Thursday, October 15, 2009

DÂN CHỦ HOÁ Ở CÁC NƯỚC DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO (Phần cuối)


Dân chủ hóa ở các nước diễn ra như thế nào [Phần kết]
Samuel P. Huntington

Dịch giả Vương Thiện
Đăng ngày 15-10-2009
http://danchimviet.com/articles/1571/1/Dan-ch-hoa--cac-nc-din-ra-nh-th-nao-Phn-kt/Page1.html

DÂN CHỦ HOÁ Ở CÁC NƯỚC DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO (1)
DÂN CHỦ HOÁ Ở CÁC NƯỚC DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO (2)
DÂN CHỦ HOÁ Ở CÁC NƯỚC DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO (3)


Phần kết: CÁC QUÁ TRÌNH CHUYỂN DỊCH


Trong các quá trình chuyển dịch, dân chủ hóa được sinh ra từ các hành động kết hợp của chính phủ và phe đối lập. Trong nội bộ chính phủ cân bằng quyền lực giữa những người bảo thủ và những người chủ trương cải cách là cái mà chính phủ sẵn lòng thương lượng cho một sự thay đổi chế độ - không giống như tình huống khi sự thống trị của các nhà bảo thủ dẫn đến quá trình thay thế – nhưng nó không sẵn lòng khởi xướng một sự thay đổi chế độ. Nó phải bị thúc đẩy và/hoặc lôi kéo vào các cuộc thương lượng chính thức hoặc không chính thức với phe đối lập. Ngay trong nội bộ phía đối lập, các nhà chính trị ôn hòa dân chủ cũng đủ mạnh để chiếm ưu thế các nhà cấp tiến phi dân chủ, nhưng họ không đủ mạnh để lật đổ chính phủ. Do đó, họ cũng thấy tác dụng trong thương lượng.
Gần 11 trong số 35 tự do hóa và dân chủ hóa đã diễn ra hoặc bắt đầu trong thập niên 70 và 80 gần giống mô hình chuyển dịch. Những mô hình điển hình nhất là ở Ba Lan, Séc và Slôvakia, Uruguay và Hàn Quốc; những thay đổi chế độ ở Bolivia, Honduras, El Salvador và Nicaragua cũng có những yếu tố quan trọng của chuyển dịch. Ở El Salvador và Honduras, các cuộc thương lượng một phần là với chính phủ Mỹ, đóng vai trò giống như một người đại diện cho những người ôn hòa dân chủ. Năm 1989 và 1990, Nam Phi bắt đầu quá trình chuyển dịch, và Mông Cổ và Nê-pan cũng có vẻ như đang di chuyển theo cùng hướng đó. Một số đặc điểm của chuyển dịch cũng có mặt ở Chi-lê. Chế độ Pinochet tuy nhiên đã đủ mạnh để kháng cự lại sức ép từ phía đối lập để thương lượng quá trình dân chủ hóa và kiên quyết không nhượng bộ giữ vững kế hoạch thay đổi chế độ mà nó đã đặt ra vào năm 1980.
Trong các quá trình chuyển dịch thành công, các nhóm có ảnh hưởng trong cả chính phủ và phe đối lập nhận ra là họ không có khả năng để đơn phương quyết định bản chất của chế độ chính trị tương lai của xã hội của họ. Các nhà lãnh đạo chính phủ và phe đối lập thường phát triển những quan điểm này sau khi đã thử thách sức mạnh của nhau và giải quyết trong một phép biện chứng chính trị. Ban đầu, phe đối lập thường tin rằng nó có thể sẽ đem đến sự sụp đổ của chính phủ ở vào một thời điểm nào đó trong một tương lai không quá xa. Niềm tin này về mặt cơ hội là quá phi thực tế, nhưng chừng nào các nhà lãnh đạo đối lập giữ vững niềm tin này, các cuộc thương lượng nghiêm túc với chính phủ tỏ ra là không thể. Ngược lại, chính phủ ban đầu thường tin là nó có thể kìm chân và ngăn cản phe đối lập mà không cần phải mất chi phí không thể chấp nhận được. Chuyển dịch diễn ra khi cả hai niềm tin này của hai phía thay đổi.
Những người đối lập nhận ra rằng họ không đủ mạnh để lật đổ chính phủ. Chính phủ nhận ra rằng phe đối lập đủ mạnh để làm tăng chi phí của việc không thương lượng khi làm chính phủ phải tăng đàn áp dẫn đến việc liên kết thêm của các nhóm của chính phủ, tăng chia rẽ trong nội bộ nhóm liên minh cầm quyền, tăng khả năng cướp chính quyền của nhóm những người cứng rắn, và tổn thất đáng kể tính hợp pháp của chính quyền trên trường quốc tế. Việc chuyển dịch mang tính biện chứng (2 chiều) này thường bao gồm một chuỗi đặc trưng các bước. Đầu tiên, chính phủ tham gia vào một quá trình tự do hóa nào đó và bắt đầu mất quyền lực và uy quyền. Thứ hai, phe đối lập tận dụng sự suy yếu và tình trạng lỏng lẻo này của chính phủ để mở rộng sự ủng hộ của mình và tăng cường các hoạt động của phe này với hy vọng là phe này sẽ nhanh chóng hạ bệ được chính phủ. Thứ ba, chính phủ chống trả bằng vũ lực để kiềm chế và trấn áp việc huy động quyền lực chính trị của phe đối lập. Thứ tư, lãnh đạo của chính phủ và của phe đối lập nhận thấy nổi lên một sự cách biệt và bắt đầu tìm kiếm các khả năng cho một quá trình chuyển tiếp được thương lượng. Tuy nhiên, bước thứ tư này lại không phải là không thể tránh khỏi. Thật không thể tin được là chính phủ, có lẽ sau khi có sự thay đổi lãnh đạo, lại có thể thô bạo sử dụng các lực lượng quân đội và cảnh sát để thiết lập lại quyền lực của mình, ít nhất là tạm thời. Hoặc phe đối lập có thể tiếp tục phát triển sức mạnh của mình, làm xói mòn hơn nữa quyền lực của chính phủ và cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ. Do đó, các quá trình chuyển dịch đòi hỏi phải có sự cân bằng tương đối nào đó về sức mạnh giữa chính phủ và phe đối lập cũng như là sự không chắc chắn của mỗi bên về việc ai sẽ vượt lên trên trong một cuộc thử sức quan trọng về sức mạnh. Trong bối cảnh đó, những rủi ro của thương lượng và thỏa hiệp có vẻ ít hơn rủi ro trong đối đầu và thảm họa.
Quá trình chính trị dẫn đến chuyển dịch do đó thường một mặt được đánh dấu bằng một tình trạng bập bênh kéo tới kéo lui của các cuộc biểu tình, phản đối và diễu hành, và mặt khác là trấn áp, bỏ tù, bạo lực của cảnh sát, các giai đoạn của thời kỳ o bế, và thiết quân luật. Các giai đoạn phản đối và trấn áp tại Ba Lan, Séc và Slôvakia, Uruguay, Hàn Quốc và Chilê cuối cùng đều dẫn đến các thỏa thuận được thương lượng giữa chính phủ và phe đối lập trong tất cả các trường hợp ngoại trừ Chilê.
Ở Uruguay chẳng hạn, các cuộc biểu tình và diễu hành ngày càng tăng trong mùa thu năm 1983 đã đẩy các cuộc thương lượng lên đến mức quân đội phải rút lui khỏi quyền lực. Ở Bolivia năm 1978 “một loạt các cuộc xung đột và phong trào phản đối” đã là tiền đề cho việc đồng ý của giới quân sự về một thời gian biểu cho các cuộc bầu cử. Ở Hàn Quốc cũng như ở Uruguay, chế độ quân sự trước đó đã dùng vũ lực trấn áp các cuộc biểu tình. Tuy nhiên vào mùa xuân năm 1987, các cuộc tuần hành trở nên đông đảo hơn và với sự tham gia của nhiều tầng lớp hơn, và càng ngày càng lôi cuốn sự tham gia của tầng lớp trung lưu. Đầu tiên chính phủ phản ứng lại theo cách thông thường nhưng sau đó phải thay đổi phương pháp, đồng ý thương lượng và chấp nhận những đòi hỏi chính của phe đối lập. Ở Ba Lan các cuộc biểu tình năm 1988 cũng có tác động tương tự. Đúng như một nhà bình luận giải thích, “các cuộc biểu tình đã làm cho các cuộc hội đàm bàn tròn không những trở nên có thể mà còn trở thành cần thiết – cho cả hai phía. Trớ trêu thay, các cuộc biểu tình đã đủ mạnh để buộc những người cộng sản phải đi đến các cuộc thương lượng bàn tròn, nhưng vẫn còn quá yếu để các nhà lãnh đạo của đảng Đoàn kết có thể từ chối thương lượng. Đó là lý do tại sao các cuộc thương lượng bàn tròn đã diễn ra.”
Trong các quá trình chuyển dịch, cuộc đối đầu trực diện trong khuôn khổ chật hẹp của trung tâm thủ đô giữa những người biểu tình quần chúng và các hàng dài cảnh sát bộc lộ sức mạnh và các điểm yếu của mỗi bên. Phe đối lập có thể huy động sự ủng hộ của quần chúng; chính phủ có thể ngăn chặn và chống lại sức ép từ phía đối lập.
Chính trị ở Nam Phi thập kỷ 80 cũng tiến triển theo mô hình bốn bước. Trong những năm cuối thập kỷ 70, P. W. Botha bắt đầu quá trình cải cách tự do hóa, làm rộ lên những niềm mong đợi của người da đen và sau đó khiến họ tức giận khi mà hiến pháp năm 1983 từ chối người da đen một vai trò chính trị cấp quốc gia. Điều này dẫn đến các cuộc nổi dậy tại các thành phố của người da đen vào các năm 1984 và 1985, khơi dậy niềm hy vọng của người da đen rằng sự sụp đổ của chế độ do người châu Phi gốc Âu (da trắng) sắp xảy ra. Sự đàn áp bằng bạo lực và đầy hiệu quả của chính phủ đối với những người bất đồng quan điểm người da đen và da trắng sau đó buộc phe đối lập phải điều chỉnh đáng kể những niềm hy vọng của họ. Cùng thời gian đó, các cuộc nổi dậy thu hút sự chú ý của quốc tế, làm gợi lên sự chỉ trích cả hệ thống phân biệt chủng tộc ở Nam Phi và các sách lược của chính phủ ở đây, và dẫn đến việc chính phủ Mỹ và chính phủ các nước châu Âu tăng cường các lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Nam Phi. Khi các hy vọng cho cuộc cách mạng của các thành viên cực đoan của đảng Nghị hội Quốc gia châu Phi (ANC) suy giảm, những nỗi lo lắng của chính phủ do đảng Quốc gia cầm quyền về tính hợp pháp quốc tế và thất bại kinh tế tăng. Giữa thập niên 1970, Joe Slovo, chủ tịch của đảng Cộng sản Nam Phi và tổ chức quân sự của ANC, đã biện luận rằng ANC có thể lật đổ chính phủ và giành được quyền lực bằng chiến tranh du kích lâu dài và cách mạng. Cuối những năm 1980, ông này vẫn gắn bó với phương cách sử dụng bạo lực, nhưng nhận thấy các cuộc thương lượng có vẻ như con đường thuận lợi hơn dẫn đến việc đạt được các mục tiêu của ANC. Sau khi trở thành tổng thống của Nam Phi năm 1989, F. W. de Klerk cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc thương lượng. Bài học của Rhodesia, ông nói, là “khi cơ hội cho thương lượng thực chất và mang tính xây dựng đến, nó đã không được bắt lấy … Đã có gì đó sai vì trong thực tế của các bối cảnh của mình, họ đã đợi quá lâu trước khi tham gia vào cuộc thương lượng và đối thoại cơ bản. Chúng ta phải không tạo ra sai lầm, và chúng ta quyết tâm không lặp lại sai lầm đó.” Cả hai nhà lãnh đạo chính trị này đều học từ chính kinh nghiệm của họ và từ kinh nghiệm của người khác.
Trái lại, ở Chilê, chính phủ muốn và có thể tránh thương lượng. Các cuộc biểu tình lớn nổ ra vào mùa xuân năm 1983, nhưng một cuộc biểu tình rộng khắp trên cả nước đã bị chính phủ trấn áp. Đầu tháng Năm năm 1983, phe đối lập tổ chức các cuộc diễu hành hàng tháng quy mô lớn vào “Những Ngày Biểu Tình Quốc Gia”. Những cuộc biểu tình này bị tan vỡ do cảnh sát, thường với một vài người bị giết. Các vấn đề kinh tế và các cuộc biểu tình của phe đối lập đã buộc chính phủ của Pinochet phải khởi xướng một cuộc đối thoại với phe đối lập. Nhưng sau đó nền kinh tế bắt đầu hồi phục, và các tầng lớp trung lưu trở nên lo lắng khi luật pháp và trật tự bị phá vỡ. Một cuộc biểu tình trên toàn quốc vào tháng 10 năm 1984 đã bị đẩy lùi với nhiều đổ máu. Ngay sau đó chính phủ áp đặt trở lại tình trạng bao vây đã được bãi bỏ năm 1979. Các nỗ lực của phe đối lập do đó đã bị thất bại trong việc lật đổ chính phủ hoặc trong việc đưa chính phủ vào các cuộc thương lượng có ý nghĩa. Phe đối lập đã “đánh giá quá cao sức mạnh của mình và đánh giá quá thấp thực lực của chính phủ.” Nó cũng đã đánh giá quá thấp sự ngoan cường và kỹ sảo chính trị của Pinochet và sự sẵn sàng của các lực lượng an ninh Chilê chĩa súng bắn vào những người biểu tình dân thường không có vũ trang.
Chuyển dịch đòi hỏi các nhà lãnh đạo của cả hai phía sẵn sàng rủi ro với các cuộc thương lượng. Sự chia rẽ ý kiến về các cuộc thương lượng thường tồn tại trong nội bộ giới lãnh đạo cầm quyền chóp bu. Có khi những nhà lãnh đạo cấp cao phải bị gây áp lực bởi các cộng sự của họ và bởi hoàn cảnh để có thể đi đến đàm phán với phe đối lập. Ví dụ như vào năm 1989, Adam Michnik đã cho rằng Ba Lan, giống như Hungary, đã đi theo “cách thức thực hiện dân chủ của Tây Ban Nha”. Ở một mức độ, ông này đúng ở chỗ cả hai quá trình chuyển tiếp của Tây Ban Nha và Ba Lan đều về cơ bản khá yên bình. Tuy nhiên ở một mức độ cụ thể hơn, câu chuyện Tây Ban Nha không hoàn toàn đúng cho câu chuyện xảy ra ở Ba Lan vì Wojciech Jaruzelski không phải là một Juan Carlos hay Suárez (trong khi đó Imre Pozsgay của Hungary lại là như vậy trong một chừng mực đáng kể). Jaruzelski là một nhà dân chủ còn lưỡng lự, và trước sự suy sút của đất nước và chế độ của chính ông ta mới bị thúc đẩy tham gia vào các cuộc thương lượng với đảng Đoàn kết. Ở Uruguay, tổng thống Tướng Gregorio Alvarez, muốn kéo dài quyền lực của mình và trì hoãn dân chủ hóa và buộc phải chấp nhận tiếp tục thay đổi chế độ khi có sức ép của các thành viên khác của hội đồng quân sự. Ở Chilê, tướng Pinochet có phần cũng tương tự như vậy dưới sức ép của các thành viên khác của hội đồng, đặc biệt từ người chỉ huy lực lượng không quân, Tướng Fernando Matthei, tỏ ra sẵn sàng giúp đỡ hơn trong khi giải quyết việc với phe đối lập, nhưng Pinochet đã thành công trong việc chống cự lại được trước sức ép này.
Ở các nước khác, những thay đổi diễn ra ngay trong việc lãnh đạo cấp cao trước khi các cuộc thương lượng nghiêm túc với phe đối lập diễn ra. Ở Hàn Quốc, chính phủ của Tướng Chun Doo Hwan thực hiện chính sách bảo thủ cứng rắn trước các yêu sách nhằm mục đích gây bế tắc của phe đối lập và hoạt động trấn áp phe đối lập. Tuy nhiên, vào năm 1987, đảng cầm quyền đã chỉ định Roh Tae Woo là ứng cử viên của đảng này kế tục Chun. Roh lật ngược lại hoàn toàn các chính sách của Chun, tuyên bố cởi mở chính trị và bắt đầu các cuộc thương lượng với nhà lãnh đạo phe đối lập. Ở Séc-Slôvakia, tổng thư ký đảng Cộng sản bảo thủ đã cầm quyền từ lâu, Gustav Husak, đã bị thay thế bằng nhà cải lương ôn hòa Milos Jakes vào tháng 12/1987. Tuy nhiên, khi phe đối lập được vận động vào mùa thu năm 1989, Jakes đã bị thay thế bằng nhà cải cách Karel Urbanek. Urbanek và thủ tướng cải lương, Ladislav Adamec, sau đó đã thương lượng về những sự sắp đặt cho quá trình chuyển tiếp sang dân chủ với Vaclav Havel và các nhà lãnh đạo khác của Diễn đàn Dân sự đối lập. Ở Nam Phi, de Klerk đã tiến xa hơn quá trình chuyển đổi thui chột của người tiền nhiệm của ông này từ các cuộc thương lượng kiểu transplacement với các nhà lãnh đạo đối lập da đen. Không chắc chắn, sự mơ hồ và sự chia rẽ quan điểm về dân chủ hóa do đó có xu hướng nhân cách hóa giới cầm quyền trong các tình huống chuyển dịch. Các chế độ này không hoàn toàn lấn át cả trong việc cố bám giữ lấy quyền lực một cách nhẫn tâm và cả trong việc chuyển hướng mạnh mẽ sang dân chủ.
Bất đồng và tính không chắc chắn tồn tại không chỉ ở phía chính phủ trong các quá trình chuyển dịch. Trên thực tế, một nhóm có vẻ tự bị phân rẽ trong nội bộ nhóm đó nhiều hơn các lãnh đạo của một chính phủ chuyên chế đang mục rữa bất đồng và phân rẽ với các nhà lãnh đạo đối lập, những người có mong muốn thay thế họ. Trong các tình huống thay thế, chính phủ trấn áp phe đối lập và phe đối lập có một mối quan tâm chung bao trùm trong việc hạ bệ chính phủ. Như trong ví dụ của Philipin và Nicaragua cho thấy, ngay trong các tình trạng này, việc đảm bảo thống nhất giữa các lãnh đạo và đảng đối lập có thể cực kỳ khó, và mối đoàn kết đạt được thường mỏng manh và dễ vỡ. Trong các quá trình chuyển dịch, ở đâu có câu hỏi về việc không lật đổ chính phủ nhưng chỉ về thương lượng với nó, đoàn kết trong phe đối lập thậm chí còn khó hơn để đạt được. Điều này không đạt được ở Hàn Quốc, và do đó ứng cử viên của chính phủ, Roh Tae Woo, được trúng cử tổng thống với thiểu số phiếu bầu, vì hai ứng cử viên của phe đối lập đã chia đôi đa số những người chống lại chính phủ do họ đối đầu với nhau. Ở Uruguay, vì lãnh đạo của nước này vẫn đang ở trong tù, một đảng đối lập – đảng Quốc gia – đã bác bỏ thỏa thuận đạt được giữa hai đảng khác và quân đội. Ở Nam Phi, rào cản chính trong cải tổ dân chủ là rất nhiều sự chia rẽ trong nội bộ phe đối lập giữa các nhóm nghị viện và không nghị viện, những người châu Phi da trắng và người Anh, người da đen và người da trắng, và giữa các nhóm da đen có ý thức hệ và bộ lạc. Không có thời điểm nào trước thập kỷ 90 chính phủ Nam Phi đối diện với bất cứ gì ngoài một thực tế đầy bối rối của vô số các nhóm đối lập mà sự khác biệt giữa các nhóm này thường cũng lớn giống như những sự khác biệt giữa họ với chính phủ.
Ở Chilê, phe đối lập bị phân rẽ nghiêm trọng thành rất nhiều các đảng, bè cánh và liên minh. Năm 1983, các đảng đối lập có chủ trương ôn hòa đã có thể thống nhất lại với nhau thành Liên Minh Dân Chủ. Tháng Tám năm 1985, một nhóm rộng rãi hơn bao gồm một tá các đảng đã sát nhập thành đảng Hòa Hợp Dân Chủ kêu gọi chuyển tiếp sang dân chủ. Mặc dù vậy các mối xung đột về quyền lãnh đạo và chiến thuật vẫn tiếp tục. Năm 1986, phe đối lập ở Chilê đã huy động các cuộc biểu tình phản đối rộng lớn, hy vọng sẽ nhân đôi ở Santiago những gì vừa mới diễn ra ở Manila. Tuy nhiên, phe đối lập bị chia rẽ và tính chiến đấu của phe này đe dọa những người bảo thủ. Vấn đề, như một nhà quan sát nhận xét thời kỳ đó, là “công chúng không bị thách thức bở một phong trào đối lập ôn hòa dưới sự lãnh đạo của một nhân vật được kính trọng. Không có Cory của Chilê.” Ở Ba Lan, mặt khác, mọi thứ lại khác. Lech Walesa là một Cory của Ba Lan, và đảng Đoàn Kết có ảnh hưởng trong phe đối lập cho gần một thập kỷ. Ở Séc-Slôvakia, quá trình chuyển dịch diễn ra quá nhanh đến nỗi mà những sự khác biệt giữa các nhóm chính trị đối lập không có thời gian để gây ảnh hưởng.
Trong các chuyển dịch, những người ôn hòa dân chủ phải đủ mạnh trong nội bộ phe đối lập để có thể là những đối tác thương lượng đáng tin cậy với chính phủ. Hầu như luôn có các nhóm trong nội bộ phe đối lập phản đối thương lượng với chính phủ. Họ sợ rằng các cuộc thương lượng sẽ dẫn đến những sự thỏa hiệp không mong muốn và họ hy vọng rằng tiếp tục các áp lực của phe đối lập sẽ tạo ra sự sụp đổ của chính phủ. Tại Ba Lan năm 1988-89, các nhóm đối lập cánh hữu yêu cầu tẩy chay các cuộc hội đàm Bàn Tròn. Ở Chilê, các nhóm đối lập cánh hữu tiến hành các cuộc tấn công khủng bố làm suy yếu các nỗ lực của những người đối lập ôn hòa thương lượng với chính phủ. Tương tự, ở Hàn Quốc, những thành phần cực đoan phản đối thỏa thuận về bầu cử đạt được giữa chính phủ và các nhóm đối lập cầm đầu. Ở Uruguay, phe đối lập do lãnh đạo của các đảng chính trị ôn hòa chi phối và những thành viên cực đoan ít gây ra phiền toái hơn.
Để các cuộc thương lượng được diễn ra, mỗi đảng/bên phải thừa nhận ở một mức độ nào đó tính hợp pháp của bên kia. Phe đối lập phải công nhận chính phủ là một đối tác có giá trị trong thay đổi và nếu không công khai thì cũng phải ngầm định đồng ý quyền điều hành hiện có của chính phủ. Ngược lại, chính phủ phải chấp nhận các nhóm đối lập là các đại diện hợp pháp của các phân tầng quan trọng của xã hội. Chính phủ có thể làm được điều này dễ dàng hơn nếu các nhóm đối lập chưa dính dáng gì với bạo lực. Các cuộc thương lượng cũng dễ dàng hơn nếu các nhóm đối lập, như các đảng chính trị dưới chế độ quân sự, trước đây đã là các thành phần hợp pháp trong quá trình chính trị. Dễ dàng hơn cho phe đối lập trong thương lượng nếu chính phủ chỉ sử dụng vũ lực hạn chế đối với phe này và nếu trong nội bộ chính phủ có một vài nhà cải cách dân chủ mà phe đối lập có lý do để tin vào việc chính phủ cũng chia sẻ cùng mục tiêu với phe đối lập.
Trong các quá trình chuyển dịch, không như các quá trình chuyển đổi và quá trình thay thế, các nhà lãnh đạo chính phủ thường thương lượng các điều khoản cơ bản của thay đổi chế độ với các nhà lãnh đạo đối lập mà họ đã từng bắt giam: Lech Walesa, Vaclav Havel, Jorge Batile Ibanez, Kim Dae Jung và Kim Young Sam, Walter Sisulu và Nelson Mandela. Có lý do cho việc này. Các nhà lãnh đạo đối lập, những người đã từng bị bỏ tù, đã không đấu tranh chống lại chính phủ, dù là bằng bạo lực hay phi bạo lực; họ sống cùng với chính phủ. Họ cũng đã trải qua thực tế của quyền lực của chính phủ. Các nhà lãnh đạo chính phủ, những người thả những người này ra khỏi tù, thường quan tâm đến cải cách, và những người được thả thường đủ ôn hòa để sẵn sàng đàm phán với những người đã giam giữ họ. Sự giam hãm trong tù thường cũng thúc đẩy quyền uy đạo đức của các cựu tù nhân. Điều này giúp họ thống nhất các nhóm đối lập, ít nhất là tạm thời, và không nhượng bộ cho chính phủ cái viễn cảnh là họ có thể đảm bảo sự phục tùng của những kẻ ủng hộ họ dù cho thỏa thuận nào đạt được đi chăng nữa.
Vào một thời điểm trong quá trình chuyển tiếp của Brazil, theo như tin đã đưa Tướng Golbery đã nói với một lãnh đạo đối lập, “Ngài giữ được những người cực đoan của mình dưới tầm kiểm soát thì chúng tôi sẽ kiểm soát người của chúng tôi.” Kiểm soát những người cực đoan trong tầm kiểm soát thường đòi hỏi sự hợp tác của phía bên kia. Trong các cuộc thương lượng trong quá trình chuyển dịch, mỗi bên/đảng đều quan tâm đến việc tăng cường phía bên kia vì như thế anh mới có thể đối phó hiệu quả hơn với những người cực đoan phía bên của mình. Chẳng hạn như vào tháng sáu năm 1990, Nelson Mandela đã có bình luận về các vấn đề mà commented on F. W. de Klerk đang có với những người cứng rắn da trắng và nói rằng đảng ANC đã kêu gọi “những người da trắng trợ giúp cho de Klerk. Chúng tôi cũng đang cố gắng giải quyết các vấn đề của người da trắng chống lại ông ta. Các cuộc thảo luận đã bắt đầu với các thành phần có ảnh hưởng trong nhóm cánh hữu.” Cùng lúc đó, Mandela phát biểu rằng mong muốn của riêng ông được gặp với Thủ lĩnh Mengosuthu Buthelezi đã bị những thành viên của quân đội trong nội bộ ANC bác bỏ và rằng ông phải chấp nhận quyết định đó vì ông là “một thành viên trung thành và có kỷ luật của A.N.C.” De Klerk rõ ràng đã có lợi trong việc làm cho Mandela mạnh hơn và trong việc giúp đỡ ông đối phó được với những thành phần quân đội đối lập cánh hữu.
Các cuộc thương lượng thay đổi chế độ thỉnh thoảng diễn ra sau “các cuộc tiền thương lượng” về các điều kiện bắt đầu tiến hành thương lượng. Ở Nam Phi, điều kiện tiên quyết chính phủ đưa ra là đảng ANC phải từ bỏ bạo lực. Các điều kiện tiên quyết của ANC là chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm các nhóm đối lập và thả tù nhân chính trị. Trong một vài trường hợp, các cuộc tiền thương lượng là về việc cá nhân và nhóm đối lập nào sẽ được tham gia vào các cuộc đàm phán sau này. Các cuộc thương lượng thỉnh thoảng kéo dài và thi thoảng lại rất ngắn gọn. Các cuộc thương lượng thường bị gián đoạn khi phía này hoặc phía kia phá vỡ các cuộc nói chuyện. Tuy nhiên, khi các cuộc thương lượng được nối lại, tương lai chính trị của mỗi bên/đảng trở nên gắn chặt hơn với thành công của họ. Nếu các cuộc thương lượng thất bại, những người bảo thủ trong nội bộ liên minh cầm quyền và những người cực đoan trong phe đối lập sẽ đứng lên sẵn sàng lợi dụng thất bại đó và hạ bệ các nhà lãnh đạo đã tham gia vào các cuộc thương lượng. Một lợi ích chung nổi lên và một cảm giác về một số phận chung. “Theo một cách nào đó”, Nelson Mandela đã quan sát được vào tháng tám năm 1990, “hiện có một liên minh” giữa đảng ANC và đảng Quốc gia. “Chúng ta đang trên cùng một con thuyền, một con tàu,” lãnh đạo Đảng Quốc gia P.W. Botha đồng ý, “và những con cá mập bên trái và những con cá mập bên phải sẽ không phân biệt ai với ai giữa chúng ta khi chúng ta ngã xuống biển.” Do đó, khi các cuộc thương lượng tiếp tục, các đảng này trở nên sẵn sàng thỏa hiệp hơn nhằm đạt được một thỏa thuận.
Các thỏa thuận mà họ đạt được thường tạo ra các cuộc tấn công từ những bên khác trong chính phủ và cả trong phe đối lập, những người nghĩ rằng những người tham gia đàm phán đã nhường quá nhiều. Các thỏa thuận cụ thể tất nhiên phản ánh các vấn đề đặc biệt của đất nước. Tuy nhiên, đặc biệt quan trọng trong hầu hết tất cả các cuộc thương lượng là việc trao đổi các đảm bảo. Trong các quá trình chuyển đổi, các cựu quan chức của chế độ chuyên chế hầu như không bao giờ bị trừng phạt; trong các quá trình thay thế hầu hết họ thường sẽ bị trừng phạt. Trong các quá trình chuyển dịch điều này thường là một vấn đề được thương lượng; các vị lãnh đạo quân đội ở Uruguay và Hàn Quốc chẳng hạn yêu cầu có bảo lãnh không truy tố và trừng phạt cho bất cứ những sự vi phạm nhân quyền nào. Trong các trường hợp khác, những sự bảo lãnh được thương lượng liên quan đến những sự sắp xếp cho sự chia sẻ quyền lực hoặc cho những sự thay đổi về quyền lực thông qua các cuộc bầu cử. Ở Ba Lan, mỗi bên được đảm bảo một phần rõ ràng số ghế trong cơ quan lập pháp. Ở Séc và Slôvakia, các vị trí trong bộ máy chính phủ được chia sẻ giữa hai đảng. Ở cả hai nước này, các chính phủ liên minh trấn an các nhà cộng sản và phe đối lập rằng quyền lợi của họ sẽ được bảo vệ trong quá trình chuyển tiếp. Ở Hàn Quốc, đảng cầm quyền đồng ý về một cuộc bầu cử trực tiếp và cởi mở bầu tổng thống trên cơ sở của giả định, và có thể cả sự hiểu biết rằng ít nhất hai ứng cử viên đối lập chính sẽ ra ứng cử, do đó có thể đảm bảo cơ hội cao giành được chiến thắng của ứng cử viên của đảng cầm quyền.
Các rủi ro đối đầu và mất quyền lực do đó thúc đẩy chính phủ và phe đối lập thương lượng với nhau; và các đảm bảo rằng không ai sẽ mất tất cả trở thành cơ sở cho thỏa thuận. Cả hai đều có cơ hội chia sẻ quyền lực hoặc cạnh tranh cho quyền lực. Các nhà lãnh đạo đối lập biết rằng họ sẽ không bị tống giam trở lại vào nhà tù; các nhà lãnh đạo chính phủ biết rằng họ sẽ không phải chạy trốn sống trong cảnh lưu vong. Giảm rủi ro từ cả hai phía và cho cả hai phía thúc giục các nhà cải cách và những nhà ôn hòa hợp tác với nhau trong việc thiết lập một nền dân chủ.


Hướng dẫn cho các nhà Dân chủ hóa 3: Thương lượng Thay đổi Chế độ

Cho các nhà cải cách dân chủ trong chính phủ

(1) Theo các hướng dẫn dành cho việc chuyển đổi các chế độ chuyên chế, đầu tiên phải cô lập và làm suy yếu lập phe đối lập các nhà chính trị bảo thủ của bạn và củng cố ảnh hưởng của bạn trong chính phủ và bộ máy chính trị.
(2) Cũng theo các hướng dẫn này, hãy nắm lấy sáng kiến và làm ngạc nhiên cả phe đối lập và những nhà chính trị bảo thủ bằng những nhượng bộ mà bạn sẵn sàng có thể đưa ra, nhưng không bao giờ nhượng bộ dưới sức ép rõ ràng nào của phe ðối lập.
(3) Hãy đảm bảo có được sự tán thành về khái niệm của các cuộc đàm phán từ các tướng lĩnh nắm quyền hoặc các quan chức đứng đầu chính quyền khác trong tổ chức an ninh.
(4) Hãy làm bất cứ ðiều gì có thể để tăng cường tầm cỡ, quyền uy, và sự tiết chế của đối thủ đối lập thương lượng chính của bạn.
(5) Hãy thiết lập các kênh bổ sung mật và đáng tin cậy dành cho việc thương lượng các vấn đề chính yếu với các nhà lãnh ðạo ðối lập.
(6) Nếu thương lượng thành công, rất có thể bạn sẽ ở phe đối lập. Do đó, mối quan tâm chính của bạn nên là làm thế nào để đảm bảo những sự cam đoan và an toàn cho các quyền của phe đối lập và của các nhóm đã liên hợp với chính phủ của bạn (chẳng hạn như quân đội). Tất cả những cái khác đều có thể thỏa thuận.

Cho những người có quan điểm ôn hòa dân chủ trong phe ðối lập

(1) Hãy chuẩn bị sẵn sàng huy động những người ủng hộ bạn để đi biểu tình khi những cuộc diễu hành biểu tình như thế này sẽ làm suy yếu những chính trị gia bảo thủ trong chính phủ. Tuy nhiên, quá nhiều các cuộc diễu hành và biểu tình phản đối lại có khả năng làm mạnh thêm những người này, làm suy yếu đối tác đang thương lượng với bạn, và làm nổi lên mối lo ngại của tầng lớp trung lưu về luật và trật tự.
(2) Hãy ôn hòa; hãy xuất hiện giống người có tài quản lý nhà nước.
(3) Hãy chuẩn bị để đàm phán và nếu có thể tạo ra nhượng bộ trong tất cả các vấn đề trừ việc tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng.
(4) Hãy ghi nhận khả năng cao là bạn sẽ thắng trong các cuộc bầu cử này và không có hành động nào sẽ làm phức tạp thêm cách bạn đang quản lý ðất nước.

Cho cả chính phủ và những nhà dân chủ đối lập

(1) Các điều kiện chính trị thuận lợi cho một cuộc chuyển đổi có thương lượng sẽ không kéo dài mãi mãi. Phải chớp ngay lấy cơ hội khi xuất hiện và nhanh chóng tiến đến giải quyết những vấn đề mấu chốt.
(2) Phải nhận thức được là tương lai chính trị của bạn và tương lai chính trị của đối tác của bạn phụ thuộc vào thành công của bạn trong việc đạt được thỏa thuận về quá trình chuyển ðổi sang dân chủ.
(3) Phải cưỡng lại được những đòi hỏi của những người lãnh đạo và của các nhóm thuộc phe của bạn mà những đòi hỏi này hoặc là làm chậm lại quá trình thương lượng hoặc là đe dọa lợi ích chính yếu của bên đối tác đang thương lượng với bạn.
(4) Phải nhận thức được là thỏa thuận mà bạn đạt được sẽ chỉ là một khả năng; những kẻ cực đoan và những nhà chính trị bảo thủ có thể sẽ phản đối kịch liệt thỏa thuận này, nhưng họ sẽ không thể tạo ra một khả năng khác có được sự ủng hộ rộng rãi.
(5) Khi còn nghi ngờ, hãy thỏa hiệp.

----------------------------------
Bài do dịch giả gửi đăng.


Nguồn: Samuel P. Huntington, “How Countries Democratize”, Political Science Quarterly, Vol. 124, Number 1, 2009, pp.






No comments: