Wednesday, October 14, 2009

DÂN CHỦ HOÁ Ở CÁC NƯỚC DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO (2)


Dân chủ hóa ở các nước diễn ra như thế nào [2]
Samuel P. Huntington
Dịch giả: Vương Thiện

Đăng ngày 06.10.09
http://danchimviet.com/articles/1549/1/Dan-ch-hoa--cac-nc-din-ra-nh-th-nao-2/Page1.html

QUÁ TRÌNH CHUYỂN TIẾP

Chuyển tiếp trong làn sóng thứ ba là những quá trình chính trị phức tạp liên quan một số các nhóm đấu tranh cho quyền lực và ủng hộ và chống đối dân chủ và các mục tiêu khác. Về thái độ của họ đối với dân chủ hóa, những thành phần tham gia tối quan trọng trong quá trình chuyển tiếp là những nhà chính trị bảo thủ, người cải cách tự do, và những người cải cách dân chủ trong liên minh cầm quyền, và những người có quan điểm ôn hòa dân chủ và những người cực đoan cách mạng trong phe đối lập. Trong hệ thống độc tài không phải cộng sản, những nhà chính trị bảo thủ trong chính phủ thường được coi là những người thuộc phe cánh hữu, phát-xít và những người theo chủ nghĩa dân tộc. Những người chống đối lại dân chủ hóa ở phe đối lập thường là những người thuộc phe cánh tả, cách mạng và Mác-xít – Lênin-nít. Những người ủng hộ dân chủ trong cả chính phủ và phe đối lập có thể được xem như chiếm lĩnh những vị trí ở giữa của trục tả-hữu. Trong hệ thống cộng sản, tả và hữu ít rõ ràng hơn. Những nhà chính trị bảo thủ thường được coi như theo trường phái Stalinít hoặc Brê-dơ-nhép-nít. Trong nội bộ phe đối lập, những thành phần cực đoan chống đối lại dân chủ không phải là những người thuộc phe cánh tả cách mạng nhưng những nhóm theo chủ nghĩa dân tộc thì lại thường được xem như thuộc phe cánh hữu.

Các nhóm chính trị trong quá trình dân chủ hoá
http://danchimviet.com/content_images/2/bang1.jpg

Trong liên minh cầm quyền, một số nhóm thường ủng hộ dân chủ hóa, trong khi một số khác lại phản đối, và số khác nữa ủng hộ cải cách hoặc tự do hóa hạn chế (xem hình trên). Các thái độ chống dân chủ cũng thường phân tán tương tự. Những kẻ ủng hộ nền độc tài đang tồn tại luôn luôn phản đối dân chủ, những kẻ chống đối lại chế độ độc tài đó thì lại thường cũng chống đối dân chủ. Tuy vậy, hầu như luôn luôn lúc nào cũng thế, những nhóm người này dùng cái hoa mỹ của dân chủ trong những cố gắng của mình để thay thế chế độ độc tài hiện thời bằng chế độ của riêng họ. Những nhóm tham gia vào những vấn đề chính trị dân chủ hóa do đó có cả những mục tiêu trái ngược và chung nhau. Những nhà cải cách và những nhà chính trị bảo thủ chia rẽ nhau ở điểm tự do hóa và dân chủ hóa, nhưng có thể có chung một mối quan tâm trong việc hạn chế quyền lực của các nhóm đối lập. Những người mang thái độ ôn hòa và những kẻ cực đoan lại có chung một mối quan tâm trong việc tạo ra dân chủ nhưng cũng thường bị phân rẽ về vấn đề chi phí của hoạt động này nên được phân chia chịu trách nhiệm như thế nào và quyền lực trong khuôn khổ của dân chủ sẽ nên phải được chia nhỏ ra như thế nào. Những nhà bảo thủ chính trị và những kẻ cực đoan hoàn toàn trái ngược nhau trong vấn đề ai nên lãnh đạo nhưng lại có quyền lợi chung trong việc làm suy yếu các nhóm dân chủ tại trung tâm và trong việc làm phân cực chính trị trong xã hội.
Thái độ và mục tiêu của từng cá nhân và nhóm cụ thể đôi khi cũng thay đổi trong quá trình dân chủ hóa. Nếu dân chủ hóa không đem đến bất cứ mối nguy hiểm nào mà họ e sợ, những người trước đó là những nhà cải cách tự do hoặc thậm chí là những nhà chính trị bảo thủ cũng sẽ đi đến việc chấp nhận dân chủ. Tương tự, tham gia vào các quá trình dân chủ hóa cũng có thể đưa thành viên của các nhóm đối lập cực đoan tới chỗ giảm nhẹ các xu hướng mang tính cách mạng và chấp nhận những trở ngại và cơ hội mà dân chủ đem lại.
Quyền lực tương đối của các nhóm định hình bản chất của quá trình dân chủ hóa và thường thay đổi trong quá trình đó. Nếu những nhà chính trị bảo thủ chi phối chính phủ và những người cực đoan ở phía đối lập, thì dân chủ hóa là không thể ở chỗ khi kẻ độc tài cánh hữu quyết tâm bám giữ quyền lực trong khi nhóm đối lập đối đầu lại bị chi phối bởi những nhà chính trị theo chủ nghĩa Mác-xít – Lê-nin-nít. Tất nhiên, chuyển đổi sang dân chủ được tạo thuận lợi nếu các nhóm ủng hộ dân chủ có ưu thế hơn cả trong chính phủ và ở phe đối lập. Sự khác biệt về quyền lực giữa những nhà cải cách và những nhà chính trị ôn hòa, tuy nhiên, lại định hình việc quá trình dân chủ hóa diễn ra như thế nào. Năm 1976 chẳng hạn, phe đối lập ở Tây Ban Nha đã yêu cầu một “sự thay đổi dân chủ” hoàn toàn hay sự tuyệt giao (ruptura) với di sản chính trị từ thời Franco và tạo ra một chính phủ lâm thời và hội đồng lập hiến để đề ra một trật tự hiến pháp mới.Tuy nhiên, Adolfo Suárez khi đó đủ mạnh để đẩy lui điều này và xây dựng cách vận hành dân chủ hóa thông qua cơ cấu hiến pháp hiện có từ thời Franco. Nếu các nhóm dân chủ mạnh ở phía đối lập nhưng không mạnh ở chính phủ, dân chủ hóa phụ thuộc vào các sự kiện làm suy yếu chính phủ hiện thời và đưa phe đối lập lên nắm quyền lực. Nếu các nhóm dân chủ chi phối trong liên minh cầm quyền, nỗ lực dân chủ hóa có thể bị đe dọa bởi bạo lực từ những cuộc nổi dậy và bởi sự gia tăng một cách dữ dội quyền lực của các nhóm chính trị bảo thủ có khả năng dẫn đến đảo chính.
Ba mối tương tác có tính quyết định trong các quá trình dân chủ hóa là giữa chính phủ và phe đối lập, giữa những nhà cải cách và những nhà chính trị bảo thủ trong liên minh cầm quyền, và giữa những kẻ ôn hòa và những kẻ cực đoan trong phe đối lập. Trong tất cả các chuyển đổi, ba mối tương tác trọng yếu này có vai trò nhất định. Tuy nhiên, tầm quan trọng tương đối và đặc tính xung đột hoặc hợp tác của những mối tương tác này lại khác với bản chất tổng thể của quá trình chuyển tiếp. Trong các quá trình chuyển đổi, mối tương tác giữa những nhà cải cách và những nhà chính trị bảo thủ trong nội bộ liên minh cầm quyền đóng tầm quan trọng trung tâm; và quá trình chuyển đổi chỉ xuất hiện nếu những nhà cải cách mạnh hơn những nhà chính trị bảo thủ, nếu chính phủ mạnh hơn phe đối lập, và nếu những người ôn hòa mạnh hơn những người cực đoan. Nếu chuyển đổi tiếp tục, những người ôn hòa thuộc phe đối lập thường được kết nạp vào liên minh cầm quyền trong khi những nhóm của các nhà chính trị bảo thủ phản đối dân chủ hóa lại rời bỏ liên minh này. Thay vào đó, các mối tương tác giữa chính phủ và phe đối lập và giữa những người ôn hòa và những người cực đoan là quan trọng; phe đối lập dần dần phải mạnh hơn chính phủ, và những người ôn hòa phải mạnh hơn những người cực đoan. Sự rời bỏ tiếp theo của các nhóm thường dẫn đến sự suy sụp của chế độ và khởi đầu của chế độ dân chủ. Trong các quá trình chuyển dịch, mối tương tác trung tâm là giữa những nhà cải cách và những nhà ôn hòa thường rất không bình đẳng về quyền lực, với mỗi nhóm đều có khả năng chi phối các nhóm phản đối dân chủ về phía mình trên ranh giới giữa chính phủ và phe đối lập. Trong một vài quá trình chuyển dịch, chính phủ và các nhóm đối lập cũ thống nhất được với nhau ít nhất ở việc phân chia quyền lực tạm thời.

CHUYỂN ĐỔI
Trong chuyển đổi, những kẻ cầm quyền trong chế độ độc tài dẫn đầu và đóng vai trò quyết định trong việc kết thúc chế độ đó và thay đổi nó thành một hệ thống dân chủ. Ranh giới giữa quá trình chuyển đổi và quá trình chuyển dịch thường mờ nhạt và nhiều trường hợp có thể phân loại vào hoặc nhóm này hoặc nhóm kia. Tuy nhiên, tổng thể các chuyển đổi thường chiếm khoảng 16 trong tổng số 35 trường hợp chuyển tiếp thuộc làn sóng thứ ba đã xuất hiện hoặc đang xảy ra vào cuối thập kỷ 1980. Mười sáu trường hợp của tự do hóa hoặc dân chủ hóa này bao gồm những thay đổi từ 5 hệ thống một đảng, ba chế độ độc tài, và tám chế độ quân sự. Chuyển đổi cần chính phủ mạnh hơn phe đối lập. Do đó, chuyển đổi diễn ra ở những chế độ quân sự có tổ chức tốt nơi mà chính phủ rõ ràng kiểm soát những phương tiện áp chế cơ bản đối với phe đối lập và/hoặc đốiv với các hệ thống độc tài đã thành công trước đó về mặt kinh tế, như Tây Ban Nha, Brazil, Mê-hi-cô và so sánh với các nhà nước cộng sản, như Hungary. Lãnh đạo của những nước này có quyền lực để dịch chuyển đất nước của mình đến dân chủ nếu họ muốn vậy. Trong mọi trường hợp phe đối lập thường yếu hơn chính phủ một cách rõ rệt, ít nhất là vào giai đoạn đầu của quá trình. Tại Brazil chẳng hạn, đúng như Alfred Stepan đã chỉ ra, khi “tự do hóa bắt đầu, không có một đối lập chính trị đáng kể nào, không có khủng hoảng kinh tế, và không có sự sụp đổ của cơ cấu bộ máy cai trị cưỡng bức do thất bại trong chiến tranh.” Tại Brazil và ở nơi khác, người ở vị trí tốt nhất để kết thúc chế độ độc tài chính là lãnh đạo của chế độ đó – và quả là họ đã làm đúng như vậy.
Những trường hợp đầu tiên của chuyển đổi bao gồm Tây Ban Nha, Brazil và trong số các chế độ cộng sản, Hungary. Trường hợp quan trọng nhất, nếu cụ thể hóa, sẽ là trường hợp của Liên Bang Sôviết. Chuyển tiếp của Brazil là “tự do từ trên xuống” hay “tự do hóa khởi xướng từ chính chế độ.” Tại Tây Ban Nha, “đã là một câu hỏi về các thành phần mang tính cải cách liên quan đến độc tài đương nhiệm, khởi xướng các quá trình thay đổi chính trị từ ngay bên trong chế độ đã được thiết lập đó.” Tuy thê, hai chuyển tiếp này lại rất khác nhau ở khoảng thời gian mà chúng tồn tại. Ở Tây Ban Nha là ít hơn 3 năm rưỡi kể từ sau cái chết của Franco, một thủ tướng theo đường lối dân chủ hóa đã thay thế một thủ tướng theo đường lối tự do hóa, pháp luật của Franco đã bỏ phiếu kết thúc chính chế độ đó, cải cách chính trị đã được xác nhận và chứng thực thông qua một cuộc trưng cầu dân ý, các đảng phái chính trị (bao gồm cả đảng Cộng sản) được hợp pháp hóa, một hội đồng mới được bầu ra, một hiến pháp dân chủ được soạn thảo và thông qua thông qua trưng cầu dân ý, các diễn viên chính trị chính đạt được thỏa thuận về chính sách kinh tế, và các cuộc bầu cử quốc hội được tiến hành theo hiến pháp mới. Luôn có tin đưa là Adolfo Suárez nói với nội các của ông là “chiến lược của ông sẽ dựa trên tốc độ. Ông ta sẽ giữ vị trí đi đầu trong trò chơi này bằng việc giới thiệu các biện pháp cụ thể nhanh hơn những kẻ cố duy trì thiết lập từ thời kỳ Franco có thể phản ứng lại chúng.” Tuy thế, trong khi các cuộc cải tổ diễn ra dồn dập trong một khoảng thời gian ngắn, chúng cũng diễn ra một cách tuần tự. Do đó, cũng có ý kiến cho rằng “Bằng việc sắp xếp đan xen các cuộc cải cách, Suárez đã tránh được việc gây ra những phản đối từ quá nhiều ngành của chế độ Franco cùng một lúc. Một tập hợp cuối cùng của các cuộc cải tổ dân chủ đã khơi ra sự thù địch công khai từ giới quân đội và những kẻ kiên định khác thuộc chế độ cũ của Franco, nhưng Tổng thống [Suárez] đã đạt được một sức đẩy và ủng hộ rất lớn.” Trên thực tế sau đó, Suárez đã thực hiện một phiên bản có tính nén cao của chủ nghĩa Kemalist “chiến lược Fa-biên (trì hoãn), chiến thuật chớp nhoáng”, làm một đặc điểm của cải cách.
Ngược lại, ở Brazil, Tổng thống Ernesto Geisel tin tưởng rằng thay đổi chính trị sẽ phải “từ từ, chậm và chắc.”Quá trình bắt đầu từ cuối chính quyền của Médici năm 1973, tiếp diễn qua các thời kỳ chính quyền của Geisel và Figueiredo, nhảy thẳng lên việc thiết lập một chính quyền với tổng thống dân sự năm 1985, và lên đến cực điểm bằng việc thông qua hiến pháp mới năm 1988 và cuộc tổng tuyển cử bầu ra tổng thống năm 1989. Những phong trào do chế độ phát động hướng tới dân chủ hóa thường được đặt rải rác với những hành động được tiến hành nhằm trấn an những kẻ kiên định lập trường trong quân đội và ở những nơi khác. Thực tế là Tổng thống Geisel và Figueiredo thực hiện chính sách 2 bước tiến 1 bước lùi. Kết quả là dân chủ hóa dần dần mà trong đó sự kiểm soát của chính phủ đối với quá trình chưa bao giờ thực sự bị thách thức. Năm 1973, Brazil có một độc tài quân sự hà khắc; năm 1989, đất nước này đã là một nền dân chủ đầy đủ. Theo thông lệ cho đến tận bây giờ, dân chủ tại Brazil được coi là bắt đầu vào tháng một năm 1985 khi một tổng thống dân sự được chọn ra trong bầu cử. Nhưng trên thực tế, không có một sự xác định rõ ràng như vậy; sự đặc biệt của chuyển đổi ở Brazil là ở chỗ gần như không thể nói vào thời điểm nào Brazil chấm dứt là một chế độ độc tài và trở thành một nền dân chủ. Tây Ban Nha và Brazil đều là những ví dụ điển hình của thay đổi từ trên xuống, và trường hợp của Tây Ban Nha chẳng hạn đã trở thành mẫu hình cho các quá trình dân chủ hóa sau đó tại Châu Mỹ latinh và Đông Âu. Chẳng hạn như vào năm 1988 và 1989, lãnh đạo Hungary đã tham vấn liên tục với các lãnh đạo Tây Ban Nha về việc làm thế nào để giới thiệu dân chủ vào, và vào tháng Tư năm 1989 một phái đoàn từ Tây Ban Nha đã đến Budapest để cho lời khuyên. Sáu tháng sau đó một bình luận viên đã chỉ ra những điểm tương đồng trong hai quá trình chuyển tiếp này:
Những năm cuối cùng của kỷ nguyên Kadar giống với chủ nghĩa độc đoán thuần túy của chế độ độc tài đang suy tàn của Franco. Imre Pozsgay đóng vai của Hoàng tử Juan Carlos trong sự so sánh này. Ông là biểu tượng đảm bảo sự tiếp tục ở giữa của sự thay đổi triệt để. Giới chuyên gia kinh tế có đầu óc tự do có các mối liên lạc với thiết chế cũ và giới doanh nghiệp mới lên tạo nên giới kỹ trị ưu tú cho quá trình chuyển tiếp, cũng giống như giới quý tộc mới gắn với Opus Dei ở Tây Ban Nha. Các đảng đối lập cũng hiện ra tương tự, nổi lên từ các hoạt động bí mật rất giống như cách giới lưu vong Tây Ban Nha đã làm khi có đủ an toàn để giới này lộ diện. Và cũng giống nhơ ở Tây Ban Nha, ở Hungary những kẻ cơ hội – ôn hòa trong phong cách, dân chủ triệt để trong nội dung – đóng vai trò trọng yếu trong việc tái thiết dân chủ.Những chuyển đổi của làn sóng lần thứ ba thường nổi lên qua 5 giai đoạn chính, trong đó 4 giai đoạn xuất hiện ngay trong hệ thống độc đoán.
Sự nổi lên của các nhà cải cách. Bước đầu tiên là sự nổi lên của một nhóm các nhà lãnh đạo hay các nhà lãnh đạo tiềm năng trong nội bộ chế độ độc đoán, những người cho rằng phong trào đi theo hướng dân chủ là đáng mong muốn hoặc cần thiết. Tại sao họ lại kết luận như vậy? Những lý do tại sao con người trở thành những nhà cải cách dân chủ rất đa dạng từ đất nước này sang đất nước khác và hiếm khi rõ ràng. Tuy nhiên, có thể nhóm thành 5 dạng như sau. Thứ nhất, những nhà cải cách thường kết luận là chi phí ở lại nắm giữ quyền lực – ví dụ như chính trị hóa lực lượng vũ trang, phân chia liên minh đã luôn ủng hộ họ, vật lộn với những vấn đề tưởng chừng như không thể giải quyết được (thường là kinh tế), và đàn áp ngày càng tăng – đã đạt tới điểm mà việc rút lui thanh thản khỏi quyền lực là đáng mong muốn. Các nhà lãnh đạo của các chế độ quân sự thường đặc biệt nhạy cảm với những tác động có tính chất ăn mòn của sự can thiệp chính trị đối với vấn đề thống nhất, chuyên nghiệp, tính cố kết, và cấu trúc chỉ huy của quân đội. Dẫn dắt Pê-ru tới nền dân chủ, tướng Morales Bermudez nhận thấy “Tất cả chúng tôi, dù trực tiếp hay gián tiếp, đều đã là những chứng nhân cho những gì diễn ra cho cái thể chế chính yếu này đối với quê hương mình, và cũng với cùng một kiểu như vậy đối với các thể chế khác. Và chúng tôi không muốn điều đó.” Trong cùng một kiểu như thế, tướng Fernando Matthei, chỉ huy trưởng của lực lượng không quân Chi-lê, đã cảnh báo rằng “Nếu quá trình chuyển đổi sang dân chủ không được khởi xướng đúng lúc, chúng ta sẽ hủy hoại các lực lượng vũ trang theo một cách mà không một sự thâm nhập Mác-xít nào có thể làm được.”
Thứ hai, trong một vài trường hợp, những nhà cải cách mong muốn giảm những rủi ro mà họ phải đối mặt nếu họ cố giữ quyền lực và sau đó dần dần để mất nó. Nếu phe đối lập tỏ ra đang giành được thế mạnh, sắp xếp cho một quá trình chuyển sang dân chủ là một cách để đạt được điều này. Rốt cuộc thì rủi ro mất văn phòng vẫn hơn là rủi ro mất tính mạng. Thứ ba, trong một vài trường hợp, trong đó có Ấn Độ, Chi-lê và Thổ Nhĩ Kỳ, những nhà lãnh đạo độc tài lại tin rằng họ hoặc các đồng sự của họ sẽ không để mất văn phòng. Đã cam kết củng cố lại các thể chế dân chủ và phải đối mặt với sự suy giảm về tính hợp pháp và ủng hộ, những kẻ thống trị này có thể có khát khao nỗ lực làm hồi phục tính hợp pháp của họ bằng việc tổ chức các cuộc bầu cử với hy vọng rằng cử tri sẽ tiếp tục duy trì họ ở ghế quyền lực. Hy vọng này thường là sai lầm. Thứ tư, những nhà cải cách thường tin tưởng rằng dân chủ hóa sẽ tạo ra lợi ích cho đất nước của chính họ: làm tăng tính hợp pháp của nó trên trường quốc tế, giảm các lệnh cấm vận của Mỹ hoặc của các nước khác lên chế độ của họ, và mở cửa cho trợ giúp kinh tế và quân sự, các khoản vay của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), những lời mời tới Washington, và được tham gia các cuộc gặp gỡ quốc tế mà các nhà lãnh đạo của khối đồng minh phương Tây thống trị.
Cuối cùng, trong nhiều trường hợp như của Tây Ban Nha, Brazil, Hungary và Thổ Nhỹ Kỳ và một vài chế độ quân đội khác, các nhà cải cách tin tưởng rằng dân chủ là hình thức “đúng đắn” của chính phủ và rằng đất nước họ đã tiến triển đến một điểm mà, giống như các nước phát triển và được tôn trọng khác, đất nước họ cũng phải có một chế độ chính trị dân chủ.
Các nhà cải cách tự do có xu hướng nhìn tự do hóa như một cách xoa dịu sự phản đối chế độ của họ mà không thực hiện dân chủ hóa hoàn toàn chế độ đó. Họ sẽ đàn áp ở mức độ phải chăng hơn, thiết lập lại một vài quyền tự do dân sự, giảm kiểm duyệt, cho phép thảo luận rộng rãi hơn các vấn đề công, và cho phép xã hội dân sự - hiệp đoàn, nhà thờ, hội, tổ chức doanh nghiệp – phạm vi lớn hơn để tiến hành các công việc của mình. Tuy vậy, những nhà tự do lại không mong tiến hành những cuộc bầu cử mang tính cạnh tranh mang tính tham gia đầy đủ vì những cuộc bầu cử như vậy có thể sẽ dẫn đến việc các nhà lãnh đạo đương nhiệm phải mất quyền lực. Họ muốn tạo ra một chế độ chuyên chế tử tế hơn, nhẹ nhàng hơn, an toàn và ổn định hơn mà không phải thay đổi về cơ bản bản chất của chế độ của họ. Một vài nhà cải cách bản thân họ rõ ràng cũng không chắc chắn lắm họ muốn đi xa tới đâu trong việc mở toang nền chính trị của đất nước mình. Thỉnh thoảng rõ ràng là họ cũng cảm thấy cần phải che đậy các ý đồ của họ: các nhà dân chủ hóa có xu hướng trấn an những nhà chính trị bảo thủ bằng việc gây ra ấn tượng là họ chỉ đang làm tự do hóa mà thôi; những nhà tự do hóa lại cố giành được sự ủng hộ rộng rãi hơn bằng việc tạo ra ấn tượng là họ đang làm dân chủ hóa. Các cuộc tranh luận do vậy thường sôi sục lên xung quanh việc Geisel, Botha, Gorbachev và những người khác “thực sự” muốn đi xa đến đâu.
Sự nổi lên của các nhà tự do hóa và dân chủ hóa trong một hệ thống độc tài tạo ra một lực bậc một cho thay đổi chính trị. Tuy nhiên nó cũng có thể có một hiệu quả bậc hai. Đặc biệt trong các chế độ quân sự việc chia rẽ nhóm đang nắm quyền, chính trị hóa hơn nữa quân đội, và do đó dẫn tới việc nhiều sỹ quan hơn tin tưởng rằng “quân đội là chính phủ” phải chấm dứt để bảo toàn “quân đội là thể chế/tổ chức”. Cuộc tranh luận xung quanh việc nên hay không rút ra khỏi chính phủ tự bản thân nó đã trở thành một lý lẽ để rút ra khỏi chính quyền.
Giành quyền lực. Những nhà cải cách dân chủ không những phải tồn tại ngay trong chế độ chuyên chế độc tài mà họ còn phải ở trong bộ máy quyền lực của chế độ đó. Làm thế nào mà điều này có thể xảy ra? Trong ba trường hợp, những nhà lãnh đạo, người đã tạo ra chế độ chuyên chế điều khiển quá trình chuyển đổi sang dân chủ. Ở Ấn Độ và Thổ Nhỹ Kỳ, các chế độ chuyên chế được xác định ngay từ ban đầu là những gián đoạn của hình thức dân chủ chính thức. Các chế độ này tồn tại ngắn ngủi, kết thúc bằng các cuộc bầu cử được tổ chức bởi các nhà lãnh đạo độc tài trong một hy vọng lầm lạc là họ hay những ứng cử viên mà họ ủng hộ sẽ thắng trong những cuộc bầu cử này. Ở Chi-lê, tướng Pinochet thành lập ra chế độ của ông, nắm giữ quyền lực trong mười bảy năm, thiết lập một kế hoạch dài cho quá trình chuyển đổi sang dân chủ, thực hiện kế hoạch đó với hy vọng là cử tri sẽ bỏ phiếu cho ông tiếp tục ở cương vị cũ thêm tám năm nữa, và miễn cưỡng từ bỏ quyền lực khi cử tri thực tế không làm như vậy. Nếu không thì những người đã tạo ra các chế độ chuyên chế hoặc những người dẫn dắt những chế độ như vậy trong những khoảng thời gian rất dài không dẫn đầu trong việc chấm dứt những chế độ đó. Trong tất cả các trường hợp này, quá trình chuyển đổi xuất hiện vì những nhà cải cách thay thế những nhà chính trị bảo thủ nắm quyền.
Các nhà cải cách giành được quyền lực trong các chế độ chuyên chế theo ba cách. Thứ nhất, tại Tây Ban Nha và Đài Loan, những nhà lãnh đạo sáng lập và nắm quyền trong thời gian dài, Franco và Tưởng Giới Thạch (Chiang Kai-shek) chết. Những người kế nhiệm của họ, Juan Carlos và Chiang Ching-kuo, kế tục cái vỏ bọc bên ngoài, đáp ứng lại những thay đổi trọng yếu về xã hội và kinh tế đã diễn ra trong đất nước của họ, và bắt đầu quá trình dân chủ hóa. Ở Liên bang Xô Viết, cái chết của Leonid Brezhnev, Yuri Andropov, và Konstantine Chernenko chỉ trong vòng 3 năm đã cho phép Gorbachev lên nắm quyền. Về một nghĩa nào đó, Franco, Chiang, và Brezhnev đều chết đúng lúc; Đặng Tiểu Bình lại không như vậy.
Tại Brazil và Mê-hi-cô, chế độ chuyên chế tự bản thân nó đã đem đến thay đổi thường xuyên trong bộ phận lãnh đạo. Điều này làm cho việc giành lấy quyền lực của những nhà cải cách là có thể nhưng không cần thiết. Tại Brazil, có hai bè phái tồn tại trong giới quân đội. Sự đàn áp đạt tới đỉnh điểm vào giữa năm 1969 và 1972 trong nhiệm kỳ tổng thống của Tướng Emílio Médici, một người kiên định về lập trường. Trong một trận xung đột lớn trong nội bộ giới quân đội vào cuối nhiệm kỳ của ông này, một nhóm Sorbone mềm dẻo hơn về lập trường đã có thể đảm bảo được việc đề cử tướng Ernesto Geisel cho vị trí tổng thống, một phần vì anh trai của ông này là bộ trưởng chiến tranh. Được hướng dẫn bởi cộng sự chính của mình, Tướng Golbery do Couto e Silva, Geisel bắt đầu quá trình dân chủ hóa và hành động dứt khoát nhằm đảm bảo rằng ông sẽ đến lượt được kế tục vào năm 1978 trước một thành viên khác của nhóm Sorbonne, Tướng João Batista Figueiredo. Ở Mê-hi-cô, Tổng thống sắp mãn nhiệm José Lopez Portillo vào năm 1981 đã theo thông lệ chuẩn trong việc lựa chọn bộ trưởng tài chính và ngân sách của mình, Miguel de la Madrid, là người kế nhiệm. De la Madrid là một nhà tự do kinh tế và chính trị và, loại bỏ các ứng cử viên truyền thống và theo lối cũ hơn, đã chọn một nhà kỹ trị cải cách trẻ tuổi, Carlos Salinas, tiếp tục quá trình cởi mở này.
Ở những nơi mà các nhà lãnh đạo độc tài chưa chết và không thường xuyên thay đổi, các nhà cải cách dân chủ phải hất cẳng kẻ thống trị và thiết lập sự lãnh đạo tiền dân chủ. Trong các chính phủ quân đội, ngoại trừ Brazil, điều này đồng nghĩa với một cuộc lật đổ bằng đảo chính của một nhà lãnh đạo quân đội thay thế một nhà lãnh đạo quân đội khác: Morales Bermudez đã thay thế Juan Velasco ở Pêru; Alfredo Poveda thay thế Guillermo Rodríguez Lara ở Ecuador; Oscar Mejía thay thế Jose Rios Montt ở Guatemala; Murtala Muhammed thay thế Yacubu Gowon ở Nigeria. Trong chế độ một đảng như ở Hungary, các nhà cải cách đã huy động sức mạnh của họ và hạ bệ Janos Kadar kẻ thống trị lâu dài trong một hội nghị đặc biệt của đảng vào tháng 5/1988, thay thế ông này trong vị trí tổng bí thư bằng Karoly Grosz. Tuy nhiên, Grosz, lại chỉ là một nhà cải cách nửa vời, và một năm sau đó Ủy ban Trung ương Đảng đã thay thế ông ta bằng một đoàn chủ tịch gồm 4 người do những nhà cải cách chi phối. Vào tháng 10/1989 một trong số họ, Rezso Nyers, trở thành chủ tịch đảng. Ở Bulgaria vào mùa thu năm 1989, những nhà lãnh đạo đảng Cộng sản có tư tưởng cải cách đã hạ bệ Todor Zhivkov khỏi vị trí thống trị mà ông này đã nắm giữ trong suốt 35 năm. Những thay đổi trong sự lãnh đạo liên quan đến một vài các cuộc cải cách tự do hóa và dân chủ hóa được tóm tắt trong bảng dưới.
http://danchimviet.com/content_images/2/bang2.jpg

Sự thất bại của Tự do hóa. Một vấn đề quan trọng trong làn sóng thứ ba liên quan đến vai trò của các nhà cải cách tự do và sự ổn định của một chính thể chuyên chế đã được tự do hóa. Các nhà cải cách tự do những người kế tục những nhà lãnh đạo chính trị bảo thủ hóa ra lại thường là những nhân vật của quá trình chuyển đổi nhưng có quyền lực quá ngắn ngủi. Ở Đài Loan, Hungary, và Mê-hi-cô, những nhà tự do hóa thường nhanh chóng được kế tục bởi các nhà cải cách đi theo hướng dân chủ hóa nhiều hơn. Tại Brazil, mặc dù một vài nhà phân tích vẫn còn hồ nghi, có vẻ như khá có lý để thấy rõ ràng là Geisel và Golbery do Couto e Silva đã cam kết với dân chủ hóa thực chất ngay từ đầu. Thậm chí nếu họ chỉ có ý định tự do hóa hệ thống chuyên chế chứ không phải là thay thế hệ thống đó, João Figueiredo cũng vẫn đã mở rộng quá trình này thành quá trình dân chủ hóa. “Tôi phải làm cho đất nước này trở thành một nước dân chủ,” ông này đã nói như vậy năm 1978 trước khi nhậm chức, và ông quả là đã làm như vậy.
Tại Tây Ban Nha, Thủ tướng cứng rắn, Admiral Luis Carrero Blanco, bị ám sát tháng 12/1973, và Franco đã bổ nhiệm Carlos Arias Navarro kế tục cương vị thủ tướng. Arias là một nhà cải cách tự do kinh điển. Ông mong muốn sửa đổi chế độ của Franco nhằm duy trì chế độ đó. Trong một bài phát biểu nổi tiếng ngày 12 tháng 2 năm 1974, ông này đã đề nghị mở cửa và đề xuất một số các cải cách vừa phải bao gồm ví dụ như cho phép các đoàn thể chính trị hoạt động nhưng không phải là các đảng chính trị. Ông này “là một nhà bảo thủ và một kẻ ủng hộ Franco đến tận tim đến mức không thể thực hiện một quá trình dân chủ hóa chế độ một cách thực chất.” Những đề xuất cải cách của ông này đã bị phá hoại bởi những nhà chính trị bảo thủ của giới “boong-ke” trong đó có cả Franco; cùng lúc đó, những đề xuất này kích thích phe đối lập đưa ra yêu cầu cho một mở cửa rộng rãi hơn. Cuối cùng, Arias “làm mất uy tín về mở cửa chính xác như việc Luis Carrero Blanco đã làm mất uy tín về sự không dịch chuyển (cứng rắn).” Vào tháng 11/1975 Franco chết và Juan Carlos kế nhiệm là người đứng đầu nhà nước. Juan Carlos cam kết biến đổi Tây Ban Nha thành một nền dân chủ nghị viện thực sự theo kiểu Châu Âu, Arias chống cự lại sự thay đổi này, và vào tháng 7/1976 Juan Carlos thay thế ông này bằng Adolfo Suárez, người đã nhanh chóng tiến tới việc giới thiệu dân chủ vào Tây Ban Nha.
Quá trình chuyển đổi từ chế độ chuyên chế đã tự do hóa, tuy nhiên, lại cũng có thể bị tụt lùi cũng như tiến lên phía trước. Một mở cửa hạn chế có thể đem lại những mong chờ về thay đổi hơn nữa, điều có thể dẫn đến sự bất ổn định, chính biến và thậm chí bạo lực; khi đó, những mong muốn này có thể gây ra một phản ứng phản dân chủ và thay thế sự lãnh đạo tự do hóa bằng các lãnh đạo bảo thủ. Tại Hy Lạp, George Papadopoulos đã cố thử chuyển từ một nhà chính trị bảo thủ sang một lập trường tự do hóa; điều này dẫn đến cuộc biểu tình của sinh viên trường bách khoa và sự đàn áp đẫm máu cuộc biểu tình này; một phản ứng tiếp theo và Papadopoulos tự do hóa bị thay thế bởi Dimitrios Ioannidis một nhà chính trị cứng rắn. Tại Ác-hen-ti-na, Tướng Roberto Viola kế nhiệm nhà chính trị cứng rắn, Tướng Jorge Videla trong vai trò tổng thống và bắt đầu tự do hóa. Điều này tạo ra một phản ứng trong giới quân đội. Viola bị lật đổ, và thay thế bởi một nhà chính trị cứng rắn, Tướng Leopoldo Galtieri. Tại Trung Quốc, quyền lực tuyệt đối có lẽ nằm trong tay Đặng Tiểu Bình. Tuy nhiên, năm 1987, Đặng Tiểu Bình trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản và bắt đầu mở cửa hệ thống chính trị. Điều này dẫn đến những cuộc diễu hành lớn của sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn vào mùa xuân năm 1989, mà từ đó dẫn đến phản ứng cứng rắn, đè nát phong trào sinh viên, hạ bệ Đặng và thay thế ông bằng Li Peng. Ở Miến Điện, Tướng Ne Win, người đã thống trị Miến Điện trong 26 năm, có vẻ bị cho về nghỉ hưu vào tháng 7/1988 và bị thay thế bởi Tướng Sein Lwin, một nhà chính trị cứng rắn khác. Các cuộc biểu tình và bạo lực ngày càng tăng mạnh đã buộc Sein Lwin phải rời bỏ vị trí sau ba tuần. Người kế nhiệm của ông này là nhà chính trị ôn hòa dân sự và liều lĩnh, Maung Maung, người đã đề nghị tổ chức các cuộc bầu cử và cố thử thương lượng với các nhóm đối lập. Tuy nhiên, các cuộc phản đối vẫn tiếp tục. và vào tháng 9 quân đội hạ bệ Maung Maung, chiếm quyền kiểm soát chính phủ và đàn áp đẫm máu các cuộc diễu hành, và chấm dứt phong trào hướng đến tự do hóa.
Những tình thế tiến thoái lưỡng nan của người chủ trương tự do hóa được phản ánh trong kinh nghiệm của P. W. Botha và Mikhail Gorbachev. Cả hai nhà lãnh đạo này đều đã giới thiệu những cải cách tự do hóa vào xã hội của họ. Botha nắm quyền lực năm 1978 với khẩu hiệu “Thích nghi hoặc chết” và hợp pháp hóa các công đoàn thương mại đen, hủy bỏ luật hôn nhân, thiết lập các khu vực thương mại hỗn hợp, trao quyền công dân cho những người da đen thành thị, cho phép người da đen có quyền làm chủ hoàn toàn đối với các khu thái ấp của họ, giảm mạnh mẽ nạn phân biệt chủng tộc đáng ghê tởm, tăng đầu tư đáng kể vào giáo dục cho người da đen, hủy bỏ luật hạn chế quyền đi lại của người da đen, tạo điều kiện cho các hội đồng cấp địa phương là người da đen trúng cử, và thiết lập các nhà quốc hội có đại diện cho cả người da màu và người châu Á, mặc dù họ không phải là người da đen. Gorbachev mở cửa cho tranh luận công khai, giảm đáng kể nạn kiểm duyệt, thách thức gay gắt quyền lực của hệ thống hành chính quan liêu của đảng Cộng sản, và đưa ra ít nhất các hình thức vừa phải của trách nhiệm của chính phủ đối với một cơ quan lập pháp được bầu cử. Cả hai nhà lãnh đạo này đều đưa ra hiến pháp mới trong xã hội của họ trong đó có đưa vào rất nhiều các sáng kiến cải cách và đồng thời cũng tạo ra vị trí mới và rất có quyền lực cho tổng thống, vị trí mà sau này họ sẽ nắm giữ. Tuy nhiên, có vẻ như cả Botha hay Gorbachev, không ai muốn thay đổi cơ bản trong hệ thống chính trị của họ. Các cuộc cải cách của họ được thiết kế nhằm cải thiện và làm hài hòa nhưng cũng để bênh vực cho hệ thống hiện hành khi đó và giúp làm cho hệ thống đó được chấp nhận hơn trong xã hội của họ. Bản thân họ cũng đã lặp đi lặp lại nói như vậy. Botha không có ý định kết thúc quyền lực của người da trắng; Gorbachev không có ý định kết thúc quyền lực của đảng cộng sản. Là những người chủ trương cải cách tự do họ muốn thay đổi nhưng cũng muốn duy trì hệ thống mà họ đang dẫn dắt và trong hệ thống hành chính quan liêu đó họ đã xây dựng toàn bộ sự nghiệp của mình.
Những sáng kiến cải cách về tự do hóa nhưng không phải dân chủ hóa của Botha kích thích những yêu cầu ngày càng tăng của người da đen Nam Phi về việc tham gia đầy đủ của họ trong hệ thống chính trị của nước này. Tháng 9/1984 các khu ngoại ô của người da đen bùng nổ các cuộc phản đối dẫn tới bạo lực, đàn áp, và việc triển khai lực lượng quân sự trong các khu thị tứ này. Các nỗ lực cải cách cũng đồng thời chấm dứt, và đâu đâu cũng xem Botha nhà cải cách như đã trở thành Botha nhà đàn áp. Quá trình cải cách chỉ được tiến hành lại vào năm 1989 khi Botha bị thay thế bằng F. W. de Klerk. Những cuộc cải cách rộng rãi hơn của Klerk đã bị Botha chỉ trích và dẫn đến việc ông này phải từ chức ra khỏi đảng Quốc gia. Năm 1989 và 1990 các cuộc cải cách tự do hóa nhưng không phải dân chủ hóa của Gorbachev cũng có vẻ như đã khuấy động biến động, các cuộc phản đối và bạo lực ở Liên bang Xô Viết. Cũng như ở Nam Phi, các nhóm nông dân thuộc công xã đánh lẫn nhau và đánh các quan chức trung ương. Thế khó xử cho Gorbachev là rõ rệt. Thẳng tiến tới quá trình dân chủ hóa toàn diện sẽ có nghĩa là không những chấm dứt quyền lực của đảng cộng sản ở Liên bang Xô Viết mà còn rất có nhiều khả năng chấm dứt sự tồn tại của chính Liên bang này. Chỉ đạo một phản ứng cứng rắn trước những biến động đồng nghĩa với việc kết thúc những nỗ lực cải cách kinh tế của ông, những mối quan hệ đã được cải thiện đáng kể với phương Tây, và hình ảnh toàn cầu của ông như một nhà lãnh đạo sáng tạo và mang tính nhân văn. Andrei Sakharov trực tiếp đưa ra các lựa chọn cho Gorbachev năm 1989: “Một sự dở dang giữa chừng trong những tình huống như thế này gần như là không thể. Đất nước này và cá nhân anh đang ở ngã ba đường – hoặc là tăng cường quá trình thay đổi đến mức cao nhất hoặc là cố duy trì hệ thống chỉ huy hành chính với tất cả các đặc tính của nó.”
Ở nơi được thử, quá trình tự do hóa gợi lên ham muốn thực hiện dân chủ hóa trong một số nhóm và ham muốn đàn áp trong các nhóm khác. Kinh nghiệm của làn sóng thứ ba rõ ràng cho thấy là chế độ chuyên chế đã được tự do hóa không là trạng thái thăng bằng ổn định; sự thỏa hiệp nửa vời giữa các lập trường đối lập không trụ vững được.
Tính hợp pháp ngược: đánh bại những nhà chính trị bảo thủ. Việc giành được quyền lực cho phép những nhà cải cách bắt đầu dân chủ hóa nhưng không xóa bỏ khả năng thách thức những nhà cải cách của những nhà chính trị bảo thủ. Các yếu tố của kẻ bảo thủ của cái đã từng là liên minh cầm quyền — nhóm “boongke” theo phe của Franco ở Tây Ban Nha, những kẻ cực đoan thuộc quân đội ở Brazil và các nước châu Mỹ latinh khác, những người theo trường phái Stalin ở Hungary, người canh gác già của lục địa ở KMT, các ông chủ của đảng và hệ thống quan liêu của PRI, phe cánh Verkrampte của đảng Quốc gia — không dễ dàng bỏ cuộc. Trong chính phủ, quân đội và cánh quan liêu của đảng, những nhà chính trị bảo thủ làm việc để dừng lại hoặc chậm lại các quá trình thay đổi. Trong các hệ thống không phải một đảng – Brazil, Ecuador, Peru, Guatemala, Nigeria, và Tây Ban Nha — các nhóm bảo thủ trong giới quân sự cố tiến hành các đợt đảo chính và nỗ lực đánh bật các nhà cải cách ra khỏi quyền lực. Tại Nam Phi và Hungary, các phe cánh bảo thủ tách ra khỏi các đảng có ảnh hưởng chi phối, buộc tội các đảng này là phản bội lại các nguyên tắc cơ bản của đảng.
Chính phủ cải cách cố vô hiệu hóa phe đối lập bảo thủ bằng cách làm suy yếu, làm yên lòng, và cải biến những nhà bảo thủ. Lật ngược lại được sự phản kháng của những người bảo thủ thường đòi hỏi phải có sự tập trung quyền lực trong tay cơ quan thực thi cải cách chính. Geisel khẳng định bản thân ông ta là “kẻ chuyên chế của sự xúi giục” nhằm loại bỏ giới quân sự Brazil ra khỏi chính trị. Juan Carlos thực hành tất cả quyền lực và các đặc quyền của mình trong việc đưa Tây Ban Nha đến dân chủ, không kém quan trọng là trong cuộc bầu cử bất ngờ của Suárez lên chức thủ tướng. Botha và Gorbachev, như chúng ta đã thấy, thiết lập nên văn phòng tổng thống mới và đầy uy quyền cho chính bản thân mình. Salinas ấn định mạnh mẽ quyền lực của ông trong suốt những năm đầu tiên ông này là tổng thống Mê-hi-cô.
Yêu cầu đầu tiên cho các nhà lãnh đạo chủ trương cải cách là làm trong sạch hệ thống quan liêu thuộc chính phủ, quân đội, và khi cần thiết, của cả đảng, thay thế những nhà bảo thủ trong các văn phòng trọng yếu bằng những người ủng hộ cải cách. Điều này thông thường được thực hiện theo cách thức có chọn lọc để không gây ra phản ứng quá mạnh và cũng để thúc đẩy sự phân chia trong nội bộ các cấp bậc của những nhà bảo thủ. Thêm vào với việc làm suy yếu những kẻ bảo thủ, các nhà lãnh đạo cải cách cũng phải cố làm yên lòng và cải biến họ. Trong các chế độ quân sự, những người cải cách lập luận rằng đã đến lúc phải quay lại, sau một giai đoạn chuyên chế cần thiết nhưng hạn chế, với các nguyên tắc dân chủ, những điều cơ bản của hệ thống chính trị của đất nước họ. Theo nghĩa đó, họ kêu gọi cho sự “quay trở về với tính hợp pháp”. Trong các hệ thống chuyên chế phi quân sự, các nhà cải cách cầu khẩn “tính hợp pháp ngược” và nhấn mạnh đến các yếu tố của việc tiếp tục với quá khứ. Ở Tây Ban Nha chẳng hạn, chế độ quân chủ được tái thiết lập và Suárez trung thành với những điều khoản của hiến pháp Franco trong việc xóa bỏ chính hiến pháp đó: không một người nào theo trường phái Franco có thể tuyên bố rằng đã có điều gì đó trái luật về mặt hình thức. Tại Mê-hi-cô và Nam Phi, những nhà cải cách trong PRI và đảng Quốc gia ném bỏ bản thân họ trong truyền thống của chính những đảng này. Ở Đài Loan, những nhà cải cách KMT kêu gọi thực hiện ba nguyên tắc của Tôn Trung Sơn (Sun Yat-Sen).
Tính hợp pháp ngược có hai sự hấp dẫn và hai ảnh hưởng: nó hợp pháp hóa trật tự mới bởi vì nó là sản phẩm của trật tự cũ, và nó hợp pháp hóa ngược trở lại trật tự cũ vì trật tự này đã sản sinh ra trật tự mới. Nó khêu ra được sự đồng lòng của tất cả trừ những người có quan điểm cực đoan đối lập, những người không có giá trị cho cả chế độ chuyên chế cũ trước đó và cho cả chế độ dân chủ mới sau này. Những nhà cải cách cũng kêu gọi những người bảo thủ trên cơ sở là họ đã mua tay trên phe đối lập cấp tiến và do đó đã hạn chế tối thiểu sự bất ổn và bạo lực. Suárez chẳng hạn đã yêu cầu quân đội Tây Ban Nha ủng hộ ông này vì chính những lý do này và thành phần có ảnh hưởng trong lực lượng quân đội đã chấp nhận quá trình chuyển đổi này vì “không có sự bất hợp pháp, không có sự vô trật tự trên đường phố, không có mối đe dọa hiển hiện nào cho sự sụp đổ và phá hoại/lật đổ”. Chắc chắn là những nhà cải cách cũng đã nhận thấy là, như Geisel đã nói, họ có thể “không tiến lên mà không có một vài lần rút quân” và rằng do đó khi có dịp, như vào năm 1977 với “gói tháng Tư” ở Brazil, họ phải nhượng bộ những người bảo thủ.
Kết nạp phe đối lập. Khi đã có quyền lực, những nhà cải cách dân chủ thường nhanh chóng bắt đầu quá trình dân chủ hóa. Điều này thường thông qua các lần hội đàm với lãnh đạo phe đối lập, lãnh đạo các đảng phái chính trị, và với các nhóm xã hội chính và tổ chức chính. Trong một vài trường hợp, các cuộc thương lượng tương đối chính thức đã diễn ra và những thỏa thuận hoặc hiệp ước tương đối rõ ràng đã được ký kết. Trong những trường hợp khác, các cuộc hội đàm và thương lượng thường mang tính không chính thức. Ở Ecuador và Nigeria, chính phủ chỉ định các ủy ban xây dựng kế hoạch và chính sách cho hệ thống mới. Ở Tây Ban Nha, Pê-ru, Nigeria và dần dần cả ở Brazil, hội đồng được bầu ra soạn thảo hiến pháp mới. Trong một vài trường hợp, trưng cầu dân ý được tiến hành để thông qua những thay đổi hiến pháp mới.
Khi các nhà cải cách gạt những người bảo thủ sang một bên ngay trong nội bộ liên minh cầm quyền, họ phải củng cố cho chính bản thân họ bằng việc xây dựng ủng hộ trong nội bộ phe đối lập và bằng việc mở rộng vũ đài chính chị và hấp dẫn các nhóm mới đang trở nên tích cực hơn trên trường chính trị như một kết quả của việc mở cửa. Những nhà cải cách tài ba sử dụng áp lực ngày càng tăng từ những nhóm này về dân chủ hóa nhằm làm suy yếu những nhà bảo thủ, và sử dụng mối nguy cơ về một cuộc đảo chính của những người bảo thủ cũng như sự hấp dẫn của một phần trong chiếc bánh quyền lực để làm mạnh thêm các nhóm trung hòa trong phe đối lập.
Để đạt được những mục đích này, những nhà cải cách trong chính phủ phải đàm phán với các nhóm đối lập chính và đi đến được những thỏa thuận rõ ràng hoặc ngầm với họ. Tại Tây Ban Nha chẳng hạn, đảng Cộng sản nhận ra là đảng này đã quá yếu để theo đuổi một “chính sách đứt gãy tiến bộ” và thay vào đó đã thực hiện một “hiệp ước đứt gãy” cho dù hiệp ước đó “hoàn toàn chỉ mang tính ẩn dụ”. Tháng 10/1977 Suárez giành được thỏa thuận với đảng Cộng sản và đảng Xã hội trước Pactos de la Moncloa bao gồm sự pha trộn của các biện pháp khổ hạnh khá gay gắt về kinh tế và một vài cải cách xã hội. Những cuộc đàm phán bí mật giữa Santiago Carrillo, lãnh đạo chính của đảng Cộng sản, “lợi dụng sự lo lắng của lãnh đạo đảng Cộng sản Tây Ban Nha (PCE) ở gần đòn bẩy quyền lực và đảm bảo ủng hộ ông này trong gói chương trình khổ hạnh.” Tại Hungary, các cuộc thương lượng thẳng thắn diễn ra vào mùa thu năm 1989 giữa đảng Cộng sản và nhóm Bàn Tròn Đối Lập đại diện cho các đảng và nhóm chính khác. Tại Brazil, những sự am hiểu không chính thức được xây dựng giữa chính phủ và các đảng đối lập, nhóm Phong trào Dân chủ cho Brazil (MDB) và đảng Phong trào Dân chủ cho Brazil (PMDB). Ở Đài Loan, năm 1986, chính phủ và phe đối lập đạt đến một thỏa thuận về các giới hạn mà trong đó thay đổi chính trị sẽ diễn ra, và trong một hội nghị kéo dài một tuần vào tháng 7/1990, thống nhất về một kế hoạch đầy đủ cho dân chủ hóa.
Trung hòa và hợp tác bởi phe đối lập dân chủ - sự tham gia của họ trong quá trình như những đối tác trẻ hơn – là quan trọng cho quá trình chuyển đổi thành công. Tại hầu hết các nước, các đảng đối lập chính – như MDB-PMDB của Brazil, những người Xã hội và Cộng sản ở Tây Ban Nha, đảng Tiến bộ Dân chủ (DPP) của Đài Loan, Diễn đàn Dân sự tại Hungary, Liên minh Nhân dân Cách mạng châu Mỹ (APRA) tại Peru, những nhà Dân chủ Thiên chúa giáo tại Chi-lê – đều được dẫn dắt bởi những người ôn hòa và theo chính sách ôn hòa, thỉnh thoảng phải đối mặt với sự khiêu khích đáng kể từ các nhóm bảo thủ trong nội bộ chính phủ. Tóm tắt của Thomas E. Skidmore về những gì đã diễn ra ở Brazil đã chính xác mô tả được mối quan hệ trung tâm này trong các quá trình chuyển đổi:
Cuối cùng, tự do hóa là sản phẩm của mối quan hệ biện chứng căng thẳng giữa chính phủ và phe đối lập. Giới quân đội ủng hộ abertura phải tiến hành với sự thận trọng, vì lo sợ sẽ làm khuấy động những người cứng rắn. Những lời đề nghị của họ cho phe đối lập được đưa ra nhằm lọc ra những thành tố “có trách nhiệm”, do đó chỉ ra là có những người ôn hòa sẵn sàng hợp tác với chính phủ. Cùng lúc đó, phe đối lập không ngừng gây áp lực lên chính phủ trong việc chấm dứt những sự vượt quá giới hạn chuyên quyền của nó, do đó nhắc nhở giới quân đội là sự thống trị của họ thiếu tính hợp pháp. Trong khi đó, những người ôn hòa trong phe đối lập phải nhắc nhở những người tiến bộ là họ sẽ làm lợi cho những kẻ cứng rắn nếu họ đi quá xa. Mối quan hệ chính trị phức tạp này vận hành thành công bởi vì giữa giới quân đội và dân sự có một sự nhất trí trong việc ủng hộ cho sự quay trở lại của một hệ thống chính trị (hầu như) mở.

Hướng dẫn cho những Người Chủ trương Dân chủ hóa 1: Cải cách Hệ thống Chuyên chế

Các bài học chính của các cuộc chuyển đổi của Tây Ban Nha, Brazil và ở nơi khác cho các nhà cải cách dân chủ trong các chính phủ chuyên chế gồm:
(1) Đảm bảo cơ sở chính trị của bạn. Càng nhanh càng tốt sắp đặt những người ủng hộ dân chủ hóa vào các vị trí quyền lực quan trọng trong chính phủ, đảng và quân đội
(2) Duy trì tính hợp pháp ngược, tức là, tạo ra những thay đổi thông qua các thủ tục đã được thiết lập của chế độ phi dân chủ trước đó và đảm bảo cho các nhóm bảo thủ bằng những nhượng bộ mang tính tượng trưng, tuân theo đường lối hai tiến một lùi.
(3) Dần dần thay khu vực cử tri của chính bạn, để giảm sự phụ thuộc của bạn vào các nhóm thuộc chính phủ phản đối sự thay đổi và để mở rộng khu vực cử tri của bạn theo hướng thu hút sự ủng hộ của các nhóm đối lập nhưng ủng hộ dân chủ.
(4) Hãy sẵn sàng là những người bảo thủ sẽ có một vài hành động cực đoan để chấm dứt thay đổi (ví dụ như một cố gắng làm đảo chính) – thậm chí có thể khuyến khích họ làm thế - và sau đó đè bẹp họ một cách không thương xót, cô lập và làm mất uy tín các thành phần cực đoan hơn chống đối lại thay đổi.
(5) Chớp lấy và giữ quyền kiểm soát sáng kiến này trong toàn bộ quá trình dân chủ hóa. Chỉ nên dẫn dắt bằng sức mạnh và không bao giờ đưa ra các giải pháp dân chủ hóa chỉ để đáp ứng lại áp lực trước đó từ các nhóm đối lập tiến bộ cực đoan hơn.
(6) Giữ cho các kỳ vọng ở mức độ thấp về việc thay đổi có thể đi xa đến đâu; nói chuyện bằng ngôn ngữ dưới dạng duy trì quá trình đang diễn ra hơn là dưới dạng đạt được một vài điều dân chủ không tưởng hoàn toàn được trau chuốt.
(7) Khuyến khích phát triển một đảng đối lập có trách nhiệm và ôn hòa, mà các nhóm chính trong xã hội (bao gồm cả giới quân đội) sẽ chấp nhận như một chính phủ thay thế hợp lý và không mang tính đe dọa.
(8) Tạo ra một không khí chung về tính không thể tránh được của quá trình dân chủ hóa để nó được rộng rãi chấp nhận như một con đường phát triển cần thiết và tự nhiên cho dù cho đối với một vài người điều này vẫn còn là một điều ít được mong đợi.


(còn tiếp)



No comments: