Tuesday, October 27, 2009

Về Vụ QUYẾT ĐỊNH 97 : NÓI LẠI CHO RÕ


Nói lại cho rõ
Nguyễn Quang A
27-10-09
http://www.viet-studies.info/kinhte/NQuangA_NoiLaiChoRo.htm

Sau khi tôi đưa
thư ngày 21-10-2009 của Bộ trưởng Hà Hùng Cường trả lời thư ngỏ ngày 27-9-2009 của tôi lên mạng và công bố bài phân tích “Quyết định 97/2009/QĐ-TTg có thể bị kiện ra WTO”, đã có vài người hiểu lầm rằng bài phân tích ấy là ý kiến phản hồi của tôi đối với thư trên của Bộ Trưởng.

Trong phần chú thích (footnote) của bài phân tích tôi có viết: “Bài phân tích này đã được gửi cho tạp chí Tia sáng (của Bộ KHCN) và tạp chí Dân chủ và Pháp Luật (của Bộ Tư pháp) từ ngày 28-9-2009 nhưng đã không được đăng”. Nói cách khác, bài phân tích chính là cái nền của
thư ngỏ mà tôi đã gửi ngày 27-9-2009, được viết cùng với thư ngỏ, tức là trước thư trả lời ngày 21-10-2009 của ông Bộ trưởng khoảng một tháng.

Bài phân tích này cũng được đính kèm đơn của tôi gửi Ủy Ban Thường Vụ Quốc hội ngày 16-10-2009 (dựa theo quy định của Luật Khiếu nại và Tố cáo). Trong đơn đó tôi đề nghị Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội xem xét và ra quyết định đình chỉ việc thi hành Quyết định 97 và kiến nghị với Quốc hội bãi bỏ Quyết định 97 theo đúng thẩm quyền được quy định trong Hiến Pháp và Luật Tổ chức Quốc Hội.
Ba điểm cốt yếu của bài viết và của thư ngỏ là:

Theo luật hiện hành:
1) Quyết định của thủ tướng là một loại văn bản quy phạm pháp luật.
Cơ quan soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật buộc phải:
2) tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản;
3) công bố dự thảo ít nhất 60 ngày trước khi trình ký.

Lập luận chính trong thư trả lời ngày 21-10 của ông Bộ trưởng đã được bài phân tích của tôi tiên liệu trước:
“Ông Bộ trưởng Bộ tư pháp có thể cho rằng Quyết định của Thủ tướng không phải là văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ nên không phải công bố trước 60 ngày theo đúng câu chữ của Nghị quyết 71 và Công văn số 732/TTg-TCCB;”
Ông Bộ trưởng đã dùng chính lập luận mà tôi tiên liệu ở trên để cho rằng “Quyết định 97 là văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ ban hành, do đó, không chịu sự ràng buộc của cam kết này” (cam kết WTO) để bác bỏ ý kiến của tôi. Tuy nhiên, trong bài phân tích và trong thư ngỏ trước đó tôi đã thấy cách mà ông Bộ trưởng sẽ có thể lập luận là không thể đứng vững: “theo tôi lập luận đó mâu thuẫn với tinh thần Nghị quyết 71 đã có hiệu lực từ lâu và được thể hiện trong Điều 67 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008”. Không thể “biện bạch” theo kiểu “bẻ chữ” được. “Bẻ chữ” như vậy là coi thường vai trò của người đứng đầu Chính phủ. Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ và quyết định của Thủ tướng phải tuân thủ Nghị quyết 71, nếu không thì không thể giải thích tại sao nó lại được thể hiện trong Điều 67 của luật 2008 được thông qua giữa năm 2008, tức là được thảo luận kỹ trong năm 2007 khi Nghị quyết 71 có hiệu lực (thậm chí, cả dự thảo các văn bản của Bộ và Bộ trưởng cũng phải công bố ít nhất 60 ngày). Chính vì thế lý lẽ của ông Bộ trưởng trong trả lời ngày 21-10-2009 đã bị bài phân tích của tôi (trước đó) bác bỏ, cho nên không cần lặp lại ở đây.

Mặt khác, ông Bộ trưởng chỉ nói đến điểm 3) nêu trên mà cố ý lờ điểm 2) đi. Bài phân tích của tôi cũng đã tiên liệu điều này ở đoạn:
“Ngay cả khi cho qua sự “biện bạch” như vừa nêu ở trên hay trong lập luận của Bộ trưởng Bộ Tư pháp được trích dẫn ở đầu điểm II.1 rằng dự thảo Quyết định số 97 không cần đưa lên trang thông tin điện tử ít nhất 60 ngày, thì riêng việc đã không “tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản” trong suốt năm 2008 và hơn 7 tháng của năm 2009, cũng cho thấy đã có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục theo quy định của Nghị quyết 71 của Quốc Hội và/hoặc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008”.

Nói tóm lại, “biện bạch” và cách “bẻ chữ” của ông Bộ trưởng trong thư trả lời ngày 21-10-2009 là không thuyết phục, không thể đứng vững; ông cố lờ không trả lời điểm 2) của vấn đề (không “tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản”); vì thế ý kiến của tôi rằng “Quyết định số 97 có các vi phạm nghiêm trọng về thủ tục và nội dung, phù hợp về thẩm quyền; và như thế là không hợp pháp; vi phạm pháp luật, vi phạm Nghị định thư gia nhập WTO và có thể có các hệ lụy quốc tế khôn lường, kể cả việc bị kiện trước WTO” là hoàn toàn có cơ sở chứ không phải như lập luận của ông Bộ trưởng trong thư ngày 21-10-2009.

Xin nói lại để bạn đọc rõ và mong được phản hồi của ông Bộ trưởng.



No comments: