Thursday, April 30, 2009

BIỂU TÌNH ĐÒI DÂN CHỦ-NHÂN QUYỀN CHO VIỆT NAM 8-5-2009

Thông báo về cuộc Biểu tình đòi hỏi nhân quyền, dân chủ, tự do tôn giáo trước LHQ ở Genève ngày 8.5.2009
2009-04-29 QUE ME

http://www.queme.net/vie/news_detail.php?numb=1199

PARIS, ngày 29.4.2009 (QUÊ MẸ) - Đồng bào khắp năm châu đã nồng nhiệt đáp ứng bản Thông cáo báo chí phát hành ngày 10.4.2009 của Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam kêu gọi tham dự cuộc biểu tình ngày 8.5.2009 tại Place des Nations - Công trường LHQ - trước trụ sở LHQ tại Genève, vào lúc Phái đoàn Hà Nội phải phúc trình trước Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Điện Quốc Liên về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam cùng sự tuân thủ các Công ước LHQ mà Hà Nội đã ký kết, như Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị là một.

Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam và Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam xin ngỏ lời thâm tạ sự hưởng ứng nồng nhiệt của Đồng bào hải ngoại, quý vị Nhân sĩ, Lãnh đạo Tôn giáo, các Đoàn thể, Đảng phái, Cộng đồng Người Việt Tự do ở hải ngoại, cùng các cơ quan truyền thông, báo chí đã hưởng ứng tham gia qua điện thoại gọi về trụ sở của chúng tôi tại Paris hay qua điện thư E.mail quyết tâm biểu dương ý chí đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ và tự do tôn giáo trên quê hương đất Việt, không để cho Phái đoàn Hà Nội tiếp tục dối gạt Hội đồng Nhân quyền LHQ và công luận thế giới như Hà Nội vẫn làm thường năm tại Genève.

Nay xin được thông báo diễn tiến cùng các điều cần thiết sau đây :

- Do việc phái đoàn Hà Nội phải phúc trình trước Hội đồng Nhân quyền LHQ vào lúc 14 giờ 30 ngày 8.5.2009, nên Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam đã xin phép với nhà chức trách Thụy sĩ ở thành phố Genève được phép biểu tình trước Công trường LHQ từ 8 giờ sáng cho đến chiều ngày 8.5.2009. Mục đích để cho báo chí, truyền thông quốc tế thấy rõ ý chí của Người Việt Tự do ở hải ngoại nói thay cho nhân dân trong nước không có tiếng nói trên lĩnh vực nhân quyền, dân chủ và tự do tôn giáo. Đặc biệt, là công xa của các phái đoàn chính phủ trên thế giới vào phó hội LHQ ở Điện Quốc liên chạy ngang Công trường LHQ sẽ chứng kiến cuộc biểu tình của người Việt Tự do.

- Nhân cơ may có mặt đại diện của các cộng đồng người Việt đến từ Hoa Kỳ, Úc châu, Đức, Hòa Lan, Pháp và Bắc Âu, nên sau cuộc biểu tình sẽ có cuộc gặp gỡ trao đổi vào lúc 18 giờ ngày 8.5.2009 tại một hội trường gần Điện Quốc Liên để Ban tổ chức trình bày diễn tiến buổi phúc trình của Phái đoàn Hà Nội và sự chất vấn của các phái đoàn chính phủ trong thế giới trước Hội đồng Nhân quyền LHQ, đồng thời đúc kết kinh nghiệm đấu tranh quốc tế cho việc kết liên của người Việt khắp năm châu cho công tác Quốc tế vận trong tương lai. Địa điểm hội trường sẽ xin thông báo sau.

- Thành phần Ban tổ chức gồm có :

Trưởng ban Tổ chức liên hệ với Nhà chức trách Thụy sĩ và LHQ : Ông Võ Văn Ái.

Trưởng ban Điều hành Nghi lễ các tôn giáo : Thượng tọa Thích Viên Lý, Văn phòng II Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Trưởng ban Điều hành Chương trình ngày biểu tình 8.5.09 (giới thiệu các tổ chức, hội đoàn, tôn giáo, đảng phái, chào cờ, mặc niệm) : Thượng tọa Thích Giác Đẳng / GHPGVNTN, và Ông Lưu Phát Tấn / Cộng đồng Việt Nam Tị nạn Cộng sản tại Hòa Lan.

Trưởng ban Thiết kế Bàn thờ Tổ quốc và phụ trách âm thanh tại cuộc biểu tình : Cộng đồng Việt Nam Tị nạn Cộng sản tại Hòa Lan.

Trưởng ban An ninh Trật tự : Ông Trần Minh Răn / Tổ chức Phục Hưng Việt Nam, Ông Nguyễn Quốc Nam / Liên Minh Dân chủ Việt Nam, Ông Nguyễn Bắc Ninh / Đại Việt Cách Mạng Đảng, Ông Nguyễn Mạnh Hà, Đảng Thăng Tiến.

Trưởng ban Báo chí, Truyền thông và Liên lạc : Chị Ỷ Lan / Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam, và Thượng tọa Thích Giác Đẳng / GHPGVNTN.

Trưởng ban Tiếp tân : Chị Nguyễn thị Lý / Liên hội Người Việt tại Cộng hòa Liên bang Đức, Chị Lê Nhất Hiền / Hội Phụ nữ Việt Nam Tự do Đức quốc.

Trưởng ban Văn nghệ Đấu tranh : Chị Nguyệt Ánh / Phong trào Hưng Ca Việt Nam

Trưởng ban Y tế : Bác sĩ Nguyễn Quốc Nam, Bác sĩ Đoàn Trần Đức và hai Chị Duyên, Hạnh.

Trưởng ban Ẩm thực : Chị Ca Dao và chị Lợi.

Trưởng ban Phim ảnh : Ông Trần Di Nhơn / Liên hội Người Việt tại Cộng hòa Liên bang Đức và ông Đông / Paris

Ban Tổ chức sẽ được bổ sung thêm theo nhu cầu của ngày biểu tình.

- Do việc Ban Tổ chức không có cơ sở tại Genève, nên không thể lo việc đưa đón các vị khách đến từ xa. Vậy xin quý vị vui lòng sử dụng Taxi để đến Công trường LHQ theo bản đồ dưới đây. Công trường LHQ nơi tổ chức biểu tình cách xa phi trường hay nhà ga xe lửa Genève chừng 10 phút taxi. Nếu có khó khăn gì, xin liên lạc với chị Ỷ Lan số điện thoại cầm tay là +336 11 89 86 81, hoặc Thượng tọa Thích Giác Đẳng số điện thoại cầm tay là + 1 281216 3588

- Ban Tổ chức hoan nghênh việc tham gia biểu tình và phát biểu tại cuộc biểu tình ngày 8.5.2009 của tất cả quý vị Nhân sĩ, Lãnh đạo Tôn giáo, các Đoàn thể, Đảng phái, Cộng đồng Người Việt Tự do ở hải ngoại. Để tiện việc sắp xếp chương trình, xin quý vị vui lòng liên lạc đến số điện thoại của chị Ỷ Lan +336 11 89 86 81, hoặc số điện thoại +316 23 14 14 79 của ông Lưu Phát Tấn.

Hẹn nhau mồng 8 tháng 5
Nhân quyền mở mặt Trăm năm một lần !

Biểu tình : 8 giờ sáng thứ Sáu ngày 8.5.2009
tại Place des Nations / Công trường LHQ thành phố Genève


để biểu dương khí thế uy dũng của Con dân Nước Việt trước chế độ độc tài toàn trị Cộng sản Việt Nam.

Trước ngày 8.5.2009, mọi liên hệ, hỗ trợ, hỏi thăm tin tức, kính xin liên lạc về :

Quê Mẹ / Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam
B.P. 60063
94472 Boissy Saint Léger - France
Tel : Paris +331 45 98 30 85 – Fax Paris +331 45 98 32 61
E-mail : queme@free.fr

Dưới đây là bản đồ đi đến Place des Nations / Công trường LHQ :

http://www.queme.net/images/2009-0429a.jpg


Các tổ chức hưởng ứng Lời kêu gọi của Cơ sở Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam biểu tình ngày 8.5.2009 tại LHQ Genève và đã liên lạc về Paris với chúng tôi nhằm cộng tác thực hiện cuộc biều tình gồm có :

- Văn phòng Liên lạc các Hội đoàn và Cộng đồng Người Việt Tự do tại Pháp
- Văn phòng II Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất / Hoa Kỳ
- Tổ chức Phục Hưng Việt Nam
- Liên Minh Dân chủ Việt Nam
- Đại Việt Cách Mạng Đảng
- Hội Phụ Nữ Việt Nam Tự Do Đức Quốc
- Cộng đồng Việt Nam Tị nạn Cộng sản tại Hòa Lan
- Liên Hội Người Việt tại Cộng hòa Liên bang Đức
- Hội Người Việt Tỵ nạn Frankfurt và vùng Phụ cận
- Tập thể Cựu Chiến sĩ VNCH tại Đức quốc
- Hội Văn hóa Người Việt Tự do / Pháp
- Cộng đồng Người Việt Quốc gia Tự do / Pháp
- Hội Hải quân và Hàng Hải
- Văn phòng Liên Đới Xã hội
- Tổ chức Quốc tế Yểm trợ Cao trào Nhân bản / Hoa Kỳ
- Phong trào Hưng Ca / Hoa Kỳ
- Vietnam Sydney Radio và Khối 1706 Yểm Trợ Tranh Đấu Cho Tự Do Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam / Úc châu
- Thanh Niên Cờ Vàng / Hoa Kỳ
- Đảng Thăng Tiến
Cùng nhiều vị nhân sĩ khắp các châu lục.

LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975

Lý luận - phê bình văn học ở đô thị Miền Nam 1954-1975

Tiến sĩ Trần Hoài Anh

http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=7188

Xã hội đô thị miền Nam từ 1954 - 1975 là một xã hội trộn lẫn nhiều nền văn hóa, trong đó có văn hóa phương Tây và văn hóa Mỹ. Với chủ trương mở cửa du nhập văn hóa nước ngoài một cách tự do, nhiều trường phái triết học, mỹ học, lý luận - phê bình văn học phương Tây đã tràn vào Miền Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống lý luận - phê bình văn học. Lý luận - phê bình văn học ở đô thị Miền Nam đã xuất hiện nhiều trường phái lý luận - phê bình phương Tây như: phân tâm học; chủ nghĩa hiện sinh; mỹ học tiếp nhận; cấu trúc luận; hiện tượng luận... .

Ở một phương diện nào đó, sự tiếp biến các khuynh hướng lý luận - phê bình phương Tây không chỉ tạo nên sự đa dạng của lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam mà còn góp phần làm phong phú và hiện đại hóa lý luận - phê bình văn học dân tộc vốn còn nghèo nàn và lạc hậu so với lý luận - phê bình văn học hiện đại của thế giới. Nói như Nguyên Sa: "Nhìn tổng quát cả một thế kỷ văn chương ta thấy sự giao tiếp với văn học nghệ thuật Tây phương thúc đẩy ta tiếp nhận mau lẹ để tiếp nhận cái khác. Ta như bị thúc đẩy với một tiếng nói không âm thanh: phải đổi thay thật nhanh, phải biến dịch thật mau, cho nên, người này vừa làm xong cổ điển, không đợi những thế kỷ 18 và 19 trôi qua, người kia tiến ngay đến siêu thực, cùng một tác giả có thể nhảy từ tả chân sang siêu thực rồi đến hiện sinh. Và cái sự thay đổi mau lẹ đó, nhìn ở mặt trái nó đáng buồn vì chưa thật là ta, vì còn mang nặng dấu vết này, dấu vết nọ, nhưng nhìn ở mặt phải, nó nói lên sự khao khát đổi thay. Và khi họ đổi thay để bắt kịp những đổi thay của văn học nghệ thuật thế giới, sự khao khát đó sẽ đóng vai động lực của những sáng tạo lớn"

Khi tìm hiểu một nền lý luận - phê bình văn học, không thể không nói đến đội ngũ những người làm lý luận - phê bình. Đây là nhân tố quan trọng nếu không muốn nói là quyết định đến sự hình thành và phát triển của mọi nền lý luận - phê bình văn học.

Có thể nói lý luận - phê bình văn học ở đô thị Miền Nam 1954 - 1975 cũng được tạo nên bởi những nhà lý luận - phê bình không chuyên, họ đến với công việc lý luận - phê bình từ nhiều ngả đường, nhiều thành phần xã hội khác nhau nhưng rẽ ngang vào lãnh địa lý luận - phê bình. Họ nghiên cứu, biên soạn, giới thiệu các trường phái lý luận - phê bình của nhiều nước trên thế giới, đồng thời ứng dụng lý thuyết của các trường phái này vào phê bình văn học. Đó là những nhà giáo, nhà văn, nhà thơ, nhà báo như: Nguyễn Văn Trung, Thanh Lãng, Lê Tuyên, Đỗ Long Vân, Đặng Phùng Quân, Lữ Phương, Nguyên Sa, Võ Phiến, Doãn Quốc Sĩ, Nguyễn Hiến Lê, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Vũ Hạnh, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Lê Huy Oanh, Nguyễn Tấn Long, Trần Tuấn Kiệt, Cao Thế Dung, Đặng Tiến, Tam Ích, Thế Phong, Nguyễn Xuân Hoàng, Tạ Tỵ, Nguyễn Sỹ Tế, Huỳnh Phan Anh, Phạm Thế Ngũ, Nguyễn Trọng Văn, Nguyễn Đình Tuyến, Uyên Thao, Minh Huy, Cao Huy Khanh... Trong số này có những người từng du học ở nước ngoài, chủ yếu là ở Pháp. Chính họ là bộ phận nòng cốt của đội ngũ lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam, là những người có công giới thiệu các trường phái lý luận - phê bình văn học phương Tây vào miền Nam như Nguyễn Văn Trung, Thanh Lãng, Trần Thái Đỉnh, Lê Tuyên, Đỗ Long Vân, Trần Thiện Đạo, Trần Bích Lan... Lữ Phương khi nói về thực trạng lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam cũng nhận xét "chúng ta không có những nhà phê bình chuyên nghiệp đáng tin cậy và điều kiện sinh hoạt văn học hiện tại của ta đã không đủ yếu tố để tạo nên những người như vậy".

Không có những nhà lý luận - phê bình chuyên nghiệp, theo nghĩa thuần túy làm công việc lý luận - phê bình nhưng không vì thế những công trình lý luận - phê bình của họ lại thiếu tính chuyên nghiệp. Ngược lại, với những gì họ viết ra trong các công trình nghiên cứu của mình thật sự đó là những tác phẩm lý luận - phê bình đúng nghĩa, có tính khoa học, có giá trị cả về lý luận lẫn thực tiễn. Bởi những tác phẩm này được xây dựng trên một cơ sở lý thuyết rõ ràng, không phải là những suy luận chủ quan, cảm tính theo kiểu phê bình nghiệp dư. Trong đội ngũ những nhà lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam , có thể nói Nguyễn Văn Trung là một trong những nhà lý luận - phê bình văn học "có tầm ảnh hưởng lớn". Bởi theo Nguyễn Trọng Văn ông là người "có công trong việc giới thiệu những trào lưu tư tưởng mới của phương Tây với độc giả Việt Nam. Những triết gia, những tư tưởng gia, những văn nghệ sĩ cùng những chuyển biến văn học, triết học quan trọng ở ngoại quốc thường được ông trình bày, giới thiệu một cách gọn gàng, mạch lạc"

Sau 1963, khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ kéo theo sự tan rã của chủ nghĩa "cần lạo nhân vị" thì chủ nghĩa hiện sinh đã trở thành một trong những hệ tư tưởng chi phối đời sống chính trị xã hội ở đô thị miền Nam. Lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam cũng bước sang một trang sử mới. Nhiều trường phái triết học, mỹ học, lý luận - phê bình văn học khác của phương Tây cũng được giới thiệu khá rầm rộ như: Hiện tượng học, Cấu trúc luận, Mỹ học tiếp nhận, Trường phái hình thức Nga, Phê bình mới... Và từ đây lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam đã phát triển với nhịp độ khá nhanh trên cả bình diện phẩm và lượng. Hàng loạt các bài viết về những trào lưu tư tưởng phương Tây được tập trung giới thiệu như: "Quan niệm cơ cấu trong các khoa học nhân văn" (Bách khoa từ 126 - 271/1968); "Thuyết cơ cấu và phê bình văn học" (Bách khoa số 289 - 294/1969) của Trần Thái Đỉnh; "Tìm hiểu cơ cấu luận như một phương pháp, một tiểu thuyết và đặt vấn đề tiếp thu" (Bách khoa số 293 - 294/1969) của Nguyễn Văn Trung; "Lịch sử của cảm giác buồn nôn trong văn chương Tây phương hiện đại" của Hoàng Văn Đức (Văn số 2/1964); "J.P.Sartre thân thế và sự nghiệp" của Trần Thiện Đạo (Văn số 31/1965); "Phấn đấu cho một nền tiểu thuyết mới" của Alain Robbe - Grillet, do Trần Thiện Đạo dịch và giới thiệu (Văn số 33/1965); "Những vấn đề của văn nghệ phương Tây hiện đại" của Triều Sơn (Văn số 34/1965); "Văn chương là gì?" của J.P.Sartre, do Nguyễn Minh Hoàng dịch và giới thiệu (Văn số 56- 65/1966); “Tìm hiểu thuyết cơ cấu” của Trần Thiện Đạo (Văn học số 2/ 1967); “Phân tâm học và thiền” của Chơn Hạnh (Tư tưởng số 1/1967); “Thời gian qua Kant, Hegel và Husserl” (Tư tưởng 4,5/1968); “Triết học hiện sinh và chính trị” của Trần Thái Đỉnh (Bách khoa số 264/1968); “Sartre trong đời sống” của Nguyễn Văn Trung (Bách khoa số 267-268/1968); “Samuel Beckett và thẩm quyền của ngôn ngữ” của Huỳnh Phan Anh (Khởi hành số 29/1969); “Nietzsche và Mật Tông” của Ngô Trọng Anh (Tư tưởng số 5/1970); “Phê bình mới, phê bình cũ” của Nguyễn Văn Trung (Bách khoa số 381/1972)... Và rất nhiều công trình lý luận - phê bình văn học có giá trị như Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương (1966), Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung (1967) của Đỗ Long Vân; Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết (1965), Ngôn ngữ thân xác (1967), Lược khảo văn học 2 (1966), Lược khảo văn học 3 (1968) của Nguyễn Văn Trung; Một bông hồng cho văn nghệ (1967) của Nguyên Sa; Mấy vấn đề văn nghệ (1967) của Lữ Phương; Ý Văn 1 (1967), Văn nghệ và phê bình (1969) của Tam Ích; Tạp bút -tiểu luận (1969) của Võ Phiến; Đọc lại truyện Kiều (1966); Tìm hiểu văn nghệ (1970) của Vũ Hạnh; Vũ trụ thơ (1972) của Đặng Tiến; Văn chương và kinh nghiệm hư vô (1968), Đi tìm tác phẩm văn chương (1972), Duyên Anh tuổi trẻ mộng và thực (1972) của Huỳnh Phan Anh; Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (1970) của Phạm Công Thiện; Dư vang nghệ thuật (1971) của Trần Nhựt Tân; Thơ Việt Nam hiện đại (1969), các nhà văn nữ Việt Nam 1900-1970 (1973) của Uyên Thao; Mười khuôn mặt văn nghệ (1970), Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay (1972) của Tạ Tỵ; Văn học và tiểu thuyết (1973) của Doãn Quốc Sỹ; Thẩm mỹ học thông khảo (1974) của Nguyễn Văn Xung; Văn học và ngữ học (1974) của Bùi Đức Tịnh; Triết học và văn chương (1974) của Đặng Phùng Quân...

Không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu các học thuyết, các trào lưu tư tưởng nước ngoài, các nhà lý luận - phê bình còn ứng dụng các lý thuyết đó vào việc tìm hiểu giá trị của các hiện tượng văn học và đã có một số tác phẩm khá thành công như: Lược khảo văn học (3 tập) của Nguyễn Văn Trung; Chinh phụ ngâm và tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đày của Lê Tuyên; Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương, Vô kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung của Đỗ Long Vân; Vũ trụ thơ của Đặng Tiến; Văn chương và kinh nghiệm hư vô, Đi tìm tác phẩm văn chương của Huỳnh Phan Anh...

Với việc ứng dụng lý thuyết của các trường phái lý luận - phê bình văn học phương Tây hiện đại như: Phân tâm học; Chủ nghĩa hiện sinh; Cấu trúc luận; Hiện tượng luận; Mỹ học tiếp nhận... vào việc tìm hiểu nhiều hiện tượng văn học, các nhà lý luận - phê bình văn học đô thị miền Nam đã thổi vào đời sống văn học một luồng sinh khí góp phần tạo ra những giá trị mới cho nhiều tác phẩm văn học của dân tộc vốn chỉ được nhìn nhận qua hệ qui chiếu của triết học và mỹ học phương Đông. Có thể nói việc dịch và giới thiệu văn học nước ngoài trong đó có các công trình lý luận - phê bình đã trở thành một trào lưu khá thịnh hành và phát triển ở đô thị miền Nam từ giữa thập niên sáu mươi nên có những nhà xuất bản từ khi mới ra đời đã chủ trương chỉ in sách dịch như nhà xuất bản Giao Điểm. Hoặc như tờ báo Văn "trong hơn 11 năm đã dành ra hơn 90 số đặc biệt cho văn học ngoại quốc.Tức là xấp xỉ 1/3 tổng số báo xuất bản". Và đây cũng là một trong những nhân tố góp phần tạo nên sự phát triển nhanh chóng của văn học đô thị miền Nam trong đó có lý luận - phê bình. Tuy nhiên trong việc ứng dụng các hệ lý thuyết vào phê bình văn học, các nhà lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam không vận dụng cứng nhắc một lý thuyết nào mà luôn kết hợp nhiều lý thuyết khi đánh giá các hiện tượng văn học. Bởi theo Tam Ích nếu "nhắm mắt lại mà áp dụng các giáo điều thì đều mắc phải bệnh ấu trĩ cho nhà sáng tác. Rồi đến ấu trĩ cho nhà phê bình cũng theo những nguyên tắc có sẵn mà nói, và ấu trĩ luôn cho độc giả".

Với việc đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt lý luận - phê bình, việc mở rộng giới thiệu nhiều trường phái triết học, mỹ học, lý luận - phê bình văn học phương Tây, sự phát triển của đội ngũ các nhà lý luận - phê bình, đời sống lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975 đã có những bước phát triển nhanh chóng. Đó là bức tranh lập thể nhiều sắc màu, là dàn đồng ca nhiều giọng điệu, là bầu trời nhiều vì sao tuy linh động nhưng phức tạp và có những giới hạn nhất định. Không những thế, do chịu sự tác động sâu sắc bởi các biến động của đời sống chính trị xã hội và văn hóa, đặc biệt là ảnh hưởng của lý luận - phê bình văn học phương Tây và cuộc đấu tranh bảo vệ văn hóa dân tộc, lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975 đã phân hóa thành nhiều khuynh hướng khác nhau. Đó là các khuynh hướng chủ yếu như: khuynh hướng lý luận - phê bình chịu ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng phương Tây; khuynh hướng lý luận - phê bình chịu ảnh hưởng quan điểm Mác-xít và khuynh hướng lý luận - phê bình chịu ảnh hưởng tư tưởng các tôn giáo. Sự phân hóa này phản ánh khá trung thực đời sống lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam. Mặt khác cũng thể hiện sự đa dạng trong việc nhìn nhận, đánh giá các hiện tượng văn học tránh được căn bệnh giản đơn, công thức và tính "đồng phục" trong lý luận - phê bình.

*

* *

Bức tranh văn học Miền Nam vùng tạm chiếm khơng thể thiếu vắng lí luận - phê bình văn học ở đơ thị miền Nam. Nền lý luận - phê bình ấy cũng đan xen những quan điểm, khuynh hướng khác nhau, phản ánh trung thực tình hình văn học đơ thị Miền Nam. Với sự tiếp biến nhiều giá trị lý luận - phê bình văn học của dân tộc và thế giới, trong đĩ nổi bật là lý luận - phê bình văn học phương Tây hiện đại, nền lý luận – phê bình ấy bên cạnh mặt hạn chế đã đạt đến một số thành tựu nhất định. Thiết nghĩ, nó phải có vị trí tương xứng trong nền lý luận - phê bình văn học dân tộc. Đã có một độ lùi thời gian hơn ba mươi năm, từ yêu cầu đổi mới lý luận - phê bình văn học và thực tiễn của việc nghiên cứu văn học, có lẽ đã đến lúc cần phải nghiên cứu một cách thấu đáo, khách quan, khoa học tình hình lý luận - phê bình văn học ở đơ thị miền Nam trong tiến trình vận động, phát triển lý luận - phê bình văn học dân tộc, để khẳng định vai trị của nó trong nền lý luận - phê bình văn học nước nhà. Như thế nền lý luận - phê bình văn học dân tộc sẽ trở nên đa thanh, đa diện, cách tiếp cận đối tượng nghiên cứu được mở rộng hơn đáp ứng nhu cầu đổi mới tư duy lý luận - phê bình văn học dân tộc trong thời kì hội nhập và phát triển.

Bài đã đăng báo Văn nghệ

BÔ-XÍT TÂY NGUYÊN : THƯ NGỎ GỬI QUỐC HỘI

THƯ NGỎ GỬI CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM

Việt Nam ngày 30 tháng 4 năm 2009

Thưa các đại biểu Quốc hội khóa 12,
Hơn một ngàn cử tri và không phải cử tri (sinh sống ở nước ngoài) đã ký tên vào bản
Kiến nghị gửi các cơ quan Nhà nước về dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, một lần nữa viết thư ngỏ này chân thành gửi gắm lòng tin vào những nhà lập pháp đương thời, coi như một kiến nghị bổ sung, mong quý vị xem xét.

Thưa quý vị,
Gần đây, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra bản Kết luận về vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Đó không là một bản Chỉ thị, mà là một bản Kết luận, điều đó thể hiện một thái độ cầu thị, tôn trọng dư luận, một hành động giao tiếp với công luận. Tất cả những ai có thiện chí đều nhận ra điều đó.
Tuy nhiên, cũng trên tinh thần dân chủ và cởi mở, trên tinh thần xây dựng một Nhà nước pháp quyền hiện đại, chắc chắn là Bộ Chính trị cũng muốn rằng những kết luận của mình sẽ được thể chế hóa thành luật để có đầy đủ giá trị pháp lý và sức mạnh thực thi.
Vì thế, vai trò của quý vị đại biểu Quốc Hội lúc này, nhất là trong kỳ họp tháng 5-2009 sắp tới, thật vô cùng quan trọng.

Mọi người đều biết, từ những năm tám mươi thế kỉ trước, khối COMECON tuy rất cần nhôm, song đã quyết định không khai thác bauxite trên lãnh thổ Việt Nam. Lý do của việc này đã được nói rõ trong hai lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà chắc chắn mỗi đại biểu Quốc Hội đều biết.

Ngày nay, các chuyên gia, các nhà khoa học của ta lại một lần nữa kết luận dứt khoát rằng khai thác chế biến bô xít ở Tây Nguyên là chuốc lấy vô vàn rủi ro về môi sinh và văn hóa để làm một việc không có lãi về kinh tế và tự buộc mình lệ thuộc nguy khốn vào một nước ngoài khách hàng duy nhất của sản phẩm nhôm đó. Điều này, chắc chắn mỗi đại biểu Quốc Hội đều biết.

Một em học sinh Trung học của Việt Nam cũng được dạy trong sách giáo khoa rằng Tây Nguyên là "nóc nhà của Đông Dương". Thế nhưng, cùng với dự án khai thác bauxite ở vùng này là nguy cơ có mặt của những binh đoàn "người lao động" nước ngoài tới "làm việc", trong đó nhiều người đã tới bằng visa du lịch. Sự kiện kèm theo số liệu đó đã được phóng viên báo “Nhân dân” đưa ra, chắc chắn mỗi đại biểu Quốc Hội đều đã biết cả.

Thưa quý vị đại biểu,
Thư ngỏ này được công bố trên mạng vào đúng ngày 30 tháng Tư, ngày tổng kết những mừng vui và nghẹn ngào của dân tộc Việt Nam, đó là điều rất có ý nghĩa. Nó nhắc nhở quý vị là những nhà lập pháp rằng một việc làm dù nhỏ nhặt, một lần giơ tay biểu quyết dù vẫn ngập ngừng của quý vị, đều là một viên đá lót đường để dân tộc ta, Tổ quốc ta chắc chắn có cơ may ngẩng mặt nhìn ra năm châu thế giới. Điều trái ngược lại sẽ là cái chết được báo trước, không thể là gì khác!

Chúng tôi tha thiết kêu gọi quý vị hãy xem xét kỹ lưỡng toàn bộ chủ trương khai thác bauxite ở Tây Nguyên và pháp chế hóa vấn đề này.
Chúng tôi xin gửi tới quý đại biểu Quốc hội lời chào trân trọng và tin tưởng.

Thay mặt các chữ ký Kiến nghị Bauxite Tây Nguyên
Gs. Nguyễn Huệ Chi, Nhà văn Phạm Toàn, Gs. Ts. Nguyễn Thế Hùng
http://www.bauxitevietnam.info/thongbao/090430_thuguiquochoi.htm

TRUNG QUỐC : BẠN hay THÙ

The Wall Street Journal
Trung Quốc, Bạn hay Thù?
ANDREW BROWNE và GORDON FAIRCLOUGH
Ngày 18-4-2009
http://online.wsj.com/article/SB124001124687130799.html#mod=rss_asia_whats_news
Một khối hang động phức hợp mở toang ra ở miền bờ biển toàn núi đá của tỉnh đảo Hải Nam thuộc phía nam Trung Quốc là nơi trú ẩn của một trong những thứ vũ khí giết người mới nhất và tiềm tàng nhất trong kho vũ khí của Bắc Kinh: một chiếc tàu ngầm sản xuất trong nước được thiết kế để phóng các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân *.
Vì thế, khi chiếc USNS Impeccable, một tàu khảo sát của Hoa Kỳ, đang điều tra vùng biển này vào tháng trước, Trung Quốc liền đặt một cái bẫy. Năm chiếc tàu của Trung Quốc đã vây bọc quanh chiếc tàu Hoa Kỳ. Các thành viên trong thủy thủ đoàn [Trung Quốc] đã ném những mảnh gỗ vào lối di chuyển của tàu Impeccable và sử dụng những câu liêm dài để kéo các thiết bị âm thanh của tàu. Khi các thủy thủ Hoa Kỳ dùng vòi cứu hỏa xịt nước vào những kẻ tấn công họ, đám thủy thủ có khuôn mặt vô cảm người Trung Quốc ở trên boong của một trong những con tàu đó đã cởi hết quần áo, chỉ mặc đồ lót rồi tiến tới gần trong phạm vi 8 mét, Ngũ Giác Đài cho biết.
Cuộc chạm trán tại vùng Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông], kéo dài khoảng 3 tiếng rưỡi, có khuynh hướng gửi đi một thông điệp rõ ràng. Phía Trung Quốc cho rằng chiếc Impeccable đang vị phạm luật pháp quốc tế qua việc điều khiển các hoạt động giám sát trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. (Trái lại) Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác coi hành động đó là hợp pháp.
Khi những chiếc tàu khảo sát của Hoa Kỳ thăm viếng khu vực này trong tương lai, thì theo ông Su Hao, giám đốc Trung tâm Quản lý Chiến lược và Xung đột thuộc trường Đại học Quan hệ Quốc tế của Trung Quốc, nói “Họ sẽ phải thận trọng hơn.”
Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ xem Trung Quốc như là một quốc gia, mà tại thời điểm nào đó, chắc chắn sẽ đạt được khả năng để thách thức quân đội Hoa Kỳ trên quy mô toàn cầu.
Hoa Kỳ trong những năm gần đây đã thay đổi để gia tăng các lực lượng quân sự của mình tại Thái Bình Dương và đã khuyến khích người đồng minh Nhật Bản thực hiện hành động tương tự.
Washington và Tokyo đang làm việc cùng nhau để đẩy mạnh hệ thống phòng thủ chống tên lửa, nhằm chống lại những mối đe doạ từ cả Bắc Triều Tiên lẫn Trung Quốc. Và một số nhân vật trong Bộ Quốc phòng đã đề cao “mối đe doạ Trung Quốc” để thanh minh cho mức chi tiêu lớn hơn cho những hệ thống vũ khí mới.

Vào tuần này, Đô đốc Wu Shengli, viên sĩ quan cao cấp nhất của hải quân Trung Quốc — được biết chính thức như là Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân — đã cho biết rằng binh chủng này sẽ hành động nhanh hơn để hiện đại hóa kho chứa vũ khí của mình và xây dựng những chiến hạm lớn hơn và có nhiều khả năng hơn “để gia tăng khả năng chiến đấu cho các cuộc thủy chiến trong khu vực” bằng cách sử dụng các loại vũ khí công nghệ cao.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc vào trước lễ kỷ niệm ngày thành lập hải quân vào tuần tới, ông cũng nói rằng hải quân sẽ cải thiện khả năng hành quân của mình trên các đại dương.
Các quan chức khác trong những tháng gần đây đã nói về công việc xây dựng chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc, tăng thêm các mối quan ngại của Hoa Kỳ rằng Trung Quốc muốn tạo một hình ảnh gây ấn tượng cho sức mạnh của họ.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát, thuộc cả hai phía Trung Quốc và Hoa Kỳ, đã nói rằng nỗi lo sợ về Trung Quốc bị phóng đại. Các lực lượng vũ trang của Trung Quốc hiện vẫn không phải là đối thủ đối với hỏa lực của Hoa Kỳ trên biển, trên đất liền hay trên không trung. Nhiều nhà phân tích - bao gồm các cựu sĩ quan cao cấp trong quân đội - đã không tin rằng Trung Quốc có ý định làm cho Hoa Kỳ hoảng hốt, như là Liên Xô cũ đã từng làm. Vì hiện nay, quân đội Trung Quốc vẫn còn lệ thuộc vào một sự hòa trộn giữa các loại vũ khí công nghệ cao, ví như những chiếc tàu ngầm mang hoả tiễn hạt nhân thế hệ Jin, với những món đồ đánh cắp có công nghệ thấp và các món đồ thủ công nhằm dọa dẫm kẻ khác.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói rằng sự thăng tiến của nền kinh tế nước họ mang tính chất hòa bình.
Tuy nhiên, có nhiều lần nó được đi kèm theo bởi một thứ chủ nghĩa dân tộc rất ồn ào - một ước muốn khao khát phục hồi những gì mà nhiều người ở nước này coi như là vị thế đúng đắn của Trung Quốc trên toàn cầu, vị thế này đã bị chiếm đoạt bởi những đế quốc phương Tây trong thế kỷ 19 và quân phiệt Nhật trong thế kỷ 20.
Sự gây hấn của Trung Quốc hướng tới Đài Loan và bí mật quân sự của họ làm cho các thế lực diều hâu từ Washington cho tới New Delhi dễ dàng vẽ nên một bức tranh về một Trung Quốc đầy hận thù đang mưu tính cho con đường quay trở lại của họ.
Cú phóng bị thất bại của một phi đạn giống như loại tên lửa của Bắc Triều Tiên vào ngày 5 tháng Tư đã làm phức tạp thêm tình hình này. Việc này chắc chắn thúc đẩy Nhật Bản tăng cường sức mạnh quân sự của mình và đầu tư nhiều hơn vào những nỗ lực phòng thủ tên lửa, mà giờ đây Nhật đang được hợp tác với Hoa Kỳ. Điều đó có thể làm tăng thêm mối căng thẳng với Trung Quốc, nước vốn đã coi liên minh Hoa Kỳ-Nhật Bản như là một mối quan hệ đối tác được thiết lập để chế ngự sức mạnh của Trung Quốc.
Trung Quốc khao khát cho sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên, lo ngại rằng nếu như Bắc Tiều Tiên sụp đổ, thì một làn sóng tị nạn sẽ tràn qua các vùng biên giới của mình, và sẽ kết thúc bằng tình trạng mặt đối mặt với quân đội Hoa Kỳ đang được trú đóng tại miền Nam.

Theo chính phủ Trung Quốc, ngân sách quốc phòng của nước này cho năm 2008 là 60 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 18% so với một năm trước. Ngũ Giác Đài tin là các số liệu chính thức của Trung Quốc thực chất không đúng với chi tiêu quốc phòng trên thực tế. Họ ước đoán rằng năm ngoái Trung Quốc đã chi từ 105 đến 150 tỉ đô la cho những phí tổn liên quan tới quân sự, vì quân đội của Trung Quốc tự chuyển đổi từ một đội quân đông đảo có công nghệ thấp kém được dành để giao tranh trong một cuộc chiến làm tiêu hao sinh lực chống lại những kẻ xâm lăng sang một lực lượng tinh vi, nhanh nhạy hơn có khả năng phóng hỏa lực vượt quá biên giới Trung Quốc.

Việc tập trung chính yếu của Trung Quốc vào hiện đại hóa quân đội của mình trong vài thập niên qua đã và đang ngăn chặn Đài Loan khỏi việc thiết lập một nền độc lập chính thức và chặn đứng mọi nỗ lực của Hoa Kỳ đến trợ giúp hòn đảo này trong một cuộc khủng hoảng.
Hiện nay, một số sĩ quan hải quân Trung Quốc đang nói về cái ngày tuần tiễu ra xa tới Ấn Độ Dương, để nhớ lại những hình ảnh từ đế chế Trung Hoa cách đây 600 năm trước, khi một hạm đội gồm những con tàu chất cao ngất châu báu được chỉ huy bởi Đô đốc hoạn quan Hồi giáo Zheng He, hay còn gọi là Trịnh Hòa, của Trung Quốc dong buồm qua những vùng biển này trên đường tới đông Phi.
Bất chấp những phản đối rằng lực lượng hải quân có năng lực hơn của mình sẽ không gây nên hồi chuông cảnh báo trong số các quốc gia láng giềng hay với Washington, các tàu chiến và tàu ngầm của Trung Quốc đã và đang tiến ra xa khơi hơn nữa. Trong ít nhất là vài trường hợp họ đã kiểm tra khả năng phòng thủ của các quốc gia khác và gửi tín hiệu về những ý định của hải quân Trung Quốc sẽ là một tay chơi trên các đại dương.

Một số nhà phân tích quân sự Hoa Kỳ giờ đây nhìn thấy mối đe doạ rộng lớn hơn đối với ưu thế của Mỹ trên biển, đã liên kết sự mở rộng ảnh hưởng thương mại và kinh tế của Trung Quốc trên khắp toàn cầu. Nếu như Trung Quốc có thể thách thức một con tàu giám sát của Hoa Kỳ ngoài xa bờ biển của họ, thì họ đang hỏi rằng, liệu siêu cường kinh tế Á châu đang lớn dậy này trong tương lai có xông pha tuần tiễu trên những tuyến hải hành thương mại của mình tại Eo biển Malacca (qua những nơi mà hầu hết nguồn cung cấp dầu lửa thiết yếu của Trung Quốc phải đi qua), hay thậm chí cả Vịnh Ba Tư hay không? Quan niệm bi quan này đề cập nhiều về những mối lo ngại của siêu cường duy nhất trên thế giới (ý nói Mỹ) cũng ngang bằng như khi họ nói về những khả năng của Trung Quốc.

Về phương diện lịch sử, phương Tây đã thể hiện cả những niềm hy vọng to lớn lẫn những mối lo ngại u ám về Trung Quốc. Sự thay đổi tình cảm giữa hai thái cực này từ lâu đã gây bối rối cho các mối quan hệ của phương Tây với gã khổng lồ châu Á này. Một động lực có tính mâu thuẫn giờ đây đang tác động lên các mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đây là một mối quan hệ quan trọng nhất của thế kỷ 21. Trong khi những động lực kinh tế đang kéo hai nước lại gần nhau hơn (Trung Quốc đã trở thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ), thì các mối quan hệ quân sự lại ngưng trệ.

Các tướng lĩnh và đô đốc tại Ngũ Giác Đài đã phản đối sự thách thức của Trung Quốc trên các vùng biển quốc tế, nơi mà Hải quân của họ đã hoạt động hơn nửa thế kỷ qua - thậm chí cả khi những vùng biển này nằm ngay trước ngưỡng cửa của Trung Quốc. Trong bản thuyết minh của ông ta trước uỷ ban quân lực của Thượng viện, Đô đốc Timothy Keating, vị sĩ quan đảm trách lực lượng vũ trang Mỹ tại Á châu, đã cho biết rằng hành động ngăn chận tàu Impeccable ngoài biển Đảo Hải Nam cho thấy rằng người Trung Quốc “không sẵn sàng chấp thuận những tiêu chuẩn ứng xử có thể chấp nhận được.”

Ông Su thuộc trường đại học China Foreign Affairs University cho rằng thế giới đã hiểu sai về cơ bản những ý định của Trung Quốc. Trung Quốc là một cường quốc lục địa, ông nói, quan tâm về việc giữ gìn những vùng biên giới của mình và dùng ước muốn của mình dành cho an ninh quốc nội và đoàn kết trong nước. Đối với những ai coi mối đe doạ trong việc bành trướng ra biển của Trung Quốc, ông đưa ra lời khuyên này: “Hãy nghĩ ngơi.”

Bản báo cáo thường niên mới đây nhất của Ngũ Giác Đài về quân đội Trung Quốc, được công bố vào cuối tháng trước, đã bị chỉ trích rộng rãi ở Trung Quốc như là biểu hiện thành kiến và gieo hoang mang. Bản báo cáo nói rằng “khả năng của Trung Quốc duy trì sức mạnh quân sự ở các nơi cách xa Trung Quốc vẫn còn hạn chế,” song bản báo cáo nầy ghi nhận rằng: lực lượng vũ trang của Trung Quốc tiếp tục “phát triển và đưa ra những công nghệ quân sự mang tính đột phá” đang làm “thay đổi thế cân bằng quân sự trong vùng này và có những ý định vượt quá vùng châu Á-Thái Bình Dương.” Báo cáo này cũng đánh giá: “Nhiều điều không rõ ràng bao quanh diễn tiến tương lai của Trung Quốc.”

Ông Yuan Peng, giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ thuộc Viện các Quan hệ Quốc tế Đương đại của Trung Quốc ở Bắc Kinh nói rằng: bản báo cáo của Hoa Kỳ “phóng đại sức mạnh quân sự của Trung Quốc” bằng cách đánh giá quá cao khả năng của đất nước này đối với việc hướng sức mạnh đi xa khỏi vùng lãnh thổ của nó. “Sức mạnh quân sự của Trung Quốc vẫn ở cấp độ của một quốc gia đang phát triển. Nó thua xa so với Hoa Kỳ, Nga và thậm chí Nhật Bản và Ấn Độ trong một số ý nghĩa nào đó.”

Theo quan điểm của ông Yuan, mối lo của Mỹ - sau các cú đòn đánh vào tâm lý quốc gia nầy từ những vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng Chín 2001 và tình trạng suy sụp tài chính hiện đang diễn ra - đã vượt quá xa về sự tiến bộ quân sự của Trung Quốc. “Những gì làm cho dân chúng phải lo sợ là không phải với thực chất về lực lượng quân sự của chúng tôi, mà là sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc và kiểu mẫu chính trị của người Trung Quốc,” Ông nói. “Trung Quốc đang lớn dậy rất nhanh chóng, dân số quá đông và hệ thống xã hội quá khác biệt” điều đó làm cho nó kích động tâm lý không yên.

Tuy nhiên, tầm cỡ quá lớn của Trung Quốc - kích cỡ lục địa của nó và dân số quá đông - đã phủ bóng lên châu Á, và việc hiện đại hóa quân đội của nước này đe doạ một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
Nhật Bản, nước phụ thuộc nặng nề vào dầu thô và nguyên liệu từ Trung Đông và Úc, đang lo ngại rằng một ngày nào đó họ có thể sẽ đụng phải một lực lượng hải quân Trung Quốc trên cùng những tuyến đường biển, tuyến đường nuôi dưỡng mức tăng trưởng nhanh chóng cho Trung Quốc.

Một vài chiến lược gia Ấn Độ lo rằng Trung Quốc đang giành được một khả năng phá vỡ hoạt động thương mại trên biển của nước này (Ấn Độ Dương), và đang bao vây Ấn Độ qua những mối liên kết ngoại giao và quân sự với các quốc gia láng giềng từ Myanmar cho tới Pakistan.

Trong số những mối lo lớn nhất đối với Hoa Kỳ là đội tàu ngầm được cải thiện của Trung Quốc, đội tàu nầy có thể gây trì hoãn hoặc cản trở những nhóm hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ trong việc đáp ứng tới một cuộc khủng hoảng bên trong và quanh Đài Loan, quốc đảo mà Bắc Kinh đã thề là sẽ bắt phục tùng sự cai quản của mình, bằng vũ lực nếu thấy cần thiết.

Trung Quốc đang chĩa hơn 1.000 tên lửa về phía Đài Loan nhằm làm nhụt chí bất cứ nỗ lực nào từ các nhà lãnh đạo đảo này muốn thiết lật quyền độc lập chính thức. Trung Quốc cũng đã kiếm được tám chiếc tàu ngầm chạy bằng động cơ dầu cặn (diesel) của Nga, là thứ rất khó bị phát hiện khi lặn xuống đáy biển, và Trung Quốc đang đóng những chiếc tàu ngầm tấn công của riêng họ.

Một số trong những tàu chiến và tàu ngầm mới hơn trong đội tàu của Trung Quốc được trang bị những tên lửa đối-hạm tầm thấp do Nga sản xuất có thể bay với vận tốc siêu âm. Những tên lửa Sizzler này, và một tên lửa đạn đạo đối-hạm đang được phát triển, có vẻ như để nhắm vào việc giúp cho Trung Quốc có khả năng tấn công các hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ, theo các sĩ quan hải quân Mỹ đánh giá. Các hàng không mẫu hạm đã và đang là trụ cột chính của sức mạnh hải quân của Hoa Kỳ trong nhiều thập niên.

Trong lúc Trung Quốc chưa có riêng chiếc hàng không mẫu hạm nào, các quan chức nước này đã bắt đầu nhắc đi nhắc lại công khai về việc họ sẽ bổ sung thêm một chiếc vào đội tàu của riêng mình. Các xưởng đóng tàu của Trung Quốc có vẻ ít có khó khăn trong việc xây dựng một loại tàu sân bay cỡ trung bình mà hầu hết các chuyên gia nghĩ rằng Trung Quốc sẽ cho hạ thủy. Song việc nắm vững các hoạt động của một đơn vị đặc biệt bảo vệ tàu sân bay và những chiếc phi cơ của tàu nầy sẽ cần đến rất nhiều năm, các chuyên gia đánh giá.
Các sĩ quan hải quân Trung Quốc tin rằng lực lượng của họ phải có khả năng mở rộng ra ngoài giới hạn của một chuỗi các hòn đảo quan trọng nhất - chạy từ Nhật Bản ở phía nam và vòng quanh sang phía đông của Đài Loan – Các chuỗi đảo nầy nằm giữa Trung Quốc và một dải rộng của Thái Bình Dương. Để có thể di chuyển những chiến hạm và tàu ngầm vào trong Thái Bình Dương sẽ là điều mang ý nghĩa quan trọng đối với những nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn chặn hoặc làm chậm lại sự tiếp cận của các tàu chiến Hoa Kỳ tới Đài Loan hay đại lục.

Các đội tàu của Trung Quốc đã và đang mở rộng hoạt động ra xa hơn bờ biển của mình. Vào tháng 10 năm ngoái, một đội tàu nhỏ thuộc bốn chiến hạm hải quân Trung Quốc, bao gồm một chiếc khu trục hạm mang tên lửa có điều khiển và hai khu trục hạm loại nhỏ tân tiến nhất của nước này, đã băng ngang qua Eo biển Tsugaru chật hẹp giữa những quần đảo chính của Nhật Bản là Honshu và Hokkaido và tiến vào vùng biển Thái Bình Dương. Người Nhật coi vụ này như là một cuộc biểu dương sức mạnh đang lớn dần của Trung Quốc.

Các tàu ngầm của Trung Quốc cũng đã bị phát hiện một số lần đang sục sạo quanh các vùng biển của Nhật Bản. Năm 2004, một tàu ngầm Trung Quốc lặn ngang qua một eo biển hẹp khác trong một vụ mà người Nhật coi là một sự vi phạm vào luật biển quốc tế. Các quan chức quốc phòng Hoa Kỳ và Nhật Bản diễn dịch hành động này như là một nỗ lực có lẻ nhằm vẽ bản đồ và thu thập tình báo về những tuyến giao thông từ Biển Đông Trung Quốc cho tới Thái Bình Dương.

Căn cứ hải quân mới ở [đảo] Hải Nam, nơi xem ra đủ lớn để cung cấp nơi trú đóng cho các chiến hạm cũng như các tàu ngầm tấn công và mang tên lửa đạn đạo, đem đến cho hải quân Trung Quốc cửa ngõ xâm nhập trực tiếp vào các tuyến đường biển quốc tế có ý nghĩa sống còn. Nó có thể cho phép các tàu ngầm lén lút triển khai vào những vùng biển nước sâu của Biển Đông [Biển Nam Trung Hoa], Ngũ Giác Đài đánh giá.

Các nhà phân tích từ Liên đoàn các Nhà khoa học Mỹ, những người đã nghiên cứu các bức ảnh vệ tinh chụp căn cứ Hải Nam cho biết căn cứ này dường như cũng có một tòa nhà theo kiểu đã được Hải quân Hoa Kỳ sử dụng để khử từ tính của các tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân trước khi chúng được triển khai, nhằm làm cho chúng khó bị phát hiện hơn. Nếu như điều đó là đúng, thì cho thấy mục đích của Trung Quốc sử dụng những tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của mình như là một phần trong hệ thống vũ khí nguyên tử của mình. Cơ quan liên bang cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân từng tiến hành một cuộc tuần tra đơn phương mang tính ngăn chặn.
Bộ Quốc phòng đã từ chối bình luận. Cuốn sách trắng về phòng thủ gần đây nhất nói rằng một trong những nhiệm vụ của hải quân là “khả năng phản công bằng vũ khí hạt nhân.”

Bất chấp cuộc chạy đua hiện đại hóa của Trung Quốc, nhiều điểm yếu kém vẫn còn tồn tại trong kho vũ khí của nước này. Những đánh giá riêng của các sĩ quan quân đội Trung Quốc về các khả năng của họ, chứa đựng trong các nhật ký và trên phương tiện truyền thông quân đội, cho thấy rằng họ đã không đạt được các mục tiêu của mình trong việc có thể chiến đấu và chiến thắng một cuộc chiến tranh cục bộ bằng công nghệ cao.
Những hạn chế này đã được thể hiện một cách đau đớn trong suốt thời gian diễn ra trận động đất vào tháng Năm năm ngoái - một hoạt động diễn ra trong thời bình trên lãnh thổ riêng của Trung Quốc.
Trung Quốc đã huy động hơn 114.000 binh lính để tham gia vào những nỗ lực trợ giúp sau thảm họa.
Thế nhưng căn cứ vào tình trạng thiếu khả năng lập cầu không vận của quân đội, chỉ có một lực lượng nhỏ là có thể tới được khu vực bị động đất tàn phá bằng phi cơ trong ngày đầu tiên hoặc thậm chí sau khi động đất đã nổ ra. Một đơn vị thủy quân lục chiến đã trải qua nhiều ngày lái xe từ căn cứ của họ ở tỉnh Quảng Đông thuộc miền nam. Công việc cứu tế cũng cho thấy tình trạng thiếu thốn phi cơ trực thăng rất nghiêm trọng.

Dai Xu, một đại tá trong lực lượng không quân Trung Quốc, đã nói rằng các cuộc hành quân của quân đội trong trận động đất cho thấy rằng lòng yêu nước và tinh thần can đảm không thể “che đậy được những yếu kém trong khả năng trang bị và công nghệ của quân đội.” Đại tá Dai, viết trong một tập san về quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, cho rằng “một quân đội mà không có khả năng cơ giới hóa đường không thì không thể đủ tiêu chuẩn để nói về tin học hóa,” một cách ám chỉ tới cuộc chiến tranh công nghệ cao.
Theo những ước tính của riêng Ngũ Giác Đài, khả năng hạn chế của Trung Quốc trong việc di chuyển và duy trì các binh lính ra xa ngoài lãnh thổ của mình đã không được cải thiện đáng kể từ năm 2000. Ngũ Giác Đài cũng ước tính rằng bất chấp việc mua sắm thoải mái các trang thiết bị mới, chỉ có 20% hệ thống vũ khí mà không lực Trung Quốc sử dụng là “hiện đại”, cùng với 40% tàu ngầm của hải quân và chừng 30% các loại tàu nổi khác.

Vấn đề nghiêm trọng là Trung Quốc không có kinh nghiệm trong việc giao tranh trong một cuộc chiến hiện đại. Cuộc xung đột quan trọng gần đây của nước này là một cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 với Việt Nam. Mặt khác, quân đội Hoa Kỳ, đã gần như phải dính líu triền miên vào những cuộc xung đột kể từ khi bắt đầu cuộc Chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư năm 1990.
Để bù trừ cho những khiếm khuyết của mình, quân đội Trung Quốc đã đi theo một chiến lược đáng ngạc nhiên và bí mật để làm cho các lực lượng Mỹ không đề phòng. Họ gọi chiến lược này là “chiếc gậy của thích khách,” một ám chỉ tới cây kiếm hoặc chiếc dùi cui được che giấu. Trong phương cách này, giới quân sự tin là, lực lượng quân sự có năng lực thấp về kỹ thuật có thể giành được lợi thế trước một đối phương có trình độ công nghệ cao.
Những hành động lén lút của Trung Quốc càng làm tăng thêm những mối nghi ngờ của Hoa Kỳ. Vụ ngăn chặn chiếc tàu Impeccable đã gợi lại một màn tương tự trong khu vực vào năm 2001 khi một chiếc chiến đấu cơ của Trung Quốc va chạm với một phi cơ do thám EP-3 của Hoa Kỳ. Viên phi công Hoa Kỳ đã cố bảo toàn cho chiếc phi cơ bị hư hỏng của mình để thực hiện một cú hạ cánh xuống [đảo] Hải Nam, nơi phi hành đoàn 24 người của anh ta đã bị giam giữ trong 11 ngày. Chiếc phi cơ của Trung Quốc đã đâm xuống đất làm viên phi công tử nạn. Năm 2007, Trung Quốc đã gây sốc cho toàn thế giới qua việc cho nổ tung một trong những vệ tinh theo dõi thời tiết quá cũ của họ bằng một tên lửa đạn đạo, trút các mảnh vỡ vào trong không gian.

Không lực và Hải quân Hoa Kỳ gần đây đã làm dấy lên nỗi ám ảnh về một nước Trung Quốc tham chiến qua những đề nghị có thêm những chiếc chiến đấu cơ F-22 và các phi cơ ném bom tầm xa, cũng như việc kín đáo sản xuất một thế hệ khu trục hạm mới mang tên lửa có điều khiển, được biết tới với cái tên Zumwalt. Tuy nhiên, vào tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates cho biết ông đã lên kế hoạch dừng các cuộc mua sắm thêm phi cơ F-22 này và chấm dứt chương trình Zumwalt như là một phần của một sự xem xét lại toàn bộ những ưu tiên về vũ khí để định hướng lại quân đội Hoa Kỳ hướng tới việc chiến thắng những cuộc xung đột không theo qui ước như cuộc chiến ở Afghanistan tốt hơn là giao tranh với Trung Quốc, Nga hoặc các cường quốc lớn khác.

Tại Trung Quốc, một lực lượng có tiếng nói trọng lượng trong công chúng đang gây sức ép đòi có một lực lượng quân sự quả quyết hơn. Bai Jieming, người điều hành một cửa hàng ở thành phố cảng miền nam Shenzhen chuyên bán các kiểu mẫu tàu chiến Trung Quốc, nói rằng những bản sao của một trong những khu trục hạm đã được gửi đi từ tháng 12 để tuần tra chống cướp biển trên Vịnh Aden, loại “168″, đã được bán hết. Ông ta nói rằng người dân Trung Quốc ước ao có một khu trục hạm. “Tôi thậm chí còn muốn quyên cúng tiền để giúp đóng chiến hạm,” ông Bai nói.

Vụ tàu Impeccable đã làm bùng lên những nỗi lo sợ về những rủi ro từ việc tính toán sai lầm. Năm 2007, một chiếc tàu ngầm Trung Quốc đã nổi lên khỏi mặt nước trong phạm vi tầm bắn của chiếc hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ Kitty Hawk trong thời gian cuộc diễn tập đang diễn ra gần Philippines. Viên chỉ huy vào thời điểm đó trên Thái Bình Dương, Đô đốc William Fallon, cho biết biến cố nầy có thể “leo thang trở thành một điều gì đó không thể tiên đoán trước.”

Thêm vào những mối nguy hiểm, theo như lời một quan chức Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, là những đường dây liên lạc không rõ ràng giữa quân đội Trung Quốc và các bộ phận khác của chính phủ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tỏ ra “ngạc nhiên, sốc và bối rối” trước những phản đối kịch liệt từ Hoa Kỳ và các quốc gia khác, như Nga, sau khi quân đội của Trung Quốc bắn hạ chiếc vệ tinh thời tiết, ông nói. Điều này có thể tránh được nếu như họ nhận được lời khuyên tốt hơn từ các nguồn phi quân sự.”Có một quá trình học hỏi để trở thành một cường quốc,” ông nói.

Trung Quốc đã gửi đi những tín hiệu mâu thuẫn về tham vọng của mình đối với quyền lực và ảnh hưởng trên thế giới. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, và thúc bách để có tiếng nói có trọng lượng hơn tại các cơ quan tài chính quốc tế để phù hợp với tình trạng của mình, song họ lại liên tục làm cho người ta nhớ lại rằng về mặt thu nhập bình quân đầu người, Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang phát triển và tương đối nghèo. Phần lớn trong chi tiêu quân sự của Trung Quốc, bao gồm những chi phí cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, đã không xuất hiện trong các số liệu chính thức của chi tiêu quốc phòng.

Những định giá vừa qua đã không coi Trung Quốc như là một siêu cường điện tử. Trung Quốc có thể đem khả năng thành thạo về điện tử của mình phát triển những chiếc máy tính chạy nhanh chưa từng thấy và những trang thiết bị liên lạc tốc độ cao cho những người tiêu dùng Mỹ thành những loại vũ khí trên không gian ảo. Thậm chí vì vậy, sẽ vẫn còn một thời gian dài trước khi Trung Quốc trở thành một lực lượng quân sự ghê gớm có lẽ có ý nghĩa nào đó mà một số người ở Hoa Kỳ có thể chứng kiến.

Hiệu đính:
Trần Hoàng
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2009
Đăng bởi hoangtran204 on 30/04/2009
http://anhbasam.wordpress.com/2009/04/30/146-trung-qu%e1%bb%91c-b%e1%ba%a1n-hay-thu/

* Mời đọc thêm các bài:
Những bí mật của Hải quân Trung Quốc (tr.248/basam.tk); Bên trong Màu xanh thẳm Bao la (tr.294/basam.tk)

——————

THE WALL STREET JOURNAL
China, Friend or Foe?
By ANDREW BROWNE and GORDON FAIRCLOUGH
APRIL 18, 2009
http://online.wsj.com/article/SB124001124687130799.html#mod=rss_asia_whats_news

TRUNG QUỐC Ở MIẾN ĐIỆN (1990-2009)

Trung Quốc đã và đang làm gì ở Miến Điện từ 1990 đến nay
Trần Hoàng
30-4-2009
http://anhbasam.wordpress.com/2009/04/30/146tq-%e1%bb%9f-mi%e1%ba%bfn-di%e1%bb%87n/
Miến Điện được độc lập khỏi tay Anh Quốc năm 1948.
Khi Mao Trạch Đông chiếm được Trung Hoa năm 1949, nhiều người Trung Hoa Quốc gia đã chạy sang Miến Điện. Chính phủ mới độc lập của Miến Điện đã đánh đuổi người của phe Tưởng Giới Thạch chạy ra Đài Loan. Một số người đã chịu đựng và ở lại Miến Điện
Ne Win lên làm thủ tướng từ 1958. Năm 1962, Ne Win tuyên bố “Tiến lên chủ nghĩa xã hội theo kiểu Miến Điện” và kiêm nhiệm luôn hai chức vụ, chủ tịch nước và thủ tướng.

Trong các năm tiếp theo, 1967-1972, Ne Win đã cấm việc giáo dục bằng tiếng Trung Hoa trong các trường học, rồi quốc hữu hóa các trường học, quốc hữu hóa các công ty của người Hoa, và tìm cách đuổi 100.000 người Hoa về nước. Những năm sau đó, ông Ne Win đã thất bại trong việc xây dựng nền kinh tế trong suốt thời gian ông cầm quyền cho đến 1988.

Dân chúng bị đói khổ và hàng trăm ngàn người Miến Điện đã bỏ xứ đi lánh nạn trong các nước khác.
Vì thất bại về mặt kinh tế và bị dân chúng biểu tình khắp nơi, Ne Win từ chức năm 1988.

Tướng
Saw Maung đã đảo chính và tước tất cả niềm hy vọng của phe dân chủ vào năm 1988 và thi hành độc tài quân phiệt cho đến khi ông ta đột ngột từ chức vì lý do bệnh hoạn vào năm 1992 và chết vào năm 1997.
Sau khi lên cầm chính quyền vào năm 1992, tướng Than Shwe và các tướng lãnh khác đã thi hành các chính sách rất dã man với dân chúng của họ giống như dưới thời tướng Saw maung. Tất cả những ai lên tiếng chỉ trích chính phủ đều bị bỏ tù và giết chết. Chính phủ Miến cấm quyền tự do ngôn luận, và tất cả các đài phát thanh, truyền hình, báo chí đều nằm trong tay của chính phủ Miến. Tất cả các ký giả Miến đều lãnh lương của chính phủ.

Bị các nước Tây Phương và Mỹ cấm vận xa lánh, Miến rơi vào túng quẫn và nền kinh tế đi xuống. Để duy trì chế độ quân phiệt và cũng để trả ơn về sự giúp đỡ của Trung Quốc đã viện trợ vũ khí và xúi dục dân chúng chống lại Ne Win,Tướng
Saw Maung và tướng Than Shwe đã ký các hợp đồng bán các khu rừng ở Miến Điện, các mỏ khoáng sản, và nguyên liệu cho các công ty quốc doanh Trung Quốc vào những năm 1990. Quốc hội của Miến Điện chỉ là bù nhìn vì các đại biểu cũng là các con cái anh em giòng họ và các người lên tiếng hổ trợ chính quyền Than Shwe và trong đảng phái của họ.

Các nhân vật cao cấp trong nội các và chính phủ Miến điện là các tướng lãnh quân phiệt. Họ chia nhau hợp đồng của các doanh nghiệp Trung Quốc, lấy tiền, ăn chơi phung phí không bút nào tả xiết. Nhờ tiền ăn chia với các doanh nghiệp người Trung Quốc, các tướng lãnh của Ne Win và giới cầm quyền gởi con cái qua du học nước ngoài. Nhóm tướng lãnh cầm quyền suốt hơn 20 năm qua đã cai trị đất nước một cách độc tài và khổ còn hơn dưới thời Ne Win.

Năm 2006, Bắc Kinh khuyến dụ chính phủ Miến điện dời thủ đô vào sâu trong đất liền, và lên phía bắc “để tránh sự tấn công của bọn phản động và các thế lực thù địch từ bờ biển đổ bộ vào”. Chính phủ Miến Điện đã tin lời ấy và dời đô.

Trung Quốc liền bỏ tiền ra đầu tư xây dựng thủ đô mới cho Miến Điện. Đường sá, cầu cống, dinh thự đều do các doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu làm cho Miến Điện. Đổi lại, Trung Quốc nhúng tay ngày càng sâu vào các hoạt đông chính trị và kinh tế của Miến Điện. Trong 15 năm qua, Trung Quốc đã làm chủ hầu hết các mỏ khoáng sản của Miến Điện, và trúng hết hợp đồng các nhà máy hóa chất, xi măng, luyện kim của Miến Điện.

Nhờ mua chuộc hết các cấp của chính phủ Miến điện, từ 1990 đến nay, Trung Quốc đã cho di dân vào Miến Điện khoảng hơn 500.000 người, so với tổng dân số Miến Điện là 4.100.000 ngàn người. Người Miến Điện gốc Trung Hoa đã từng hiện diện ở đây từ trước 1960 và có dân số khoảng 1.6 triệu người. Ngôn ngữ chính là Miến Điện và những người có học cao thường nói được cả Anh Ngữ và tiếng Mandarin (quốc ngữ chính của Trung Quốc và Đài Loan).

Chính quyền Miến Điện không để ý gì đến đời sống của đại bộ phận dân chúng Miến Điện. Dân Miến sống mấy chục năm qua trong đói khổ, bệnh sốt rét, bệnh AIDS. Tệ nạn đĩ điếm khắp nước vì dân chúng quá nghèo. Quán karaoke nổi lên khắp nơi để phục vụ các du khách Trung Quốc và những du khách ấu dâm ngoại quốc. Hiện có 1200 nhân viên của
tổ chức Y Sĩ không Biên Giới đang chăm sóc sức khỏe cho dân chúng Miến Điện bị bệnh lao, sốt rét, SIDA và bị thiên tai (hàng năm).

Các nhà lãnh đạo chính phủ, các tướng lãnh và những người giàu có ở Miến Điện đều đi khám và chữa bệnh tại Singapore và Thái Lan. Trong khi đó, dân chúng Miến phải trả tiền cho việc điều trị bệnh ở trong nước cũng rất đắt. Trung bình 10 ngày nằm bệnh viện thì họ phải trả khoảng 2300 Mỹ kim.
Hàng năm, Miến điện đều chịu các thiên tai như bão, lụt, mất mùa…cứu trợ của quốc tế lại là một dịp để cho giới chức chính phủ tham nhũng tiền và vật phẩm cứu trợ.

Nguồn tham khảo:
1.http://en.wikipedia.org/wiki/Burma
2.http://en.wikipedia.org/wiki/Saw_Maung
3./http://en.wikipedia.org/wiki/Yangon

Lời Bình:

Đọc lịch sử của Miến Điện mà thấy quen quen quá. Nếu làm một bài toán trừ, trong ấy lấy hai chữ Miến Điện và trừ đi vụ các nhà dân chủ Miến Điện biểu tình vào ngày 8 tháng 8 năm 1988 và cuộc bầu cử vào năm 1990 của bà
Aung San Suu Kyi thì ta thấy bằng chữ Cọng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

_Chính trị: chính phủ Miến Điện lệ thuộc vào Trung Quốc và bán hết tài nguyên khoáng sản cho Trung Quốc từ 1992 cho đến nay.
_Sự di dân của người TQ vào Miến Điện trên 500.000 người chiếm hơn 10% dân số trong 17 năm qua.
_Biên giới và Lãnh hải: Trung Quốc chiếm hết vùng đất biên giới của Miên Điện mà không gặp nhiều trở ngại.Trung quốc có kế hoạch thông ra Ấn Độ Dương bằng xâm chiếm Miến Điện dần dần.
_Y tế của Miến Điện giống hệt ở Việt Nam. Giới nhà giàu và các viên chức chính phủ đều khám bệnh và chữa trị tại Singapore và Thái Lan.
_Giáo dục: con cái của các viên chức chính phủ, các tướng lãnh và của giới nhà giàu đều đi du học ở các nước ngoài.Nên giáo dục ở trong nước bị chính quyền kềm chặt chẻ. Đảng cầm quyền hiện diện trong các trường học.
_Công Nghiệp: Các doanh nghiệp của Trung Quốc nắm hết nền công nghệ của Miến Điện. TQ xây dựng các nhà máy Hóa Chất, xi măng, và trúng thầu hầu hết các công trình đường sá và cầu cống của Miến Điện.
_Quốc hội của Miến Điện chỉ là bù nhìn. Các đại biểu lo sợ và tuân theo tất cả những gì nhóm tướng lãnh cầm quyền ra lệnh. Không có đảng đối lập trong quốc hội và trong cả nước.


GIỚI THIỆU TẬP THƠ "THUYỀN NHÂN KHÚC CHO BA"

Tháng Tư đọc “X-X1: Thuyền Nhân Khúc Cho Ba”
Vũ Ðình Trọng/Người Việt
Wednesday, April 29, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=94161&z=191
Nếu không có biến cố 30 Tháng Tư, 1975 thì sẽ không có những người chết trên Biển Ðông, hay dọc đường biên giới với những nấm mộ lạnh lẽo, uất hận ngàn năm.
Và sẽ không có những người vợ một mình vượt cạn trên vùng kinh tế mới khi người chồng đang lầm lũi trong trại cải tạo. Sẽ không có những đứa trẻ sinh ra không cha bên cạnh, và sẽ không có những ước mơ vỡ vụn của tuổi mới lớn...
Cái “được” duy nhất của những đứa trẻ này, có lẽ là sự trải nghiệm trong nỗi xót xa, cay đắng khi bị những ánh mắt cay độc xói nhìn.

Trangđài Trầnguyễn
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/94161-medium_NVHN-090429-Trangdai-01.jpg

Bìa tập thơ “Song For A Boat Father - Thuyền Nhân Khúc Cho Ba” của Trangđài Trầnguyễn.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/94161-medium_NVHN-090429-Trangdai-02.jpg

Ðọc “X-X1: Thuyền Nhân Khúc Cho Ba” của Trangđài Trần Nguyễn, độc giả không chỉ nhìn thấy một bức tranh riêng của cô. Cô đã vẽ được một bức tranh chung với những gam xám xịt của những đứa trẻ sinh ra ngay trong lúc lịch sử sang trang, một trang sử u tối. Trangđài tâm sự:
“Ba là một hình ảnh xa xôi trong tâm thức khi Trangđài lớn lên. Có một tấm ảnh mẹ đưa Trangđài đi chụp khi còn tí tẹo, mắt mở tròn to ngơ ngác. Phía sau, mẹ có ghi, 'Trần Ngọc Trang Ðài, bốn tháng mong ba.' Ðôi khi, Trangđài cũng thắc mắc, không biết những đứa trẻ được sinh ra mà ba vắng nhà, thì họ có những suy tư tâm tình nào về một người cha vắng bóng.”
Có lẽ, cô không được cảm giác vỡ òa niềm vui khi lần đầu tiên được gặp ba lúc ông ra khỏi nhà tù, bởi từ nhà tù nhỏ, ông bước ra nhà tù lớn với lệnh quản thúc tại nhà và buộc phải lao động khổ công cho chính quyền sở tại trước khi bị đe dọa phải cải tạo lại.

Nhớ lại quãng thời gian ngắn ngủi sống với ba, cô viết:
sau mấy năm trời cải tạo
Ba được về ở nhà, ở với tụi con
tuy phải đào mương, gánh đất, làm đường
lao động khổ công cho chính quyền, nhà nước
những câu chuyện ngàn lẻ một đêm Ba kể hoài hổng hết
nhưng Ba không may như hoàng hậu trong truyện
vẫn bị đe dọa án tử hình
khi chính quyền báo rằng, Ba phải cải tạo them
và điểm báo những ngày không còn Ba nữa
Ba bắt đầu phải trốn chui, Ba phải trốn nhủi
giả dạng, canh chừng, canh cánh sợ công an
Ba phải ra đi, Ba dứt ruột bỏ quê mình
dẫu 75 Ba không chịu lên máy bay
dẫu sau khi cải tạo Ba không màng vượt biển
(Trích “những ngày có Ba - days with Daddy”)

“Sau mười ba lần trầy vi tróc vẩy, Ba đã đi thoát và đến trại tỵ nạn ở Phi Luật Tân. Ba ở trại, vẫn gửi hình và viết thư cho gia đình. Ba vẫn dặn dò giáo dục các con qua những bức thư xa. Cuối cùng thì ba cũng đến Mỹ, và mãi đến khi Trangđài đã thành thiếu nữ thì mới được gặp lại ba ở Westminster, California.”
Ba Trangđài phải vượt biên mười ba lần mới thoát. Riêng cô, và tôi chắc không ít bạn bè cùng cảnh ngộ với cô đã cùng cha “vượt biển” từng ngày ngay trên đất liền:
con đi học
bạn bè tránh xa, xì sầm:
“Ba nó Mỹ Ngụy
vượt biên, phản quốc”
tụi nó liếc xéo
rỉ tai nhau những lời cay độc
vài đứa bạn cùng lớp
thỉnh thoảng lại nghỉ học cả tháng
khi đi học lại, đầu bị cạo nhẵn láng
vì đi vượt biên không thành
ở tù mấy tuần mới được tha
...
con vượt biển cùng Ba
trên mặt đất
má sóng lòng vỗ thấu
tiếng ngàn khơi
(trích “vượt biển trên đất liền, những năm học cấp hai - sea escapes on land, junior high years”)

Những lá thư từ trại tị nạn, hay những món quà của người cha gởi về từ Mỹ có lẽ là những kỷ niệm không thể quên. Sợi dây nối kết tình cha con vẫn luôn là người mẹ. Trangđài kể:
“Tuy ba không có mặt trong thời gian Trangđài khôn lớn, nhưng lúc nào mẹ cũng nhắc nhở các con về ba, thúc giục các con viết thư cho ba. Và những lần ba gửi đồ về, mẹ luôn để dành tất cả những gì ngon nhất cho các con thưởng thức - thay vì đem bán giá cao lấy tiền.”

mùa tựu trường lớp Ba
ở quê hương
cả nhà
nhận được quà
Ba gửi lần đầu tiên từ Mỹ
mọi thứ mang một mùi thơm rất lạ
như thực trạng
vẫn còn quá ngỡ ngàng, rằng
Ba đang ở thật xa
con nhớ mang máng
Ba kể nhận được số tiền X đô la
từ chính phủ
rồi Ba ra bưu điện, hỏi giá gửi đồ về Việt Nam
biết cước phí tốn đâu chừng X1
Ba đã đi mua đúng (X-X1) tiền quà
để gửi về
cho vợ cho con
...
quê mình nghèo, nên áo vừa chật
là đã có người xin, tuy nó đã bạc, sờn
áo lạnh hồng
chắc ấm thân đứa trẻ khác
vẫn ấm lòng con
khi trở gió, thay mùa
(trích “áo lạnh hồng - the pink sweater”)

Có những câu thơ rất thật, thật như cuộc đời, thật như những gì Trangđài và gia đình đã trải qua trong những ngày vắng bóng người cha thân yêu. Những điều thật đó, cô không dám kể cho ba nghe trong những lá thư gởi đến Mỹ. Ðọc để thấy rằng, trong cái xót xa của cô chính là cái xót xa của những người vợ tù cải tạo:

thơ cho Ba
cũng có điều con không kể
những bữa trời mưa nước ngập đến mất chân
nỗi uất giận như tâm can bị dần
khi Mẹ phải tiền “dân” cho tổ trưởng
cái ấm ức
khi những người đàn ông vô liêm sỉ
tới tán tỉnh Mẹ, dù biết rõ chẳng được gì
cái thắt ruột
khi Mẹ đi giữa trời dông gió bão
phơi mình ngoài trời
kiếm cá, kiếm rau
(trích “viết thơ cho Ba - letter for Dad”)
...

“X-X1: Thuyền Nhân Khúc Cho Ba” là một tập thơ song ngữ được Trangđài viết riêng tặng cha, nhưng hình ảnh của người mẹ lại hiện diện rất rõ. Ðiều đơn giản vì mẹ cô đã đóng thêm vai trò người cha trong suốt hai mươi năm đầu đời của Trangđài, trước khi được gặp ba trên đất Mỹ.
Trangđài cho biết, những bài thơ trong tuyển tập này được viết từ năm 2002 đến 2003, tám năm sau khi gia đình cô đoàn tụ tại Mỹ. Cô nói:
“Trong suốt tám năm ấy, tôi đáp lại tiếng gọi thúc bách từ đáy lòng để viết về tình mẹ. Tôi đã mất, và cần từng ấy năm để thấu hiểu kinh nghiệm lớn lên không cha ở Việt Nam, để cảm nhận mối quan hệ phụ tử trong khung cảnh gia đình. Truy gọi ‘Cha tôi, thuyền nhân’ giúp chúng ta thông cảm với cái kinh hoàng của đại dương và chia sớt cái bi kịch của đất liền.”

Với tên tập thơ “X-X1: Thuyền Nhân Khúc Cho Ba”, người đọc như nhìn thấy một mệnh đề toán học. Tìm ra ý nghĩa của X-X1, chính là tìm được cái vuông tròn của tình gia đình gắn bó. Tuyển tập thơ như một dấu nối để những thế hệ người Việt di dân và sinh trưởng tại Hoa Kỳ hiểu nhau hơn trong tâm thức tìm về nguồn cội.
Hân hạnh giới thiệu cùng quý độc giả.

Quý độc giả quan tâm đến tác phẩm “X-X1: Thuyền Nhân Khúc cho Ba,” xin liên lạc về:
Trangđài Trầnguyễn
9334 #H Redwood Dr., La Jolla CA 92037.
Email:
vietamproj@gmail.com.
Ấn phí: $15.
Bưu phí: $3.


NGƯỜI DI TẢN 1975 TRỞ LẠI THĂM HÀNG KHÔNG MẪU HẠM USS MIDWAY

Hai vợ chồng nhà báo Nguyễn Tú A thăm con tàu cứu mình 34 năm trước
Ðỗ Dzũng/Người Việt
Wednesday, April 29, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=94159&z=1
Hôm 28 Tháng Tư vừa qua chắc không phải là lần đầu tiên nhà báo Nguyễn Tú A khóc.
Nhưng có lẽ, đây là lần đầu tiên ông khóc sau 34 năm.
Mà lại khóc nức nở như đứa con nít.
Chỗ ông đứng khóc là nơi ông và vợ và con gái từng ở trong ba ngày sau khi được di tản ra khỏi Việt Nam lúc cuộc chiến Ðông Dương kết thúc hồi năm 1975.
Ðó là hàng không mẫu hạm USS Midway, từng cứu hơn 3,000 người Việt Nam tị nạn trong hai ngày 29 và 30 Tháng Tư, 1975, trong đó có gia đình ông Nguyễn Tú A.
Ðứng bên cạnh ông trên hàng không mẫu hạm thứ 41 của Hoa Kỳ là nhà báo Kiều Loan, người bạn đời của ông.
Lúc đó, hai người mang theo cô con gái ba tuổi Minh Thơ. Riêng nhà báo Kiều Loan có bầu ba tháng cô con gái Hoài Hương, nay là một luật sư.

Hai vợ chồng nhà báo Nguyễn Tú A và Kiều Loan với tấm hình con gái Minh Thơ. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/94159-medium_NVHN-090429-Midway%201.JPG

Hai vợ chồng nhà báo Nguyễn Tú A và Kiều Loan ẵm con gái 3 tuổi Minh Thơ (bìa phải) vừa đáp xuống USS Midway ngày 29 Tháng Tư, 1975. (Hình: US Navy Photos)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/94159-medium_NVHN-090429-Midway%202.jpg

Ông Vern Jumper (giữa) chỉ cho hai nhà báo Nguyễn Tú A và Kiều Loan những tấm hình trong chiến dịch Operation Frequent Wind. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/94159-medium_NVHN-090429-Midway%204.JPG

Gặp lại ân nhân
Ðứng bên cạnh hai vợ chồng nhà báo này sau 34 năm là ông Vern Jumper, giờ đã 77 tuổi, Air Boss của USS Midway trong thời gian tham gia chiến dịch Operation Frequent Wind, ngoài khơi Việt Nam, bắt đầu từ ngày 19 Tháng Tư, 1975, để cứu những người tị nạn.
Air Boss là người ngồi trên đài kiểm soát không lưu trên hàng không mẫu hạm và chỉ huy máy bay lên xuống.
Trong lúc vợ nắm chặt tay ân nhân Vern Jumper, nhà báo Nguyễn Tú A vừa khóc vừa nói: “Tôi không ngờ mình được trở lại USS Midway sau 34 năm. Lúc đó, chỉ biết đưa vợ con đi thôi, không biết sống chết thế nào. Lên được tàu mà lo lắng vô cùng. Trong bữa ăn đầu tiên, tôi được một quả táo, rất quý, vì thứ này lúc đó ở Việt Nam rất đắt. Không ngờ mình đến được bến bờ tự do hơn 30 năm, may mắn hơn rất nhiều người.”
“Thật là cảm động và tuyệt vời được nhìn lại con tàu sau 34 năm,” nhà báo này nói tiếp.
“Lúc đó, chúng tôi chẳng biết đi đâu nữa. Sau khi được máy bay đưa lên tàu, chúng tôi ở đây ba ngày rồi được chuyển sang tàu khác đi đảo Guam. Ba ngày sống trên tàu là ba ngày sung sướng nhất. Chúng tôi được USS Midway tiếp đón rất tử tế,” nhà báo Kiều Loan chia sẻ.
Nhà báo Nguyễn Tú A nói tiếp: “Ngoại trừ ông Nguyễn Cao Kỳ được đưa lên sống ở phòng thuyền trưởng, còn lại tất cả đều được tiếp đón như nhau, cho dù là tướng hay tá.”
Nhà báo Kiều Loan tiếp: “Tôi từng đi qua Mexico nhiều lần, ngang qua San Diego, nhưng không biết USS Midway đậu ở đây. Hôm nay là lần đầu tiên tôi bước lên tàu sau 34 năm. Thật là cảm động.”
“Ðối với tôi, mọi việc cứ như là mới xảy ra hôm qua,” ông Vern Jumper nhớ lại. “Các phi công trực thăng QLVNCH lúc đó chẳng biết phải làm gì vì chưa bao giờ họ đáp xuống hàng không mẫu hạm. Họ phải can đảm lắm mới đáp xuống an toàn.”

Hoàn thành sứ mạng

“Phải nói là chúng ta rất may mắn và được Thượng Ðế che chở. Không có chiếc máy bay nào bị rớt trong lúc đáp xuống USS Midway. Không ai thiệt mạng. Lúc đó, USS Midway không có hàng rào xung quanh như bây giờ. Con nít chạy khắp nơi, nhưng không ai rớt xuống biển,” ông Jumper kể tiếp.
Trong hai ngày, hơn 3,000 người “đáp” xuống USS Midway và ở đó suốt ba ngày cùng với khoảng 4,500 thủy thủ. Nhưng không có một sự việc nào đáng tiếc xảy ra.
Ông Vern Jumper kể: “Chúng tôi để một số gia đình ngủ dưới các máy bay. Một số khác có trẻ em thì được các thủy thủ nhường phòng để ở. Mọi chuyện diễn tiến tốt đẹp mặc dù không thoải mái lắm. USS Midway chỉ đủ chỗ cho 4,500 thủy thủ mà lại nhận thêm 3,000 người là một việc chưa từng xảy ra.”
“Khi vừa đám xuống tàu, tất cả chúng tôi đều bị lục soát, ai có vũ khí đều bị tước hết. Vì thế, trên tàu rất an ninh,” nhà báo Nguyễn Tú A kể thêm.
Tuy mừng vì được trở lại thăm USS Midway, nhà báo Nguyễn Tú A cũng cảm thấy buồn nhớ lại tình cảnh 34 năm trước.
Ông kể: “Hôm đó, tôi đang ngồi tại tòa soạn hãng thông tấn AP trên đường Lê Lợi, nghe đài phát thanh phát bài 'White Christmas,' rồi thấy nhiều người Mỹ đứng lên. Tôi đi theo họ ra sắp hàng tại góc đường Tự Do và Lê Thánh Tôn. Chúng tôi được đưa đến một tòa nhà khác, chờ trực thăng bốc ra hàng không mẫu hạm Midway, thuộc Hạm Ðội 7, lúc đó đang đậu ngoài khơi Việt Nam. Trên đường đi, tôi cảm thấy rất buồn. Khi lên tàu, thấy một ông tướng cầm tô đi xin cháo, một ông tướng khác ngồi cắt những ngôi sao trên cổ áo mình.”
Sau đó, ông Jumper dẫn mọi người đến một chiếc trực thăng UH-1 Huey, loại thường dùng trong cuộc chiến Việt Nam, và kể: “Có nhiều điều lạ mà cho đến giờ tôi không hiểu nổi. Có một chiếc trực thăng sau khi đáp xuống, chúng tôi ra đếm có tất cả 52 người, đa số là trẻ em. Trực thăng này thường chỉ chở được từ 10 đến 12 người với quân trang quân dụng. Có thể lúc đó cha mẹ của các em quá tuyệt vọng, cứ nhét đại con mình vào. Tôi không hiểu sao phi công có thể cất cánh lên nổi, bay cả trăm dặm và đáp xuống an toàn. Tôi nghĩ, Thượng Ðế đã che chở họ.”
Ðứng trên đài kiểm soát không lưu, ông Jumper hào hứng kể: “Hầu hết các phi công lúc đó đều không có radio để liên lạc với chúng tôi. Các thủy thủ của tôi dùng tay ra hiệu để điều khiển họ xuống. Vậy mà tất cả đều đáp xuống an toàn.”
“Hôm 30 Tháng Tư, tôi còn nhớ rõ, lúc đó là 3 giờ sáng, có một chiếc trực thăng vừa đáp xuống, chong chóng vẫn còn quay, chưa kịp bỏ người xuống. Trong khi đó, một chiếc khác muốn xuống, nhưng không có chỗ và chỉ còn đủ xăng bay năm phút. Thế là chúng tôi hỏi chiếc vừa đáp xuống và được biết có đủ xăng bay thêm 20 phút. Chúng tôi ra lệnh cho chiếc này bay lên lại để có chỗ cho chiếc kia xuống. Sau khi bốc người xong, chiếc trực thăng này bị đẩy xuống biển để chiếc kia có chỗ xuống,” ông Jumper kể tiếp.
Ðể làm công việc di tản hơn 3,000 người, USS Midway phải bỏ lại 50% số lượng máy bay tại căn cứ hải quân Subic Bay, Philippines, chạy qua Thái Lan, bỏ bớt thêm 10 chiếc trực thăng loại lớn, CH-53 Sea Stallion, để có chỗ đáp máy bay.

Trong chuyến cứu người này, tàu Midway đã ghi nhận một sự kiện lịch sử.
Ðó là công việc chuẩn bị cho một chiếc máy bay Cessna O-1 Bird Dog hai ghế ngồi, do Thiếu Tá Lý Bửng thuộc không quân QLVNCH lái, chở một vợ và năm người con, đáp xuống ngày 29 Tháng Tư, 1975 trong lúc trời mưa.
Từ đảo Côn Sơn, Thiếu Tá Bửng chở gia đình trực chỉ Hạm Ðội 7, thấy USS Midway, nhưng không thể đáp xuống được vì đầy những chiếc trực thăng vừa chở người ở Saigon ra.
Thiếu Tá Bửng, nay đang sống tại Orlando, Florida, kể: “Từ trên cao thấy không còn một chỗ trống để đáp. Tôi lại không có headset để liên lạc bằng radio với họ, vì lúc di tản, gặp chiếc máy bay nào bay được là đưa vợ con lên thôi, đâu có thời gian để ý chuyện khác.”
Sau khi bay vài vòng phía trên Midway, Thiếu Tá Bửng quyết định viết một miếng giấy thả xuống tàu xin cho đáp.
Ban đầu, ông cột miếng giấy vào một con dao, quăng xuống, nhưng gió đưa con dao xuống biển.
Lần thứ nhì, ông cột miếng giấy vào một chiếc giầy, cũng rớt xuống biển.
Lần thứ ba, ông dùng chùm chìa khóa, cũng không thành công.
“Cuối cùng, tôi cột miếng giấy vào khẩu súng P 38 của mình và may mắn là nó rớt ngay trên tàu,” ông Bửng kể.
Trong miếng giấy, Thiếu Tá Bửng ghi: “Nếu quý vị đưa được những chiếc trực thăng qua một bên, tôi có thể đáp xuống đường phi đạo được. Tôi có thể bay thêm một giờ nữa để quý vị có đủ thời gian. Làm ơn cứu chúng tôi, Thiếu Tá Lý Bửng, vợ và năm con.”
Hạm Trưởng Lawrence Chambers quyết định phải cứu gia đình Thiếu Tá Bửng, nhưng không biết làm thế nào dọn chỗ để chiếc máy bay Cessna O-1 Bird Dog đáp xuống.
Sau đó, ông quyết định đẩy bớt một số máy bay trực thăng UH-1 Huey xuống biển.
Cuối cùng, chiếc máy bay chở Thiếu Tá Bửng và gia đình đáp xuống Midway an toàn trong tiếng reo hò của mọi người.
Thiếu Tá Lý Bửng hồi tưởng: “Khi đáp xuống được Midway tôi cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng. Tôi biết tôi và vợ con tôi sẽ được sống, dù sau đó con tàu có đi tới đâu thì đi.”
Ông Vern Jumper cho biết: “Hiện nay, chiếc máy bay Cessna này đang được trưng bày tại Viện Bảo Tàng Hải Quân Pensacola, Florida.”

USS Midway, hàng không mẫu hạm lịch sử
Theo ông Jim Eckel, phụ trách quảng cáo của viện bảo tàng, “sau 47 năm hoạt động, USS Midway là tàu chiến phục vụ lâu nhất trong thế kỷ 20 của hải quân Hoa Kỳ.”
Midway là hàng không mẫu hạm thứ 41 của Hoa Kỳ, do công ty Newport News Shipbuilding, Virginia, bắt đầu chế tạo ngày 27 Tháng Mười, 1943, hạ thủy ngày 20 Tháng Ba, 1945 và chính thức đi vào hoạt động ngày 10 Tháng Chín, 1945 dưới sự chỉ huy của Thuyền Trưởng Joseph Bolger.
Lúc đó, hàng không mẫu hạm này thuộc Hạm Ðội Ðại Tây Dương của hải quân Hoa Kỳ và neo tại cảng quân sự Norfolk, Virginia.
Ngày 29 Tháng Mười, 1947, hàng không mẫu hạm Midway được điều qua Hạm Ðội 6 và bắt đầu ra khơi hoạt động tại vùng biển Ðịa Trung Hải.
Năm 1958, hàng không mẫu hạm này được điều sang Hạm Ðội 7 và bắt đầu hoạt động tại biển Ðông, Châu Á.
Năm 1962, tàu được điều đến hoạt động tại vùng phía Bắc biển Ðông, yểm trợ công tác phòng thủ cho Nhật, Nam Hàn, đảo Okinawa, Ðài Loan và Philippines.
Bắt đầu từ năm 1965, công việc của hàng không mẫu hạm Midway là hỗ trợ các cuộc hành quân trong cuộc chiến Việt Nam.
Một năm sau, hàng không mẫu hạm này được điều về cảng San Francisco để hiện đại hóa, nới rộng bề mặt từ 2.8 acre thành 4 acre và tăng trọng tải chuyên chở lên đến gần gấp đôi.
Ngày 31 Tháng Giêng, 1970, Midway ra khơi hoạt động trở lại và được điều về vùng biển ngoài khơi Việt Nam ngày 18 Tháng Năm, 1971.
Ngày 5 Tháng Mười, 1973, hàng không mẫu hạm thứ 41 này của Hoa Kỳ lại được điều về neo tại căn cứ quân sự Yokosuda, Nhật.
Ngày 19 Tháng Tư, 1975, cùng với bốn hàng không mẫu hạm Coral Sea, Hancock, Enterprise và Okinawa, Midway được điều đến vùng biển ngoài khơi Việt Nam sau khi quân đội Bắc Việt đã chiếm mất hai phần ba miền Nam Việt Nam.
Mười ngày sau, Midway tham gia chiến dịch Operation Frequent Wind của Hạm Ðội 7 để đón những người Mỹ và Việt Nam di tản khỏi Saigon.
Trước khi ngưng hoạt động, Midway còn tham gia chiến dịch Operation Desert Storm tại Vịnh Persian năm 1991 trước khi chính thức ngưng hoạt động năm 1992.
Năm 2004, sau nhiều nỗ lực của doanh gia Alan Uke, hàng không mẫu hạm này trở thành viện bảo tàng Midway Museum và được kéo về đậu tại cảng San Diego, California, tại số 910 North Harbor Drive, San Diego, CA 92101, trong US Naval Reservation, để du khách đến thăm.
Theo ông Scott McGaugh, hiện là giám đốc tiếp thị của Midway Museum và là tác giả cuốn “Midway Magic,” trung bình mỗi năm, Midway Museum đón 850,000 du khách.
Ông cho biết thêm: “Vào năm tới, chúng tôi sẽ kỷ niệm 35 năm USS Midway cứu hơn 3,000 người Việt Nam. Chúng tôi muốn mời tất cả mọi người về tham dự. Chúng tôi sẽ làm một mô hình của chiếc máy bay do thiếu tá Lý Bửng lái và trưng bày trên USS Midway. Ðể thực hiện thành công buổi lễ kỷ niệm này, chúng tôi kêu gọi những ai từng được tàu cứu liên lạc với chúng tôi. Quý vị có thể cho biết tên, địa chỉ, địa chỉ email và những suy nghĩ của quý vị về USS Midway. Quý vị có thể gởi cho chúng tôi qua email
smcgaugh@midway.org.”
Mọi chi tiết, xin vào trang nhà www.midway.org hoặc gọi điện thoại số 619-544-9600. (Ð.D.)

CHIA CỦA CẢI KHÔNG ĐỀU

Chia của cải không đều
Ngô Nhân Dụng
Tuesday, April 28, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=94120&z=7
Lúc sinh thời, có lần cựu Dân Biểu Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Hữu Chung viết rằng mỗi lần đến ngày 30 Tháng Tư ở Việt Nam nơi có nhiều người thích mở tiệc ăn mừng nhất là tại Sài Gòn và Buôn Mê Thuật. Vì sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975 ở hai nơi đó có rất nhiều người đã chiếm được của cải mới. Họ chiếm những ngôi biệt thự mà cả đời họ vẫn mơ ước ở Sài Gòn, hoặc chiếm được những mảnh đất đồn điền mầu mỡ trên cao nguyên. Cả đời họ không bao giờ quên những chiến lợi phẩm đó, mỗi năm họ lại ăn mừng cuộc đổi đời của mình.

Nguyễn Hữu Chung so sánh hiện tượng chiếm nhà chiếm đất này với chuyện trong sử cũ: Khi quân Pháp chiếm xong Lục Tỉnh, họ cũng chia của cả cho những người Việt Nam theo Pháp. Nhiều đại gia vào thế kỷ 19 ở Nam Kỳ đã trở thành chủ nhân những cánh đồng bát ngát là nhờ cuộc đổi đời mà thực dân Pháp tạo ra. Các đoàn quân chiến thắng đều cướp và chiếm của cải, những người dân bản xứ biết theo thời cũng được “cách mạng cuộc đời” của họ như vậy. Thực dân Pháp dùng súng cướp đất rồi đem chia cho lũ tay sai. Chế độ Cộng Sản cũng dùng súng chiếm lấy quyền phân chia của cải; nhưng họ còn sử dụng mánh khóe hay hơn thực dân thế kỷ 19, là làm sao ép được người ta “hiến dâng của cải” cho đảng và nhà nước nữa. Như vậy thì không có ai mang tiếng là đi ăn cướp trực tiếp của người khác. Hiến cho nhà nước tức là cho một cái vật trừu tượng, chung chung, chứ không cho riêng một người nào cả. Sau đó, nhà nước nằm trong tay ai thì người đó được hưởng, đó lại là chuyện khác!

Nhưng có cảnh tượng mà ông bạn Nguyễn Hữu Chung đã qua đời nên không được trông thấy, là mấy chục năm sau ngày 30 Tháng Tư 1975, những cảnh cướp của và chia của cho nhau vẫn còn tiếp tục, vẫn là cảnh bọn người cướp được quyền để chia của cải cho nhau. Như vụ các quan lớn chia nhau mua đất vườn cây cao su ở tỉnh Bình Dương rồi sau đó đem bán lại, như ở Mỹ người ta gọi là “lật đảo nhà” - flipping, giống như lật miếng chả chiên trong chảo. Nhưng ở Mỹ người mua một cái nhà rồi đem flip, bán lại ngay trong một thời gian ngắn, nhà giá một triệu người ta cũng chỉ hy vọng kiếm lời được mấy chục ngàn thôi. Ở Việt Nam thì khác, các đại gia mua đất rồi bán lại, trong vòng mấy năm bỏ vốn một đồng bán ra giá tới 20 đồng, lời 2000 phần trăm! Ðó mới thật là đỉnh cao trí tuệ!

Lý do các đại quan cách mạng kiếm được lời nhiều như vậy là vì họ theo quy luật kinh tế độc quyền của đảng. Họ vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác Lênin vào thực tế nước ta, đúng như “Bác Hồ” dậy! Khi mua đất họ trả giá rẻ được vì chính họ làm ông thầy của cái anh đứng ra bán, bảo sao nó cũng phải nghe. Rồi khi bán lại đất, họ cũng nắm trong tay quyền sai phái cái cậu đứng ra mua, bán giá nào nó cũng phải chịu. Giống như tự mình bán cho mình, rồi lại tự mình mua lại của mình vậy, giá nào mà chẳng được? Cái “vật” được đem ra mua và bán ở đây là đất, không thuộc về các ông áy mà họ vẫn nắm quyền mua rồi bán, bán vào đúng lúc nào họ muốn. Như thế đó mới là đỉnh cao trí tuệ.

Giống như bây giờ tôi đến nhà bạn, thấy bạn có trái bưởi thơm quá. Màn thứ nhất: Tôi bảo anh đầy tớ của bạn tổ chức một cuộc bán đấu giá trái bưởi. Tôi là người duy nhất có mặt, trả giá một đồng và mua được ngay, tôi đưa bạn một đồng rồi đem trái bưởi ra về. Vài bữa sau, hay là ngay hôm sau, tới màn thứ hai: Tôi tới nhà bạn và anh đầy tớ của bạn tổ chức bán đấu giá trái bưởi lần nữa. Chỉ có mình tôi bán cho nên khi tôi xin bạn trả tôi 20 đồng, anh đầy tớ đồng ý ngay. Tôi trả lại bạn trái bưởi và cầm 20 đồng bỏ túi. Trong tất cả hai màn kịch mua bán đó, tôi nói giá nào người đầy tớ của bạn cũng đồng ý hết. Giản dị, vì nó là tay sai của tôi. Nó chỉ sợ tôi chứ không sợ ai cả. Mà bạn cũng vậy, bạn không dám cãi nó, vì bạn cũng sợ tôi nốt. Vì tôi vừa là đảng, vừa là nhà nước, lại là đại biểu của nhân dân luôn! Mua bán như vậy gọi là “kinh tế thị trường theo định hướng còng số tám!” Bởi vì tôi có còng số tám sẵn trong tay, không nghe tôi cũng không được.

Câu chuyện xẩy ra ở huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương diễn ra giống hệt như vậy. Sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975, đảng Cộng Sản cướp hết đất đai ở miền Nam trong đó có những khu vườn cao su. Tất cả đất đai từ nay thuộc về toàn thể nhân dân Việt Nam. Các ông nhà nước làm đầy tớ của dân, các ông đó do đảng chỉ định và được đảng lãnh đạo; họ chỉ quản lý đất đai giúp dân thôi.

Mấy năm sau khi “giải phóng” các thửa đất của mọi người, màn thứ nhất mở ra: Công ty quốc doanh Sobexco đang quản lý 642 ha (mẫu Tây) đất cao su tuyên bố làm ăn thua lỗ, nợ nhiều quá, xin bán đất để trả nợ. Chẳng hiểu họ vay tiền những ai, vay về làm những gì, và tại sao lại nợ nhiều như thế. Nhưng họ đã xin phép và được tỉnh Bình Dương cho phép bán. Giá đất tính bình quân 50 triệu một mẫu, hecta. Công ty Sobexco do đảng Cộng Sản lãnh đạo. Chính quyền tỉnh Bình Dương cũng được đảng Cộng Sản lãnh đạo. Và có 40 người đứng ra mua những khu đất vườn cao su đó với giá 50 triệu một mẫu, họ cũng nằm trong đảng. Nhóm 40 người này không cần đảng lãnh đạo; mà ngược lại, chính họ lãnh đạo đảng trong chuyện mua bán này! Cho nên sau vài lần thay đổi giấy tờ, Sobexco được cho phép “bán với quyền sử dụng đất,” rồi được vội vàng cấp sổ đỏ, tức là các đại gia trở thành chủ đất, những mảnh đất trước kia là của tư bị cướp biến thành của công, giờ lại quay ngược chiều biến trở lại thành tư hữu, dù chỉ nắm quyền sử dụng. Màn thứ nhất này kết thúc vào năm 2001.

Bước vào năm 2006 thì đến màn thứ hai. Biến cố chính trong màn hai này là đất tư hữu lại được biến hóa trở thành đất công với giá mới. Tất cả những màn kịch này diễn ra trong thời gian ông Nguyễn Minh Triết nắm đầu tỉnh Bình Dương và được tiếng là một cán bộ lãnh đạo tỉnh rất “năng nổ.”

Trong màn thứ hai những nhà đầu tư mua đất bắt đầu đem flip, đảo mặt cái miếng thịt chiên là những mảnh đất ngày xưa vẫn trồng cao su. Tỉnh Bình Dương có một công ty Xuất Nhập Khẩu Bình Dương, và công ty này làm ra cái dự án xây dựng Khu công Nghiệp An Tây. Tình cờ (!)nơi xây dựng dự án nằm ngay trong khu đất 642 mẫu đất trồng cao su ngày xưa, đã biến thành của tư hữu của các đại gia trong đảng. Chính cái tỉnh này đã bán đất công vườn cao su cho 40 đại gia, bây giờ họ sắp sửa mua lại.

Thương hải biến vi tang điền, cho nên sang năm 2006, số đất mà 6 năm trước đó được nhà nước Cộng Sản tỉnh “bán” với giá 50 triệu đồng một hecta, nay sắp biến thành Khu Công Nghiệp đã được công ty quốc doanh nhận đền bù cho các chủ đất với giá một tỷ đồng một hecta. Tức là mua giá một đồng, bán giá 20 đồng. Ngay Bill Gates cũng không kiếm tiền nhanh như thế! Trong bốn tháng, từ Tháng Bảy đến Tháng Mười năm 2007, công ty Xuất Nhập Khẩu Bình Dương đã trả ra hơn 500 tỷ để đền bù cho chủ của những vườn cao su cũ.

Nhưng trong số 40 đại gia của tỉnh Bình Dương có những người không chịu nhận mức lời vốn một đồng lời 20 đồng. Chắc họ nghĩ có thể còn kiếm lời cao hơn, cho nên không chịu bán. Trong số 280 mẫu đất không chịu bán đó có 185 mẫu thuộc ông Hai Tâm, mà bà vợ ông là chị của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Không biết bà Hai Tâm tính toán ra sao, nhưng chúng ta có thể tưởng tượng sau này khu công nghiệp thành hình rồi thì tất cả đất đai chung quanh chắc sẽ lên giá. Biết đâu trong mười năm nửa giá một hecta đất đó sẽ lên tới 5 hay 10 tỷ đô la?

Chính vì bà Hai Tâm không chịu bán cho nên mới có vụ công an phải “cưỡng chế” bắt phải bán. Nhờ thế mà nhân dân vô sản toàn thế giới mới biết câu chuyện xẩy ra như thế nào! Chưa biết phe Nguyễn Tấn Dũng và phe chống Nguyễn Tấn Dũng sẽ đấu đá nhau kết quả ra sao. Chắc đảng Cộng Sản sẽ xử lý nội bộ với nhau để giữ “ổn định chính trị!”

Cuộc cách mạng Cộng Sản ở bất cứ nơi nào trên thế giới đều là những vụ cướp tài sản. Ðúng như lời Karl Marx đe dọa: Những kẻ ăn cướp sẽ bị cướp lại! Những người Cộng Sản đầu tiên đã hát vang câu: “Bao nhiêu lợi quyền sẽ về tay mình” trong bài Quốc Tế Ca. Mình ở đây là giai cấp vô sản. Ðảng Cộng Sản cướp được chính quyền ở nước nào là họ chiếm ngay hết của cải, từ đất ruộng, nhà máy cho đến sức lao động của người dân, thu vào tay đảng sử dụng. Sau đó, đảng dựng lên guồng máy nhà nước chuyên chế thay mặt cho giai cấp vô sản để quản lý của cải chung. Nhà nước quản lý thì nhà nước phải được trả tiền công. Cũng giống như tại tại các nước tư bản có những ông bà quản lý quỹ đầu tư hedge funds (quỹ đối trọng, nói theo kiểu Hồng Kông). Trong các quỹ này các nhà tư bản góp vốn, các vị quản lý lo làm ăn sao cho vốn liếng sinh lời. Và mỗi năm các nhà quản lý được hưởng 1% hoặc 2% tài sản, cộng với 10 tới 20% tiền lời, ai không chịu thì đừng góp vốn.

Nhưng các đảng Cộng Sản khác giỏi quản lý những quỹ đối trọng. Toàn dân là những người góp vốn cho họ, không góp cũng không được, vì đây là “chuyên chính vô sản.” Các đảng viên Cộng Sản làm việc quản lý tự ấn định tiền công của mình, không tính phần trăm nào nhất định cả.

Ðến khi đảng “đổi mới” thì họ làm ngược lại, một cuộc cách mạng ngược chiều. Ðảng đem chia những của cải mà đảng đã cướp được thời trước. Ðem tư hữu hóa là cách chia giản dị nhất. Chia cho ai? Một vụ vườn cao su ở Bình Dương là thí dụ điển hình cho tất cả quá trình làm cách mạng ngược chiều của các đảng ở Việt Nam, ở Trung Quốc, và mai mốt sẽ được thực hiện ở Cuba, ở Bắc Hàn.

Ðồng bào Việt Nam coi tất cả những tấn tuồng trên mà chỉ cười trước cảnh những cán bộ Cộng Sản tranh ăn với nhau mà không ai nổi giận, thì đúng là cả nước Việt Nam đã biến thành triết nhân quân tử hết cả rồi.