Sunday, October 25, 2009

HIỀN TÀI , XƯA và NAY


Hiền tài, xưa và nay
Mạnh Quân’s Blog
Đăng ngày: 22:15 22-10-2009
http://vn.myblog.yahoo.com/quan5791/article?mid=122
Mới rồi, có vài tờ báo đăng thông tin về chuyện một cô sinh viên ở Nghệ An, học rất giỏi nhưng rất khó xin dược việc làm. Tít giật thật kêu: “Hắt hủi nhân tài”. Hình như cái tít đó nhằm ám chỉ điều gì chứ không phải chỉ đề nói về cô sinh viên ấy. Bởi vì, có là sinh viên giỏi ở một trường đại học nào ra, với chất lượng đào tạo hiện nay, đã chắc gì là giỏi, lại càng khó khẳng định ngay đó là nhân tài. Có chăng, bài báo nói tạm được ra cái ý, rằng, tuy có chế độ đãi ngộ, tuyển dụng sinh viên giỏi nhưng việc làm (tuyển dụng) đã không được như lời nói (thông báo về chế độ đãi ngộ trước đây).

Nếu nhìn vào cả hệ thống thì thấy rằng, đó chỉ là hiện tượng rất nhỏ, chưa đủ nói lên thực tế dùng người ở nước ta hiện nay được. Nếu như ở các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…thì việc sử dụng người có trình độ, năng lực giỏi là một lẽ đương nhiên để các doanh nghiệp đó phát triển. Vì rằng, đó là tiền của, tài sản của cá nhân người ta bỏ ra thì người chủ doanh nghiệp, chủ đầu tư phải cầu người giỏi giang về để làm việc, quán xuyến công việc. Nhưng ở khu vực hành chính nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước …thì thực trạng dùng người, chưa nói là những người hiền tài, có khả năng đóng góp sức lực, trí tuệ cho các chính sách lớn của nhà nước, mà mới dừng ở mức là nhân sự giỏi, có trình độ, kỹ năng cao, tay nghề khá…như thế nào thì ai cũng đã biết rồi. Thế cho nên mới có câu chuyện là “cháy máu chất xám” sang các khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài…Cứ chảy qua chảy lại vậy thì cũng chẳng sao. Đằng nào cũng là ở VN cả, doanh nghiệp tư có người tài mà lớn mạnh lên, doanh nghiệp công mà teo tóp đi thì cũng không hẳn là xấu. Vì đằng nào thì doanh nghiệp nào ở ta, ta cũng thu thuế cả.

Cái vấn đề chính là những người hiền tài có khả năng đóng góp trí tuệ, tâm huyết của mình để đóng góp, xây dựng cho các đường lối, chính sách phát triển của nhà nước hiện nay thì có thực được trọng dụng, lắng nghe hay không. Cho dù nguồn nhân lực ở các doanh nghiệp nào có dồi dào hơn mà các chính sách xây dựng lên từ các bộ, ngành, rồi được Chính phủ chuẩn y để thực hiện mà dở thì nền kinh tế cũng khó mà phát triển được. Lâu nay, với sự đóng góp lớn của đội ngũ hiền tài, trí thức qua nhiều thời kỳ, nhất là thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay, kinh tế mới được thay ra đổi thịt một chút. Trong các cuốn sách viết về đổi mới của các ông: Đặng Phong, Đào Xuân Sâm.. đã nói lên rất nhiều đóng góp của đội ngũ trí thức trong các nhóm gọi là “think tank” (bể chứa những ý tưởng, bể chứa tư duy) cho công cuộc đổi mới ấy. Bởi thế mà kinh tế mới tạm có được cái bộ mặt có chút sinh khí như ngày nay và ngay cơ quan Đảng cũng phải ghi nhận công lao và có cả nghị quyết để kêu gọi đội ngũ trí thức ấy nỗ lực hơn nữa cho cái công cuộc gọi là CNH, HĐH.

Nhưng nếu mà nhân tài, hiền sĩ ngày nay mà thực sự được trân trọng đúng mức thì nước mình cũng chẳng đến nỗi trì trệ như thế. Đừng có tưởng rằng cứ tăng trưởng được dăm, sáu phần % một năm, có boeing đem làm chuyên cơ bay nhảy, có ks 5 sao mọc lung tung, xe con làm tắc nghẽn vài đoạn đường ..rồi được vào WTO, rồi làm chủ tịch tổ chức nọ kia…mà bảo rằng đã khá lắm rồi. Cái khá ấy là khá hơn thời bao cấp chút thôi các bố ạ. Chư bây giờ, chắc gì như thế là đã khá hơn hẳn Campuchia hay Lào ? Hãy thử sang Campuchia mà coi, họ có nhiều cái sướng hơn ta đấy. Ví dụ như là giá cả rất rẻ, xe con độ 10.000 USD là mua được một con đẹp long lanh, môi trường trong lành, đường xá rộng rãi…XH có vẻ rất trật tự. Còn ở ta thì sao: tăng trưởng thì có tăng nhưng giá cả thì có lúc lạm phát 24-25%, năm nay may giảm còn khoảng 7%…, lương, thu nhập đã thấp (năm 1985 thu nhập bình quân của dân Việt Nam đứng thứ 139 trên thế giới và 25 năm sau, năm 2009, vẫn đứng thứ 139), có tăng cũng không đáng kể thì về cơ bản đa số nghèo đi chứ cải thiện gì chứ ? Đường xá thì tắc nghẹt, giáo dục thì khủng hoảng nên nhà nhà, có tiền là đua nhau gửi con em học nước ngoài. Môi trường không khí, thực phẩm…thì tồi tệ quá rồi, khỏi nói nữa. Đời sống tinh thần thì nghèo nàn quá đỗi: báo chí đọc nhàm chán, chẳng hay bằng mấy cái blog cá nhân, văn học lâu lắm chẳng có tác phẩm gì ra hồn, tivi toàn trình , chiếu mấy thứ của nợ, quay đi quay lại…

Mọi thứ đều cho thấy là cần phải có cải tổ toàn diện vì dường như mọi thứ đang vào thế mà mấy ông hay chữ, biết xem tử vi gọi là “cùng tắc biến”. Nhưng nào đã thấy biến ? Chính lúc này, những người tài cán, trí thức giỏi giang nhất của đất nước phải chăng đang được trọng dụng, đang được vô tư đóng góp ý kiến, được lắng nghe để có những chính sách lớn, đúng để Việt Nam vượt qua được mấy đận khốn khó, mở mặt ra với lân bang ?. Tôi không tin khi mấy ông, bà mà tôi nghĩ là tài năng, tri thức, phẩm cách…mà ai cũng đã thừa nhận đáng làm thầy của thiên hạ như các ông: Phan Đình Diệu, Lê Đăng Doanh, Chu Hảo…vừa rồi phải rời bỏ cái tổ chức mà họ mất bao tâm huyết, công sức tham gia xây dựng lên và từ đây, những ý kiến của họ cho chính sách này, chính sách kia, dễ gì được lắng nghe. Trọng dụng nhân tài kiều gì mà để có người ta nói, có chính sách như: ….gông cùm cho trí tuệ và khoa học thì thật bó tay với mấy ông rồi đó. Thấy dở mà không biết thừa nhận sai lầm mà sữa chữa, cố ý bưng mắt bắt tai. Đó có phải cách nghĩ, cách làm của người có học ?

Trước lúc viết bài này, có ngẫu nhiên vớ quyển “Đại việt Thông sử” của ông Lê Quý Đôn trên giá sách ra đọc lại càng thấy làm cám cảnh cho thời nay. Trong quyển này có nhiều đoạn viết về chuyện dùng nhân tài trong các triều đại xưa. Ông Lê Quý Đôn viết, Lê Lợi, trong thời kỳ quẫn bách nhất, bị quân Minh vây hãm, có thể bị bắt, bị giết bất cứ lúc nào vẫn không ngừng tuyển mộ người có tài năng, mưu lược để làm đội ngũ cố vấn, tham mưu cho mình (nó giống như cái mà ngày nay ta gọi là think tank đấy) cho nên bên cạnh ông mới có những bậc hùng tài, thao lược như Nguyễn Trãi, NGuyễn Xí, Lê Triết, Lê Triệt… Tháng 2 năm 1427, khi quân tàu (Minh) đang mạnh thế, Lê Lợi còn lệnh cho các lộ quân phải tiến cử người hiền tài, “nếu trong địa hạt có người tài mà không tiến cử sẽ bị giáng chức và cách chức”. Đến khi giành được độc lập, năm 1429, Lê Lợi lại càng coi trọng việc sử dụng hiền tài. Chiếu cầu hiền nổi tiếng trong lịch sử đã ra đời năm ấy, có một đoạn như sau: ” “Nay trẫm vâng chịu trách nhiệm nặng nề, sớm khuya lo sợ, như gần vực sâu, chính vì cần người hiền giúp việc mà chưa được người. Vậy hạ lệnh cho các văn võ đại thần, công hầu, đại phu, từ tam phẩm trở lên, mỗi người được cử một người, hoặc ở triều đình, hoặc ở thôn dã, bất cứ là đã xuất sĩ hay chưa, nếu có tài văn võ, có thể trị dân coi quân, trẫm sẽ tuỳ tài trao chức”.

Không chỉ có Lê Lợi lúc nào cũng canh cánh tìm người tài giúp rập mà nhiều triều vua xưa: Lê Thánh Tông, Lý Thái Tổ, Trần Thái Tông…đều nổi tiếng là các ông vua trọng người tài. Triều Nguyễn về sau nhờ biết dùng những người như Đào Duy Từ mà từ yếu thế sau cũng hùng cứ một phương với nhà Trịnh, mở mang đất Việt để mà ngày nay ta có các tỉnh Đông, Tây Nam Bộ. Nhìn chung, việc trọng dụng nhân tài luôn gắn liền với sự hưng vong của mỗi triều đại Việt Nam từ xưa đến nay. Triều đại nào biết sử dụng nhân tài, cầu người hiền như khát nước thì triều đó thịnh trị. Còn triều nào có những vị vua quay lưng với các bậc trí giả, ngồi xổm lên dư luận, chặn cửa hiền tài chỉ biết nghe lời xu nịnh mà cự tuyệt hiền sĩ, cự tuyệt lời nói trung thì sớm muộn sẽ phải suy vong. Như Lê Long Đĩnh bạo ngược dóc mía trên đầu sư (Ngày xưa giới sư sãi cũng được coi là trí thức)…chẳng bao lâu gặp phải hoạ sát thân mà cũng kết thúc luôn cho triều đại nhà Lê. Hầu hết các triều vua giỏi thì chức gián quan, ngự sự (chuyên can gián vua, tìm ra lỗi các quan trong triều) càng được trọng dụng. Người bày mưu, tính kế, có tài an bang tế thế luôn được coi trọng hơn đám quan võ, dũng tướng…Hầu như ở triều nào xưa cũng có chế độ tuyển dụng, bổ nhiệm người tài nghiêm ngặt. Thế nên câu: “hiền tài là nguyên khí quốc gia” vẫn treo trang trọng ở Văn Miếu Quốc tử giám nay vẫn được muôn người nghiêng mình trân trọng (vì nó đúng cho mọi thời đại) mỗi khi ra vào thăm viếng là vì vậy.

Nhìn sang ngay cả thằng hàng xóm đáng ghét của ta, các triều đại nhà nó hưng vong cũng vì sử dụng hiền tài, trí thức cả. Kìa Tần Thủy Hoàng đốt sách, chôn nho…nên đế chế nhà Tần phải suy tàn. Hạng Vũ trăm trận trăm thắng nhưng chỉ có một người tài (Phạm Tăng) phò tá cũng không biết dùng nên bị đại bại ở Cai Hạ bởi một Hán Vương Lưu Bang biết trân trọng, sử dụng hiền sĩ. Thời nhà Đường, Đường Huyền tông Lý Thế Dân nhiều phen bị gián quan Nguỵ Trinh chỉ trích cho tối tăm, mặt mũi nhưng ông vẫn lắng nghe trân trọng cho nên triều Đường, với những vị vua, quan như vậy đã trở lên một triều đại phong kiến huy hoàng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Thời nhà Tấn, có những viên quan vì vua còn nhổ cả vào mặt vua mà Vua còn không giận, nghe theo mà sửa chữa lỗi lầm.

Nay trong các bộ, ngành của ta, đã từng có vị bộ trưởng, thứ trưởng nào vì có ý kiến khác để can gián, không theo một chính sách, chủ trương nào đó chưa hợp lý của Nhà nước mà từ chức, bỏ việc chưa? Hình như chưa. Nhưng có phải tất cả chính sách lớn nào đưa ra cũng đúng đắn không? chưa chắc!

Cho nên, ngày nay mà cũng trọng được hiền tài như người xưa thì đỡ lắm. Nước ta mới có cơ trở thành cường quốc trong khu vực, như hồi xưa: khi nước ta cường thịnh trong các thời Lý, Trần, Lê…thì mấy nước: Siêm (Thái), Ai Lao (Lào), các nước ASEAN khác..có là gì. Ngay cả Trung Quốc, hồi đó, nhiều phen cũng phải khiếp vía (như thời Lý Thường Kiệt đem quân sang đánh phá tan nát thành Ung Châu bên xứ nó). Chứ còn ngăn chặn lời nói hay, góp ý thẳng, chỉ có một đám ngồi bưng mắt, bưng tai với nhau để tưởng rằng đang thời thái bình, kinh tế đi lên mà tận hưởng, uống rượu ngon, chén gái đẹp…vui vầy với nhau thì nguy cơ suy vong sẽ cận kề ngay đó. Cũng đừng có nghĩ là bên cạnh mình có một vài tay cũng có trình độ, giỏi giang, có tiếng trong xã hội mà thấy đã là đủ còn ngoài ra là cỏ rác cả. Đại trí thức thì cũng có lúc đúng, có lúc sai. Chỉ biết có nghe lời một vài người mà không biết có lúc họ nói linh tinh thì sao tránh khỏi có lúc việc làm của mình trở lên hồ đồ. Những người đứng đầu thiên hạ mà được thiên hạ kính trọng lâu nay đều là những người khoáng đạt, đầu óc mở mang, lắng nghe, thu nhận nhân tài 4 phương …
Nay may còn có một số người dám nói chỗ này chỗ kia, có nhiều ý kiến thực sự có thành ý xây dựng thì đó vẫn còn là điều mừng. Nếu còn biết nghe thì còn tốt, bằng không để cho tất cả mọi người chán lên tận cổ không thèm nói nữa thì hãy đợi đấy. Không được yên hưởng thế mãi đâu.

Ngẫm lại thời xưa, trông cho đến nay, không thể không thở dài vậy !



No comments: