Saturday, October 24, 2009

PHỎNG VẤN GS STEPHEN YOUNG về BIỂN ĐÔNG


Phỏng vấn Giáo sư Stephen Young
Thực hiện: Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt
Wednesday, October 21, 2009

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=103004&z=196#

Giáo sư Stephen Young (Hình do Giáo sư Young cung cấp)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/103004-PV%20GS%20Steve%20Young.JPG

Theo tin của đài BBC, vào hai ngày 26 và 27 tháng 11 sắp tới, Học viện Ngoại giao của nhà nước cộng sản Hà Nội và Hội Luật gia Việt Nam sẽ đồng tổ chức một hội nghị thảo luận về Biển Đông, với chủ đề 'Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển Khu vực.
Ngay sau khi tin này được loan tải, Đại sứ Trung Quốc ở khối ASEAN là bà Tiết Hãn Cần lên tiếng khẳng định, rằng những vụ tranh chấp lãnh thổ đối với các hòn đảo trong vùng Biển Ðông là những vấn đề song phương chứ không phải đa phương và sẽ không nằm trong nghị trình thảo luận khi các nhà lãnh đạo cộng sản Bắc Kinh tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN tổ chức ở Thái Lan vào thứ Sáu tuần này.
Giới quan sát nhận định ra sao về tin này, biên tập viên Ðinh Quang Anh Thái của Người Việt đã điện thoại hỏi ý kiến Giáo sư Stephen Young, hiện sống tại Minnesota.

Giáo sư Stephen Young từng là một nhà ngoại giao lão luyện và đã từng làm việc ở Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Ông nguyên là Phó Khoa trưởng Luật khoa của Ðại học Harvard và hiện là Global Executive Director của Caux Round Table, một tổ chức vô vụ lợi chuyên nghiên cứu về tác động của Chủ nghĩa Tư bản vào việc phát triển kinh tế và đời sống các xã hội.

-----------------------------------------------------

ĐQAThái: Giáo sư nghĩ gì về tin Hà Nội sẽ đứng ra tổ chức hội nghị về Biển Đông?
Giáo sư Stephen Young: Thứ nhất tôi ngạc nhiên, vì tôi thấy xưa nay chính quyền Hà Nội rất lo sợ khi phải làm việc gì khiến cho chính phủ và Đảng Cộng Sản Trung Quốc không vui lòng, nhất là về vấn đề ai có chủ quyền ở biển Đông và vấn đề ranh giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thành ra tôi thấy Việt Nam tổ chức hội nghị này là một bước tiến mới lạ. Có thể sau lưng việc này là sự kiện Việt Nam sắp làm chủ tịch luân phiên của Hiệp Hội Các Quốc Gia Ðông Nam Á ASEAN và giới lãnh đạo Hà Nội nghĩ rằng, với tư cách là đại diện khối ASEAN, họ có thể huy động một lực lượng chính trị để bảo vệ quyền lợi của các nước hội viên.

ĐQAThái: Đại sứ Trung Quốc tại Hiệp Hội ASEAN nói rằng, không muốn đưa vấn đề Biển Ðông ra trước Thượng đỉnh ASEAN; theo giáo sư, phải chăng Bắc Kinh e ngại các nước trong vùng như Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines sẽ nêu vấn đề này tại Thượng đỉnh để nhằm áp lực với Trung Quốc?
Giáo sư Stephen Young: Trung Quốc không sợ áp lực nhưng họ cũng sợ mang tiếng và không muốn đưa vấn đề này ra trong một hoàn cảnh có nhiều quốc gia trong vùng phản đối, không đồng ý. Dĩ nhiên, có thể hiểu Trung Quốc không muốn mất mặt. Trung Quốc thích các cuộc nói chuyện song phương để họ có thể đưa ra một áp lực đối với từng quốc gia như Việt Nam, Phi Luật Tân hầu ép các quốc gia này đi theo khuynh hướng và đường lối của Trung Quốc.

ĐQAThái: Trong những năm tháng gần đây, Trung Quốc ngày càng tỏ thái độ ngang ngược đối với khu vực Biển Đông và đặc biệt là những vùng lãnh hải của Việt Nam, họ cho tàu thuyền của họ đánh cướp tàu đánh cá của Việt Nam, bắt ngư dân và thậm chí còn tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa khi lập huyện Tam Sa của Trung Quốc. Theo giáo sư, phải chăng Trung Quốc ngày càng lộ rõ tham vọng bành trướng và muốn trở thành một cường quốc trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương?
Giáo sư Stephen Young: Chắc chắn là như vậy. Bằng chứng quan trọng nhất là sự phát triển của lực lượng hải quân Trung Quốc. Chắc nhiều người Việt Nam có theo dõi tình hình còn nhớ hơn 500 năm trước, vào thế kỷ thứ 15, Trung Hoa không có một lực lượng hải quân hùng mạnh; mãi cho tới thời nhà Minh bên Tầu sang cai trị Việt Nam thì mới có một ông Đô Đốc Trung Hoa là Trịnh Hòa đem một hạm đội đi qua Đông Nam Á, đi qua Phi Châu nhưng rốt cuộc bị triều đình nhà Minh nghi kỵ nên đã buộc phải đưa hạm đội quay về Trung Hoa. Kể từ đó, Trung Hoa chỉ có một lực lượng trên địa thổ mà thôi chứ không có hải quân mạnh trên biển.
Mới đây, trong gần 20 năm qua, chúng ta thấy Trung Quốc đang phát triển lực lượng hải quân, từ hàng không mẫu hạm, đến tàu tàu ngầm, và nhiều loại tàu lắm. Thành ra chúng ta phải tự hỏi tại sao Trung Quốc cần nhiều tàu như thế. Nước nào, hay người nào xài tiền cho cái gì thì cũng có một ý nghĩa, mục đích nào đó. Trung Quốc xây dựng chiến hạm thì họ phải có ý định trong đầu họ rồi. Hiện nay hải quân Trung Quốc có căn cứ ở biển Ấn Độ và Trung Quốc đã lấy Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam và họ lấn vùng biển của Brunei, Mã Lai Á và lấn tới cả Phi Luật Tân nữa. Chưa có một chính phủ Trung Hoa nào mà có lập trường như vậy. Chúng ta phải hỏi là tại sao Trung Quốc vừa phát triển lực lượng hải quân, đồng thời chiếm chủ quyền ở các nơi, các vùng biển này?

ĐQAThái: Tham vọng của Bắc Kinh liệu có đẩy khu vực rơi vào bất ổn và xảy ra chiến tranh giữa Trung Quốc và các nước mà Trung Quốc đang chiếm biển đảo của họ?
Giáo sư Stephen Young: Có thể; nhưng thật sự tôi thấy thế lực quân sự, kinh tế Trung Quốc càng ngày càng mạnh như vậy thì các nước nhỏ sẽ không dám đương đầu với Trung Quốc. Chúng ta có thể kết luận là sẽ không có chiến tranh, mà chỉ có sự bành trướng của Trung Quốc; tại vì các nước nhỏ như Việt Nam không dám cãi lại Trung Quốc. Tôi thấy tương lai có thể sẽ như vậy.

ĐQAThái:
Không lẽ các nước nhỏ so với Trung Quốc như Việt Nam, Brunei, Philippines, Malaysia lại chịu nhục để Trung Quốc muốn làm gì thì làm và dần dần họ sẽ Hán hoá các dân tộc trong vùng hay sao?
Giáo sư Stephen Young: Thì họ phải chịu chứ, làm gì khác được. Vì mấy nước đó đánh một chiến trận với Trung Quốc thì làm sao mà hy vọng thắng được

ĐQAThái: Nếu xảy ra một tình huống nghiêm trọng như vậy thì theo giáo sư, thái độ của chính phủ Mỹ ra sao?
Giáo sư Stephen Young: Tôi nghĩ dân Mỹ lúc đó nếu có hản ứng thì sẽ chống bằng mồm chứ chưa chắc họ sẽ cầm súng để đi đánh Trung Quốc.

ĐQAThái: Chẳng lẽ thế giới ngày nay ở thế kỷ 21 lại khoanh tay nhìn một cường quốc ngang ngược muốn làm gì thì làm đối với các nước nhỏ?
Giáo sư Stephen Young: Chúng ta có học lịch sử thì sẽ thấy là mỗi dân tộc có tự ái đặc biệt của họ; như là người Anh, người Đức, người Nhật Bổn, người Nga, bây giờ người Tàu, khi nào họ vào giai đoạn kỹ nghệ hóa và phát triển về mặt kinh tế thì họ bắt đầu có tham vọng về chính trị. Thời Thế chiến Thứ hai, ông Hitler nói người Đức có phép của Trời để bành trướng cả Âu Châu; người Nhật tự nhận họ là con cháu của Thần Mặt Trời thành ra họ cũng có thể bành trướng ở Á Châu; người Nga với chủ nghĩa cộng sản thì họ muốn tổ chức một khối tất cả mọi nước trên thế giới phải đi theo ý thức hệ của họ; và bây giờ chúng ta thấy Trung Quốc có đủ thế lực về kinh tế, về quân sự nên họ đang đi vào thời kỳ của Anh, của Nga, của Đức, của Nhật Bổn muốn bành trướng thế lực trên thế giới.
Chúng ta phải lo đến một tương lai nghiêm trọng và phải nói chuyện với Trung Quốc ngay từ bây giờ, xem người Trung Quốc muốn đi đâu, tham vọng của người Hán nói chung là gì?

ĐQAThái: Trong thuật ngữ chính trị người ta dùng chữ “Yellow Peril”, có nhĩa là “Hoạ da vàng” muốn ám chỉ họa của người Trung Hoa; phải chăng đây là thời điểm bắt đầu cái “họa” này, thưa giáo?
Giáo sư Stephen Young: Tôi không thích cái từ đó, vi nó có tính cách kỳ thị dân tộc. Chính tôi, tôi thích văn hoá Trung Quốc, tôi phục những thành công của người Trung Quốc, nên tôi không thích những quan điểm kỳ thị chút nào. Nhưng chúng ta có quyền hỏi người Trung Quốc xem họ muốn gì? Vì mỗi người có sự tự do riêng biệt của mình thì không cho phép người khác đàn áp mình; người Việt Nam không được phép đàn áp Trung Quốc mà Trung Quốc không được đàn áp Việt Nam.
Chúng ta làm sao sống với nhau có hoà bình, có lợi mà những cái lợi đó là lợi ích chung. Ðó là lập trường của tôi.

ĐQAThái: Cám ơn giáo sư đã dành thì giờ cho Người Việt.


No comments: