực trạng bản thân (về mặt ý thức hệ), thực trạng cộng đồng, dân tộc, quốc gia (về mặt dân chủ, nhân quyền, tiến bộ…). Có cách/cái nhìn mới hơn, rộng hơn và ý thức dân chủ khác trước rất nhiều. Xã hội, cộng đồng không còn là một khối đóng băng, trì trệ hay bảo thủ, mà thế giới trong mỗi người được nhìn theo hướng mở.

Nhưng đồng thời, những khó khăn, khó chịu và bất an từ phía thủ đắc giá trị đóng băng, đại tự sự, hay “chân lý” cũng tăng lên rất nhiều. Điều này dẫn đến hệ quả có những cuộc bắt bớ, tra khảo và xếp loại đạo đức công dân một cách không bình thường!

Và những người theo khuynh hướng Bất bình, không thỏa hiệp, phản đối, đấu tranh vẫn tiếp tục con đường họ đã chọn.

.

Chấp nhận, đặt mình vào tư thế thấp cổ bé họng hoặc toàn tri

Có thể nói đây là trường hợp của số đông. Mà số đông này xuất phát từ nhiều nguồn, trong đó đáng kể nhất là những người ít học, có trình độ học thức bình dân học vụ, với cái nhìn quanh quẩn nơi bụi chuối, mụt măng, đám ruộng cày, con trâu đi trước cái bừa theo sau… Và hơn hết là những người nông dân vừa trải qua một cuộc chiến tranh khốc liệt, sự sống và cái chết đối với họ chỉ cách nhau trong tích tắc, nhu cầu lớn nhất của họ là làm để tồn tại, mọi chuyện thời sự, chính trị, xã hội gì gì đó (mà họ không đủ kiến thức, hiểu biết để quan tâm) thì… mặc!

Và một số ít, nhưng cái số ít này lại có sức lan tỏa không nhỏ, đó là thành phần trí thức (ngoại trừ những trí thức yêu nước, yêu dân tộc và thức thời, tỉnh thức trước vận mệnh quốc gia…), có lẽ phải nói: “Trí thức hèn nhát”, luôn run sợ tương lai, lo sợ quyền lợi cá nhân, quyền lợi dòng họ bị lấy mất… nên thái độ của họ là thỏa hiệp, chấp nhận, thậm chí cam chịu những gì chướng tai gai mắt.

Số còn lại tuy ít nhưng lại là thành phần điều hành xã hội, đó là không ít những công chức, đảng viên Đảng Cộng sản, họ là những người bảo thủ theo nhiều nghĩa, trong đó không ngoại trừ lý tưởng cộng sản của họ. Thực chất, lý tưởng lại là khái niệm mơ hồ nhất mà họ cố tình không nhắc đến, vì lẽ, nếu thật sự có lý tưởng thì nạn tham nhũng, hối lộ, tham ô, gây lũng đoạn tài sản quốc gia sẽ không diễn ra. Có lẽ, đã đến lúc nói rằng chữ lý tưởng của những người cộng sản hiện nay quá hiếm hoi và với một số người đó là cái áo lễ, cái vỏ bọc cho ý đồ không tốt đẹp! (Những vụ tham ô, tham nhũng gây chấn động, gây tổn hại tại sản của nhân dân như Epco Minh Phụng, Tamexco, PMU 18 và mấy vụ gần đây… đều liên quan trực tiếp đến đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam).

Còn một số rất ít nhưng lại có khả năng làm xôn xao dư luận và “chăn dắt” người ít hiểu biết hơn. Đó là thành phần “trí thức toàn tri”.

Sở dĩ nói họ có khả năng làm xôn xao dư luận vì những vấn đề của “trí thức toàn tri” nêu ra thường có tính thời sự, có vẻ quan trọng, “đao to búa lớn”, dẫn chứng hùng hồn (nhưng chưa chắc chính xác!), phủ đầu đối phương hoặc chí ít cũng tác động, gây hiệu ứng (có thể theo hướng cực đoan, cận chân lý) đến suy nghĩ của nhiều người. Và nói nhóm toàn tri có khả năng “chăn dắt” bởi vì cách giải quyết vấn đề có phần (nếu không nói là rất) võ đoán của họ khiến một bộ phận không nhỏ độc giả bị lung lay tư tưởng, hiểu nhầm và có nguy cơ bị triệt tiêu lòng kiên định bởi nghe theo những khẳng định vốn rất mù mờ (nếu chịu khó đọc thật kĩ và suy ngẫm) trong một hệ thống luận điểm, luận cứ được sắp xếp mạch lạc, tưởng là đáng tin cậy của họ.

Trường hợp gần đây nhất, dễ nhận ra nhất là bài viết “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” của chị Đỗ Ngọc Bích trên BBC, với những luận điểm:

Trong vài năm gần đây, người dân Việt Nam, ở trong nước cũng như ở hải ngoại thường lên tiếng bài xích nhà nước cộng sản Việt Nam, bênh vực những blogger dũng cảm đấu tranh vì Hoàng Sa – Trường Sa, rên rỉ rằng nhục quá vì Việt Nam dần dần cứ dâng đất cho Trung Quốc v.v.

Dân Việt Nam ở hải ngoại, đặc biệt là những người thuộc chính quyền Việt Nam Cộng hòa phải tị nạn sau biến cố tháng 4/1975 ‘ghét’ nhà nước cộng sản Việt Nam và nhà nước cộng sản Trung Quốc từ xưa thì rõ rồi.

Trung Quốc đã hỗ trợ Bắc Việt Nam rất lớn trong cuộc chiến tranh Việt Nam, ‘đánh bại’ người Mỹ và ‘lật đổ’ chính thể Việt Nam cộng hòa…

Những thanh niên này hầu hết đều lớn lên vào những năm 1980, chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc có điều khiển của nhà nước Việt Nam sau cuộc chiến tranh biên giới 1979, bài xích Trung Quốc, tố cáo Trung Quốc ‘hơi nhiều.’

Họ không nhận ra được rằng Việt Nam thực ra cũng là một phần trong da thịt của Trung Quốc, chia sẻ nguồn gốc văn hóa và tư tưởng, và nhận được khá nhiều ân huệ từ Trung Quốc trong suốt hơn 20 năm chiến tranh (1950-1975)…

Cho dù Trung Quốc giúp Việt Nam là vì tính toán chính trị của họ, được giúp đỡ để chiến thắng cũng là điều tốt mà ‘mình nên nhớ’. Câu “yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông ti họ hàng” trong tình huống này có lẽ đúng.

Điều này làm tôi liên tưởng tới hàng vạn người Trung Quốc trong những năm 1990 đã là nạn nhân của cái gọi là “state-controlled nationalism” (chủ nghĩa dân tộc có sự điều khiển) khi họ đấu tranh lên án Nhật vì những điều đã xảy ra trong chiến tranh thế giới thứ II, đòi công bằng và chủ quyền với Nhật Bản…

Những thanh niên đó đã quá bị ảnh hưởng bởi tư tưởng chống Nhật trong Trung Quốc những năm dưới quyền Mao.

Khi tình hình đất nước thay đổi, họ không thay đổi kịp. Mao đã từng tuyên truyền rằng trong vụ thảm sát Nam kinh, hàng chục vạn người Trung Quốc đã bị giết, nhưng gần đây con số thống kê đó đã được đem ra xem xét lại về tính xác thực của nó…

Người dân Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc, Vua của Việt Nam cũng khởi tổ từ người Trung Quốc, coi vua Trung Quốc như anh như cha… từ Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, hay Lý Công Uẩn, rồi các gia tộc họ Trần, Lê, Nguyễn, v.v…

Chúng ta đã bao giờ tự hỏi mình xem lịch sử Việt Nam mà chúng ta học có đúng là lịch sử không?

Những blogger đấu tranh cho chủ quyền lãnh thổ đã bao giờ đọc Đại Việt Sử Ký (Lê Văn Hưu), Đại Việt Sử Lược (tác giả khuyết danh thời Trần), hay Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Ngô Sĩ Liên), hay Việt Nam Sử Lược (Trần Trọng Kim,) ở dạng nguyên bản, chưa qua biên soạn, cắt xén chưa?

Có lẽ, khi đọc những dòng này của chị Ngọc Bích, người có kiến thức lịch sử mỏng sẽ thấy mình có vấn đề về kiến thức, đâm ra hoang mang, ngại nói; người có ý chí đấu tranh dân chủ, có trang bị kiến thức căn bản sẽ thấy có gì đó vô lý và bị xúc phạm vì được/ bị xếp vào diện/ thành phần vệt nối của thanh niên Trung Quốc của những năm 90 thế kỉ trước; còn những trí thức, học giả có lòng tự trọng sẽ thấy bực bội, nổi giận (những bài phản biện thể hiện rõ điều này) trước bài viết mang hơi hướm “toàn tri” của chị Bích.

Trong trường hợp này, ranh giới giữa toàn tri và ba phải rất mong manh, khó nhận dạng!

.

Thử hỏi do đâu? Phải chăng do mặc cảm nội tại?

Trở lại với câu hỏi “Mình là ai?”, có lẽ cũng nên nhắc đến tính mặc cảm nội tại nơi mỗi cá thể con người, vì nó cũng là nguyên nhân, xuất phát điểm của câu hỏi này.

Và, có mối liên hệ nào giữa các hành vi, phản ứng của các nhóm trên với mặc cảm nội tại?

Đương nhiên, đã là con người, dù ở nghĩa nào, tầng bậc nào đi nữa vẫn luôn tiềm ẩn trong họ một vết thương, một nỗi mặc cảm mà chỉ đến lúc hợp lý nhất sẽ tự hiển lộ, thành hình và “hoạt động”.

Có thể nói rằng những “hiện tượng” trên đây đều bắt nguồn từ những mặc cảm, thứ mặc cảm cá nhân, mặc cảm xóm làng, mặc cảm dòng tộc, cộng đồng và cao hơn một chút là mặc cảm dân tộc, quốc gia đã ăn sâu vào máu thịt, lưu cửu từ đời này qua đời khác và có dịp thì trội lên, tỏ rõ bản chất của nó. Lúc đó, mặc cảm đi từ suy nghĩ đến ngôn ngữ, biến thành một định đề: “Tôi là ai?”, “Mình là ai?”.

Và khi ông/ bà/ anh/ chị/ chú/ thím/ bác/ ta… nêu lên một vấn đề gì đó, nói ra một ý kiến gì đó về cộng đồng hay dân tộc, quốc gia, trong họ đã hình thành từ trước ý thức: Mình là ai? Nói để làm gì? Nói sẽ đến đâu? Mình nhận gì sau khi nói? Nói ai nghe?… Những phản ứng nêu ở phần trên cũng không thoát ngoài trật tự này! Nó xuất phát từ trăn trở, quyền lợi và an ninh cá nhân. Chính xuất phát điểm của nó thể hiện tầm vóc của người nêu câu hỏi “Mình là ai?”.

Cũng có những mặc cảm làm con người lớn ra, có tầm vóc hơn, và có nỗi mặc cảm làm con người trở nên nhỏ bé, thấp kém. Vì lẽ: mặc cảm hình thành và bị chi phối bởi tư tưởng.

.

Giá trị của câu hỏi “Mình là ai?”

Có những trường hợp, khi người ta tự hỏi “Mình là ai?”, câu hỏi đưa người hỏi đến tầm cao tư tưởng, đến đỉnh cao minh triết, đến giá trị nhân loại, cống hiến, phụng sự cho cộng đồng. Nhưng cũng có những trường hợp, khi đặt ra câu hỏi ấy, vô hình trung rơi vào luẩn quẩn của những quyền lợi cá thể, quyền lợi phe nhóm và sự sợ hãi… Đẩy con người lùi về tâm thế hèn nhác, tư thế nhược tiểu và có nguy cơ lây lan, ảnh hưởng đến sĩ khí, lòng tự trọng của mỗi dân tộc nói riêng và của con người nói chung!

© 2010 Liêu Thái

© 2010 talawas

.

.

.

No comments: